Giai Thoại 42
NỖI NHỤC BẠI TRẬN CỦA Đỗ THANH VÀ PHẠM DIÊN

     ách Đại Việt sử lược (quyển 3, tờ 15 - a) chép rằng:
“Mùa thu, tháng 7 (năm Quý Hợi, 1203 - ND), quan coi châu Nghệ An là điện tiền chỉ huy sứ Đỗ Thanh và bọn châu mục là Phạm Diên dâng thư về triều nói rằng:
- Chúa nước Chiêm Thành là Bố-trì, bị chú là Bố-do đuổi đi, bèn đem hơn 200 chiếc thuyền Bị-lan chở vợ con đến ở cửa biển Cơ La (tức Kỳ La, nay là cửa Nhượng, thuộc cẩm Xuyên, Hà Tĩnh - ND) muốn cầu cứu ta. Tháng 8, Vua sai bọn phụ quốc thái phó là Đàm Dĩ Mông, khu mật sứ là Đỗ An đi bàn bạc công việc này. Dĩ Mông đến Cơ La, Đỗ An bàn rằng:
- Bố-trì có 200 chiếc thuyền, cái dã tâm của con lang không thể tin cả được. Ngạn ngữ có câu rằng, một lỗ kiến có thể làm vỡ đê, một tấc khói có thể làm cháy nhà. Nay quân của Bố-trì há chỉ là lỗ kiến, tấc khói hay sao? Xin ông hãy suy nghĩ kĩ.
Dĩ Mông lấy lời đó nói với Thanh và Diên, bảo họ phải phòng bị. Thanh và Diên nói rằng:
- Kẻ kia vì gặp nạn mà đến cầu cứu ta, ta nên có lòng thành thương xót, chứ tỏ ý nghi ngờ như vậy, chẳng là không nên sao?
Dĩ Mông giận dữ, bèn dẫn quân về. Thanh và Diên nói với nhau rằng:
- Lũ ta đã trái ý Phụ quốc (chỉ Đàm Dĩ Nông - ND), tất có hậu hoạn, chi bằng hãy đi đánh Bố-trì để làm kế tự toàn.
Mưu đó tiết lộ ra, Bố-trì biết được, sợ hãi mà nói với quân lính rằng:
- Lũ ta gặp nạn mà phải đi cầu cứu nước lớn, nó đã không có tình nghĩa thương xót láng giềng, lại toan bắt tù ta, thật đau đớn biết chừng nào.
Thế rồi (Bố-trì) nhân lúc sơ hở để dụ Thanh và Diên. Thanh và Diên sai người Nghệ An buộc thuyền vào thuyền Bị-lan của Chiêm Thành để coi giữ. Ban đêm. người Chiêm Thành đem những bó đuốc tre ở trong có giấu gậy nhọn, để vào thuyền. Một đêm, quân canh gác mỏi mệt nên không phòng bị mà nằm ngủ quên mất. Quân Chiêm nhân đó đốt đuốc ném vào thuyền của ta. Lính canh sợ hãi tỉnh dậy, không biết làm thế nào, số bị quân Chiêm Thành giết, số nhảy xuống nước rồi chết đuối, tổng cộng hơn 200 người. Quân của Thanh và Diên tan vỡ, còn Bố-trì thì thống suất lính tráng và tay chân chạy trốn về nước nó”.

Lời bàn:

Đàm Dĩ Mông và Đỗ An là bậc đại thần, nhận mệnh vua đi xét việc Bố-trì đến xin cầu cứu, nhưng chưa bàn đã nghi kị người, ấy là lỗi khó bỏ qua. Phàm ở đời, hễ chưa bàn chuyện với người mà đã mất lòng tin ở người thì thà đừng bàn còn hơn. cảnh giác và mất lòng tin là hai khái niệm khác nhau, trộn lẫn để rồi nhầm lẫn thì chỉ lâm vào chỗ khốn.
Đỗ Thanh và Phạm Diên lúc đầu lòng thành có dư, nhưng khi thấy quan trên giận dữ bỏ về thì không còn giữ được bình tĩnh nữa. Hóa ra, hai ông sợ quan trên còn hơn sợ giặc ngoài! Dân gian có câu:
Thứ nhất sợ kẻ anh hùng,
Thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân.
Bố-trì lúc ấy cũng có thể coi là kẻ cố cùng liều thân vậy. Song, quân pháp nhà Lý bấy giờ nghiêm đến mức nào mà đến cả chuyện hệ trọng như vậy cũng bay đến tai Bố-trì ngay? “Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường'' là đấy chăng? Đỗ Thanh và Phạm Diên bị đại bại nhục nhã, kể cũng dễ hiểu!