Giai Thoại 2
LÝ THÁI Tổ VỚI VIỆC DỜI ĐÔ

     ăm 967, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân, năm sau (968), ông lên ngôi hoàng đế, xưng là Đinh Tiên Hoàng, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, niên hiệu là Thái Bình, định đô ở Hoa Lư. Đất Hoa Lư (nay thuộc Ninh Bình) là kinh đô của nước ta suốt cả thời Đinh (968 - 979) lẫn thời Tiền Lê (980 - 1009), dài đến hơn bốn chục năm trời.
Năm 1010, nghĩa là ngay sau khi Ngọa Triều vừa mất, Lý Công uẩn được tôn lên ngôi báu, đó là Lý Thái Tổ, vị vua khai sinh ra triều Lý (1010 - 1225). Công việc đầu tiên của Lý Thái Tổ là dời đô. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 2, tờ 2 a - b và tờ 3 - a) chép rằng:
“Vua thấy Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương, muốn dời đi nơi khác, tự tay viết chiếu truyền rằng: “Ngày xưa, nhà Thương (Trung Quốc - ND) tính đến đời Bàn Canh là năm lần dời đô, nhà Chu (Trung Quốc - ND) tính đến Thành vương là ba lần dời đô; há phải các vua đời tam đại ấy (tam đại gồm Hạ, Thương và Chu - ND) theo ý riêng mà tự dời đô, không tính toán gì đâu. Làm thế chẳng qua cũng cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, xem có chỗ tiện thì dời đô, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ của các nhà Thương, Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất lấy làm đau đớn, không thể không dời đô. Huống chi Đại La là thành cũ của Cao vương (chỉ Cao Biền - ND) ở giữa trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa đông tây nam bắc, tiện núi sông sau trước, rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân không khổ về ngập lụt tối tăm, muôn vật tốt tươi phồn thịnh. Xem khắp nước Việt ta, đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của tứ phương, đúng là đất đóng đô mãi mãi đến muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?”. Bầy tôi đều nói “Bệ hạ vì thiên hạ mà lập kế dài lâu, trên cho nghiệp đế được thịnh vượng lớn lao, dưới cho dân chúng được đông đúc giàu có, ai dám không theo?”. Vua nghe vậy cả mừng.
Mùa thu tháng bảy (năm 1010 - ND), Vua từ thành Hoa Lư dời đô ra phủ thành Đại La. Khi thuyền Vua đang tạm đỗ dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự. Vua nhân đó đổi gọi (thành Đại La) là Thăng Long”.

Lời bàn:

Thời ấy, nhìn từ bất cứ góc độ nào thì Thăng Long cũng là trung tâm của đất nước, vả chăng, trước triều Lý nhiều thế kỉ, Thăng Long cũng đã từng là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của đất nước rồi. Sớm muộn tuy có khác nhau, nhưng định đô ở Thăng Long, Lý Thái Tổ thực đã nối được chí lớn của An Dương vương, của Lý Nam Đế, của Ngô Quyên, và của các bậc anh hùng thuở trước rồi đó vậy.
Sáng suốt thay, người chọn đất đóng đô. Tuyệt vời thay, người đặt tên kinh đô. Chút huyền bí đượm nồng thi vị ấy đã góp phần tôn vẻ đẹp có thật của Thăng Long, để ngàn năm sau, đất ấy vẫn là niềm tự hào của dân tộc.