HỒI THỨ SÁU
Tinh cái nhiên, định Hồ thiệt giả
Bàn bút nghiệp, vén Trận tru tiên

     ây nói về Xích Tử, khi nghe sử gia Thompson hỏi nó xem, theo cái thứ nguyên của cái học «vô sư», sở học của nó đã đến đâu, thì cười ha hả. Và đáp rằng:
- Ông muốn khảo cứu về sử ở phương Đông, mà không thấm nhuần tinh thần của người phương Đông, thì làm sao mà hiểu được tâm lý và động tác của những người làm ra sử? Phàm cái gì của phương Đông, nhứt là của Tàu, càng hơn nữa là của Việt, thì là mưu kế, chước, thuật, gian, xảo. Do đó, mà Tôn Tử đặt cái nguyên tắc căn bản là «tri bỉ, tri kỷ». Tri bỉ, ấy là tìm hiểu cho xác những mưu, kế, chước, thuật, gian, xảo của đối phương để tìm những mưu, kế, chước, thuật, gian, xảo hầu đối phó lại. Do cái nguyên tắc tri bỉ này, mà rút ra một nguyên tắc khác là «tàng ẩn», nghĩa là cố giấu thật kỹ, thật nhẹm, chí, tài, đức của mình, không để cho đối phương thấy được. Ông có đọc Tam Quốc Chí chăng?
Thompson đáp:
- Có. Nhưng ông muốn nhắc về đoạn nào?
- Tôi muốn nhắc lại đoạn mà Lưu Bị uống rượu với Tào Tháo. Lưu Bị muốn áp dụng nguyên tắc «tàng ẩn», giấu không cho Tào Tháo biết mình là kẻ «hung hoài đại chí, phúc hữu lương mưu, bao tàng võ trụ chi cơ, thôn thổ thiên địa chi khí». Thế mà bị Tào Tháo biết được gan ruột, thốt ra câu «anh hùng trong thiên hạ, chỉ có sứ quân với Tháo mà thôi». Muốn «tàng ẩn», mà Lưu Bị bị lật tẩy, Bị hoảng hốt, rụng rời, đánh rơi đũa. 
Thompson hỏi:
- Ông Xích Tử nói về cách xử thế của người phương Đông như vậy, có mục đích chi?
- Có chớ? Tôi hết tiền, không chỗ nương tựa. Được ông mời đến đây mà qua một cái Tết trong dồi dào. Tôi cảm ơn ông, mà vi phạm đến nguyên tắc «tàng ẩn» đến hai lượt, và nói đến cái học «hữu sư» và cái học «siêu sư» của tôi. Như vậy là đền ơn cho ông quá xứng đáng rồi. Lẽ nào còn khoe khoang, khoác lác, mà vạch cho ông thấy cái sở học của tôi trong thứ nguyên «vô sư»? Tôi nào phải nạp đơn xin sở làm với ông đâu mà phải kê khai học lực cho đầy đủ để mong có đồng lương cao?
Bữa ăn vừa xong, Thompson mời Xích Tử uống cà phê, đưa hai tài liệu cho nó đọc và nói:
- Xin ông đọc tài liệu này. Tôi sẽ cắt nghĩa vì sao tôi phải cận thận điều tra về học lực của ông.
Xích Tử tiếp lấy đọc. Vừa thấy nó đọc xong, Thompson tiếp:
- Ông thấy trong bức thư của thầy địa lý, có đánh giá sự ếm mồ của cụ phó bảng Huy là một triệu đô la. Ông nghĩ coi. Tôi đây phải mài miệt ở nhà trường, đến hai mươi tám tuổi mới đỗ bằng Tiến sĩ, sáng tác ba bộ sách dày về lịch sử, mà lương mỗi tháng chỉ có một ngàn đô la thôi. Cho tôi làm việc ba mươi năm rồi hưu trí, tôi lãnh vỏn vẹn có ba trăm sáu chục ngàn đô la. Cộng với tiền hưu trí, cao lắm là trọn đời tôi, tôi lãnh nửa triệu. Tôi không hiểu học lực ông thế nào, mà chỉ có làm một công tác nhỏ, ông lại đòi đến một trăm triệu đô la.
Xích Tử cười hả hả đáp:
- Ông thầy địa lý này là một ông nhà quê, thứ nhà quê ở vùng Nam Định, Thái Bình di cư vào, tưởng đâu một trăm triệu đô la là lớn, và suy bụng ta ra bụng người, viết bướng rằng tôi đòi số ấy. Tôi nào có ra giá như vậy bao giờ?
- Vậy chớ ông đánh giá là bao nhiêu?
- Câu chuyện này dài lắm. Vả lại với đầu óc tính toán của ta, ta tính không nổi. Vậy ta đi ngủ cho khoẻ. Ngày mai, ông đem lại một cái máy tính điện tử tối tân, để mỗi lúc cần, máy cung cấp cho ta những con số. Rồi dựa vào những con số ấy, ta nói chuyện.
Thompson đồng ý, bai bai Xích Tử, rồi ra về.
Đây nói về tại nhà Hồ Hữu Tường, khi Xích Tử bước ra chừng năm phút, thì từ ngoài có hòn sỏi ném vào, ở ngoài có bọc một miếng giấy. Lượm giấy mà xem, thì có mấy giòng sau đây:
«Xích Tử vừa bị hãm vào Tru tiên trận. Cần tìm biện pháp để cứu nó. Chị Tập.»
Người hói trán hỏi:
- Chị Tập là ai?
Họ Hồ đáp:
- Là nhân vật tưởng tượng mà tôi xây dựng trong tiểu thuyết để tượng trưng cho hành động bằng quân sự. Từ khi tôi ra tù đến bây giờ, họ dùng tên ấy mà ký, để thỉnh thoảng ném giấy vào nhà tôi. Chị Tập là «họ» vậy. Nay họ mách cho tôi hay rằng Xích Tử bị hãm vào Tru tiên trận. 
- Lại còn Tru tiên trận nào nữa? Trận này có giống như trận mà mấy tháng trước, anh đã mách trên báo chăng?
- Họ nói là Tru tiên trận, nhưng nào tôi có biết là gì, mà bảo giống hay không giống? Để tôi quán tưởng mà chiếm một quẻ.
- Anh chiếm quẻ gì? Quẻ Tiên Thiên của Phục Hi, quẻ Hậu Thiên của Văn Vương, hay Trung Thiên của nhà chí sĩ cách mạng ta là Trần Cao Vân?
- Ấy chết: Trước thềm năm mới, đừng có nhắc tới cái quẻ Trung Thiên của Trần Cao Vân mà có huông bây giờ! Bởi Trần Cao Vân bói theo quẻ Trung Thiên, nên đoán trật, mà cuộc bạo động năm 1916 tổ chức hỏng rồi, mà không đoán được, nên thất bại. Vua Duy Tân bị truất ngôi và đày đi đảo Réunion, còn Trần Cao Vân bị chặt đầu! Tôi có nhạp mang án tử hình rồi, nay nghe nhắc tới quẻ Trung Thiên mà ớn ớn cổ!
Cả bọn đồng cười xòa. Á Trình, với giọng người Bắc, hỏi:
- Chẳng bói quẻ Tiên Thiên, chẳng bói quẻ Hậu Thiên, chẳng bói quẻ Trung Thiên, vậy chớ lão tổ của đạo nói khoác bói quẻ gì?
Hồ Hữu Tường đạo mạo đáp:
- Tôi bói quẻ Thông Thiên!
- Lại là cái gì nữa đó?
- Có gì mới đâu, mà anh làm lạ hỏi. Mục đích của tất cả khoa bói là hỏi mầu nhiệm của trời đất, thông cảm với huyền vi. Còn mai rùa, cỏ thi, bói bài, bói xác cà phê... thảy thảy đều là phương tiện. Chấp cái phương tiện mà xao lãng mục đích ấy là lạc đường. Còn tôi nắm giữ cái mục đích, là thông cảm với huyền vi, ấy tôi bói quẻ Thông Thiên đó.
Á Trình chúm chím cười, hỏi:
- Quẻ Thông Thiên này có từ đời nào?
- Nó có từ muôn thuở. Nhưng có bằng chứng ghi vào sách vở, thì Jésus đã biết dùng rồi!
Cả thảy cùng cười to và người hói trán hỏi:
- Anh dựa vào sử liệu nào mà quả quyết như vậy?
Hồ Hữu Tường hàm tiếu đáp:
- Hồi chín, mười tuổi, tôi đọc Kinh Thánh, đến đoạn quần chúng vây ả giang hồ đòi đánh đập nàng, thì Jésus lúng túng không biết xử trí làm sao mà cứu nàng. Người bèn ngồi xuống, lấy tay quẹt quẹt trên đất mà bói một quẻ «Thông Thiên» tức là làm cái việc mà khoa học ngày nay gọi là viết «écriture automatique» (viết tự động). Ơn trên cho đức Chúa Thánh Thần dìu dắt tay người, mà vẽ đường cho người làm theo. Người đọc xong, đứng dậy nói: «Ai là kẻ chưa từng làm lỗi lần nào, là kẻ mới nên ném đá vào người của nàng ấy». Câu nói lịch sử này, Kinh Thánh còn ghi, nay dịch ra mấy trăm thứ tiếng, cả nhân loại ai cũng biết. Đó là sử liệu làm bằng cho điều tôi quả quyết rằng gần hai ngàn năm trước đây, đã có người biết quẻ Thông Thiên.
- Thôi cha nội ơi! Nói dóc, dầu có sách, cũng dóc vừa vừa. Hãy chứng minh bằng việc làm, rằng anh bói quẻ Thông Thiện được!
Hồ Hữu Tường bèn chìa tay lên bàn, bốn ngón nắm lại, chỉ có ngón trỏ đưa thẳng ra. Chỉ trong năm phút, bàn tay động, run, rồi ngón trỏ chạy nhanh lên bàn viết bài thơ chữ say đây:
«Gia nội khởi can qua:
Thâm tình trá bất hòa
Châu y lâm nhựt nguyệt
Thủy giác tiếu ha ha!»
Á Trình vỗ tay cười lớn! Mấy người kia ngạc nhiên hỏi:
- Cái gì mà anh cười dữ vậy?
Á Trình cười đã, đáp:
- Để tôi bàn bốn câu thơ ấy cho anh nghe, «Gia nội khởi can qua» có nghĩa là trong một nhà mà khởi lên việc chống chỏi, đánh nhau. Gia đình này là gia đình nào? Ấy là gia đình nói khoác của lão tổ là Hồ tiên sinh và thằng Xích Tử vừa đi mất đó. «Thâm tình trá bất hòa». Thâm tình là tình sâu giữa cha con. Lão tổ ta và thằng Xích Tử có tình sâu của cha con, mà giả là chẳng hòa nhau. Tức là nói hai người đánh cuội, mà bịp bọn mình, là bọn khán giả. «Châu y» là kẻ mặc áo đỏ. Đời xưa, khi lâm triều, lính hầu là bọn mặc áo đỏ. Còn vua thì mặc áo vàng. «Lâm nhựt nguyệt» là lên ngồi ngai vua, vì ngai vua có chạm hai bên hai chữ «nhựt nguyệt». Lên ngai vua, đáng lẽ là người mặc áo vàng, nhưng ở đây, lại là thằng lính hầu mặc áo đỏ. Đó là cái tượng nói rằng trong trận đánh cuội này, lão tổ ta thua, mà thằng Xích Tử thắng. Bởi vậy cho nên «Thủy giác tiếu ha ha». Tức cười lắm!
Cả bọn cùng cười. Người đầu hói nói:
- Thôi chúng ta về lo sửa soạn làm lễ giao thừa! Hễ đánh cuội, thì phải hai người. Chớ có một mình ảnh ở trên sân khấu, xem chán lắm
Nói rồi bốn người cùng ra xe mà đi. Có hay đâu những lời nói đùa giỡn tất niên của mình bị máy ghi âm của CIA đặt gần thu hút hết. Nhân viên đặc biệt phụ trách nghiên cứu, khi đem các lời qua tiếng lại mà phân tích, chẳng hiểu các người đối thoại muốn nói gì. Rồi sực nhớ lại mấy tờ thông cáo đã tìm thấy trong túi của những Cộng sản bị bắn chết. Lúc trước nhân viên này cho rằng tờ thông cáo này chỉ là một tài liệu do Cộng sản tạo ra để bêu xấu cho Hồ Hữu Tường thôi, và chẳng có công dụng gì khác. Nhưng, nay lại có những ngẫu nhiên kỳ lạ. Cùng chung một vấn đề phản khoa học là vấn đề địa lý, hai cái tên là Lê Xích Tử và Hồ Hữu Tường lại gặp gỡ nhau. Hồ Hữu Tường có bề ngoài là một nhà khoa học. Nhưng biết đâu hắn ta lại rành về những khoa học bí truyền, như khoa địa lý? Bằng cớ là hắn biết bói theo quẻ Thông Thiên! Bằng cớ là hắn đề cập đến Tru tiên trận! Những hoài nghi ấy làm cho nhân viên nọ khó thế bỏ qua, bèn điện thoại lên thượng cấp. Khi Thompson rời Xích Tử về tới nhà, thì được điện thoại cho biết những thắc mắc của CIA về vấn đề của Hồ Hữu Tường. Thompson đáp:
- Lẽ tất nhiên là cần nói chuyện với họ Hồ. Nhưng người này ai cũng biết, ta chớ nên làm ngang mà náo động dư luận. Vả lại hắn với tôi là chỗ quen biết. Để sáng mai, tôi đích thân đến nhà hắn mà chúc Tết, rồi tôi mời hắn đi chơi một vòng, dắt hắn đi gặp Xích Tử, cho hai bên đấu lý nhau. Tôi ở giữa ngồi nghe, ắt rút nhiều điều hay. Ngao cò tranh nhau, tôi làm ông câu, tôi đoạt lợi.
Mồng một Tết, vừa sáng sớm, Hồ Hữu Tường vừa thay đồ xong, chưa kịp điểm tâm, thì có Thompson đến xông nhà, vừa cười vừa nói:
- Mồng một Tết mà Hoa Kỳ đến xông nhà ông thì không cần nói ra, ấy là đã chúc cho ông phát tài. Và tôi sở dĩ đến sớm, là vì muốn mời ông đi dùng điểm tâm mà nói chuyện đầu năm. Xin ông dặn người nhà chớ chờ ông dùng cơm trưa.
Họ Hồ sửa soạn cùng đi. Thompson lái xe đến chỗ giam lỏng Xích Tử, chào hỏi xong xuôi, phân ngôi, vừa dùng điểm tâm, vừa nói chuyện. Họ Hồ nói:
- Cậu em này hôm qua ở nhà tôi, vùng biến mất. Sao lại mắc kẹt vào Tru tiên trận này?
Xích Tử cười đáp:
- Đó là một cái biến nhỏ trong nghề nghiệp, đối với cháu. Còn đối với bác, ấy là cái bút nghiệp.
Thompson cười mím chi hỏi:
- Đạo Phật nói có ba nghiệp là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Nay ông Xích Tử thêm cái bút nghiệp nữa. Chẳng hay cái bút nghiệp ấy là cái gì?
Xích Tử cười ngon lành đáp:
- Vốn bác mang danh họ Hồ đây, và tôi xin nhấn mạnh rằng tôi gọi bác mang danh họ Hồ, để phân biệt với bác Hồ ngoài Bắc...
Thompson chận ngang hỏi:
- Tại sao có chuyện kỳ quái ấy? Bấy lâu nay tôi cứ tưởng ông Hồ Hữu Tường đây là họ Hồ thiệt, họ Hồ do ông cha truyền lại và có ghi vào khai sanh. Và tôi cũng đinh ninh Hồ Chí Minh ngoài Bắc là họ Hồ giả, bởi ông ta là con của phó bảng Nguyễn Sinh Huy, tên thiệt là Nguyễn Tất Thành chớ!
Xích Tử lại cười dòn nữa và đáp:
- Xin lỗi sử gia, cái hiểu biết của sử gia ấy chỉ là cái biết phiến diện. Đã đành bác đây có tờ khai sanh họ Hồ, song ông nội của bác, là Hồ Văn Điểu, là một người con nuôi, do một người đàn bà không rõ tên họ, ẵm lại mà cho ông Hồ Văn Phi. Vậy, họ Hồ của ông Hồ Văn Điểu là một họ mượn, có chắc gì chính là họ của thân sinh ra ông? Họ của ông Hồ Văn Điểu không chắc là họ Hồ thì họ của người cháu nội là Hồ Hữu Tường làm sao chắc là họ Hồ được? Vì vậy mà tôi nói rằng ông mang danh họ Hồ, là tôi đứng trên lập trường vững chắc của khoa học, chẳng hay bác Hồ Hữu Tường nghĩ sao?
Thompson chúm chím nhìn họ Hồ nhổ râu dưới cằm, một chặp lâu rồi họ Hồ mới đáp:
- Cái logique của cháu thật quá khít khao. Nhưng biết đâu chừng lời của người đàn bà cho con là lời thật?
Xích Tử đáp:
- Chúng ta sống trong thời khoa học. Việc nào ta suy luận không nổi, ta nhờ máy tính điện tử. Đối với vấn đề họ của ông Điểu, chúng ta có thể lập nhiều giả thuyết. Giả thuyết thứ nhứt, là ông Điểu không phải là họ Hồ, mà là họ Đỗ, họ Lê, họ Đoàn, họ Nguyễn gì đó. Nhưng người đàn bà ẵm lại cho, thấy ông Phi là họ Hồ, mà muốn cho ông Phi cưng con mình, nên nói là họ Hồ. Bởi vì có là họ Hồ, hay không phải là họ Hồ, đứa nhỏ sẽ cũng lấy họ Hồ... Còn giả thuyết thứ hai dựa nơi cái huyền thoại của thầy Quảng, gần trăm năm sau, mới nêu ra rằng ông Điểu là con của Hồ Quang Thiệu. Hoặc giả, thầy Quảng nói một sự thật, mà không thêu dệt. Hoặc giả thầy Quảng làm như Bạch Liên giáo hồi xưa bên Tàu, muốn kết tinh phong trào phản Thanh phục Minh, mà đem một đứa nhỏ là Vương Phát Sanh mà rêu truyền là họ Châu, con cháu của Châu Nguyên Chương là người sáng lập nhà Minh. Đến như việc Hồ Quang Thiệu, thì hoặc giả là Hồ Quang Thiệu này là con đẻ của Quang Trung và Ngọc Hân, hoặc giả Quang Thiệu thiệt đã chết, rồi bốn mươi mấy năm sau, có người đặt ra cái huyền thoại để bịp thế nhơn chơi... Ngần ấy giả thuyết, ông sử gia chịu khó nhờ máy tính điện tử toán ra coi số cái nhiên (probabilité) của sự bác Hồ Hữu Tường thật sự là họ Hồ được bao nhiêu?
Thompson gật đầu cho là có lý. Rồi rời ghế, lại máy tính điện tử mà bấm nút cho máy chạy. Trong khoảnh khắc, từ trong máy lọt ra một tấm giấy cứng, ghi con số 0,05. Thompson cầm đưa cho Hồ Hữu Tường và Xích Tử xem và nói:
- Số cái nhiên chỉ có năm phần trăm. Nói một cách khác, ông bạn tôi là Hồ Hữu Tường đây, đến chín mười lăm phần trăm, là họ Hồ giả. Còn chỉ có năm phần trăm là họ Hồ thiệt.
Hồ Hữu Tường bị Xích Tử đánh bằng một chưởng nguyên tử, nghe ớn xương sống. Xích Tử thấy họ Hồ méo mặt, bồi thêm một chưởng nữa rằng:
- Hồ Hữu Tường, như máy tính điện tử vừa chứng minh, chỉ có số cái nhiên là năm phần trăm là họ Hồ thiệt. Còn Hồ Chí Minh ngoài Bắc kia, mới thiệt là họ Hồ, với số cái nhiên một trăm phần trăm.
Thompson nghe, rất hào hứng nói:
- Nẩy giờ, tôi chờ ông Xích Tử giải cho tôi nghe về chỗ ấy!
Xích Tử nói:
- Điều này, không cần phải chứng minh bằng máy tính điện tử. Nguyên từ đời Ngũ Quí, bên Tàu loạn lạc, Hồ Hưng Dật sang qua ở Nghệ An. Gần năm trăm năm sau, con cháu họ Hồ rất đông ở vùng này. Một người con họ Hồ vào làm con nuôi cho họ Lê, trong con cháu có Lê Quí Li lên làm vua, cải họ lại và là Hồ Quí Li. Mấy trăm năm sau nữa, trong lúc Trịnh Nguyễn phân tranh, một số người họ Hồ bị bắt dời vào Qui Nhơn. Rồi mấy trăm năm sau nữa, có một đám anh em họ Hồ dấy nghĩa ở ấp Tây Sơn, nhưng cải họ lại làm họ Nguyễn. Ấy là ba anh em Nhạc, Huệ, Lữ.
Thompson chận ngang hỏi:
- Vì sao họ cải họ như vậy?
Xích Tử đáp:
- Ông hãy lấy giấy mà ghi câu hỏi đó, dành sau sẽ hỏi. Bây giờ, để tôi nói một mạch cho xuôi dòng tư tưởng của tôi. Cũng trong thời ấy, ở đất Nghệ An, trong đám hậu duệ của Hồ Hưng Dật, có một người tên là Hồ Sĩ Quí. Người này, cũng như phần đông của con cháu Hưng Dật, có tư chất thông minh, nên học giỏi, và lớn lên, sống bằng cái nghề đã làm rạng rỡ danh tiếng của tỉnh Nghệ An, là nghề làm ông đồ. Trong khi đọc sách để chuẩn bị đi thi, thì Sĩ Quí đi dạy học ở phủ Vĩnh Tường. Trong nhà quan phủ có đứa con gái tuổi đã cập kê, nên quan phủ không cho Sĩ Quí trà trộn vào tư thất mà tổn thương tới gia phong, nên để cho ông đồ ta mở lớp ngoài hành lang, trước nha môn. Một hôm, vào lúc trưa, học trò thảy về nhà ăn cơm, ông đồ ngồi một mình mà ngó mông. Tiểu thơ của quan phủ thấy vắng người bèn ra trước sân, mà ngắm sen mọc ở trong hồ. Thấy có hoa đẹp, nàng bước vào hồ mà hái. Bởi sợ ướt váy, vì thời ấy đàn bà con gái Việt Nam không mặc quần như bây giờ, mà thảy mặc váy, nên nàng xăng váy lên khỏi gối. Ông đồ nhìn lên mặt nước, mặt nước phẳng lặng, phản chiếu cho ông đồ ta thấy cái ấy ấy ấy ở trong váy của nàng, bèn tức cảnh sanh tình, mà đặt hai câu thơ chữ sau đây: «Phong tiền lạn mạn, hoa sanh sắc; Thủy diện, vi mang, bạng thổ thần».
Thompson chận ngang bằng một cái dấu, còn họ Hồ ngồi cười chúm chím. Thompson hỏi:
- Hai câu thơ chữ này nghĩa làm sao?
Xích Tử cười đáp:
- Từng tuổi tôi, tôi chỉ cắt nghĩa được nghĩa đen. Nghĩa ấy là: «Trước gió sặc sỡ, hoa sanh màu sắc. Trên mặt nước mờ mờ, con trai thè lưỡi ra». Còn nghĩa bóng của nó làm sao, có lẽ ông phải nhờ học giả họ Hồ cắt nghĩa.
Bị gài vào cái thế chẳng đặng đừng, họ Hồ nổi dóa, mà không thể chối rằng không biết, nên nói:
- Câu trước, mượn ý tả hoa sen phơi màu sắc trước gió, mà tả cái đẹp của gương mặt của tiểu thơ. Còn câu dưới, nói rằng dưới nước chập chờn thấy con trai thè lưỡi, ấy là tả... Khó nói quá. Họa may, ở xứ ông, có bác sĩ Kinsey mới dám nói trắng trợn.
Thompson cười to lên, nói:
- Tôi hiểu rồi! Lựa là bác sĩ Kinsey mới dám nói! Ông đồ muốn tả cái ấy ấy ấy giấu dưới váy của cô tiểu thơ. Rồi sao nữa?
Xích Tử tiếp:
- Đặt được hai câu thơ, ông đồ lấy làm thích, bèn lấy giấy bút mà viết rồi dán lên vách, với dụng ý cho tiểu thơ đọc thấy. Quả nhiên, khi hái hoa xong, tiểu thơ bước khỏi hồ để vào trong, thì chợt nhìn thấy hai câu thơ, đọc xong, hiểu rằng ông đồ ta có máu 35.
Thompson chận ngang, hỏi:
- Trong y học, có thứ máu nào mà có số là ba mươi lăm? 
Nhịn cười không được, Hồ Hữu Tường bụm miệng cười cho đã, rồi cắt nghĩa:
- Tiếng Việt tế nhị lắm! Bởi vậy cho nên ông Lê Ngọc Trụ dựa vào đủ thứ tự điển, từ nguyên, mà suốt mấy năm nay, làm không xong bộ tầm nguyên tự điển của tiếng Việt. Bởi vì, nguồn gốc của ngôn ngữ Việt không phải chỉ ở ngôn ngữ học. Tiếng Việt bắt nguồn ở đủ các ngành hoạt động của loài người. Như ở đây, nó bắt đầu đâm manh nha trong ngành cờ bạc, trong một môn cờ bạc, là đề ba mươi sáu con, mà trong ấy, số 35 là số của con dê. Thứ nữa, nó đâm manh nha trong một hoạt động của phái đực là sự o mèo. Hễ trong phái đực, mà cậu nào thấy gái thì thèm, thì người ta gán cho cái nhãn hiệu là dê, bởi vì con dê xồm là con thú thấy cái là mê tít. Vậy kẻ có máu 35 là kẻ hễ thấy gái là thèm nhểu nước miếng.
Thompson cũng cười, rồi bảo Xích Tử kể tiếp. Xích Tử nói:
- Tiểu thơ biết vậy, bèn nghĩ ra một cách, vừa mắng thầy đồ chơi, vừa thử tài thầy đến bực nào. Nàng vào trong, lấy giấy bút mà viết hai đoạn thơ Nôm, sai trẻ đem ra dán hai bên trước sau của hai câu đối thầy đồ. Mà cả thảy thành bài thơ sau đây:
«Thầy đồ là người lài bộ,
Quảy cầm thơ đến giáo thọ phủ Vĩnh Tường,
Trước nha môn thiết một học trường,
Dạy giăm đứa chi, hồ, giả, dã.
Nhơn lúc thầy đồ nhàn hạ, 
Ra trước sân xem ả hái hoa,
Ả hớ hênh ả để đồ ra: 
Đồ trông thấy đồ, ngâm nga tức khắc,
Phong tiền, lạn mạn, hoa sanh sắc, 
Thủy diện, vi mang, bạng thổ thần.
Đồ ngâm rồi, đồ đứng tần ngần, 
Đồ nọ tưởng đồ kia, thêm thắc mắc. 
Suốt năm canh, đồ nằm khôn nhắp,
Những mơ màng, đồ nọ tưởng đồ kia.
Đồ đầu gặp gỡ làm chi?»
Xích Tử ngâm thơ vừa xong, Hồ Hữu Tường nói với Thompson rằng:
- Ông bạn muốn thưởng thức hết giá trị của bài thơ này, thì hãy nhớ rằng theo tiếng địa phương của vùng Nghệ An, thì đồ là cái ấy ấy ấy của đàn bà, con gái.
Thompson cười nói:
- Thú vị lắm! Rồi sao nữa?
Xích Tử đáp:
- Ông đồ đọc hết bài thơ, biết tiểu thơ chế nhạo mình như là cái đồ của cô, mà không biết làm sao mà đối lại. Nên thẹn lắm, ngay đêm ấy dọn đồ đi mất. Ông rời phủ Vĩnh Tường, mà vào tận Hà Tĩnh, mở lớp dạy học ở một nhà khá giả họ Nguyễn. Họ Nguyễn này có một cô gái tuổi vừa mười tám, văn chương không sắc sảo bằng tiểu thơ phủ Vĩnh Tường, nên mê tài ông đồ. Hai người chùn lén nhau. Nàng vừa có mang, thì Hồ Sĩ Quí gặp Nguyễn Huệ trẩy quân ra Bắc. Bèn từ giã người yêu, mà theo phò Nguyễn Huệ. Và từ ấy không cơ hội ghé qua Hà Tĩnh. Đủ chín tháng mười ngày, một đứa nhỏ chào đời. Bởi không dám khai cha là ai, nên đứa nhỏ lấy họ mẹ là Nguyễn. Truyền nói đến đời thứ tư, ấy là ông phó bảng Huy, thân sinh của Hồ Chí Minh đó. Vậy, tuy là họ Nguyễn, song Tất Thành vốn là họ Hồ. Và khi cướp được chính quyền năm 1945, Tất Thành lấy lại họ Hồ, cũng như ngày xưa Quý Li bỏ họ Lê mà trở về họ Hồ vậy.
Thompson gật đầu cho là phải. Và hỏi:
- Còn ông nói bút nghiệp, là làm sao?
Xích Tử đáp:
- Bút nghiệp, là cái nghiệp do ngọn bút mình tạo ra vậy. Ví dụ ông Hồ Hữu Tường đây dùng ngòi bút của mình mà tấn công, mà chế nhạo Hồ Chí Minh, một ngày kia, rủi mà lọt vào tay Hồ Chí Minh, thì Hồ Chí Minh sẽ ra lịnh mổ bụng mà dồn trấu vào, như năm 1930, hương quản Trâu ở chợ Bưng đã bị vậy.
Điểm tâm xong, Thompson mời lại ngồi ghế bành mà tiếp tục nói chuyện. Và khi ngồi xong, thì hỏi:
- Ông Tường, ông có sợ bị mổ bụng dồn trấu vào không?
Họ Hồ cười đáp:
- Trừng phạt ấy là ghê sợ, đối với người xem. Song đối với kẻ bị hành phạt, không có gì là đáng sợ. Bị trói vào một cái học, bành bụng ra, một cái dao bén rọc một cái, ruột gan bị moi ra... thì đã chết mất rồi, còn gì mà sợ nữa? Ông không thấy người Nhật khinh thường cái chết đó, mà hễ có gì bất bình là harakiri, cũng như các nhà sư Việt tự thiêu sao? Ngô Đình Diệm đã tế nhị hơn, nên mặc dầu kêu án tử hình tôi, không đem ra mà bắn cái bùm, hoặc chặt cái bụp, mà dùng cái chết mòn để làm cho tôi sợ. Nhưng tôi cũng chưa sợ thứ chết mòn của Ngô Đình Diệm. Tôi thật tình sợ thứ khác, mà không dám nói ra đây, sợ e lọt vào tai của Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ Cộng sản biết rồi, thì khi tôi rủi mà lọt vào tay hắn, thì tôi sống làm sao nổi với hắn?
Thompson nói:
- Tôi cũng không đòi hỏi cái bí mật của ông làm chi. Tôi chỉ muốn biết do cái bút nghiệp nào mà ông bạn tôi đây mắc vào cái Tru tiên trận, mà chính tôi chưa thấy ông bước vào?
Xích Tử cười đáp:
- Cái nghiệp này, quả là cái «nghiệp tiên thiên» như bác Hồ đây đã viết trong một bài «Trầm tư». Ông sử gia vốn biết là trước đây, ông cử Phan Văn Trị là một nhà văn nổi tiếng, thường dùng ngòi bút của mình mà chóng báng chê bai những kẻ đầu hàng thực dân, cộng tác với Pháp, mà điển hình là Tôn Thọ Tường. Đến tuổi già, ông cử Trị về ở làng Nhơn Ái, thuộc tỉnh Cần Thơ, cách làng Thường Thạnh không bao xa. Đến năm canh tuất (1910), ông từ trần. Nhưng bút nghiệp đã gieo, hồn của ông cử Trị không được tiêu điều đến cảnh an nhàn, mà phải nhập thế. Hồn ấy thấy ở làng Thuờng Thạnh có đứa nhỏ sắp ra chào đời, bên đầu thai vào. Sanh ra là bác Hồ Hữu Tường đây. Vừa lớn lên, có một vị đạo sĩ, nhìn đứa nhỏ, biết nó đã vướng cái «nghiệp tiên thiên», nếu để nó trầm luân vướng vít trong cái nghiệp cầm bút này, e nó khổ sở, bèn bày ra cái huyền thoại «KẾ THẾ», gạt nó rằng nó là hậu duệ của Quang Trung, dòng dõi của Quang Thiệu, có cái sứ mạng sáng khai «Minh Đạo», mà cứu đời, độ thế, mở cửa cho ngươn Thanh bình. Cốt yếu là dụ cho nó lên núi mà tu, may ra, dõi theo đường tu hành, nó không dấn thân vào cái nghiệp cầm bút. Nào dè đâu cái «bút nghiệp» tiên thiên quá nặng, mà đạo sĩ thì sức mầu kém, không được huyền năng của bà Quan Âm, cho nên Tôn Hành Giả của thế kỉ XX này, tuy không bị đè dưới Ngũ Hành Sơn ngót năm trăm năm, mà chỉ bị cái bút nghiệp tiên thiên của một đời ông cử Trị, Tôn Hành Giả ta không được độ. Hồ Hữu Tường không chịu đi tu, lại dấn thân vào đường mài bút, luyện văn, đọc sách. Suốt hai mươi lăm năm, không tu luyện theo đường đạo đức, họ Hồ luyện chữ, tu văn, không khác nào con khỉ thời xưa luyện thất thập nhị huyền công để náo thiên cung. Gặp thời loạn ly, kẻ thân Nhựt, thân Cộng, thân Pháp, thân Nga, thân Tàu, thân đủ thứ cả mà chẳng thân Việt, mọc lên như nắm, cái phức cảm «cử Trị ghét Tôn Thọ Tường», nằm trong cái nghiệp tiên thiên, nó ám ảnh họ Hồ mãi, khiến họ Hồ luyện những lời cay đắng, châm biếm, trào lộng, chống báng mà ném lên văn đàn. Bọn «Tôn Thọ Tường» của thời này, chẳng những bị làm đối tượng của họ Hồ, mà đến những bè bạn gần nhứt, cũng không được ngọn bút của họ Hồ dung tha. Một ông bạn là Trần Văn Hương, vừa leo lên ghế thủ tướng, thì họ Hồ mượn câu bất trí bất nghĩa mà trù ẻo. Đến như người, chẳng những thân nhứt, mà còn là kẻ có ơn nhứt cho họ Hồ, vì đã đứng ra bảo lãnh để kéo họ Hồ ra khỏi vòng tử tội, thì họ Hồ lại viết lên báo là người ấy «thả diều». Họ Hồ lại còn kiêu ngạo, ở nhà tại đường Phan Văn Trị, ấy là có dụng ý tuyên chiến với tất cả những Tôn Thọ Tường thời nay. Hỏi vậy, cái tư thái kiêu ngạo ấy có ai ưa được không? Nếu ở xứ này mà có một viện Galup, để điều tra dư luận, và nếu viện này đặt câu hỏi: «Có ai ưa họ Hồ không?» thì tôi dám quả quyết rằng chẳng một ai trả lời rằng ưa cả!
Thompson hỏi:
- Ông bạn tôi lại bị người ta ghét đến chừng ấy sao?
Xích Tử đáp:
- Ông không tin, thì cứ hỏi ngay bà vợ nhà của ông ấy! Không tìm ra đối tượng xã xuôi để châm biếm, chế nhạo, trào phúng, thì ông bắt vợ nhà ra mà làm đối tượng, để từ sáng tới chiều nói cho đã nư. Bực quá, bà thốt ra câu này: «Không có bà nào giàu, có chừng ít chục triệu bạc, mà thích văn chương châm biếm của ổng. Nếu có, tôi sang đứt ổng cho, lấy vài triệu bạc để nuôi con ăn học. Rồi mặc tình ổng với bà ấy làm văn chương trào lộng». 
Thompson chận ngang hỏi:
- Té ra ông bạn tôi không phải làm «văn chương sáng giá» sao?
Xích Tử vỗ vế, cả cười, nhìn Hồ Hữu Tường, đáp:
- Điều đó ông chớ hỏi tôi. Ông hãy hỏi nơi nhà văn ăn khách nhứt của xứ này là Chu Tử, và bộ biên tập «Chịu Chơi» trong đám quần tinh mọc chung quanh tác giả Yêu. Còn theo tôi, học giả nhà ta không làm «văn chương sáng giá», mà lại làm «văn chương xóm Giá».
Thompson ngạc nhiên hỏi:
- Lại có thứ văn chương gì nữa đó?
Hồ Hữu Tường bụm miệng cười sục sục, mừng vì thằng nhỏ «hòn màu bỏ rơi» của mình lẻo mép quá, gặp đối phương, đánh chưởng nào cũng độc. Xích Từ đạo mạo đáp:
- Danh từ «văn chương xóm Giá» này, nếu ông dùng phương pháp của ông Lê Ngọc Trụ, mà tra hết sách vở ở thơ viện của ông, vẫn không tìm được cái ý nghĩa tầm nguyên của nó. Nhưng, nếu ông ra đường mà hỏi, dầu là người trong xứ, dầu là ngoại kiều, nhứt là mấy ông tắc xi và xích lô, thì ai cũng biết rằng «xóm Giá» là tên của một ngoại ô thành Sài Gòn này, từ Bà Chiểu đi lên một chút, nơi ấy có rất nhiều gái ăn sương...
Thompson ngạc nhiên hỏi:
- Sương mà lại ăn được à?
Xích Tử đạo mạo đáp:
- Sương, theo nghĩa đen, là những giọt nước tế vi, tụ đọng trên lá, trên ngọn cỏ. Phải nói là uống sương mới đúng hơn. Song ở đây, sương lại dùng trong nghĩa bóng bẩy, để tượng trưng cái gì đêm khuya mới có. Cái gì ấy, tức là những khách đêm càng khuya thì thấy mình càng cô đơn, nên đi tìm em út mà kiếm mùi. Có bao nhiêu tiền, cũng dốc hết mà đãi em út, hầu nhờ em út ra tài giải cái sầu cô đơn của mình trong vài phút. Các nàng sống bằng cái nghề giải cô đơn giùm cho thiên hạ, nhứt là cho ngoại kiều xa vợ lâu ngày, các nàng ấy được gọi là gái ăn sương. Ông có thấy không? Tiếng Việt của chúng tôi đâu phải nghèo như người ta lầm tưởng. Chỉ có một khái niệm là «đĩ», mà tiếng Việt có cả chục thành ngữ để gọi. Nào là gái bán mình. Nào là gái ăn sương. Nào là gái làng chơi. Nào là ả giang hồ, nào là tín độ của thần Mày Trắng... kể sao cho hết. Bởi vậy, ông Lê Ngọc Trụ mấy mươi năm nay nuôi cái mộng viết một bộ tiểu tự điển thôi, mà thấy tài liệu phong phú quá, đâm ra ngán, như ngán cơm nếp, mà không khởi công nổi.
Thompson gật đầu nói:
- Ông thầy dạy Việt văn của tôi cũng làm cho tôi nhức óc. Nội một chữ Black của tiếng Anh, mà ông dịch ra nào đen, nào mực, nào ô, nào mun, nào hắc... Tôi hiểu nghĩa của gái ăn sương rồi. Còn «văn chương xóm Giá» có phải là thứ văn chương đánh đĩ ngòi bút mình, để ca tụng kẻ có địa vị, có quyền thế chăng?
Xích Tử cười đáp:
- Tôi không nói vậy. Nói nhà văn Hồ Hữu Tường làm thứ văn chương đánh đĩ nghệ thuật, thì thật là vu cáo. Tôi chỉ nói văn của họ Hồ là thứ văn chương hạ đẳng, trong nấc thang giá trị của phụ nữ, gái ăn sương ở vào cấp bực nào, thì trong nấc thang giá trị của văn chương, văn của họ Hồ ở vào cấp tương đương ấy. Đó! Hồ Hữu Tường vì bút nghiệp mà mắc vào cái thế bị chúng ghét vì làm cái thứ «văn chương xóm Giá». Ấy là vì bút nghiệp mà mắc vào Tru tiên trận. Thế nào cũng uổng ngàn năm tu luyện, rồi tên sẽ ghi vào bảng Phong Thần. Mà đã làm «văn chương xóm Giá», thì khi thành thần, ắt làm thần Mày Trắng.
Hồ Hữu Tường tủm tỉm cười, hỏi:
- Cháu nói nghe xuôi rót, quả cũng có công nghiên cứu. Vậy bác thử hạch cháu một câu, xem cháu có biết thần Mày Trắng là ai chăng?
Xích Tử liếc nhìn Thompson, thấy nhà sử gia Hoa Kỳ có vẻ tò mò, nên đáp:
- Có gì khó! Theo sách tướng, người nào có mày trắng là người tốt tướng lắm. Cuối đời Đông Hán, anh em họ Mã năm người mà có người có lông mày trắng là có tài hơn hết, nên khắp xứ Tàu, người ta truyền nhau câu «Mã thị ngũ thường, bạch mi tối lương». Còn thần Mày Trắng, mà các lầu xanh thờ, không ai khác hơn là Quản-Di-Ngô, tục gọi là Quản Trọng, phò Tề Hoàn Công dựng nên nghiệp bá. Quản Trọng là người đầu tiên cho mở lầu xanh mà đánh thuế. Thuở ấy, người ta chưa biết làm ba tăng như bây giờ. Hễ ai đã nạp thuế cho nhà nước xong, thì được lãnh bức chơn dung của Quản Trọng về treo giữa nhà, để cho thiên hạ biết rằng lầu xanh này đã đóng thuế nghĩa là hợp pháp. Đời sau, thiên hạ giữ tục lệ ấy, thêm đốt hương đăng, lâu ngày chầy tháng, Quản Trọng hóa ra ông tổ của nghề mãi dâm.
Hồ Hữu Tường nói:
- Đúng! Nhưng cháu trù cho bác ra thần Mày Trắng, ấy là cháu khen bác, chớ nào phải cháu chê bác? Có lẽ năm 1955, cháu đọc trong tờ Truyền Tin hai câu thơ do một nhà nho đề ra để tặng bác là «Hữu chi tế thì nan, duy ốc vận trù sư Quản, Nhạc Tường vân trinh thụy sắc, giang sơn cổ xúy hứng Đào, Từ». Lời thơ này và lời trù của cháu đều cùng một ý với nhau. Bác không giận đâu. Tiếp tục đi. Rồi sao nữa?
Xích Tử bị một chưởng, thấy trên địa hạt văn chương không hạ uy tín được họ Hồ, bèn lập trận thế trên địa hạt khác. Bèn nói:
- Văn chương chỉ là cái bọc đường ở ngoài để bọc liều thuốc ở trong là tư tưởng. Về địa hạt tư tưởng, suốt hai mươi năm nay Hồ Hữu Tường cổ xúy cho cái mà ông gọi là «Phục hưng mới». Ai hỏi ông «Phục hưng mới» là gì, thì ông đưa ra cái mới này là tổng hợp ba cái văn minh lớn, là văn minh kỹ sư, văn minh chánh ủy và văn minh tu sĩ. Tôi tóm tắt như vậy có sai chăng?
Hồ Hữu Tường gật đầu đáp:
- Đúng như vậy.
Xích Tử hỏi Thompson:
- Ông sử gia Hoa Kỳ có khi nào được một gia đình Việt mời ăn một tiệc lớn từ đầu đến cuối chưa?
Thompson đáp:
- Rất tiếc rằng chưa.
Xích Tử nói:
- Tôi cũng rất tiếc rằng chưa. Bởi chưa, nên khi nghe học giả họ Hồ tung ra những danh từ «Phục hưng mới», «Tổng hợp văn minh», ông và các nhà tư tưởng Âu Mỹ cho là lạ lắm. Chớ ở xứ tôi, nhứt là các cô, các bà ở thôn quê hẻo lánh, thì chán biết thứ ấy không biết từ đời nào. Nên bịp ai thì bịp được, chớ bịp các cô, các bà ở xứ tôi không nổi đâu. 
Thompson nói:
- Tôi thấy tư tưởng của ông bạn tôi mới mẻ lắm.
- Có gì mới mẻ? Trong nhà quê chúng tôi, trong một đám tiệc, ví dụ như ngày kị cơm, thì người ta đãi hai ngày. Ngày thứ nhứt, gọi là ngay tiên. Đồ ăn dư bao nhiêu, không phân biệt món nào với món nào, người ta dồn hết vào một cái nồi to mà nấu lại, không cần nghệ thuật chi cả, cốt cho đừng thiêu thôi. Ngày thứ hai, gọi là thường. Đồ ăn dư cũng dồn lại mà nấu như vậy. Chánh thức, đến đây là tiệc hết. Song, sang qua ngày thứ ba, một cái tiệc mới bắt đầu. Người ta không cần xào nấu cái gì cả. Chỉ lấy hai nồi hôm kia và hôm qua mà dồn lại, bắc lên bếp, quậy cho xáo trộn xà ngầu cả, đun cho sôi, rồi nhắc xuống chia nhau mà ăn. Món ấy, trong nhà quê xứ tôi gọi là «xào bần». Tại sao gọi là xào bần? Những nhà viết tự điển tầm nguyên sẽ có lời giải đáp thông thái. Còn theo thiển ý của tôi, có lẽ, nhà giàu không thèm ăn thứ đồ thừa ấy. Còn nhà nghèo tiếc của, mót máy tất cả, dồn lại mà nấu ăn. Đó, thứ «Phục hưng mới» của Hồ Hữu Tường là bữa tiệc ngày thứ ba. Và cái «Văn minh tổng hợp» của họ Hồ, đem văn minh kỹ sư, văn minh chính ủy, văn minh tu sĩ mà bỏ chung vào một nồi, nấu thành xào bần, mà đãi đám nhà nghèo về tư tưởng mà không sáng tác được một thuyết duy vật như Mác, một thuyết hiện sinh như Sartre, một thuyết nhân vị như Mounier...
Thấy Xích Tử xài xể bạn mình bằng những lời nặng nề như vậy, Thompson chịu không được, bèn hỏi:
- Lấy tư cách bàng quang, tôi thấy ông Xích Tử xài xể nhà văn già, là bạn của tôi đây, hơi quá đáng. Chẳng hay ông có thù oán chi chăng, mà nhơn dịp này trả nủa cho sướng miệng?
Xích Tử đứng dậy, lại bàn ngồi viết. Vừa viết, hắn vừa nói:
- Ông là ngọai kiều, mà ông dùng tiếng Việt rất đúng. Ông nói «trả nủa», chớ không bắt chước đám ký giả dốt mà không chịu tra tự điển, tự vị, lại viết bướng là «trả đũa», in chữ to bằng bắp tay trên trang nhứt... 
Viết xong, nó cầm tấm giấy lại đưa cho Thompson đọc. Thompson đọc xong, chúm chím cười, gật đầu có vẻ hài lòng lắm.
Muốn biết Xích Tử viết cái gì mà đưa cho Thompson đọc, hãy xem đến hồi sau phân giải. 

Xem Tiếp: ----