Chương XV
Mặt lót của mấy đôi giày mang cá

     ại một hôm nữa. Hôm ấy, mới chập tối, chỉ lác đác mấy hạt mưa nhưng trời rét quá. Rét tháng Một mà tôi chỉ phong phanh có hai mảnh áo, gió cứ như dao cắt da.
‘‘Sáu giờ, bảy giờ, tám giờ, hết Hàng Buồm lại Hàng Đào, hết Hàng Đào đến Bờ Hồ, phố xá vắng tanh, ngóng mãi, chẳng thấy ma nào gọi cả.
‘‘Đi ngoắt ra phố Cầu Gỗ, tôi chợt nghe có tiếng người gắt nhau dưới một mái hiên khuất bóng, cách xa. Dừng xe lại, tôi đứng lắng tai nghe. Tiếng ấy chỉ cách tôi chừng chục bước. Tiếng đàn bà rồi lại tiếng đàn ông, tôi nghe rõ mồn một. Tiếng đàn bà: ‘‘Tôi chẳng đi đâu cả, nhất là cứ đứng đây đến sáng’’. Tiếng đàn ông: ‘‘Mợ khó tính lắm, đứng để chết rét đây à?’’ Rồi họ cứ như ném bùn sang ao: ‘‘Cậu sợ rét thì cậu cứ đi đi!’’ ‘Thế thì còn nói làm gì. Vào đấy dễ người ta ăn thịt hẳn!’
‘‘Tôi đã nói với cậu, thầy tôi nhiêu người quen biết’. ‘‘Không vào đấy nữa thì đi chỗ khác, đứng đây nhỡ gặp người quen thì sao?’
‘‘Đi, thế cậu bảo tôi đi đâu?’
‘‘Thì cứ đi, kìa cu li xe nó cười cho kia kìa, tôi đã bảo...’’
‘‘Tôi bước ngay lại, ghé luôn xe vào thềm, vừa mở áo tôi vừa chào: ‘‘Mời thầy cô lên xe, thầy cô đi đầu, tôi kéo’’.
‘‘Ngay lúc ấy có một người đàn ông khác chợt đi đến đâu phố Hàng Dầu.
‘‘Bước vội ra xe, người đàn bà lật vạt áo sau chùm lên đầu. Rồi người đàn ông cũng theo ngay sau, vừa nhảy vội lên xe vừa giục chạy.
‘‘Tôi đóng kín áo tơi lại. Quay càng xe sang tay phải, tôi cứ thẳng đường chạy ra phố Hàng Gai. Lúc ấy, dễ hai anh chị đã yên trí rồi nên cũng chẳng thèm bảo kéo đi đâu, cứ mặc kệ cho tôi chạy. Qua Hàng Lờ đến Cửa Nam, từ vườn hoa Cửa Nam thẳng lên đến dinh ông Bảy, trời mưa
‘‘Dọc đường, trong chiếc xe áo tơi cánh gà sùm sụp, chốc chốc lại thấy có tiếng khúc khích cười. Tôi chạy chậm từ khoảng khỏi trường con tầy, càng chạy chậm càng phải ghì hai tay xe đẫy. Một lúc thì thấy có tiếng thở dài rồi đến tiếng nói: ‘‘Mợ cứ cầm lấy’’.
‘‘Người tôi đã ráo, bấy giờ lại thấy toát mồ hôi.
Đến vườn hoa Hàng Đậu, cô ả đòi xuống, còn anh kia thì giục kéo về Hàng Hài. Xuống xe, anh ta vứt cho ba hào rồi vào hiệu cao lâu đầu phố ấy.
‘‘Chẳng buồn sửa lại đệm xe, tôi cắp nách hai càng gỗ kéo đi, hai tay thủ kỹ vào hai túi.
‘‘Cho đến hôm ấy tôi mới tập nhận thế nào là một người con gái Hà Nội, áo nhung quần tía, ô đầm hoa tai”.
... Ông bảo như thế là hạng con nhà tử tế hay bọn chơi bời?
- Đủ hạng người; mình có đi kéo xe đêm mới biết. Bọn ‘giăng hồ giăng há’ chẳng kể làm gì vì nghề nghiệp họ là nghề bán thân nuôi miệng. Đến những đứa con nhà tử tế cũng đâm đốn kiếp; vài giờ dăm ba đồng bạc để cũng được như các tiểu thư khoe khoang bộ cánh, mua phấn son, hương sáp, áo hàng màu, giày mang cá, bề ngoài như tiên giáng thế, bề trong dớp dáy chẳng biết đâu là cùng.
‘‘Những đứa ấy, người ta đã lấy hai tiếng cảnh sộp mà gọi chung.
‘‘Cảnh sộp ở Hà Nội thì bây giờ có đến hàng rừng: hàng thịt hàng rau, hàng trứng hàng tôm, cô ký mợ tham, con thầy thông, em ông phán.
‘‘Đừng thấy nó rẽ cái đầu ngôi lệch, đi đôi giày gót cao đã tưởng nó mình tiền mình của lắm. Một xu không dính đít, ngã vào hàng bánh tráng, chưa biết đến phải lột áo mà đền.
‘‘Họ không khác gì đôi giày mang cá họ lê ở ngoài đường. Dưới cái mũi nhung dát kính lóng lánh như kim cương, nó còn có cái mặt lót bên trong nhóp những đất cát mồ hôi nhơ bẩn”.
Ba chén rượu vào, thầy tôi hôm nay giảng học hùng hồn lắm.
Phải! Thầy học tôi, một nhà nho không gặp vận, nửa đời người ngậm bút lông mèo đen miệng, có thiếu gì chữ nghĩa, thiếu gì văn chương!
- “Tuy thế - Thầy tôi nói tiếp - trong những cảnh khốn nạn ấy, còn có nhiều câu chuyện đáng đau lòng. Giữa lớp bùn vẩn hôi tanh, nếu biết gạn lọc ra, người ta còn thấy lẫn cả đôi ba giọt nước mắt.
‘‘Một hôm, như thế này mà đến nỗi tôi phải khóc.
‘‘Tôi khóc thật. Khóc thổn thức. Nghĩ thương người, lại thương mình.
‘‘Buổi hôm ấy, tôi cũng đi làm đêm. Chập tối, hơn chín giờ, gặp một người con gái gọi xe ngay ở đầu Hàng Bát. Chị chàng, quần áo cũng bảnh, nhảy lên xe, không mà cả, bảo kéo thẳng ra Hàng Buồm. Hết cả phố Hàng Buồm, chị chàng không bảo đỗ, lại bảo kéo ra đường Bờ Sông. Từ Bờ Sông xuống đến Đồn Thủy thì gặp đám rước đèn nghẽn đường. Kèn trống đèn đuốc đi xong, chị ta bảo ngay mình kéo theo đám rước.
‘‘Qua nhà hát Tây, Tràng Tiền, Hàng Trống, Bờ Hồ, Hàng Đào, Chợ Đồng Xuân, Hàng Gà Cửa Đông, dinh ông Sáu Võ, rồi đám rước vào đến cổng tỉnh. Lính Tây đã giục xe kéo quay lại hàng Giô-giép (Joseph), mà chị chàng thì không nhất định, bảo cứ từ từ đi buớc một về Hàng Gà Cửa Đông. Để đi bước một chán, chị ả lại thúc chạy rảo lên. Hết phố Hàng Phèn ra Hàng Bồ rồi chạy loanh quanh đến một giờ khuya mới thấy bảo kéo lộn về Hàng Bát. Nhưng mới đến đầu ngõ Hàng Bạc, chỗ rẽ ra Bờ Hồ, đã thấy chị ả bảo đỗ xe cho xuống. Xuống rồi, chị ta bảo kéo xe không theo vào cái ngõ tối mà hẹp, hai bên chỉ có hai dãy tường”.
... Chắc vào chỗ tối rồi, nó lại chuồn phải không?
- “Nào nó có thèm chuồn cho mình. Nó nắm mình đứng lại rồi nó chắp tay lạy van: ‘Em lạy bác, bác thương em! Đây, bây giờ bác muốn làm gì em thì làm! Em thật không có một xu nào cả’’.
‘‘Tôi giằng tay tôi ra, một tay thì nắm chặt lấy vạt áo nó. Nó vẫn chắp tay van lạy: ‘Đây, em để bác nắn, thật em không còn một xu’.
‘‘Tôi bỏ tay ra, nắn lưng nó, thì chỗ vạt áo bông bay tôi nắm, đã xoạc ra một mảng to. Sờ cả túi áo cánh trong nó cũng chẳng có gì, chỉ thấy một hộp mỡ Cô ba đã hôi sì với một tập những giấy bản là giấy bản.
‘‘Tôi tức đến nỗi như người ta bị nghẹn cổ, không nói lên được. Nó thấy tôi thế, lại sát gần đến, co ngay tay tôi mà để vào lòng. Trong bóng tối, tôi vùng ra, sờ tai sờ cổ nó xem có hoa hột gì không. Tuyệt nhiên không. Sờ lên đầu thì đầu nó vấn tóc trần; rút chiếc lược thấy lược đã gãy răng, tôi lại bổ giả vào đầu nó. Hất cánh tay nó lên xem, tôi cố soát lại một lần nữa. Hai cổ tay nó không vòng xuyến gì cả, chỉ có một sợi dây hột bột không đáng nửa đồng xu. Tôi cúi xuống, tốc áo nó lên xem nó mặc quần gì. Cái quần, ối giời ôi, nghĩ mới ghê! Nó đụp trước đụp sau đến trăm mảnh”.
... Quần vải hay quần lĩnh?
- Lĩnh, lại lĩnh tía cẩn thận, trông bóng lộn lúc nó mới gọi xe, bước lên.
... Thế sau, ông đành?
- Khám xong quần, tôi sờ luôn đến chân. Thấy chiếc giày mũi nhọn, tôi đẩy chân nó ra, cằm sát tận mắt xem: chiếc giày mang cá cao gót giả da trăn, nhưng đã rách bố nó cả hai mép.
... Thế còn cái áo bông bay đấy sao không lột?
- Cái áo à? Bông bay mà bở bùng bục. Có lấy về cũng chỉ để làm tã lót đít cho con!
... Thế sau, ông làm thế nào?
- “Còn làm gì nữa, mình ném chiếc giày xuống đất, đứng lên túm lấy toan đánh cho nó vài cái tát, nhưng trông thấy lại thương. Cảnh khổ gặp nhau. Mình khổ, không ngờ nó lại khổ hơn mình. Nghĩ thế rồi nước mắt tôi cứ chảy xuống ròng ròng miệng tôi thì nghẹn ngào, cổ tôi như có người ghì bóp.
‘‘Tôi cầm vạt áo lên lau nước mắt. Lúc tôi bỏ tay xuống thì con bé đã chạy biến đẳng nào mất, chỉ còn lại chiếc xe lù lù sau lưng.
‘‘Có lẽ con bé lúc đi rồi, nó cười thầm mà chửi tôi là thằng gàn.
‘‘Tôi gàn... mà có lẽ còn gàn hơn vì tôi hối hận sao hôm ấy tôi lại khám soát nó suốt từ đầu đến chân, tôi, cái thằng đã phải gửi lại chiếc áo thâm dài ở hàng cơm Hà Nam ngày năm trước”.