Chương IX
Trong chiếc hũ, một đêm...

     gọn đèn xe đu dưới tay bạn tôi như một con đom đóm vật vờ. Trèo qua một con đê cao chừng năm thước ta, chúng tôi đi xuống một cái vực sâu, tối om như một cái mả.
Dãy đèn điện đường Đồn Thủy, không còn trông thấy nữa. Bị dải đê dài che lấp, nó tỏa ra trên đầu chúng tôi một vầng phớt sáng, buồn ghê...
Theo bước chân bạn, tôi cũng bước một, lần đi. Trời không sao. Quanh mình tôi vang rầm những tiếng chẫu chuộc, ĩnh ương, giun, dế.
Bãi Cơ Xá Nam đó!
Cái tổ của một bọn người nghèo khổ. Cái sọt rách chứa đầy rác rưởi dưới chân những dinh thự nguy nga!
Không một ánh sáng. Không một vết xe. Ánh sáng văn minh rọi đến đây đã bị cái tường đất ngăn đi.
Bánh xe tiến hóa lăn đến đây cũng bị dải đê dài cản lại.
Thế mà có một giống đã vượt qua, vào nổi!
Con ma thuốc phiện nó chắp trên lưng hai cái cánh màu hung đỏ đồi mồi. Cô ả phù dung, cái tên đẹp, người ta thường quen gọi.
Thì đêm ấy, tôi đã thấy ả phù dung nằm đấy, trong một gian nhà lá vách xiêu cột vẹo, chật như cái hũ, chứa đến chục người.
Tôi khom lưng xuống, chui qua một khung cửa cao không hơn một thước tây. Bạn tôi trỏ tôi cho anh Tư S., người nằm cạnh cái khay đèn, rồi vừa cởi chiếc áo xanh mặc ngoài vừa nói:
- Đây, người này muốn ngủ đỗ ở đây.
Tôi gật đầu chào, đưa hai đồng xu vừa móc ra khỏi túi.
Người nằm bên khay đèn ngóc cổ giơ tay đỡ lấy, nín thinh, lạnh lẽo, không buồn nói lấy nửa lời.
Anh ta chừng 40 tuổi, xanh mà gầy. Hai mắt trũng sâu, hai cánh tay như ống sậy. Mảnh quần nâu vén lên quá gối để phô ra hai cẳng chân cũng chẳng béo gì hơn hai cánh tay.
Chẳng được một tiếng mời, tôi cũng cứ ghé vào chiếc giường giát anh ta nằm hút thuốc phiện, mà ngồi.
Thử hết một hơi khói dài, người ấy ngồi lên, đưa hai đầu gối lên khỏi mang tai, tháo cái lọ ở chiếc xe ra, phanh ngực, vén tay áo lên đến vai, nạo xái.
Góc đàng này, trên một tấm chiếu manh, mấy người khác, toàn đàn ông, người mặc áo, người cởi trần, đang châu đầu quanh một ngọn đèn bốc khói. Rầm rầm những tiếng: rút! Lật! Bất! Mẹ nó, cha mày.
Họ quây quần nhau đánh bất, đánh đố mười.
Phu xe bóc lột phu xe; gà què ăn quẩn cối!
Một mụ đàn bà ôm con nằm trên chiếc võng khuất trong bóng tối, chốc chốc lại ngoái cổ ra, dài mồm mà hỏi:
- Anh Cá gỗ được, haaay aiii?
Người bạn xe kéo của tôi, lúc ấy cũng đã sa vào đám rút bất rồi. Còn lại một mình với anh Tư, thừa dịp, tôi tỉ tê, hỏi:
- Một ngày, ông hút hết bao nhiêu cả thảy?
Lắp xong chiếc lọ, anh ta ngẩng lên nhìn tôi:
- Bác này, dễ mới đến đây có lẫn này?
- Phải, hôm nay tôi mới đến đây vì có bác xe vừa rồi đưa lại.
- Tôi trông bác như người đã ở Hà Nội lâu thì phải.
- Không, tôi mới ở Thái xuôi được vài buổi nay.
Với chiếc điếu cày dựng ở chân chõng, anh Tư cầm rít một hơi dài. Chẳng để thì giờ cho anh ta xét đoán tôi, tôi lại hỏi:
- Một ngày, ông hút hết bao nhiêu cả thảy?
Nghiêng mình nằm xuống, anh Tư mời tôi cùng nằm chơi. Xọc mũi tiêm vào viên xái hơ lên đèn, anh Tư vừa xọc tiêm vừa nói:
- Hai hào một bữa, một ngày tôi chỉ hút một bữa về đêm thôi. Thuốc ngang hút được nhiều mà bèn xái.
- Hút như thế này thì ông đánh đến xái mấy?
- Xái ba, cũng có khi cả xái tư, chứ xái xảm thì hại mà sức tôi cũng không kéo nổi.
- Hai hào, mỗi tháng ông cũng mất đến sáu, bảy đồng vào đấy.
- Không đến, xái tôi còn nấu lại, mỗi tháng cũng đỡ được vài đồng cân.
- Hút thế này, chắc ông phải nghỉ làm đêm?
- Không, tôi chỉ mua lại xe, kéo đêm. Ban ngày nắng nôi, vất vả lắm.
- Kéo đêm thì còn lúc nào hút được?
- Hai giờ sáng đem xe trả. Tôi cũng vừa về đây trước bác được một lúc. Hút từ giờ đến sáng. Ăn xong, ngủ đến năm giờ chiều, dậy ăn bữa nữa rồi đi làm.
- Tiền thuế, tiền hút, lại tiền ăn; kéo có bảy, tám tiếng đồng hồ, ông kiếm đủ làm sao được?
Tôi hỏi chuyện, anh ta thì vừa hút vừa đáp. Cái vẻ lạnh lẽo lúc này đã mất hẳn. Nghe tôi hỏi câu ấy, anh ta chỉ cười mà không trả lời.
Thấy tôi không hỏi nữa, anh Tư đưa mắt sang bên tôi. Cạnh ngọn đèn thuốc phiện, có lẽ tôi đã lộ một vài phần chân tướng rồi vì lần này, tôi nghe rõ anh ta hỏi:
- Tôi trông người bác không đến nỗi làm cái nghề này thì phải. Bác ra làm xe đã được mấy hôm nay?
Chẳng sợ bị anh ta lột mặt nạ, tôi cứ điềm nhiên, làm ra bộ thật thà, trả lời:
- Phải? Người tôi như thế này, ai bảo tôi đến nỗi phải long đong, vất vả. Ở trên Thái, nhà tôi trước cũng có. Thủa bé, được cha mẹ nuông, tôi chẳng học hành gì cả. Nhớn lên, chơi bời vung phí, rượu chè thuốc xái, cửa nhà sa sút, cha mẹ giận mà từ. Về Hà Nội, tôi định kiếm một nghề. Nhưng chữ nghĩa không có, dở ông dở thằng, chẳng kiếm được nghề gì. Đói, đầu gối phải bò. Người ta bảo tôi đi làm xe. Tôi nghĩ dở dang như tôi, cũng chẳng còn nghề nào khác.
Đám rút bất đã tan. Trời đã gần về sáng.
Trên mấy chiếc giường tre ọp ẹp, hơn mười người xe sát phạt nhau lúc nãy cũng đã nằm lăn ra như chết, làm mồi cho đám muỗi cỏ nó bu lại đầy mình.
Bên chiếc khay đèn khốn nạn, nằm tiêm thuốc cho anh Tư hút, tôi đã thành ra một bạn thân của anh.
Qua những tiếng trẻ khóc, những tiếng ngáy ran của lũ chết giả ở giường bên, chúng tôi vẫn nhỏ to câu tâm sự.
Suốt đêm ấy, tôi không ngủ.
Nhân thấy hỏi về bước đời hơn mười năm trời làm nghề xe kéo, vui chuyện, anh Tư cũng kể cho tôi nghe:
‘‘ Đã mười hai năm nay, bấy giờ..’’