Chương IV

     hưng may, Quỳnh không chết.
Nàng nằm đây kia, thiêm thiếp như người đương say, thân thể phủ kín dưới một cái chăn vải trắng của nhà thương. Người nữ khán hộ, lúc đứng lên đem khay thuốc tiêm đi, đã dặn cụ phán một lần nữa:
- Ấy các quan đã lệnh là phải để cho bệnh nhân được yên nghỉ thật tĩnh độ vài giờ đồng hồ nữa, xin cụ nhớ cho, và đừng hỏi chuyện gì cả.
Cụ phán gật đầu trịnh trọng:
- Bẩm vâng.
Vì lẽ chưa tin hẳn là vợ còn sống, Liêm đến bên đầu giường. Mặt Quỳnh lúc ấy tái nhợt, tưởng chừng như cắt không giọt máu nữa. Liêm để bàn tay trên mũi vợ rồi mới thật là được yên trí, vì chàng nhận thấy một tí hơi thở âm ấm và yếu đuối như của những trẻ mới đẻ. Chàng chưa có một ý kiến gì cả, thì bố chàng khẽ vỗ vai chàng ra hiệu là phải đi ra... Đến chỗ hành lang, nhìn chung quanh thấy lúc ấy vắng người, cụ phán bèn tựa lưng vào tường, khoanh tay lại, hỏi một cách dõng dạc rất đáng sợ:
- Làm sao thế, hở? Mày làm gì mà đến nỗi mới cưới nó được có dăm ngày thôi, mà vợ mày đến nỗi phải tự tử. Đêm qua mày đi chơi đâu cả đêm? Mày chửi mắng đánh đập nó những thế nào. Nó đã làm gì nên tội? Hở?
Liêm đứng cúi mặt, sợ hãi như là chưa từng bao giờ chàng tội con như thế. Thấy con không đáp, cụ phán cho là đồ ngu không hiểu gì, nên phải cắt nghĩa bằng cách mắng thêm nữa:
- Mày có biết thế là làm nhục gia đình nhà mày không? Mày có biết thế là đổ bao nhiêu tiếng ác cho bố mẹ mày không? Mày có biết rồi dư luận của thiên hạ, của họ hàng nay mai sẽ ra sao không? Sao thế? Hở đồ khốn nạn?
Liêm vẫn đứng cúi mặt. Thật là bất ngờ! Nào chàng có dè đâu Quỳnh lại đi tự tử ngay như thế! Nào chàng có nghĩ đâu đến sự nếu vợ chàng tự tử, thì cả một xã hội sẽ nói được vào cái việc riêng của mình như thế! Chàng vẫn tưởng vợ chồng cãi cọ nhau thì chỉ là việc không dính đến ai cả, không ai có quyền bàn tán đến, bởi lẽ đó là sự giật giẻ bẩn trong nhà mà thôi. Vợ chàng tự tử, nếu chàng mà ngờ đến nông nỗi ấy, thì đâu có chuyện! Liêm ngẩng mặt lên, ấp úng:
- Thưa thầy, con thật không ngờ vợ con nó lại tự tử như thế.
Mới nói thế, Liêm đã ngừng lại. Trong óc chàng vừa thoáng có một tư tưởng hoài nghi. Không kịp nghĩ sâu xa, Liêm bèn hỏi ngay bố:
- Hay là nó dọa! Vâng, hay là vợ con nó dọa con, cũng như nhiều đàn bà vẫn dọa chồng xưa nay thôi?
Nghiến răng lại, cụ phán nhìn con trừng trừng, mãi mói nói:
- Nó dọa? Nói lại còn dọa? Hai giờ đêm nó ra đi, rồi bốn giờ, thì nó nhảy xuống Hồ Tây, người ta vớt được nó lên, tháo ở trong bụng nó ra được một chậu nước, đem về đây phải tiêm thuốc hồi sinh mới thoi thóp thở được, mà lại còn dọa! Mày có biết bố mày phải hộc tốc ra đi lúc mấy giờ không?
Liêm ấp úng chối cãi:
- Nào con... có biết đâu lại đến nỗi thế! Con mắng nó qua loa mấy câu, thế thôi. Biết đâu thời buổi này, các cô ấy lại sính đi tự tử như thế!
Lúc ấy, Liêm tức tối lắm, rất thành thực mà nói như thế. Nhưng nói như thế xong, chàng mới được lương tâm đánh thức cho tỉnh ngộ. Thật vậy, không phải ai cũng bỗng chốc mà có thể tức khắc đi nhảy xuống Hồ Tây. Ắt hẳn phải có thế nào, một người mới quyết liều đi tự tử được. Đây kia, nằm đây kia, là một người thiếu nữ mà tội nặng nhẹ thế nào chưa rõ, nhưng đã hủy hoại đời mình một cách thê thảm, vì Liêm. Dẫu sao, chàng cũng phải chịu một phần trách nhiệm vào đấy, cho nên Liêm lại vội chữa:
- Thưa thầy, vâng, con xin chịu lỗi. Dẫu sao cũng là tội ở con. Nhưng việc này là... lôi thôi lắm, cắt nghĩa bây giờ, ở chỗ này, không tiện... Thầy mắng con thì con xin chịu, nhưng con xin thầy hãy để lúc khác, về nhà hãy hay.
Vừa lúc ấy, trông ra vườn hoa của nhà thương, Liêm thấy mẹ chàng và bà phán Hòa tất tưởi đi vào. Vì lẽ sáng sớm, sương còn dày, chỗ nào cũng như có một lượt màn trắng phủ xuống, nên hai người đi đến nơi rồi, Liêm mới trông thấy. Mẹ chàng liền hỏi một cách tự do như ở nhà:
- Thế nào? Sống hay chết?
Cụ phán ông xua tay, khẽ đáp:
- Sẽ mồm chử! May quá, nó sống lại rồi! Bà đừng làm ồn lên...
- Gớm, hỏi thăm mãi mới tìm được buồng! Nào, cho tôi vào xem.
Liêm theo ba người cùng vào. Đến bên giường, cụ phán ông lại dặn:
- Ấy các bà se sẽ chứ, mà không được ai hỏi gì nó vội, vì các quan đã cấm...
Cụ phán bà gật gù cái đầu:
- À, chị ấy đương ngủ... Thôi, thế là may! Rõ phúc đức!
Nhưng bà phán Hòa khóc nức nở ngay lên. Trước bà còn khóc nhỏ, nhưng càng cố nín thì sự nghẹn ngào càng phát to ra. Cụ phán ông vừa khuyên giải vừa mắng:
- Thôi, xin bà... Ô hay! Sao bà dở hơi thế? Thì nó sống chứ nó có chết đâu mà bà khóc? Con dâu tôi, chúng tôi lại không biết thương hay sao!
Bà phán Hòa nói qua những hàng lệ:
- Nó bồ côi sớm, rồi mẹ lại đi lấy chồng, đến nay nó đi lấy chồng, tưởng là yên thân, chưa được một tuần lễ, ngờ đâu nó lại phải tự tử! Thật là người ta giết cháu tôi!
Mẹ Liêm phân bua ngay cũng như mọi người đáo để khác:
- Ấy đấy! Thế có rầy rà không! Nào ai biết cơm sống tại nồi hay cơm sống tại vung! Ấy là vợ chồng lấy nhau thì tôi cho đi ở riêng ngay rồi đấy! Thế mà bây giờ lại đến nỗi tôi mang tiếng là hành hạ nàng dâu rồi đấy!
Điên tiết lên, cụ phán ông cũng quát:
- Thôi, tôi xin cả hai bà! Các bà muốn gây sự với nhau thì đi về nhà, đây không phải chỗ! Thôi, đi về đi! Muốn ở lại đây, cấm nói!
Thế, hai bà mới chịu im. Nhưng bà phán Hòa, nước mắt lã chã... Liêm đứng ngây người ra, lo lắng, biết chừng việc này rồi còn sinh nở ra nhiều sự lôi thôi to. Chàng bắt đầu hối hận.
Đến lúc ấy, trên giường, Quỳnh mở mắt ra. Nàng khẽ cựa quậy, và rút một tay để lên trên cái chăn. Nàng ngơ ngác nhìn mọi người, hai con mắt dại như mắt trẻ mới đẻ... Rồi, hồi lâu, nàng thở dài. Giá dụ lúc ấy không có ai nữa, ắt hẳn Liêm chạy ngay đến, cầm lấy tay vợ mà tha thiết nói: “Anh đây, Quỳnh ơi, anh xin lỗi em!...”.
Nhưng ở ngoài cửa buồng bỗng có tiếng giày khua lên. Rồi một thầy cảnh binh đứng sừng sững nhìn vào, hình như muốn hỏi người nào trong bọn ấy. Liêm chạy ra:
- Thưa ông, ông hỏi gì?
Người cảnh binh hỏi một cách thản nhiên:
- Có giấy đây! Về người đàn bà tự tử ở Hồ Tây đêm qua. Ai là người chồng thì ký vào giấy trát này, rồi đến sở cẩm để quan chánh xét hỏi.
Trừ cụ phán là bình tĩnh, hai bà kia những nghe thấy thể cũng đủ thất đảm kinh hoàng. Cả hai bà cũng nhảy bổ ra, tranh nhau hỏi người cảnh binh không có thắt lưng:
- Sao? Sao thế hở ông?
Liêm đáp:
- Đây là biên bản của Nhà nước thôi, chứ không có hề gì mà sợ.
Người cảnh binh cũng gật đầu:
- Phải, chính thế. Dẫu người tự tử mà chết cũng không việc gì, nữa lại còn sống!
Liêm hỏi:
- Thưa ông, thế tôi phải đến ngay bây giờ?
- Ông nhìn trong giấy xem quan gọi mấy giờ?
- À, vâng, chốc nữa, rồi tôi xin đến đúng giờ gọi.
Nói xong, Liêm ký vào sổ; người cảnh binh đi ra. Tuy đã được người ta cắt nghĩa kỹ đến thế rồi, mẹ Liêm cũng vẫn cứ dặn chàng những điều vô ích và vô ý thức, khiến cho Liêm phải bực mình vì thấy mình bị coi là đồ ngu. Chàng bèn lấy mũ đi ngay, tuy rằng chưa đến giờ.
Tại sở Cẩm, Liêm phải đợi rất lâu và được tiếp rất ngắn. Ông phó Cẩm, một người Tây đã cao tuổi, đầu bạc, râu bạc đã ôn tồn đọc lại cái biên bản về việc Quỳnh tự tử cho Liêm nghe. Rồi ông đưa trả lại cho Liêm, hai lá thư, thư của Quỳnh, một lá thư gửi bố mẹ chồng, một gửi cho chồng, mà Nhà nước đã bóc, đã xét, đã chép nhưng bây giờ, người tự tử may không chết, thì thư ấy không phải đưa ra Tòa án nữa, mà được quay về sự chủ. Liêm phải ký nhận vào một quyển sổ, phải đáp vài ba câu hỏi gọn của nhà chuyên trách, rồi được lệnh cho lui. Lúc Liêm đứng lên đi ra, ông phó cẩm lại bấm chuông gọi. Cho nên ra xong, có người phu xe được viên tùy phái đưa vào. Viên tùy phái ấy bảo Liêm:
- Ấy kia, chính người đã vớt được vợ ông đấy.
- Dạ, thế ạ!
- Ông có muốn thưởng cho nó đồng nào thì nó đấy. Tội nghiệp cho nó chầu chực ở đây từ đêm hôm qua, ở đây chạy sang nhà thương, lại từ nhà thương chạy về đây, bỏ cả công việc làm ăn.
- Vâng, thế tôi xin đợi.
Liêm phải đợi độ năm phút thì người phu xe cũng được ra với một thầy thông ngôn. Người này bảo với người phu xe:
- Thôi, thế là xong hẳn. Anh cứ việc đánh xe ra đi mà làm ăn như thường.
Viên tùy phái mách ngay người phu:
- Đây, ông ấy chờ anh để thưởng cho anh đấy. Anh ấy là chồng người đàn bà đã trẫm mình.
Liêm cũng nói:
- Vâng, bác ra với tôi, tôi xin có thưởng. Nhân tiện bây giờ, bác kéo ngay tôi đến nhà thương thì càng hay.
Từ tòa Cảnh sát phố Hàng Trống cho đến nhà thương Phủ Doãn, người phu xe vừa kéo Liêm, vừa thở, vừa thuật chuyện một cách khó nhọc, nhát gừng:
- Thưa cậu... Con ghếch lên bờ cỏ để ngủ vì hết cả khách, lúc ấy đã ba giờ đêm, trên con đường cổ Ngư... Con đã ngủ được một giấc... nhưng có lẽ Giời, Phật dun dủi chi đó... cho nên tình cờ con thức dậy... Bẩm cậu, số mợ ấy chưa chết... thật quả có Giời trong việc này... Rồi thì... con thấy xa xa... cách xe con độ năm mươi thước... rõ ràng có cái bóng ngồi ủ rũ... lại có tiếng khóc tỉ tê... sụt sịt nữa. Bắt đầu con hơi trợn, tóc gáy đứng dựng lên... tưởng chừng như yêu tinh, ma quỷ chi đó hiện lên trêu con... Về sau... con biết... quả đó là một người đàn bà... dám chắc sắp tự tử... Con đã toan chạy đến ngay... nhưng lại thôi... sợ lúc đêm khuya thanh vắng, mang tiếng hãm hiếp, bóc lột...
- Giá bác cứ chạy phăng ngay lại có phải hơn không!
- Ấy con đã tính như thế... Nhưng con lại nghĩ: ngộ không phải là người định tự tử thì e người ta mắng mình, sợ mình trái luật. Cho nên con phải đi lén lại dần dần... Rồi thấy mợ ấy đứng lên, con vội phải nấp sau một gốc cây... Rồi quả nhiên mợ ấy nhảy xuống đánh ùm một cái thật! Con chạy vội đến, cởi áo cánh ra, trông chỗ tăm nước mà nhảy xuống theo... Con mò... con mò mất một lúc mới nắm được mớ tóc mợ ấy. Đến lúc ôm được lên, mợ ấy đã uống được khối nước! Con vác lên vai, lẳng một vài vòng, nước ở miệng ứa ra vô khối. Nhưng con thấy mợ ấy không thở nữa! Sợ quá... con vội đặt lên xe, chạy về phố Hàng Trống! Giá con nhớ có bót Hàng Đậu thì con chạy về bót Hàng Đậu, nhưng vì họa lại tần ám, quên ngay mất cái bót gần nhất! Về Hàng Trống, các quan khám xét qua loa, lấy những đồ lặt vặt trong túi áo mợ ấy rồi cho một thầy đội cùng con kéo mợ ấy đến ngay nhà thương. Xong con lại phải về bót, đợi mãi cho đến bây giờ.
Vừa nói đến đây cũng là tạm xong, chiếc xe cũng đến cổng nhà thương, Người phu xe đỗ xuống, đứng thở. Cho rằng không cần phải hỏi kỹ hơn, Liêm giở ví ra. Chàng soát lại, thấy chỉ còn được ba đồng. Chàng đưa cả cho người phu mà rằng:
- Đây tôi có tất cả thế này xin biếu bác cả, và cám ơn bác lắm.
Người phu cầm lấy, không biết nói một câu cám ơn, cũng không vòi vĩnh gì thêm. Liêm lấy làm lạ rằng người ấy không đòi hơn nữa, mà còn lại cầm ngay càng xe định đi thẳng. Nhưng chàng hiểu ngay: đối với dân nghèo, số tiền ấy là to lắm rồi! Chàng nghĩ thầm: “Dễ anh ta đứng nán lại, anh ta sợ mình tiếc của mà đòi lại chắc?”.
Thấy chưa cần vào ngay, Liêm đứng lại ngoài cổng, vội lấy hai lá thư ra xem. Lá nào cũng có phong bì đề tên và chỗ ở chu đáo. Một lá như thế này:
Thưa thầy đẻ,
Con về làm dâu nhà thầy đẻ mới được vài bữa nay mà thôi. Con phải chết vì con đau đớn lắm. Con không thể sống được nữa. Nhưng không phải vì thầy đẻ mà con phải chết, mà trái lại, con biết rằng nếu con sống thì thầy đẻ thương con mãi mãi. Vậy con có thơ này, trước là để tỏ với dư luận rằng con chết không phải vì bố chồng ác hay là vì mẹ chồng hành hạ nàng dâu, và sau là để con xin lỗi thầy đẻ.
Xin thầy đẻ rộng lòng tha thứ cho con.
QUỲNH
Còn đây, lá thư để lại cho Liêm:
Anh Liêm yêu quý của em,
Anh ơi, có lẽ em chỉ là một người bạc đức nên không được hưởng lòng chung thủy của anh. Đấy anh xem, ta yêu nhau như thế, đôi ta lấy nhau dễ dàng như thế. Vì tình mà kết bạn trăm năm với nhau, thế còn gì sung sướng hơn nữa? Than ôi, em có hiểu vì đâu mà anh khổ, và làm em đau khổ! Em không ngờ rằng chỉ vì quá yêu anh, quá tin anh, mà em bị anh khinh bỉ, nghi ngờ. Em dám chắc, trước mắt anh, em chỉ là con vợ hư hỏng mà thôi. Anh nghi cho nên anh ghen, anh ghen cho nên anh hành hạ. Em biết cãi thế nào? Khi anh đã nghi em, em biết nói thế nào nữa, nhất là khi anh đã có chứng cớ rằng em là có thể hư hỏng được, vì lẽ em đã quá tin anh? Vả em cũng đã cãi mãi rồi, nhưng anh nhất định không nghe ra, và càng cắt nghĩa thì càng cãi vã nhau, sỉ nhục nhau mà thôi. Em không oán giận gì anh, em chỉ cho em là xấu số, bạc phúc. Và muốn tỏ cho anh tấm lòng trinh bạch của em, em chỉ còn có cách là chết đi, thế thôi. Em chết rồi thì anh sẽ tin rằng em là người đoan chính. Thôi anh ở lại, rồi sẽ lấy một người vợ khác xứng đáng hơn em. Chẳng biết em có lỗi hay không, nhưng em cũng xin lỗi anh, lần cuối củng.
Người vợ không xứng đáng của anh.
QUỲNH
Liêm vội vàng lấy khăn mùi soa ra lau, vì nước mắt chàng đã ứa ra lã chã, trước mặt một đám đông công chúng.