Chương II

     uỳnh sợ hãi lắm, phải cúi gằm mặt xuống.
Quả tim nàng bắt đầu đập rộn, cố nhiên...
- Sao cô lại nói thế? Cô muốn nói cái gì? Hay là cô đã biết rõ cả mọi chuyện rồi chăng? Thật là khó hiểu... - Nhưng may sao là chưa để cho nàng kịp đáp, bà phán Hòa đã lại nói nốt - Thật thế đấy... Cô bảo thì chị nên nghe mới được. Chị có giận, cô cũng đành phải nói. Cô vào bậc cha chú, biết sự đời là gì, đã khuyên bảo thì chị phải nghe. Người ta đã có trầu cau ăn hỏi tử tế rồi, vậy mình lại càng phải giữ giá trị mình lắm, kẻo không người ta khinh cho. Nếu một khi người ta đã khinh được mình rồi thì cái việc ăn đời ở kiếp với nhau về sau là rất khó. Chị nên cẩn thận lắm lắm mới được.
Đến đây, Quỳnh xem chừng lời lẽ của cô chỉ là mơ hồ thôi, nên đã biết đối đáp:
- Thưa cô, con (vào những lúc thân yêu, Quỳnh thường tự xưng là con) có làm gì đáng trách đâu?
Bà phán Hòa giảng giải:
- Nghĩa là cô cứ bảo trước đi là vừa... Chứ nếu lại để xảy ra sự gì rồi, thì còn nói làm gì nữa!
- Con vẫn biết lắm, cho nên con vẫn giữ gìn thận trọng lắm.
- Những khi người ta đến đây thì con đừng nên tiếp chuyện mới phải. Giá con lánh mặt đi thì hơn nữa, nhưng mà lại bận trông hàng! Đã thế, đừng có chuyện trò, đừng có cười cợt với nhau, cái sự ấy đối với người ngoài là khó coi lắm, phải hiểu như thế mới được! Chị không biết chứ những khi cô ở trong nhà mà bước ra cửa hàng mà đã thấy chị với người ta đứng với nhau hàng nửa giờ rồi thì chính cô cũng cứ ngượng cả mặt, chẳng còn biết nói ra làm sao...
Quỳnh khẽ cười nhìn lên hỏi:
- Thưa cô, chả nhẽ anh ấy cứ đứng đấy thì cháu biết làm thế nào? Chả nhẽ anh ấy hỏi điều gì thì cháu cũng không đáp!
- Có khó gì cái sự ấy! Không phải cô dặn chị phải lãnh đạm, phải cự tuyệt người sau này sẽ là chồng của chị. Nhưng mà cái gì cũng nên phiên phiến thôi. Thí dụ người ta hỏi mình độ mười câu mà mình chỉ đáp rất gọn vài ba câu thôi thì người ta dần dần cũng phải hiểu... là không tiện nói chuyện nhiều quá. Chứ lại cũng cứ liên liến, cứ vồ lấy chuyện mà đáp lau láu người ta mãi mãi thì còn nói gì nữa?
- Cháu có liến láu với anh ấy bao giờ đâu nào!
Đến đây, bà phán Hòa đứng lên. Trước khi vào, bà còn giơ ngón tay trỏ, ra một cái lệnh nghiêm trọng:
- Phải giữ gìn đủ mọi đường mới được! Không nói chuyện, cái ấy đã đành, nhưng mà lại phải giữ đừng có bao giờ thư từ gì cho nhau cả, điều ấy cũng lại can hệ hơn! Cấm tiệt mọi sự đấy! Thế chị đã nghe ra chưa? Chị nên biết rằng nếu chị mà không ra gì thì mẹ chị cứ lại mặt tôi mà mắng!
Nói xong, bà phán Hòa vào nhà trong.
Quỳnh mừng rỡ vô cùng, vì đó là chứng cớ hiển nhiên rằng cô ruột của nàng chưa biết một tí nào cả. Như một đứa trẻ ăn vụng không bị bố mẹ bắt quả tang, đã thoát khỏi trách mắng. Thoạt đầu, nàng đã sung sướng một cách ngây thơ... Nhưng cái vui ấy chỉ được có một lúc thôi; nàng chẳng còn là cô gái ngây thơ như trước nữa. Hơn nữa, không những đã 22 tuổi, sau khi phó thác thân thể cho tình lang, cô thiếu nữ ngây thơ bỗng vụt trở nên một người đàn bà! Bắt đầu có trí khôn, Quỳnh đã biết ngay là mình dại. Bắt đầu có một cái lương tâm rõ rệt, Quỳnh đã bị ngay cái lương tâm ấy cắn rứt.
Thế rồi nàng ngồi thừ ra, hai lông mày cau lại, nét mặt đăm chiêu... Không! Nàng không ngờ chính nàng lại táo tợn đến bậc ấy! Có thể như thế được chăng? Không! Không có thể được. Không có lý nào! Vậy mà...
Thôi, thế là xong! Cô đã dặn đừng có thư từ gì với người chồng chưa cưới... thì xưa nay Quỳnh đã thư từ đi lại mãi rồi! Cô đã dặn không được năng chuyện trò với người ấy... Thì nàng đã lẻn nhà đi chơi với người ấy nữa! Cô nàng đã dặn nàng phải giữ gìn, phải thận trọng... thì nàng đã suồng sã, đã hiến cho người tình mất cả chữ trinh!
Nghĩ đến đây, Quỳnh đỏ bừng mặt, tự mình cũng phải hổ thẹn với mình. Trí nhớ của nàng rụt rè trở lại với việc cũ để cho lương tâm nàng sỉ nhục nàng mãi không thôi... Một ít khoái lạc trong giây lát với cơn đau đớn một vài giờ, ấy đó, sự đời, cái sự đời mà người trong sạch đến bậc nào cũng đôi khi bị lòng tò mò thúc giục muốn nếm trải, muốn biết rõ, thì nó chỉ có thế! Thật là bất ngờ! Nàng không bao giờ lại dám tưởng rằng mình có khi phó thác thân thể mình cho một người đàn ông - dẫu là vị hôn phu một cách dễ dàng đến như thế. Nàng không ngờ rằng từ cái hôn nó chỉ là một thứ ân huệ nhỏ mọn, người yêu của nàng lại có thể đi đến cái việc vô cùng hệ trọng cho cả một đời nàng, mà lại dễ hơn là trở bàn tay. Thật ra, nàng nào phải là người hư hỏng, bị sự thúc giục của tuổi dậy thì làm cho hóa ra càn rỡ, cho cam! Trái lại, từ khi bắt đầu yêu, chính là nàng vẫn tự chủ luôn rằng phải cố làm thế nào cho đừng đến nỗi phạm phải cái điều ấy, thế mới lạ! Thì ra cổ nhân đã nói không sai: khôn ba năm dại một giờ. Thì ra đời này, đừng có ai cậy mình khôn mà được.
Nhưng mà đó chưa phải là điều cốt yếu.
Nhưng mà những ý nghĩ vừa qua chưa phải là một phương giải quyết.
Điều cốt yếu là, sự đã thế rồi, thì liệu người chồng chưa cưới của Quỳnh có khinh bỉ nàng hay không! Nếu có, nàng sẽ phải lấy cách gì ra đối phó? Đến đây, Quỳnh lầm bầm: “Không, ta chẳng lo gì cái sự ấy. Một người như Liêm chẳng phải là kẻ yêu ta, được ta rồi lại bạc tình, thì giở mặt với ta...”. Trong lúc lo âu, cô gái nhẹ dạ đã tìm ngay được cách an ủi giản dị ấy. Đó há lại chẳng phải là phương châm cuối cùng của những kẻ có linh hồn yếu đuối như Quỳnh hay sao! Nàng nhớ lại cái thái độ của Liêm từ khi bắt đầu yêu nàng, những ngôn ngữ, những cử chỉ toàn là biểu lộ một tấm tình nồng nàn tha thiết... Và đã mấy tháng nay Liêm không hề thay đổi.
Ấy thế rồi Quỳnh tạm được yên tâm.
Nàng đứng lên, quên ngay cái lỗi tầy đình mình đã phạm phải, và chỉ còn nhớ những lời dặn bảo của người cô ruột: “... mình lại càng phải giữ giá trị của mình lắm, kẻo người ta khinh đi cho. Nếu một khi người ta đã khinh được mình rồi thì việc ăn đời ở kiếp với nhau về sau là rất khó!”. Đó là lẽ phải, đó là sự khôn ngoan.
Quỳnh đứng lên, ra tựa cửa...
Vào lúc ấy, Thanh đi qua, Quỳnh khẽ nghiêng đầu chào, nhưng Thanh cho đó là được mời vào, nên vào ngay tức khắc. Sau mấy câu chào hỏi, thấy hàng vắng, Thanh tỉ tê đem chuyện riêng của mình ra kể, và cũng hỏi Quỳnh về chuyện hôn nhân.
- Thế bao giờ thì cho tôi ăn cỗ đấy?
- Cái đó tùy bên nhà trai, chứ sao chị lại hỏi?
- Thôi, chị thế là an phận, em cũng mừng cho chị lắm. Từ hôm em được biết tin đến giờ, em lại buồn thay cho em. Chị ạ, anh Liêm cứ trông mặt mũi, cũng đủ biết là người đứng đắn, tử tế! Hạng người như thế, dám chắc không khi nào có thể đang tay làm khổ được một người đàn bà... Một cặp vợ chồng như thế, trai tài gái sắc, thế là tốt đôi. Chị nên biết rằng thế là chị được hưởng hạnh phúc ở đời rồi đó.
Quỳnh cúi mặt vì quá sung sướng, ấp úng đỡ lời:
- Chị quá khen!
Thấy Liêm được Thanh khen vắng mặt, Quỳnh bỗng đem lòng yêu mến ngay Thanh. Nàng lại hơi hối hận vì trước kia đã cư xử ra chiều lãnh đạm với người bạn gái của nàng vì đã hiểu lầm trong một thời kỳ nên chưa rõ cái bụng dạ quý hóa... Bao nhiêu sự xích mích nhỏ nhen, bao nhiêu cái ghen ty tầm thường, giữa hai người xưa kia, nay bỗng tiêu tan hết cả. Quỳnh nói đã khéo. Thanh lại khéo hơn. Người ta cứ việc dùng những lời dịu dàng văn hoa ra an ủi nhau quá đáng mà cũng không biết nữa. Và đó là một điều thú vị lắm, dễ chịu lắm; khi người ta xử hòa với nhau một cách ngấm ngầm mà yêu quý nhau một cách công nhiên. Dần dần, trong một lúc cao hứng, Thanh đã đem cả một sự tưởng chừng phải giữ bí mật lắm, nói cho Quỳnh rõ:
- Chị ạ, như em thì em thiết nghĩ không cần gì đời. Em cho rằng đàn bà là được cái địa vị để cho đàn ông phải trọng đã, phải tòng phục... Chứ họ không có quyền gì bắt nạt hay lấn át ai cả! Muốn tử tế thì đây cũng xin tử tế, mà muốn giở mặt thì đây cũng giở mặt ngay cho mà xem!
Quỳnh vẫn không hiểu rõ đầu đuôi ra làm sao, và chỉ biết rằng, trong khi nói những lời ấy thì cặp môi của Thanh cứ cong tớn lên, thế thôi. Nàng cầm cái bút chì cứ nguệch ngoạc lăng nhăng trên bìa quyển sổ viết (một quyển sổ cẩu thả) vừa mỉm cười vừa lắng nghe bạn nói hằn học... Rồi hỏi:
- Thế bây giờ xoay ra làm sao?
- Nó muốn giở mặt, lại ra ý khinh bỉ gia đình nhà em, thì em chỉ còn cách cự tuyệt ngay tức khắc! Chị ạ, em tức quá, chữ em thì xấu, mà em viết thư thì không bao giờ lại được gãy gọn...
Trong một lúc cao hứng cực điểm, không biết mình sắp làm một việc rồ dại, Quỳnh phăm phăm nói ngay một cách nửa thật nửa bỡn:
- Nào, có định thế thật không nào! Để tôi xin giúp một tay!
Thanh không thấy cái ý nghĩa bông đùa trong câu nói ấy, giận dữ kể lại tình cảnh... Nào là hai người yêu nhau đã ngót một năm, rồi người đàn ông có ý chán, dễ thường mê người khác, rồi Thanh cũng có ý thay đổi, muốn đoạn tuyệt, sẵn lòng dứt tình, để có thể cũng được tự do yêu người khác... Cái vấn đề muôn năm giữa phái nam nữ tự do yêu nhau chứ nào có gì lạ đâu! Thuật chuyện xong, Thanh yêu cầu bạn thảo qua hộ lá thư cự tuyệt rất rắn rỏi để cho nàng sẽ theo đó mà chép lại... Thanh khẩn khoản lắm, nói một cách rất đứng đắn nữa, khiến Quỳnh chẳng còn kịp nghĩ xa xôi. Vả lại cái tuổi trẻ là cái tuổi tự đắc, hay khoe khoang. Quỳnh muốn cô bạn có dịp biết rằng nàng cũng là một tay “văn chương” chứ không phải kém!
Thế là nàng xé ngay tờ giấy trắng cuối cùng ở quyển sổ bán hàng, sẵn bút chì, thao thao bất tuyệt thảo ngay một lá thơ. Thanh đọc xong, khâm phục lắm, cảm ơn mãi, và chỉ yêu cầu chữa qua loa một vài chữ. Thanh gập mảnh giấy nhét vào miệng cái gói giấy trong có một cái khăn sa tanh mới may ở Hàng Ngang.
Hai người lại chuyện trò huyên huyên hồi lâu nữa, nghĩa là làm cái việc có thể cho người bề trên sỉ nhục là: “Lúc nào cũng chỉ nói chuyện trai!” mà không biết mình cũng hơi hư hỏng một chút.
Đồng hồ đánh 5 giờ làm cho Thanh sửng sốt đứng lên...
- Chết, thôi xin phép chị, em phải về!
Vừa lúc ấy, có hai chàng “công tử bột” rầm rộ bước vào. Vội phải tiếp khách, Quỳnh không kịp dặn bảo gì người bạn gái. Lúc hấp tấp đi vòng quanh cái quầy hàng để nhường lối cho khách đi, trong một phút lơ đễnh, Thanh không biết rằng cái thư mà Quỳnh viết hộ đã rơi lọt khỏi bọc giấy nhật trình để nằm trên mấy mẩu giấy gói hàng khác, ở một khe tủ... Thanh ra gọi xe mặc cả, gắt với phu xe một hồi, rồi bước lên.
Hai người khách hàng trẻ tuổi, cũng như trăm nghìn thiếu niên khác, vào hàng là cốt để nói nhiều mà mua ít. Một người hỏi xem các thứ nước hoa và một người hỏi mua một hòn bi ve. Xưa kia Quỳnh bị khách hàng bông lơn hay trêu ghẹo cũng đã nhiều, nhưng nàng không hề cho một ai có dịp tóm lấy những lời nàng đối đáp để mà tán ma tán mãnh nhiều hơn nữa.
Nhưng hôm nay, tình cờ Quỳnh lại chịu khó ứng đối, vì nàng sung sướng nghĩ đến Liêm, cho rằng không ai bằng Liêm, mà nếu ai còn dám ghẹo nàng thì nàng cũng trêu lại chơi một phen cho mà xem!
- Thưa cô, cô có nhiều thứ thơm quá, ngần này lọ mà tôi không biết nên mua lọ nào cả thì có khổ không!
- Dạ, bẩm ông cứ việc mua theo cái cần dùng của ông chứ sao!
- Vâng, nhưng mà khó nghĩ lắm. Tôi mạn phép xin cô khuyên tôi lấy thứ nào đây!
- Tùy ông chứ!
- Cái đó đã đành! Lấy ai mà chả tùy tôi! Nhưng mà cô nên khuyên tôi kẻo tôi lầm lẫn. Hiện tôi mua nước hoa là để biếu đàn bà. Vậy cô thử bảo đàn bà họ ưa thích thứ nào? Tôi thì mua thứ nào có thể làm vui lòng người đàn bà?
- Ông nên lấy họ Houbigant [1] này, vì giá vừa phải...
- Bẩm vâng! Biếu thứ này thì làm vui lòng người đàn bà nhận được thứ nước hoa ấy. Nhưng mà còn người đàn bà bán thứ nước hoa ấy thì biết làm thế nào cho người ấy vui lòng hử cô?
Quỳnh cả cười dễ dãi nói:
- Thì ông phải mua thứ nào đắt nhất! Cái này ba đồng tư.
- Vâng tôi lấy cả hai! Vậy cô có bằng lòng cho tôi lấy cả hai không?
- Ông lấy cả hai lọ nước hoa hay là cả hai người đàn bà?
- Ấy chết! Bẩm, cả hai lọ nước hoa ạ!
Người kia (lúc ấy đương chọn bi ve) nói một cách ranh mãnh:
- Vợ cả vợ hai, hai vợ cùng là vợ cả!
Rồi, đánh rơi hòn bi xuống đất, người ấy cúi xuống nhặt, và nhận thấy lá thư gập đôi có chữ “anh ơi” bèn tò mò cầm lên, bỏ vào túi một cách bất lương. Xong rồi, người ấy lại đem chuyện bi ve ra ám ảnh mãi.
- Thưa cô, nhớn tuổi, to đầu như tôi thì nên chơi hòn bi nào?
- Bẩm tùy ông...
- Cô bán hàng tất cô phải hiểu. Con trai sắp lấy vợ thì nên đánh thứ bi nào!
Quỳnh quay lại cười ngây thơ mà rằng:
- Thì người ta cười cho chết!
Liêm, lúc ấy đứng bên ngoài cửa kính đã được ba phút, đã bất bình lắm! Quỳnh của chàng lại cười cợt với mấy thằng khốn nạn kia! Chàng phăm phăm bước vào, cau mặt, đi lại như ông chủ hiệu, tỏ ra mình là người thế nào với cô bán hàng. Cụt hứng, hai anh chàng kia trả tiền và bước ra... ngượng nghịu và khó chịu.
Liêm nhìn Quỳnh trừng trừng làm cho nàng tái mặt, lo sợ về cái tội đã cười với khách. Rồi nàng cúi mặt lẳng lặng vào nhà gọi cô ra trông hàng thay. Liêm phải tươi cười với người mợ họ, để mà tức tối trong lòng, vì Quỳnh không ra hàng nữa.
Nửa giờ sau, Liêm phải chào người mợ, ra đi...
Bữa ấy, trong lòng chàng có một cái tức giận có nghĩa lý hẳn hoi và trăm nghìn mối ghen tuông chưa có nghĩa lý.
Chú thích:
[1] Một hiệu nước hoa có tiếng ở Pháp.