Chương XIX
Tôi không thọc gậy

     ây, tôi lại nhắc lại:
Chắc đã có lần ông can bạn:
- Thôi! Dây làm gì với quân cu li xe ấy!
Tôi cũng xin thú thật đã có lần tôi bảo với bạn:
- Quân cu li cu leo ấy, cãi nhau với chúng làm gì cho rồi hơi!
Tôi với ông, chúng ta cùng chung một óc: khinh bỉ cái hạng người kéo người.
Thật ra, họ có đáng khinh không? Tôi với ông, tôi muốn hôm nay chúng ta cùng nghĩ lại.
Bây giờ, phỏng thử có một người hỏi:
- Ở xã hội An Nam mà có hạng người kéo người là lỗi tại ai?
Đấy, mời ông trả lời.
Nếu ông đã cạn suy, tôi dám chắc mười mươi ông phải nói thật rằng:
- Lỗi tại xã hội.
Xã hội, theo nghĩa hẹp của nó, là hết thảy những người cùng chung một cỗi rễ, cùng sống chung dưới một chế độ, mà trong đó, gồm có cả ông với tôi.
Phải, các ông với tôi, nghĩa là hết thảy chúng ta đều có lỗi.
Hạ một người anh em hèn yếu từ cái chỗ thằng người xuống đến chỗ con ngựa, đưa hai cái tay gỗ cho anh em rồi bảo: “Tao ngồi lên cho mày kéo” tức là mình bảo anh em: “Mày không phải là người”.
Bị người một giống khinh thị một cách bất công rồi, người phu xe có cần gì phải tự trọng?
Chúng ta cướp nhân phẩm của anh em mà chúng ta không biết. Anh em làm những việc không có nhân cách, chúng ta còn khinh trách gì anh em?
Tôi nhiều lần đọc báo thấy đăng những việc: người phu xe nọ bắt được ngoài đường cái ví bạc đã đem ngay đến bóp trình; người phu xe kia gặp người đàn bà đẻ đường đã cởi áo ra đùm bọc lấy đứa bé lọt lòng, rồi đỡ người sản phụ lên xe, kéo về đến nơi đến chốn.
Nhà báo khen: Những tấm lòng vàng trong manh áo rách.
Phu xe, nào phải đâu cái hạng không có tấm lòng vàng?
Người cu li xe này kéo mình, vừa chạy vừa đánh bậy trước mặt mình; người cu li kia đứng giữa đường thay quần hay vạch quần tiểu tiện trước mặt mình là tại mình bảo họ: cứ tiểu tiện, cứ trung tiện.
Xã hội thử đem cái nhân phẩm trao trả lại họ, nghĩa là lôi họ từ chỗ con ngựa lên đến chỗ thằng người, rồi xã hội xem!
Tôi dám nói bạo một câu rằng: từ xưa đến nay bao nhiêu những chuyện tầm bậy mà những cu li xe kéo đã làm, một phần lớn là lỗi ở bọn trung lưu thượng lưu trí thức mình. Ngồi lên lưng người ta mà: “Ếp, nhong nhong!” bảo người ta không đi bằng bốn chân sao được?
Người để người kéo người là loài người ôm chung một cái nhục.
Con ngựa kéo xe vì Trời sinh ra nó bốn cẳng.
Thằng người không làm cái việc của con ngựa vì Trời cho thằng người có hai chân.
Bởi thế, tôi nói: người để người kéo người là người tự ôm lấy một cái nhục chung.
Nếu chẳng coi là một cái nhục thì hội Nhân quyền đã chẳng can thiệp vào câu chuyện xe kéo ở cuộc đấu xảo thuộc địa Vincennes, mà ngót bốn chục cái đồ “thổ sản của Đông Dương” đã chẳng đến nỗi phải bỏ chỏng gọng trước con mắt người vạn quốc.
Ngay lúc mới được tin này, lòng cảm động đã bảo tôi biết kính phục người Pháp, nhất là hội Nhân quyền Pháp.
Chẳng phân biệt màu da với nòi giống, người Pháp đã che cái nhục cho dân An Nam.
Người thượng quốc còn biết lấy việc người kéo người làm ngượng mắt, cố bưng cái nhục cho mình.
Còn mình?
Cổ cứ cao, mặt cứ vênh, ngồi xe còn lấy dáng lấy điệu, coi việc nhục nhằn ấy là thường, không ai chịu để tâm suy xét.
Ông Phi Bằng, viết một bài nói về vấn đề xe kéo, có câu sau này đăng trong báo Trung Lập:
“Ở đời, người ta hay thận trọng những việc bao la to tát, cần nhắc từng li từng tí mà hay khinh suất những việc nhỏ nhen, không thèm để ý đến có biết đâu rằng những việc vụn vặt ấy có ảnh hưởng lớn cho ta, cho xứ sở và cả đến nòi giống của chúng ta”.
Lại còn câu sau này cũng nói về chuyện xe kéo
đăng trong Pháp Việt tạp chí của ông E. Babut:
“Có nên mong cho nghề ấy mất hẳn?”
Rồi ông Phi Bằng lại viết:
“Nếu muốn bỏ xe kéo đi thì ít nào cũng phải kiếm chỗ làm trước cho mấy ngàn dần ngựa người kia mới đặng”.
Mà trong Pháp Việt tạp chí, ông Babut cũng viết:
“Khi nước ta được giàu có hơn, chắc người ta không còn thấy người nào chịu làm cái nghề ấy nữa. Nhưng tiếc rằng chúng ta chưa đến thời kỳ đó; nghề xe kéo là một nghề kiếm gạo rất cần
ngày nay”. Kiếm gạo!
Hiện nay ở Hà Nội có tới ngàn rưởi người chỉ vì bát gạo mà làm cái nghề kéo người.
Bất cứ trời rét hay trời nóng, đang mưa như trút nước hay đang nắng như hun trời, đút đầu qua hai cái càng gỗ, anh em phu xe phải thúc tay co vó, chạy bở hơi tai, mình mẩy nhễ nhại mồ hôi, áo quần ướt như dúng nước.
Họ khó nhọc như thế để kiếm cái gì? - Năm ba xu, một hào, một cuốc. Vừa đúng số tiền để mua ít cơm đút miệng, cái thứ cơm thổi bằng gạo hẩm trộn với ít nước hàng.
Ăn để mà sống, ta không cần nói đến cái ăn!
Nhưng sống nào đã được yên? Họ còn phải nghe những lời thô bỉ của người ngồi xe chửi rõ vào lỗ tai, chịu những cái dùi khui của các ông cảnh sát, những cái càng xe bắt ốc của cai xe đánh đập vào mình là khác.
Thế nghĩa là ăn để mà sống, sống để co chân mà chạy, chạy cho tiêu để lại ăn.
Muốn giảm bớt những nỗi khổ trong cái sống kéo co của nghề xe kéo, gần đây, đã có ông bàn:
“Lệ đi xe đôi, nên cấm”.
Một ông khác, trông nghề xe kéo ở một mặt khác, muốn cho anh em cu li lúc nào cũng đắt khách lên tiếng:
“Không nên cấm đi xe đôi”.
Nói chuyện xe kéo, hôm nay còn có tôi.
Tôi thì tôi khác cả hai ông ở chỗ này:
“Nên bỏ đứt nghề xe kéo!”
Nói thế tôi chắc có ông đã sắp lên giọng kẻ cả bảo: cầm gậy thọc vào bánh xe, anh chàng này khéo chỉ được cái đâm pha, tán hão.
Không, tôi không thọc gậy mà tôi cũng không tán hão!
Đây, tôi xin nói tại sao:

Truyện Tôi Kéo Xe Thay lời giới thiệu Lời tác giả Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI Chương XII Chương XIII Chương XIV !!!15397_2.htm!!! Đã xem 20998 lần. --!!tach_noi_dung!!--


Lời tác giả

--!!tach_noi_dung!!--
     ăm 1932, viết thiên phóng sự Tôi kéo xe cho đăng trên Hà Thành Ngọ Báo và năm 1935 tự bỏ tiền ra in thành sách thiên phóng sự đó, tôi chân thành có hai ước vọng: chế độ “cai xe” sẽ không còn nữa; chiếc xe hai bánh “người kéo người” sẽ được chiếc xe 3 bánh “người đạp người” thay thế, để người phu xe không còn bị “cai xe” bóc lột, đồng thời lấy lại được phẩm cách con người khi họ không còn tự ti mặc cảm thấy xã hội coi khinh coi rẻ họ như thân trâu ngựa.
Hơn 10 năm sau khi tập phóng sự Tôi kéo xe xuất bản, trên toàn quốc không còn bóng dáng chiếc xe kéo nào nữa; và hơn 30 mươi năm sau, với chính sách phu xe có chiếc xe mua trả góp thành của tư hữu để làm phương tiện sinh kế, chế độ “cai xe” tuy chưa mất hẳn nhưng cũng bớt phần hà khắc đối với một sô phu xe không có tiền mua xe trả góp để hành nghề.
Từ ngày ấy đến ngày nay, tính đã được ngót nửa thế kỷ, tôi thấy đạt được một phần ước vọng đó, nhưng lại là một phần nhỏ nhoi, chẳng thấm tháp gì.
Tôi có những cảm nghĩ ấy vào một buổi tối cách đây không lâu, khi không còn phương tiện xê dịch nào khác bằng cách thuê xe xích lô đạp từ quãng nhà thương Cơ Đốc Phú Nhuận về khu nhà thờ Cầu Kho, trong câu chuyện tán mảnh suốt dọc đường xe qua, người phu xe đã hỏi tôi - khách ngồi xe -: “Bác có Khoái... chơi gái không? Tôi dẫn bác đi. Chỉ hai ghim thôi! Có mắc mỏ gì. Đẹp, lại trẻ...”
Để quảng cáo cho “món hàng” này, người ấy còn nói nhiều, giọng khó nghe, vì là tiếng của người xứ Nghệ.
Thấy tôi không bắt chuyện nữa, người ấy cũng không nói nữa, ngoài câu nói sau chót: “Bác trả thêm chục đồng nữa chứ!” khi đã hết cuốc xe.
Tôi kể câu chuyện trên để trả lời chung những bạn đã bảo tôi khi biết tập Tôi kéo xe sắp được tái bản: “... Bây giờ làm gì còn có xe kéo nữa! Mụ Cai Đen đã chết từ tám hoảnh, nên để cho mụ yên mồ yên mả, còn khai quật lên làm gì!”
Dù những nhân vật được mô tả trong thiên phóng sự Tôi kéo xe đã là những xác chết thối tha, người ta cũng còn thấy vẫn phải khai quật cả lên nếu người ta cùng chung quan niệm với Vũ Ngọc Phan, nhà phê bình văn học đã ghi lại trong bộ sách Nhà văn hiện đại câu này: “... không có lối văn nào giúp ích cho việc cải cách, cho nhà đương chức, nhà pháp luật và nhà xã hội học bằng các thiên phóng sự”.
Lần này, cho tái bản tập Tôi kéo xe, tôi còn hoài bão một ngày nào đó ước vọng của tôi được thành đạt cả.
Từ 2 bánh không bàn đạp biến thành 3 bánh có bàn đạp, chiếc xe đã thay đổi nhưng tâm hồn người phu xe vẫn chưa được gột rửa, khi nghề “làm xe” còn nuôi sống được người đeo đẳng nó, thì tập phóng sự này chưa đến nỗi là loại sách thuộc “đồ bỏ” đáng liệng vào sọt giấy để Sở Vệ sinh thành phố cho xe rác hốt đi.
Sài Gòn, ngày 20-7-1969
Tam Lang
Chú thích :
[1] Viết cho bản in lần thứ hai năm 1969.
--!!tach_noi_dung!!--

Đánh máy: casau
Nguồn: casau - VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 27 tháng 1 năm 2015

--!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--