Giai Thoại 10
CHUYỆN VUA LÝ THÁI TÔNG ĐI CÀY

     ua Lý Thái Tông (1028 - 1054) là người rất chăm lo đến sản xuất nông nghiệp. Ngoài việc hoạch định những chính sách rất tích cực và tiến bộ đối với nông nghiệp, Lý Thái Tông còn nhiều lần tự mình đi làm ruộng, lấy đó làm hành động thiết thực để cổ vũ cho nghề nông. Sử cũ đã ghi rõ, ngày 14 tháng 10 năm Canh Ngọ (1030), Vua thân ra ruộng ở Điểu Lộ xem gặt; ngày 1 tháng 4 năm Nhâm Thân (1032) Vua đi cày tịch điền ở Đỗ Động Giang, hôm ấy, có nhà nông dâng Vua một cây lúa 9 bông; tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1042), Vua đi cày ruộng tịch điền ở Khả Lãm...v.v. Nhà vua mà còn đi cày, lẽ đâu các quan lại không ngó ngàng gì tới việc đồng áng. Một số ít quan lại vì thế mà chẳng ưa gì việc nhà vua đi làm ruộng. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 2, tờ 25 - b) có chép lại một mẩu chuyện rất đáng suy nghĩ như sau:
“Mùa xuân, tháng 2 (năm Mậu Dần, 1038 - ND) Vua ngự ra cửa Bố Hải cày ruộng tịch điền. (Vua) sai hữu ti dọn cỏ đắp đàn rồi thân tế Thần Nông, tế xong, tự cầm cày để muốn làm lễ tự cày. Các quan tả hữu có người can rằng:
- Đó là việc của nông phu, Bệ hạ cần gì làm thế?
Vua nói:
- Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lấy gì cho thiên hạ noi theo?
Nói xong, (Vua) đẩy cày ba lần rồi thôi. Tháng 3, Vua về kinh sư.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Thái Tông khôi phục lễ cổ, tự mình cày ruộng tịch điền để nêu gương cho thiên hạ, trên thì để cúng tôn miếu, dưới thì để nuôi muôn dân, công hiệu trị nước dẫn đến của giàu dân đông, nên thay ư?

Lời bàn:

Nước nông nghiệp, vua không chăm lo đến nghề nông thì còn chăm lo đến nghề gì nữa. Nhưng, nói nhiều mà làm gì? Một lần vua cầm cày hơn ngàn lần vua xuống chiếu khuyến dụ, một lần vua gần dân hơn ngàn lần vua hô hào cổ vũ. Thời ấy, nước Đại Việt ta là một trong những quốc gia hùng cường ở Đông Nam châu Á. Một trong những cội nguồn của sức mạnh Đại Việt là ở đây chăng?