CHƯƠNG 6
HÀNH TINH THỨ MƯỜI HAI

    
tưởng về việc những sinh vật thông minh đã đến thăm Trái đất từ một nơi nào đó khiến ta đặt câu hỏi về sự tồn tại của một thiên thể khác mà trên đó những sinh vật thông minh này đã tạo dựng nên một nền văn minh tiến bộ hơn nền văn minh của chúng ta.
Trong quá khứ, giả định về khả năng đã có cuộc viếng thăm của những sinh vật thông minh bên ngoài xuống Trái đất tập trung coi các hành tinh như sao Hỏa hay sao Kim là nơi xuất phát của họ. Tuy nhiên, hiện nay khi chúng ta gần như có thể chắc chắn rằng 2 hành tinh gần Trái đất này không hề có sinh vật thông minh cũng không có nền văn minh tiến bộ nào, thì những người tin vào sự tồn tại những chuyến viếng thăm như vậy tới Trái đất lại cho rằng các thiên hà khác cùng các vì sao xa xôi là điểm xuất phát của những nhà du hành vũ trụ ngoài hành tinh đó.
Ưu điểm của những ý kiến này là tuy chúng không thể chứng minh nhưng cũng không ai có thể bác bỏ được chúng. Nhược điểm là những “điểm xuất phát” này lại cực kỳ cách xa Trái đất, phải mất nhiều năm du hành với tốc độ ánh sáng mới tới được. Tác giả của những ý kiến này lại đưa ra giả thiết về những chuyến đi một chiều tới Trái đất: một nhóm các nhà du hành vũ trụ thực hiện nhiệm vụ một đi không trở lại, hoặc có lẽ là một con tàu vũ trụ bị lạc đường và mất kiểm soát rồi lao xuống Trái đất.
Đây rõ ràng không phải là quan điểm của người Sumer về Thiên Cung của các vị Thần.
Người Sumer thừa nhận sự tồn tại của một “Thiên Cung”, một “chốn thuần khiết”, một “cung điện nguyên sinh” như vậy. Trong khi Enlil, Enki và Ninhursag xuống Mặt đất và cư ngụ ở đó thì người cha Anu của họ vẫn ở lại cai trị Thiên Cung. Không chỉ thỉnh thoảng được nhắc đến trong nhiều ghi chép, 21 cặp thần linh của vương triều trước Anu trên ngai vàng của “chốn thuần khiết” còn thực sự được liệt kê trong những “danh sách thần linh” chi tiết.
Còn Anu ngự trên một cung điện huy hoàng và rộng lớn. Theo lời Gilgamesh (cũng như xác nhận trong Sách Tiên tri Ezekiel) thì đó là một cung điện với một khu vườn nhân tạo được chạm khắc toàn bộ bằng đá bán quý. Ở đó Anu ngự trị cùng với người vợ chính thức là Antu và 6 phi tần, 80 người con (trong đó có 14 người con với Antu), 1 Thừa Tướng, 3 Chỉ huy trưởng phụ trách các Mu (tàu tên lửa), 2 Chỉ huy trưởng về Vũ khí, 2 Tổ Sư về Kiến thức, 1 Thượng thư Bộ hộ, 2 Chánh án, 2 “người có dấu ấn mạnh mẽ”, 2 người phụ trách việc ghi chép cùng với 5 trợ lý ghi chép.
Các ghi chép của người Mesopotamia thường nhắc đến vẻ tráng lệ của Cung điện Anu cùng các vị thần và vũ khí canh gác lối vào. Câu chuyện về Adapa kể rằng thần Enki sau khi cấp cho Adapa một chiếc shem,
Chỉ đường cho ông tới Thiên đường,
và ông bay lên Thiên đường.
Khi ông tới được Thiên đường,
ông đến Cánh cổng của Anu.
Tammuz và Gizzida đang đứng gác
bên Cánh cổng của An.
Được bảo vệ bằng 2 loại vũ khí SHAR.UR (“thợ săn hoàng gia”) và SHAR.GAZ (“sát thủ hoàng gia”), Cung điện của Anu là nơi Hội đồng các vị Thần tụ họp. Vào những dịp tụ họp như vậy, một đạo luật nghiêm ngặt quy định thứ tự đi vào và chỗ ngồi được đưa ra:
Enlil bước vào Cung điện của Anu,
ngồi xuống chỗ của chiếc mũ thiêng tiara,
phía bên phải của Anu.
Ea bước vào cung điện của Anu,
ngồi xuống chỗ của chiếc mũ thiêng tiara,
phía bên trái của Anu.
Các vị thần của Thiên đường và Mặt đất ở vùng Cận Đông cổ đại không những có nguồn gốc từ Thiên đường mà còn có thể trở về Thiên Cung. Anu thỉnh thoảng có những chuyến thăm chính thức xuống Mặt đất; Ishtar trở về với Anu ít nhất hai lần. Trung tâm thờ cúng của Enlil tại Nippur được xây dựng như một “sợi dây” “kết nối trời-đất”. Shamash là vị thần phụ trách Đại bàng và bãi phóng tàu tên lửa. Gilgamesh bay lên tới Cung điện Bất tử và quay trở về Uruk; Adapa cũng thực hiện chuyến hành trình đó và trở về kể cho mọi người nghe; vua Tyre trong Kinh thánh cũng vậy.
Rất nhiều ghi chép của người Mesopotamia nhắc tới từ Apkallu, thuật ngữ tiếng Akkad có nguồn gốc từ AB.GAL trong tiếng Sumer có nghĩa là “Đấng Vĩ đại dẫn đầu” hay “người thầy chỉ lối”. Nghiên cứu do Gustav Guterbok (Die Historische Tradition und Ihre Literarische Gestaltung bei Babylonier und Hethiten - Truyền thống lịch sử văn học và thiết kế thời Babylon và Hittite) thực hiện đã xác định rằng họ là những “điểu nhân” được khắc họa như “Đại bàng” mà chúng tôi đã đề cập ở trên. Những ghi chép nói về các chiến công của họ kể rằng một người trong số đó “đã đưa Inanna từ Thiên đường xuống đền E-Anna”. Điều này và nhiều chi tiết khác chứng tỏ rằng các Apkallu này chính là những phi công lái tàu vũ trụ của người Nefilim.
Hành trình hai chiều không chỉ tạo điều kiện mà trong thực tế như chúng tôi được biết, đã thúc đẩy việc xem xét đưa ra quyết định thiết lập Cánh cổng các vị Thần (Babili) ở Sumer, vị thần đứng đầu thần giới đã giải thích:
Khi đặt chân đến Cội nguồn Nguyên thủy
mà các ngươi bay lên để hội họp,
Sẽ có chỗ nghỉ ngơi qua đêm
đón tiếp tất cả các ngươi.
Khi từ Thiên đường
các ngươi xuống để hội họp,
Sẽ có chỗ nghỉ ngơi qua đêm
đón tiếp tất cả các ngươi.
Với ý niệm rằng hành trình hai chiều giữa Mặt đất và Thiên Cung vừa được dự tính vừa được thực hiện, người dân Sumer đã không đặt các vị thần của mình ở những thiên hà xa xôi. Di sản mà họ để lại cho ta biết rằng Cung điện của các vị thần nằm chính trong hệ Mặt trời của chúng ta.
Chúng ta đã nhìn thấy Shamash trong bộ đồng phục Chỉ huy trưởng các “Đại bàng”. Trên mỗi cổ tay của vị thần này có đeo một đồ vật trông giống như chiếc đồng hồ được cố định bằng đai kim loại. Những hình vẽ khác về các Đại bàng cho thấy tất cả những nhân vật quan trọng đều đeo đồ vật đó. Chúng ta không biết có phải chúng chỉ là những vật trang trí đơn thuần hay có một mục đích hữu dụng nào đó. Nhưng tất cả các chuyên gia đều nhất trí rằng những đồ vật này đều có hình hoa hồng, đó là một cụm “cánh hoa” hình tròn hướng tâm. (Hình 86)
Hình hoa hồng là biểu tượng trang trí đền thờ phổ biến nhất ở các vùng đất cổ đại này và thịnh hành ở Mesopotamia, Tây Á, Anatolia, Cyprus, đảo Crete và Hy Lạp. Quan điểm rằng hình hoa hồng, biểu tượng của đền thờ là sự phát triển hay biểu tượng hóa của một hiện tượng thiên văn – đó là mặt trời được bao quanh bởi các vệ tinh của nó – đã được chấp nhận rộng rãi. Việc các nhà du hành vũ trụ cổ đại đeo trên tay biểu tượng này càng củng cố vững chắc quan điểm này hơn.
Một bức họa của người Assyria về Cánh cổng của Anu trên Thiên Cung (Hình 87) cho thấy người cổ đại cũng biết đến hệ thiên thể như Mặt trời và các hành tinh của nó. Cánh cổng được hai Đại bàng canh gác – điều này thể hiện rằng để tới được Thiên Cung thì cần phải có sự phục vụ của họ. Quả cầu có cánh – biểu tượng thần linh tối cao – đánh dấu ở lối vào. Nó được bảo vệ bởi 7 biểu tượng thiên văn và hình trăng lưỡi liềm, (mà chúng tôi tin là) biểu thị cho Anu được bảo vệ bởi Enlil và Enki.
Những thiên thể mà các biểu tượng này đại diện nằm ở đâu? Thiên Cung nằm ở đâu? Người họa sỹ cổ đại đưa ra câu trả lời bằng một hình vẽ khác thể hiện một vị thần lớn đang tỏa những tia sáng tới 11 thiên thể nhỏ hơn bao quanh. Đó là biểu tượng cho Mặt trời cùng với 11 hành tinh trên quỹ đạo.
Ta có thể chứng minh đây không phải là một biểu tượng cá biệt vì có nhiều hình vẽ khác trên các con dấu lăn, giống như con dấu này tại Bảo tàng Cận Đông cổ đại ở Berlin. (Hình 88)

Hình 87

 
Khi phóng đại hình vị thần hay thiên thể trung tâm trên con dấu ở bảo tàng Berlin này (Hình 89) ta có thể thấy rằng nó khắc họa một ngôi sao lớn tỏa sáng 11 thiên thể hay hành tinh bao quanh. Những thiên thể này lại dựa trên một chuỗi 24 quả cầu nhỏ hơn. Liệu đây có đơn thuần là sự trùng hợp khi số lượng tất cả các “mặt trăng”, hay còn gọi là vệ tinh của các hành tinh trong hệ Mặt trời của chúng ta cũng chính xác là 24?
Dĩ nhiên đến đây sẽ có người cho rằng những bức họa vẽ Mặt trời và 11 hành tinh này là dạng thức mô phỏng chính Hệ Mặt trời của chúng ta, bởi các chuyên gia nói rằng Trái đất nằm trong hệ thiên văn bao gồm Mặt trời, Trái đất và Mặt trăng, sao Thủy, sao Kim, sao Hỏa, sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương, sao Hải Vương và sao Diêm Vương. Như vậy tổng cộng chỉ có Mặt trời và mười hành tinh (khi Mặt trăng được tính là một hành tinh).
Nhưng đó không phải là những gì mà người Sumer nói. Họ cho rằng Hệ Mặt trời của chúng ta bao gồm Mặt trời và 11 hành tinh (tính cả Mặt trăng) và trung thành với quan điểm rằng ngoài những hành tinh mà chúng ta biết hiện nay, còn có một thành viên thứ mười hai của Hệ Mặt trời – hành tinh nơi có những người Nefilim.
Chúng tôi sẽ gọi hành tinh đó là Hành tinh thứ Mười hai.
***
Trước khi kiểm tra tính chính xác của thông tin do người Sumer đưa ra, chúng ta hãy cùng xem lại lịch sử tri thức của con người về Trái đất và vũ trụ xung quanh.
Ngày nay chúng ta biết rằng trong Hệ Mặt trời ngoài 2 hành tinh khổng lồ sao Mộc và sao Thổ có 2 hành tinh lớn nữa là sao Thiên Vương và sao Hải Vương cùng một hành tinh thứ ba nhỏ hơn là sao Diêm Vương. Nhưng gần đây chúng ta mới phát hiện ra chúng. Sao Thiên Vương được phát hiện vào năm 1781 nhờ việc ra đời và sử dụng kính thiên văn cải tiến. Sau khi tiến hành quan sát trong 50 năm, một số nhà thiên văn học đi đến kết luận rằng quỹ đạo của hành tinh này chịu ảnh hưởng của một hành tinh khác nữa. Bằng các phép tính toán học như vậy vào năm 1846 các nhà thiên văn học đã xác định chính xác hành tinh còn thiếu đó – đó chính là sao Hải Vương. Rồi đến cuối thế kỷ XIX, có bằng chứng cho thấy chính sao Hải Vương cũng là đối tượng của lực hấp dẫn bí ẩn. Có phải đó là của một hành tinh khác trong Hệ Mặt trời của chúng ta? Câu hỏi này được giải đáp vào năm 1930 với việc quan sát và xác định được sao Diêm Vương.
Nhưng đến tận năm 1780 và nhiều thế kỷ trước đó người ta vẫn tin rằng Hệ Mặt trời của chúng ta có 7 hành tinh: Mặt trời, Mặt trăng, sao Thủy, sao Kim, sao Hỏa, sao Mộc, sao Thổ. Trái đất không được coi là một hành tinh vì người ta tin rằng các thiên thể khác quay quanh Trái đất – thiên thể quan trọng nhất do Chúa tạo ra, với sản phẩm sáng tạo quan trọng nhất của Chúa là Con người ở trên đó.
Các sách giáo khoa của chúng ta thường coi Nicolaus Copernicus là người phát hiện ra Trái đất chỉ là một trong 7 hành tinh trong hệ nhật tâm (lấy Mặt trời làm trung tâm). Lo sợ sự phẫn nộ của nhà thờ Công giáo vì đã bác bỏ thuyết Trái đất là trung tâm, Copernicus chỉ dám xuất bản nghiên cứu của mình (De revolutionibus orbium coelestium – Các cuộc cách mạng trong không gian) vào những giờ phút cuối cùng của cuộc đời năm 1543.
Với việc xem xét lại những khái niệm thiên văn học cũ kỹ từ nhiều thế kỷ trước được khích lệ bởi nhu cầu hàng hải trong Kỷ nguyên Khám phá, bởi những phát hiện của Columbus (1942), Magellan (1520) và một số cá nhân khác rằng Trái đất không hề bằng phẳng mà có dạng hình tròn, Copernicus đã dựa vào các phép tính toán học và tìm kiếm câu trả lời trong các ghi chép cổ. Năm 1536, một trong những giáo sỹ ủng hộ Copernicus là Cardinal Schonberg đã viết cho ông như sau: “Tôi nhận ra rằng ngài không những nắm vững nền tảng của các học thuyết toán học cổ đại mà ngài còn tạo ra một học thuyết mới… theo đó Trái đất chuyển động còn Mặt trời chiếm vị trí cơ bản và là vị trí chính yếu.”
Những khái niệm thiên văn trước đây dựa trên các truyền thuyết Hy Lạp và La Mã rằng Trái đất phẳng và được bao phủ bằng một vòm trời phía trên, trong vòm trời đó vị trí các ngôi sao là cố định. Bên dưới vòm trời đầy sao đó các hành tinh (planet – có nguồn gốc là từ “kẻ lang thang – wanderer” trong tiếng Hy Lạp) chuyển động quanh Trái đất. Như vậy có tất thảy 7 thiên thể và chúng là nguồn gốc của 7 ngày trong tuần cũng như tên gọi của các ngày đó: Mặt trời (Sunday – Chủ nhật), Mặt trăng (Moon – Thứ hai), sao Hỏa (mardi), sao Thủy (mercredi), sao Mộc (jeudi), sao Kim (vendredi), sao Thổ (Saturday – thứ Bảy). (Hình 90)
Các khái niệm thiên văn này bắt nguồn từ các công trình nghiên cứu và luật lệ của Ptolemy, một nhà thiên văn ở thành Alexandria, Ai Cập vào thế kỷ thứ II SCN. Phát hiện của ông chính là Mặt trời, Mặt trăng và năm hành tinh khác quay quanh Trái đất. Thuyết thiên văn của Ptolemy đã thống trị hơn 1.300 năm cho đến khi Copernicus đặt Mặt trời vào vị trí trung tâm.

Hình 90
Trong khi một số người gọi Copernicus là “Cha đẻ của Thiên văn học hiện đại” thì những người khác lại coi ông như là người nghiên cứu và xây dựng lại những ý tưởng đã có từ trước. Thực tế là Copernicus đã nghiền ngẫm ghi chép của các nhà thiên văn Hy Lạp trước thời Ptolemy như Hipparchus và Aristarchus ở Samos. Vào thế kỷ thứ III TCN Aristarchus cho rằng có thể giải thích được chuyển động của các thiên thể hợp lý hơn với giả thiết Mặt trời nằm ở vị trí trung tâm chứ không phải Trái đất. Thực tế, 2.000 năm trước thời Copernicus, các nhà thiên văn Hy Lạp đã lên danh sách các hành tinh theo thứ tự chính xác tính từ Mặt trời, theo đó thừa nhận rằng Mặt trời mới là tâm điểm của Hệ Mặt trời chứ không phải Trái đất.
Copernicus chỉ là người khai phá lại khái niệm nhật tâm; và một thực tế thú vị là các nhà thiên văn những năm 500 TCN lại hiểu biết nhiều hơn những người sống vào năm 500 và 1500 sau Công nguyên.
Quả thực hiện nay các chuyên gia khó có thể lý giải được tại sao đầu tiên là người Hy Lạp rồi đến người La Mã đều cho rằng Trái đất bằng phẳng nằm trên một lớp nước tối đen phía dưới là Âm phủ hay “Địa ngục”, trong khi một số bằng chứng do các nhà thiên văn Hy Lạp đưa ra từ thời trước lại cho biết điều ngược lại.
Hipparchus, người sống ở vùng Tiểu Á vào thế kỷ thứ II TCN đã bàn về “dấu hiệu điểm chí và điểm phân”, hiện tượng mà ngày nay chúng ta gọi là tuế sai của các phân điểm. Nhưng hiện tượng này chỉ có thể giải thích được theo quan điểm của “thiên văn học hình cầu”, theo đó Trái đất là một quả cầu được bao quanh bởi các thiên thể khác cùng nằm trong một vũ trụ hình cầu.
Như vậy có phải Hipparchus đã biết rằng Trái đất là một quả cầu và liệu ông có thực hiện các tính toán của mình theo quan điểm thiên văn học hình cầu? Một câu hỏi khác cũng quan trọng không kém. Hiện tượng tuế sai có thể quan sát được bằng cách liên hệ thời điểm sang xuân với vị trí của Mặt trời (được nhìn từ Trái đất) trong một chòm sao hoàng đạo nhất định. Nhưng quá trình chuyển từ chòm sao hoàng đạo này sang chòm sao hoàng đạo khác mất đến 2.160 năm. Dĩ nhiên là Hipparchus không thể sống lâu đến vậy để thực hiện quan sát thiên văn đó. Vậy ông đã lấy những thông tin này từ đâu?
Eudoxus, xứ Cnidus, một nhà toán học và thiên văn học cũng sống ở vùng Tiểu Á trước Hipparchus 2 thế kỷ đã chế tác một thiên cầu, bản sao của nó được dựng ở La Mã chính là bức tượng Atlas chống đỡ thế giới. Các hình vẽ trên quả cầu thể hiện các chòm sao hoàng đạo. Nhưng nếu Eudoxus coi bầu trời là một quả cầu thì vị trí của Trái đất trong mối tương quan với bầu trời là ở đâu? Có phải ông cho rằng thiên cầu nằm trên Trái đất bằng phẳng – cách bố trí kệch cỡm nhất – hay ông đã biết rằng Trái đất là một quả cầu được bao bọc bởi thiên cầu? (Hình 91)

Hình 91
Tuy bản gốc các công trình nghiên cứu của Eudoxus đã bị thất lạc nhưng chúng ta vẫn biết tới chúng nhờ vào những bài thơ của Aratus, một người sống ở thế kỷ thứ III TCN, người đã “diễn dịch” các phát hiện của nhà thiên văn này bằng ngôn ngữ thi ca. Trong bài thơ này (mà St. Paul rất quen thuộc vì đã trích dẫn nó), các chòm sao được mô tả rất chi tiết “như được vẽ ra một cách tài tình”; và việc quy nhóm, đặt tên cho các chòm sao đó đã có từ thời rất xa xưa. “Người xưa đã suy nghĩ và lên kế hoạch đặt tên và tìm ra những hình thức phù hợp.”
Vậy những “người xưa” mà Audoxus cho là đã đặt tên cho các chòm sao này là ai? Dựa vào một số chi tiết trong bài thơ, các nhà thiên văn đương đại tin rằng các câu thơ của người Hy Lạp này mô tả bầu trời theo vị trí quan sát ở Mesopotamia vào khoảng năm 2200 TCN.
Thực tế, việc cả Hipparchus và Eudoxus đều sống ở vùng Tiểu Á khiến ta càng có cơ sở tin rằng họ đã nắm được những tri thức này từ người Hittite. Thậm chí có lẽ họ đã tới thăm kinh đô của người Hittite và xem được hình vẽ đám rước thần linh được khắc trên đá ở đó, bởi trong đoàn diễu hành các vị thần có 2 vị mình người đầu bò đỡ một quả cầu – một cảnh tượng có thể đã gợi cảm hứng cho Eudoxus tạc nên bức tượng Atlas chống đỡ bầu trời. (Hình 92)

Hình 92
Liệu có phải các nhà thiên văn Hy Lạp sinh sống ở vùng Tiểu Á nắm bắt được nhiều thông tin hơn các bậc tiền bối vì họ tận dụng được nguồn tri thức của người Mesopotamia?
Trong thực tế, Hipparchus đã thừa nhận trong các ghi chép của mình rằng các nghiên cứu của ông đều dựa trên những kiến thức được tích lũy và chứng thực qua nhiều thiên niên kỷ. Ông đặt tên cho những người thầy của mình là “những nhà thiên văn người Babylon xứ Erech, Borsippa và Babylon”. Geminus ở đảo Rhodes coi “người Chaldea” (người Babylon cổ đại) là những người đã khám phá ra chuyển động chính xác của Mặt trăng. Sử gia Diodorus Siculus ở thế kỷ thứ I TCN đã xác nhận tính chính xác của thiên văn học Mesopotamia; ông khẳng định rằng “người Chaldea đã đặt tên cho các hành tinh ở trung tâm hệ thiên văn của họ là Mặt trời, ngôi sao sáng nhất, còn các hành tinh khác là “con cái” phản ánh vị trí và mức độ chiếu sáng của Mặt trời”.
Như vậy, Chaldea được thừa nhận là nguồn gốc của tri thức thiên văn Hy Lạp; những người Chaldea cổ đại luôn có vốn hiểu biết phong phú và chính xác hơn các dân tộc sau họ. Qua nhiều thế hệ, cái tên “người Chaldea” đã gắn liền với biểu tượng của nhà chiêm tinh, nhà thiên văn trên khắp thế giới cổ đại.
Abraham, người đến từ “thành Ur của người Chaldea” đã được Thiên Chúa yêu cầu quan sát các vì sao khi bàn về các thế hệ tương lai của người Hebrew. Thực tế, Kinh Cựu ước chứa đựng đầy rẫy những thông tin thiên văn. Joseph so sánh bản thân và anh trai mình với 12 thiên thể và tộc trưởng Jacob ban phước cho 12 đứa con của mình bằng cách gắn chúng với 12 chòm sao hoàng đạo. Phần Thánh ca trong cuốn Sách Job liên tục nhắc tới các hiện tượng thiên văn, các chòm sao hoàng đạo và các chòm sao khác (chẳng hạn như chòm sao Thất tinh). Những tri thức về hoàng đạo, sự phân chia bầu trời một cách khoa học và những thông tin thiên văn khác đã được phổ biến ở vùng Cận Đông cổ đại trước cả thời Hy Lạp cổ đại.
Tri thức thiên văn của người Mesopotamia vốn là cội nguồn tri thức của các nhà thiên văn Hy Lạp cổ đại và có quy mô vô cùng đồ sộ, bởi chỉ riêng những gì mà các nhà khảo cổ tìm thấy cũng đã trở thành một kho tàng những ghi chép, bản khắc, con dấu, phù điêu đắp nổi, hình vẽ, danh sách các thiên thể, các điềm báo, lịch, bảng thống kê thời gian mọc và lặn của Mặt trời cùng các hành tinh khác cũng như các dự báo thiên thực.
Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng nhiều ghi chép trong số đó về bản chất mang tính chiêm tinh học nhiều hơn là thiên văn học. Bầu trời và chuyển động của các thiên thể dường như là mối bận tâm hàng đầu của các vị vua hùng mạnh, các giáo sỹ đền thờ và của người dân xứ sở này nói chung; dường như mục đích của việc chiêm tinh là tìm kiếm trên bầu trời câu trả lời cho nguyên nhân các sự việc diễn ra trên Trái đất như chiến tranh, hòa bình, sự sung túc hay nạn đói.
Sau khi biên soạn và phân tích hàng trăm ghi chép có từ thiên niên kỷ thứ nhất TCN, R. C. Thompson (The Report of the Magicians and Astrologers of Nineveh and Babylon – tạm dịch: Báo cáo của các pháp sư và nhà chiêm tinh Nineveh và Babylon) đã có thể chỉ ra rằng các nhà chiêm tinh này rất quan tâm đến vận mệnh của xứ sở, của người dân và của nhà vua dưới góc độ quốc gia chứ không phải là vận mệnh của từng cá nhân (không giống như thuật chiêm tinh “đoán số tử vi” ngày nay):
Nếu Mặt trăng không mọc trong thời gian đã định,
sẽ có một cuộc xâm lăng do một thành lớn gây ra.
Nếu một sao chổi đi qua đường đi của Mặt trời,
cái đuôi sẽ bị thu nhỏ lại, cuộc nổi loạn sẽ diễn ra 2 lần.
Nếu sao Mộc đi cùng với sao Kim,
các giáo sỹ của xứ sở sẽ thấu tận trái tim các vị thần.
Nếu Mặt trời đi vào vị trí của Mặt trăng,
đức vua của xứ sở sẽ gìn giữ được ngai vàng.
Ngay cả thuật chiêm tinh này cũng đòi hỏi những kiến thức toàn diện và chính xác về thiên văn, bởi nếu không có chúng thì chẳng ai có cơ sở để đưa ra bất kỳ điềm báo nào. Người Mesopotamia với vốn kiến thức đó đã phân biệt được những vì sao “cố định” với những hành tinh “lang thang” và biết rằng Mặt trời với Mặt trăng không phải là những ngôi sao cố định cũng không phải là những hành tinh bình thường. Họ cũng quen thuộc với sao chổi, sao băng và các hiện tượng thiên văn khác, họ cũng tính toán được các mối liên hệ giữa Mặt trời, Mặt trăng, Trái đất và dự đoán được thiên thực. Họ theo dõi chuyển động của các thiên thể và liên hệ chúng với quỹ đạo và sự quay của Trái đất trong Hệ Mặt trời – hệ thiên văn, đặc biệt họ còn tính được thời điểm mọc và lặn của các ngôi sao và hành tinh trên bầu trời trong mối tương quan với Mặt trời và cách tính này vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay.
Để theo dõi được chuyển động của các thiên thể và vị trí của chúng trên bầu trời trong mối tương quan với Trái đất và với nhau, người Babylon và người Assyria có những loại lịch thiên văn chính xác. Chúng là những tấm đất sét liệt kê và dự đoán vị trí tương lai của các thiên thể. Giáo sư George Sarton (Chaldean Astronomy of the Last Three Centuries B.C – tạm dịch: Thiên văn học của người Chaldea trong 3 thế kỷ cuối TCN) phát hiện ra rằng những tấm lịch này được tính toán theo 2 phương pháp: phương pháp mới hơn được sử dụng ở Babylon và phương pháp cũ hơn được sử dụng ở Uruk. Điều khác thường trong khám phá của ông là phương pháp cũ hơn của người Uruk lại phức tạp và chính xác hơn phương pháp sau này. Ông giải thích cho hiện tượng đáng ngạc nhiên này bằng cách kết luận rằng những khái niệm thiên văn sai lầm của người Hy Lạp và La Mã bắt nguồn từ việc chuyển sang một trường phái triết học giải thích thế giới bằng các thuật ngữ hình học, trong khi các giáo sỹ – nhà thiên văn người Chaldea lại tuân theo những công thức và truyền thống sẵn có của người Sumer.
Quá trình khai quật nền văn minh Mesopotamia trong vòng 100 năm qua đã khẳng định rằng những tri thức của chúng ta trong lĩnh vực thiên văn và nhiều lĩnh vực khác có cội rễ sâu xa từ Mesopotamia. Trong lĩnh vực thiên văn này chúng ta cũng kế thừa và tiếp nối di sản của người Sumer.
Các kết luận của Sarton càng được củng cố bằng những nghiên cứu toàn diện của Giáo sư O. Neugebauer (Astronomical Cuneiform Texts – Các ghi chép thiên văn bằng chữ hình nêm), người đã vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng chính những tấm lịch thiên văn đó lại không dựa trên quan sát của các nhà thiên văn Babylon, những người đã soạn ra chúng. Thực tế, chúng được tính toán “từ một vài hệ thống số học cố định… được trao lại” và các nhà thiên văn sử dụng chúng mà “không chỉnh sửa”.
Sự tôn trọng triệt để mang tính tự giác đối với “các hệ thống số học” được hình thành với sự trợ giúp của “các ghi chép số học” đi kèm với các lịch thiên văn, “đưa ra các quy tắc tính toán lịch thiên văn theo từng bước”, tuân thủ một số “lý thuyết toán học nghiêm ngặt” nào đó. Neugebauer kết luận rằng các nhà thiên văn Babylon không hề biết đến các lý thuyết làm cơ sở cho lịch thiên văn và các phép tính toán học của mình. Ông cũng thừa nhận rằng “cơ sở thực nghiệm và lý thuyết” ở tầm vĩ mô của các tấm lịch chính xác đó cũng nằm ngoài khả năng của các học giả đương đại. Tuy vậy ông vẫn tin chắc rằng các lý thuyết thiên văn học cổ xưa “chắc hẳn phải tồn tại, bởi người ta không thể nghĩ ra các hệ thống tính toán có độ phức tạp cao mà không có một kế hoạch công phu”.
Giáo sư Alfred Jeremias (Handbuch der Altorientalischen Geistkultur – tạm dịch: Hướng dẫn về các cổ vật phương Đông) kết luận rằng các nhà thiên văn Mesopotamia đã biết đến hiện tượng nghịch hành, đó là hiện tượng thất thường biểu thị hướng di chuyển không ổn định của các hành tinh khi được quan sát từ Trái đất và gây nên bởi thực tế Trái đất quay quanh Mặt trời hoặc nhanh hơn hoặc chậm hơn so với các hành tinh khác. Tầm quan trọng của những kiến thức này không chỉ nằm ở thực tế rằng nghịch hành là một hiện tượng liên quan đến các quỹ đạo của các hành tinh di chuyển quanh Mặt trời mà còn ở thực tế rằng để nắm bắt và lần theo hiện tượng này đòi hỏi những quá trình quan sát rất lâu dài.
Những lý thuyết phức tạp này đã được xây dựng từ đâu và ai là người tiến hành những quan sát không thể thiếu để xây dựng nên các lý thuyết đó? Neugebauer chỉ ra rằng “trong các ghi chép về thủ tục, chúng ta bắt gặp rất nhiều thuật ngữ kỹ thuật không thể đọc được, nếu không muốn nói là không thể hiểu được”. Có ai đó trước thời của người Babylon rất lâu đã nắm trong tay những tri thức thiên văn và toán học vượt trội hơn nhiều so với các nền văn hóa Babylon, Assyria, Ai Cập, Hy Lạp và La Mã sau này.
Người Babylon và người Assyria đã đóng góp một phần quan trọng những nỗ lực thiên văn của mình trong việc gìn giữ một loại lịch chính xác. Giống như lịch Do Thái vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay, đó là loại lịch âm - dương có sự kết hợp (“xen lẫn”) giữa năm dương lịch khoảng hơn 365 ngày với một tháng âm lịch dưới 30 ngày. Tuy lịch rất quan trọng đối với công việc kinh doanh và các nhu cầu trần tục khác nhưng người ta cần đến sự chính xác của nó chủ yếu là để quyết định ngày và khoảnh khắc chính xác của Năm Mới, cũng như các lễ hội và nghi lễ thờ cúng các vị thần khác.
Để tính toán và liên kết các chuyển động phức tạp của Mặt trời, Trái đất, Mặt trăng và các hành tinh, các giáo sỹ − nhà thiên văn Mesopotamia dựa vào một lý thuyết thiên văn học hình cầu phức tạp. Trái đất được coi là một quả cầu với một đường xích đạo và các cực; bầu trời cũng được chia phân chia bằng các đường xích đạo và đường nối cực tưởng tượng. Đường đi của các thiên thể có liên quan đến hiện tượng thiên thực là ảnh chiếu của Trái đất quay quanh Mặt trời lên thiên cầu; các điểm phân (các điểm và thời điểm mà Mặt trời trong hành trình di chuyển về phía bắc và phía nam thường niên giao cắt với đường xích đạo thiên cầu); và các điểm chí (thời điểm mà Mặt trời trong hành trình theo quỹ đạo thường niên của mình đạt đến độ lệch dương và độ lệch âm lớn nhất). Tất cả những khái niệm thiên văn đó vẫn còn được sử dụng cho đến tận ngày nay.
Nhưng người Babylon và người Assyria không phải là người phát minh ra loại lịch này hay những phương pháp tài tình để tính toán ra loại lịch đó. Những cuốn lịch chính xác như lịch của chúng ta ngày nay có nguồn gốc từ Sumer. Các chuyên gia đã tìm thấy ở đó một cuốn lịch đã được sử dụng từ thời rất xa xưa đóng vai trò là cơ sở cho tất cả các loại lịch sau này. Loại lịch chủ yếu và chuẩn xác chính là lịch của Nippur, nơi ngự trị của Enlil. Lịch ngày nay của chúng ta cũng bắt chước theo loại lịch Nippur đó.
Người Sumer cho rằng Năm Mới bắt đầu vào thời điểm chính xác khi Mặt trời đi qua điểm xuân phân. Giáo sư Stephen Langdon (Tablets from the Archives of Drehem – Những tấm đất sét trong kho lưu trữ của Drehem) phát hiện ra rằng những hồ sơ mà Dungi, một vị vua của Ur vào khoảng năm 2400 TCN để lại cho thấy lịch Nippur lựa chọn một thiên thể nhất định đối xứng với mặt trời lặn để quyết định thời điểm chính xác bước sang Năm Mới. Ông cho rằng việc này đã được thực hiện “có lẽ 2.000 năm trước thời của Dungi”, nghĩa là vào khoảng năm 4400 TCN!
Có thật là người Sumer tuy không có những dụng cụ thực sự trong tay nhưng vẫn có được những tri thức toán học và thiên văn phức tạp cần thiết cho thiên văn học và hình học hình cầu? Trong thực tế điều đó là sự thật, như đã được chỉ ra trong ngôn ngữ của họ.
Họ có một thuật ngữ DUB có nghĩa là (trong lĩnh vực thiên văn học) “đường tròn thế giới” 360 độ được sử dụng để nói về độ cong hay hình cung của bầu trời. Với những tính toán thiên văn và toán học của mình, họ đã vẽ ra AN.UR – một “đường chân trời bầu trời” tưởng tượng để dựa vào đó tính toán thời gian mọc và lặn của các thiên thể. Từ đường chân trời này họ vẽ một đường thẳng vuông góc được gọi là NU.BU.SAR.DA; với đường này họ biết được thiên điểm và gọi nó là AN.PA. Họ vạch ra những đường mà chúng ta gọi là kinh tuyến và đặt tên cho chúng là “đường nối chia độ”; đường vĩ tuyến thì được gọi là “trung tuyến bầu trời”. Chẳng hạn như đường vĩ tuyến đánh dấu điểm hạ chí được gọi là AN.BIL (“điểm nóng của bầu trời”).
Các kiệt tác văn học của người Akkad, Hurrian, Hittite và các dân tộc khác của vùng Cận Đông cổ đại dù là bản dịch hay bản gốc bằng tiếng Sumer đều chứa đựng rất nhiều những từ vay mượn tiếng Sumer chỉ các thiên thể và hiện tượng thiên văn. Các học giả Babylon và Assyria lập nên danh sách các vì sao và viết ra các công thức tính toán chuyển động của hành tinh thường ghi chú nguồn tư liệu Sumer trên những tấm đất sét mà họ đang sao chép hoặc dịch. 25.000 bản ghi chép về lĩnh vực thiên văn học và chiêm tinh học được cho là nằm trong thư viện Nineveh của Ashurbanipal thường có những đoạn thừa nhận nguồn gốc tư liệu Sumer.
Một loạt tác phẩm thiên văn lớn mà người Babylon gọi là “Ngày của Chúa tể” đã được những người ghi chép công bố bằng cách chép lại từ một tấm đất sét bằng chữ Sumer có từ thời vua Sargon xứ Akkad vào thiên niên kỷ 3 TCN. Một tấm đất sét có từ triều đại thứ ba của Ur, cũng vào thiên niên kỷ 3 TCN, mô tả và liệt kê một loạt các thiên thể rành mạch đến mức các chuyên gia đương đại không mấy khó khăn trong việc nhận ra rằng ghi chép này là một bảng phân loại các chòm sao, trong đó có Ursa Major (Đại Hùng), Draco (Thiên Long), Lyra (Thiên Cầm), Cygnus (Thiên Nga) và Triangulum (Tam Giác) ở bầu trời phía bắc; Orion (Lạp Hộ), Canis Major (Đại Khuyển), Hydra (Trường Xà), Corvus (Ô Nha) và Centaurus (Bán Nhân Mã) ở bầu trời phía nam; và các chòm sao hoàng đạo quen thuộc ở bầu trời trung tâm.
Ở Mesopotamia cổ đại, những bí mật về tri thức thiên văn được các giáo sỹ − nhà thiên văn bảo vệ, nghiên cứu và truyền thụ. Bởi vậy cũng là lẽ thường khi ba học giả có công lao mang lại cho chúng ta nền khoa học thất truyền “Chaldea” là những giáo sỹ dòng Tên: Joseph Epping, Johann Strasman và Franz X. Kugler. Trong kiệt tác Sternkunde und Sterndienst in Babel (tạm dịch: Thiên văn học và các chòm sao ở Babylon) của mình, Kugler đã phân tích, giải mã, sắp xếp và giải thích rất nhiều bản ghi chép và danh sách. Trong một trường hợp, bằng cách “đảo ngược bầu trời” dưới phương diện toán học, ông đã có thể chỉ ra rằng một danh sách 33 thiên thể trên bầu trời của người Babylon được sắp xếp một cách chặt chẽ vào năm 1800 TCN như cách sắp xếp ngày nay của chúng ta!
Sau nhiều nỗ lực quyết định xem đâu là chòm sao thực sự và đâu chỉ là phân nhóm, thì vào năm 1925 cộng đồng thiên văn thế giới đã nhất trí phân chia bầu trời nhìn từ Trái đất thành 3 phần – phía bắc, trung tâm và phía nam – và từ đó nhóm các ngôi sao lại thành 88 chòm sao. Hóa ra việc phân nhóm này chẳng có gì mới mẻ, vì người Sumer là những người đầu tiên phân chia bầu trời thành 3 dải hay “đạo” – “đạo” phía bắc được đặt theo tên của Enlil, đạo phía nam theo tên của Ea và đạo trung tâm là “Đạo Anu” – và mỗi đạo có các chòm sao khác nhau. Dải bầu trời trung tâm ngày nay có chứa 12 chòm sao hoàng đạo chính xác như Dải Anu, trong dải này người Sumer đã nhóm các ngôi sao thành 12 nhà.
Giống như ngày nay, người cổ đại cũng liên tưởng hiện tượng này với khái niệm về hoàng đạo. Vòng quay lớn của Trái đất xung quanh Mặt trời được chia thành 12 phần đều nhau, mỗi phần là 30 độ. Những ngôi sao xuất hiện trong mỗi phần hay mỗi “nhà” này được nhóm lại với nhau thành một chòm sao, các chòm sao đó đều được đặt tên theo hình dạng tưởng tượng mà các ngôi sao trong nhóm tạo thành.
Vì tên gọi và mô tả của các chòm sao cùng các phân nhóm và thậm chí là từng ngôi sao trong các chòm sao đều xuất hiện trong nền văn minh phương Tây với việc bị ảnh hưởng sâu sắc từ thần thoại Hy Lạp nên trong gần hai thiên niên kỷ phương Tây có xu hướng coi Hy Lạp là cái nôi của thành tựu này. Nhưng giờ đây chúng ta đã biết rõ rằng các nhà thiên văn Hy Lạp cổ đại chỉ đơn thuần đưa nền thiên văn học sẵn có từ người Sumer vào ngôn ngữ và thần thoại của mình. Chúng tôi cũng đã nói về cách Hipparchus, Eudoxus và những người khác đạt được tri thức của mình. Ngay cả Thale, nhà thiên văn nổi tiếng đầu tiên của Hy Lạp, người được cho là đã đoán trước được hiện tượng nhật thực toàn phần diễn ra vào ngày 28 tháng Năm năm 585 TCN, góp phần chấm dứt được cuộc chiến giữa người Lydia và Media, cũng thừa nhận rằng nguồn tri thức của mình có cội rễ từ Mesopotamia thời kỳ tiền Semite, hay còn gọi là Sumer.
Từ “zodiac” (hoàng đạo) của chúng ta có nguồn gốc từ từ zodiakos kyklos (“hình động vật”) trong tiếng Hy Lạp bởi vì tạo hình của các nhóm sao này giống như hình dạng của sư tử, cá… Nhưng hình dạng tưởng tượng và tên gọi đó thực sự là sản phẩm của người Sumer, những người đã gọi 12 chòm sao hoàng đạo là UL.HE (“đàn động vật sáng ngời”):
  1. GU.AN.NA (“bò trời”), Taurus (Kim Ngưu).
  2. MASH.TAB.BA (“song sinh”), Gemini (Song Tử).
  3. DUB (“càng cua”, “cái kẹp”), Crab hay Cancer (Cự Giải).
  4. UR.GULA (“sư tử”), chúng ta gọi là Leo (Sư tử).
  5. AB.SIN (“cha nàng là Sin”), Maiden, Virgo (Xử Nữ).
  6. ZI.BA.AN.NA (“thiên mệnh”), Libra (Thiên Bình).
  7. GIR.TAB (“cái cắt và xé”), Scorpio (Bọ Cạp).
  8. PA.BIL (“người bảo vệ”), Archer, Sagittarius (Nhân Mã).
  9. SUHUR.MASH (“dê-cá”), Capricorn (Ma Kết).
  10. GU (“chúa tể các vùng nước”), Water Bearer (Bảo Bình), Aquarius (Tức Đồng)
  11. SIM.MAH (“cá”), Pisces (Song Ngư).
  12. KU.MAL (“ở trên đồng ruộng”), Ram, Aries (Bạch Dương).
Giống như tên gọi, tượng hình hay ký hiệu của các cung hoàng đạo cũng gần như được giữ nguyên kể từ khi ra đời ở Sumer. (Hình 93)

Hình 93

Trước khi phát minh ra kính viễn vọng, các nhà thiên văn châu Âu chỉ chấp nhận 19 chòm sao hoàng đạo do triều đại Plolemy ghi nhận ở bầu trời phía bắc. Đến năm 1925, sau khi thống nhất được cách sắp xếp, người ta ghi nhận 28 chòm sao trong phần mà người Sumer gọi là Đạo Enlil. Chúng ta cũng không ngạc nhiên khi biết rằng trái với người Ptolemy, người Sumer cổ đại đã ghi nhận, xác định, phân nhóm, đặt tên và liệt kê tất cả các chòm sao ở bầu trời phía bắc!
Trong số các thiên thể thuộc Đạo Enlil, 12 thiên thể được cho là của Enlil – tương ứng với 12 thiên thể hoàng đạo trong Đạo Anu. Tương tự, trong Đạo Ea ở phía bắc của bầu trời có 12 chòm sao được liệt kê, không chỉ đơn thuần là hiện diện ở bầu trời phía bắc mà chúng là của thần Ea. Bên cạnh 12 chòm sao chính của Ea này, một số chòm sao khác cũng được liệt kê thuộc bầu trời phía bắc, tuy nhiên ngày nay số chòm sao được công nhận không nhiều đến vậy.
Đạo Ea đã làm nảy sinh những vấn đề lớn đối với các nhà Assyria học, những người tiến hành nhiệm vụ làm sáng tỏ tri thức thiên văn cổ đại không chỉ dưới góc nhìn của tri thức đương đại mà còn dựa trên những gì người ta quan sát được trên bầu trời hàng thế kỷ và thiên niên kỷ trước. Khi quan sát bầu trời phía nam từ Ur hay Babylon, các nhà thiên văn Mesopotamia chỉ có thể nhìn thấy quá nửa bầu trời này một phần; phần còn lại nằm khuất dưới đường chân trời. Thế nhưng một số chòm sao trong Đạo Ea nếu được xác định chính xác thì lại nằm ở phần khuất dưới đường chân trời này. Điều này làm nảy sinh một vấn đề lớn hơn: Nếu theo giả thiết của các chuyên gia rằng người Mesopotamia (như người Hy Lạp sau này) coi Trái đất là một vùng đất rộng lớn khô ráo nằm trên mặt nước tối tăm hỗn loạn (theo người Hy Lạp là Địa ngục) – một chiếc đĩa phẳng với bầu trời là một vòm bán nguyệt ở trên – thì sẽ không bao giờ tồn tại phần bầu trời phía nam!
Bị bó buộc trong quan niệm cho rằng người Mesopotamia tuân theo khái niệm Trái đất phẳng, các học giả đương đại không thể chấp nhận những kết luận đề cập quá nhiều đến phần phía dưới đường xích đạo phân biệt phía bắc và phía nam của họ. Tuy nhiên các bằng chứng lại cho thấy rằng 3 “đạo” của người Sumer bao trùm toàn bộ bầu trời của một Trái đất hình cầu chứ không phải đĩa dẹt.
Năm 1900, T. G. Pinches báo cáo trước Hội châu Á học Hoàng gia rằng ông có thể sắp xếp và tái tạo một chiếc thước trắc tinh (“thước đo sao”) hoàn chỉnh của người Mesopotamia. Ông chỉ ra rằng đó là một chiếc đĩa tròn, được chia thành 12 phần và 3 vòng đồng tâm như một chiếc bánh, tạo nên 36 cung tất cả. Toàn bộ cấu trúc này trông giống như một đóa hoa hồng có 12 “cánh”, mỗi cánh là tên một tháng. Pinches đã đánh dấu chúng từ I đến XII bắt đầu bằng Nisannu, tháng đầu tiên trong lịch của người Mesopotamia. (Hình 94)

Hình 94

Mỗi cung trong 36 cung này đều chứa một tên gọi với một hình tròn nhỏ ở phía dưới thể hiện tên của một thiên thể. Những cái tên này được tìm thấy trong rất nhiều ghi chép và “danh sách các sao trên bầu trời” và hiển nhiên chúng là tên của các chòm sao, ngôi sao hay hành tinh.
Tất cả 36 cung này cũng có một con số được viết phía dưới tên các thiên thể. Trong vòng tròn nhỏ nhất là dãy số từ 30 đến 60; vòng tròn chính giữa là các số từ 60 (được viết là “1”) tới 120 (“2” ở đây có nghĩa là 2 x 60 = 120 trong hệ lục thập phân); và vòng tròn ngoài cùng là các số từ 120 đến 240. Những con số này đại diện cho cái gì?
Trong tác phẩm A History of Ancient Astronomy: Problems and Methods (tạm dịch: Lịch sử thiên văn học cổ đại: Vấn đề và phương pháp) được xuất bản sau báo cáo của Piches 50 năm, nhà thiên văn học và Assyria học, O. Neugebauer chỉ có thể nói rằng “toàn bộ các ghi chép tạo nên một loại bản đồ thiên văn giản lược nào đó… Trong mỗi 36 cung chúng ta nhìn thấy tên của một chòm sao và những con số đơn giản mà hiện tại chưa ai lý giải được tầm quan trọng của chúng”. Chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này B. L. Van der Waerden (Babylon Astronomy: The Thirty-Six Stars – tạm dịch: Nền thiên văn học Babylon: 36 ngôi sao) khi phản ánh sự lên xuống rõ ràng của các con số theo một nhịp điệu nhất định cũng chỉ có thể đưa ra ý kiến mơ hồ rằng “các con số này có mối liên quan nào đó với thời gian ban ngày”.
Chúng tôi tin rằng vấn đề này chỉ có thể giải quyết được nếu loại trừ quan niệm cho rằng người Mesopotamia tin Trái đất phẳng và thừa nhận tri thức thiên văn của họ cũng phát triển như của chúng ta – không phải bởi vì họ có những dụng cụ tối tân hơn, mà là vì họ có được nguồn thông tin hỗ trợ từ người Nefilim.
Chúng tôi cho rằng những con số bí ẩn kia thể hiện độ cung bầu trời, với Cực Bắc là điểm bắt đầu và chiếc thước trắc tinh này là một bản đồ sao quay mô phỏng một quả cầu trên một mặt phẳng.
Tuy các con số đều có tăng và giảm nhưng những con số ở phần đối diện của Đạo Enlil (chẳng hạn như Nisannu – 50, Tashritu – 40) chỉ lên đến 90; các con số ở Đạo Anu lên đến 180; và tất cả các số ở Đạo Ea lên đến 360 (chẳng hạn như Nisannu 200, Tashritu 160). Những con số này quá quen thuộc nên dễ gây hiểu lầm; chúng tượng trưng cho các cung của một đường tròn hình cầu hoàn chỉnh: 1/4 đường tròn (90 độ), 1/2 đường tròn (180 độ) và cả đường tròn (360 độ).

*

Các con số trong cung của Đạo Ea tăng lên đến 180° tại Addaru (tháng Hai − tháng Ba) và Ululu (tháng Tám − tháng Chín). Điểm duy nhất nằm cách Cực Bắc 180° bất kể bạn đi về phía nam theo hướng đông hay tây chính là Cực Nam. Và điều này chỉ đúng khi được áp dụng với một quả cầu.
Tuế sai là hiện tượng do sự nghiêng của trục bắc − nam Trái đất gây ra, khiến cho cực Bắc (điểm chỉ thẳng lên sao cực Bắc) và cực Nam vạch thành một vòng tròn lớn trên bầu trời. Chuyển động chậm dần rõ rệt của Trái đất so với các chòm sao lên tới khoảng 50 giây của một cung trong một năm, hay 1° trong 72 năm. Như vậy vòng tròn lớn – thời gian để cực Bắc chỉ thẳng trở lại cùng sao cực Nam – kéo dài khoảng 25.920 năm (72 x 360) và đó chính là hiện tượng mà các nhà thiên văn gọi là Great Year hay Platonian Year (có lẽ là vì Plato cũng đã biết đến hiện tượng này)

Hình 95
A. Đạo Anu, phần trời của Mặt trời, các hành tinh và các chòm sao hoàng đạo
B. Đạo Enlil, phần trời phía bắc
C. Đạo Ea, phần trời phía nam Thời cổ đại việc các ngôi sao khác nhau mọc - lặn rất được coi trọng và việc quyết định chính xác thời điểm xuân phân (mở đầu cho Năm Mới) phụ thuộc vào cung hoàng đạo nơi điểm xuân phân diễn ra. Do hiện tượng tuế sai, điểm xuân phân và các hiện tượng thiên văn khác thay đổi chậm chạp từ năm này qua năm khác và cuối cùng chuyển sang cung hoàng đạo khác sau 2.160 năm quay vòng một cung hoàng đạo hoàn chỉnh. Các nhà thiên văn của chúng ta vẫn đang sử dụng một “zero point” (“điểm đầu tiên của cung Aries – Bạch Dương) vốn đánh dấu điểm xuân phân vào khoảng năm 900 TCN, nhưng hiện nay điểm này đã chuyển sang cung Pisces (Song Ngư). Vào khoảng năm 2100 SCN điểm xuân phân sẽ bắt đầu diễn ra trong cung Aquarius kế tiếp (hay cung Tức Đồng). Đây chính là điều lý giải tại sao người ta cho rằng chúng ta chuẩn bị bước sang thời đại Tức Đồng. (Hình 96)

Hình 96
Vì quá trình dịch chuyển từ cung hoàng đạo này sang cung hoàng đạo khác mất tới hơn hai thiên niên kỷ nên các chuyên gia tự hỏi làm thế nào và từ đâu mà Hipparchus có thể biết được hiện tượng tuế sai vào thế kỷ thứ hai TCN. Nhưng giờ đây chúng ta đã biết được ngọn nguồn tri thức của Hipparchus chính là nền văn minh Sumer. Những phát hiện của giáo sư Langdon cho thấy lịch Nippur được tạo ra vào khoảng năm 4400 TCN ở Thời đại Kim Ngưu phản ánh tri thức về hiện tượng tuế sai và sự dịch chuyển giữa các cung hoàng đạo diễn ra 2160 năm trước. Giáo sư Jeremias, người đã tiến hành đối chiếu các ghi chép thiên văn của người Mesopotamia với các ghi chép thiên văn của người Hittite, cho rằng những tư liệu thiên văn cổ xưa hơn ghi chép lại quá trình dịch chuyển từ cung Kim Ngưu sang cung Bạch Dương cũng tồn tại; và các nhà thiên văn Mesopotamia đã dự đoán và biết trước được sự dịch chuyển ngược lại từ cung Bạch Dương sang cung Song Ngư.
Dựa vào những kết luận này, Giáo sư Willy Hartner (The Earliest History of the Constellations in the Near East – tạm dịch: Lịch sử cổ xưa của các chòm sao vùng Cận Đông) cho rằng người Sumer đã để lại rất nhiều hình ảnh minh họa cho hiện tượng này. Khi điểm xuân phân nằm trong cung Kim Ngưu, điểm hạ chí sẽ diễn ra trong cung Sư Tử. Hartner đã hướng sự chú ý của mình vào chủ đề nhất quán về “trận chiến” giữa sư tử và bò lặp đi lặp lại trong các bức hình của người Sumer từ thời xa xưa nhất và cho rằng hình ảnh này thể hiện vị trí chính của chòm sao Kim Ngưu (Bò) và Sư Tử so với người quan sát đứng ở 30° bắc (chẳng hạn như ở Ur) vào khoảng năm 4000 TCN. (Hình 97)

Hình 97
Hầu hết các chuyên gia đều tin rằng việc người Sumer coi Kim Ngưu là chòm sao đầu tiên của họ không chỉ chứng tỏ mức độ cổ xưa của cung hoàng đạo này – vào khoảng năm 4000 TCN – mà còn xác thực cho thời điểm khởi đầu một cách đột ngột của nền văn minh Sumer. Giáo sư Jeremias (The Old Testament in the Light of the Ancient East – tạm dịch: Kinh Cựu ước dưới ánh sáng của nền văn minh phương Đông cổ đại) đã tìm thấy bằng chứng chứng tỏ rằng điểm “point zero” theo thứ tự thời gian - cung hoàng đạo của người Sumer nằm ngay giữa cung Kim Ngưu và Song Tử; từ cơ sở này cùng nhiều dữ liệu khác ông đưa ra kết luận cung hoàng đạo này được đặt ra vào Thời đại Song Tử – có nghĩa là còn trước cả khi nền văn minh Sumer bắt đầu. Một tấm đất sét của người Sumer tại Bảo tàng Berlin (mã hiệu VAT.7847) bắt đầu danh sách các chòm sao hoàng đạo bằng chòm sao Sư Tử - đưa ta trở về khoảng năm 11000 TCN, khi Con người mới chỉ bắt đầu thời kỳ khai hoang vỡ đất.
Giáo sư H. V. Hilprecht (The Babylonian Expedition of the University of Pennsylvania – tạm dịch: Cuộc thám hiểm Babylon của Đại học Pennsylvania) còn đi xa hơn thế. Sau khi nghiên cứu hàng ngàn tấm đất sét chứa các bảng toán học, ông kết luận rằng “tất cả các bảng nhân chia trong thư viện đền thờ ở Nippur và Sippar và trong thư viện Ashurbanipal [ở Nineveh] đều dựa trên [con số] 12960000”. Khi phân tích con số này và tầm quan trọng của nó, ông cho rằng nó chỉ có thể liên quan tới hiện tượng tuế sai và người Sumer đã biết về Great Year với chu kỳ 25.920 năm.
Đây quả là hiểu biết thiên văn đáng kinh ngạc diễn ra ở một thời kỳ mà chúng ta không hề ngờ tới.
Rõ ràng, đó là bằng chứng cho thấy các nhà thiên văn Sumer đã sở hữu những tri thức mà họ không thể nào tự mình có được, thậm chí không hề có giá trị thực tiễn đối với họ.
Điều này không chỉ liên quan đến những phương pháp thiên văn cực kỳ phức tạp được sử dụng – ví dụ, ai là người Sumer cổ đại thực sự cần phải định ra đường xích đạo thiên cầu? – mà còn liên quan đến nhiều ghi chép công phu đề cập đến phương pháp đo đạc khoảng cách giữa các ngôi sao.
Một trong những ghi chép đó có mã hiệu AO.6478 liệt kê 26 ngôi sao lớn có thể nhìn thấy dọc theo đường Chí tuyến bắc và đưa ra khoảng cách giữa chúng được tính bằng ba phương pháp khác nhau. Đầu tiên, ghi chép này đưa ra khoảng cách giữa các ngôi sao được tính bằng một thiết bị gọi là mana shukultu (“đo và cân”). Người ta tin rằng đây là một thiết bị tinh xảo tính toán tương quan giữa trọng lượng khối nước chảy với thời gian. Nó giúp ta có thể đo được khoảng cách giữa 2 ngôi sao theo thời gian.

*

Phương pháp đo thứ ba là beru ina shame (“độ dài trên bầu trời”). F. Thureau-Dangin (Distances entre Etoiles Fixes – tạm dịch: Khoảng cách giữa các ngôi sao cố định) chỉ ra rằng trong khi hai phương pháp đầu tiên có liên quan tới các hiện tượng khác thì phương pháp thứ ba này hoàn toàn là phép đo đạc thuần túy. Ông và một số nhà nghiên cứu khác tin rằng một “beru trời” tương đương với 10.692 mét ngày nay (11.693 yard). “Khoảng cách trên bầu trời” giữa 26 ngôi sao được tính toán trong ghi chép này lên tới 655.200 “beru trên bầu trời”.
Việc có đến 3 phương pháp đo khoảng cách giữa các vì sao khác nhau thể hiện tầm quan trọng của vấn đề này. Nhưng ai trong số những người dân Sumer cần đến những tri thức này – và ai trong số họ có thể nghĩ ra những phương pháp đó và sử dụng chúng một cách chính xác? Câu trả lời khả dĩ duy nhất đó là người Nefilim có những tri thức và nhu cầu sử dụng các phương pháp đo đạc chính xác đó.
Với khả năng du hành trong vũ trụ, đến Trái đất từ hành tinh khác, bay lượn trên bầu trời Trái đất, họ là những người duy nhất vào buổi bình minh của văn minh Loài người có khả năng và đã thực sự nắm giữ những tri thức thiên văn phải mất hàng thiên niên kỷ mới xây dựng nên bao gồm những phương pháp, phép toán và khái niệm phức tạp của một nền thiên văn học tiên tiến và nhu cầu hướng dẫn những người ghi chép của Loài người sao chép và ghi lại một cách tỉ mỉ trên các tấm đất sét khoảng cách giữa các bầu trời, trật tự và phân nhóm của các ngôi sao, thời gian mọc và lặn của mặt trời, lịch Mặt trời-Mặt trăng-Trái đất phức tạp và phần còn lại của lượng tri thức khổng lồ cả về Bầu trời và Mặt đất.
Trái với bối cảnh này, liệu chúng ta có còn cho rằng các nhà thiên văn Mesopotamia dưới sự hướng dẫn của người Nefilim vẫn không hề biết đến những hành tinh bên ngoài sao Thổ - rằng họ không hề biết tới sao Thiên Vương, sao Hải Vương và sao Diêm Vương? Phải chăng tri thức của họ về Hệ Mặt trời, đại gia đình Trái đất lại kém phong phú hơn tri thức về những vì sao xa xôi, về trật tự và khoảng cách của chúng?
Những thông tin thiên văn của thời cổ đại trong hàng trăm ghi chép chi tiết liệt kê các thiên thể, được sắp xếp chặt chẽ theo trật tự của chúng trên bầu trời, theo các vị thần, theo tháng, theo xứ sở hoặc theo chòm sao mà chúng thuộc về. Một ghi chép như vậy đã được Ernst F. Weidner (Hadnbuch der Babylonischen Astronomie – tạm dịch: Những hướng dẫn cụ thể về thiên văn học Babylon) phân tích và đặt tên là “Danh sách sao lớn”. Danh sách này liệt kê năm cột với hàng chục thiên thể có liên quan đến nhau, đến các tháng, các lãnh địa và các vị thần. Một ghi chép khác liệt kê chính xác các ngôi sao chính trong các chòm sao hoàng đạo. Phần còn nguyên vẹn của một ghi chép có số hiệu B.M.86378 sắp xếp 71 thiên thể theo vị trí của chúng trên bầu trời, v.v…
Với nỗ lực nhằm khai thác kho tàng ghi chép đồ sộ này và đặc biệt là xác định chính xác các hành tinh trong Hệ Mặt trời của chúng ta, một nhóm các chuyên gia đi sâu vào nghiên cứu và thu được những kết quả gây tranh cãi. Họ đã thất bại bởi quan niệm sai lầm rằng người Sumer và hậu duệ của họ không nhận thức được Hệ Mặt trời là hệ nhật tâm, rằng Trái đất chỉ là một trong số các hành tinh trong đó và rằng ngoài sao Thổ vẫn còn nhiều hành tinh nữa.
Các chuyên gia đã có những kết luận trái ngược nhau sau khi bỏ qua khả năng một số tên gọi trong danh sách các ngôi sao này là những cái tên khác của Trái đất và tiến hành tìm kiếm rất nhiều cái tên và biệt hiệu khác nhau chỉ để đặt cho vỏn vẹn năm ngôi sao mà họ tin người Sumer biết đến. Một số chuyên gia thậm chí còn cho rằng sự rối rắm này không phải do mình gây ra mà là mớ lộn xộn của người Chaldea – vì họ nói rằng do một vài lý do bí ẩn nào đó, người Chaldea đã thay đổi tên gọi của năm hành tinh “đã biết”.
Người Sumer gọi tất cả các thiên thể (hành tinh, ngôi sao hay chòm sao) là MUL (“người chiếu sáng trên cao”). Tương tự người Babylon và Assyria cũng sử dụng từ kakkab của người Akkad làm thuật ngữ chung để chỉ bất cứ thiên thể nào. Cách sử dụng từ này đã làm đau đầu các chuyên gia tìm cách khám phá các ghi chép thiên văn cổ đại. Nhưng một số mul được gọi là LU.BAD, dùng để chỉ các hành tinh trong Hệ Mặt trời một cách rõ ràng.
Biết rằng người Hy Lạp gọi các hành tinh là “kẻ lang thang”, các chuyên gia đã đọc từ LU.BAD thành “con cừu lang thang”, bắt nguồn từ từ LU (“con cừu được chăn”) và BAD (“cao và xa”). Nhưng như chúng tôi đã chỉ ra, vì người Sumer nhận thức đầy đủ về bản chất thực sự của Hệ Mặt trời nên nghĩa khác của từ bad (“người già”, “người thành lập”, “người ở gần cái chết”) mang ý nghĩa trực tiếp hơn.
Đó là những tên gọi dành riêng cho Mặt trời, vì vậy từ lubad của người Sumer không chỉ có nghĩa đơn thuần là “những con cừu lang thang” mà phải được hiểu là “những con cừu – những hành tinh của Mặt trời – đang được Mặt trời chăn dắt.”
Vị trí và mối quan hệ giữa các lubad với nhau và với Mặt trời được mô tả trong nhiều ghi chép thiên văn của người Mesopotamia. Những ghi chép này đề cập đến các hành tinh “phía trên” cũng như “phía dưới” và Kugler đã suy đoán một cách chính xác rằng hành tinh đang được đề cập đến ở đây chính là Trái đất.
Nhưng phần lớn các hành tinh được nhắc tới trong khuôn khổ những ghi chép thiên văn cổ đều liên quan tới MUL.MUL – một thuật ngữ vẫn đang khiến các chuyên gia đau đầu suy đoán. Khi không có giải pháp nào khả dĩ hơn, đa số các chuyên gia nhất trí rằng thuật ngữ mulmul được dùng để chỉ Pleiades (Thất Tinh), một cụm sao trong chòm sao hoàng đạo Kim Ngưu và là cụm sao mà trục xuân phân đi qua (khi quan sát từ Babylon) vào khoảng năm 2200 TCN. Trong các ghi chép của người Mesopotamia thì mulmul bao gồm 7 LU.MASH (7 “kẻ lang thang thân thuộc”) còn các chuyên gia cho rằng đó là những vì sao sáng nhất trong cụm Pleiades có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Tùy vào thực tế cách phân loại mà cụm sao này có 6 hoặc 9 ngôi sao sáng như vậy chứ không phải 7 đã khiến vấn đề nảy sinh; nhưng vấn đề này bị gạt qua một bên vì không còn có ý tưởng nào khả dĩ hơn cho nghĩa của từ mulmul.
Franz Kugler (Sternkunde und Sterndienst in Babel – tạm dịch: Thiên văn và các chòm sao ở Babylon) đã miễn cưỡng chấp nhận câu trả lời Pleiades như một giải pháp, nhưng ông đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi nhận thấy các ghi chép của người Mesopotamia khẳng định dứt khoát rằng mulmul không chỉ bao gồm “những kẻ lang thang” (các hành tinh) mà còn có cả Mặt trời và Mặt trăng – khiến cho giải pháp Pleiades không còn chắc chắn nữa. Ông còn đọc được những ghi chép ghi rõ rằng “mulmul ul-shu 12” (“mulmul là một nhóm 12”), trong đó có 10 thành viên tạo thành một nhóm riêng biệt.
Chúng tôi cho rằng thuật ngữ mulmul là để chỉ Hệ Mặt trời với cách lặp từ (MUL.MUL) để thể hiện nhóm này là một thể nhất quán, như “một thiên thể bao gồm tất cả các thiên thể”.
Charles Virolleaud (L’Astrologie Chaldéenne – tạm dịch: Tử vi của người Chaldea) đã tiến hành chuyển chữ một ghi chép của người Mesopotamia (K.3558) mô tả về các thành viên của nhóm mulmul hay kakkabu. Dòng cuối cùng của ghi chép này rất rõ ràng:
Kakkabu/kakkabu.
Số thiên thể của nó là 12.
Vị trí các thiên thể của nó là 12.
Toàn bộ số tháng của Mặt trăng là 12.
Những ghi chép này thể hiện quá rõ ràng: mulmul – Hệ Mặt trời của chúng ta – được tạo thành từ 12 thiên thể. Có lẽ đây không phải là điều đáng ngạc nhiên, vì học giả Hy Lạp, Diodorus, khi giải thích về 3 “đạo” của người Chaldea và danh sách 36 thiên thể của chúng đã nêu rõ rằng “trong số các vị thần trên trời này, có 12 vị nắm giữ quyền hành chính; người Chaldea gán mỗi vị thần đó với một tháng và một ký hiệu hoàng đạo”.
Ernst Weidner (Der Tierkreis und die Wege am Himmed – tạm dịch: Cung hoàng đạo và khoảng cách bầu trời) viết rằng ngoài Đạo Anu và 12 chòm sao hoàng đạo của nó, một số ghi chép còn đề cập tới “đạo Mặt trời” cũng gồm 12 thiên thể: Mặt trời, Mặt trăng và 10 thiên thể khác. Dòng 20 trong tấm bảng TE ghi rằng: “naphar 12 sheremesh ha.la sha kakkab.lu sha Sin u Shamash ina libbi ittiquu” có nghĩa là “tóm lại, 12 thành viên trong nhóm có Mặt trời và Mặt trăng là nơi các hành tinh quay theo quỹ đạo”.
Giờ đây chúng ta đã nắm bắt được tầm quan trọng của con số 12 trong thế giới cổ đại. Số lượng các vị Chủ thần vĩ đại của người Sumer và sau đó là các vị thần Olympia đều gồm đúng 12 thành viên; các vị thần trẻ chỉ có thể tham gia vào nhóm này khi các vị thần già rút lui. Và đương nhiên, nếu thiếu một vị trí thì phải bổ sung để duy trì con số 12 vị thần. Vòng tròn bầu trời chính, đạo Mặt trời cùng với 12 thành viên tạo thành một hình mẫu mà theo đó mỗi phần bầu trời đều được chia thành 12 cung hoặc được phân bổ thành 12 thiên thể chính. Bởi vậy cho nên mới có 12 tháng một năm, 12 cặp giờ một ngày. Mỗi khu vực của đất nước Sumer đều được gán với 12 thiên thể như một hình thức cầu may mắn.
Có nhiều nghiên cứu, chẳng hạn như nghiên cứu của S. Langdon (Babylonian Menologies and the Semitic Calendar – tạm dịch: Bảng ghi các tháng của người Babylon và lịch Semite) chỉ ra rằng ngay từ đầu việc chia một năm thành 12 tháng đã có liên quan tới 12 vị Thần Vĩ đại. Fritz Hommel (Die Astronomie der alten Chaldaer – tạm dịch: Thiên văn học của người Chaldea cổ đại) và những người ủng hộ ông cho rằng 12 tháng này có mối liên hệ mật thiết với 12 cung hoàng đạo và rằng cả hai đều bắt nguồn từ 12 thiên thể chính. Charles F. Jean (Lexicologie Sumerienne – tạm dịch: Từ vựng học của người Sumer) đã xây dựng lại một danh sách của người Sumer gồm 24 thiên thể là sự kết hợp giữa 12 chòm sao hoàng đạo với 12 thành viên trong Hệ Mặt trời của chúng ta.
Trong một bản ghi chép dài được F. Thureau-Dangin (Ritueles Accadiens – tạm dịch: Các nghi lễ Acadia) xác định là một chương trình Lễ hội mừng Năm Mới của đền thờ ở Babylon đã đưa ra những dẫn chứng rất thuyết phục về việc cúng tế con số 12 như hiện tượng trung tâm của bầu trời. Ngôi đền lớn Esagila có 12 cửa. Quyền năng của tất cả các vị thần trên trời được trao cho Marduk bằng cách xướng lên 12 lần câu: “Hỡi Chúa tể, Ngài không phải là Chúa tể của ta sao”. Vị Chúa tể này và vợ của ngài đều ban ơn mỗi người 12 lần. Con số tổng 24 này khớp với 12 chòm sao hoàng đạo và 12 thành viên của Hệ Mặt trời.
Một cột mốc được vua xứ Susa cho khắc các biểu tượng thiên thể có sự xuất hiện của 24 ký hiệu: 12 ký hiệu quen thuộc cho hoàng đạo, cùng các ký tự biểu tượng cho 12 thành viên của Hệ Mặt trời. Đó là 12 vị thần sao của Mesopotamia, cũng như của Hurrian, Hittite, Hy Lạp và tất cả các vị thần cổ đại khác. (Hình 98)

Hình 98
Tuy rằng cơ sở hệ đếm tự nhiên của chúng ta là con số 10 nhưng số 12 vẫn giữ một vị trí rất quan trọng trong tất cả những vấn đề về thiên văn và thần linh trong một thời gian dài sau thời của người Sumer. Câu chuyện về 12 vị Titan của Hy Lạp, 12 Bộ tộc của Israel, 12 phần trên miếng giáp che ngực phép thuật của Đại Giáo sỹ Israel vẫn còn tồn tại. Quyền năng của con số 12 này lan tỏa tới 12 tông đồ của chúa Jesus và ngay cả trong hệ thập phân chúng ta cũng đếm từ 1 (one) tới 12 (twelve) và chỉ sau con số 12 chúng ta mới trở lại với “10 và 3” (thirteen), “10 và 4” (fourteen) v.v… (trong tiếng Anh)
Con số 12 đầy quyền năng và mang tính quyết định này có nguồn gốc từ đâu? Chúng ta chỉ có thể khẳng định chính là từ trên trời.
Trong Hệ Mặt trời – mulmul – ngoài tất cả những hành tinh mà chúng ta đã biết còn có thêm hành tinh Anu, hành tinh với biểu tượng là một thiên thể phát sáng vốn được dành để chỉ thần Anu và “thần linh” trong chữ viết của người Sumer. Một ghi chép thiên văn giải thích rằng “Kakkab của Quyền trượng Tối cao là một trong những con cừu trong mulmul.” Và khi Marduk soán đoạt ngôi vị tối cao và thay thế Anu trở thành vị thần gắn liền với hành tinh này, người Babylon đã nói rằng: “Hành tinh Marduk trong mulmul đã xuất hiện.”
Trong quá trình dạy cho Con người bản chất thực sự của Trái đất và bầu trời, người Nefilim đã cung cấp cho các giáo sỹ - nhà thiên văn cổ đại không chỉ những thông tin về các hành tinh bên ngoài sao Thổ mà còn về sự tồn tại của hành tinh quan trọng nhất, hành tinh mà từ đó họ đã đến với Trái đất: HÀNH TINH THỨ MƯỜI HAI.