CHƯƠNG 8
VƯƠNG VỊ CỦA THIÊN ĐƯỜNG

     ác nghiên cứu về “Thiên sử thi Sáng tạo” và những tư liệu liên quan (như cuốn The Babylonian Epic of Creation – tạm dịch: Sử thi Sáng tạo của người Babylon của S. Langdon) cho thấy vào khoảng sau năm 2000 TCN, Marduk, con trai của Enki là người giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh giành ngôi vị thần linh tối cao với Ninurta, con trai của Enlil. Sau đó, người Babylon đã tiến hành chỉnh sửa “Thiên sử thi Sáng tạo” gốc của người Sumer, xóa bỏ tất cả những điều liên quan đến Ninurta và đặc biệt là Enlil, rồi đặt lại tên cho hành tinh xâm nhập là Marduk.
Sự phù hợp thực sự của Marduk với vị trí “Chúa tể của các vị Thần” trên Trái đất được đi kèm với việc gán cho vị thần này biểu tượng hành tinh của người Nefilim, Hành tinh thứ Mười hai. Ngoài ngôi vị “Chúa tể của các vị Thần trên Trời – các hành tinh”, Marduk cũng là “Vua của Thiên đường”.
Lúc đầu, một số chuyên gia tin rằng Marduk là sao Bắc Đẩu hoặc một ngôi sao sáng nào đó xuất hiện trên bầu trời Mesopotamia vào thời điểm xuân phân bởi vì Marduk được miêu tả là một “thiên thể sáng ngời”. Nhưng Albert Schott (Marduk und sein Stern – tạm dịch: Marduk và ngôi sao của mình) và những người cộng sự của mình đã chứng minh một cách thuyết phục rằng tất cả các ghi chép thiên văn cổ đại đều khẳng định Marduk là một thành viên trong Hệ Mặt trời.
Trong một số ghi chép khác, Marduk được gọi là “Thiên thể Vĩ đại” và “Đấng Soi sáng” nên có giả thuyết cho rằng Marduk là một vị Thần Mặt trời của người Babylon, giống như thần Ra của người Ai Cập, vị thần cũng được các chuyên gia coi là một Thần Mặt trời. Các ghi chép mô tả Marduk là người “cai quản những đỉnh cao của bầu trời xa… khoác trên mình vầng hào quang chói sáng huy hoàng” có vẻ ủng hộ giả thuyết này. Nhưng cũng chính các ghi chép này lại cho rằng “ngài quan sát các xứ sở như thần Shamash (Mặt trời))”. Nếu như Marduk về phương diện nào đó giống như Mặt trời thì dĩ nhiên vị thần này không thể là Mặt trời được.
Nếu Marduk không phải là Mặt trời thì là hành tinh nào? Các ghi chép thiên văn cổ đại không đưa ra một hành tinh nào phù hợp. Dựa vào các giả thuyết về những tên gọi nhất định (chẳng hạn như Con trai thần Mặt trời), một số chuyên gia cho rằng đó là sao Thổ. Với mô tả rằng Marduk là một hành tinh màu đỏ cũng đưa sao Hỏa vào vị trí ứng viên. Nhưng các ghi chép này đặt Marduk ở markas shame (“trung tâm của Trời”) và điều này thuyết phục đa số các chuyên gia rằng đặc điểm này phải thuộc về sao Mộc, hành tinh nằm ở chính giữa hàng các hành tinh:
sao Mộc
Sao Mộc Sao Kim Trái đất Sao Hỏa Sao Thổ Sao Thiên Vương
Sao Hải Vương Sao Diêm Vương
Tuy nhiên giả thuyết này lại chứa đựng mâu thuẫn. Chính những chuyên gia đưa ra giả thuyết này lại có quan điểm rằng người Chaldea không biết đến những hành tinh bên ngoài sao Thổ. Họ coi Trái đất là một hành tinh, trong khi vẫn khăng khăng quan điểm rằng người Chaldea coi Trái đất là một chiếc đĩa phẳng nằm ở trung tâm của hệ hành tinh. Và họ loại trừ Mặt trăng, hành tinh được người Mesopotamia coi là một trong số các “vị thần trên trời”. Quan điểm đánh đồng giữa Hành tinh thứ Mười hai với sao Mộc hoàn toàn không hợp lý.
“Thiên sử thi Sáng tạo” khẳng định rõ ràng rằng Marduk là một kẻ xâm nhập từ bên ngoài Hệ Mặt trời, vượt qua các hành tinh vòng ngoài (bao gồm sao Thổ và sao Mộc) trước khi va chạm với Tiamat. Người Sumer gọi hành tinh này là NIBIRU, “hành tinh băng qua” và dị bản sử thi của người Babylon chứa đựng những thông tin thiên văn sau:
Hành tinh NIBIRU:
Ngài chiếm cứ Đường xuyên Trời và Đất.
Phía trên và phía dưới, không ai được băng qua;
Họ phải chờ ngài.
Hành tinh NIBIRU:
Hành tinh rực sáng trên bầu trời.
Ngài chiếm vị trí trung tâm;
Họ phải tỏ lòng kính trọng ngài.
Hành tinh NIBIRU:
Ngài là đấng không biết mệt mỏi
Tiếp tục băng qua giữa Tiamat.
Hãy để “BĂNG QUA” là tên của ngài
Đấng chiếm giữ vị trí trung tâm.
Những dòng thơ này cung cấp cho chúng ta những thông tin bổ sung đầy thuyết phục rằng sau khi phân chia các hành tinh khác thành 2 nhóm, Hành tinh thứ Mười hai “tiếp tục băng qua trung tâm của Tiamat”: Quỹ đạo của nó không ngừng đưa hành tinh này trở lại chiến trường nơi trận chiến xảy ra, nơi Tiamat từng tồn tại.
Chúng tôi thấy rằng những ghi chép thiên văn phức tạp về các chu kỳ cũng như danh sách các hành tinh theo thứ tự sắp xếp cũng cho rằng Marduk đã xuất hiện ở đâu đó giữa sao Mộc và sao Hỏa. Vì người Sumer biết đến tất cả các hành tinh này nên sự xuất hiện của Hành tinh thứ Mười hai ở “vị trí trung tâm” càng khẳng định kết luận của chúng tôi:

Marduk

 

Sao Thủy  Sao Kim Mặt trăng                                                                      Sao Mộc  Sao Thiên vương 

Sao Thổ Trái đất  Sao Hỏa                                                                           Sao Hải vương  Sao Diêm vương

Nếu quỹ đạo của Marduk đưa hành tinh này trở lại nơi Tiamat từng tồn tại, vị trí khá gần Trái đất ngày nay (giữa sao Hỏa và sao Mộc) thì tại sao chúng ta chưa từng thấy hành tinh này, vốn được cho là một hành tinh lớn và rất sáng?
Các ghi chép của người Mesopotamia cho rằng Marduk đang di chuyển tới những khu vực chưa ai biết đến trên bầu trời và những nơi xa xôi của vũ trụ. “Ngài quét qua những tri thức ẩn giấu… nhìn thấu mọi ngóc ngách của vũ trụ.” Vị thần này được mô tả là “người giám sát”, với một quỹ đạo cho phép ngài bao quát tất cả các hành tinh khác. “Ngài nắm hết dải băng [quỹ đạo] của họ”, tạo một “chiếc vòng” bao quanh họ. Quỹ đạo của ngài “cao hơn” và “rộng hơn” bất cứ hành tinh nào khác. Theo quan điểm của Franz Kugler (Sternkunde und Sterndienst in Babylon – tạm dịch: Thiên văn học và các chòm sao ở Babylon) thì Marduk là một thiên thể di chuyển rất nhanh với quỹ đạo hình elip rất lớn giống như một sao chổi.
Quỹ đạo hình elip lấy Mặt trời làm tâm trọng lực có một điểm cực viễn – điểm xa nhất tính từ Mặt trời, nơi hành tinh bắt đầu quay vòng lại – và một điểm cực cận – điểm gần Mặt trời nhất, nơi hành tinh bắt đầu trở lại khoảng không vũ trụ. Chúng tôi thấy rằng 2 điểm “căn cứ” này trong thực tế gắn liền với Marduk trong các ghi chép của người Mesopotamia. Các ghi chép của người Mesopotamia mô tả hành tinh này đi từ AN.UR (“Căn cứ của Thiên đường”) tới E.NUN (“Cung điện Chúa tể”). Thiên sử thi Sáng tạo nói về Marduk như sau:
Ngài băng qua Thiên đường và giám sát các khu vực…
Chúa tể ước tính cấu trúc của vùng Thẳm sâu.
Ngài dựng lên cung điện nổi bật E-Shara ;
E-Shara là cung điện vĩ đại trên Thiên đường mà ngài lập nên.
Một “cung điện” “nổi bật” như vậy – nằm xa xôi nơi vùng Thẳm sâu của không gian vũ trụ. Một cung điện khác được lập tại “Thiên đường”, trong vành đai thiên thể, nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc. (Hình 111)

Hình 111

Tiếp nối những lời dạy của các tổ tiên người Sumer, Abraham của thành Ur, người Hebrew cổ đại cũng gắn vị thần tối cao của mình với hành tinh tối cao. Giống như những ghi chép của người Mesopotamia, Kinh Cựu ước cũng mô tả về “Thiên Chúa” với cung điện trên “tầng cao Thiên đường”, nơi ngài “quan sát những hành tinh đầu tiên xuất hiện”; một Thiên Chúa vô hình trên Thiên đường “di chuyển theo đường tròn”. Sách Job dùng những câu thơ đặc biệt để mô tả về vụ va chạm trên bầu trời, gián tiếp khẳng định với chúng ta về hành tinh, nơi Thiên Chúa đến:
Trên vùng Thẳm sâu ngài vạch ra một quỹ đạo;
Nơi ánh sáng và bóng tối [hòa trộn]
Là giới hạn xa nhất của ngài.
Sách Thánh Vịnh cũng chỉ ra hành trình vĩ đại của hành tinh này rõ ràng không kém:
Thiên đường tượng trưng cho vinh quang Đức Chúa;
Chiếc Vòng trang sức thể hiện việc làm của ngài…
Ngài tiến đến như một quan viên từ trên vòm trời;
Như một vận động viên ngài quay lại đường chạy.
Ngài xuất phát từ cuối Thiên đường,
Và chạy theo vòng tròn đến đích.
Được coi là kẻ lữ hành vĩ đại trên Thiên đường, bay trên những tầng cao vời vợi tới nơi cực viễn và rồi “đáp xuống, vòng trở lại Thiên đường” tại điểm cực cận, hành tinh này được khắc họa là một Quả cầu Có cánh.
Với bất kỳ di tích nào của các dân tộc vùng Cận Đông được khai quật ở bất cứ đâu, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy ở đó biểu tượng Quả cầu Có cánh, nhưng chủ yếu là ở các đền thờ và cung điện, được chạm trên các tảng đá, khắc trên các con dấu lăn, vẽ trên tường. Biểu tượng này gắn liền với các vị vua và giáo sỹ, nằm trên vương miện của họ, “bay lượn” trên đầu họ trong các trận chiến, được khắc vào các cỗ chiến mã xa của họ. Các đồ vật bằng đất sét, kim loại, đá và gỗ được trang trí bằng biểu tượng này. Các vị vua của Sumer và Akkad, Babylon và Assyria, Elam và Urartu, Mari và Nuzi, Mitanni và Canaan – tất cả đều mang biểu tượng này. Các vị vua Hittite, các pharaoh Ai Cập, các shar Ba Tư – tất cả đều tuyên bố vị thế tối cao của biểu tượng này (và ý nghĩa của nó). Biểu tượng này đã tồn tại trong nhiều thiên niên kỷ. (Hình 112)
Tâm điểm của các tín ngưỡng tôn giáo và nền thiên văn học của thế giới cổ đại là niềm tin rằng Hành tinh thứ Mười hai – “Hành tinh của các vị Thần” vẫn nằm trong Hệ Mặt trời và quỹ đạo cực lớn của hành tinh này sẽ đưa nó định kỳ quay trở lại khu vực gần Trái đất. Ký hiệu tượng hình của Hành tinh thứ Mười hai, “Hành tinh Băng qua” là một hình chữ thập. Ký tự hình nêm của nó, cũng có nghĩa là “Anu” và “thần linh”, được phát triển từ chữ cái tav, trong tiếng Semite có nghĩa là “dấu hiệu”.
Thực tế, tất cả các dân tộc ở thế giới cổ đại đều coi sự xuất hiện thường kỳ của Hành tinh thứ Mười hai là một dấu hiệu của những biến cố, những thay đổi lớn và những kỷ nguyên mới. Các ghi chép của người Mesopotamia nói về sự xuất hiện thường kỳ của hành tinh này như một sự kiện có thể biết trước và quan sát được:
Hành tinh vĩ đại:
Khi ngài xuất hiện với màu đỏ thẫm.
Ngài chia đôi bầu trời
và đứng đó như Nibiru.
Đa phần các ghi chép cho rằng sự trở lại của hành tinh này là lời sấm truyền dự đoán về tác động của hiện tượng này lên Trái đất và Con người. R. Campbell Thompson (Reports of the Magicians and Astronomers of Nineveh and Babylon – tạm dịch: Báo cáo của các Pháp sư và Nhà thiên văn Nineveh và Babylon) đã tái tạo lại một số ghi chép như thế, những ghi chép lần theo đường đi của hành tinh này khi nó “bao quanh vị trí sao Mộc” và tới điểm băng qua, Nibiru:
Từ vị trí của sao Mộc
Hành tinh này đi về phía tây,
Thời kỳ cuộc sống yên bình xuất hiện.
Không khí hòa bình chan hòa bao trùm xứ sở.
Từ vị trí của sao Mộc
Hành tinh này sáng dần lên
và trở thành Nibiru trong Cung Cự Giải,
Akkad sẽ ngập tràn trong sự sung túc,
vua Akkad sẽ trở nên hùng mạnh.
Nếu Nibiru đi đến cực điểm…
Cư dân các xứ sẽ sinh sống yên bình,
Các vị vua thù địch sẽ trở nên hòa hoãn,
Các vị thần sẽ nhận những lời cầu nguyện và nghe những lời
thỉnh cầu.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của hành tinh này cũng được dự đoán là sẽ gây ra mưa và lụt lội do tác động lớn của lực hấp dẫn của nó:
Nếu Hành tinh Vương quyền trên Thiên đường
trở nên sáng hơn,
sẽ có lụt lội và mưa gió…
Nếu Nibiru đi đến điểm cực cận
các vị thần sẽ ban hòa bình
mọi rắc rối sẽ bị quét sạch,
những lời than phiền sẽ được giải quyết.
Mưa gió và lụt lội sẽ đến.
Giống như các nhà hiền triết Mesopotamia, các nhà tiên tri Hebrew cũng coi thời điểm hành tinh này tới gần Trái đất và Con người là lúc mở ra một thời đại mới. Những nét tương đồng giữa những lời sấm truyền của người Mesopotamia về hòa bình và thịnh vượng đến cùng với Hành tinh Vương quyền trên Thiên đường với những lời tiên tri trong Kinh thánh về hòa bình và công lý được thiết lập trên Trái đất sau Ngày của Đức Chúa được thể hiện rõ nhất trong những lời sau của Isaiah:
Và nó sẽ đến để vượt qua Ngày Tận thế:
… Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia
và phân xử cho muôn dân tộc.
Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày,
rèn giáo mác nên liềm nên hái.
Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau.
Đối lập với những phúc lành của thời đại mới sau Ngày của Đức Chúa, Kinh Cựu ước mô tả Ngày của Đức Chúa là ngày mưa gió, lụt lội và động đất. Nếu chúng ta coi những đoạn Kinh thánh này cũng như những lời sấm truyền của người Mesopotamia đang đề cập đến việc Trái đất đến gần một hành tinh lớn có lực hấp dẫn mạnh thì ta có thể hiểu rõ những lời của nhà tiên tri Isaiah:
Trên núi non có tiếng ồn ào nhộn nhịp,
như tiếng một đoàn người đông đảo.
như tiếng náo động xôn xao ở các vương quốc,
khi các dân tộc họp lại cùng nhau:
Ðức Chúa các Đạo binh tiến quân ra trận.
Từ miền đất xa xăm, từ chân trời,
Ðức Chúa và những Vũ khí lôi đình của Người,
đến phá tan toàn cõi đất…
Vì thế, Ta sẽ làm cho Trời chấn động,
Đất chuyển rung dời chỗ
Khi Ðức Chúa các Đạo binh băng qua,
vào ngày Người nổi cơn lôi đình.
Khi trên Trái đất “các ngọn núi sẽ tan chảy… các thung lũng sẽ nứt ra” thì trục quay của Trái đất cũng bị ảnh hưởng. Nhà tiên tri Amos đã dự đoán một cách rõ ràng:
Trong Ngày ấy,
sấm ngôn của Ðức Chúa rằng
Ta sẽ truyền cho mặt trời lặn giữa trưa
và khiến cho mặt đất tối sầm giữa lúc ngày đang sáng.
Sau thông báo “Hãy nhìn xem, Ngày của Đức Chúa đang đến!”, nhà tiên tri Zechariah nói với mọi người rằng hiện tượng vòng quay quanh trục của Trái đất bị dừng lại sẽ chỉ diễn ra trong một ngày:
Và vào Ngày đó,
sẽ không có ánh sáng mặt trời – mọi thứ sẽ đứng yên khác thường.
Và sẽ chỉ có một ngày, theo lời Đức Chúa,
không phải ban ngày, cũng không phải đêm tối,
Sang ngày mới ánh sáng sẽ trở lại.
Vào Ngày của Đức Chúa, nhà tiên tri Joel nói rằng “Mặt trời và Mặt trăng sẽ tối sầm, các ngôi sao sẽ không còn tỏa sáng”; “Mặt trời sẽ bị biến thành bóng tối và Mặt trăng sẽ có màu đỏ của máu”.
Các ghi chép của người Mesopotamia ca ngợi ánh sáng của hành tinh này và nói rằng họ có thể nhìn thấy nó vào ban ngày: “hiện lên khi mặt trời mọc, lặn đi khi mặt trời lặn”. Một con dấu lăn được tìm thấy ở Nippur khắc họa một nhóm nông dân cày ruộng đang sợ hãi ngước nhìn Hành tinh thứ Mười hai (được thể hiện bằng ký hiệu chữ thập) hiện lên trên bầu trời. (Hình 113)

Hình 113

Người cổ đại không chỉ đoán trước được sự trở lại thường kỳ của Hành tinh thứ Mười hai mà còn vẽ đồ thị về đường đi của nó.
Trong Kinh thánh có nhiều đoạn – đặc biệt là trong các cuốn Sách Tiên tri Isaiah, Amos và Job – liên hệ đường đi của Đức Chúa qua nhiều chòm sao khác nhau. “Ngài độc hành qua các thiên đường và bước lên vùng Thẳm sâu cao nhất; ngài đến chòm sao Đại Hùng, Lạp Hộ và Thiên Lang cùng các chòm sao ở phía nam.” Hoặc “Ngài mỉm cười hướng mặt về phía Kim Ngưu và Bạch Dương; từ vị trí của Kim Ngưu ngài đi tới Nhân Mã.” Những đoạn Kinh thánh này mô tả một hành tinh không chỉ băng qua những vùng trời cao nhất mà còn đến từ phương nam và di chuyển theo chiều kim đồng hồ – giống như những gì chúng ta rút ra được từ các dữ liệu của người Mesopotamia. Nhà tiên tri Habkkuk đã khẳng định khá rõ rằng: “Chúa tể sẽ đến từ phương nam… vinh quang của ngài sẽ bao trùm Mặt đất… và sao Kim sẽ rực sáng nhờ ánh hào quang của Chúa tể ban cho.”
Trong số các ghi chép của người Mesopotamia về chủ đề này có một bản ghi chép khá rõ ràng:
Hành tinh của thần Marduk:
Phía trên nó là Sao Thủy.
Ở góc 30° của cung bầu trời là sao Mộc.
Đứng giữa nơi diễn ra trận chiến trên Bầu trời là Nibiru.
Như phần minh họa trong lược đồ đi kèm, bản ghi chép trên không đơn giản gọi Hành tinh thứ Mười hai bằng những cái tên khác (như những gì các chuyên gia nghĩ). Thay vào đó họ đề cập đến những chuyển động của hành tinh này và 3 điểm quan trọng nơi hành tinh này xuất hiện mà từ Trái đất người Mesopotamia có thể nhìn thấy và vẽ ra sơ đồ. (Hình 114)

*

Hình 114

Sau đó, tại điểm cực cận (điểm C), Marduk tới được Chốn Băng qua: trở lại nơi từng diễn ra Trận chiến trên Bầu trời, hành tinh này giờ đây ở gần Trái đất nhất và bắt đầu theo quỹ đạo của nó trở lại vũ trụ xa xăm.
Những dự đoán về Ngày của Đức Chúa trong các ghi chép của người Mesopotamia và người Hebrew cổ đại (lặp lại trong những kỳ vọng về sự xuất hiện của Vương quyền Thiên đường trong Kinh Cựu ước) được dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn của con người trên Trái đất: việc họ chứng kiến sự trở lại thường kỳ của Hành tinh Vương quyền tới khu vực gần với Trái đất.
Việc người Trái đất nhìn thấy hành tinh này xuất hiện và biến mất theo định kỳ đã xác nhận cho giả thuyết về quỹ đạo ổn định trong Hệ Mặt trời của nó. Một số sao chổi mà chúng ta biết tới – như sao chổi Halley đến gần Trái đất 75 năm một lần – lại biến mất khỏi tầm quan sát của chúng ta trong một thời gian dài đến nỗi các nhà thiên văn gặp khó khăn để nhận ra rằng họ đang quan sát cùng một sao chổi. Có những sao chổi chúng ta chỉ nhìn thấy một lần trong đời và người ta cho rằng chu kỳ quay của chúng lên tới hàng ngàn năm. Chẳng hạn như sao chổi Kohoutek được phát hiện lần đầu tiên vào tháng Ba năm 1973, đi được khoảng hơn 100 triệu km trên Trái đất vào tháng Một 1974 và sau đó biến mất sau Mặt trời. Các nhà thiên văn tính toán rằng nó sẽ xuất hiện lại bất kỳ lúc nào trong khoảng từ 7.500 đến 75.000 năm sau trong tương lai.
Việc con người nhìn thấy sự xuất hiện và biến mất thường kỳ của Hành tinh thứ Mười hai chứng tỏ rằng chu kỳ quay của nó ngắn hơn thời gian tính toán đối với sao chổi Kohoukek. Nếu vậy, tại sao các nhà thiên văn của chúng ta không biết về sự tồn tại của hành tinh này? Sự thật là ngay cả với một quỹ đạo bằng một nửa chiều dài ước tính ít nhất của quỹ đạo Kohoutek thì Hành tinh thứ Mười hai cũng có khoảng cách đến Trái đất dài gấp 6 lần khoảng cách đến sao Diêm Vương – một khoảng cách mà ta không thể quan sát được hành tinh này từ Trái đất, vì nó phản xạ rất ít (nếu có) ánh sáng Mặt trời đến Trái đất. Thực tế, các hành tinh bên ngoài sao Thổ mà chúng ta biết tới đều được phát hiện lần đầu tiên không phải qua quan sát mà bằng các tính toán toán học. Các nhà thiên văn nhận thấy rằng quỹ đạo của các hành tinh mà ta biết tới chịu ảnh hưởng rõ ràng của các thiên thể khác.
Đây cũng có thể là phương thức để các nhà thiên văn “khám phá” ra Hành tinh thứ Mười hai trong tương lai. Người ta đã dự đoán rằng có một “Hành tinh X” tồn tại, tuy không nhìn thấy được nhưng có thể “cảm nhận” được qua những tác động của nó lên quỹ đạo các sao chổi nhất định. Năm 1972, Joseph L. Brady thuộc Phòng thí nghiệm Livermore của Đại học California đã khám phá ra rằng những sai lệch trong quỹ đạo của sao chổi Halley có thể là do tác động của một hành tinh có kích thước bằng sao Mộc với chu kỳ quay quanh Mặt trời là 1.800 năm. Với khoảng cách ước tính 6 tỉ dặm thì ta chỉ có thể biết đến sự hiện diện của hành tinh này qua các phép tính toán học.
Trong khi chúng ta không thể xác định được chính xác chu kỳ quay của hành tinh đó thì các nguồn tư liệu của người Mesopotamia và Kinh thánh lại cung cấp những dẫn chứng vững chắc rằng chu kỳ quay của Hành tinh thứ Mười hai là 3.600 năm. Con số 3.600 trong ngôn ngữ viết của người Sumer là một vòng tròn lớn. Tên gọi của hành tinh này – shar (“Đấng Cai trị Tối cao”) cũng có nghĩa là “một vòng tròn hoàn hảo”, một “chu kỳ hoàn chỉnh”. Nó cũng có nghĩa là con số 3.600. Và sự đồng nhất của 3 thuật ngữ – hành tinh/quỹ đạo/3.600 – không thể nào chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Berossus, nhà hiền triết, nhà thiên văn, giáo sỹ người Babylon đã kể về 10 vị vua trị vì trên Mặt đất trước khi xảy ra trận Đại Hồng thủy. Khi tổng kết các ghi chép của Berossus, Alexander Polyhistor đã viết: “Cuốn sách thứ hai mô tả lịch sử của 10 vị vua Chaldea và thời kỳ của các triều đại, gồm 120 shar, hay 432.000 năm thì đến thời kỳ xảy ra trận Đại Hồng thủy.”
Abydenus, một môn đồ của Aristotle cũng trích dẫn lời của Berossus về 10 vị vua trước thời kỳ Đại Hồng thủy với tổng thời gian trị vì là 120 shar. Ông nói rõ rằng những vị vua này và các thành phố của họ đều ở Mesopotamia cổ đại:
Chuyện kể rằng vị vua đầu tiên của xứ sở là Alorus.
… Ngài trị vì trong 10 shar.
Giờ đây, 1 shar được coi là 3.600 năm…
Sau ngài, Alaprus trị vì trong 3 shar; người kế vị là Amillarus từ thành Pantibiblon trị vì được 13 shar…
Sau đó Ammenon trị vì được 12 shar; ngài ở thành Pantibiblon. Sau đó, cùng ở nơi đây Megalurus trị vì được 18 shar.
Rồi đến Daos, Đấng Chăn chiên, trị vì trong 10 shar…
Sau này có thêm nhiều Vua khác và vị vua cuối cùng là Sisithrus; nên tổng số các vị vua là 10 và tổng số thời gian trị vì của họ là 120 shar.
Nhà sử học và ghi chép thần thoại, Apollodours ở Athen cũng trình bày về những tiết lộ thời tiền sử của Berossus bằng những thuật ngữ tương tự: 10 vị vua trị vị tổng cộng 120 shar (432.000 năm) và thời gian trị vì của mỗi vị vua cũng được tính bằng đơn vị shar tương đương 3.600 năm.
Với sự ra đời của ngành Sumer học, người ta đã tìm thấy và giải mã những “ghi chép cổ” mà Berosus nhắc đến; đó là danh sách những vị vua Sumer theo truyền thuyết về 10 vị vua trị vì trên Mặt đất trước trận Đại Hồng thủy từ thời kỳ “Vương quyền được trao xuống Trái đất từ Thiên đường” cho đến khi “trận Đại Hồng thủy quét sạch Mặt đất”.
Một danh sách vua Sumer có mã hiệu W-B/144 ghi lại quá trình trị vì của các vị thần ở 5 khu định cư hay còn gọi là “thành”. Thành đầu tiên, thành Eridu, có 2 vị vua. Trong ghi chép này trước tên của các vị vua được đặt ký hiệu định danh “A”, có nghĩa là “tổ tiên”.
Khi vương quyền được trao xuống từ Thiên đường,
ban đầu vương quyền nằm ở Eridu.
Ở Eridu,
A.LU.LIM trở thành vua, ngài trị vì 28.800 năm.
A.LAL.GAR trị vì 36.000 năm.
Hai vị vua trị vì tổng thời gian là 64.800 năm.
Sau đó vương quyền được chuyển sang những vị trí khác trong chính quyền, các vị vua ở đây được gọi là en, hay “chúa tể” (và có một trường hợp được gọi bằng danh hiệu dành cho thần linh là dingir).
Ta bỏ rơi Eridu;
và vương quyền của nó được mang tới Bad-Tibira.
Ở Bad-Tibira,
EN.MEN.LU.AN.NA trị vì 43.200 năm;
EN.MEN.GAL.AN.NA trị vì 28.800 năm.
DU.MU.ZI thần thánh, Đấng Chăn chiên, trị vì 36.000 năm.
Ba vua trị vì nơi này trong 108.000 năm.
Danh sách này tiếp tục liệt kê các thành trì tiếp theo, Larak và Sippar cùng các vị vua thần thánh trị vì nơi đây; cuối cùng là thành Shuruppak do một vị thần linh cai quản. Đặc biệt, thời gian trị vì của các vị vua này đều là bội số của 3.600 mà không hề có một ngoại lệ nào:
Alulim – 8 x 3.600 = 28.800
Alalgar –10 x 3.600 = 36.000
Enmenluanna –12 x 3.600 = 43.200
Enmengalanna – 8 x 3.600 = 28.800
Dumuzi –10 x 3.600 = 36.000
Ensipazianna – 8 x 3.600 = 28.800
Enmenduranna – 6 x 3.600 = 21.600
Ubartutu – 5 x 3.600 = 18.000
Một ghi chép khác của người Sumer (W-B/62) thêm Larsa và 2 vị vua thần thánh khác vào danh sách các vua và thời gian trị vì trong danh sách mới này cũng là bội số của đơn vị shar 3.600 năm. Kết hợp với nhiều ghi chép khác, chúng ta có thể kết luận rằng thực tế đã có 10 vị vua ở Sumer trước trận Đại Hồng thủy, mỗi vị vua trị vì trong khoảng thời gian được tính bằng nhiều shar; và tổng thời gian trị vì của họ là 120 shar theo như ghi chép của Berossus.
Chính kết luận này cũng cho thấy rằng các shar thời gian trị vì này có liên quan tới đơn vị shar (3.600 năm) trong chu kỳ quay của hành tinh “Shar”, “Hành tinh Vương quyền”; rằng Alulim trị vì trong khoảng thời gian tương ứng với 8 vòng quay của Hành tinh thứ Mười hai, Alalgar trị vì trong 10 vòng quay…
Nếu đúng như suy đoán của chúng ta rằng các vị vua trước thời kỳ diễn ra trận Đại Hồng thủy là những người Nefilim đến Trái đất từ Hành tinh thứ Mười hai thì chẳng có gì ngạc nhiên khi thời gian “trị vì” của họ trên Trái đất có liên quan đến chu kỳ quay của Hành tinh thứ Mười hai. Thời kỳ nắm giữ vương quyền này kéo dài từ thời gian hạ cánh đến thời gian cất cánh; khi một vị chỉ huy mới từ Hành tinh thứ Mười hai xuống Trái đất thì vị vua cũ hết thời gian tại nhiệm. Do việc hạ cánh và cất cánh liên quan tới chu kỳ đến gần Trái đất của Hành tinh thứ Mười hai cho nên thời gian nắm quyền chỉ có thể được tính bằng các chu kỳ quay này, hay còn gọi là shar.
Dĩ nhiên, mọi người có thể thắc mắc rằng liệu có người Nefilim nào từng hạ cánh xuống Trái đất có thể sống đủ lâu để trị vì trong suốt khoảng thời gian từ 28.800 đến 36.000 năm như đã định không? Đó là lý do tại sao các chuyên gia đã gọi chiều dài những khoảng thời gian trị vì này chỉ là “chuyện cổ tích”.
Nhưng một năm là gì? “Năm” của chúng ta đơn giản là thời gian Trái đất hoàn thành một vòng quay xung quanh Mặt trời. Vì Trái đất quay quanh Mặt trời trước khi xuất hiện sự sống trên nó rồi nên sự sống trên Trái đất chịu tác động của vòng quay quỹ đạo này. (Ngay cả chu trình quay nhỏ hơn giống Mặt trăng hay chu kỳ ngày – đêm cũng đủ mạnh để ảnh hưởng đến sự sống trên Trái đất). Vòng đời của con người kéo dài nhiều năm nhờ đồng hồ sinh học của chúng ta được cài đặt gắn liền với nhiều vòng quay của Trái đất xung quanh Mặt trời.
Ta có thể tin chắc rằng sự sống trên các hành tinh khác cũng được “hẹn giờ” theo chu trình của hành tinh đó. Nếu quỹ đạo của Hành tinh thứ Mười hai quay quanh Mặt trời lớn đến mức thời gian để nó hoàn thành một vòng quay đủ cho Trái đất hoàn thành 100 vòng quay thì một năm của người Nefilim sẽ bằng 100 năm của chúng ta. Nếu quỹ đạo của hành tinh đó lớn gấp 1.000 lần quỹ đạo hành tinh của chúng ta thì 1.000 năm trên Trái đất sẽ chỉ bằng 1 năm của người Nefilim.
Điều gì sẽ xảy ra nếu quỹ đạo xung quanh Mặt trời của họ bằng 3.600 năm trên Trái đất như chúng ta đã nghĩ? Như vậy thì 3.600 năm của chúng ta chỉ bằng 1 năm trong lịch của họ và tương ứng với 1 năm trong vòng đời của họ. Như vậy thì các thời gian nắm giữ Vương quyền được đề cập trong các ghi chép của người Sumer và của Berossus không phải là “chuyện cổ tích” cũng không phải là điều hoang đường: Chúng chỉ kéo dài khoảng 5 đến 8 năm tính theo lịch của người Nefilim.
Trong các chương trước của cuốn sách này, chúng tôi đã nhấn mạnh rằng quá trình phát triển của nền văn minh Con người – qua sự can thiệp của người Nefilim – trải qua 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn cách nhau một khoảng thời gian là 3.600 năm: thời kỳ Đồ đá giữa (khoảng năm 11.000 TCN), thời kỳ Đồ gốm (khoảng năm 7400 TCN) và nền văn minh đột ngột của người Sumer (khoảng năm 3800 TCN). Như vậy rất có khả năng người Nefilim vẫn định kỳ xem xét (và quyết định tiếp tục) quá trình phát triển của Con người, vì họ có thể gặp mặt mỗi lần Hành tinh thứ Mười hai tiến đến gần Trái đất.
Nhiều chuyên gia (chẳng hạn như Heinrich Zimmern trong cuốn The Babylonian and Hebrew Genesis – tạm dịch : Sáng Thế Ký của người Babylon và Hebrew) đã chỉ ra rằng Kinh Cựu ước cũng có những truyền thuyết về các thủ lĩnh, hay tổ phụ trước thời kỳ Đại Hồng thủy và tổng số những người đó từ Adam cho tới Noah (người anh hùng trong trận Đại Hồng thủy) là 10 vị. Khi nói về hoàn cảnh trước khi trận Đại Hồng thủy diễn ra, cuốn Sáng Thế Ký (Chương 6) mô tả sự thất vọng của Đức Chúa đối với Loài người. “Và Ðức Chúa hối hận vì đã làm ra Con người trên mặt đất… và Ngài phán: Ta sẽ loại bỏ khỏi Mặt đất Con người mà Ta đã sáng tạo.”
Và Ðức Chúa phán:
Thần khí của Ta sẽ không tồn tại mãi mãi trong Con người;
vì Con người chỉ là xác phàm.
Và tuổi đời của chúng là 120 năm.
Nhiều thế hệ các chuyên gia đã coi câu “Và tuổi đời của chúng là 120 năm” đồng nghĩa với việc Đức Chúa trao cho Con người 120 năm tuổi thọ. Nhưng điều này thật vô lý. Nếu đoạn Kinh thánh này nói về ý định tiêu diệt loài người của Đức Chúa thì tại sao trong cùng một câu nói ngài vừa muốn tước đi sự sống của Con người lại vừa muốn ban cho họ cuộc sống trường thọ? Và chúng tôi thấy rằng sau khi trận Đại Hồng thủy rút đi thì Noah sống lâu hơn nhiều so với mức tuổi thọ giới hạn, 120 năm và hậu duệ của ông, Shem (600), Arpakhshad (438), Shelah (433) cũng vậy.
Trong quá trình tìm cách giải thích về tuổi thọ 120 năm của Con người, các chuyên gia đã bỏ qua thực tế rằng động từ trong Kinh thánh không được chia ở thì tương lai “Tuổi đời của chúng sẽ là” mà là ở thì quá khứ “Và tuổi đời của chúng đã là 120 năm”. Vậy cuối cùng, tuổi thọ này là của ai?
Theo kết luận của chúng tôi thì con số 120 này được dành cho Đức Chúa.
Đặt một sự kiện đáng nhớ trong bối cảnh thời gian phù hợp là một đặc điểm thường thấy trong các sử thi của người Sumer và người Babylon. “Thiên sử thi Sáng tạo” mở đầu bằng những từ Enuma elish (“Thuở ở trên cao”). Câu chuyện về lần tao ngộ giữa thần Enlil và nữ thần Ninlil được đặt trong bối cảnh thời gian “khi loài người chưa được sinh ra”, v.v…
Ngôn ngữ và mục đích của Chương 6 trong cuốn Sáng Thế Ký cũng gắn liền với mục tiêu chung này – đó là nhằm đặt những sự kiện đáng nhớ của trận Đại Hồng thủy vào bối cảnh thời gian phù hợp. Từ đầu tiên của đoạn đầu tiên trong chương 6 là từ khi:
Khi loài người
đông dần lên
trên mặt đất,
và sinh ra những con gái
Câu chuyện tiếp tục kể rằng đây là thời gian khi:
Các con trai của Thiên Chúa
thấy con gái loài người
xinh đẹp;
họ ưng cô nào
thì chọn lấy làm vợ.
Đó là thời gian khi:
Người Nefilim ở trên mặt đất
vào thời bấy giờ và cả sau đó nữa,
khi các con trai Thiên Chúa
đi lại với con gái loài người,
và sinh cho họ những người con.
Ðó là những anh hùng thuở xưa,
Chủ nhân của chiếc Shem.
Đây chính là thời kỳ mà Con người sắp bị trận Đại Hồng thủy quét sạch khỏi bề mặt Trái đất.
Vậy chính xác thời kỳ đó là khi nào?
Đoạn 3 trong chương 6 nói rõ rằng thời kỳ đó là khi Đức Chúa 120 năm tuổi. 120 “năm”, không phải năm của Con người hay Trái đất, mà là năm của những anh hùng, của “Chủ nhân những Tên lửa”, của người Nefilim. Và 1 năm của họ là một shar - tương đương 3.600 năm trên Trái đất.
Cách diễn giải này không chỉ làm rõ những đoạn Kinh thánh đầy khó hiểu trong chương 6 cuốn Sáng Thế Ký mà nó còn khẳng định những đoạn Kinh thánh này khớp với thông tin của người Sumer như thế nào: 120 shar, 432.000 năm trên Trái đất là quãng thời gian tính từ lần đầu tiên người Nefilim hạ cánh xuống Trái đất cho đến khi trận Đại Hồng thủy xảy ra.
Dựa trên những tính toán về thời điểm diễn ra trận Đại Hồng thủy, chúng tôi cho rằng lần hạ cánh đầu tiên của người Nefilim xuống Trái đất diễn ra vào khoảng 450.000 năm trước.

*

Trước khi chuyển sang nghiên cứu những tư liệu về những cuộc hành trình của người Nefilim xuống Trái đất và quá trình định cư của họ ở đây thì chúng ta cần phải trả lời được 2 câu hỏi: Liệu những sinh vật không khác mấy so với chúng ta có thể tiến hóa được trên một hành tinh khác? Liệu nửa triệu năm về trước những sinh vật đó có khả năng thực hiện những chuyến đi liên hành tinh?
Câu hỏi đầu tiên lại động chạm đến một câu hỏi khác cơ bản hơn: Sự sống như chúng ta biết tới có tồn tại ở bất kỳ đâu ngoài Trái đất hay không? Hiện nay các nhà khoa học cho rằng có vô số thiên hà giống như dải thiên hà của chúng ta với vô số những ngôi sao giống như Mặt trời, với rất nhiều hành tinh có đủ mọi sự kết hợp giữa nhiệt độ và bầu khí quyển cùng các hóa chất để tạo ra hàng tỉ cơ hội cho Sự sống.
Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng khoảng không giữa các hành tinh trong Hệ Mặt trời không hề trống rỗng. Ví dụ, có những phân tử nước tồn tại trong vũ trụ, hay dấu vết còn lại của những đám mây tinh thể băng bao quanh các ngôi sao trong giai đoạn phát triển đầu tiên của chúng. Những phát hiện này ủng hộ cho quan điểm kiên định của người Mesopotamia về những dòng nước của Mặt trời trộn lẫn với những dòng nước của Tiamat.
Người ta cũng phát hiện những phân tử cơ bản của sự sống “trôi nổi” trong không gian giữa các hành tinh và quan điểm cho rằng sự sống chỉ có thể tồn tại trong những điều kiện khí quyển và nhiệt độ nhất định cũng bị phá bỏ. Ngoài ra, ý kiến cho rằng nguồn năng lượng và nhiệt lượng duy nhất cho các sinh vật sống là bức xạ của mặt trời cũng đã bị bác bỏ. Tàu vũ trụ Pioneer 10 đã phát hiện ra rằng sao Mộc tuy cách xa Mặt trời hơn Trái đất nhiều lần nhưng lại nóng đến mức chắc hẳn nó phải có những nguồn năng lượng và nhiệt lượng của riêng mình.
Một hành tinh với những nguyên tố phóng xạ phong phú trong lòng đất sẽ không chỉ tự phát nhiệt, mà còn trải qua hoạt động núi lửa phun trào mạnh mẽ. Hoạt động phun trào này tạo ra bầu khí quyển. Nếu hành tinh đó đủ lớn để tạo ra trọng lực lớn thì nó sẽ giữ được bầu khí quyển trải ra hầu như vô hạn. Bầu khí quyển đó đến lượt mình sẽ tạo ra hiệu ứng nhà kính nhằm bảo vệ hành tinh đó khỏi giá lạnh của vũ trụ và giữ cho nhiệt lượng của hành tinh này không bị phân tán ra ngoài vũ trụ − giống như lớp quần áo giữ ấm cho cơ thể chúng ta bằng cách hạn chế sự phát tán của thân nhiệt. Ý thức được điều này, chúng ta thấy rằng các ghi chép cổ đại mô tả Hành tinh thứ Mười hai được “bao bọc bởi một vầng hào quang” không chỉ mang ý nghĩa lãng mạn thi ca. Nó luôn được mô tả là một hành tinh tỏa sáng − “sáng nhất trong số các vị thần” − và các bức họa về hành tinh này đều thể hiện nó như là một thiên thể tỏa ra các chùm tia sáng. Hành tinh thứ Mười hai có thể tự phát nhiệt và giữ nhiệt cho mình nhờ lớp áo khí quyển bên ngoài. (Hình 115)

Hình 115

Các nhà khoa học cũng đưa ra một kết luận bất ngờ rằng sự sống không chỉ có thể tiến hóa được trên các hành tinh bên ngoài (sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương, sao Hải Vương) mà có khả năng đã tiến hóa ở đó. Những hành tinh này được hình thành từ những nguyên tố nhẹ hơn của Hệ Mặt trời, với sự kết hợp nhìn chung giống như trong vũ trụ và tạo ra các loại khí hydro, heli, metan, amoniac và có cả neon lẫn hơi nước trong bầu khí quyển của chúng − tất cả những yếu tố cần thiết để tạo nên sinh vật sống.
Để sự sống như chúng ta biết có thể tồn tại và phát triển được thì nước là một yếu tố tối cần thiết. Các ghi chép của người Mesopotamia khẳng định rằng Hành tinh thứ Mười hai là một hành tinh đầy nước. Trong “Thiên sử thi Sáng tạo”, trong số 50 cái tên của hành tinh này có một nhóm tên thể hiện rằng hành tinh này có nhiều nước. Trên cơ sở tên gọi A.SAR (“Vua nước”), “Người Thiết lập Mức nước”, còn nhiều cái tên dành cho hành tinh này như A.SAR.U (“Đức Vua nước sáng ngời, cao quý”), A.SAR.U.LU.DU (“Đức Vua nước sáng ngời, cao quý với độ thẳm sâu”), v.v...
Người Sumer tin chắc rằng Hành tinh thứ Mười hai là một hành tinh xanh tươi, mơn mởn sự sống; quả thật, họ gọi hành tinh này là NAM.TIL.LA.KU, “Thần gìn giữ Sự sống”. Vị thần này cũng là “Đấng ban Mùa màng”, “Đấng tạo ra hạt giống và cây cỏ để rau quả nảy mầm… Đấng khơi các giếng nước, cho nước tưới tràn trề” - “Nhà Thủy lợi của Thiên đường và Mặt đất”.
Các nhà khoa học đã kết luận rằng sự sống tiến hóa không phải trên những hành tinh khô cạn với những hợp chất hóa học nặng mà ở các rìa ngoài của Hệ Mặt trời. Từ những rìa ngoài của Hệ Mặt trời này, Hành tinh thứ Mười hai “chen” vào giữa, một hành tinh màu đỏ tỏa sáng rực rỡ, tự phát và bức xạ nhiệt, bầu khí quyển của nó sản sinh ra những thành phần hóa học cần thiết cho sự sống.
Sự xuất hiện của sự sống trên Trái đất mới là điều đáng thắc mắc. Trái đất được hình thành vào khoảng 4,5 tỉ năm trước và các nhà khoa học tin rằng các dạng sống đơn giản nhất đã xuất hiện trên Trái đất chỉ vài trăm triệu năm sau đó. Quá trình này diễn ra quá nhanh, ngoài sức tưởng tượng. Có một số bằng chứng cho thấy rằng những dạng sống đơn giản và cổ xưa nhất có niên đại từ 3 tỉ năm trước có nguồn gốc phân tử sinh học chứ không phải phi sinh học. Việc sự sống xuất hiện rất sớm trên Trái đất ngay sau khi Trái đất hình thành càng khẳng định sự sống trên Trái đất được tiếp nối từ một dạng sống trước đó chứ không phải là sản phẩm của sự kết hợp giữa các hóa chất và các loại khí không có sự sống.
Tất cả những điều này khiến các nhà khoa học cho rằng sự sống vốn không dễ dàng tiến hóa trên Trái đất thực sự không hề tiến hóa trên Trái đất. Trong tạp chí khoa học Icarus (tháng Mười năm 1973), 2 tác giả đã đạt giải Nobel là Francis Crick và Tiến sĩ Leslie Orgel đã phát triển một giả thuyết rằng “sự sống trên Trái đất có thể đã bắt nguồn từ những sinh vật nhỏ bé đến từ một hành tinh xa xôi”.
Họ đã tiến hành các nghiên cứu xuất phát từ những băn khoăn của các nhà khoa học đối với những giả thuyết hiện có về nguồn gốc của sự sống trên Trái đất. Tại sao tất cả sự sống trên Trái đất đều chỉ có một mã gen duy nhất? Nếu sự sống khởi nguồn từ một loại “nước súp” nguyên thủy theo quan điểm của đa số các nhà sinh vật học thì các sinh vật phải phát triển với nhiều mã gen khác nhau. Tại sao nguyên tố molyden, thành phần chủ yếu trong các phản ứng enzim cần thiết cho sự sống lại là một nguyên tố rất hiếm? Tại sao những nguyên tố khác phong phú hơn trên Trái đất, chẳng hạn như crom hay niken, lại không có vai trò gì quan trọng trong các phản ứng hóa sinh?
Giả thuyết mới mẻ của Crick và Orgel không chỉ cho rằng sự sống trên Trái đất có thể bắt nguồn từ một loài sinh vật ở hành tinh khác mà còn cho rằng việc “gieo mầm” này là có chủ đích – rằng những sinh vật thông minh ở hành tinh khác đã đưa “mầm mống sự sống” này từ hành tinh của mình tới Trái đất bằng một con tàu vũ trụ, với mục đích rõ ràng là khởi đầu cho chuỗi sự sống trên Trái đất.
Với những cứ liệu chưa hoàn chỉnh nên 2 nhà khoa học nổi tiếng trên chỉ mới đến gần được sự thật. Thực tế, không có việc “gieo mầm” có chủ đích nào thay vào đó là một vụ va chạm giữa các thiên thể. Một hành tinh mang sự sống, Hành tinh thứ Mười hai cùng các vệ tinh của mình đã va chạm với Tiamat, xẻ hành tinh này làm đôi và một nửa của Tiamat đã “tạo ra” Trái đất.
Trong vụ va chạm này, đất và không khí mang mầm sống của Hành tinh thứ Mười hai đã được “gieo” xuống Trái đất, tạo thành những dạng sống sinh học sơ khai phức tạp mà sự xuất hiện sớm của chúng không thể có cách giải thích nào khả quan hơn nữa.
Nếu sự sống trên Hành tinh thứ Mười hai bắt đầu sớm hơn dù chỉ là 1% so với Trái đất thì thời gian sớm hơn này cũng tương ứng với khoảng 45.000.000 năm. Ngay cả với tỉ lệ chênh lệch nhỏ nhoi đó thì trong khi trên Hành tinh thứ Mười hai đã xuất hiện các sinh vật tiến hóa như Con người thì trên Trái đất mới chỉ xuất hiện những loài động vật có vú nhỏ bé đầu tiên.
Với giả thuyết sự sống hình thành sớm như vậy trên Hành tinh thứ Mười hai thì con người trên hành tinh này hoàn toàn có thể tiến hành những cuộc thám hiểm vũ trụ khoảng 500.000 năm trước đây.