Chương VI

     iệc của mày, thì chính mày phải tự lo liệu lấy chứ? Mày định để cho ai? Nào còn có mấy ngày nữa đâu? Không làm ngay, còn đợi đến bao giờ nữa?
- Được ạ, thầy không phải giục, con biết...
Liêm cau mày khẽ đáp thế một cách khó chịu. Thấy con trai như thế, bà mẹ liền chú ý, và hỏi:
- Mấy hôm nay, anh làm sao thế? Sao mà buồn bã thế?
Liêm cúi đầu không đáp, làm cho bà mẹ phải nói:
- Sắp lấy vợ đến nơi mà lúc nào cũng cứ lử khử lừ khừ y như bị ép duyên ấy! Việc này là tự cậu, mai sau hay dở thế nào thì mặc, chả ai biết đấy là đâu!
Liêm lại đáp một cách cau có:
- Thì nào con có định bắt ai chịu trách nhiệm về việc này đâu!
Thế xong, chàng mới biết mình lỡ lời. Đáng lẽ chàng không nên chưa chi đã thú nhận như thế, nhất là khi mẹ mình cũng không hoan nghênh việc ấy lắm. Giấu diếm và che đậy cái lỗi của mình, há đó chẳng phải là bản tính của con người ta đó sao? Tuy rằng cái việc chàng nay mai kết duyên với nàng đã đi đến cái kết quả dĩ nhiên của nó, nghĩa là sự chán nản, sự buồn bực, sự hối hận nữa, nhưng đó chưa phải là lẽ để cho Liêm bạ với ai cũng than thở tâm sự riêng; dẫu rằng là với mẹ, người thân yêu nhất. Cho nên chàng lại vội nói chữa:
- Con buồn là vì thấy bên nhà gái dềnh dàng, lôi thôi, kênh kiệu lắm, khó chịu lắm. Thật họ không biết điều chút nào?
Do sự kiếm cớ ấy, chàng vô tình lại được thêm một mối bực mình nữa, là nhà gái thách thức những sính lễ và hàng nghi một cách không có cảm tình chút nào nữa. Tóm lấy chỗ ấy, bà mẹ Liêm nói ngay:
- Ấy là cháu cô cháu cậu với nhau đấy! Ấy là có ông phán Hòa nhà ta chủ trương, tin đi mối lại đấy. Giá nhà này mà lại hèn, mà họ là gả gượng, hay là chú rể sứt môi, chột mắt, dốt nát, thì không biết họ còn bắt nạt mình ra làm sao!
Vốn xưa nay chủ trương thuyết dĩ hòa vi quý cũng như đa số của những ông già hiền lành, phúc hậu, cụ ông gạt phăng ngay đi:
- Gớm! Mà sao bà nói dai thế! Dẫu người ta có điều gì không phải nữa, nhưng mà khi bà đã ưng thuận cả rồi, thì bà cứ im đi có được không? Nói lắm, mất cả tử tế, mà không còn ra nghĩa lý gì nữa.
Nhưng bà vợ còn cố nói vuốt một câu:
- Nhưng mà tức lắm, không ai nhịn được.
Liêm đứng lên, hỏi:
- Nào, thầy đẻ có gì bảo nữa không thì nói nốt đi, con còn phải lên gác bận việc đây.
Mẹ chàng đáp:
- Chỉ có thế đấy thôi! Xin cậu nhớ cho! Và liệu đi thì vừa!
- Vâng, vâng con xin nhớ.
Nói xong, chàng quay vào, lên thang...
Ngồi trước bàn giấy, Liêm chán nản nhìn tập giấy có hơn sáu chục bài luận Pháp văn của học sinh mà chàng sẽ phải chữa, để giảng vào buổi học hôm sau. Chàng thở dài, vì mỗi lần chữa bài, chàng thấy khổ sở, như chịu một cái hình phạt trong việc tìm thấy cái dốt nát, cái ngớ ngẩn, những cái xưa kia khiến Liêm đã bao phen được cười no nê, nhưng ít lâu nay chỉ làm cho chàng phát cáu.
Nhìn vào đồng hồ thấy chưa đến 8 giờ, Liêm bèn lấy thuốc lá hút, rồi nằm dài ra giường, sung sướng vì trì hoãn được một việc khó chịu, dẫu rằng chỉ là được nửa giờ nữa mà thôi. Liêm không muốn bận trí nghĩ ngợi về điều gì nữa, nhưng ý nghĩ đen tối vẫn cứ đến...
Chỉ còn hơn năm hôm nữa đã là ngày nghênh hôn. Buổi trưa hôm nay, Liêm đã đi thuê in hai trăm cái giấy báo hỉ. Chàng rất lấy làm phiền về việc ghi chép tên tuổi những người bạn bè ở gần, ở xa, bạn cũ, bạn mới, người trong họ nội, họ ngoại vân vân... Thật là một việc khó chịu là cái việc mời ăn cưới, nó làm cho chàng sợ rằng mời có khi cũng bị ghét, mà không mời cố nhiên bị trách móc. Lại còn vấn đề khó giải quyết là nếu mời người này thì không thể nào lại không mời người khác nữa, mà nếu không mời cả thì lại không xong. Bạn hữu thân, sơ của Liêm rất nhiều. Vậy mà mẹ chàng lại muốn mời có hạn... Đến lúc ấy, Liêm mới kịp triết lý về tình bằng hữu, về sự xã giao. Người này có thân với mình không? Người kia có thể không mời được không? Đó là những câu hỏi khiến Liêm gần hóa loạn óc.
Chàng lại thở dài, vì nhận thấy rằng chàng đương khổ sở, hay là sắp lấy vợ nhưng không sung sướng một chút nào cả; mà nay mai, người ta sẽ xúm quanh mà bông đùa, mà chúc tụng, để cho chàng sẽ phải cứ mỉm cười nhận lấy cả mọi điều một cách giả dối, và, như thế thì thật là một sự vô nghĩa lý không thể tha thứ được! Thì, khốn nạn, nào chàng có phải tội vạ gì cho cam mà lại đến nỗi phải ở cảnh người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm như thế! Nghĩ đến đấy, Liêm nghiến răng căm tức cái vô nghĩa lý mà mình đương chế tạo cho mình.
Chàng lại ngồi lên, ra bàn, quả quyết vứt hết những ý nghĩ mà chàng cho là ti tiện và làm cho chàng chỉ hóa ra tầm thường mà thôi. Liêm giở đến tập giấy bài phải chữa. Nhưng... chàng phải vứt bài vở của học sinh đấy, vì dưới tập giấy có phong thơ, mà đứa ở đã để tự bao giờ không biết. Chàng bóc ra, đọc vài hàng, ngừng lại, tưởng chừng như có thể hóa điên được!
Thôi, thế này thì đính xác hai năm rõ mười rồi nhé? Cái hư hỏng của Quỳnh, của người mà chàng yêu quý nhất đời, của người “mà cuộc đời là một bài thơ” thì có đến Giời cũng không che đậy cho được nữa! Chàng lẩm bẩm: “Biết mà! Biết mà!”. Trong cái đau đớn bất kỳ ấy, chàng thấy một thứ cảm giác kỳ lạ, hình như là cái sung sướng nữa, khi chàng yên trí rằng Quỳnh chẳng là người đoan chính chút nào cả. Tuy nhiên trong lúc tâm hồn khủng hoảng dữ dội ấy, Liêm cũng phải cười nhạt và nhận thấy rằng mình đã sung sướng, ấy chính là vì không phai ngờ vực sự đau khổ của mình nữa, nghĩa là đã được yên trí để khổ sở thế thôi! Cố dằn lòng, Liêm bình tĩnh đọc lại cái thư có hai mảnh giấy một lần nữa, hình như người thất vọng hoàn toàn rồi mà vẫn còn cố sức hy vọng một cách vu vơ, hình như người biết mình đã chết đến cổ rồi mà vẫn còn tưởng có thể sống được nữa...
Thưa ông,
Tôi với ông xưa nay chưa từng quen thuộc nhau, tất nhiên là không có thù hằn, oán ghét gì nhau. Việc ông sắp lấy vợ, nếu chưa chắc làm cho ông sung sướng thì cũng không làm cho tôi đau khổ gì cả. Vậy mà tôi gởi cho ông lá thư này kèm lá thư khác nữa, tin chắc rằng cái thư ấy có dính dáng đến vấn đề hạnh phúc của ông. Xin ông đừng hỏi tại sao cái thư như thế lại lọt vào tay tôi, để tôi lại gửi cho ông; vì đó là sự bí mật, và ông cũng không cần biết rõ cho lắm, ấy là tôi tưởng như thế. Lại xin ông đừng tưởng tôi có lôi thôi gì tới việc bách niên của ông đâu. Tôi chỉ là một khách qua đường, thấy sự bất bình thì dừng chân đứng lại nói... Tôi cũng không mong ông nhớ ơn tôi, nếu ông sẽ cho rằng tôi làm việc này, chính là muốn làm ơn cho ông. Bởi vậy, đáng lẽ cho ông biết rõ tên tuổi và chỗ ở, tôi chỉ ký dưới thư này là:
Vô Danh
Còn lá thư kia kèm vào đây, thì chữ bút chì chính là của Quỳnh, viết nguệch ngoạc trong một lúc hấp tấp. Quỳnh gửi cho ai? Phải, cho ai mà thư lại thế này?
Anh ơi,
Cái tình thế của đôi chúng ta bây giờ là phiền lắm, chằng nói chắc anh cũng thừa hiểu. Ta đã trót yêu nhau như thế, những tưởng trăm năm sum họp, nào ngờ sự đời lại có những nông nỗi như thế này! Trong hai chúng ta, nào biết ai là người có lỗi? Cứ biết rằng ít lâu nay, anh đã khinh bỉ tôi, rẻ rúng cả gia đình nhà tôi, thế thôi. Nếu anh đã yêu người khác mà chán tôi thì tôi cũng sẵn lòng lắm... Ở đời này, sự đoạn tuyệt, sự đành lòng dứt tình chẳng có cái nghĩa đau đớn cho một ai đâu. Anh cứ việc nói phăng ngay ra, để cho tôi yên tâm đi lấy người khác. Không phải anh không lấy tôi thì tôi không lấy được chồng!
Tôi tưởng nói gọn thế là đủ, nói nhiều vô ích...
Lá thư ấy, tuy chữ chính là Quỳnh, nhưng không thấy có ký tên. Cái thông minh của Liêm, trí xét đoán của chàng, vào trường hợp này, đã bị mất hết giá trị. Chàng như một ông quan tòa trước một lá thư khó hiểu của một vụ án bí mật vậy. Dẫu sao đi nữa, người đáng lẽ phải nhận lá thư ấy, không thể nào lại chính là Liêm. Vả lại, nếu Quỳnh gửi cho Liêm, có đời nào thư ấy lại đến tay một người đàn ông khác được!
Sau cùng, Liêm đi đến cái kết luận: xưa nay Quỳnh vẫn có một người tình nhân bí mật, vẫn vụng trộm trong cuộc ái ân bất chính. Nay gần đến ngày lấy chồng, Quỳnh đoạn tuyệt người kia, rồi người kia, chắc là không chịu được, cho nên mới gởi cái thơ ấy lại cho Liêm... Nhưng mà có thể như thế được không? Như vậy thì còn giời đất nào nữa? Liêm nghĩ mãi, nghĩ mãi... Có thể như thế được lắm, vì rằng ở đời này, xưa nay toàn có những chuyện bất ngờ. Chỉ những điều không ai tưởng tượng là xảy ra được thì mới hay xảy ra mà thôi. Còn khi người ta đã ngờ, đã đề phòng, thì không bao giờ nó xảy ra nữa.
Do lẽ ấy, Quỳnh đã có thể yêu một người hoặc nhiều người từ trước khi yêu Liêm. Nếu bảo yêu ai tất phải lấy người ấy, nói thế thì ngớ ngẩn! Nếu ai cũng yêu rồi lấy, thì danh từ “hư hỏng” hẳn không bao giờ còn được nhắc nhỏm ở cửa miệng thế gian! Quỳnh rất có thể, nhất là vào buổi văn minh tân tiến này không có một quan niệm về đức hạnh nữa, hay là có một quan niệm khác, lấy chồng là một việc, có nhân tình là một việc khác, cũng như đa số thiếu nữ Pháp, vào cái thế kỷ phong hóa suy đồi, tả trong cuốn truyện Les demivierges [1] của Marcel Prévost vậy? Sao lại không; giữa cái lúc này là lúc văn minh, là cái thời đại của khiêu vũ, của quần đùi, và của chợ phiên? Và, than ôi cái hư hỏng của Quỳnh đã nức tiếng lắm rồi! Kẻ kia, ke gửi thư kia cho Liêm, thôi hắn được tha hồ khinh bỉ người lấy vợ thừa của hắn! Trước khi lấy vợ, Liêm đã... mọc sừng rồi! Nhục nhã đến thế! Liêm không thể nào chịu nổi nữa! Chàng muốn giết quách ngay Quỳnh đi cho xong! Nếu không, không song được!
Nhưng trong sự rối loạn hắc ám của Liêm đến đây bỗng có một tia sáng. Biết đâu đó chẳng là thư Quỳnh định gửi cho Liêm trong một lúc quá giận, mà cái dòng “để cho tôi yên tâm đi lấy người khác” thì chỉ là lời hăm dọa mà thôi? Liêm phải hỏi cho rõ trắng đen mới được, nếu không, sợ sẽ bị cảnh hiểu lầm. Tức thì, chàng khoác áo, phăm phăm đi xuống...
Đến Hàng Gai, chàng thấy hàng vắng, mà Quỳnh bình yên ngồi đọc một tờ nhật báo. Trông vào trong nhà, may sao lúc ấy không thấy có ai. Liêm, thấy dáng điệu và thần thái của người yêu là không đáng nghi chút nào cả, bèn phải thay đổi cách dò hỏi. Chàng gượng cười mà rằng:
- Thế nào, có gì lạ không em?
- Không ạ.
- Em hình như giận anh lắm thì phải?
Thấy người yêu làm lành, Quỳnh sung sướng, dễ dãi đáp:
- Đời nào em dám giận anh!
- Hình như... hình như em, đã có lần, vì quá giận, định cự tuyệt anh?
Quỳnh ngạc nhiên hỏi:
- Ô hay! Sao anh lại hỏi như thế?
- Em không định như thế bao giờ? Em không định viết thư bao giờ?
Không nhớ đến lúc viết thư hộ người bạn gái là Thanh, Quỳnh nói ngay:
- Chả bao giờ cả! Đời nào thế được!
Liêm thấy nóng cả mặt mũi. Chàng ấp úng:
- Thôi, anh có việc vội, chốc nữa có lẽ anh quay lại...
Rồi chàng rảo gót quay ra đi thẳng, không dám để cho Quỳnh bắt được mình đã biến sắc mặt. Chàng lầm bầm: “Gớm thật, nó lại còn cố tình đóng kịch với mình! Nhưng đã khôn mà không ngoan!”.
Liêm, lần đầu tiên trong đời, đã hiểu rõ cái nghĩa đau đớn. Lần đầu trong đời, chàng không hãm được mấy giọt lệ, giữa lúc đi ngoài đường. Trên con đường về qua những phố xá đông đúc của một tối thứ bảy, chàng thật là cô độc, thật là một mình giữa cái đám thiên hạ tấp nập ngựa xe...
Cái điều không có không được là, cố nhiên Liêm phải giải quyết ngay cái vấn đề này: hoặc lấy, hoặc bỏ. Nếu bỏ thì phải cắt nghĩa cho rõ, phải làm cho rõ tan hoang một phen... Thì ít ra chàng phải làm cho Quỳnh hóa ra mặt dạn mày dầy, cực kỳ nhục nhã mới được! Nhưng mà... như thế, chỉ đến như thế liệu đã hả được lòng căm hờn của chàng hay chưa? Hay là rồi, trong ít lâu, người đời sẽ vội quên khuất ngay đi, để cho người khác sẽ đến xin cưới Quỳnh, để thiên hạ vẫn có nhiều đàn ông lấy đĩ làm vợ, thì hỏi vì cớ gì mà sau này Quỳnh lại không có thể nào sẽ được hưởng hạnh phúc ở cõi thế gian?
Bỏ thì không bỏ.
Phải lấy, cứ lấy.
Lấy thì mới có thể hành hạ, xỉ vả cho bõ cái đau bị lừa dối. Liêm phải cứ lấy Quỳnh! Rồi thì Quỳnh sẽ là một kẻ nô lệ trong tay vo tròn hay bóp bẹp của Liêm, chịu mọi sự rửa hờn của Liêm! “Ừ, nếu nó thoát tay mình, thì nó còn cần gì mình nữa? Thì mình còn làm gì được nó nữa? Mình phải lấy nó, thì thà mình cho nó sống nó được sống, mình bắt nó chết nó phải chết. Nếu bỏ thì thôi, còn gì!”.
Ấy đó là những ý nghĩ của Liêm, khi chàng gọi đầy tớ lên buông màn, và sai nó cầm tập giấy bài vở của sáu chục học sinh, mang trả lại ông giám đốc của trường tư, để thưa thêm rằng ông giáo Liêm mệt nặng, phải nghỉ dạy học độ chừng nửa tháng.
Chú thích:
[1] Những gái tân thời một nửa.