CHƯƠNG 7
THIÊN SỬ THI SÁNG TẠO

     rên phần lớn các con dấu lăn cổ đại từng được phát hiện, các ký hiệu tượng trưng cho các thiên thể nhất định, các thành viên trong Hệ Mặt trời đều xuất hiện phía trên hình ảnh của thần linh hay con người.
Một con dấu của người Akkad có niên đại từ thiên niên kỷ 3 TCN hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Vorderasiatische Abteilung, Đông Berlin (ký hiệu VA/243) lại có cách thức khắc họa các thiên thể khác thường. Con dấu này không thể hiện các thiên thể riêng lẻ mà là nhóm 11 quả cầu bao quanh 1 ngôi sao lớn tỏa sáng. Rõ ràng đây là một bức họa về Hệ Mặt trời theo quan điểm của người Sumer: Hệ gồm 12 thiên thể. (Hình 99)

Hình 99

Chúng ta thường thể hiện Hệ Mặt trời giản lược là một dãy các hành tinh trải rộng về phía 2 bên mặt trời theo khoảng cách ngày càng xa. Nhưng nếu chúng ta thể hiện các hành tinh này không phải theo đường thẳng mà lần lượt từng hành tinh được trình bày theo một đường tròn (đầu tiên là sao Thủy, hành tinh gần nhất, tiếp đến là sao Kim, rồi Trái đất…), ta sẽ được hình ảnh như ở hình 100. (Tất cả đều là hình vẽ giản lược không thể hiện tỉ lệ; quỹ đạo hành tinh trong các hình vẽ này là hình tròn chứ không phải là hình e-lip để tiện trình bày.)
Nếu nhìn vào hình ảnh phóng to của Hệ Mặt trời được khắc họa trên con dấu lăn VA/243, chúng ta sẽ thấy rằng các “chấm tròn” bao quanh ngôi sao lớn thực ra là những quả cầu có kích thước và trật tự sắp xếp giống như Hệ Mặt trời được thể hiện trong Hình 100. Tiếp sau Sao Thủy nhỏ bé là sao Kim lớn hơn. Trái đất với kích thước tương đương sao Kim đi kèm với Mặt trăng có kích thước nhỏ hơn. Tiếp tục theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, sao Hỏa được thể hiện chính xác nhỏ hơn Trái đất nhưng lớn hơn Mặt trăng và sao Thủy. (Hình 101)
Tiếp đó hình ảnh trên con dấu cổ đại này thể hiện một hành tinh mà chúng ta chưa biết – có kích thước lớn hơn đáng kể so với Trái đất nhưng nhỏ hơn sao Mộc và sao Thổ và những hành tinh tiếp sau nó. Xa hơn nữa là một cặp hành tinh trùng khớp với sao Thiên Vương và sao Hải Vương của chúng ta. Cuối cùng, sao Diêm Vương có kích thước nhỏ nhất cũng hiện diện ở đây, nhưng không phải ở đúng vị trí sắp xếp hiện nay của chúng ta (sau sao Hải Vương) mà lại nằm giữa sao Thổ và sao Thiên Vương.
Với việc coi Mặt trăng là một thiên thể đích thực, bức tranh này của người Sumer đã liệt kê tất cả các hành tinh trong Hệ Mặt trời mà chúng ta biết, sắp xếp chúng theo một trật tự chính xác (ngoại trừ sao Diêm Vương) và thể hiện cả kích thước của chúng.

Hình 100

Hình 101

Tuy nhiên bức họa 4.500 tuổi này lại cũng khẳng định rằng đã có – hay đang có – một hành tinh nữa nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc. Như chúng tôi sẽ chỉ ra, nó chính là Hành tinh thứ Mười hai, hành tinh của người Nefilim.
Nếu như tấm bản đồ bầu trời của người Sumer này được phát hiện và nghiên cứu 2 thế kỷ trước, thì nhất định các nhà thiên văn sẽ cho rằng người Sumer hoàn toàn thiếu hiểu biết khi có tưởng tượng ngớ ngẩn về sự tồn tại của nhiều hành tinh bên ngoài sao Thổ. Thế nhưng chúng ta đã phát hiện và phải công nhận sự tồn tại của sao Thiên Vương, sao Hải Vương và sao Diêm Vương trong thời gian gần đây. Phải chăng người Sumer đã nhận biết được những điểm khác biệt, hay họ đã được người Nefilim truyền lại rằng Mặt trăng là một thành viên trong Hệ Mặt trời với đầy đủ quyền năng của nó, sao Diêm Vương nằm gần sao Thổ và có một Hành tinh thứ Mười hai nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc?
Giả thuyết rằng Mặt trăng chỉ là một “quả bóng golf lạnh giá” không hơn không kém đã tồn tại trong suốt một thời gian dài và chỉ bị bác bỏ sau khi một số tàu Apollo của Mỹ thực hiện các cuộc thám hiểm Mặt trăng và đưa ra những kết luận xác thực. Mặt trăng là một khối vật chất bị tách ra khỏi Trái đất từ khi Trái đất vẫn ở trạng thái nóng chảy và linh hoạt dường như là suy đoán hợp lý nhất. Nếu không có sự tác động của hàng triệu thiên thạch để lại những miệng hố trên bề mặt Mặt trăng thì Mặt trăng vẫn chỉ là một khối vật chất rắn, đặc, trơn láng, không có sự sống, không có lịch sử và vĩnh viễn theo sau Trái đất.
Tuy nhiên, các kết quả quan sát có được nhờ vệ tinh không người lái đã khơi lại những quan điểm lâu đời đó. Người ta đã xác định được rằng thành phần hóa học và khoáng chất của Mặt trăng đủ khác biệt so với Trái đất để thử thách giả thuyết “ly khai” này. Những thí nghiệm được các nhà du hành vũ trụ người Mỹ tiến hành trên Mặt trăng cùng với kết quả nghiên cứu và phân tích mẫu đất đá mà họ mang về Trái đất đã làm nảy sinh nghi ngờ rằng Mặt trăng tuy là một nơi khô cằn nhưng đã từng là một “hành tinh có sự sống”. Nó cũng có các địa tầng giống như Trái đất, hay nói cách khác, nó trở nên rắn đặc từ giai đoạn nóng chảy ban đầu của chính nó. Nó cũng tỏa nhiệt giống Trái đất, nhưng trong khi nhiệt lượng của Trái đất tỏa ra từ các vật chất phóng xạ “đun nóng” phần bên trong Trái đất dưới áp suất khổng lồ thì nhiệt lượng của Mặt trăng lại phát ra rõ rệt từ các lớp vật chất phóng xạ nằm rất gần bề mặt. Tuy nhiên những vật chất này lại quá nặng để có thể nổi lên trên bề mặt. Vậy thì cái gì đã khiến chúng nằm gần bề mặt Mặt trăng?
Trường trọng lực của Mặt trăng có vẻ không ổn định, như thể những khối vật chất nặng khổng lồ (chẳng hạn như sắt) không chìm đều vào tâm mà phân bố rải rác khắp nơi. Ta có thể tự hỏi điều này là do quá trình tự vận động hay do sự tác động của thế lực nào đó? Có bằng chứng cho thấy những hòn đá cổ trên Mặt trăng đã được từ hóa và các từ trường này đã bị thay đổi hoặc đảo ngược. Liệu hiện tượng này là do một vài quá trình nội tại bí ẩn nào đó của Mặt trăng, hay là do một tác động từ bên ngoài chưa được xác định?
Các nhà du hành của tàu Apollo 16 đã tìm thấy trên Mặt trăng những hòn đá (hay còn gọi là dăm kết) được hình thành từ những viên đá rắn bị vỡ nát và sau đó dính lại với nhau nhờ nguồn nhiệt đột ngột và cực kỳ cao. Khi nào và như thế nào mà những viên đá đó bị vỡ nát rồi sau đó kết dính lại? Các vật chất khác trên bề mặt Mặt trăng rất giàu kali và photpho phóng xạ hiếm, trong khi những vật chất loại này đã bị chìm sâu vào bên trong Trái đất.
Kết hợp các phát hiện đó lại với nhau, giờ đây các nhà khoa học có thể chắc chắn rằng Mặt trăng và Trái đất tuy gần như được hình thành từ cùng các yếu tố vào cùng khoảng thời gian nhưng lại tiến hóa thành các thiên thể riêng biệt. Theo ý kiến của các nhà khoa học tại Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) thì Mặt trăng tiến hóa “bình thường” trong 500.000.000 năm đầu tiên. Sau đó, họ cho rằng (theo tờ New York Times):
Giai đoạn biến động lớn nhất diễn ra 4 tỉ năm trước đây, khi các thiên thể có kích thước bằng những thành phố lớn và đất nước có diện tích nhỏ lao vào Mặt trăng và tạo nên những thung lũng khổng lồ và những ngọn núi cao ngất.
Lượng vật chất phóng xạ khổng lồ còn sót lại sau các vụ va chạm bắt đầu làm nóng lớp đá phía dưới bề mặt, khiến một lượng lớn đá bị tan chảy và phun lên thành những biển nham thạch qua các kẽ nứt trên bề mặt.
Tàu Apollo 15 đã phát hiện một trận lở đá trong thung lũng Tsiolovsky có quy mô lớn gấp 6 lần bất cứ trận lở đá nào trên Trái đất. Tàu Apollo 16 phát hiện ra rằng trận lở đá tạo nên Biển Nectar đó đã rải đá dăm kết quanh phạm vi rộng đến 1.000 dặm (khoảng 1.609 km).
Tàu Apollo 17 đã đáp xuống gần một sườn dốc cao gấp 8 lần bất cứ sườn dốc nào trên Trái đất, có nghĩa là nó đã được hình thành sau một trận động đất trên Mặt trăng dữ dội gấp 8 lần bất cứ trận động đất nào trong lịch sử Trái đất.
Những chấn động sau trận động đất kinh khủng này vẫn tiếp diễn trong khoảng 800.000.000 năm sau đó, để rồi cuối cùng cấu trúc và bề mặt Mặt trăng trở nên nguội đặc vào khoảng 3,2 tỉ năm trước.
Như vậy người Sumer đã đúng khi thể hiện Mặt trăng là một thiên thể như nó vốn thế. Ngoài ra, họ cũng để lại cho chúng ta một ghi chép giải thích và mô tả về biến cố dữ dội trên Mặt trăng mà các chuyên gia NASA đã đề cập.
Sao Diêm Vương được coi là một “ẩn số”. Trong khi quỹ đạo quay quanh Mặt trời của các hành tinh khác chỉ hơi lệch so với đường tròn hoàn hảo thì độ lệch (“độ lệch tâm”) của quỹ đạo sao Diêm Vương lớn đến mức ngôi sao này có quỹ đạo hình elip rộng nhất xung quanh Mặt trời. Trong khi các hành tinh khác quay quanh Mặt trời ít nhiều trong cùng một mặt phẳng thì quỹ đạo sao Diêm Vương lại lệch với mặt phẳng này đến tận 17 độ. Vì 2 đặc điểm khác thường này mà sao Diêm Vương là hành tinh duy nhất cắt ngang qua quỹ đạo của một hành tinh khác, sao Hải Vương.
Về kích thước, thực tế sao Diêm Vương nằm trong lớp “vệ tinh”: đường kính 3.600 dặm của nó không lớn hơn nhiều so với Triton, một vệ tinh của sao Hải Vương, hay Titan, một trong 10 vệ tinh của sao Thổ. Vì những đặc điểm khác thường này nên có ý kiến cho rằng hành tinh “không tương hợp” này ban đầu là một vệ tinh mà bằng cách nào đó đã thoát khỏi hành tinh chủ của mình và tự đi vào quỹ đạo xung quanh Mặt trời.
Đây quả thực là những gì đã diễn ra – theo như các ghi chép của người Sumer.
Và hiện tại là đỉnh điểm của quá trình tìm kiếm câu trả lời cho những sự kiện đã diễn ra trên bầu trời cổ đại: sự tồn tại của Hành tinh thứ Mười hai. Việc làm này có thể gây ngạc nhiên cho nhiều người nhưng các nhà thiên văn của chúng ta vẫn đang tìm kiếm bằng chứng về một hành tinh như vậy đã từng tồn tại giữa sao Hỏa và sao Mộc.
Đến cuối thế kỷ XVIII, trước cả khi sao Hải Vương được phát hiện, một số nhà thiên văn đã cho rằng “các hành tinh nằm cách Mặt trời những khoảng nhất định theo một quy luật nào đó”. Đề xuất được gọi là Quy luật Bode này đã thuyết phục các nhà thiên văn rằng phải có một hành tinh ở tại vị trí mà cho đến ngày nay chúng ta vẫn chưa phát hiện thấy hành tinh nào tồn tại – đó chính là vị trí giữa quỹ đạo của sao Hỏa và sao Mộc.
Được tiếp thêm sức mạnh bởi các tính toán toán học này, các nhà thiên văn bắt đầu xem xét tỉ mỉ bầu trời tại khu vực đã được chỉ ra đó để tìm kiếm “hành tinh mất tích”. Vào ngày đầu tiên của thế kỷ XIX, nhà thiên văn người Ý Giuseppe Piazzi đã phát hiện ở vị trí chính xác như đã chỉ ra có một hành tinh rất nhỏ (đường kính khoảng 485 dặm) mà ông đặt tên là Ceres. Đến năm 1804, các hành tinh nhỏ được phát hiện tăng lên đến con số 4; tính đến thời điểm hiện tại, người ta đã phát hiện gần 3000 hành tinh nhỏ quay quanh Mặt trời tạo nên một vành đai thiên thể. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là những dăm kết của một hành tinh bị vỡ tan thành từng mảnh. Các nhà thiên văn Nga đã đặt tên cho nó là Phayton (“Chiến mã xa”).
Tuy các nhà thiên văn đều chắc chắn về sự tồn tại của một hành tinh như vậy, nhưng họ không thể lý giải được sự biến mất của nó. Phải chăng hành tinh này tự nổ tung? Nhưng nếu thế thì các mảnh vụn của nó phải văng khắp các hướng chứ không thể sắp xếp có trật tự trong một vành đai như vậy. Nếu có một vụ va chạm làm vỡ tan hành tinh này thì thiên thể thủ phạm của vụ va chạm đó đâu? Có phải nó cũng bị vỡ tan? Nhưng khi tính gộp các dăm kết xung quanh Mặt trời thì chúng không đủ tạo nên một hành tinh hoàn chỉnh chứ chưa nói gì đến hai. Còn nếu vành đai thiên thể này là dăm kết của 2 hành tinh thì chúng phải duy trì sự quay quanh trục hai hành tinh này. Trái lại, tất cả các hành tinh nhỏ này đều có một chiều quay quanh trục duy nhất, chứng tỏ rằng chúng đều từ một thiên thể duy nhất mà ra. Vậy làm thế nào mà hành tinh mất tích này bị vỡ vụn và cái gì đã làm nó vỡ vụn?
Câu trả lời cho những câu hỏi này được truyền lại cho chúng ta từ thời cổ đại.

*

Khoảng một thế kỷ trước đây, quá trình giải mã các ghi chép được tìm thấy ở Mesopotamia đã bất ngờ khiến người ta nhận ra rằng ở đó – ở Mesopotamia – các ghi chép không chỉ tồn tại cùng thời mà còn có trước các phần của Kinh Cựu ước. Tác phẩm Die Kielschiriften und das alte Testament (tạm dịch: Chữ hình nêm và Kinh Cựu ước) năm 1872 của Eberhard Schräder đã mở màn cho một trận mưa những cuốn sách, bài báo, bài giảng và những cuộc tranh luận kéo dài nửa thế kỷ. Liệu vào thời xa xưa nào đó có mối liên hệ nào giữa Babylon và Kinh thánh (Bible) hay không? Các quan điểm hoặc ủng hộ hoặc phản đối đầy kích động: BABEL UND BIBEL (Babylon và Bible).
Trong số các ghi chép được Henry Layard khám phá trong phế tích của thư viện Ashurbanipal ở Nineveh có một ghi chép kể về câu chuyện Sáng tạo Thế giới không khác nhiều so với câu chuyện trong Sáng Thế Ký. Những tấm đất sét bị gãy vỡ này được George Smith chắp ghép lại và xuất bản lần đầu năm 1876 (The Chaldean Genesis – tạm dịch: Sáng Thế Ký của người Chaldea), trong đó khẳng định sự tồn tại về một ghi chép của người Akkad được viết bằng phương ngữ Babylon cổ kể về quá trình một vị thần tạo ra Thiên đường và Mặt đất cùng vạn vật trên Mặt đất, trong đó có Con người.
Hiện nay chúng ta có cả một nền văn học chuyên so sánh ghi chép của người Mesopotamia với câu chuyện trong Kinh thánh. Theo người Babylon, các vị thần đã hoàn thành tác phẩm trong 6 “ngày” hoặc trên 6 tấm đất sét. Tương tự trong Kinh thánh, Đức Chúa dành ngày thứ bảy để nghỉ ngơi và thưởng thức tác phẩm của mình, thiên sử thi này của người Mesopotamia cũng dành tấm thứ bảy để tán dương vị thần Babylon này và thành tựu của ngài. Thật phù hợp khi L. W. King đặt tên cho ghi chép đáng tin cậy của mình về chủ đề này là Bảy tấm đất sét về công cuộc Sáng tạo Thế giới.
Thời cổ đại, bản ghi chép được chúng ta gọi là “Thiên sử thi Sáng tạo” này được đặt tên theo những từ đầu tiên, Enuma Elish (“Thuở ở trên cao”). Câu chuyện Sáng tạo thế giới trong Kinh thánh bắt đầu bằng việc tạo ra Trời và Đất; còn câu chuyện của người Mesopotamia kể về nguồn gốc vũ trụ thực sự đi kèm với những sự kiện diễn ra trước đó và đưa chúng ta trở về thời điểm khi thời gian bắt đầu:
Enuma elish la nabu shamamu
Thuở ở trên cao Trời chưa có tên
Shaplitu ammatum shuma la zakrat
Và phía dưới, đất rắn [Đất] chưa có tên
Thiên sử thi này kể rằng sau đó, 2 thiên thể nguyên thủy đã sinh ra một loạt các “vị thần” trên trời. Khi số lượng các vị thần trên trời tăng lên, họ tạo ra tiếng ồn và chấn động lớn làm phiền Cha Nguyên thủy. Vị sứ giả trung thành của ngài hối thúc ngài áp dụng các biện pháp mạnh để lập lại kỷ cương cho các vị thần trẻ, nhưng họ đã kết bè kéo cánh chống lại và cướp mất quyền năng sáng tạo của ngài. Mẹ Nguyên thủy tìm cách trả thù. Vị thần cầm đầu cuộc nổi loạn đưa ra đề xuất: Để đứa con trai trẻ tuổi của mình tham gia Hội đồng các vị Thần, được trao quyền năng tối cao và có khả năng đơn độc chống lại con “quái vật” do Mẹ Nguyên thủy biến thành.
Được trao quyền tối cao, vị thần trẻ này – theo dị bản của người Babylon là Marduk – tiến đến đối mặt với con quái vật và sau một trận chiến dữ dội đã đánh bại và xả nó thành 2 phần. Một phần được ngài biến thành Trời, phần còn lại thành Đất.
Sau đó ngài phân chia trật tự cố định trên Thiên đường, giao cho mỗi vị thần một vị trí vĩnh viễn. Trên mặt đất ngài tạo ra núi non, biển cả và sông ngòi, lập nên các mùa và cây cỏ, rồi làm ra Con người. Babylon và ngôi đền hình tháp được xây dựng trên mặt đất mô phỏng Thiên Cung. Các vị thần và con người phải tuân theo những nhiệm vụ, điều răn và nghi lễ đã được giao ước. Sau đó các vị thần tuyên bố Marduk là vị Thần Tối cao và trao cho ngài “50 cái tên” – những đặc quyền và vị trí theo số của vương vị Enlil.
Việc ngày càng có nhiều những tấm và mảnh đất sét được phát hiện và dịch ra, chúng ta càng có bằng chứng chứng tỏ rằng thiên sử thi trên không chỉ đơn thuần là một tác phẩm văn học: Nó là thiên sử thi tôn giáo - lịch sử thiêng liêng nhất của người Babylon, được xướng lên như một phần trong các nghi lễ mừng Năm Mới. Với mục đích truyền bá vị thế tối cao của Marduk, trong phiên bản sử thi của người Babylon vị thần này được coi là đấng anh hùng của câu chuyện Sáng tạo Thế giới. Tuy nhiên không phải phiên bản nào cũng vậy. Các chuyên gia có đủ bằng chứng chứng minh rằng phiên bản sử thi này của người Babylon là một bản sao mang tính chính trị - tôn giáo những phiên bản trước của người Sumer, trong đó Anu, Enlil và Ninurta mới là các đấng anh hùng.
Tuy nhiên, dù ai là vai chính trong vở kịch của thần linh và vũ trụ này thì chắc chắn câu chuyện đó cũng có niên đại xa xưa cùng thời với nền văn minh Sumer. Đa số các chuyên gia coi đây là một tác phẩm triết học – tác phẩm cổ xưa nhất về cuộc đấu tranh không ngừng giữa cái thiện và cái ác – hoặc là một câu chuyện mang tính ẩn dụ về mùa đông và mùa hè, bình minh và hoàng hôn, cái chết và sự hồi sinh trong tự nhiên.
Nhưng tại sao chúng ta không xem xét thiên sử thi này ở giá trị bề ngoài, hay đơn giản chỉ là câu chuyện về các sự kiện có thật diễn ra ở vũ trụ mà người Sumer biết đến qua truyền đạt của người Nefilim? Lần theo hướng đi táo bạo và mới lạ này, chúng tôi phát hiện ra rằng “thiên sử thi Sáng tạo Thế giới” lý giải một cách hoàn chỉnh những sự kiện có thể đã diễn ra trong Hệ Mặt trời của chúng ta.
Sân khấu nơi vở kịch Enuma Elish mở màn chính là vũ trụ nguyên sơ. Diễn viên chính là những Đấng Sáng tạo cùng các nhân vật được tạo ra. Màn 1:
Thuở ở trên cao Trời chưa có tên,
Và phía dưới, Đất chưa có tên;
Chẳng có gì ngoại trừ APSU nguyên thủy, Đấng Sáng tạo,
MUMMU và TIAMAT đều được bà sinh ra;
Những dòng nước của họ hòa vào nhau.
Chưa có cây sậy nào mọc lên, chưa có đầm lầy nào xuất hiện.
Chưa có vị thần nào ra đời,
Không ai có tên, số phận của họ chưa được định đoạt;
Rồi các vị thần được hình thành trong số đó.
Chỉ với vài nét gạch bằng cây bút sậy trên tấm đất sét đầu tiên – trong 9 dòng ngắn gọn – nhà thơ - nhà sử học cổ đại này đã đưa chúng ta đến vị trí chính giữa sân khấu, rồi vén bức màn bí mật và mở đầu vở kịch hoành tráng đầy kịch tính nhất từ trước tới nay: Quá trình hình thành Hệ Mặt trời của chúng ta.
Trong vũ trụ mênh mông, các “vị thần” – các hành tinh – xuất hiện, được đặt tên và “số phận” – quỹ đạo – của chúng được định đoạt. Chỉ có 3 thiên thể tồn tại: “AP.SU nguyên thủy” (“người tồn tại từ thuở ban đầu”); MUMMU (“người được sinh ra”) và TIAMAT (“trinh nữ ban sự sống”). Những “dòng nước” của Apsu và Tiamat hòa quyện với nhau, bản ghi chép cũng nói rõ rằng đó không phải là dòng nước nơi những cây sậy mọc lên, mà là dòng nước nguyên thủy mang lại những yếu tố cơ bản cần thiết cho sự tồn tại của vũ trụ.
Như vậy Apsu chính là Mặt trời, “người tồn tại từ thuở ban đầu”.
Ở gần ngài nhất chính là Mummu. Câu chuyện này sau đó kể rằng Mummu là người trợ thủ và sứ giả tin cậy của Apsu: những mô tả này hoàn toàn phù hợp với sao Thủy, hành tinh nhỏ chuyển động rất nhanh xung quanh Mặt trời. Thực tế, đây chính là khái niệm mà người Hy Lạp và La Mã cổ đại gán cho vị thần - sao Thủy: sứ giả nhanh nhẹn của các vị thần.
Xa hơn nữa là Tiamat. Bà chính là “quái vật” mà sau này Marduk đã xẻ làm đôi – là “hành tinh mất tích”. Nhưng từ thuở sơ khai, bà chính là Đức mẹ Đồng trinh đầu tiên của Bộ ba Thần linh này. Khoảng không giữa bà và Apsu không phải trống rỗng, nó được lấp đầy bởi các nguyên tố nguyên thủy của Apsu và Tiamat. Những “dòng nước” này “trộn lẫn với nhau” và 2 vị thần – hành tinh – được hình thành trong khoảng không giữa Apsu và Tiamat.
Những dòng nước của họ trộn lẫn với nhau…
Các vị thần được hình thành ở giữa họ;
Thần LAHMU và thần LAHAMU được sinh ra đời;
Họ được đặt tên như thế.
Về phương diện từ nguyên, những cái tên này bắt nguồn từ gốc từ LHM (“gây chiến”). Người xưa đã truyền lại câu chuyện rằng sao Hỏa là Thần Chiến tranh và sao Kim là Nữ thần Tình yêu và Chiến tranh. LAHMU và LAHAMU lần lượt là tên nam và nữ; như vậy, đặc điểm của 2 vị thần trong sử thi với 2 hành tinh sao Hỏa và sao Kim đã được xác nhận cả về phương diện từ nguyên lẫn phương diện thần thoại. Về phương diện thiên văn thì “hành tinh mất tích”, Tiamat có vị trí phía ngoài sao Hỏa. Thực tế, sao Hỏa và sao Kim nằm ở khoảng không giữa Mặt trời (Apsu) và “Tiamat”. Chúng ta có thể hình dung ra điều này bằng cách theo dõi bản đồ bầu trời của người Sumer. (Hình 102, 103)

Hình 102

Quá trình hình thành Hệ Mặt trời tiếp tục diễn ra. Lahmu và Lahamu – sao Hỏa và sao Kim – đã ra đời, nhưng thậm chí,
Trước khi trưởng thành
Và phát triển tới một kích thước đã định
Thần ANSHAR và thần KISHAR đã được hình thành,
Vượt qua họ [về kích thước].
Rồi ngày qua đi và hàng tỉ năm qua đi,
Thần ANU trở thành con trai họ – là đối thủ của các vị tổ tiên.
Rồi Anu, con trai cả của Anshar,
Sinh ra NUDIMMUD giống mình như đúc cả vẻ ngoài và
kích thước.
Với một sự súc tích kết hợp nhuần nhuyễn với tính chính xác của câu chuyện, Màn I thiên sử thi Sáng tạo Thế giới đã được trình diễn nhanh chóng và ấn tượng trước mắt chúng ta. Chúng ta biết rằng sao Hỏa và sao Kim chỉ phát triển tới một kích thước hạn chế; nhưng thậm chí trước khi chúng kịp hoàn thành quá trình “tăng trưởng” của mình thì một cặp hành tinh khác đã ra đời. Đây là 2 hành tinh khổng lồ, được thể hiện qua cái tên của chúng – AN.SHAR (“hoàng tử, người đứng đầu trên trời”) và KI.SHAR (“người đứng đầu trên mặt đất”). Chúng đánh bại cặp hành tinh đầu tiên về kích thước, trưởng thành “vượt qua họ”. Đặc điểm, tên gọi và vị trí của cặp đôi thứ hai này được xác nhận chính là sao Thổ và sao Mộc. (Hình 104)
Thời gian qua đi (“hàng tỉ năm qua đi”) và cặp hành tinh thứ ba ra đời. Đầu tiên là ANU, có kích thước nhỏ hơn Anshar và Kishar (“con trai của họ”), nhưng lớn hơn các hành tinh đầu tiên (“là đối thủ của các vị tổ tiên” về kích thước). Rồi đến lượt Anu sinh ra một hành tinh giống mình như đúc “về vẻ ngoài và kích thước”. Người Babylon gọi hành tinh này là NUDIMMUD, một tên hiệu của Ea/Enki. Một lần nữa, các mô tả về kích thước và vị trí của chúng giống với cặp hành tinh tiếp theo mà chúng ta biết trong Hệ Mặt trời, đó là sao Thiên Vương và sao Hải Vương.
Tuy nhiên trong số các hành tinh này còn phải tính đến một hành tinh nữa, hành tinh mà chúng ta gọi là sao Diêm Vương. Thiên “Sử thi Sáng tạo Thế giới” đã gọi Anu là “con trai cả của Anshar”, điều này ám chỉ về sự tồn tại của một vị thần/hành tinh nữa là “con” của Anshar/sao Thổ. Thiên sử thi nhắc tới vị thần này sau khi kể về việc Anshar cử sứ giả GAGA của mình đi thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến các hành tinh khác. Gaga có vẻ giống với sứ giả Mummu của Apsu về chức năng và kích thước, điều này khiến ta liên tưởng đến nhiều đặc điểm giống nhau giữa sao Thủy và sao Diêm Vương. Như vậy, có thể nói Gaga chính là sao Diêm Vương; nhưng trên bản đồ thiên văn của người Sumer, sao Diêm Vương không được đặt ngoài sao Hải Vương mà ở cạnh sao Thổ, làm “sứ giả” hay vệ tinh cho hành tinh này. (Hình 105)

Hình 104

Hình 105

Khi Màn I của thiên “Sử thi Sáng tạo Thế giới” khép lại, chúng ta có Hệ Mặt trời gồm Mặt trời và 9 hành tinh:
MẶT TRỜI – Apsu, “Người tồn tại từ thuở đầu”.
SAO THỦY – Mummu, “Người trợ thủ và sứ giả của Apsu”.
SAO KIM – Lahamu, “Nữ thần Tình yêu và Chiến tranh”.
SAO HỎA – Lahmu “Thần Chiến tranh”.
?? – Tiamat, “Trinh nữ ban Sự sống”.
SAO MỘC – Kishar, “Người đứng đầu trên Đất”
SAO THỔ – Anshar, “Người đứng đầu trên Trời”.
SAO DIÊM VƯƠNG – Gaga, “Trợ thủ và sứ giả của Anshar”.
SAO THIÊN VƯƠNG – Anu, “Đấng của Trời”.
SAO HẢI VƯƠNG – Nudimmud (Ea), “Đấng Sáng tạo
khéo léo”.
Còn Trái đất và Mặt trăng ở đâu? 2 hành tinh này vẫn chưa hình thành, chúng là sản phẩm của vụ va chạm vũ trụ sắp xảy ra.
Sau phần kết của vở kịch hoành tráng về sự ra đời của các hành tinh, các tác giả của thiên sử thi Sáng tạo lại bắt đầu Màn II với vở kịch về sự hỗn loạn trong vũ trụ. Tập hợp các hành tinh mới được hình thành còn lâu mới ổn định. Các hành tinh hút lẫn nhau và cùng hướng về Tiamat để làm nhiễu loạn và gây nguy hiểm cho các thiên thể nguyên sơ.
Anh em các vị thần tụ tập lại với nhau;
Họ làm nhiễu loạn Tiamat khi họ tiến lên rồi lùi lại.
Họ quấy rầy “bụng” của Tiamat
Bằng những trò hề trong các ngôi nhà của bầu trời.
Apsu không thể làm dịu được trò ồn ào đó;
Tiamat không thốt nên lời trước hành động của họ.
Hành động của họ thật ghê tởm…
Đường đi của họ thật rối rắm.
Chúng ta có những dẫn chứng rõ ràng về các quỹ đạo bất thường. Các hành tinh mới “tiến lên rồi lùi lại”; chúng đến quá gần nhau (“tụ tập lại với nhau”); chúng xâm phạm vào quỹ đạo của Tiamat; chúng đến quá gần “bụng” của hành tinh này; “hành động” của chúng mang tính gây rối. Tuy Tiamat mới là đối tượng bị uy hiếp chính nhưng Apsu cũng cảm thấy hành động của các hành tinh này là “ghê tởm”. Ngài tuyên bố ý định “hủy hoại và đánh bại những hành động” đó. Ngài hội ý với Mummu và bí mật bàn bạc. Nhưng “bất cứ điều gì họ trao đổi” đều bị các hành tinh khác nghe lỏm và âm mưu hủy diệt khiến họ trở nên câm lặng. Người duy nhất vẫn giữ được sự khôn ngoan là Ea. Chàng bày ra âm mưu “rót dòng chảy giấc ngủ lên Apsu”. Khi các vị thần khác nhất trí với kế hoạch này, Ea “vẽ ra một bản đồ vũ trụ chính xác” và phù phép những dòng nước nguyên sinh của Hệ Mặt trời bằng một lời nguyền.
Có phải “lời nguyền” hay lực tác động được Ea (sao Hải Vương) – sau này trở thành hành tinh ở xa Mặt trời nhất – sử dụng chính là việc nó quay quanh Mặt trời và bao quanh tất cả các hành tinh khác? Có phải chính quỹ đạo của nó quanh Mặt trời đã tác động đến từ trường của Mặt trời và sau đó là các dòng bức xạ của nó? Hay chính sao Hải Vương đã tự hình thành và phát ra những dòng bức xạ năng lượng? Dù tác động đó là gì đi chăng nữa thì thiên sử thi cũng gọi đó là “dòng chảy giấc ngủ” – một loại hiệu ứng làm dịu – lên Apsu (Mặt trời). Ngay cả “trợ thủ Mummu cũng không còn sức cử động”.
Giống như câu chuyện trong Kinh thánh về Samson và Delilah, người anh hùng sau khi bị cơn buồn ngủ chế ngự đã dễ dàng bị tước đoạt quyền năng. Ea nhanh chóng di chuyển để cướp lấy vai trò sáng tạo của Apsu. Dường như, khi chặn đứng những dòng chảy vật chất nguyên sinh khổng lồ của Mặt trời, Ea/sao Hải Vương đã “lột bỏ mũ miện của Apsu, đoạt lấy chiếc áo choàng của ngài”. Apsu đã bị “đánh bại”. Mummu không thể dịch chuyển được nữa. Thần bị “trói buộc và đẩy lùi”, trở thành một hành tinh không có sức sống bên cạnh ông chủ của mình.
Bằng cách đoạt lấy quyền năng sáng tạo của Mặt trời – ngăn chặn quá trình phát thêm năng lượng và vật chất để hình thành các hành tinh khác – các vị thần đã mang lại hòa bình tạm thời cho Hệ Mặt trời. Chiến thắng này còn được thể hiện bằng việc thay đổi vai trò và vị trí của Apsu. Từ nay về sau tên hiệu của Apsu được dùng để chỉ “Cung điện của Ea” và bất cứ hành tinh mới nào cũng chỉ có thể được hình thành từ vị Apsu mới – từ “Thẳm sâu” – vùng không gian vũ trụ xa xôi nơi có hành tinh ở ngoài cùng của Hệ Mặt trời.
Nền hòa bình này tồn tại được bao lâu trước khi bị phá vỡ một lần nữa? Thiên sử thi này không nói rõ. Nhưng chỉ sau một khoảng thời gian ngắn tạm dừng, câu chuyện lại tiếp tục và Màn III của vở kịch lại tiếp tục được vén lên:
Trong Cung điện Thiên mệnh, chốn của các Số mệnh,
Một vị thần được sinh ra, là vị thần tài giỏi và thông thái nhất;
Tại trung tâm của chốn Thẳm sâu MARDUK ra đời.
Một “vị thần” mới – một hành tinh mới – đã tham gia vào cuộc chơi. Vị thần này được sinh ra trong chốn Thẳm sâu, ngoài vũ trụ xa xôi, ở khu vực mà chuyển động theo quỹ đạo – “số mệnh” của một hành tinh – được trao cho ngài. Ngài bị hút vào Hệ Mặt trời bởi hành tinh ở xa nhất: “Người sinh ra ngài là Ea” (sao Hải Vương). Hành tinh mới này là một kỳ quan đáng chiêm ngưỡng:
Vẻ ngoài của ngài rất lôi cuốn, với đôi mắt chớp lấp lánh;
Dáng đi của ngài rất đường bệ, oai nghiêm như thuở xa xưa…
Các vị thần khác không ngớt lời tán tụng khi ngài đi qua…
Ngài là vị thần cao quý nhất, vượt trội lên với chiều cao của mình;
Tùy tùng của ngài rất đông đảo, ngài cao vượt hẳn lên.
Xuất hiện từ không gian bên ngoài, Marduk vẫn chỉ là một hành tinh mới hình thành, vẫn đang phun lửa và phát bức xạ. “Khi ngài hé môi, lưỡi lửa bùng lên.”
Khi Marduk tới gần các hành tinh khác, “họ choàng lên ngài những chớp lửa khổng lồ” và ngài tỏa sáng rực rỡ, “khoác lên mình vầng hào quang của mười vị thần”. Như vậy, đường đi của ngài đã châm ngòi cho những đợt phát xạ điện từ và những nguồn vật chất từ các hành tinh khác trong Hệ Mặt trời. Và ở đây chỉ có một từ xác nhận cho quá trình giải mã thiên sử thi Sáng tạo này của chúng ta: Mười thiên thể đang chờ đón ngài – Mặt trời và 9 hành tinh khác.
Câu chuyện sử thi tiếp tục dẫn dắt chúng ta theo hành trình di chuyển của Marduk. Đầu tiên ngài đi qua hành tinh đã “sinh ra” mình, hành tinh đã kéo ngài vào với Hệ Mặt trời, đó là Ea/sao Hải Vương. Khi Marduk tới gần sao Hải Vương, lực hấp dẫn của sao Hải Vương tác động lên hành tinh mới này rất lớn. Nó làm uốn cong đường đi của Marduk, “để thuận tiện cho mục đích của mình”.
Chắc hẳn lúc đó Marduk vẫn đang ở giai đoạn rất nóng dẻo. Khi đi ngang qua Ea/sao Hải Vương, lực hấp dẫn khiến cho bề mặt của Marduk phình lên, như thể hành tinh này có thêm “cái đầu thứ hai”. Tuy nhiên trong giai đoạn này không có bộ phận nào của Marduk bị tách ra; nhưng đến khi Marduk tới gần Anu/sao Thiên Vương thì hàng chùm vật chất bắt đầu tách rời ra, kết quả hình thành nên 4 vệ tinh của Marduk. “Anu sinh ra và tạo hình cho 4 vị này, giao phó quyền năng lãnh đạo cho ông chủ”. Được gọi là “những cơn gió”, 4 vệ tinh này bị đẩy vào một quỹ đạo quay rất nhanh quanh Marduk, “cuốn đi như một cơn lốc”.
Thứ tự của cuộc hành trình này – đầu tiên là sao Hải Vương, sau đó là sao Thiên Vương – cho thấy Marduk đang tiến vào Hệ Mặt trời không phải theo chiều quỹ đạo vốn có (ngược chiều kim đồng hồ) mà theo chiều ngược lại, xuôi chiều kim đồng hồ. Trong quá trình di chuyển, hành tinh này nhanh chóng bị lực hấp dẫn và lực từ mạnh mẽ của Anshar/sao Thổ khổng lồ và sau đó là Kishar/sao Mộc tóm lấy. Đường đi của nó bị dịch chuyển dần vào trong – gần hơn với trung tâm của Hệ Mặt trời, hướng thẳng tới Tiamat. (Hình 106)

Hình 106

Đường đi của Marduk nhanh chóng bắt đầu ảnh hưởng đến Tiamat và các hành tinh ở phía trong (sao Hỏa, sao Kim, sao Thủy). “Ngài phun ra những dòng suối quấy rầy Tiamat; các vị thần không còn tĩnh tại mà lồng lộn như trong cơn bão.”
Tuy đến đoạn này, những dòng ghi chép của người xưa bị hủy hoại một phần nhưng ta vẫn có thể đọc được rằng các hành tinh gần đó “nín thở…. nhắm mắt.” Còn bản thân Tiamat “gần như mất trí” – rõ ràng là quỹ đạo của hành tinh này đã trở nên hỗn loạn.
Lực hấp dẫn của hành tinh đang tiến lại gần bắt đầu bóc tách các bộ phận ra khỏi Tiamat. Từ nhân của hành tinh này sinh ra 11 “quái vật”, một đám vệ tinh “gầm gừ và giận dữ” “tự tách mình” ra khỏi cơ thể của bà và “diễu hành bên cạnh Tiamat”. Lường trước việc đối mặt với Marduk đang xông tới, Tiamat “khoác lên người chúng những vầng hào quang”, khiến cho chúng có vẻ ngoài của những “vị thần” (hành tinh).
Điểm mang lại giá trị đặc biệt trong thiên sử thi này và ngành vũ trụ học của người Mesopotamia chính là vệ tinh chính của Tiamat có tên là KINGU, “con cả trong các vị thần, người đứng đầu đội quân của bà”.
Bà nâng Kingu lên cao,
Giữa đám đông bà khiến chàng trở nên vĩ đại…
Bà tin tưởng giao vào tay chàng
Quyền chỉ huy tối cao của trận chiến.
Là đối tượng bị các luồng lực hấp dẫn trái ngược nhau hút, vệ tinh lớn này của Tiamat bắt đầu chuyển hướng về phía Marduk. Kingu được trao Tấm bảng Sinh mệnh – quỹ đạo hành tinh của riêng mình – điều khiến cho các hành tinh bên ngoài phiền lòng. Ai trao cho Tiamat cái quyền được sinh ra những hành tinh mới cơ chứ? Ea thắc mắc. Ngài trình bày vấn đề này với Anshar, sao Thổ khổng lồ:
Ngài kể lại với thần tất cả những mưu toan của Tiamat:
“… bà ta đã lập nên Đội quân đang sục sôi giận giữ…
bà ta có thêm những vũ khí vô song, đã sinh ra những vị
quái thần…
với 11 kẻ mà bà ta đã sinh ra;
từ những vị thần lập nên Đội quân đó,
bà ta đã đề bạt Kingu, đứa con cả lên làm thủ lĩnh…
bà ta trao cho hắn Tấm bảng Sinh mệnh,
buộc chặt nó trước ngực của hắn.”
Quay về phía Ea, Anshar hỏi xem liệu vị thần này có thể lên đường tiêu diệt Kingu không. Chúng ta không biết câu trả lời vì tấm bảng đất sét ghi chép đoạn này bị hư hại, nhưng rõ ràng Ea đã không làm Anshar hài lòng, vì câu chuyện tiếp diễn với chi tiết Anshar hướng về phía Anu (sao Thiên Vương) để xem liệu vị thần này có “lên đường chống lại Tiamat” hay không. Nhưng Anu “không có khả năng đối mặt với bà ta và quay lưng lại”.
Trong thế cục hỗn loạn của vũ trụ, một trận đối đầu diễn ra, lần lượt từng vị thần một bước sang một bên. Sẽ không có ai đứng ra chiến đấu với Tiamat đang nổi cơn giận dữ ư?
Sau khi vượt qua sao Hải Vương và Thiên Vương, Marduk đang tiến gần đến Anshar (sao Thổ) và vành đai của nó. Điều này khiến Anshar nảy ra ý tưởng: “Mượn sức mạnh của hắn và biến hắn thành Người báo thù của chúng ta; hắn ta là kẻ dạn dày chiến trận: Marduk, Đấng Anh hùng!” Khi chạm vào vành đai sao Thổ (“ngài hôn đôi môi của Anshar”), Marduk trả lời:
“Nếu quả thực ta được lựa chọn là Kẻ báo thù của các người
để đánh bại Tiamat và cứu mạng các người
Hãy triệu tập Hội đồng để tuyên bố ta là Đấng Tối cao của
Số mệnh!”
Điều kiện đặt ra thật táo bạo nhưng cũng rất đơn giản: Marduk và “số mệnh” của ngài – quỹ đạo quay quanh Mặt trời – phải trở thành Đấng Tối cao của tất cả các vị thần. Rồi sau đó Gaga, vệ tinh của Anshar/sao Thổ - và tương lai là sao Diêm Vương – được thả ra:
Anshar mở miệng,
cất lời nói với Gaga, trợ thủ của mình…
“Hãy đi đường của ngươi, Gaga,
hãy đến đứng trước các vị thần,
và hãy nói lại với họ
những gì ta bảo với ngươi sau đây.”
Khi đi qua các vị thần/hành tinh khác, Gaga hối thúc họ “đưa ra quyết định về Marduk”. Quyết định này đúng như dự đoán: Các vị thần cảm thấy vô cùng vui mừng khi có người đứng ra chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề. Họ tung hô “Marduk là Đấng Tối cao!” và thúc giục ngài đừng phí thêm thời giờ: “Hãy lên đường và kết liễu mạng sống của Tiamat đi!”
Màn IV, trận chiến trên bầu trời bắt đầu khai diễn.
Các vị thần đã quyết định “số phận” của Marduk; họ tập trung năng lượng mình lại vào việc định hướng quỹ đạo của Marduk để ngài có thể đi theo một đường duy nhất – tiến thẳng vào trận chiến, một vụ va chạm với Tiamat.
Là một chiến binh dày dạn kinh nghiệm chiến đấu, Marduk tự trang bị nhiều loại vũ khí. Ngài phủ lên người “ngọn lửa sáng chói”; “ngài chế tạo một cây cung… kèm tên… ngài phóng ra tia chớp trước ngực”; và “sau đó ngài làm một tấm lưới để chụp lấy Tiamat vào bên trong.” Đó là những danh từ phổ biến dùng để mô tả các hiện tượng thiên văn – những quả cầu sét xuất hiện khi 2 hành tinh gặp nhau, hấp lực (“tấm lưới”) mà chúng tác động lẫn nhau.
Nhưng vũ khí chính của Marduk là các vệ tinh của mình, 4 “cơn gió” mà Uranus đã trang bị cho ngài khi Marduk đi qua hành tinh này: Gió Nam, Gió Bắc, Gió Đông, Gió Tây. Khi vượt qua những kẻ khổng lồ, sao Thổ và sao Mộc, bị hấp lực khủng khiếp của 2 hành tinh này tác động, Marduk “sinh ra” thêm 3 vệ tinh nữa – Gió Quỷ, Gió Xoáy và Gió Vô Song.
Dùng các vệ tinh của mình như những “cỗ chiến xa bão tố”, ngài “phóng 7 cơn gió mình tạo ra”. Phía đối phương cũng đã sẵn sàng cho trận chiến:
Chúa tể xông lên, theo sau là các trợ thủ của mình;
Hướng tới và đối mặt với Tiamat đang giận dữ…
Chúa tể đến gần để thăm dò nội tình của Tiamat
Để nắm được thủ đoạn của Kingu, trợ thủ của bà ta.
Nhưng khi 2 hành tinh tiến đến gần nhau hơn, quỹ đạo của Marduk trở nên bất ổn:
Trong khi quan sát, đường đi của ngài trở nên xáo trộn,
Ngài bị chệch hướng tiến, hành động trở nên bối rối.
Ngay cả các vệ tinh của Marduk cũng bắt đầu bị chệch khỏi
quỹ đạo:
Khi các các vị thần, các trợ thủ của ngài
Đang sát cánh bên cạnh ngài,
Nhìn thấy Kingu can trường, ánh mắt họ trở nên mờ ảo.
Rốt cuộc các chiến binh có đụng độ nhau hay không?
Nhưng tử khí tràn ngập, lời thách đấu đã đưa ra dẫn đến một cuộc đụng độ không thể tránh khỏi. “Tiamat gầm lên một tiếng”… “Chúa tể hô gọi bão tố, thứ vũ khí đầy uy lực của ngài”. Khi Marduk tiến đến gần hơn, “cơn tức giận” của Tiamat càng tăng cao; “bà ta nhảy lên giận dữ”. Bà ta bắt đầu sử dụng những “lời nguyền” với Marduk – giống như những đợt sóng năng lượng mà Ea từng sử dụng chống lại Apsu và Mummu. Nhưng Marduk vẫn tiếp tục lao tới.
Tiamat và Marduk, những vị thần thông thái nhất,
Xông về phía đối phương;
Họ chuẩn bị có một trận quyết đấu,
Họ áp sát để chiến đấu.
Đến đây thì thiên sử thi bắt đầu mô tả trận chiến này, và kết quả là Trời và Đất đã được tạo ra.
Chúa tể tung lưới để bắt lấy bà ta;
Ngài phóng Gió Quỷ tấn công bà ta.
Tiamat há miệng ra để nuốt chửng nó
Ngài tiếp thêm năng lượng cho Gió Quỷ để nó khiến bà ta không khép miệng lại được.
Sau đó những Cơn gió ầm ầm lao tới tấn công vào bụng bà ta;
Thân thể bà ta phình lên; miệng há rộng
Ngài bắn vào đó một mũi tên, nó xé rách bụng bà ta;
Nó xuyên vào bên trong, xé nát nội tạng.
Ngài đánh bại, dập tắt hơi thở cuối cùng của bà ta.
Đây chính là lý thuyết cổ xưa nhất giải thích những câu hỏi về các hiện tượng thiên văn mà đến nay chúng ta vẫn còn chưa hiểu hết. (Hình 107) Một Hệ Mặt trời chưa ổn định gồm Mặt trời và 9 hành tinh khác đã bị một hành tinh lớn giống như sao chổi từ bên ngoài vũ trụ xâm phạm. Đầu tiên, nó chạm trán với sao Hải Vương; sau đó, khi vượt qua sao Thiên Vương, sao Thổ và sao Mộc, quỹ đạo của nó đã bị uốn cong hoàn toàn hướng vào tâm Hệ Mặt trời và sản sinh ra 7 vệ tinh. Đường đi của nó gây nên một vụ va chạm không thể tránh khỏi với Tiamat, hành tinh tiếp theo trong Hệ Mặt trời.
A. Những “cơn gió” của Marduk va chạm với Tiamat và “thuộc hạ” của bà (do Kingu cầm đầu).
Nhưng 2 hành tinh này không va chạm với nhau, một thực tế vô cùng quan trọng về thiên văn: Chính các vệ tinh của Marduk đâm vào Tiamat chứ không phải bản thân hành tinh này. Chúng khiến Tiamat “phình ra” và tạo ra một vết cắt lớn trên bề mặt hành tinh này. Qua những vết cắt, Marduk bắn một “mũi tên”, một “tia sét thần thánh”, một quả cầu sét khổng lồ phóng ra như một tia chớp từ thân thể tràn đầy năng lượng của Marduk, hành tinh “sáng chói”. Khi đã xuyên được vào nội tạng của Tiamat, “mũi tên” này “dập tắt hơi thở cuối cùng của bà ta” – vô hiệu hóa điện trường, hấp lực và từ trường của Tiamat, rồi “dập tắt” chúng.

Hình 107

Lần đụng độ đầu tiên giữa Marduk và Tiamat đã khiến cho Tiamat bị thương và mất đi sự sống; nhưng số phận cuối cùng của bà vẫn phải được quyết định bằng những đợt đụng độ tiếp theo. Kingu, thủ lĩnh vệ tinh số 1 của Tiamat cũng có số phận riêng. Nhưng số phận 10 vệ tinh nhỏ hơn còn lại của Tiamat đã được định đoạt ngay tức thì.
Sau khi ngài đánh bại Tiamat, kẻ cầm đầu,
Thuộc hạ của bà ta tan tác, đội quân của bà ta tan vỡ.
Những vị thần trợ thủ vốn luôn sát cánh bên cạnh bà,
Run rẩy trong sợ hãi,
Chúng quay lưng bỏ chạy để bảo tồn mạng sống của mình.
Chúng ta có thể xác định được đội quân “tan tác…vỡ tan” run sợ và “quay lưng bỏ chạy” – đảo ngược quỹ đạo của mình này không?
Nếu xác định được thì chúng ta có thể đưa ra lời giải thích cho một câu hỏi khác về Hệ Mặt trời – hiện tượng sao chổi. Là những khối cầu vật chất nhỏ bé, chúng thường được xem là “các thành viên nổi loạn” của Hệ Mặt trời, vì chúng xuất hiện không tuân theo một quy luật thông thường nào diễn ra trong quỹ đạo. Quỹ đạo của các hành tinh quay quanh Mặt trời (ngoại trừ sao Diêm Vương) gần như đều là hình tròn, còn quỹ đạo của sao chổi là đường thẳng kéo dài và đa số là những đường rất dài tới mức một số sao chổi biến mất khỏi tầm quan sát của chúng ta trong hàng trăm hay hàng ngàn năm. Các hành tinh (ngoại trừ sao Diêm Vương) quay quanh mặt trời trong một mặt phẳng chung, còn quỹ đạo của các sao chổi nằm trên nhiều mặt phẳng khác nhau. Quan trọng nhất là trong khi tất cả các hành tinh chúng ta biết đều quay quanh Mặt trời ngược chiều kim đồng hồ thì nhiều sao chổi lại di chuyển theo chiều ngược lại.
Các nhà thiên văn không thể giải thích được thế lực nào hay sự kiện nào đã tạo ra các sao chổi đó và ném chúng vào những quỹ đạo bất thường này. Câu trả lời của chúng tôi là Marduk. Càn quét theo chiều trái ngược, trong một mặt phẳng quỹ đạo riêng, hành tinh này đã làm tan tác và vỡ nát đống vệ tinh của Tiamat thành những sao chổi nhỏ hơn và hút chúng bằng hấp lực, hay còn được gọi là tấm lưới, của mình.
Bị cuốn vào tấm lưới, chúng thấy mình đang rơi vào bẫy…
Toàn bộ bè lũ quái vật từng sát cánh bên cạnh bà ta
Ngài tung ra những cái cùm trói chặt tay chúng…
Bao vây chặt chẽ, chúng không thể thoát.
Sau khi trận chiến kết thúc, Marduk tước Tấm bảng Sinh mệnh khỏi tay Kingu (quỹ đạo độc lập của Kingu) và gắn nó vào ngực mình: đường đi của ngài được nắn thành quỹ đạo riêng vĩnh viễn trong Hệ Mặt trời. Từ nay trở đi, Marduk nhất định sẽ thường xuyên quay lại nơi trận chiến đã diễn ra.
“Đánh bại” Tiamat xong, Marduk hướng vào vũ trụ, quay xung quanh Mặt trời và trở lại quỹ đạo cũ qua các hành tinh bên ngoài: Ea/sao Hải Vương “người đạt được ước vọng về Marduk”, Anshar/sao Thổ, “người lập nên chiến thắng của Marduk”. Sau đó quỹ đạo mới đưa Marduk trở lại với nơi mình đã gặt hái chiến thắng, “nhằm tăng cường sức mạnh kiềm chế những vị thần đã bị đánh bại” là Tiamat và Kingu.
Khi tấm màn của Màn V trong vở kịch được vén lên, chính từ đây – tuy chưa được thừa nhận cho tới tận ngày nay – câu chuyện Sáng Thế Ký trong Kinh thánh mới bắt đầu nhập vào “Thiên sử thi Sáng tạo Thế giới” của người Mesopotamia; bởi từ đây câu chuyện về Sáng tạo Trời và Đất mới thực sự bắt đầu.
Sau khi hoàn thành vòng quay đầu tiên xung quanh Mặt trời, Marduk “quay trở lại chỗ Tiamat, kẻ đã bị ngài khuất phục”.
Chúa tể dừng lại quan sát thi thể vô hồn của bà ta.
Sau đó ngài khéo léo lên kế hoạch chặt đôi con quái vật này.
Rồi ngài xẻ bà ta ra thành 2 phần như một con trai.
Giờ đây Marduk mới thực sự tự mình chạm vào hành tinh đã bị đánh bại, chia Tiamat thành 2 phần, cắt rời “đầu lâu”, hay phần thân trên của bà ta. Sau đó, một vệ tinh khác của Marduk là Gió Bắc lao vào phần thi thể bị cắt rời này. Cú va chạm lớn đã tác động mạnh vào phần hành tinh này và đẩy nó – với định mệnh trở thành Trái Đất – vào một quỹ đạo mà chưa hành tinh nào đi vào trước đó:
Chúa tể dẫm chân lên phần dưới thi thể của Tiamat;
Ngài cắt rời chiếc đầu lâu bằng vũ khí của mình;
Ngài bóc những mạch máu của bà ta ra;
Và sai Gió Bắc mang nó đi
Tới nơi không ai biết đến.
Trái đất đã được tạo ra!
Phần thi thể phía dưới lại chịu số phận khác: ở vòng quay thứ hai, Marduk đã đâm vào nó, nghiền nát nó thành từng mảnh (Hình 108):
Nửa (còn lại) của bà ta được ngài làm thành bầu trời:
Cố định chúng với nhau, ngài sắp xếp vị trí cho chúng như một lính gác…
Ngài uốn cong đuôi của Tiamat thành chiếc vòng trang sức Dải băng Lớn.
Những mảnh vỡ của nửa còn lại này được chế tác thành một “chiếc vòng trang sức” trên bầu trời, với vai trò là một bức màn nằm chắn giữa các hành tinh bên trong và bên ngoài. Chúng được dàn thành một “dải băng lớn”. Vành đai thiên thể đã hình thành.
Các nhà thiên văn và nhà vật lý đều thừa nhận nhiều điểm khác biệt lớn giữa các hành tinh bên trong hay còn gọi là “thế gian” (sao Thủy, sao Kim, Trái đất, Mặt trăng và sao Hỏa) với các hành tinh bên ngoài (sao Mộc và các hành tinh ở xa hơn nữa), 2 nhóm hành tinh này được phân biệt bằng vành đai thiên thể. Chúng ta có thể khẳng định rằng qua thiên sử thi này người Sumer cổ đại rõ ràng đã nhận biết được những hiện tượng thiên văn đó.
Ngoài ra, đây lần đầu tiên chúng ta có được một lời giải thích mạch lạc cả về thiên văn lẫn khoa học cho các hiện tượng thiên văn dẫn đến sự biến mất của “hành tinh mất tích” và sự hình thành sau đó của vành đai thiên thể (cộng thêm cả sao chổi) và Trái đất. Sau khi một vài vệ tinh và quả cầu điện từ của Marduk xẻ Tiamat làm đôi, một vệ tinh khác của Marduk đẩy phần thân trên của Tiamat vào một quỹ đạo mới và trở thành Trái đất của chúng ta ngày nay; còn Marduk, ở vòng quay thứ hai của mình quanh Mặt trời đã nghiền nát phần dưới của Tiamat thành từng mảnh và rải chúng thành một dải thiên thể lớn.
B. Tiamat bị xẻ làm đôi: nửa nát vụn là Trời – Vành đai Thiên thể; nửa còn lại, Trái đất, bị vệ tinh “Gió Bắc” của Marduk đẩy vào một quỹ đạo mới. Vệ tinh chính của Tiamat, Kingu, trở thành Mặt trăng của Trái đất, các vệ tinh còn lại trở thành sao chổi.
Mọi câu hỏi mà chúng ta đặt ra lần lượt được “Thiên sử thi Sáng tạo” trả lời trong quá trình chúng ta giải mã nó. Ngoài ra, chúng ta cũng đã có câu trả lời cho câu hỏi tại sao các lục địa trên Trái đất lại tập trung về một phía và một hố sâu (đáy Thái Bình Dương) nằm ở phía đối diện. Việc “những dòng nước” của Tiamat được nhắc đi nhắc lại cũng giúp ta sáng tỏ nhiều điều. Bà được gọi là Quái vật Nước và việc Trái đất, một phần của Tiamat, được trao cho những dòng nước này là hợp lý. Thực tế, một số chuyên gia mô tả Trái đất là “Hành tinh Đại dương” – vì nó là hành tinh duy nhất trong số các hành tinh chúng ta biết trong Hệ Mặt trời được ban cho nguồn nước làm nảy sinh sự sống.

Hình 108

Tuy các giả thiết này có vẻ mới mẻ nhưng chúng đã được các nhà tiên tri và nhà hiền triết coi là sự thật qua Kinh Cựu ước. Nhà tiên tri Isaiah nhớ lại “những ngày nguyên thủy” khi Đức Chúa hùng mạnh “tạc nên Kẻ Ngạo mạn, khiến cho con Quái vật Nước quay tròn, làm khô cạn những dòng nước của Tehom-Raba”. Gọi Đức Giê-hô-va là “Đức Vua nguyên thủy của ta”, Vua David đã dẫn ra trong một số đoạn Kinh thánh quan điểm về vũ trụ của thiên sử thi Sáng tạo. “Bằng quyền năng của mình, ngài làm tiêu tan những dòng nước; thủ lĩnh của những con quái vật nước cũng bị ngài làm cho tan rã.” Sách Job mô tả việc Đức Chúa đánh bại “các trợ thủ của Kẻ Ngạo mạn”; và ca ngợi Ngài với những kiến giải về thiên văn ấn tượng:
Chiếc vòm bị đập vỡ rải ra khắp chốn Tehom,
Trái đất lơ lửng trong không trung…
Quyền lực của ngài tóm lấy những dòng nước,
Năng lượng của ngài xẻ đôi Kẻ Ngạo mạn;
Ngọn gió của ngài tung ra Chiếc Vòng trang sức;
Bàn tay của ngài tiêu diệt con giao long.
Hiện nay các học giả nghiên cứu Kinh thánh công nhận rằng từ Tehom trong tiếng Hebrew (“vùng nước sâu”) có nguồn gốc là từ Tiamat; rằng Tehom-Raba có nghĩa là “Tiamat vĩ đại” và rằng những kiến giải trong Kinh thánh về các sự kiện từ thuở nguyên sơ được dựa trên các sử thi về vũ trụ của người Sumer. Hơn nữa, trong số những sự tương đồng này thì thứ đầu tiên và có trước là đoạn mở đầu của cuốn Sáng Thế Ký mô tả Thần khí của Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước Tehom và tia sét của Thiên Chúa (Marduk trong sử thi Babylon) thắp sáng bóng tối của vũ trụ khi nó đánh trúng và tách đôi Tiamat, tạo ra Trái đất và Rakia (nghĩa đen là chiếc vòng trang sức được gò”). Dải thiên thể này (ngày nay được dịch là “vòm trời”) được gọi là “Trời”.
Cuốn Sáng Thế Ký (1:8) ghi rõ rằng chiếc “vòm” này đã được Thiên Chúa gọi là “Trời” (shamaim). Các ghi chép của người Akkad cũng gọi phần bầu trời này là “chiếc vòng trang sức được gò” (rakkis) và kể lại việc Marduk kéo căng phần thân dưới của Tiamat đến lúc 2 đầu của nó gần chạm nhau, buộc chặt nó lại thành một vòng tròn lớn vĩnh cửu. Các ghi chép của người Sumer cũng khẳng định rằng “vòm trời” cụ thể vốn khác biệt với khái niệm thông thường về bầu trời và vũ trụ này chính là vành đai thiên thể.
Trái đất của chúng ta và vành đai thiên thể này là “Trời và Đất” trong cả Kinh thánh và các tư liệu của người Mesopotamia, được tạo ra khi Tiamat bị vị Chúa tể đoạn thây.
Sau khi vệ tinh Gió Bắc của Marduk đẩy Trái đất sang vị trí mới, Trái đất có được quỹ đạo của riêng mình – quay quanh Mặt trời (kết quả chúng ta có các mùa) và tự quay quanh trục của mình (ngày và đêm). Các ghi chép của người Mesopotamia nói rằng một trong những nhiệm vụ của Marduk sau khi tạo ra Trái đất là “ban cho [Trái đất] ngày Mặt trời và đặt ra giới hạn giữa ngày và đêm”. Các khái niệm trong Kinh thánh cũng giống như vậy:
Và Thiên Chúa phán rằng:
“Phải có những vầng sáng trên vòm trời,
để phân rẽ Ngày với Đêm;
để chúng làm dấu chỉ
xác định các Mùa, các Ngày và các Năm”.
Các học giả đương đại tin rằng sau khi Trái đất trở thành một hành tinh thì nó là một quả cầu nóng rực với những miệng núi lửa phun trào tung mây mù lên bầu trời. Khi nhiệt độ bắt đầu nguội dần, hơi ẩm ngưng tụ thành nước, phân rẽ bề mặt Trái đất thành đất liền và đại dương.
Tấm bảng đất sét thứ 5 trong bộ Enuma Elish tuy bị hư hại nặng nhưng vẫn thể hiện những thông tin khoa học giống hệt trên. Với việc mô tả những dòng dung nham phun ra là “nước bọt” của Tiamat, thiên sử thi Sáng tạo đã mô tả chính xác hiện tượng này diễn ra trước sự hình thành bầu khí quyển, các đại dương của Trái đất và các lục địa. Sau khi “gom nước trong các đám mây”, các đại dương bắt đầu hình thành và “nền móng” của Mặt đất – các lục địa – trồi lên. Khi quá trình nguội dần diễn ra, mưa và sương mù xuất hiện. Trong khi đó, những dòng “nước bọt” tiếp tục phun ra, “trải thành từng lớp”, tạo nên địa hình Trái đất.
Một lần nữa, những điều tương tự được nhắc tới rõ ràng trong Kinh thánh:
Và Thiên Chúa phán:
“Nước phía dưới trời phải tụ lại một nơi,
để lộ ra đất cạn.”
Liền có như vậy.
Trái đất cùng với các đại dương, lục địa và bầu khí quyển giờ đây đã sẵn sàng để hình thành nên những dãy núi, sông suối, thung lũng. Việc coi tất cả những sự sáng tạo này là công lao của Chúa tể Marduk, thiên sử thi Enuma Elish tiếp tục câu chuyện:
Sau khi đẩy đầu của Tiamat [Trái đất] vào đúng vị trí,
Ngài gọi lên những dãy núi ở trên đó.
Ngài khơi những dòng suối, những dòng nước cuốn đi.
Từ đôi mắt của bà ta ngài giải phóng dòng sông Tigris và Euphrates.
Từ đầu nhũ hoa của bà ta ngài tạo thành những rặng núi hùng vĩ,
Khơi dòng chảy của suối, để nước chảy ra.
Giống như các phát hiện đương đại, cả cuốn Sáng Thế Ký và Enuma Elish cùng các ghi chép khác có liên quan của người Mesopotamia đều cho rằng sự sống khởi đầu từ những dòng nước, tiếp đó là “những sinh vật leo trèo” và “loài chim biết bay”. Chỉ đến lúc này “các sinh vật tùy loài như gia súc, các loài bò sát và súc vật” xuất hiện trên Trái đất và đỉnh điểm là sự xuất hiện của Con người – hành động Sáng tạo cuối cùng.

*

Là một phần trong trật tự thiên thể mới của Trái đất, Marduk “đã khiến cho Mặt trăng xuất hiện… và giao cho Mặt trăng nhiệm vụ đánh dấu điểm giao giữa ngày và đêm, xác định các ngày trong tháng”.
Vậy vị thần Mặt trăng này là ai? Trong ghi chép này ông được gọi là SHESH.KI (“vị Thần Bảo vệ Trái đất”). Phần trước của ghi chép này chưa hề đề cập đến hành tinh nào với cái tên này; nhưng ở phần này lại đề cập đến hình ảnh: Ông ta “bị ảnh hưởng bởi sức ép [trường hấp lực] của bà ta”. Bà ta ở đây là ai: Tiamat hay Trái đất?
Theo các ghi chép này thì vai trò của Tiamat và Trái đất dường như có thể hoán đổi nhau. Trái đất là hiện thân của Tiamat. Mặt trăng được gọi là “người bảo vệ” cho Trái đất, đó chính là danh hiệu mà Tiamat đặt cho Kingu, vệ tinh chính của mình.
Thiên sử thi Sáng tạo không gộp Kingu vào “đội quân” tan tác và bị biến thành những sao chổi có quỹ đạo ngược chiều quay quanh Mặt trời của Tiamat. Sau khi Marduk hoàn thành vòng quay đầu tiên của mình quanh Mặt trời và trở lại chiến trường cũ, ngài quyết định số phận của Kingu:
Và Kingu, kẻ từng cầm đầu bọn chúng,
Ngài làm co lại;
Ngài gọi chàng ta là thần DUG.GA.E
Ngài tước khỏi tay chàng ta Tấm bảng Sinh mệnh,
Vốn không thuộc về chàng ta.
Sau đó Marduk không phá hủy Kingu. Ngài trừng phạt chàng bằng cách tước đoạt quỹ đạo độc lập mà Tiamat đã trao khi kích thước của chàng phát triển hơn. Tuy bị co lại thành hành tinh nhỏ hơn nhưng Kingu vẫn là một “vị thần” – một hành tinh trong Hệ Mặt trời. Khi không có quỹ đạo riêng, chàng chỉ có thể trở lại vị trí một vệ tinh. Khi phần thân trên của Tiamat bị đẩy vào quỹ đạo mới (trở thành Trái đất), chúng tôi cho rằng Kingu cũng bị kéo theo. Theo quan điểm của chúng tôi, Mặt trăng ngày nay chính là Kingu, trước đây vốn là vệ tinh của Tiamat.
Bị biến thành một duggae, Kingu đã bị tước đi “nguồn sống” của mình – bầu khí quyển, nước, chất phóng xạ; kích cỡ bị thu nhỏ và trở thành “một đống đất sét vô hồn”. Thuật ngữ này của người Sumer đã mô tả chính xác Mặt trăng không có sự sống của chúng ta, lịch sử mới được khám phá của nó và định mệnh xảy đến với vệ tinh vốn khởi đầu là một KIN.GU (“sứ giả vĩ đại”) và kết thúc là một DUG.GA.E (“bình chì”) này.
L. W. King (The Seven Tablets of Creation – tạm dịch: 7 Tấm bảng sử thi Sáng tạo) cho biết về sự tồn tại của 3 mảnh của một tấm đất sét về thiên văn, thần thoại học trình bày một dị bản về trận chiến của Marduk với Tiamat, trong đó có những câu thơ đề cập đến cách Marduk giải quyết Kingu. “Kingu, chồng của bà ta, bị ngài cắt đứt không phải bằng một vũ khí chiến đấu… Tấm bảng Sinh mệnh bị ngài tước khỏi tay.” B. Landesberger nỗ lực (năm 1923, trong cuốn Archiv fur Keilschriftforschung – tạm dịch: Nghiên cứu chữ hình nêm) chỉnh sửa và dịch đầy đủ bản ghi chép trên đã khẳng định tính hoán đổi lẫn nhau giữa 3 cái tên Kingu/Ensu/Mặt trăng.
Những ghi chép này không những xác nhận kết luận của chúng tôi rằng vệ tinh chính của Tiamat đã trở thành Mặt trăng mà còn giải thích cho những phát hiện của NASA về vụ va chạm khủng khiếp “khi thiên thể có kích thước bằng một thành phố lớn đâm vào Mặt trăng”. Cả các phát hiện của NASA và ghi chép do L. W. King tìm thấy đều mô tả Mặt trăng là “một hành tinh hoang vu”.
Người ta đã tìm thấy nhiều con dấu lăn mô tả trận chiến trên bầu trời này, trong đó Marduk đang chiến đấu với một vị nữ thần dữ tợn. Một con dấu trong số đó khắc họa cảnh Marduk đang bắn tia sét của mình vào Tiamat, còn Kingu, được xác định rõ ràng bằng hình ảnh Mặt trăng, thì đang tìm cách bảo vệ Tiamat, người đã tạo ra mình. (Hình 109)

Hình 109

Những bằng chứng hình ảnh cho thấy Mặt trăng của Trái đất và Kingu là cùng một vệ tinh càng được củng cố hơn bằng hiện tượng từ nguyên rằng tên của thần SIN, sau này được gắn với Mặt trăng, có nguồn gốc từ từ SU.EN (“chúa tể vùng đất ngập nước”).
Sau khi chia cắt Tiamat và Kingu, Marduk lại một lần nữa “băng qua bầu trời và quan sát các khu vực”. Lần này ngài chú mục vào “nơi ở của Nudimmud” (sao Hải Vương) để quyết định “số phận” cuối cùng của Gaga, vệ tinh trước đây của Anshar/sao Thổ đóng vai trò là “sứ giả” liên lạc với các hành tinh khác.
Thiên sử thi này cũng mô tả một trong những hành động cuối cùng của Marduk trên bầu trời là đưa vị thần này “vào một nơi bí mật”, một quỹ đạo đối diện với “vùng thẳm sâu” (khoảng không vũ trụ) mà đến nay chúng ta vẫn chưa biết tới và tin tưởng giao cho chàng “quyền cố vấn của Vùng Nước Thẳm sâu”. Cùng với vị trí mới này, hành tinh đó được đổi tên thành US.MI (“người chỉ đường”), hành tinh xa nhất trong Hệ Mặt trời của chúng ta, đó là sao Diêm Vương.
Theo thiên sử thi Sáng tạo, thì Marduk đã từng có lần khoe khoang rằng “Ta sẽ khéo léo thay đổi đường đi của các vị thần trên trời… chia họ thành 2 nhóm”.
Và thực tế vị thần này đã làm được như vậy. Ngài loại bỏ khỏi bầu trời người đồng hành đầu tiên của Mặt trời trong quá trình Sáng tạo là Tiamat. Ngài tạo nên Trái đất, đẩy nó vào một quỹ đạo mới gần Mặt trời hơn. Ngài gò nên một “vòng trang sức” trên bầu trời – vành đai thiên thể tách bạch nhóm các hành tinh bên trong và bên ngoài. Ngài biến phần lớn các vệ tinh của Tiamat thành sao chổi; vệ tinh chính Kingu được ngài đặt vào một quỹ đạo mới quay quanh Trái đất để trở thành Mặt trăng. Ngài tách vệ tinh Gaga ra khỏi sao Thổ, biến nó thành sao Diêm Vương, trao cho nó một số đặc điểm về quỹ đạo của chính mình (chẳng hạn như một mặt phẳng quỹ đạo mới).
Những câu hỏi về Hệ Mặt trời của chúng ta – những đại dương trên Trái đất, cảnh tàn phá trên Mặt trăng, quỹ đạo ngược chiều của các sao chổi, các hiện tượng bí ẩn của sao Diêm Vương – tất cả đều được giải đáp một cách thỏa đáng trong thiên sử thi Sáng tạo của người Mesopotamia sau khi được chúng ta giải mã.
Khi “bố trí vị trí” cho các hành tinh khác xong, Marduk tự chọn cho mình “vị trí Nibiru”, “băng qua bầu trời và quan sát” Hệ Mặt trời mới. Giờ đây Hệ Mặt trời đã bao gồm cả thảy 12 thiên thể và được 12 vị Thần Vĩ đại cai quản. (Hình 110)

Hình 110