HỒI THỨ TƯ
Lãnh một chưởng, Hồ Chí Minh xuất hạn,
Bị dán bùa Tiểu Phi Lạc hạ san.

     ây nói về Hồ Chí Minh, sau khi nghe Kroutchev bị hạ bệ và Mao Trạch Đông cho thử bom nguyên tử ở Tân Cương, thì sanh lòng lo lắng. Đọc đi đọc lại mãi quyển PHI LẠC SANG TÀU, đến chỗ chấm, chấm, chấm, họ Hồ băn khoăn, không biết lúc thảo ra bản báo cáo này, Thu Hương giấu cái gì. Mà tình hình ngày nay có hợp với viễn đồ ở chỗ chấm, chấm, chấm ấy chăng? Hồ Chí Minh nhớ lại cảnh mình. Một bên là phái Lê Duẩn, Trường Chính, Nguyễn Chí Thanh, chủ trương đi hẳn với Tàu. Một bên là phái Vỏ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng và các người như Phan Anh, Tạ Quang Bửu còn nuôi nấng tinh thần dân tộc mà sợ bị đồng hóa theo Tàu, nên nghiêng về phía Nga. Còn họ Hồ ở giữa, cầm đòn cân cho quân bình, khi cân chinh bên này, thì nâng bên kia, khi cân chinh bên kia, thì nâng bên này. Còn họ Hồ ở giữa, thế còn quân bình, miền Bắc còn êm được. Một mai, họ Hồ qua đời, lấy ai cầm cân mà giữ sự quân bình giữa hai phái? Rồi họ có dung nhau, tìm một thế thuận nhượng, để giữ quân bình mãi chăng? Hay là hai bên thanh toán nhau, một cuộc chiến tranh nguội lại diễn trên đất Bắc mà đứng sau giựt dây dụi là Nga và Tàu? Suốt cả tháng lo âu, Hồ Chí Minh tiếp được, từ Nam Vang gởi ra, một số đặc biệt của tờ Ánh Sáng, mà trong đó, khi Hồ Hữu Tường xét lại biện pháp «trung lập chế», hắn đã nêu ra đường lối của hắn là «minh tu sạng đạo, ám đồ Trần Thương». Và hắn còn quả quyết rằng con đường Trần Thương này là cái chấm, chấm, chấm trong quyển PHI LẠC SANG TÀU. Đọc đến đó, Hồ Chí Minh nghe ớn xương sống, phát ho sù sù, cảm thấy bịnh lao toan trở lại, mặc dầu bây giờ mập béo lắm.
Bỗng nhiên, được tin rằng chị Tập (1) đã thay tên đổi họ mà làm tổng chánh ủy của Mặt Trên Giải Phóng Miền Nam, cỡi máy bay từ Nam Vang mà về đến, yêu cầu gặp ngay họ Hồ. Họ Hồ ra lịnh cho vào, chị Tập yêu cầu cho đuổi tất cả ra ngoài, xong rồi nói:
(1) Muốn biết rõ nhân vật này, hãy đọc lại hai quyển THU HƯƠNG và CHỊ TẬP trong bộ Gái nước Nam là gì? Của nhà văn HỒ HỮU TƯỜNG. 
- Thưa đồng chí chủ tịch, ban tình báo đặc biệt ở Sài Gòn vừa bắt được một tài liệu tối ư quan trọng. Tôi thấy cần đem gấp về báo cáo cho chủ tịch biết, để quyết định phải đối phố thế nào. 
Hồ Chí Minh hỏi:
- Tài liệu gì?
- Đó là một cái thơ bằng tiếng Anh, do một người Bắc di cư vào Nam viết cho thống tướng Westmoreland ở Sài Gòn. Ban tình báo bắt được, chuyển cho tôi. Tôi cho dịch ra tiếng Việt, thấy tầm quan trọng của nó, không dám dùng đài vô tuyến mà cho chủ tịch biết, nên đích thân đem về đây cho chủ tịch xem tận mắt và quyết định.
Nói xong, chị Tập móc ở túi ra một cái thơ bằng tiếng Anh, có kèm theo bản dịch bằng tiếng Việt như sau:
Cần Thơ, ngày... 1964
«Thưa Thống Tướng Westmoreland,
«Tôi là một người Bắc di cư vào Nam, từ khi đất nước tôi bị chia đôi. Tôi trân trọng dâng một kế để cho Hoa Kỳ thắng được cuộc chiến nguội trên dãy đất Việt này. Hoa Kỳ cứu được danh dự của mình. Dân Việt chúng tôi thoát được hiểm họa Cộng sản, thật là nhất cử lưỡng tiện.
 Thống tướng tự hỏi: «Căn bản quân sự của anh này đến thế nào, mà dâng nổi một chiến lược thắng Cộng, điều mà tất cả bộ tham mưu Hoa Kỳ nát óc trong mấy năm nay, điều mà các máy tính điện tử chạy suốt ngày đêm, mà vẫn chưa tìm ra được?» Tôi xin trả lời cho Thống tướng rõ là tôi không phải là một tướng thà như Trần Hưng Đạo đuổi được quân Mông Nguyên hồi thế kỷ XIII, hay như vua Quang Trung, thắng nổi hùng binh của Mãn Thanh vào cuối thế kỷ XVIII. Tôi chỉ là một thầy địa lý.
Với đầu óc Tây Phương, Thống tướng ắt cười dài mà bảo rằng: «Thầy địa lý mà làm gì có chiến lược thắng Cộng được?» Nhưng, tôi xin trưng bằng cớ rằng chính là khoa địa lý đã thắng nổi chiến lược thần tình của vị anh hùng vạn thắng là Quang Trung. Số là, sau khi chiếm được Bắc Hà, vua Quang Trung lập kế hoạch đánh Tàu. Lúc ấy, nước Tàu loạn lạc, nội chiến lung tung, do phong trào Bạch Liên giáo thôi giục quần chúng sách động việc phản Thanh, phục Minh. Một khi Quang Trung cầm quân Bắc tiến, thì làm sao nhà Thanh cự lại chiến lược nội công ngoại kích ấy? Các tướng Tàu thảy thúc thủ, vô sách, tâm lý đầu hàng lan rộng trong các cấp quân dân. Ngay lúc ấy, vua Càn Long tiếp được một ông già, tuy lụm cụm chống gậy vào chầu, mà tinh thần vẫn còn sáng suốt. Ông già tâu với vua Càn Long rằng: «Tâu bệ hạ, bệ hạ chớ lo mà thương tổn tới sức Rồng. Thần có một kế dâng lên, nếu bệ hạ ưng theo mà ra lịnh để thi hành, thì nước Tàu của chúng ta sẽ an như bàn thạch.» Vua Càn Long hỏi: «Khanh có kế gì?» Ông già tâu rằng: «Thần là một thầy địa lý biết rằng ngôi mộ của thân sinh ba anh em Nhạc, Huệ, Lữ đặt trúng vào lòng mạch, ngay vào chính huyệt của cuộc đất mà trong khoa địa lý có tên là cuộc đất «quần tượng nhập trung nguyên». Nhờ ngôi mộ của Hồ Phi Phúc này, mà ba con đều phát lên làm vua cả ba, ứng vào thế đất «quần tượng» đó. Nếu ta không sớm ếm cái lòng mạch ấy đi, thì ba anh em ấy sẽ cất quân Bắc tiến, chiếm nước Tàu và chia nước Tàu ra làm ba, sau khi đã chia ba nước Nam của họ. Chừng ấy thế đất «quần tượng nhập trung nguyên» sẽ ứng trọn, không ai làm sao tránh khỏi. Muốn tránh cái họa chia nước Tàu làm ba ấy, chỉ có cách độc nhất là ếm cái huyệt nọ. Không bao lâu, ba anh em Nhạc, Huệ, Lữ sẽ chết hết, con cháu tàn tạ cất đầu không nổi, cả một hai trăm năm. Ấy là miễn cho nước Tàu ta cái họa nội xâm, do từ Nam mà tràn lên. Nghe kế hoạch ấy, vua Càn Lòng tin theo, cho thi hành. Quả nhiên, lịch sử diễn ra theo lời tiên đoán của ông thầy địa lý Tàu già.
Nay tình trạng của miền Nam nước Việt na ná như tình trạng nhà Thanh vào lúc loạn Bạch Liên giáo. Miền Bắc Cộng sản cũng lăm le thôn tính. Ấy bởi vì ngôi mộ chôn cha của Hồ Chí Minh đã được đặt ngay vào vượng địa. Vậy, áp dụng khoa địa lý để thắng giặc Cộng, tất Hoa Kỳ phải sáng suốt như vua Càn Long mà nghe tôi. Và tức tốc cho ếm huyệt của cha Hồ Chí Minh.
May mắn cho dân tộc Việt, ngôi mộ này không phải ở xa xôi chi đâu, mà khó đến đó để ếm. Nó nằm ngay ở miền Nam, trong vùng ảnh hưởng của quân đội miền Nam. Nếu Thống tướng không biết thì nên hỏi lại những sử gia lỗi lạc của Hoa Kỳ như Milton Sacks chẳng hạn. Thống tướng sẽ biết rằng Hồ Chí Minh không phải là họ Hồ, mà là họ Nguyễn, tên cha mẹ đặt là Tất Thành. Thân sinh ra Tất Thành là Nguyễn Sinh Huy, người gốc ở Nghệ An, vì có can vào công cuộc Cần vương mà phải bị chính phủ đô hộ lưu đày vào Nam. Trong Nam, Nguyễn Sinh Huy sống bằng nghề chẩn mạch cho ta và người thường gọi là cụ phó bảng Huy. Khi phó bảng Huy qua đời, cách đây hơn năm mươi năm, thì hài cốt được chôn ở Cao Lãnh, và ngôi mộ hãy còn tại nơi ấy đến bây giờ. Chính là ngôi mộ ấy vượng, mà Hồ Chí Minh đứng đầu phong trào cộng sản ở Đông Nam Á, và phong trào này bành trướng cả vùng này. Bởi vì theo khoa địa lý, sông Cửu Long là con sống lớn nhứt ở Đông Nam Á, ngôi mộ lại nằm trên ven sông Cửu Long, thì ảnh hưởng của ngôi mộ là củng cố ảnh hưởng của Hồ Chí Minh khắp Đông Nam Á vậy. Đó là một điều mà tất cả khoa học Hoa Kỳ, lẫn Tây Phương, kể cả hàng vạn máy tính điện tử tối tân cũng chưa tường được.
Nhưng khoa địa lý của Tàu, từ hơn ngàn năm nay, đã biết rõ điều ấy. Mao Trạch Đông, mặc dầu chế bom nguyên tử, mặc dầu tuyên bố ầm ĩ rằng theo duy vật biện chứng pháp của Mác Lê, song trong thâm tâm Mao Trạch Đông không bỏ một lợi khí xưa cũ nào để chiến thắng. Bằng cớ là Mao Trạch Đông áp dụng chiến lược của Tôn Tử. Bằng cớ là Mao Trạch Đông, bởi hiểu vai trò của ngôi mộ của thân sinh Hồ Chí Minh, nên đưa Hồ Chí Minh ra lãnh đạo cuộc chiến tranh nguội ở Đông Nam Á. Đó là điều mà nước Hoa Kỳ phải công nhận, như hai cộng với hai là bốn.
Nếu Hoa Kỳ tin rằng hai cộng với hai là bốn, mà muốn thắng cuộc chiến tranh nguội ở Đông Nam Á, Hoa Kỳ phải dùng đến «chiến lược địa lý» cũng như vua Càn Long khi xưa đã dùng vậy. Hoa Kỳ phải ếm ngôi mộ của Nguyễn Sinh Huy. Ngôi mộ này bị ếm rồi, không bao lâu sau, Hồ Chí Minh sẽ chết. Phong trào cộng sản ở Đông Nam Á sẽ như con rắn đứt đầu. Ở Bắc hai phái cộng sản, một bên thân Nga, một bên thân Tàu, mất trái độn ở giữa là Hồ Chí Minh, sẽ xung đột nhau, thanh toán nhau, rồi một cuộc chiến tranh nguội sẽ nổ ra ở Bắc, mà sau lưng là hai nước khổng lồ cộng sản là Nga và Tàu sẽ giựt dây dụi. Cuộc chiến tranh nguội này sẽ làm ngòi cho cuộc trạm trán trực tiếp giữa Nga và Tàu. Bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi. Hoa Kỳ khôn ngoan mà đóng vai ngư ông ấy, tức là bất chiến tự nhiên thành, và sẽ làm bá chủ hoàn cầu, không ai ra tranh cho nổi.
Nguyên tắc của cái «chiến lược địa lý», tôi biết rõ như vậy. Nhưng sở học của tôi về khoa này hãy còn thấp và chưa đạt. Biết thì biết vậy, song thi hành rất khó khăn. Bởi vì cái lòng mạch ở Cao Lãnh không phải là lòng mạch tầm thường mà dễ ếm. Gia dĩ, Nguyễn Sinh Huy đã chôn cả năm chục năm nay, nơi đất thấp, luôn luôn hài cốt bị ngâm nước, thì xương đã mục hết, hóa ra nước và loãng hết đi. Không thể nào đặt plastic cho nổ toang mà gọi là đã ếm được ngôi mộ. Khi tôi vào Huế mà học địa lý với thầy tôi là một vị đại thần ở triều đình và là người đã học đến nơi đến chốn khoa địa lý, thì thầy tôi có cắt nghĩa rành. Rằng ngôi mả của cụ phó bảng Huy, nếu ếm không đúng phép, thì hóa ra làm vượng nó thêm nữa.
 Lấy theo khoa học mà luận, thì lời của thầy tôi rất đúng. Hoa Kỳ đem plastic mà cho nổ toang ngôi mả này, thì chi cho khỏi dân chúng đem ra mà phê bình, rồi uy tín của Hoa Kỳ sẽ bị tổn thương và ấy là làm lợi khí cho sự tuyên truyền của cộng sản.
Tuy vậy, thầy tôi nói với tôi rằng có cách ếm. Cách ếm này, thầy chỉ truyền lại cho con cháu, để con cháu khai thác mà hưởng lợi, chẳng khác nào thầy để lại một gia tài kếch sù cho con cháu. Tôi có điều tra, thì thầy tôi có sinh một gái, tên là Lê Thu Hương, trước kia học trường thuốc Hà Nội. Thu Hương có sanh một đứa con trai tên là Lê Xích Tử. Và Xích Tử treo giá là một trăm triệu đô la, mới bằng lòng ếm ngôi mả của Nguyễn Sinh Huy.
Tôi mách việc này cho Thống tướng, mà lòng không cầu một phần thưởng nào về tiền bạc. Tôi chỉ mong sao cho Thái Bình mau trở lại mảnh đất chữ S này để cho tôi có thể, trước khi nhắm mắt, trở về Bắc mà thăm viếng mộ phần của tiền nhơn. Vì lẽ ấy mà tôi không để tên và địa chỉ tôi vào thơ này.
Trân trọng chào Thống tướng
Hồ Chí Minh đọc bức thơ chậm chậm, nghiền từ chữ, ngẫm từ câu, không hay rằng từ mỗi chân lông, mồ hôi rịn ra từ bao giờ, và thấm ướt áo trong và đến áo ngoài. Một cơn lạnh làm họ Hồ rùng mình, hồi tưởng lại, thấy rằng từ năm 1919, khi ở Paris mà theo chủ nghĩa Mác Lê đến nay, đếm cả thảy bốn mươi lăm năm, lớp sơn duy vật bề ngoài không che kín được những tư tưởng tiềm tàng của phương Đông. Phỏng tập luận của thầy địa lý này là đúng và được Hoa Kỳ nghe theo, - mà có gì mà không làm theo được, và chỉ tốn có một trăm triệu đô la, một phần năm của viện trợ Hoa Kỳ ở Việt Nam mỗi năm – thì ô hô công khó hai mươi năm tiêu sạch, sự nghiệp trọn một đời tiêu ma. Và suốt đời không vợ, không con lấy ai gầy lại cơ đồ nghiêng ngửa?
Chị Tập ngồi chờ cả giờ, không thấy họ Hồ thốt câu nào, nhịn không được, nên hỏi:
- Thưa đồng chí chủ tịch, chẳng hay đồng chí tình làm sao?
Chẳng biết tính làm sao? Hồ Chí Minh dục hoãn cầu mưu hỏi lại:
- Làm sao mà các trinh sát ta bắt được thơ này?
Chị Tập đáp:
- Đó là dịp may mà thôi. Nguyên ở Cần Thơ, có một người giáo sư Anh văn, lúc nhỏ có đi kháng chiến, nhưng không cộng sản, nên không chịu tập kết, mà trở về thành thị, sống một đời yên ổn. Cách đây một tháng, có một người đàn bà, góc người Huế, già sồn sồn, đến thuê dịch một bức thơ, từ tiếng Việt ra Anh văn và gởi đi cho Thống tướng Westmoreland. Giáo sư này đánh máy bức thơ mà gởi đi, nhưng giữ một bổn làm tài liệu mà chơi. Tài liệu này, giáo sư bỏ quên giữa tờ tạp chí MATCH nói về sự xung đột Nga-Hoa. Một trinh sát của ta, vốn quen với giáo sư, khi hai người cùng tham gia kháng chiến, mượn tờ tạp chí ấy, thình lình đọc được tài liệu, cho chép lại mà chuyển lên thượng cấp.
- Rồi đồng chí có cho điều tra kỹ lưỡng tất cả chi tiết có can hệ đến bức thơ này chăng?
- Thưa đồng chí chủ tịch có. Chính tôi thấy tầm quan trọng của nó, nên tôi đích thân vào thành Cần Thơ để điều tra. Người đàn bà Huế thuê dịch bức thơ này, đích là người vú nuôi Thu Hương ở Hà Nội hai mươi năm về trước và có quen biết với tôi, vì tôi ở khít bên cạnh. Hỏi thăm tới thầy địa lý nào đã viết thơ nọ, bà vú bảo rằng chỉ quen mặt, mà chẳng biết tên và chỗ ở. Hỏi quen vào lúc nào, bà trả lời rằng lúc thầy vào Huế mà học khoa địa lý với thân phụ của Thu Hương...
- Còn đồng chí có điều tra về Lê Xích Tử không?
Chị Tập mở va li, lấy một hộp cây, dâng cho Hồ Chí Minh và nói:
- Về Lê Xích Tử, tôi điều tra kỹ lắm, và có ăn cắp được cái hộp này. Xin đồng chí chủ tịch cho tôi báo cáo qua nội dung hộp ấy có những gì. Phần thứ nhứt có bốn tập nhật ký, mỗi tập một trăm trang, trong ấy Thu Hương thuật đủ chi tiết sự sống của nàng từ khi nàng đặt chân lên đất Sài Gòn, dan díu với Hồ Hữu Tường như thế nào, rồi thọ thai mà sanh ra thằng Lê Xích Tử. Tập thứ tư viết lỡ dở, có lẽ vì nàng gặp tai nạn bất ngờ «linh tánh đã bảo cho nàng biết trước». Phần thứ hai là một bộ giấy nháp, ghi những thảo luận giữa nàng và Hồ Hữu Tường về tiền đồ dân tộc Việt. Bộ giấy này có cột một bìa cứng, trên ấy Thu Hương có viết «mẹ đã căn cứ vào những thảo luận này mà phóng tác ra quyển tiểu thuyết trào phúng PHI LẠC SANG TÀU, do mẹ viết và ký tên là Ý DƯ». Còn phần thứ ba là một tập giấy bìa cứng, đóng cẩn thận, đến cả bốn trăm trang, mà chỉ ở trang đầu có viết mà thôi, mấy trang sau không có chút nét mực. Đến phần chót là một bức thư di chúc, dặn Xích Tử sau này khi gặp cha là Hồ Hữu Tường thì thờ ở trong lòng là cha mà thôi, và chớ nên nhìn, sợ e hai mẹ lớn không thương mà làm hại. Chỉ khi nào túng kế, thì giả làm thanh niên đến hỏi ý kiến mà thôi.
Hồ Chí Minh ngẫm nghĩ giây lâu hỏi:
- Nơi trang đầu của tập giấy bìa cứng, Thu Hương đã viết những gì?
Chị Tập xin lỗi mở hộp ra, lấy tập bìa cứng, mở ra mà trình cho Hồ Chí Minh. Họ Hồ móc lấy gương, mang vào mà đọc:
«Đổi đời mới Xích Tử ra công»
«Tài liệu chỉ công bố khi nào»
«Mao Trạch Đông cho thử bom»
«Nguyên tử và dọa lập một»
«Liên Hiệp Quốc thứ hai để chống»
«Với Liên Hiệp Quốc cũ.»
Đọc xong, Hồ Chí Minh băn khoăn hỏi:
- Đồng chí có điều tra Lê Xích Tử ra thế nào, hiện nay ở đâu và toan tính những gì?
Chị Tập đáp:
- Thưa đồng chí chủ tịch, có. Mấy tháng trước Xích Tử bỏ nhà mà lên núi tìm thầy học đạo. Nó là đứa thông mình tót chúng...
Hồ Chí Minh chận ngang khen:
- Cha nào con nấy. Cha nó từ nhỏ đã nổi tiếng là «Thần đồng Nam Bộ». Nếu sanh con chẳng bằng cha, thì nhà chưa có phúc. Rồi sao nữa?
- Thưa đồng chí, bởi thấy nó sớm trổ thông minh như vậy, nên tôi đã lập kế mà thâu phục nó vào chủ nghĩa Mác Lê. Mấy tháng nay, tôi đã tổ chức cho nó sống một mình trong một hang đá, chung quanh chỉ có sách của chủ nghĩa Mác Lê, mà bây giờ, tôi tin rằng nó đã đọc khắp và hiểu thấu triệt. Chắc chắn là nó sẽ là một tay lý thuyết cừ của chủ nghĩa Mác Lê đó.
Hồ Chí Minh nghe báo cáo xong, ra lịnh cho nàng lui. Suốt ba ngày, chị Tập phập phồng, vì bữa hội kiến, thấy họ Hồ mất tinh thần, sau khi đọc bức thư ấy. Đến khi được lịnh cho mời nàng đến, thì nàng lại gặp một Hồ Chí Minh tươi cười và có vẻ trẻ măn đến mấy năm. Hồ Chí Minh nói:
- Không có gì đáng sợ hết. Chỉ là một đòn chưởng mà Hồ Hữu Tường đã tung ra từ năm 1948.
- Căn cứ vào đâu mà đồng chí chủ tịch biết vậy?
- Có khó gì đâu? Cái thơ này đã thảo ra từ lâu, từ lúc Hồ Hữu Tường lén vợ mà ngoại tình với Thu Hương, thảo sẵn thành như cẩm nang, để lại cho bà vú, phòng lúc nào Xích Tử bị nạn, tung nó ra làm món bửu bối, để cứu đứa con «hòn máu bỏ rơi». 
- Do đâu mà đồng chí chủ tịch lại quả quyết như vậy?
- Có khó gì đâu? Hồ Hữu Tường vốn là tay ngó thấy xa trong tương lai, biết rằng mười mấy năm sau Hoa Kỳ sẽ cử một thống tướng sang điều khiển trận giặc nguội ở Đông Nam Á này. Đoán thì đoán được đại cương, song nào có biết nổi trước rằng thống tướng ấy tên gì? Vì lẽ đó, mà bức thư thảo vào năm 1948, tên của thống tướng để trống đó, chờ khi dùng, sẽ điền vào. Nhưng mà bà vú dốt nát. Đáng lẽ điền sau chữ thống tướng tên Maxwell Taylor là đại sứ, bà vú tưởng đâu phải điền tên của vị cầm quân là Westmoreland, mà chức mới là đại tướng mà thôi. Báo hại đòn chưởng của Hồ Hữu Tường hại ta toát mồ hôi và suy nghĩ mãi cả ba ngày đêm mới thấy chỗ sơ hở của bà vú!
Chị Tập vui mừng, cười xòa, hỏi:
- Đồng chí chủ tịch cũng đọc «Cô gái Đồ Long» sao mà biết danh từ đánh chưởng?
- Không. Ngoài này đâu có thứ tiểu thuyết kiếm hiệp ấy mà đọc? Chỉ nghe ra dô của miền Nam, mà ta biết danh từ ấy! Năm 1948, Hồ Hữu Tường gài một chưởng, bây giờ đánh trúng ta chơi. Nhưng chỉ là một thứ chưởng chậm hoãn, nên không đến nỗi làm sao!
- Rồi đồng chí chủ tịch có nghĩ kế chi mà trừ cái chưởng ấy chăng?
- Có chớ! Giá trị của cái chiến lược địa lý mà Hồ Hữu Tường bày đó, hoặc có hoàn toàn giá trị, hoặc chẳng có gì hết. Nói theo tiếng Pháp ấy là «tout ou rien». Có hoàn toàn giá trị, là khi nào Hoa Kỳ nghe theo mà làm...
Chị Tập hỏi:
- Đồng chí chủ tịch tin rằng nếu Hoa Kỳ tin theo mà ếm cái huyệt của cụ phó bảng, thì kết quả sẽ y trong bức thư sao? Chúng ta là kẻ theo chủ nghĩa Mác Lê, lẽ nào chúng ta tin vào một việc dị đoan, do chủ nghĩa duy tâm cũ rích của phương Đông bày ra? 
Bị hỏi vặn, Hồ Chí Minh lúng túng đáp: 
- Đã đành rằng theo chủ nghĩa Mác Lê ta, việc ếm mồ ếm mả không có ảnh hưởng chi cả. Song mấy trăm ngàn chiến sĩ của Mặt trận giải phóng miền Nam và mấy triệu nhân dân đâu phải là người sành chủ nghĩa Mác Lê cả? Những tiềm thức mê tín, như tin vào sấm kỳ, như tin vào địa lý, ở trong tâm khảm của mọi người. Há chẳng thấy Hồ Hữu Tường khai thác tâm trạng ấy mà tuyên truyền đường lối sao? Vạn nhất mà Hoa Kỳ nghe theo kế hoạch ấy tổ chức ếm huyệt và cao rao cổ võ, thì dân chúng và chiến sĩ sẽ bị đánh mạnh vào tâm khảm, mất đức tin. Mà hễ trong một cuộc chiến đấu, đức tin suy kém, ắt tinh thần sụt, rồi bại trận. Theo chủ nghĩa duy vật, mà nông cạn chẳng thấy hiện tượng vừa nói đó, ấy là khư khư bảo thủ thành kiến mà chẳng nhận sự thật hiển nhiên. Vô hình chung, đã hóa ra duy tâm mất. 
- Vậy thì đồng chí chủ tịch chủ trương rằng nên làm sao cho Hoa Kỳ không tin để không làm theo sao?
- Phải. Ta đã có kế hoạch. Ta đánh lại một chưởng, để xem Hồ Hữu Tường có đỡ nổi chăng.
Nói rồi, Hồ Chí Minh móc túi, lấy ra một tài liệu mà người đã suy nghĩ kỹ mà viết trong đêm. Rồi đưa cho chị Tập và nói:
- Tài liệu này phải cho in thật nhiều, phát cho mọi chiến sĩ giữ một bản trong túi, cho phổ cập trong dân gian. Một là để củng cố đức tin trong Mặt Trận và trong dân chúng và xây đắp thêm cái đức tin ấy. Hai là để cho tài liệu này lọt vào tay của các cấp khảo cứu của địch, tất sẽ đến tay Hoa Kỳ. Chúng nó biết được tài liệu này, ắt sẽ không thi hành gì cả. Ba là để mất uy tin của Hồ Hữu Tường trong dân chúng. 
Chị Tập đón lấy tài liệu đọc:
THÔNG CÁO
Cho các cấp chiến sĩ và cho dân chúng,
Tên Việt gian bán nước là Hồ Hữu Tường, đội lốt thầy địa lý, đề nghị bán cho Hoa Kỳ, với cái giá là một trăm triệu đô la, một kế hoạch tưởng đâu là hay ho, chớ thật sự chỉ là ảo tưởng. Kế hoạch này là ếm ngôi mộ của cụ phó bảng Huy Cao Lãnh, để cho phong trào Đông Nam Á bị tàn rụi. Có dè đâu hài cốt của cụ phó bảng Huy đã được cải táng từ năm 1959, khi Mặt trận giải phóng miền Nam vừa thành lập. Hài cốt ấy hiện nay lại được đặt vào một cái huyệt còn phát trăm lần hơn cái huyệt cũ ở Cao Lãnh. Huyệt mới này ở tại Stung-Treng, chiếu theo địa lý, tại Stung-Treng sông Cửu Long uốn khúc, có núi: chớ không phải như ở Cao Lãnh, chỉ có sông thôi, và lòng mạch nổi lên rõ ràng hiện thành đá hàn ngăn dòng sông lại.
Vậy thì khí thế của phong trào ở Đông Nam Á sẽ tăng thêm, mà Hồ Hữu Tường có ếm thế nào ở Cao Lãnh thảy vô hiệu. Cái mộng nuốt một trăm triệu đô la hóa thành ảo mộng. 
Một nhóm thầy địa lý,
có sở học chắc chắn
Chị Tập đọc xong ngần ngại rất lâu rồi nói:
- Mình chửi Hồ Hữu Tường một cách oan là Việt gian bán nước, hắn giận, đánh một chưởng bất ngờ rồi làm sao?
Hồ Chí Minh cười dài đáp:
- Tri bỉ, tri kỷ, bách chiến, bách thắng! Ta mấy chục năm nay biết Hồ Hữu Tường lắm. Ai chửi hắn trúng hắn còn trả lời. Ai bịa đặt mà chửi oan hắn, hắn phớt Ăng Lê cả. Không có chưởng chiếc gì đâu mà đồng chí lo. Đồng chí cứ ra lịnh phổ cập tài liệu này. Ví dụ có một chiến sĩ tử trận, trong túi có tài liệu này, tài liệu sẽ dâng lên các cấp chỉ huy và lọt vào tay Hoa kỳ, Hoa kỳ nghiên cứu, thấy ngôi mộ đá cải táng sang Stung-Treng rồi, sẽ không còn vướng vít ý nào về cái thư trước.
Chị Tập nói:
- Đồng chí chủ tịch tự vệ như vậy hay lắm. Nhưng đồng chí đã bị một chưởng mà toát mồ hôi âu lo trong ba bốn bữa. Chẳng hay đồng chí có nghĩ cách nào để trả hận lại cho hắn biết tay chăng?
- Có chớ mà sâu độc vô cùng. Hồi nhỏ đồng chí có đi coi hát bộ, lúc Lưu Kim Định giải giá Thọ Châu chăng?
- Dạ có.
- Đồng chí có nhớ lúc Dư Hồng dán bùa cho Cao Hoài Đức, khiến Cao Hoài Đức hôn mê, kéo quân về phản Tống mà đánh Triệu Khuôn Dẫn chăng?
- Dạ có.
- Ta nay có kế độc tương tự như kế của Dư Hồng. Hiện nay ta cầm được thằng Lê Xích Tử trong hang đá. Ta cũng dán bùa cho nó hôn mê, để ta khiến nó xuống núi mà đánh lại cha nó là Hồ Hữu Tường. Dùng con mà tố khổ lại cha thật là đúng đường lối của đảng ta đã áp dụng từ mười mấy năm nay.
Chị Tập suy nghĩ rất lâu rồi hỏi:
- Kế hoạch ấy hay thật, nhưng làm sao cho Lê Xích Tử bị dán búa mà hôn mê và xông ra tố khổ cha? Trong thời đại khoa học này, làm gì có thể tin rằng có thứ bùa ấy.
Hồ Chí Minh cười xòa nói:
- Đồng chí Tập chưa được huấn luyện triệt để nên không hiểu ý nghĩa bóng bẩy của danh từ dán bùa. Đây ta chịu khó giảng cho mà nghe. Ở đây, ta có cái hộp tài liệu. Hễ đọc tài liệu này, Xích Tử sẽ biết nó là đứa con «hòn máu bỏ rơi» của Hồ Hữu Tường. Và do bản năng thiên nhiên, nó sẽ yêu thương cha nó và trung thành với cha nó. Bây giờ ta thi hành kế hoạch. Ta không cho nó biết những tài liệu thật ấy. Ta sáng tạo ra những tài liệu giả mà trao vào. Hễ nó đọc được những tài liệu giả này, nó hiểu theo chúng, mà tin rằng Hồ Hữu Tường không phải là người thân, mà là kẻ thù, kẻ đã giết cha nó là Ý Dư. Hại mẹ nó là Thu Hương chết. Xích Tử sẽ sanh thù oán mà theo báo thù với Hồ Hữu Tường mãi. Hắn lo mà đối phố không kịp, còn đâu thời giờ mà phá hoại công việc của ta. Mà ta được tiếng là quân tử với hắn nữa!
Hồ Chí Minh nói xong, cười ha hả, khoái trá lắm. Chị Tập cũng cười theo, nói rằng:
- Quả thật là một chưởng bất ngờ. Tôi có ý kiến rồi! Ta phải tìm giấy thật cũ để dùng mà làm tài liệu. Không thể nhờ một người ngồi viết một mạch, vì như vậy phải mất mấy tháng mới làm xong, để có chung một tuồng chữ, mà ta cho đánh máy tài liệu bằng những máy cùng chung một hiệu. Như vậy, chỉ mất cao lắm là một tuần lễ. Khó chỉ nơi chỗ nội dung của tài liệu. Làm sao mà có gắp được?
Hồ Chí Minh đáp:
- Có khó gì đâu? Ta động viên hai chục nhà văn. Ta cho biết đại cương của một câu chuyện tưởng tượng và mục đích của tài liệu. Họ lập một cái sườn chung, rồi chia mỗi người một khúc mà viết. Tám trăm trang tài liệu, chia cho hai chục người viết, mỗi người lãnh một phần bốn mươi trang, thì chỉ bốn ngày là xong.
Nói xong Hồ Chí Minh cười dài. Chị Tập hỏi:
- Chẳng hay đồng chí chủ tịch cười chi?
Hồ Chí Minh đáp:
- Hồ Hữu Tường kiêu căng, chia văn chương làm ba thứ là văn chương du hí, văn chương ca tụng và văn chương sáng giá. Hắn chưa lọt vào guồng máy của đảng, nên không biết rằng hãy còn một thứ văn chương nữa. Thứ này gọi là văn chương chỉ thị. Bởi hắn không biết thứ văn chương chỉ thị này, mà hắn phải bị một đòn chưởng của ta!
Nói rồi kêu điện thoại lại hỏi Nhà Văn, ra chỉ thị và hẹn trong năm ngày phải có tám trăm trang tài liệu như ý muốn. Đúng y theo lịnh, các tiểu thuyết gia Bắc Hà đã xây dựng tập thể một thiên nhựt ký giả của Thu Hương, một bộ tài liệu giả, và một cái thơ di chúc. Tất cả bỏ vào hộp mà trao cho chị Tập.
Chị Tập ôm được bộ «bửu bối», cởi máy bay trở lại Nam Vang, tức tốc đến núi Tượng và ha lịnh cho dắt Lê Xích Tử ra khỏi hang cho nàng gặp. Sau mấy tháng ở trong hang mà chẳng có bóng mặt trời và thêm chăm lo nghiên cứu, nên Xích Tử đã mét xanh. Khi gặp nàng, hắn không biết là ai. Chị Tập cho ngồi bên cạnh và hỏi:
- Cháu có biết dì là ai không?
- Dạ cháu không biết.
- Cháu có đọc hai quyển tiểu thuyết THU HƯƠNG và CHỊ TẬP không?
- Dạ thưa có.
- Cháu có biết mẹ cháu là ai không?
- Cháu thấy trong khai sanh cháu, tên là Lê Thu Hương, song người thế nào, sự nghiệp ra sao, cháu thảy không biết.
- Cháu có biết dì là ai không?
- Dạ cũng không biết.
- Vậy dì cho cháu biết. Dì đây là chị Tập trong hai bộ tiểu thuyết nọ, còn mẹ cháu, Lê Thu Hương, đích thị là nàng Thu Hương mà nhà văn họ Hồ đã tả. Còn cháu có biết cha cháu là ai không?
- Dạ không.
- Có ai đâu lạ? Cha cháu là Ý Dư. Tác giả bộ PHI LẠC SANG TÀU, mà Hồ Hữu Tường đã ám hại, để cướp lấy sự nghiệp văn chương và toan phạm danh giá đến mẹ cháu nữa. Dì có hộp tài liệu đây, do mẹ cháu gởi gấm lại cho dì, dặn khi nào cháu lớn khôn, hãy trao lại cho cháu đọc. Đọc dễ hiểu dòng giống cháu, đọc để biết cái hận thù mà Hồ Hữu Tường bề ngoài đội lốt đạo đức giả nhà văn hiền lành, mà thật sự đã gieo trong gia đình cháu, làm cho cháu mồ côi cha mẹ từ thuở mới lọt lòng...
Nói đến đây, chị Tập ra trò cảm động, nước mắt rưng rưng, bỉ mũi và tiếp:
- Dì mất một người bạn thân, đã từng chung lưng với dì mà tranh đấu. Cháu mất một mẹ, một cha...
Xích Tử cũng cảm động, khóc òa theo. Chị Tập thấy đã ăn câu rồi, nói tiếp:
- Cháu có biết vì sao cháu mắc kẹt trong hang đá suốt mấy tháng nay không?
- Dạ cháu không biết!
- Có gì là không biết? Để trả thù cho bạn dì, để thay cháu mà trả thù cho cha mẹ cháu, nếu chỉ giết chết Hồ Hữu Tường, thì sức một mình dì đây hẳn thừa để giết hắn. Nhưng đó không phải là khôn ngoan. Dì mà cho ám sát hắn chết, thì bên phái Quốc gia sẽ kêu ầm lên là Hồ Hữu Tường là một chiến sĩ tử đạo, gương đáng nêu cao, tên đáng dùng đặt tên đường, cho hậu thế tưởng nhớ. Rồi họ rêu rao rằng Cộng sản cãi lý thuyết không lại Hồ Hữu Tường, mới dùng phương pháp chót là giết hắn. Vậy không cần giết chết hắn. Chỉ cần đánh tiêu tan cái thanh danh của hắn, cái mà thiên hạ công nhận lầm rằng hắn là một học giả, một nhà văn hóa, một văn hào, một nhà tư tưởng. Do đó mà dì dụng ý, cho cháu vào hang đá, sống với sách vở Mác Lê, cho cháu học tập nghiền ngẫm thật kỹ... Mà rồi cháu đã nghiên cứu khắp chưa?
- Dạ thưa, cháu đã nghiên cứu khắp rồi.
- Hay lắm, hay lắm. Lý thuyết thì cháu đã có một nền lý thuyết vững chắc rồi. Mà cháu viết văn có hay không?
- Học ở trường, cháu luôn luôn được hạng nhứt về Văn chương. 
- Thế thì hoàn toàn. Lý thuyết đã có. Thêm được tài hoa. Dì cho cháu xuống núi mà báo thù cho cha mẹ. Dì dặn lại một lần nữa. Không nên động đến xác hắn. Chỉ cần đánh tiêu tan danh tiếng của hắn. Bằng mọi phương tiện. Cháu có nhớ không? Nguyên tắc căn bản là: Tất cả phương tiện đều tốt, cứu cánh đảm bảo cho phương tiện. Đây, hộp tài liệu đây, cháu xem kỹ đi, xét nét kỹ đi, liệu có nên xuống núi mà báo thù chăng?
Xích Tử tiếp lấy hộp tài liệu, mở ra đọc. Trong khi nó đọc, một hoài nghi phát sanh ra trong đầu óc của chị Tập. Nếu Xích Tử về Cần Thơ mà gặp bà vú, rủi nó hỏi bà vú mà biết rằng cái hộp đã bị mất trộm, e nó sanh nghi. Và hỏi phăng ra, với trí khôn ngoan của nó, nó sẽ hiểu rằng có một việc gì mờ ám. Chừng đó nó sẽ quày lại. Không khác nào Ân Giao, Ân Hồng vâng lịnh thầy xuống núi để đánh cha là Trụ Vương, mà quày lại theo cha. Rồi chị Tập nghĩ ra một kế, là cho bắt cóc bà vú, dẫn giấu ở hậu phương, thì làm sao mà Xích Tử gặp được để phăng ra manh mối? Trong lúc Xích Tử đọc tài liệu, nàng đánh điện ra lịnh cho bắt bà vú mà giấu đi. Không dè từ Cần Thơ, phúc trình lại rằng bà vú đã dọn nhà đi đâu mất.
Đây nói về Thu Hương, sáu ngàn năm về trước, vốn là con khỉ cái ở vùng Đông Nam Á. Nàng nhờ treo gương ăn quả cho giống người ở vùng ấy (1), mà đắc đạo, thoát khỏi luân hồi, hồn được lên cung Đâu Suất, mà hóa ra là một cái hoa Cúc trong đám rừng hoa ở trên ấy. Mấy ngàn năm nay, nàng chỉ biết con hậu nhơn, ngày ngày đến ngửi hương thơm của nàng, rồi một mối tình nảy sanh. Không dè, gần đây, con hậu nhơn đi mất. Hỏi thăm các hoa gần đó, mới hay hậu nhơn đã đầu thai xuống trần (2). Hoa Cúc nhớ hậu nhơn, ấy là mắc vào cái ý nghiệp. Vướng vào ý nghiệp, dầu là Phật vẫn còn phải đọa, huống chi nàng chỉ là cái hoa. Nên chi từ ấy, lòng nàng băn khoăn, nhớ nhung muốn xuống trần mà thăm con hậu nhơn. Năn nỉ lắm, nàng chỉ xin phép được một giây mà thăm tình nhơn của mình. Một giây ở cõi Đâu Suất, dài đến hai mươi lăm nam tại cõi trần. Thế là hoa Cúc trên trời đầu thai xuống thành nàng Thu Hương, sanh năm 1923 tại Huế và chết tại Chợ Lớn năm 1948, hai mươi lăm tuổi.
(1) Muốn hiểu cái huyền thoại này, xin xem lại bài CON CHIM TRỐN TUYẾT trong HÒA ĐỒNG số 5.
(2) Muốn hiểu chỗ này, xin xem bài MỘT CƠN ĐIÊN của nhà văn Hồ Hữu Tường trong VĂN số Xuân Ất Tỵ hoặc trong HÒA ĐỒNG số 6.
Nhờ có căn lành ấy, nên khi dan díu với Hồ Hữu Tường, khi cả hai «siêu lập» trên trần nhà, để tránh cái nạn «thế giới hai phe» ở dưới đất, những gì họ Hồ dạy nàng, nàng hiểu rất rành. Họ Hồ dạy nàng rằng Phật pháp ngày xưa và khoa học ngày nay cùng tụ lại một điểm. Phật pháp dạy người «giới, định, huệ» để đạt đến cái hạnh La Hán. Thì Khoa học ngày nay rèn luyện con người cái tinh thần phân tích để được vào hạng nhà «bác học kinh điển». Phật pháp dạy các bực La Hán phép «quán tưởng» để lên hạnh Bồ Tát. Thì Khoa học rèn luyện cái tinh thần trực giác để đạt đến cái phẩm nhà «bác học lãng mạn». Sau rốt, cả Phật Pháp và Khoa học cố gắng đến cái «thị kiến», và được rồi ấy là đắc đạo. Thu Hương, tuy có căn lành, song chỉ đạt đến Pháp «quán tưởng» mà thôi.
Nhờ quán tưởng, mà nàng thấy rằng Xích Tử sau này lớn khôn, nó sẽ đi tìm đạo. Đi tìm đạo, nó sẽ sa vào lưới của đảng Cộng, lưới này bủa vây khắp cả để đón bắt thanh niên ưu tú về cho đảng huấn luyện, thành cán bộ: không khác nào thợ gác cu bắt cu về tập làm chim mồi để dụ cu khác trong rừng về nộp thịt. Rồi nàng quán tưởng nữa, để tìm cách làm sao mà giải thoát cho con. Nàng thấy rằng phải thảo ra một bức thơ, gài làm sao cho lọt vào tay Hồ Chí Minh, để khi đọc xong, Hồ Chí Minh sẽ thả Xích Tử về. Do đó mà có cái thơ mà độc giả đã đọc ở đoạn trước, và đúng như lời Hồ Chí Minh đã đoán, thơ viết từ năm 1948, Thu Hương dặn bà vú điền tên ông tướng Hoa Kỳ vào và sắp đặt gởi đi... Nàng lại quán tưởng thêm nữa, thấy rằng tuy Hồ Chí Minh đoán trúng một phần, song hẳn phải trật một phần, và cho rằng bức thơ là mot chưởng do Hồ Hữu Tường gài để đánh mình chơi. Như thế, Hồ Chí Minh sẽ giận. Giận sẽ lập kế trả thù. Trả thù còn có cách trả thù sâu độc nào hơn là dán bùa cho Xích Tử hôn mê, rồi thả nó hạ sơn mà tố khổ lại cha?
Quán tưởng đến đây, Thu Hương gặp một cái gút. Sau khi hạ sơn, tất nhiên Xích Tử sẽ về gặp bà vú. Bà vú sẽ thuật rằng đã làm mất tài liệu. Xích Tử sẽ sanh nghi. Hộp tài liệu nào đã mất, hộp tài liệu nào nó ôm đây? Nó sẽ xem xét lại nét mực của các tài liệu, thấy nét mực mới, sẽ biết là tài liệu giả. Thông minh, nó sẽ hiểu rằng nó bị «dán bùa». Rồi nó sẽ không làm theo ý muốn của Hồ Chí Minh mà tố khổ Hồ Hữu Tường.
Quán tưởng thêm nữa, nàng thấy rằng nếu Xích Tử không tố khổ Hồ Hữu Tường, thì Hồ Chí Minh sẽ không hả cơn giận, rồi sẽ lập tâm mà hại hai cha con. Vậy làm sao bây giờ? Nàng nhớ lại chiến lược đánh cuội mà nàng đã phác họa trong PHI LẠC SANG TÀU, cho Mao Tưởng đánh cuội mà quịt nợ Hoa Kỳ. Thì bây giờ, nàng cho hai cha con Hồ Hữu Tường và Xích Tử đánh nhau chơi, công chúng ở Sài Gòn xem cuộc đánh cuội này mê say, mà luôn tiện bịp Hồ Chí Minh một mách.
Quyết định như vậy, nàng bèn lập một cẩm nang mà trao lại cho bà vú. Dặn rằng, khi cái thơ gởi cho Hoa Kỳ xong rồi, mà hễ có ai bén mảng đến dò la và ăn cắp mất hộp tài liệu đi, thì bà vú phải lập tức bán hết nhà cửa đồ đạc, mau về Huế ẩn dật mà dưỡng già. Nàng cho hết tiền bạc của cải của nàng cho bà vú, miễn là bà vú đừng cho Xích Tử gặp bà lại, và bà vú gởi cho Hồ Hữu Tường một cái thơ mà nàng viết sẵn từ năm 1948. Thơ rằng:
Anh yêu dấu của em,
Khi anh tiếp được thơ này, mười bảy năm sau khi em từ giã cõi đời, thì đứa con chung của chúng ta là Xích Tử sẽ lãnh chỉ thị đến mà «tố khổ» anh. Anh chớ nên lấy đó làm buồn. Anh nên xem đó là một dịp «MỘT THUỞ NGÀN NĂM». Anh chớ nên cho Xích Tử biết nó là con của anh, đứa con «hòn máu bỏ rơi». Chi vậy? Để nó hăng hái mà chống đối anh, anh tổ chức đánh cuội với nó, rồi anh đem tất cả sở đắc của anh mà truyền cho nó. Trong cuộc đánh cuội này, anh ví anh là con cọp già, ra múa võ với con cọp con, là nó, để truyền những miếng độc đáo cho nó. Sau mấy năm luyện tập, nó sẽ trưởng thành. Khi anh được thơ này, là đầu năm 1965. Luyện tập trong năm năm, đến năm kỷ dậu (1969) là năm lập hội Long Hoa, nó sẽ có đủ tài mà làm cái công việc mà em ước mơ cho nó là «Đổi đời mới Xích Tử ra công».
Nếu mà nhờ anh luyện tập, mà nó đổi đời mới được, thì linh hồn em ngậm cười mãi mãi, nhớ rằng sự âu yếm của đôi ta không phải chỉ là một sự thỏa thích của dâm dục, lại đem một cái gì cao cả và hay ho. Chừng đó, cái mà thế gian xem là ô trọc mà không dám đem ra ca tụng trong văn chương, cái ấy sẽ thành một giá trị cho người đời nghiền ngẫm.
Hôn anh rất dài, nếu một linh hồn còn hôn người sống được.
THU HƯƠNG