Chương Ba
Đồng dao của thôn nữ

1
Bảy Tâm kể với đại đội trưởng rằng cô sinh vào năm
Nhâm Thìn, tháng bảy, tại làng Lương Tâm bên
Chương Thiện, nên cha cô lấy địa danh ấy đặt tên cho cô. Bảy Lương Tâm là tên ghép của tên cô và mẹ. Để giản tiện, mọi người gọi cô
là Bảy Tâm.
Khi Lương Tâm vừa tròn một tháng tuổi, thì cha cô - đại đội trưởng Trương Gia Hạnh, hy sinh trong một trận đánh đẫm máu tại kênh
Bảy Ngàn, gần đồn điền của Pháp.
Bảy Tâm hầu như không có khái niệm gì về quê hương của mình. Cuộc đời niên thiếu của cô luôn phải phiêu bạt trên dòng chảy của
những sự kiện chính trị vào những năm cuối cùng của thập niên năm mươi.
Những năm tháng ấy, cô sống cùng với mẹ trên những dòng kênh và những cánh rừng ngập mặn ở phía nam bán đảo Cà Mau. Bảy
Tâm chỉ nhớ được láng máng về một chiếc xuồng gỗ, không lớn lắm, nhưng nó vừa là chỗ ở và cũng vừa là sân chơi của cô.
Người bạn đầu tiên mà cô nhớ được là một cậu bé tên là Dương, lớn hơn cô ba tuổi, người xứ Huế - Thật ra là người Bắc - Vì dân quê
cô đều coi người Huế và người Bắc là một. Cha mẹ của cậu đều là người Nam Thái Sơn - Một xã toàn người Bắc di cư thuộc huyện
Hòn Đất, cùng làm việc ở Khu với mẹ cô.
Cho đến lúc này, cô cũng vẫn nghĩ rằng Dương là một cậu bé thông minh nhất mà cô từng gặp. Cậu thường bày ra những trò chơi, rồi
cùng chơi với cô. Điều thú vị là những trò chơi ấy bao giờ cũng có một bài hát đi kèm. Bài hát đầu tiên mà cô học thuộc lại chính là
một bài đồng dao dễ nhớ. Hát rằng:
Ngồi trên xuồng
Lúc lắc
Đừng ăn cắp
Dù lớn lên
Đừng ăn xin
Dù đói.
Dốt thì hỏi
Giỏi thì bày.
Đừng leo cây
Đừng quậy phá.
Bài hát ấy đã ăn sâu vào lòng cô như một luân lý đơn giản của đời sống. Sau này, khi cha của Dương hy sinh, thì những bài hát của cậu
cũng thay đổi, đượm buồn.
Một bữa, cậu gấp được một xấp xuồng giấy rồi rủ cô ra bến sông chơi. Cậu trao cho cô những chiếc xuồng nhỏ, giữ lại cho mình
những chiếc xuồng lớn. Cậu nói như ra lệnh:
- Hãy thả xuồng xuống nước rồi hát theo Hai!
Cô cầm những chiếc xuồng nhỏ trong tay, dậm chân ngúng nguẩy:
- Em hổng lấy xuồng bé xíu đâu. Em muốn có những chiếc xuồng bự trên tay anh Hai kia.
- Ôi, mày ngốc lắm. Cậu mắng - Xuồng bé tượng trưng cho con gái. Xuồng lớn tượng trưng cho con trai.
- Ai biểu với anh Hai như thế?
- Ông bà ngày xưa. Thôi, mày đừng hỏi nữa. Xuồng lớn đây. Cầm lấy, thả xuống nước đi.
Cô sung sướng nhận xấp xuồng giấy lớn từ tay cậu, thả xuống dòng nước, rồi hát theo:
Nu na nu nống
Xuồng rộng, chở hồn cha
Xuồng lá đa
Chở bá tánh
Gió mạnh
Xuồng đi
Xuôi về
Âm phủ,
Có đủ: Vua quan.
Có làng, có xã.
Có cả
Ông Tây
Uống rượu say
Nghe hồn khóc,
Nghe đất khóc,
Lọc cọc
Xuồng đi....
Cô hát theo cậu một lần, rồi hai lần; hát cho đến lúc thuộc lòng; hát cho đến khi những chiếc xuồng giấy bị gió cuốn vào bờ hoặc bị
chìm, trôi lập lờ trong nước. Tuy vậy, Bảy Tâm vẫn không hiểu được hết ý nghĩa của những lời hát ấy. Cô cũng không hiểu được do
đâu mà bạn trai cô lại có thể biết được bài hát như vậy.
- Âm phủ là gì vậy, anh Hai? - Một lần, cô thắc mắc.
- Mày đúng là ngốc thật. Có thế mà cũng không biết. Cậu nói, rồi giảng giải - Âm phủ là nơi sống của người chết, ngốc ạ.
- Nếu vậy thì ba của anh Hai và ba em về sống ở đó à?
- Chớ còn sao nữa. Mấy ông Tây chết cũng về ở dưới ấy.
- Vậy, âm phủ chỉ giành cho đàn ông thôi à?
- Ôi, cái con nhỏ này, mày ngốc quá đi. Tao đã chẳng nói là tất cả những người chết đều về sống ở đó sao?
Bảy Tâm suy nghĩ một hồi, rồi hỏi tiếp:
- Vậy chớ, ngoài âm phủ, còn có nơi nào giành cho người chết ở nữa không?
- Có. Đó là những ngọn cây cao. Mày không nghe nói là ma thường đậu trên những ngọn cây hay sao?
- Có. Nhưng chẳng lẽ ma lại là người chết à?
- Tất cả những người chết đều thành ma. Những ai chết được chôn thì về sống ở âm phủ. Ai không được chôn thì hồn lang thang trên
mảnh đất này. Người chết trên sông thì hồn lảng vảng nơi đầu nguồn, cuối bãi. Người chết trên rừng thì hồn bấu víu vào những khe
nước, ngọn cây. Người chết không được cúng giỗ thì hồn đói rét, khổ sở. Bởi vậy, cứ đến rằm tháng bảy, người ta phải cúng cô hồn
gồm có bánh trái và những đồ dùng bằng giấy...
- Em chẳng tin, anh Hai à.
- Tin hay không, đó là chuyện của mày. Còn ông bà ta thì tin như thế. Họ bày ra cúng giỗ là để an ủi linh hồn người chết... Rồi đến
một lúc nào đó, lớn lên, mày cũng sẽ tin thôi. Bây giờ thì về nhà. Trưa rồi! Nói xong, cậu dắt tay cô về nhà.
- Đó là những tháng ngày đẹp nhất của cuộc đời em, anh ạ! - Bảy Tâm nói - Tiếc thay, thời gian ấy không được lâu. Sau này, vào
khoảng giữa năm một ngàn chín trăm sáu mươi ba, khi má em đi công tác ở Đầm Dơi, bị địch bắt và bị chúng chôn sống ở rạch Cái
Vồn, thì em được ngoại đón về sống ở xã Hòa Bình... Năm em mười bốn tuổi thì ngoại mất. Kể từ đó, em trở thành du kích.
Đại đội trưởng nhìn Bảy Tâm đau đáu. Cô gầy yếu, mảnh mai và trong sáng như một thứ đồ thủy tinh dễ vỡ. Nhưng trong tâm hồn cô
luôn chứa đựng một sức sống dẻo dai.
- Cuộc đời em chỉ có thế thôi, anh Quý ạ! - Bảy Tâm kết thúc - Buồn quá, phải không anh? Hầu như trong suốt thời gian lớn lên, em
chỉ toàn chứng kiến sự chia lìa. Tưởng rằng vào du kích, sống trong tập thể, có chị có em, vậy mà, mọi người cũng lần lượt bỏ em đi...
Nói đến đây, Bảy Tâm bỗng nhếch môi cười - Nụ cười đau đớn và đầy những giọt nước mắt.
Trong cuộc đời mình, chưa bao giờ đại đội trưởng nhìn thấy một nụ cười nào đau đớn hơn nụ cười của Bảy Tâm. Nó buồn bã và xoáy
vào tâm hồn anh như một mũi khoan vô hình. Anh biết rằng sẽ chẳng bao giờ anh có thể quên được nụ cười ấy.
Bất giác, đại đội trưởng nhìn lại cuộc đời mình và cảm thấy có nhiều nét giống với số phận của Bảy Tâm. Có điều, anh thì được ăn học,
còn cô thì ngược lại. Anh vẫn còn một ngờưi mẹ lam lũ, mà cô thì chẳng còn ai. Đại đội trưởng chợt nhớ đến những người con gái ở
làng quê anh, lòng trở nên buồn phiền rũ rượi.
2
Cách đây bốn năm, sau một thời gian dài học tập, huấn luyện, trước khi lên đường vào Nam chiến đấu, trung úy Lê Sỹ Quý được nghỉ
phép về quê thăm mẹ. Đó là vào một đêm cuối năm một ngàn chín trăm sáu sáu, mưa bụi, trời rét thảm khốc.
Xe đơn bị vừa dừng lại trước cửa đền Thượng, trung úy đã nhảy xuống đất. Sau hơn mười giờ đồng hồ ngồi trên thùng xe chạy tưng
tưng qua những con đường chiến tranh lở lói, đôi chân anh trở nên tê dại. Phải mất tới cả phút sau, trung úy mới đứng dậy nổi.
- Đại đội trưởng đau lắm hả? - Anh lính lái xe nhìn xuống trung úy, cất lời - Thời buổi chiến tranh, không chạy như thế, làm sao thủ
trưởng có thể về kịp trong đêm?
- Đau nhừ tử cả người. Đại đội trưởng nhăn mặt, lắc đầu nói, trong khi thượng úy, tiểu đoàn phó ngồi chung trên xe, thảy ba lô xuống
cho anh.
- Về phép kỳ này, "dấm" được cô nào thì cưới béng đi, đại đội trưởng ạ! - Thượng úy nói - Trả phép xong là đi tít mù đấy!
- Cưới vợ để ở nhà cho dân quân "làm thịt" à? - Đại đội trưởng cười, nói - Moa đâu có khùng.
- Thôi đi, bố! - Tham mưu trưởng tiểu đoàn ngồi trong buồng lái, thò đầu ra, góp lời - Vẽ chuyện. Cứ cưới đi cho biết mùi... kẻo rồi
xuống âm ti lại tiếc rẻ. Thôi, tụi tao đi đây. Nhớ cưới vợ. Chỉ thị đấy! Nói xong, anh vẫy tay chào, rồi ra hiệu cho lái xe vọt đi.
Đại đội trưởng nhìn theo xe một lúc rồi xốc ba lô lên vai. Gió lạnh rít ù ù bên tai làm anh chợt rùng mình. Anh dựng cổ áo lên cho đỡ
rét, rồi với tay lấy từ trong túi ba lô ra chiếc bật lửa. Đại đội trưởng chưa kịp quẹt lửa, thì có ánh đèn pin huơ lên từ phía trước. ánh đèn
pin soi lướt qua mặt anh. Đại đội trưởng nhăn mặt toan cất lời, thì người rọi đèn pin đã reo lên:
- Ôi, anh Quý! Anh được về phép đấy ư?
Thì ra là một cô gái. Đại đội trưởng nghĩ bụng. Anh hỏi:
- Ai đấy?
- Người gì mà mau quên thế? - cô gái trách cứ - Mới xa làng có vài năm mà đã quên hết rồi đấy. Nếu xa chừng dăm bảy năm, gặp lại,
chắc anh sẽ dửng dưng như người qua đường...
Cô gái vừa nói vừa đi tới. Đại đội trưởng bước lại gần cô. Anh căng mắt nhìn cô không chớp:
- Trời đất! Mai! - Anh sửng sốt kêu lên - Khuya rồi mà sao cô còn ở đây?
- Em đang trực chiến anh ạ. - Mai nói - Nghe thấy tiếng xe dừng, em nghĩ là có người về làng. Thế mà đúng thật...
- Có một mình Mai gác thôi à? Anh hỏi.
- Tụi em có bốn đứa tất cả. Chúng nó người thôn trên. - Sau một thoáng ngập ngừng, cô nói tiếp - Anh Quý vào chơi với tụi em một lát
nhá. Tụi em ở cả trong đền ấy.
Đại đội trưởng lưỡng lự rồi nhận lời. Anh bước theo Mai đi về phía ngôi đền đang chìm trong màn mưa bụi trắng xóa.
Đền Thượng ở làng anh được xây dựng cách đây gần hai trăm năm để thờ bà Đào Thị Hào, nữ tướng coi lương của Tây Sơn, tử trận khi
hạ đồn Gián Khẩu. Dân làng anh đưa xác Bà về chôn ở vườn Chay của làng, rồi lập đền thờ cúng. Nghe nói Bà thiêng lắm. Những ai
sống trong sạch, nết na, đều được Bà phù hộ, ban cho sức khỏe. Kẻ nào gian trá, báng bổ thần linh, đều bị Bà "vật" cho ốm lên ốm
xuống, rồi chết. Suốt từ ngày có ngôi đền đến nay, không một người làng nào dám tự tiện vào nội điện cả, ngoại trừ cụ Từ Phúc -
Người được làng cử ra để chăm lo việc thờ cúng. Vậy mà, con cháu thời hậu thế dám biến ngôi đền thiêng liêng làm nơi trực chiến.
- ở trong đền, các cô không sợ à? - Đại đội trưởng đặt ba lô lên nền gạch, sát lối cửa ra vào, hỏi.
- Lúc đầu, tụi em cũng sợ Bà lắm, nhưng về sau quen dần, hết sợ luôn. Mới lại, bà Hào là chiến binh, chẳng lẽ bà lại làm khổ các chiến
binh cùng giới với Bà? - Vừa nói, Mai vừa quẹt diêm châm vào ngọn đèn chai để ở sát chân cột đền.
Đến lúc này, đại đội trưởng mới nhìn thấy các cô gái trực chiến ở quê anh. Họ ốm yếu, nằm thu mình ngủ ngon lành trong chiếc ổ rom
ở góc đền. Trên người họ là một chiếc chăn đơn mỏng manh, đầy những vụn vá.
- Dậy. Dậy đi chúng mày. Anh Quý đã về đây này! Mai gọi giật giọng, tay kéo tấm chăn ra.
Các cô gái cựa mình tìm chăn, rồi lại vùi đầu ngủ tiếp.
- Mấy cái con này... Đã bảo dậy mà vẫn còn ham ngủ. Mai phàn nàn - dậy đi. Có cán bộ cấp trên xuống kiểm tra đây này.
Một cô gái gầy gò, kẹp tóc vổng đuôi ngựa, vội chui từ trong chăn ra, ngó giáo giác. Thấy đại đội trưởng lóng ngóng đứng đó, cô ngồi
dậy, bẽn lẽn bới lại những lọn tóc lòa xòa trước trán, trong khi hai cô bạn vẫn nằm im.
- Chào anh Quý! Anh về thăm nhà được lâu không? - Cô gái hỏi với giọng ngái ngủ.
- Được nửa tháng! - Đại đội trưởng trả lời. Anh cúi xuống mở ba lô lấy ra gói kẹo Hải Châu, trao cho Mai - Cô bóc ra để mọi người
cùng ăn cho vui. Ngừng một lát, anh nói tiếp - Thôi nào, dậy đi các nữ tiểu tướng.
- Em ứ dậy. Anh Quý phải bế, em mới dậy cơ! - Một giọng nói nũng nịu từ trong chăn vọng ra.
- Thôi dậy đi nào. Mai giục - Cứ nằm cuộn tròn trong chăn thế kia, anh Quý lại nghĩ tụi mi không mặc quần áo đấy!
Lời cảnh cáo của Mai đã kéo hai cô gái từ trong chăn ngồi dậy. Thấy đại đội trưởng vẫn còn đứng đó, Mai bảo:
- Anh còn đứng làm gì mãi thế. Ngồi xuống đi nào. Ngồi vào ổ cho ấm. Ngồi sát vào em đây này. Thế, để em trùm chăn cho. Nói rồi,
cô tung chăn choàng lên vai cho đại đội trưởng - Ôi, người anh lạnh như ma ấy!
Đại đội trưởng nhìn khắp lượt các cô gái. Họ còn rất trẻ. Tuổi chừng mười tám, đôi mươi. Ngoại trừ Mai ra, anh chẳng biết ai cả.
Hiểu được tâm trạng của đại đội trưởng, Mai vừa bóc kẹo, bỏ ra chiếu vừa hỏi:
- Có lẽ anh chẳng biết các bạn em đâu, phải không?
Đại đội trưởng khẽ gật đầu. Mai giới thiệu:
- Người ngồi kế anh là Lụa, ở thôn Trà Lai. Ngồi bên Lụa là Nhụ, ở thôn Hống. Tiếp đến là Màn, người thôn Địch. Cả ba cô đều chưa
có người yêu. Anh chọn được ai thì cứ chọn.
Được thể, các cô gái cùng nhao nhao, nói:
- Chọn em đi, anh. Em chăm làm và ăn ít lắm!
Đã có không ít lần đại đội trưởng tự hỏi rằng vì sao những cô gái ở quê anh thường nói năng bạo dạn, táo tợn đến thế? Trước khi nói,
họ nghĩ gì? Chẳng lẽ tâm hồn họ cũng trần tục như những lời nói ư? Phải chăng điều đó phản ánh sự ít học, kém hiểu biết, hay chỉ là
một hiện tượng tâm lý bị ức chế quá lâu, đến nỗi phải dùng lời nói để giải tỏa những âu lo đang đè nặng trong lòng?
Đại đội trưởng chợt thở sâu. Để khỏa lấp những suy nghĩ vừa rồi, anh bảo:
- Thôi, mấy cô ăn kẹo đi. Cẩn thận kẻo gẫy răng đấy! - Nói xong, anh cầm kẹo trao cho các cô gái.
Mọi người cùng cảm ơn rồi bóc kẹo ăn một cách ngon lành.
- Có lẽ cả năm rồi mới lại được ăn kẹo đấy! - Màn thổ lộ.
- Chẳng lẽ vậy sao? - Đại đội trưởng trố mắt hỏi.
- Thì anh tính, mỗi hộ một năm được mua có ba lạng đường, thì lấy đâu ra kẹo mà ăn. Nhụ thêm vào - Mới lại, có kẹo cũng chẳng có
tiền mà mua nữa.
Mọi người đang ăn kẹo, nói cười vui vẻ, chợt Lụa đứng lên, lắng tai nghe ngóng:
- Hình như có tiếng máy bay - Cô nói.
Cả bọn im lặng lắng nghe. Trong tiếng gió rít ầm ào, tiếng máy bay vang lên một cách mờ tỏ, lúc xa lúc gần. Sau đó là tiếng đạn cao xạ
nổ lục bục trên nền trời xám xịt. ít phút sau, không gian lại trở nên yên tĩnh.
- Máy bay của tụi hải quân Mỹ đấy. - Đại đội trưởng phá tan sự im lặng - ở miền tây Nghệ An, có ngày bọn tôi đánh nhau với chúng cả
chục trận - Ngừng một lát, anh hỏi - Nghe nói, cầu Khuốt của ta cũng bị chúng đánh sập rồi, phải không?
- Chưa sập. Mai nói - Bọn chúng chỉ mới đánh trúng mố cầu thôi. Nhưng sớm muộn gì thì chúng cũng đánh sập. Anh Quý biết không,
tháng trước, chúng nó mò vào đánh đêm, bị bắn, chúng hoảng loạn, trút bừa bom xuống làng. Một quả rơi ngay góc sân nhà cụ Ngợi.
Nhà đổ, nhưng may mắn là chẳng có ai bị gì cả. Sáng ra, mọi người nhìn xuống hố bom, thấy một đống xương trắng. Hóa ra, bom
đánh trúng mả con voi của Vua Minh Mạng, anh ạ. Dân quân tụi em đi lấp hố bom, lấy được cặp ngà voi to và dài tới hơn một mét.
- Vậy, cặp ngà voi để ở đâu? - Đại đội trưởng hỏi.
- Tỉnh cho người về nẫng đi mất rồi. Họ bảo để trưng bày ở bảo tàng cho mọi người chiêm bái.
- Lúc đến lấy, họ có giấy tờ gì không?
Các cô gái ớ người ra, chột dạ.
- Chẳng có giấy tờ gì cả. - Nhụ nói - Họ tự giới thiệu là người của tỉnh, thế là chúng em đưa.
Đại đội trưởng cắn môi, nghe các cô gái nói chuyện. Anh cảm thấy khóe mắt cay sè. Các cô sống trong sáng, chân thực và giản dị như
chính tổ tiên của mình.
Đại đội trưởng ngồi nán lại một lúc lâu, rồi đứng dậy, từ biệt mọi người. Sự ra về của anh làm các cô buồn ra mặt.
- Thôi, tôi về nhà đây. - Đại đội trưởng nói - Các cô cũng phải đi nghỉ đi, kẻo chúng nó đến, lại thức trắng đấy!
- Hay là anh ngủ lại với tụi em vậy? - Màn nói - ở nhà anh, chẳng có ổ rơm mà ngủ đâu.
- Thôi đi mày, - Nhụ phẩy tay - Đùa vừa thôi, kẻo anh Quý về đơn vị lại kháo ầm lên là con gái nông thôn bây giờ loạn lắm. Phải vậy
không, anh Quý?
Đại đội trưởng chưa kịp trả lời, Mai đã nói:
- Bọn em chỉ nói ra miệng cho nó bớt đắng lòng ấy mà, anh Quý ạ. Lẽ nào anh lại giễu bọn em, đúng không?
Câu nói của Mai làm cho đại đội trưởng cảm thấy nghẹn cổ. Chiến tranh đã làm cho cuộc sống của các cô gái ở quê anh lẻ loi, tội
nghiệp quá chừng. Từ trong sâu thẳm tâm hồn của các cô luôn le lói những nỗi niềm...
Trên đường trở về nhà, đại đội trưởng nghe thấy khúc hát đồng dao của các cô cất lên từ phía sau lưng anh:
Nào con gái
Hãy sống đi
Đừng chờ nữa
Đừng đợi nữa
Trai hơ hớ
Đã đi rồi
Gái hơ hớ
Già đến nơi.
Nào con gái
Hãy sống đi...