CHƯƠNG 1
SỰ KHỞI ĐẦU BẤT TẬN

    
rong số những bằng chứng chúng tôi tích lũy để làm cơ sở cho kết luận của mình, bằng chứng số một chính là Con người. Nói theo nhiều cách khác nhau, Người Hiện đại - Homo sapiens – là một kẻ xa lạ trên Trái đất.
Ngay từ khi Charles Darwin khiến các chuyên gia và các nhà thần học đương thời choáng váng về bằng chứng của sự tiến hóa, sự sống trên Trái đất được lần theo Loài người và các loài linh trưởng, động vật có vú, động vật có xương sống và tiếp sau là đến các dạng sống thấp hơn cho đến thời điểm hàng tỉ năm về trước, khi sự sống được cho là đã khởi đầu.
Nhưng khi đạt được kết luận về sự khởi đầu này và bắt đầu dự tính những khả năng tồn tại sự sống ở nơi nào khác trong hệ Mặt trời và xa hơn nữa, các chuyên gia lại trăn trở về sự sống trên Trái đất: Vì một lý do nào đó, sự sống không thuộc về nơi đây. Nếu sự sống bắt đầu bằng một chuỗi các phản ứng hóa học tự phát, tại sao sự sống trên Trái đất chỉ có một khởi nguồn duy nhất mà không có vô số những khởi nguồn tình cờ khác? Và tại sao tất cả dạng sống trên Trái đất chứa quá ít những nguyên tố hóa học đầy rẫy trên Trái đất và quá nhiều những nguyên tố dạng hiếm trên hành tinh của chúng ta?
Vậy có phải sự sống đến với Trái đất từ một nơi nào khác?
Vị trí của Con người trong chuỗi tiến hóa này đã tạo nên câu hỏi đó. Với một mảnh sọ tìm thấy ở đây, một chiếc xương hàm ở kia, ban đầu các chuyên gia tin rằng Con người có nguồn gốc từ châu Á khoảng 500.000 năm trước. Nhưng khi các hóa thạch cổ xưa hơn được phát hiện, người ta thấy rõ là cỗ máy tiến hóa quay chậm hơn rất nhiều. Giờ đây thời điểm khởi đầu của loài khỉ không đuôi tổ tiên của Con người được đưa về 25.000.000 năm trước, một con số gây sửng sốt. Những phát hiện ở khu vực Đông Phi đã cho thấy có sự chuyển tiếp sang khỉ giống người (Hominids) khoảng 14.000.000 năm trước. Khoảng 11.000.000 năm sau, loài khỉ hình người đầu tiên xứng đáng được xếp vào chủng Homo xuất hiện tại khu vực này.
Loài đầu tiên được coi là thực sự giống con người - “Loài Advanced Australopithecus” (Vượn người Phương nam Tiến bộ) – tồn tại ở một số khu vực tại châu Phi khoảng 2.000.000 năm về trước. Mất thêm 1.000.000 năm nữa loài Homo erectus (Người vượn Đứng thẳng) mới xuất hiện. Cuối cùng, sau 900.000 năm nữa, Người Nguyên thủy đầu tiên xuất hiện và được gọi là Neanderthal theo tên địa danh nơi hài cốt của họ lần đầu tiên được phát hiện.

Hình 1
Tuy trải qua thời gian hơn 2.000.000 năm từ Người Vượn Phương nam Tiến bộ đến người Neanderthal nhưng công cụ của hai nhóm người này – những hòn đá có cạnh sắc – lại gần như giống nhau; và hình dáng bề ngoài của chính hai nhóm người này (như chúng ta hình dung) cũng khó có thể phân biệt được.
Rồi sau đó, khoảng 35.000 năm trước, một chủng Người mới - Homo sapiens (Người Tinh khôn) – xuất hiện một cách đột ngột, không thể lý giải nổi cứ như từ trên trời rơi xuống và quét sạch người Neanderthal khỏi bề mặt Trái đất. Chủng Người mới có tên là Cro-Magnon này có hình dáng giống với chúng ta đến mức nếu họ cũng mặc những bộ quần áo như chúng ta, thì họ có thể mất hút trong các đám đông ở bất kỳ thành phố châu Âu hay châu Mỹ nào. Vì những bức tranh hang động kỳ vĩ mà họ tạo ra, nên ban đầu họ được gọi là “Người Hang động”. Trong thực tế, họ tự do lang thang khắp địa cầu nhờ biết cách xây dựng chỗ trú ẩn và nhà cửa bằng đá và da thú ở bất kỳ nơi nào họ đặt chân đến.
Trong hàng triệu năm, công cụ của Loài người chỉ đơn giản là những hòn đá với những hình dáng hữu dụng. Còn người Cro-Magnon lại biết làm ra những công cụ đặc biệt là các vũ khí bằng gỗ và xương thú. Người Cro-Magnon cũng không còn là “loài khỉ trần truồng” nữa, vì họ đã biết dùng da thú làm quần áo. Xã hội của họ là xã hội có tổ chức; họ sống trong các thị tộc theo chế độ phụ hệ. Những bức họa hang động của họ thể hiện tính nghệ thuật và chiều sâu cảm xúc, những bức họa và điêu khắc của họ minh chứng cho một số dạng “tôn giáo”, thể hiện qua việc thờ cúng Nữ thần Mẹ, vị thần có những lúc được mô tả qua hình lưỡi liềm của Mặt trăng. Họ chôn cất người chết, vì thế chắc rằng họ có một số triết lý về sự sống, cái chết và thậm chí là sự luân hồi nữa.
Với sự xuất hiện bí ẩn và không lý giải nổi của người Cro-Magnon, câu hỏi trên càng trở nên phức tạp hơn. Vì qua những bộ hài cốt khác của Người Hiện đại được phát hiện (tại các địa điểm như Swanscombe, Steinheim và Montmaria), người ta thấy rõ là Người Cro-Magnon có nguồn gốc thậm chí còn sớm hơn cả Người Homo sapiens sinh sống ở Tây Á và Bắc Phi khoảng 250.000 năm trước thời của Người Cro-Magnon.
Sự xuất hiện của Người Hiện đại chỉ 700.000 năm sau người Homo erectus và khoảng 200.000 năm trước Người Neanderthal là hoàn toàn bất hợp lý. Người ta cũng thấy rõ rằng Người Homo sapiens đã có sự ly khai cực lớn khỏi quá trình tiến hóa chậm chạp đến mức nhiều đặc trưng của chúng ta, chẳng hạn như khả năng nói, hoàn toàn không liên quan gì đến các loài linh trưởng trước đó.
Giáo sư Theodosius Dobzhansky (tác phẩm Mandkind evolving – tạm dịch: Quá trình Tiến hóa của Nhân loại), một chuyên gia nổi tiếng về đề tài này cũng đặc biệt lúng túng với thực tế là sự phát triển này diễn ra trong thời kỳ Trái đất đang trong Kỷ Băng hà, thời kỳ không thuận lợi nhất cho quá trình tiến hóa. Với việc chỉ ra rằng ở Người Homo sapiens hoàn toàn thiếu vắng những nét riêng biệt của các chủng người trước mà chúng ta đã biết và có một số đặc điểm chưa từng xuất hiện trước đây, ông rút ra kết luận rằng: “Người Hiện đại có nhiều họ hàng thân cận hóa thạch nhưng không có tổ tiên; thế nên nguồn gốc của Người Homo sapiens trở thành một câu hỏi lớn.”
Vậy làm thế nào mà tổ tiên của Người Hiện đại xuất hiện vào khoảng 300.000 năm trước, thay vì 2.000.000 hay 3.000.000 năm trong tương lai theo đúng quy trình phát triển tiến hóa tiếp theo? Có phải chúng ta đến với Trái đất từ một nơi nào khác, hay theo như Kinh Cựu ước và các nguồn thông tin cổ đại khác, chúng ta được tạo ra bởi các vị thần?
Chúng ta không biết nơi khởi đầu của nền văn minh và cách thức phát triển của nó trong trường hợp nó có sự khởi đầu. Câu hỏi “Tại sao nền văn minh lại diễn ra?” vẫn chưa có lời đáp bởi vì như đa số các chuyên gia thừa nhận trong thất vọng rằng với tất cả dữ liệu đã chỉ cho thấy cho thấy Loài người đáng lẽ vẫn chưa có nền văn minh. Không có lý do rõ ràng nào cho thấy chúng ta phải văn minh hơn những bộ lạc nguyên thủy trong các khu rừng rậm Amazon hay những khu vực hẻo lánh của New Guinea.
Như chúng ta thường được nghe, những bộ lạc này vẫn sinh sống như thời kỳ Đồ đá bởi vì họ bị cô lập. Nhưng cô lập khỏi cái gì? Nếu như họ cũng sinh sống trên Trái đất như chúng ta, tại sao họ không tự mình đạt đến những tri thức về khoa học và công nghệ mà chúng ta vẫn coi là mình đạt được.
Tuy nhiên vấn đề rắc rối thực sự ở đây không phải là sự lạc hậu của bộ lạc Bushman mà là sự tiến bộ của chúng ta, bởi hiện nay người ta thừa nhận rằng điển hình cho quá trình tiến hóa bình thường của Con người vẫn phải là bộ lạc Bushman chứ không phải là chúng ta ngày nay. Con người mất khoảng 2.000.000 năm để đạt đến “nền công nghiệp công cụ” từ việc sử dụng những hòn đá nhặt được cho đến việc nhận ra rằng họ có thể đẽo gọt và tạo hình những hòn đá đó cho phù hợp hơn với mục đích sử dụng của mình. Vậy tại sao không phải là 2.000.000 năm nữa để biết cách sử dụng các vật liệu khác và thêm 10.000.000 năm nữa để tinh thông toán học, cơ khí và thiên văn học? Vậy mà chúng ta chỉ mất chưa đầy 50.000 năm tính từ thời Người Neanderthal để đưa người lên Mặt Trăng.
Vậy, có phải chúng ta và những tổ tiên Địa Trung Hải của mình thực sự tự đạt được nền văn minh tiến bộ này?
Tuy Người Cro-Magnon không xây dựng những tòa nhà chọc trời, cũng không sử dụng kim loại, nhưng hiển nhiên sự xuất hiện của họ là một sự tiến hóa đột ngột và mang tính cách mạng. Khả năng cơ động, khả năng xây dựng nhà cửa, mong muốn mặc quần áo, những công cụ tự sản xuất, nền nghệ thuật của họ – tất cả tạo nên một nền văn minh phát triển cao bất ngờ phá vỡ sự khởi đầu bất tận của nền văn hóa Nhân loại đã trải qua hàng triệu năm và đi lên với một tốc độ chậm chạp đầy khó khăn.
Tuy các chuyên gia không thể lý giải được sự xuất hiện của Người Homo sapiens và nền văn minh của Người Cro-Magnon, nhưng đến nay không ai hoài nghi về nơi khởi nguồn của nền văn minh này: vùng Cận Đông. Những khu vực cao nguyên và đồi núi trải dài theo hình bán nguyệt từ Dãy Zagros ở phía Đông (khu vực biên giới giữa Iran và Iraq ngày nay) tới các dãy Ararat và Taurus ở phía Bắc, rồi đi xuống, hướng về phía Tây và phía Nam, tới vùng đồi thuộc Syria, Lebanon và Israel đầy rẫy những hang động nơi lưu giữ những bằng chứng về Người Hiện đại thời tiền sử.
HShanidar, một trong những hang động như vậy, nằm ở phía đông bắc hình bán nguyệt của nền văn minh. Ngày nay, những thổ dân người Cuốc (Kurd) hoang dã vẫn lấy các hang động ở khu vực này làm nơi trú ẩn trong cho mình và gia súc trong mùa đông lạnh giá. Vậy là vào một đêm đông lạnh giá 44.000 năm trước, một gia đình 7 thành viên (trong số đó có 1 em bé) đã trú ẩn trong hang Shanidar.

Hình 2
Năm 1957, hài cốt của họ − có bằng chứng cho thấy họ bị đè chết bởi một trận lở đá − được Ralph Solecki bất ngờ phát hiện ra trong khi tới khu vực này để tìm kiếm bằng chứng về Người tiền sử. Khám phá này còn hơn cả những gì ông mong đợi, khi các lớp trầm tích được gạt đi cho thấy chiếc hang này đã lưu giữ một hồ sơ rõ ràng về nơi ở của Con người ở khu vực này trong khoảng 100.000 tới 13.000 năm trước.
Những bằng chứng thể hiện trong bộ hồ sơ này cũng gây ngạc nhiên như chính nó vậy. Nó cho thấy rằng nền văn hóa của Nhân loại không hề đi lên mà còn đi xuống. Bắt đầu từ một tiêu chuẩn nhất định, những thế hệ tiếp theo không cho thấy sự tiến bộ thêm nào thay vì những tiêu chuẩn ít tiến bộ hơn về đời sống văn minh. Và khoảng từ năm 27000 TCN tới năm 11000 TCN, sự suy thoái này xuống đến mức Con người gần như hoàn toàn không còn thói quen định cư. Người ta cho rằng do nguyên nhân khí hậu nên Con người gần như biến mất khỏi toàn bộ khu vực trên trong khoảng 16.000 năm.
Và rồi, khoảng vào năm 11000 TCN, Người Tinh khôn xuất hiện trở lại với khả năng sinh tồn mới và một nền văn hóa cao hơn đến mức không lý giải nổi.
Dường như có một vị huấn luyện viên vô hình trong khi quan sát màn trình diễn chệch choạc của con người đã tung vào sân một đội hình qua huấn luyện tràn đầy sức mạnh và tinh nhuệ hơn để thay thế cho những cầu thủ đã kiệt sức.

***
Trải qua hàng triệu năm khởi đầu bất tận của mình, Con người là đứa con của Mẹ Tự nhiên; họ tồn tại bằng cách hái lượm thực phẩm hoang dại, săn động vật hoang dã và bắt chim trời cá nước. Nhưng ngay khi thói quen định cư của Con người phai nhạt, ngay khi họ rời bỏ nơi ở của mình, khi các thành tựu tư liệu và nghệ thuật của họ dần biến mất – đột nhiên Con người trở thành nông dân mà không hề có lý do rõ ràng và không có bất cứ thời kỳ chuẩn bị nào được biết đến trước đó.
Tổng kết công trình nghiên cứu của nhiều chuyên gia nổi tiếng về đề tài này, R. J. Braidwood và B. Howe (hai tác giả của cuốn Prehistoric Investigations in Iraqui Kurdistan – tạm dịch: Nghiên cứu tiền sử về người Kurd ở Iraq) kết luận rằng các nghiên cứu di truyền học đã xác nhận những phát hiện khảo cổ và khẳng định nền nông nghiệp bắt nguồn từ chính nơi Người Tinh khôn xuất hiện trước đó cùng với nền văn minh nguyên sơ đầu tiên của mình: vùng Cận Đông. Đến nay chúng ta có thể khẳng định rằng hình thức canh tác nông nghiệp đã được phổ biến khắp thế giới từ khu vực đồi núi và cao nguyên hình bán nguyệt này.
Sử dụng các phương pháp giám định niên đại bằng phóng xạ cacbon và di truyền học thực vật phức tạp, nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực khoa học khác nhau đã nhất trí với kết luận rằng kinh nghiệm canh tác đầu tiên của Con người chính là việc trồng lúa mỳ và lúa mạch, hẳn là kết quả của quá trình thuần dưỡng các loại lúa mì emmer hoang dại. Cứ cho là bằng cách nào đó Con người đã trải qua một quá trình tự học hỏi cách thức thuần dưỡng, gieo trồng và canh tác một loài cây hoang dại thì các chuyên gia vẫn tỏ ra bối rối trước vô số những loại cây trồng và ngũ cốc khác thiết yếu cho sự tồn tại và tiến bộ không ngừng của con người ở vùng Cận Đông. Các loại cây trồng được luân canh kế vụ nhau một cách nhanh chóng này bao gồm kê, lúa mạch đen, lúa mì spelt trong số các loại ngũ cốc ăn được; cây lanh cho sợi và dầu ăn; và rất nhiều cây bụi kết trái và cây ăn quả.
Trong các trường hợp này, loại cây trồng đó hiển nhiên đã được thuần dưỡng ở vùng Cận Đông cả thiên niên kỷ trước khi đến châu Âu. Có vẻ như vùng Cận Đông là một kiểu phòng thí nghiệm sinh học di truyền được điều hành bởi một bàn tay vô hình nhằm thường xuyên tạo ra từng loại cây trồng mới được thuần dưỡng.
Các chuyên gia nghiên cứu về nguồn gốc của cây nho đã đưa ra kết luận rằng việc canh tác loài cây này được khởi đầu ở những ngọn núi quanh vùng bắc Mesopotamia, Syria và Palestine. Không có gì ngạc nhiên cả. Kinh Cựu ước cũng cho rằng Noah đã “trồng một vườn nho” (và thậm chí đã bị say rượu nho) sau khi con thuyền của ông đáp xuống ngọn núi Ararat khi nước lụt của trận Đại Hồng thủy rút đi. Cũng giống như kết luận của các chuyên gia, Kinh thánh cũng đề cập đến nơi khởi đầu canh tác cây nho ở những ngọn núi phía bắc vùng Mesopotamia.
Táo, lê, ô-liu, sung, hạnh nhân, hồ trăn, cây óc chó – tất cả đều có nguồn gốc từ vùng Cận Đông và từ đây chúng được phổ biến tới châu Âu và các miền đất khác trên thế giới. Thực tế, chúng ta không thể không xác nhận rằng Kinh Cựu ước đã đi trước các chuyên gia vài thiên niên kỷ trong việc xác định khu vực xuất hiện cây ăn quả đầu tiên trên thế giới: “Và Đức Chúa trời trồng một cây ăn quả trong Vườn Địa Đàng, về phía đông… Và Đức Chúa trời cho mọc lên từ Mặt đất từng loại cây đẹp mắt và cho trái ngọt.”
Địa điểm chung của “Vườn Địa Đàng” được đề cập đến trong nhiều phiên bản Kinh thánh. Đó là khu vực “về phía đông” – phía đông của Israel. Đó là vùng đất được bồi đắp bởi 4 dòng sông lớn, hai dòng sông trong số đó là Tigris và Euphrates.
Chúng ta không thể nghi ngờ gì việc cuốn Sáng Thế Ký đề cập đến nơi xuất hiện cây ăn trái đầu tiên trên vùng cao nguyên phía bắc Mesopotamia, nơi khởi nguồn của những dòng sông này. Kinh thánh và khoa học hoàn toàn khớp với nhau.
Thực tế là nếu chúng ta đọc cuốn Sáng Thế Ký bằng tiếng Hebrew gốc không phải như một cuốn sách về thần học mà là một tài liệu khoa học, chúng ta sẽ thấy rằng cuốn sách này cũng mô tả chính xác quá trình thuần dưỡng cây trồng. Khoa học đã chứng minh rằng quá trình thuần dưỡng đi từ các loài cỏ dại tới ngũ cốc hoang dại tới ngũ cốc canh tác, tiếp theo là các loại cây bụi kết trái và cây ăn quả. Đây chính xác là quá trình được mô tả chi tiết trong chương đầu tiên của cuốn Sáng Thế Ký.
Và Đức Chúa trời phán rằng:
“Đất phải sinh cây cỏ;
ngũ cốc kết hạt giống;
cây trái kết quả, tùy theo hạt mầm trong đất.”
Như vậy:
Đất sinh cây cỏ;
ngũ cốc kết hạt tùy theo loại,
cây kết quả có hạt trong mình, tùy theo loại.
Cuốn Sáng Thế Ký tiếp tục cho ta biết rằng Con người sau khi bị trục xuất khỏi Vườn Địa Đàng đã phải lao động khổ cực để trồng cây lương thực. Đức Chúa trời nói với Adam: “Ngươi sẽ phải làm đổ mồ hôi trán mới có ăn”. Và sau đó, “Abel chăn chiên, còn Cain thì làm ruộng.” Kinh thánh cho ta thấy Con người đã trở thành người chăn nuôi ngay sau khi là người trồng trọt.
Các chuyên gia nhất trí cao với chuỗi sự kiện được đề cập trong cuốn Kinh thánh này. Khi phân tích nhiều học thuyết về quá trình thuần hóa động vật, F. E. Zeuner (Domestication of Animals − tạm dịch: Thuần hóa động vật) nhấn mạnh rằng Con người không thể “có thói quen nuôi nhốt hay thuần hóa động vật trước khi đạt tới giai đoạn sinh sống thành từng đơn vị xã hội với quy mô nhất định.” Những cộng đồng dân cư – tiền đề cho việc thuần hóa động vật này – được hình thành sau quá trình thay đổi của nền nông nghiệp.
Loài vật đầu tiên được thuần hóa là chó, tuy không nhất thiết để làm người bạn tốt nhất của Con người nhưng chắc chắn là để làm thức ăn. Việc thuần hóa này được cho là đã diễn ra vào khoảng năm 9500 TCN. Những bộ xương chó đầu tiên được tìm thấy ở Iran, Iraq và Israel.
Cừu là loại được thuần hóa cùng thời gian với loài chó; trong hang Shanidar có những bộ xương cừu từ khoảng năm 9000 TCN, cho thấy rất nhiều cừu non bị giết để lấy thịt và da hàng năm. Ngay sau đó là dê, loài vừa làm thức ăn vừa cung cấp thêm sữa; lợn; gia súc có sừng; rồi gia súc không sừng là những loài tiếp theo được thuần hóa.
Trong tất cả các trường hợp trên, quá trình thuần hóa đều khởi nguồn ở vùng Cận Đông.
Sự thay đổi đột ngột trong chuỗi các sự kiện của Con người xảy ra vào khoảng năm 11000 TCN ở vùng Cận Đông (và khoảng 2.000 năm sau ở châu Âu) đã khiến các chuyên gia mô tả thời kì này là sự kết thúc rõ ràng của Thời kỳ Đồ Đá Cũ (Paleolithic) và bắt đầu một thời kỳ văn hóa mới, Thời kỳ Đồ đá giữa (Mesolithic).
Cái tên, Thời kỳ Đồ đá, chỉ phù hợp khi xét đến vật liệu thô sơ chủ yếu của Con người – đá. Nhà của con người ở vùng núi vẫn được xây bằng đá; nơi ở được bảo vệ bằng những bức tường đá; dụng cụ canh tác đầu tiên của con người – cái liềm – được làm bằng đá. Con người tỏ lòng tôn kính hay bảo vệ người chết bằng cách dùng đá che phủ và trang trí cho các ngôi mộ; và họ dùng đá để tạo ra những bức tượng về các nhân vật tối cao, hay còn gọi là “các vị thần”, người ban cho họ lòng nhân từ. Một bức tượng như vậy được tìm thấy ở miền bắc Israel và có niên đại vào thiên niên kỷ 9 TCN biểu trưng đầu của một “vị thần” được bảo vệ bằng một chiếc mũ giáp có sọc và đeo một loại “kính bảo hộ” nào đó. (Hình 3)
Tuy nhiên, xét theo góc nhìn tổng thể, việc gọi thời kỳ bắt đầu khoảng từ năm 11000 TCN là Thời kỳ Đồ đá giữa là không phù hợp mà phải gọi là Thời kỳ Thuần hóa. Trong thời gian chỉ 3.600 năm – chỉ như một đêm nếu xét theo sự khởi đầu bất tận – Con người đã trở thành nông dân còn các loài cỏ cây cùng động vật thì được thuần hóa. Rồi sau đó là một thời kỳ mới diễn ra một cách rõ ràng. Các chuyên gia gọi thời kỳ này là Thời kỳ Đồ đá mới (Neolithic); nhưng thuật ngữ này lại một lần nữa hoàn toàn không phù hợp, bởi sự thay đổi chính diễn ra vào khoảng năm 7500 TCN cùng với sự xuất hiện của đồ gốm.
Hình 3
Vì những lý do vẫn còn làm đau đầu các chuyên gia − nhưng sẽ trở nên rõ ràng khi chúng ta lật giở câu chuyện về những sự kiện thời tiền sử − quá trình phát triển hướng tới nền văn minh của Con người bị giới hạn trên các cao nguyên thuộc vùng Cận Đông trong vài thiên niên kỷ đầu tiên sau năm 11000 TCN. Việc phát hiện ra nhiều công dụng của đất sét diễn ra cùng thời kỳ Con người từ nơi trú ẩn trên núi của mình bước xuống những thung lũng màu mỡ phía dưới.
Đến thiên niên kỷ 7 TCN, vùng văn minh bán nguyệt Cận Đông đầy rẫy những nền văn hóa gốm sứ, nơi tạo ra rất nhiều những dụng cụ, đồ trang sức và các bức tượng nhỏ. Đến khoảng năm 5000 TCN, vùng Cận Đông đã tạo ra được những sản phẩm gốm sứ có chất lượng tuyệt vời và kiểu dáng tinh xảo.
Nhưng một lần nữa quá trình này diễn ra chậm lại và đến năm 4500 TCN, các bằng chứng khảo cổ cho thấy quá trình suy thoái xảy ra khắp nơi. Đồ gốm trở nên đơn giản hơn. Các công cụ bằng đá – di sản của thời kỳ Đồ đá – lại trở nên thông dụng. Những khu vực cư trú còn ít hài cốt hơn. Một số nơi vốn là trung tâm của ngành chế tạo gốm sứ bắt đầu bị bỏ hoang và kỹ thuật tạo ra các đồ vật từ loại đất sét đặc biệt biến mất. James Melaart trong cuốn Earliest Civilizations of the Near East (tạm dịch: Những nền văn minh đầu tiên của vùng Cận Đông) cho rằng: “Có một sự suy thoái chung của nền văn hóa”; một số khu vực rõ ràng là đã trải qua những dấu hiệu của “giai đoạn nghèo khó mới”.
Rõ ràng lúc đó Con người và nền văn hóa của mình đang xuống dốc.
Thế rồi, một cách đột ngột, bất ngờ và không thể lý giải, vùng Cận Đông chứng kiến sự bùng nổ của nền văn minh vĩ đại nhất trong lịch sử, nền văn minh đã tạo cội rễ vững chắc cho chính chúng ta.
Bàn tay vô hình lại một lần nữa đưa Con người thoát khỏi cuộc thoái trào và thậm chí còn nâng họ lên một tầm cao hơn về văn hóa, tri thức và trình độ văn minh.