Chương hai
Đồng dao của rừng chàm

1
Sau giấc mơ buồn bã vừa rồi, đại đội trưởng Lê Sỹ Quý thao thức, nghĩ ngợi một hồi lâu mới bắt đầu ngủ lại. Tuy nhiên, giấc ngủ của anh có
phần thắc thỏm, rời vụn thế nào ấy.
Đại đội trưởng không biết là mình ngủ trong trạng thái mông lung như thế được bao lâu, cho tới khi anh nghe thấy có ai đó gọi tên mình một
cách giật giọng. Anh bừng tỉnh. Ai gọi thế nhỉ? Anh tự hỏi, nhưng không thể trả lời được. Hình như tiếng gọi ấy vang vọng từ một nơi nào
đó xa lắc. Đại đội trưởng chui đầu ra khỏi mùng, lắng tai nghe ngóng. Ngoại trừ tiếng vo ve đập cánh của ngàn vạn con muỗi còn thì cánh
rừng hoàn toàn im lặng. Họa hoằn lắm mới có một vài phát súng nổ bì bọp vọng lại từ hướng Xo Mo.
Nằm bên cạnh anh, sát căn hầm chữ A nửa chìm nửa nổi, trung đội trưởng Ba Trần ngủ say như chết. Qua ánh sáng mờ nhạt của màn đêm,
đại đội trưởng nhìn thấy miệng anh ta há hốc, hơi thở khò khè.
Đại đội trưởng xem đồng hồ. Mới có một giờ hai mươi lăm phút. Như vậy còn lâu mới tới giờ đánh thức anh nuôi dậy nấu cơm, chuẩn bị hành
quân. Phải thức từ giờ cho tới lúc đó, quả là một sự lãng phí thời gian lớn. Có lẽ phải ráng ngủ tiếp thôi, Anh tự nhủ.
Đúng lúc đó, lúc anh đang chui đầu vào trong mùng, thì có tiếng động cơ máy bay nặng trình trịch vang lên từ phía biển mỗi lúc một to
dần. Với linh cảm của một người lính, đại đội trưởng nhảy xuống võng, đập tay vào vai Ba Trần, miệng kêu một cách thảng thốt:
- Xuống hầm ngay. B52 đánh đấy!
- Cái gì thế? Ba Trần nhổm dậy, ngơ ngác hỏi. Ngay sau đó, anh ta đã nhận ra tiếng động cơ máy bay nặng nề kia, báo hiệu một điều
gì đó chẳng tốt lành.
Hai người vừa kịp quờ lấy súng, chui vào hầm, thì một luồng ánh sáng cực mạnh òa ra, tiếp theo là những tiếng nổ dây chuyền vang dội,
làm căn hầm rung lân bần bật. Đại đội trưởng bị sóng chấn động ném từ vách hầm bên này sang vách hầm bên kia, rồi bị ném trở lại,
đầu va vào cây đà đau điếng.
Một luồng khói đen đậm đặc, nồng nặc mùi diêm sinh xộc vào hầm, làm anh ho sặc sụa, nước mắt trào ra. Vừa dứt loạt bom, Ba Trần
toan chui ra ngoài, thì đại đội trưởng kéo giật anh lại:
- Khoan đã. Còn quả cuối cùng!
Đại đội trưởng chưa nói dứt câu, thì một lần nữa, chớp lửa nhoáng lên. Chưa kịp nghe tiếng nổ, anh đã thấy như mình bị nhấc bổng lên
khỏi mặt đất, rồi bị đè bẹp bởi một sức nặng vô hình.
Khỉ thật. Thế là hết! Đại đội trưởng nghĩ bụng. Đến lúc này, anh mới đủ tỉnh táo để nhận ra rằng không phải hầm bị sập mà là do sức
ép của trái bom đã xô đất và cây ở một bên vách hầm, dồn ép anh hết cựa quậy. Đại đội trưởng gồng mình toan đẩy khối cây ra, nhưng
vô vọng. Gần như mọi khoảng trống có được trong hầm đã bị đất chiếm hết rồi.
- Mẹ ơi! Con chết mất! - Ba Trần hoảng loạn, gào lên.
- Bình tĩnh nào. Hầm chưa bị sập đâu. Ráng bới đất đi. ở trong này, tôi không thể...
- Nhưng cửa hầm ở chỗ nào.
- Hướng trước mắt ấy. Ráng lên. Không chết đâu! Mặc dù nói như vậy, nhưng đại dội trưởng đã cảm thấy tuyệt vọng. Bản thân anh cũng
không xác định được cửa hầm ở chỗ nào. Xung quanh anh chỉ là một màu đen khủng khiếp.
Hình như Ba Trần đã tỉnh táo trở lại. Anh ta đang dùng hai tay cào đất, tìm lối ra. Bị kẹt cứng bởi những khúc gỗ trong hầm, càng lúc
đại đội trưởng càng thấy khó thở. Ngực anh như bị ai đó bóp nghẹt, làm cho anh ngắc ngứ.
- Sao lâu thế? - Anh hỏi với giọng phều phào, rời vụn.
Ba Trần không trả lời. Nhưng rõ ràng là anh ta đang ráng sức đào bới. bùn đất được dồn vào những khoảng trống ít ỏi trong hầm. Đại đội
trưởng thấy mình không thể chịu đựng được nữa. Anh rên một cách cay đắng:
- Không tìm thấy cửa hầm sao?
- Ráng một chút xíu nữa đi... Ba Trần thở hồng hộc, nói.
Nhưng đại đội trưởng không còn nghe thấy gì nữa. Trong cái khoảnh khắc cuối cùng trước khi ngất lịm, hình như anh đã dồn hết sức lực của
mình vùng vẫy, hòng phá tung căn hầm đang nhốt chặt anh, nhưng chân tay không theo sự chỉ huy của anh nữa. Đại đội trưởng lả dần. Mọi
thứ xung quanh anh giống y như một giấc mơ. Toàn thân anh trở nên nhẹ tênh, trôi bồng bềnh trong khoảng trời đêm vô tận. Đại đội trưởng
không hình dung được mình tồn tại trong trạng thái mê man như thế bao lâu, cho tới khi anh lờ mờ nhận thấy có một luồng sáng yếu ớt, hiện ra
trước mắt mình.
- Đại đội trưởng, ra đi thôi! - Tiếng Ba Trần giục giã.
Đại đội trưởng nghe thấy tất cả, nhưng anh không trả lời nổi. Anh đang thở. Nói đúng ra là anh đang cướp lấy không khí để thở. Anh thở
giống như con cá bị bắt từ dưới nước lên bờ.
Ba Trần chui vào hầm, túm lấy chân đại đội trưởng lay mạnh:
- Ra đi thôi. Nằm làm gì mãi thế hả?
Đại đội trưởng bắt đầu nhúc nhắc. Nhưng anh không sao cúi thấp hơn để đưa cái đầu ra khỏi hàng đà cây bị xô lệch, bắt chéo nhau
trong căn hầm chữ A cho nổi. Trở ngại chính giờ đây lại là cái đầu của anh.
- Ông phải đưa hai chân ra trước, người ngả ra sau. Cứ như thế mà nhích từng tí một. Ba Trần nói.
Có thế mà mình cũng không nghĩ ra. Đại đội trưởng nghĩ bụng. Phải chăng sự đe dọa của cái chết đã làm anh mụ mẫm cả người? Đại đội
trưởng làm theo hướng dẫn của Ba Trần. Sau cùng, anh cũng đưa được cái thân hình rệu rã, sây sát của mình ra khỏi căn hầm tồi tệ.
Chỉ cho đến khi được ngồi trên mặt đất, anh mới cảm thấy kinh hoàng trước những gì đang hiện hữu. Cánh rừng tràm đơn vị đóng
quân xanh tươi là thế đã biến khỏi mặt đất, chỉ còn lại những đoạn cây bị xé toác, nằm ngổn ngang. Xung quanh anh, đất bùn bị bom
hất tung lên thành từng đống, nhão nhoét. ở ngay sát cửa hầm của anh, phía bên trái là một hố bom đìa, rộng đến cả chục mét, nằm toang
hoác giữa màn đêm.
- Anh em có ai bị sao không? - Đại đội trưởng hỏi, giọng vẫn còn run.
- Không. Ba Trần trả lời với vẻ tự tin, chắc nịch.
- Ông đã nhìn thấy tận mắt từng người chưa?
- Ngoài ông và tôi ra còn lại có mười anh em, làm sao mà không tận mắt.
Đại đội trưởng im lặng, nhìn cánh rừng bị tàn phá, một lần nữa, khẽ rùng mình. Trận bom B52 bừa qua nơi đóng quân của đơn vị, mà
không ai bị chết, bị thương, quả là một may mắn, đại phúc. Đại đội trưởng tự hỏi: vào cái giờ ấy, nếu anh không đột nhiên thức giấc, thì
điều gì sẽ xảy ra? Và, tại sao, do đâu mà anh lại nghe thấy có người gọi tên mình. Theo anh biết thì vào đúng lúc đó, không có ai gọi anh
hết, mà chỉ có mỗi một mình anh gọi họ xuống hầm. Càng nghĩ, đại đội trưởng càng cảm thấy bí hiểm. Phải chăng đây là sự thức dậy
bất ngờ của tâm thức, hay còn là một cái gì đó huyền diệu nằm bên ngoài sự hiểu biết của anh? Nhưng dù là gì thì đây cũng là một sự
kiện, một sự kiện làm cho anh không thể quên.
Sau loạt bom đêm hôm ấy, địch còn đánh thêm hai loạt nữa, nhưng tất cả đều rơi ra ngoài đội hình đóng quân của trung đoàn. Trận
bom cũng báo hiệu cho đại đội trưởng biết rằng cái thời gian nan thực sự đã đến.
2
Vừa sáng, tham mưu trưởng trung đoàn dẫn theo trợ lý tác chiến xuống thăm đơn vị. Ông vận quần lót, trong khi cổ quàng quần dài, tay phải
chống gậy, tay trái xách đôi dép mủ màu trắng ngà. Nhìn dáng người gầy yếu, hom hem, ướt sũng bởi sương sớm và bùn đất, mọi người biết
là ông ra đi từ rất sớm.
- Chào thủ trưởng! - Trung đội trưởng Ba Trần đang lau súng, đứng dậy nói - Bom đánh thế này, đường xá mất dấu, mà thủ trưởng đã
xuống thăm anh em sớm thế?
- Nghe bom đánh, biết trinh sát bị dính rồi, ruột gan sôi cả lên mà không có cách nào nắm tình hình được. Điện thoại bị đứt dây, chờ
thông tin nối xong, chưa biết đến bao giờ. Có cậu liên lạc lại đi xuống tiểu đoàn hai. Tụi tôi phải lần theo đường dây hữu tuyến đi đấy! -
Tham mưu trưởng nói, giọng ôn tồn. - Đến đây, thấy mấy ông bình thản như thế này, tôi tin là ổn cả. Thế, đại đội trưởng đâu?
- Dạ, thưa - anh Quý đang đi kiểm tra vũ khí, lương thực thực phẩm, chuẩn bị hành quân. Để tôi kêu người đi gọi. Nói rồi, Ba Trần
ngoắc tay, kêu một chiến sĩ tới, bảo đi tìm đại đội trưởng về.
- Đơn vị không có ai bị gì là tốt lắm rồi. - Tham mưu trưởng nhìn quanh, gật gù nói - đêm qua, nó đánh tất cả ba đợt. Tổng số thương vong
của mình lên tới sáu người. Hai chết, bốn bị thương. Số vũ khí bị mất chưa thống kê được, nhưng cũng không đáng kể.
Trong lúc tham mưu trưởng đang nói thì Lê Sỹ Quý từ phía rẻo rừng thưa chạy tới. Nhìn thân hình phờ phạc, sây sát của anh, tham mưu
trưởng tin là người cán bộ dưới quyền vừa trải qua một cơn hú vía.
- Chào ông! - Tham mưu trưởng lên tiếng, rồi đưa tay ra bắt.
Đại đội trưởng nắm lấy tay ông rồi quay sang bắt tay trợ lý tác chiến.
- Tình hình bê bối quá, mong thủ trưởng thông cảm! Anh nói.
- Ông chỉ màu mè, vẽ chuyện. - Tham mưu trưởng khẽ cười - Thế nào, vũ khí có bị mất mát nhiều không?
Đại đội trưởng nhẩm tính:
- Báo cáo, toàn đơn vị mất năm trái B41, ba trái B40 và mười trái lựu đạn, thủ pháo dù.
- Mất đạn mà không mất súng à? - Tham mưu trưởng cười tủm tỉm. Nụ cười của ông như muốn nói "tao biết tỏng cái tính ma giáo của tụi bay
rồi".
Ông này tinh quái thật. Đại đội trưởng nghĩ. Gần hai năm qua, mình chưa lừa ông ấy được một lần nào.
- Thưa anh, có trời chứng dám!
- Thôi đi! - Ông cười - Nếu vũ khí bị mất thật, thì vừa mới trông thấy tôi, mấy ông đã chẳng la toáng lên ấy chứ. Thế nào, đại đội trưởng
trinh sát yêu quý, liệu đơn vị có thể đi chiến đấu như kế hoạch đã định không?
- Thưa, được! - Đại đội trưởng trả lời - Nhưng xin thủ trưởng cho thêm một ít đạn hỏa lực.
Tham mưu trưởng khẽ chau mày. Ông kéo đại đội trưởng tới một chỗ trống, xa hẳn mọi người, nói:
- Ông Quý này, có lẽ hôm qua, Phó Chính ủy đã làm việc trực tiếp với ông rồi, tôi không lặp lại nội dung đó nữa. Nhưng trước khi đơn vị
đi, tôi chỉ xin nói với ông điều này. - Ngừng một lát, như để thăm dò thái độ của anh, Tham mưu trưởng nói tiếp - ông Quý biết không, hiện
thời, chúng ta đang phải chiến đấu chống quân thù trong một hoàn cảnh vô cùng cam go, phức tạp. Toàn bộ số vũ khí mà quân khu hiện
có chưa đầy mười lăm tấn. Muốn bắn chi viện cho bộ đội một trái đạn cối, phải được Tư lệnh chuẩn y. Tình hình bi đát như thế đấy. Tôi
nói điều này không phải để viện lý do từ chối cấp thêm đạn hỏa lực cho mấy ông đâu, nhưng sự thật là kho trung đoàn cũng không còn
nữa...
Chẳng cần đến tham mưu trưởng giãi bày, đại đội trưởng Lê Sỹ Quý mới biết được những khó khăn đang xảy ra tại chiến trường. Ngay từ
khi trung đoàn theo Tư lệnh Quân Khu từ miền Đông làm một cuộc tiểu trường chinh, lật cánh về chiến trường miền Tây, anh đã hiểu là
tình hình ở đấy có một điều gì đó không ổn.
Để đánh lừa kẻ thù, cấp trên đã giữ lại toàn bộ ê kíp điện báo viên của trung đoàn - Những người có các thói quen lên sóng mà kẻ địch đã
thuộc lòng từng chân tơ kẽ tóc, thay vào đó là một ê kíp điện báo viên mới. Đồng thời, cấp trên cũng cho phát đi liên tục những bức điện
giả, báo cáo về tình hình đơn vị. Trung đoàn cũng được thay đổi phiên hiệu, dùng toàn mật danh, liên lạc với nhau. Đơn vị lên đường hành
quân chưa được một tuần, kẻ địch đã đánh hơi thấy và bắt đầu đeo bám. Chúng dùng bom, pháo và những đơn vị biệt kích tinh quái
lùng sục, đánh chặn, đốn sạch những cánh rừng tràm dọc biên giới, nghi trung đoàn hành quân qua. Có lúc đơn vị phải chia thành từng toán
nhỏ, cỡ ba bốn chục người mà đi. Phải mất tới gần hai tháng trời, trung đoàn mới đưa được hai tiểu đoàn cùng các đại đội trực thuộc về đến
căn cứ chân thang tại Ba Hòn.
Sau một thời gian dài mất dấu, kẻ địch lại tìm thấy hành tung của trung đoàn. Tư lệnh vùng bốn chiến thuật của quân đội Sài Gòn hối hả
tung sư đoàn 21 cùng hàng chục tiểu đoàn tăng phái, tiến hành một cuộc bao vây chiến dịch nhằm xóa sổ trung đoàn và các đơn vị của
ta đứng chân tại đây.
Những trận đánh đẫm máu, dai dẳng đã liên tục xảy ra suốt hơn hai tháng ròng tại Xo Mo - Ba Hòn, cho tới khi cả hai bên ta, địch hoàn
toàn kiệt sức. Bằng một cú rướn mình kỳ diệu, đại đội trinh sát của anh kết hợp với một tiểu đoàn thiếu thuộc trung đoàn và một đại đội
đặc công của quân khu đã đánh tan tác tiểu đoàn 44 biệt động quân tại Vàm Rầy, kết thúc cuộc hành quân của địch.
Sau này, khi về đến U Minh thượng, đại đội trưởng nhận thấy tình hình ở đây tồi tệ hơn nhiều, so với những gì anh được biết.
- Thưa thủ trưởng, tôi đã hiểu những khó khăn của ta. Đại đội trưởng nói.
- Cậu chưa hiểu hết đâu. - Tham mưu trưởng quả quyết - Trước chiến dịch Mậu Thân, toàn khu có 45.000 du kích, hiện chỉ còn
khoảng một phần mười. Tỉnh Cà Mau có mười ba xã giải phóng, cả năm chỉ tuyển được mười tân binh. Trong khi đó, cả khu có hàng ngàn
tay súng bỏ ngũ về nhà. Sự thật là như vậy đấy! - Ngừng một lát, tham mưu trưởng tiếp tục - Ngoài khó khăn về thiếu vũ khí, lực lượng,
chúng ta còn một khó khăn, đó là giữa Khu ủy và Quân khu ủy - hình như ở đấy vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về đánh giá địch,
phương thức hoạt động của ta và mục tiêu đề ra. Trong khi đó, kẻ thù lại chuyển hướng chiến lược rất nhanh. Chúng đã bình định, lấn
chiếm gần hết vùng giải phóng trước đây, chỉ còn có căn cứ U Minh và cùng giải phóng phía nam Cà Mau là do ta nắm giữ. Hiện thời,
chúng đang triển khai chiến dịch lấn chiếm U Minh. Để mất vùng chiến lược này, chúng ta sẽ bị hất ra biển. Do vậy, Trung ương Cục
mới điều cụ Sáu Dân và cụ Sáu Nam về đây nhằm cải tạo tình hình. Phải nói sự thật này, để ông có một cái nhìn đúng đắn, khoa học
trong việc giải quyết mọi vấn đề.
Đại đội trưởng thở dài vì cảm thấy bất ngờ trước những lời nói chân tình, bức xúc của cấp trên. Đó là một mảng sự thật mà anh chưa được
biết. Đại đội trưởng tự hỏi là vì sao tham mưu trưởng lại nói ra với anh những sự thật ấy? Vì lẽ gì? Ông không ngại là anh sẽ thối chí ư? Rất có
thể là do ông tôn trọng anh, coi anh như là một người bạn tri kỷ, một đồng chí đáng tin cậy.
Giọng tham mưu trưởng trở nên thống thiết:
- Là người lính với nhau, tôi biết mấy ông ra trận lần này chưa được thanh thản. Nào là thiếu vũ khí, quân số, nào là không quen địa
hình, nhưng tôi nghĩ với truyền thống khắc phục khó khăn của đại đội, với sự tháo vát của ông, mọi việc rồi sẽ êm xuôi.
Cấp trên đã nói như vậy, đại đội trưởng chẳng còn có lý do gì để mè nheo, thoái thác được. Hơn nữa, từ chối nhiệm vụ không phải là phẩm
chất của anh. Đại đội trưởng cắn môi, vẻ nghĩ ngợi.
Dường như hiểu được tâm trạng của người chỉ huy cấp dưới, tham mưu trưởng nói tiếp:
- Để giúp mấy ông có lưng vốn đánh địch, tôi đã năn nỉ muốn gãy lưỡi với cấp trên mới xin được cho ông năm trái phi lôi, năm trái ĐH10 cải tiến
và ba trái thủy lôi bập bềnh. Với nhiệm vụ được giao, ngần ấy vũ khí là quá ít. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, tôi chẳng còn phù phép
nào để giúp mấy ông hơn được. Chúng ta đang bị địch dồn đến chân tường rồi. Để tồn tại, chỉ còn có mỗi một cách là phải gồng mình
lên mà đánh. Chỉ có đánh, họa may mới cải tạo được tình hình.
- Cảm ơn thủ trưởng đã tin tôi! - Đại đội trưởng nói - Tôi sẽ cố gắng hết mình để có thể làm được một cái gì đó.
- Tôi hy vọng như vậy. Thôi, chúc ông và anh em lên đường bình an!
- Thủ trưởng chờ tin chiến thắng nhé!
- Dĩ nhiên rồi! - Tham mưu trưởng nói, rồi ôm lấy anh. Ông vỗ vai anh và đột ngột quay đi. Đại đội trưởng nhìn thấy trong khóe mắt ông có
những giọt nước.
3
Vất vả lắm đại đội trưởng Lê Sỹ Quý mới đưa được đại đội trinh sát đến phía nam ấp Hòa Khánh. ấp trước đây thuộc vùng giải phóng, với
hơn một trăm gia đình, nay chỉ còn là một khu đất trống rỗng, vô hồn, được đánh dấu son đỏ trên bản đồ tác nghiệp của anh.
Theo hiệp đồng từ trước, vào khoảng từ mười bảy đến mười chín giờ, sẽ có một phân đội vũ trang địa phương đón các anh tại một lều cỏ,
bên cạnh chành lúa bỏ hoang, cách ấp chừng nửa cây số về phía bắc, ăn thông ra cánh rừng tràm, nguyên là căn cứ của công binh xưởng
huyện Gò Quao. Tại đây, phân đội vũ trang địa phương sẽ có nhiệm vụ dẫn đường, bố trí xuồng, đưa các anh vượt sông Cái Bé về một
lõm căn cứ được chuẩn bị trước, gần ấp Thới An.
Nhiệm vụ của đại đội là vừa trinh sát vừa đánh chặn các đoàn tàu cao tốc thuộc hải đoàn 41 của Mỹ đang yểm trợ cho quân đội Sài Gòn
trên sông Cái Lớn, nhằm chiếm U Minh thượng. Có thể nói đây là một nhiệm vụ mới mẻ, phức tạp mà cấp trên giao cho đại đội của anh.
Buổi sáng hôm ấy, sau khi tiễn tham mưu trưởng trở về, đại đội ăn sáng và lập tức lên đường. Gọi là đại đội, nhưng thực ra quân số chỉ có
hai mươi bốn người. Đã thế, cấp trên lại điều một nửa đơn vị do chính trị viên đại đội chỉ huy, nhận nhiệm vụ tại vàm sông Đốc, còn lại
mười hai người, do đại đội trưởng chỉ huy thì đi cánh đông.
Sau hai ngày hành quân mang vác nặng, đại đội đã tới địa điểm tập kết và đang chờ liên lạc với địa phương.
- Sao giờ này họ vẫn chưa tới nhỉ? Trung đội trưởng Ba Trần, phó chỉ huy đơn vị hỏi trỏng, trong lúc đại đội trưởng nhấp nhổm, liên tục
xem đồng hồ.
- Còn hơn một tiếng đồng hồ nữa mới hết giờ hiệp đồng lựng. Đại đội trưởng trấn an, nhưng trong lòng thì nóng như lửa đốt. Để giảm bớt
không khí chờ đợi nặng nề, anh đứng dậy, xách khẩu AK báng gập đi đi lại lại, mắt không rời hướng lều cỏ.
Trời bắt đầu tắt nắng, để lại trên cánh rừng tràm phía tây một vừng sáng đỏ rực như máu. Theo phán đoán của anh thì đó là hướng vịnh
Rạch Giá, nơi sông Cái Lớn và sông Cái Bé đổ về. Chếch về hướng nam một chút là căn cứ Xẻo Rô, nơi địch đang tập trung một số lượng
lớn tàu thuyền, cùng mười lăm tiểu đoàn bộ binh, làm thành một cụm phòng ngự hỗn hợp, chuẩn bị tiến đánh U Minh. Tình hình mặt trận
ngày một căng thẳng. Cùng với sự tập trung quân của địch, các dơn vị chủ lực của quân khu cũng đang được bí mật điều về khu vực
này, nhằm bảo vệ U Minh.
Mới hôm qua đây thôi, trên đường hành quân ra mặt trận, đại đội trưởng bất ngờ gặp lại một người bạn, trung úy Phan Vĩnh, học cùng khóa
huấn luyện trinh sát với anh tại Sơn Tây. Vừa mới nhìn thấy nhau, Phan Vĩnh chạy tới, thụi vào lưng anh một cái đau điếng, kèm theo một
tiếng chửi thề:
- Mẹ khỉ, mày về đây hồi nào thế hả, thằng mắc dịch? - Phan Vĩnh hỏi - Nghe nói mày hoạt động ở chiến trường miền Đông kia mà.
- Đúng thế! - Đại đội trưởng xác nhận - Nhưng đơn vị tao đánh nhau dở ẹc, nên mới bị đẩy về đây.
- Cái tật mày vẫn thế, chuyên nhạo báng cuộc đời.
- Bây giờ mày ở đơn vị nào? - Đại đội trưởng hỏi.
- Tao ở quân báo Quân khu!
- Mày làm cái trò gì ở đơn vị ấy?
- Trinh sát kỹ thuật.
- Quá tuyệt! - Đại đội trưởng bình luận - Có tin tức gì mới không?
- Thiếu cha gì, nhưng phải sàng lọc. Phan Vĩnh nói - Bữa trước, khi lên đài theo dõi vô tuyến của địch, tao thấy bọn Mỹ lên sóng kháo
chuyện với nhau rằng có một tên trung úy, con trai đô đốc tư lệnh lực lượng hải quân Mỹ ở việt Nam, hiện đang chỉ huy tàu PCF số 35.
Biết tin này, cụ Sáu Nam rất chú ý. Chính cụ giao cho quân báo theo dõi, nếu phát hiện thấy con tàu nào mang số hiệu ấy, thì phải bằng
mọi cách túm cho kỳ được thằng ấy đem về. Khốn nỗi, cho đến lúc này, chúng tao vẫn chưa thấy con tàu nào có số hiệu 35 cả.
- Có khi chúng cũng biết ta theo dõi đài kỹ thuật, nên bịa chuyện cho chúng ta tốn công chơi cũng không chừng. Đại đội trưởng phán đoán.
- Là dân trinh sát kỳ cựu mà mày chẳng hiểu đếch gì cả. Phan Vĩnh có vẻ cáu - Chúng nó có thể tung nhiều tin tức giả, nhưng bịa
chuyện con trai gã đô đốc đang chỉ huy tàu nhanh tại Việt Nam làm khỉ gì. Tao nghĩ, có thể chúng sơ ý thôi.
- Có lý. - Đại đội trưởng gật đầu - Nếu đúng như mày nói, thì cái thằng trung úy chỉ huy tàu nhanh số 35 chết tiệt ấy có tên là Zumwalt.
- Đúng là Zumwalt. - Phan Vĩnh trố mắt kinh ngạc - nhưng vì sao mày biết?
- Bí mật! - Đại đội trưởng cười một cách bí hiểm. Sự thật, anh chỉ biết tên gã đô đốc chỉ huy hải quân Mỹ ở Việt Nam một cách tình
cờ qua bản tin đọc chậm ở trên đài phát thanh.
Mặc dù nắm được nguồn tin ấy, nhưng đại đội trưởng Lê Sỹ Quý chẳng hề nghĩ rằng cái gã đô đốc chỉ huy hải quân Mỹ kia lại để cho
con trai mình chỉ huy một con tàu hoạt động tại chiến trường ác liệt, đầy rủi ro như thế này.
Cuộc đời con người ta, biết đâu đấy! Đại đội trưởng nhớ lại chuyện cũ, miệng lẩm bẩm. Đôi khi có những sự kiện xoay chuyển bất ngờ,
làm thay đổi cuộc sống, thay đổi cả số phận của rất nhiều người.
Màn đêm ập xuống rất nhanh. Trên bầu trời vùng châu thổ bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên bởi các loại máy bay bật đèn sáng choang, đi tuần
trên các kênh rạch. Tiếng động cơ văng vẳng, lúc xa lúc gần, gây cho anh một cảm giác khó chịu.
Đại đội trưởng đứng lại, rồi ngồi xuống một gò đất nhỏ, cách đồng đội chừng vài chục mét. Một lần nữa, anh lại xem đồng hồ. Những chiếc
kim có gắn dạ quang báo cho anh biết đã mười tám giờ ba mươi phút.
Đúng lúc đại đội trưởng đang xem đồng hồ thì tiếng súng bỗng nổ ran tại một cánh rừng gần đấy. Thoạt đầu, anh chưa xác định được
súng nổ ở hướng nào, nhưng chỉ ít giây sau, anh nhận rõ súng nổ ở hướng kênh Ba Vạn, nơi các anh mới vượt qua hồi chiều.
Tiếng súng nổ mỗi lúc một dồn dập, dày đặc. Trong cái mớ âm thanh chiến tranh hỗn tạp, chết chóc ấy, anh nghe rõ cả tiếng nổ của lựu
đạn, tiếng nổ của súng phóng hỏa tiễn và cả tiếng nổ chói tai, tức ngực của pháo không giật. Sau đó là tiếng nổ của nhiều loạt súng máy,
có thể là loại M60 được bắn lên từ một chiếc tàu nào đó, nghe lạ tai, giống như tiếng gõ thùng.
Súng cối cũng bắt đầu bắn. Sau những tiếng nổ đầu nòng "pung", "pung" là tiếng đạn rít xèo xèo trên nền trời hấp hối rồi rơi xuống
đâu đó trong cánh rừng tràm, tiếp theo là những tiếng nổ ầm ào, rền rĩ. Trong màn đêm bịt bùng ấy, anh còn nhìn thấy cả ánh lửa cháy
bập bùng.
Máy bay cũng bắt đầu kéo lên thả trái sáng và bắn rốc-kết. Hỏa châu từ mặt đất cũng thi nhau vọt lên giữa bầu trời. Trước khi tắt, nó
còn để lại những dải khói trắng ngoằn ngoèo, tang tóc.
Đại đội trưởng đứng ngây người ra quan sát, miệng há hốc.
- Xem ra đánh nhau to đấy! - Trung đội trưởng Ba Trần thốt lên, giọng run vì hồi hộp - Tôi có cảm giác là tao ngộ chiến.
Đại đội trưởng vẫn im lặng quan sát. ít lâu sau anh mới bộc lộ suy nghĩ của mình:
- Đếch phải, - Anh nói - Nghe tiếng súng thì rõ ràng là một đơn vị nào đó của ta phục kích quân địch. Cậu không nhìn thấy những
quầng lửa cháy kia à?
Trong lúc hai người đang trao đổi với nhau thì một tốp máy bay trực thăng loại "sói biển" bay vút qua đầu họ về hướng súng nổ. Một lần
nữa, chúng thay nhau bắn tốc-két và thả trái sáng rực trời. Trong ánh sáng lạnh lùng ma quỷ ấy, đại đội trởng nhìn thấy các chiến sỹ của anh
nằm nghỉ, lưng kê lên ba lô, vẻ mặt bàng quan, khó hiểu.
- Sao đến giờ này họ vẫn chưa tới nhỉ? - Tiểu đội trưởng Nguyễn Hữu Phách lên tiếng - Hay là có trục trặc gì rồi?
Đại đội trưởng cảm thấy chột dạ. Nếu như việc hiệp đồng không thành, sẽ đẩy đơn vị anh lâm vào một hoàn cảnh tiến thoát lưỡng nan.
Tiếp tục vượt sông thì không có phương tiện, mà quay trở về thì không thể coi được. Cứ xà quần mãi ở đây cũng chẳng có ích gì. Đại
đội trưởng trút một tiếng thở sâu. Anh tiếp tục cho đơn vị đợi thêm một thời gian nữa, lòng trở nên nặng nề, u ám.
Sau một thời gian dài im ắng, tiếng súng lại bắt đầu rộ lên. Lần này thì ở ngay hướng sông Cái Bé, nơi các anh sẽ phải vượt qua. Có điều,
anh không nghe thấy tiếng súng bắn trả và cũng không nghe thấy tiếng lựu đạn nổ rền. Rốt cuộc, đại đội trưởng cũng không buồn quan
tâm đến chuyện súng nổ trong khu vực nữa. Việc hiệp đồng trục trặc đã làm anh lo lắng vô cùng. Đây là một tình huống nằm ngoài dự
kiến, một tình huống chẳng hay ho tí nào. thật xúi quẩy, anh nghĩ. Nếu như không có hiệp đồng, để các anh tự chủ lo liệu, thì có lẽ
vào giờ này, các anh đang vượt sông cũng không chừng. ấy vậy mà các anh phải nằm chết dí ở đây.
- Hình như có người. - Ba Trần khẽ đập vào vai đại đội trưởng, reo lên - Kia kìa, gần lều cỏ.
Đại đội trưởng mở căng mắt ra nhìn. Trong màn đêm lờ mờ, anh nhìn thấy vài ba bóng người ẩn hiện. Đại đội trưởng toan la lên, nhưng anh
kịp thời chế ngự được. Dường như linh tính đã mách bảo anh có một điều gì đó mờ ám qua những bóng đen kia. Anh ra hiệu cho bộ đội
tuyệt đối im lặng, nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu, đề phòng tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Xong, anh nói nhỏ với Ba
Trần:
- Để tôi đi xem thế nào. Ông cho bộ đội s1/2n sàng nhá. Nếu có điều bất ổn thì phải "Dĩ biến, trị biến".
- Cứ yên tâm! - Ba Trần vỗ vào vai bạn, nói.
Đại đội trưởng xách khẩu AK tiến về phía lều cỏ. Anh men theo những bụi cây trâm ổi cao quá đầu người, mọc um tùm, đi một cách rón
rén. Thỉnh thoảng, anh dừng lại, lắng tai nghe ngóng động tĩnh rồi mới dò dẫm bước tiếp.
Hồi nãy, lúc xuất phát, anh còn nhìn thấy ba bóng người lảng vảng đi lại gần chành lúa, sát lều cỏ, vậy mà khi anh tiếp cận gần đến nơi,
thì những bóng đen kia đều biến mất, giống như ma quỷ vậy. Đại đội trưởng khom người thật thấp, tay vạch những cành lá lòa xòa trước
mắt, quan sát. qua khoảng trống lờ mờ giữa các cành cây, anh không nhìn thấy gì cả, ngoại trừ mấy cây dừa bị pháo bắn cụt ngọn đứng
trơ giữa trời.
Đại đội trưởng phân vân. Anh đang định bước tiếp thì nghe thấy tiếng người trao đổi với nhau rất khẽ ở một chỗ khuất nào đó. Anh
không nghe được nội dung câu chuyện, cho tới khi một trong những người ấy bật lên tiếng chửi thề:
- Đù má, tại sao mày không bắt liên lạc với đồng bọn của mày, hả? Đù má mày, tụi tao không giỡn à nghen.
Đại đội trưởng giật mình, run bắn. Hóa ra sự việc lại xoay chiều như vậy. Hèn chi... đại đội trưởng nghĩ bụng. Rõ ràng là bọn địch đã túm
được người du kích đi bắt liên lạc với các anh và buộc phải đưa chúng đến đây. Nhưng tới giờ phút chót, người du kích đã thay đổi ý
định, vì vậy mà các anh mới được an toàn.
Tình thế trở nên xấu hơn bao giờ hết. Dĩ nhiên là bọn địch đến đây không chỉ có vài ba thằng mà là cả một đơn vị lớn nằm thu mình
ở một chỗ nào đó. Cũng may là chúng vô tình để lộ phần nào sự kiện, nếu không, chưa biết điều gĩ sẽ xảy ra.
Đại đội trưởng lặng lẽ rút lui, giống như khi anh tiếp cận vậy. Phải mất cả mấy phút đồng hồ, anh mới về tới chỗ ém quân.
- Địch. Anh nói nhỏ với Ba Trần - Cho bộ đội rút ngay. Rút theo hướng tây nam. Tuyệt đối không được gây ra tiếng động. Đi đi, tôi chặn
hậu cho.
Đơn vị lặng lẽ rời xa khu vực nguy hiểm. Một lần nữa, mọi người đã gặp may. Trong trường hợp hi hữu này, ngoài việc người du kích bị
bắt không chịu công tác với địch, các anh còn được sự che chở của bóng đêm. Trong hoàn cảnh này, chính bóng đêm là cứu cánh, là thần
hộ mệnh cho đơn vị anh.
Đại đội rút ra khỏi khu vực lều cỏ được chừng hơn mười phút đồng hồ, thì một loạt súng ré lên, đơn độc. Không còn nghi ngờ gì nữa, bọn
địch đã sát hại người du kích đáng kính kia. Mắt đại đội trưởng cay cay, ngấn lệ.
Trời bắt đầu sáng dần lên bởi trăng muộn. Sau loạt súng đơn độc vừa rồi, không gian trở nên tĩnh lặng. Thỉnh thoảng mới có một cơn gió
bất chợt ào qua, làm cho khu rừng trở nên xao động, trằn trọc. Họa hoằn lắm mới có một tiếng pháo trầm đục vọng lại từ chân trời xa lắc.
Đoàn quân đã tiến sâu vào khu rừng tràm ẩm ướt, lép nhép đầy những dây leo và bị bom, pháo ăn thủng từng mảng lớn, tạo thành những
vũng nước tù đọng. Trong ánh sáng bàng bạc, trắng như sữa của màn đêm, đại đội trưởng mở căng mắt ra nhìn, nhưng anh vẫn sa chân xuống
những vũng lầy mà cái nắng đầu mùa khô chưa đủ sức làm se cứng.
Có lẽ do căng thẳng mà mọi người đã quên đi sức nặng của vũ khí đè xuống vai mình. Tuyệt nhiên, đại đội trưởng không hề nghe thấy
một chiến sĩ nào bật ra tiếng kêu than hoặc có những biểu hiện đại loại như thế. Họ kiên nhẫn bước đi và luôn giữ gìn, tránh phát ra
những tiếng động, dù là nhỏ nhất. Nếu cần phải trao đổi với nhau điều gì, họ chỉ nói thầm hoặc ra hiệu bằng tay.
Trong lúc mọi người đang âm thầm bước đi thì một cậu có lẽ do ngủ gật đã va đầu vào một cây tràm, rồi ngã nhào xuống những cành củi
khô, làm phát ra những tiếng kêu răng rắc, gẫy vụn. Đại đội trưởng nhăn mặt, trừng mắt nhìn, rồi đưa tay kéo anh ta đứng dậy. Anh đã
không ngốc nghếch để văng ra một tiếng chửi thề.
Cách đây nửa năm, trong một lần đi nắm địch tại cua chữ S trên đường mười ba đi Bình Long, đại đội của anh đã phải trả một giá đắt
với ba chiến sĩ bị thiệt mạng và bốn người khác bị thương chỉ vì một hành động ngu xuẩn của một chiến sĩ, khi anh ta cố tình, muốn
chứng tỏ cho mọi người biết là anh ta không sợ kẻ thù, bằng cách ngáp một tiếng thật to. Nếu như sự việc chỉ có vậy thì cũng chưa đến nỗi
tệ hại lắm, nhưng một người khác thấy vậy, tức giận chửi toáng lên. Chính sự sơ xuất lần thứ hai này đã làm cho tình hình trở nên phức tạp.
Không ai có thể ngờ rằng chính hành động ngu ngốc đã chỉ lối cho bọn Mỹ "hề" nằm phục kích tại một khu rừng gần đó, mò tới ngay tức
thì và chúng đã không bỏ qua cơ hội này, giáng cho đơn vị anh một đòn choáng váng.
Nếu như bữa ấy chính trị viên không nhanh lẹ tổ chức một mũi vu hồi, đánh tạt sườn về phía sau lưng địch, thì đơn vị còn bị tổn
thất nhiều hơn nữa. Điều trớ trêu ở đây là kẻ gây ra tai họa lại không hề hấn gì, còn những người sống nghiêm chỉnh lại phải gánh chịu
những hậu quả thảm khốc.
Đã không dưới hai lần, đại đội trưởng nói chuyện với bộ đội về bài học chết người ấy. Anh muốn mọi người phải giữ gìn, kiểm soát các hành
động của mình, để khỏi rơi vào hoàn cảnh đáng tiếc. Đại đội trưởng cay đắng nghĩ rằng trong chiến tranh, đơn vị khó tránh khỏi
thương vong; nhưng không nên để đồng đội bị thương vong một cách oan uổng bởi hành động thiếu suy nghĩ từ phía người chỉ huy.
Do mang vác nặng, mệt mỏi, đoàn quân bị vuốt dài ra đến mấy chục mét. Mọi người bước đi một cách khó khăn, cam chịu. Con đường
mỗi lúc như muốn dãn thêm ra, hun hút, vô tận. Đi được gần hai giờ đồng hồ, đại đội trưởng mới cho phép mọi người nghỉ giải lao. Được thể,
những người lính không nói không rằng, cứ để cả ba lô, vũ khí trên lưng mà nằm ườn ra mặt rừng ẩm ướt, đầy những cây dương xỉ.
Đại đội trưởng lấy trong ba lô ra cây đèn pin đã được che sáng, chỉ còn chừa một lỗ nhỏ, rồi lấy tấm bản đồ tác nghiệp trải xuống đất, xem
xét. Ba Trần xách súng đi tới, ngồi xuống, cùng dõi mắt vào tấm bản đồ.
Theo dự kiến ban đầu thì điểm vượt sông của đại đội cách đồn bảo an ấp Cây Gòong lối chừng hai cây số về phía đông. Qua sự kiện
xảy ra vừa rồi, mọi chi tiết, kế hoạch đều phải thay đổi hết. Có nghĩa là đại đội phải làm lại từ đầu.
Đại đội trưởng dùng ngón tay xóa đi vết bút chì mờ và vạch lại điểm vượt sông. Lần này, bến vượt phải nằm ở phía tây, so với đồn địch.
- Chuyển đến chỗ mới này liệu có ổn hơn chăng? Ba Trần dò hỏi.
- Trong chiến tranh, không có gì có thể đảm bảo cả. Đại đội trưởng vừa gấp bản đồ vừa trả lời.
Đoàn quân lại tiếp tục lên đường ngay sau đó. Họ đi được chừng ba mươi phút thì đụng một dải rừng chết, chạy từ đông sang tây. Dải
rừng này bị chất độc hóa học Mỹ hủy diệt trong chiến dịch gọi là "Ranch Hand", nhằm hạn chế tới mức thấp nhất khả năng tấn công của
lực lượng ta vào các tàu chiến Mỹ hoạt động trên sông, từ phía những cánh rừng.
Theo phán đoán của đại đội trưởng thì dải rừng này sẽ chạy dọc theo sông Cái Bé và như vậy, điểm vượt sông của đơn vị anh sẽ được tiến
hành ở một chỗ nào đó thuận tiện trên cánh rừng này.
Khốn nỗi, thực tế lại không đúng như vậy. Sau khi đơn vị vượt qua cánh rừng chết lối chừng nửa cây số, thì đụng một cánh đồng rộng bị
bỏ hoang. Đây quả là một bất lợi cho đơn vị khi phải tiếp cận dòng sông qua cánh đồng này.
Đại đội trưởng đứng ngây người nhìn cánh đồng hoang chìm trong ánh trăng suông, lòng hoang mang, lo lắng. Anh không thể nào dám liều
lĩnh cho đơn vị băng qua đồng mà không soi đường trước. Ai có thể biết được nơi bờ sông kia, quân địch đang làm trò trống gì ở đấy.
Biết đâu chúng lại chẳng cho quân nằm chờ, hốt gọn các anh. Đại đội trưởng thở dài. Chà, sai một li là mọi việc trở nên rối tung cả. Tốt nhất
là phải cho đơn vị quay trở lại, nghỉ tạm nơi cánh rừng kia, tổ chức nắm địch cho vững, rồi mới có thể vượt sông được. Hấp tấp lúc này là
chẳng khôn ngoan một chút nào.
- Ông định tính sao đây? - Ba Trần nôn nóng hỏi.
- Đành phải quay trở lại, nghỉ tạm qua đêm, rồi tính. - Đại đội trưởng nói - Cần phải tìm hiểu xem tình hình địch chỗ chúng ta vượt sông
thế nào.
4
Sau cả tiếng đồng hồ vượt qua cánh đồng ngút cỏ, đại đội trưởng Lê Sỹ Quý dẫn tổ trinh sát mò mẫm, đến được bờ sông Cái Bé.
Nép mình vào bên một gốc cây soài cụt ngọn, cháy dở, đại đội trưởng cúi thấp người xuống, để có thể nhìn được rõ hơn địa hình trước
mắt anh. Hóa ra, nơi đại đội dự kiến làm bến vượt nguyên là một xóm nhỏ với vài ba nóc nhà, nối liền nhau bởi những mảnh vườn cháy trụi.
Phía sau mỗi ngôi nhà là những lều lá thấp hơn, có thể dùng làm nơi chăn nuôi gia súc, cất chứa dụng cụ sản xuất hoặc đồ đạc lặt vặt
của gia đình.
Đại đội trưởng lắng nghe xem có động tĩnh gì, rồi mới ra hiệu cho đồng đội bí mật tiếp cận lối xóm. Anh băng qua những khoảng trống
đầy trấu và phân bò khô, đột nhập vào một căn nhà ẩm thấp, nồng nặc mùi cứt gián. Rõ ràng ngôi nhà không có người ở, ít nhất là mấy
tháng nay, nên mái lá bị nắng mưa ăn thủng từng mảng lớn. Đại đội trưởng chợt giật mình bởi những tiếng động rào rào trong xó tối. Ngay sau
đó, anh nhận ra là tiếng của bầy chuột - chủ nhân thực sự của vùng này.
- Người ta đi hết rồi, anh Quý ạ! - Tiểu đội trưởng Nguyễn Hữu Phách nói thầm - Cả xóm vắng tanh vắng ngắt.
Đại đội trưởng gật đầu. Anh nói với đồng đội là hãy tản ra xa, xem có động tĩnh gì, rồi quay về báo cáo, còn mình thì lần xuống sát mép
nước. Gió lùa từ mặt sông lên mát lạnh, làm đại đội trưởng nổi gai người. Anh ráng sức kìm nén để không bật ra những tiếng hắt hơi đội
ngột. Đại đội trưởng đứng trân người một hồi lâu trước dòng sông mảnh mai, mà mới đây thôi, anh chỉ được biết trên tấm bản đồ.
Sông Cái Bé nơi anh đứng rộng chừng một trăm mét. Với khoảng cách ấy, về đêm, hạn chế rất nhiều đến tầm nhìn của anh. Mặc dù
vậy, anh vẫn nhìn thấy một cách mờ tỏ những thân cây chết nơi bờ sông bên kia và xa hơn nữa là vệt sẫm của khu rừng.
ở phía hạ nguồn, cách anh lối chừng hai cây số là ấp chiến lược Cây Gòong. Từ đây, anh có thể nhìn thấy ánh đèn le lói hắt ra từ những ô
cửa và nghe thấy cả tiếng ra-đi-ô đang rên rỉ một bản nhạc chiêu hồi.
Giá mà gặp được một người dân nào ở đây để tìm hiểu về quy luật hoạt động của địch thì hay biết bao nhiêu. Đại đội trưởng ao ước.
Nhưng khốn thay điều đó không còn là hiện thực. Địch đã tát sạch dân vùng này, gom vào các ấp chiến lược vây quanh các chi khu, yếu
khu hoặc thị trấn, thị xã và biến nơi ở cũ của họ trở thành vùng tự do oanh kích.
Trước đây, trong những lần chỉnh huấn, cán bộ chính trị cấp trên thường nói với các anh về yếu tố quyết định của nhân dân trong cuộc
chiến, nhưng đại đội trưởng cảm thấy ý nghĩa ấy hết sức mơ hồ. Anh chỉ thực sự nhận ra chân giá trị này khi phải trải qua những ngày
tháng khóc dở, mếu dở vì bơ vơ, không có dân nương tựa. Suy cho cùng, mục tiêu giành chiến thắng của các bên tham gia chiến tranh hiện
nay, chính là việc kiểm soát được con người. Xét trên bình diện thực tế lúc này thì kẻ thù đã làm được điều đó, trước các anh.
Trong lúc đại đội trưởng còn đang hưng phấn, nhận xét về những điều chẳng hề có liên quan gì đến công việc, thì có tiếng máy bay
trực thăng xuất hiện. Nghe qua tiếng động cơ của nó, đại đội trưởng linh cảm thấy có một điều gì đó gần với tai họa sắp sửa xảy ra. Với
phản xạ của một người lính từng trải, anh vội vã chạy lên bờ rồi nép vào bên gốc cây ô môi đầy cỏ. Đúng lúc đó, máy bay xuất hiện ngang
tầm mắt của anh.
Đó là ba con "sói biển", loại máy bay của hải quân Mỹ, mà các anh gọi là "cá lẹp". Chúng bay theo hình chữ A. Chiếc đi đầu bay rất thấp,
bật đèn pha sáng trưng, rà quét dọc đôi bờ sông hoang vắng. Hai chiếc sau bay cao hơn, s1/2n sàng nhả đạn vào những mục tiêu khả nghi
trên đường tuần tiễu.
Mặc dù biết bọn giặc lái không thể nhìn thấy mình, những đại đội trưởng vẫn cảm thấy thót ruột trước cái luồng sáng lạnh ngắt, sượt trên thịt
da anh.
Tốp máy bay vừa ào qua, đại đội trưởng đã thấy chúng đột ngột quay trở lại, và bất thần xả đạn vào xóm nhỏ, nơi phân đội anh đang ẩn
nấp. Đại đội trưởng kinh hoàng. Cái ý nghĩ bị địch phát hiện như một dòng điện lạnh buốt, chạy dọc sống lưng anh. Ngay sau đó, đại đội
trưởng phủ nhận sự phán đoán của mình. Anh cho rằng việc địch bắn phá khu xóm chỉ là do ngẫu nhiên thôi. Mặc dù vậy, anh vẫn có
cảm giác lo lắng không yên.
Tốp trực thăng vẫn không ngừng bắn phá. Dưới làn đạn hỏa tiễn, những ngôi nhà bắt đầu bốc cháy. Ngọn lửa quằn quại, nổ lép bép thắp
sáng cả một vùng. Gió nổi lên mỗi lúc một lớn, lùa lửa và khói về phía anh. Cỏ trong vườn cũng bắt đầu bén lửa, cháy rừng rực. Bị bao vây
bởi làn khói dày đặc, đại đội trưởng cảm thấy nghẹt thở, nước mắt, nước mũi chảy giàn giụa, nhưng anh vẫn ráng sức chịu trận, cho đến
khi buồng phổi của anh không thể kham được nữa. Đại đội trưởng ôm ngực, ho sặc sụa. Anh quờ quạng đưa ống tay áo chùi nước mắt rồi lần
xuống cái rãnh thoát nước cuối khu vườn.
Sau khi bắn cháy tất cả những gì còn lại trên mặt đất, tốp trực thăng lẩn vào bóng đêm, bay về phía biển.
Đại đội trưởng rũ người đứng dậy. Trong lúc anh còn đang ngơ ngác, thì tiểu đội trưởng Nguyễn Hữu Phách từ phía những ngôi nhà đang
cháy chạy tới, thở hổn hển, nói:
- Chúng phát hiện thấy có người vượt sông, anh Quý ạ! Chính mắt tôi đã nhìn thấy một chiếc xuồng bị trúng đạn, vỡ tan. May là có người
còn kịp nhảy lên bờ.
- Vậy thì chỗ này đếch vượt được rồi! - Đại đội trưởng thở sâu, nói - Có lẽ chúng ta phải đi tiếp về phía thượng nguồn xem thế nào. Khỉ
thật. Thế là công cốc...
- Tôi cũng nghĩ như thế! - Nguyễn Hữu Phách hưởng ứng.
Ngay sau đó, ba người lại tiếp tục lên đường. Lần này, họ men theo bờ sông đi ngược về phía đông bắc. Phải mất tới gần hai giờ tìm
kiếm, phân tích, suy xét, đại đội trưởng mới quyết định được chỗ vượt sông. Đó là một khúc quanh mà đơn vị có thể tận dụng được
địa hình che khuất, một khi tàu giặc đi tuần, bất ngờ rọi đèn pha. Tuy nhiên, nó cũng trở nên nguy hiểm một khi tàu của chúng ém s1/2n
từ một ngả kênh nào đó gần đấy, đột ngột mò ra, thì mọi người cũng khó bề xoay sở. Biết thế, nhưng đại đội trưởng không thể cầu toàn
được. Suy cho cùng, trên đoạn sông này, anh khó có thể tìm được chỗ vượt nào khả dĩ hơn.
- Phải chọn chỗ này thôi, Phách ạ! - Đại đội trưởng nói - Kể ra cũng không được toại nguyện lắm. Nhưng biết tìm chỗ nào tốt hơn đây?
Ngay bây giờ, hai cậu trở về chỗ tạm dừng, thông báo tình hình với Ba trần, để tổ chức hành quân vượt sông vào tối mai. Tôi sẽ nằm lại
đây xem xét thêm vào ban ngày...
- Theo anh thì mấy giờ ngày mai bộ đội có mặt tại đây? - Tiểu đội trưởng Nguyễn Hữu Phách kéo tay đại đội trưởng xem ké giờ, hỏi.
- Mười chín giờ! Đúng mười chín giờ! Nhớ lấy!
- Chẳng lẽ đại đội trưởng ở lại đây một mình sao? - Chiến sĩ Bùi Như Cáo áy náy hỏi - Ban ngày, bọn biệt kích ưa đi lùng lắm.
- Có một mình sợ quái gì.
- Chẳng lẽ anh nhịn đói từ giờ cho tới tối ngày mai?
- Tôi vẫn còn một nắm cơm ở thắt lưng đây! - Đại đội trưởng cười - Ăn nhiều chỉ tổ nặng bụng. Báu gì. Đại đội trưởng xem đồng hồ -
Thôi, mấy cậu về đi, trời sắp sáng rồi.
Chờ cho hai chiến sĩ lên đường, đại đội trưởng toan lần xuống bờ sông rửa mặt, thì có tiếng động cơ tàu địch rung lên. Hóa ra, bọn
chúng ém s1/2n ở khúc cua trên dòng sông từ lúc nào, bất ngờ nổ máy, bật đèn pha di chuyển.
Đoàn tàu địch có ba chiếc. Đi đầu là chiếc tàu nhanh PCF có biệt danh "chim cắt", lao vút qua mặt anh. Đại đội trưởng căng mắt quan
sát. Chiếc tàu dài lối chừng hai chục mét. Đầu và đuôi tàu gắn đại bác 50 li và hai đại liên nòng xoay, có tốc độ nhả đạn tới bốn ngàn phát
phút. Theo sau là hai chiếc PBR, loại thường, được trang bị đại bác 50 li và súng phóng lựu 81 li. qua ánh sáng hắt ra từ buồng lái con tàu, đại
đội trưởng nhìn thấy những tên xạ thủ Mỹ đội mũ sắt, mặc áo giáp tránh đạn, dáng vẻ căng thẳng, s1/2n sàng nổ súng khi cần thiết. Anh
còn nhìn thấy nhiều tên lính khác ngồi lấp ló phía sau tấm lá chắn bằng sắt, tay lăm lăm súng trung liên, hoặc súng M79. Rõ ràng việc đi
tuần ban đêm của các đơn vị hải quân Mỹ là một việc làm chẳng đặng đừng.
Đại đội trưởng đứng sững một hồi lâu, nhìn đoàn tàu giặc lướt qua trước mặt. Một cảm giác tiếc rẻ hiện lên trong mắt anh. Nếu như có một
lực lượng mạnh, lại được yểm trợ bởi hai khẩu pháo không giật, chắc chắn, anh sẽ xơi tái mấy chiếc tàu này; Đại đội trưởng nghĩ bụng, lững
thững lần xuống bờ sông. Thủy triều xuống, nước chảy khá mạnh. Anh nhìn thấy những mảng lục bình và những mẩu cây lao vun vút trên
dòng nước. Gió đêm thổi về mát rượi, mang đi những giọt mồ hôi ướt đẫm trên mái tóc anh. Đại đội trưởng dựng khẩu súng vào một mô đất, rồi
cúi xuống gội đầu, sau đó, anh dự định tắm cho mát. Tuy vậy, anh vẫn cứ chần chừ. Hình như những kinh nghiệm ở chiến trường đã
ngăn cản anh. Anh đang định trút bỏ quần áo, bước xuống dòng nước thì chợt phát hiện thấy một vệt đen sẫm giống hình dạng một con tàu
thấp thoáng ở phía xa. Đại đội trưởng quờ lấy súng, nhảy vội lên bờ, nép vào một gò đất đầy cỏ.
Vệt đen ở dưới sông vẫn trôi về phía anh một cách nặng nề, chậm chạp. ít phút sau, nó hiện nguyên hình là một con "chim cắt" tắt máy,
thả trôi.
- Mẹ khỉ. chỉ một chút xíu nữa là mình bị với nó! - Đại dội trưởng rủa thầm.
Chiếc tàu trôi qua mặt anh một cách trì trệ, biếng nhác. Đại đội trưởng xem đồng hồ. Đã gần bốn giờ sáng. Anh buộc lòng phải từ bỏ ý
định tắm đêm nay.
5
Rốt cuộc, đại đội trưởng Lê Sỹ Quý cũng đã đưa được đơn vị về đứng chân ở phía bắc làng Hòa Thạnh, thay vì làng Thới An như đã dự
kiến trước. Đơn vị đóng quân trong một rẻo rừng tràm xen lẫn với ô rô còn sót lại sau một trận bom B52 hủy diệt hồi tháng trước.
Gần trưa, khi vừa dẫn quân đến, đại đội trưởng đã lội một vòng, xem xét kỹ khu rừng này. Rẻo rừng không thật rộng, nhưng cũng không
quá nhỏ so với yêu cầu đóng quân. Mật độ che phủ của cây rừng làm anh ưng ý. Vào đầu mùa khô, hoa tràm nở trắng, tỏa một mùi hương
thơm dịu, ngọt ngào. Đại đội trưởng còn nhìn thấy mấy bầy ong chuyển tổ, kéo qua rừng, trông như những đám mây đen ồn ào, chuyển
động. Một cảm giác yêu đời, thư thái bất chợt dâng lên trong lòng anh. Nếu như không có chiến tranh? Lại nếu như... anh có thể sống một
mình, buông thả trong cánh rừng này để được tận hưởng cái không khí thơm tho, lãng mạn giữa khu rừng. Vậy mà... Đại đội trưởng chợt thở
dài. Một cảm giác cay đắng từ trong sâu thẳm lòng anh chợt trào dâng làm cổ họng khô rát.
Thật khốn nạn, tại sao lại có kẻ cứ muốn áp đặt lối sống của dân tộc này lên một dân tộc khác? Chẳng lẽ họ không đủ trí khôn để nhận ra
rằng đó là một việc làm điên rồ, ngốc nghếch và không bao giờ thực hiện được hay sao? Thôi thì mặc xác họ, công việc của anh hiện nay
là làm sao có thể đánh thắng được kẻ thù, mà đơn vị không ai phải chết, hoặc chí ít chỉ bị thương xoàng thôi, thế cũng đủ thỏa mãn
lắm rồi. Sống trong dòng chảy của cả một dân tộc, anh phải hành động như tất thảy mọi người là ráng sức góp phần mình để giành lấy
chiến thắng. Chỉ có chiến thắng mới kết thúc được chiến tranh.
Mấy tháng nay, đài địch nói ra rả về đàm phán hòa bình ở Pari, nhưng anh chẳng tin. Tin thế quái nào được cái bọn Yăngki kia chứ. Mải
nghĩ, đại đội trưởng đi quanh co thế nào lại đụng một con lạch nhỏ, rộng chừng ba mét, cắt ngang rẻo rừng tràm. Anh đi men theo con
lạch về phía tay phải lối chừng gần một trăm mét, thì đụng một con đường mòn cũ chạy theo hướng bắc - nam. Đại đội trưởng phân vân
một hồi, rồi đi theo con đường mòn. Anh bắt gặp mấy căn hầm đắp nổi đã cũ, nằm rải rác đây đó. Có hầm đã bị sụt lở, nhưng gỗ còn
tốt. Tận dụng được những chiếc hầm này sẽ đỡ công sức của bộ đội rất nhiều.
Sau khi cân nhắc, đại đội trưởng quyết định dời đơn vị đến đây. ở chỗ này, rừng thoáng đãng, lại có con lạch thuận tiện cho việc
phòng ngự, một khi có tình huống xấu xảy ra.
Lệnh di chuyển đơn vị đến chỗ ở mới đã gây lên sự bực dọc, cáu kỉnh của một số anh em. Mọi người chấp hành mệnh lệnh với một thái
độ miễn cưỡng, khó chịu.
- Là lính, ở chỗ nào mà chả được. Di chuyển hoài, mệt bỏ cha. Thảo "lạnh lùng" - y sĩ của đại đội, người thuộc trường phái "phớt Ăng-lê" - càu
nhàu, trong lúc khệ nệ chuyển đồ đạc.
- Cán bộ có phải mang nặng như bọn mình đâu mà thông cảm. - Một người khác phụ họa - Ngồi chưa ấm đít đã đi.
- Mẹ khỉ, lính tráng gì mà càu nhàu như đàn bà thế hả? Ba Trần vừa khoác ba lô lên vai vừa nói - ở lại thì phải đào hầm. Di chuyển có
độ mấy trăm mét thì khỏi phải đào mà còn kêu. Bộ tụi bay thích đào hầm lắm hả?
Nghe tới việc không phải đào hầm, nét mặt mọi người vui vẻ hẳn lên. Tiểu đội trưởng Nguyễn Hữu Phách nháy mắt với Thảo Lạnh Lùng,
đổi giọng:
- Không phải đào hầm thật chứ, anh Ba? Ôi thế thì tuyệt quá! Chỉ huy ra chỉ huy. Thế mới là chỉ huy chứ.
- Cái giọng mày ghét bỏ mẹ. Ba Trần mỉm cười - Thôi lẹ lên rồi còn nấu cơm. Mẹ khỉ. Đói rã người rồi.
Việc di chuyển đến chỗ ở mới xem ra hợp lý. ở đây, ngoài những căn hầm, còn có một cái bếp Hoàng Cầm và một cái giếng, tuy không
thật sâu, nhưng nước ngọt, có màu đỏ bởi lá tràm rụng, phai ra.
Ngay buổi trưa hôm ấy, sau khi lùa vội ba chén cơm với vài miếng cá khô nướng, đại đội trưởng dẫn theo Nguyễn Hữu Phách và chiến sĩ giữ
B41 - Phan Lâm, đi nghiên cứu thực địa với anh ở ngoài sông Cái Bé, chỗ khúc quanh, nơi các anh vượt sông đêm qua. Nhìn thái độ của
chỉ huy, Ba Trần tin rằng đại đội trưởng có vẻ cay cú với bọn tuần giang Mỹ.
- Sao không đi điều nghiên ở sông Cái Lớn? Hướng tấn công chính của mình ở đằng kia mà? - Ba Trần thắc mắc.
- Rồi sẽ đến sông Cái Lớn. Đại đội trưởng đủng đỉnh nhét tấm bản đồ khu vực vào túi quần sau, nói - Cần phải rút kinh nghiệm từ một
trận đánh nhỏ, mới có thể thua đủ cho một trận đánh lớn. Ông ở nhà cho mọi người sửa chữa lại mấy căn hầm sụt lở đi, rồi xua lũ bọ mát trong
hầm ra, đợi tôi về rồi tính. Nói xong, đại đội trưởng dẫn quân đi.
Đoạn đường từ căn cứ ra đến khúc cua trên sông Cái Bé tưởng là gần mà các anh phải đi mất hai giờ đồng hò, không kém hơn được. Ra
khỏi khu rừng tràm, vừa đụng dải rừng chết, đại đội trưởng cho mọi người dừng lại vì máy bay trinh sát quần đảo rất dữ, đoạn từ ấp Cây
Gòong đến xã Hòa Bình.
Chờ mãi sốt ruột, đại đội trưởng cho ngụy trang để vượt qua rừng chết. Phải mất tới gần nửa giờ đồng hồ, anh mới đưa được hai chiến sĩ ra
tới bờ sông.
Một lần nữa, kể từ ngày hôm qua, đại đội trưởng lại nhìn thấy con sông đỏ quạch phù sa, uốn lượn một cách mềm mại, đầy vẻ lãng mạn này.
Hình ảnh tương phản với dòng sông là những cánh rừng trèm chết trụi, nhiều chỗ bị cháy đen, trông vằn vện như da báo. Nhìn cánh rừng,
đại đội tưởng lại nhớ tới câu chuyện mà trung úy Phan Vĩnh đã kể với anh. Anh nhớ đến cái gã đô đốc Elmo Zumwat trời đánh thánh vật kia.
Để giảm thiểu các cuộc tấn công ồ ạt, ngày một nhiều của lực lượng ta trên những dòng sông của phương Nam, chính gã đô đốc đã ra lệnh
cho máy bay C123 rải chất độc, giết chết những cánh rừng. Lại còn gã trung úy chỉ huy tàu nhanh, con trai của gã nữa? Chà, giá mà có một
cách nào đó để túm được cái thằng ấy nhỉ? Lúc đó, ta sẽ chẳng thèm hỏi cung nó làm gì cho mệt xác. Cứ cho nó mỗi ngày ngồi độ chừng
mười phút bên những cái thùng chất độc sơn màu vàng hoặc trắng nằm rải rác trong những cánh rừng kia, để nó được tận hưởng những sản
phẩm sáng tạo của trí tuệ Hoa Kỳ, để nó thấm hiểu cái nỗi đau mà người dân ở đây phải gánh chịu.
Nghĩ đến chuyện trả thù độc địa này, đại đội trưởng thấy lòng phấn chấn hẳn lên. Có thể trong những lúc bực bội, anh nghĩ như thế
thôi, nhưng bản chất của anh không phải là một người hèn mọn như vậy. Về một chừng mực nào đó, anh luôn tin tưởng vào những lời giáo huấn
đúng đắn của tổ tiên anh. "Di xú vạn niên". Câu nói ấy chẳng đã dạy anh là làm điều ác đức thì để lại tiếng xấu muôn đời ư?
Mò mẫm một hồi, đại đội trưởng mới tìm được một mô đất cao, cỏ mọc um tùm, có tầm quan sát rộng và chủ yếu là có địa thế thuận lợi
cho việc bố trí đội hình chiến đấu.
- Từ chỗ này, trường hợp xảy ra tác chiến, súng của cậu có thể với tới được khúc cua kia không? Đại đội trưởng quay sang hỏi Phan Lâm.
- Chà, anh có vẻ coi thường về khẩu súng của tôi quá đấy! - Phan Lâm lau mồ hôi, vui vẻ nói - Khoảng cách từ đây tới đó là tầm hiệu quả
chính xác của nó.
Đại đội trưởng gật đầu, anh quay về phía Nguyễn Hữu Phách:
- Nếu là sĩ quan chỉ huy tàu nhanh, cậu sẽ xử trí như thế nào, nếu bất ngờ phát hiện ra một bãi chà cây ở bên phải khúc cua kia?
Tiểu đội trưởng cắn môi, nghĩ ngợi:
- Tôi sẽ cho tàu chạy sát vào bờ bên này, đúng thế, đồng thời quay súng vào bờ, s1/2n sàng nã đạn vào mục tiêu. Trường hợp bị tấn công, tôi
sẽ cho những tàu chạy ở phía sau quay mũi, lao vào bờ, tung người đánh tạt sườn vào đơn vị chốt chặn của đối phương.
- Nếu đồng thời ta vừa tập kích bằng phi lôi, hỏa tiễn, vừa bấm mìn cùng một lúc thì cậu tính sao?
- Trông chờ ở sự may rủi.
- Cảm ơn! - Đại đội trưởng tỏ vẻ hí hửng. Anh đứng lại quan sát hai bên bờ sông thêm một lần nữa xem có phát hiện gì mới không, để bổ
sung vào phương án tác chiến, nhưng không thấy gì cả. Đúng lúc ấy, lúc mà anh ra hiệu cho đồng đội trở về, thì có tiếng súng nổ từ phía
xã Hòa Bình. Mới đầu là những loạt súng lẻ tẻ, xen lẫn tiếng nổ âm vang của lựu đạn, hỏa tiễn và sau đó là tiếng súng đại liên, tiểu liên
dồn dập, hỗn độn. Những ngọn cỏ rung lên và bầu trời tưởng như đang sôi sùng sục.
Tiếng súng nổ được chừng vài phút thì im bặt, sau đó, lại rộ lên. Lần này, anh nghe thấy cả tiếng súng cối và súng phóng lựu. ít lâu sau,
súng nổ thưa thớt dần, lẻ tẻ rồi rơi vào im lặng.
Đại đội trưởng đứng ngây ra trong ít phút và cảm thấy lòng se thắt lại. Theo cảm nhận của anh thì rõ ràng một đơn vị nhỏ lẻ nào đó của
ta đã đụng đầu với một đơn vị lớn của địch. Sự chênh lệch quá ư về hỏa lực đã đẩy lực lượng của ta rơi vào thế bị áp đảo hoàn toàn.
Trận đánh đã kết thúc và sự bất bất lợi rơi vào lực lượng yếu hơn. Nhưng chính những phát súng nổ lẻ tẻ ở phần cuối trận đánh đã đem
đến cho anh một cảm giác mơ hồ là vẫn còn có người sống sót. Anh hy vọng như vậy.
Vào khoảng năm giờ chiều, đại đội trưởng mới về tới đơn vị. Trước khi về hầm chỉ huy, anh cảm thấy có một cái gì đó khang khác vừa mới
xảy ra tại căn cứ đóng quân. Đại đội trưởng nhìn quanh tìm kiếm một chiến sĩ, nhưng không thấy. Anh ngần ngại dựng khẩu súng vào vách
hầm, rồi tháo bao xe đạn. Vừa quay ra, anh nghe thấy tiếng chân chạy gằn của một người nào đó trở về.
- Ba Trần đâu? - Đại đội trưởng hỏi với một thái độ khó chịu.
- ảnh sang chỗ du kích!
- Lại còn du kích nào nữa?
- Du kích xã Hòa Bình. Anh lính nói - Họ mới bị bọn biệt kích "Thần Hổ" đánh tan tác, mới chạy về đây.
- Tôi biết ngay mà! - Đại đội trưởng dậm chân, đau khổ kêu lên - Hiện thời họ ở đâu? Họ bị thương vong nhiều không?
- Thương vong thì em không biết cụ thể, nhưng nghe nói là thiệt hại nặng lắm! Hiện giờ, họ đang ngồi ở phía sau giếng nước, gần nhà
bếp ấy.
Trước nỗi đau của đồng đội, đại đội trưởng không thể bình tâm được. Anh vội vã đi về phía nhà bếp. Qua khỏi con lạch cạn mọc đầy
dừa nước, anh nhìn thấy một đám đông đang quây tụ gần một căn hầm.
Vừa mới trông thấy anh, Ba Trần hất hàm nói với một cô gái, có lẽ là chỉ huy, đầu tóc rối bời, quần áo rách rưới, bê bết bùn đất, vẻ mặt vẫn
chưa hết kinh hoàng, ngồi thu lu bên miệng hầm, trông giống như là một đứa trẻ.
- Đại đội trưởng của chúng tôi đấy! - Ba Trần cất tiếng - Chị có thể nói chuyện trực tiếp với ảnh.
Cô gái vẫn ngồi im lặng, không một chút biểu cảm. Mãi sau cô mới ngửng lên nhìn đại đội trưởng bằng cặp mắt trống rỗng, vô hồn.
- Các đồng chí đụng địch vào lúc hai giờ hơn, phải không? Đại đội trưởng nhìn cô gái đau đáu, cất tiếng hỏi.
Cô gái lơ đãng gật đầu. Dường như cú xốc quá nặng mới rồi vẫn còn đè nặng trong tâm trí của cô. Đại đội trưởng không muốn quấy rầy cô
nữa. Anh khẽ lắc đầu, nhìn những người khách mới tới. Ngoài cô gái chỉ huy mà anh vừa tiếp xúc, họ còn hai người, một nam, một nữ. Người
đàn ông ngồi xoay lưng về phía anh, còn người con gái thì tựa cằm trên đầu gối, cặp mắt mệt mỏi, đau buồn, luôn nhìn xuống đất. Rõ
ràng cuộc chiến đấu hồi chiều đã gây cho họ tổn thất đến mức, khi đã qua khỏi hiểm nguy, họ vẫn chưa thể hoàn hồn.
- Bảy Tâm, chị phải nói một điều gì đi chứ? - Ba Trần sốt ruột - Hãy nói với cấp trên của chúng tôi xem các chị cần gì. Chị hãy nói như
đã nới với tôi vừa rồi ấy!
Đại đội trưởng ra hiệu cho Ba Trần im lặng. ép buộc người khác phải nói trong lúc tâm trạng họ chưa ổn là không nên một chút nào. Hãy cứ
để yên cho cô gái với những cảm xúc hiện hữu. Một lúc nào đó, nếu thấy cần thiết, tự cô sẽ nói những điều cần nói.
- Cái cô bé thật kỳ quặc! - Ba Trần phàn nàn, cố ý cho mọi người nghe thấy - Lúc mới tới đây, ai cũng tranh nhau nói, vậy mà khi gặp chỉ
huy của người ta, cấm thấy ai hé răng.
Đến lúc này, cô gái có tên là Bảy Tâm mới ngửng lên nhìn đại đội trưởng. Cái nhìn của cô buồn bã, mệt mỏi, nhưng lại có một cái gì đó làm
rối ruột gan anh.
- Tụi em là du kích xã Hòa Bình! - Bảy Tâm cất tiếng - Vào đầu giờ chiều, bọn em đang họp triển khai chỉ thị chống càn U Minh,
thì bọn biệt kích ập tới. Chúng có một đại đội, còn tụi em chỉ có hơn chục người. May mà tụi em phát hiện, nổ súng trước, không thì
chẳng còn ai sống được... - Nói đến đây, Bảy Tâm òa khóc - Đồng chí bí thư xã của tụi em hy sinh đầu tiên, rồi đến xã đội trưởng. Tụi
em thế yếu, vừa đánh vừa chạy... Mấy anh ơi, chúng em mất hết cả rồi.
Đại đội trưởng bặm môi, cố nén cho nước mắt khỏi trào ra.
- Thế còn các đồng chí kia? - Anh hỏi vào lúc Bảy Tâm đã lắng đi phần nào xúc động.
- Nữ đồng chí ngồi kia tên là Năm Thi, phụ trách chi đoàn xã. Còn đồng chí nam thì phụ trách kinh tài. Tên đồng chí ấy là Ba Thạnh...
Mười mấy con người chỉ còn sống được có ba. Mới đó thôi, tụi em còn ngồi với nhau, vậy mà họ đã lần lượt bỏ em đi... Trời ơi là trời... Bảy
Tâm gào lên, hai tay đấm xuống đất.
Đại đội trưởng thở dài. Anh bước tới ôm lấy vai cô, an ủi:
- Thôi, đủ rồi, Bảy Tâm. Tôi biết em đau khổ khi đồng đội không còn nữa. Nhưng nếu cứ khóc lóc mãi thì chúng ta sẽ chẳng còn sức lực
đâu. Hãy nghe tôi, nín đi, nín đi rồi nói với mọi người tắm giặt, xong, ăn cơm. Chúng ta không thể cứ bị thua mãi được.
Bảy Tâm khóc một hồi lâu rồi đứng dậy. Cô nói với mọi người những điều đại đội trưởng vừa dặn và đưa họ về ở chung với đơn vị bộ
đội. Đại đội trưởng lấy quần áo dài tay duy nhất còn lại, trao cho Bảy Tâm. Thảo Lạnh Lùng cũng đưa bộ đồ ka-ki dày cộp cho Năm Thi
mặc đỡ. Quần áo trên người họ rách bươm, không thể nào vá được nữa.
Màn đêm buông xuống rất nhanh làm cho khu rừng trở nên mông lung, nặng nề âm khí. Bầu trời cuối năm cao vời vợi. Qua khoảng trống
của tàn cây, đại đội trưởng nhìn thấy những vì sao sáng đến lạnh lùng. ở đâu đó, dưới vòm trời đầy sao này, súng vẫn nổ giật từng cơn,
làm cho cây rừng rung lên từng chặp.
- Tình hình nghiên cứu hồi chiều thế nào rồi, anh? - Từ xa, Ba Trần cầm đèn bấm, đi đến chỗ đại đội trưởng, cất tiếng hỏi.
Đại đội trưởng ngồi bật dậy, với tay lấy tấm bản đồ để trên nắp ba lô, trải xuống đất, trong lúc Ba Trần soi đèn bấm.
- Hồi chiều, tôi đã nghiên cứu khá kỹ tại khu vực này, chỗ khúc cua, nơi chúng ta vượt sông đêm trước ấy! - Đại đội trưởng chỉ tay lên tấm bản
đồ - Điều thuận tiện nhất ở đây là chúng ta có thể thả chà cây xuống sông, phía bên kia khúc cua, buộc địch phải giảm tốc độ và cho
tàu chạy gần bờ bên này. Chúng ta sẽ thiêu cháy chiếc PCF bằng B41 tại đây. Đồng thời ĐH10 được bố trí ở phía sau để đánh đắm
những chiếc tàu còn lại.
Trình bày kế hoạch đánh địch xong, đại đội trưởng nhìn Ba Trần tìm kiếm sự đồng tình, nhưng người cán bộ dưới quyền vẫn trầm
ngâm, nghĩ ngợi.
- Nếu ông là chỉ huy tàu nhanh, khi đụng bãi chà, ông sẽ xử trí thế nào? - Đại đội trưởng gặng hỏi Ba Trần câu hỏi mà anh đã từng đặt
ra với tiểu đội trưởng Nguyễn Hữu Phách hồi chiều.
- Tôi buộc phải cảnh giác trước khi cho tàu chạy gần bãi chà xuất hiện một cách đột ngột trên sông. - Ba Trần đủng đỉnh nói - Nhưng đại
đội trưởng thân mến của tôi ạ, bọn Mỹ không ngớ ngẩn, cụm lại một chỗ cho đối phương hốt gọn đâu. Chúng chỉ có thể bị diệt chiếc
đầu tiên, nhưng những chiếc đi sau sẽ nhanh chóng lùi xa bờ, dùng toàn bộ hỏa lực đón chúng ta, rồi gọi máy bay hỗ trợ. Từ Rạch Giá tới đây
có khoảng mười mấy cây số đường chim bay thôi, ông ạ. Lúc đó, không phải là chúng bị nguy mà là chúng ta.
Đại đội trưởng há hốc mồm nghe Ba Trần trình bày. Anh đột ngột nhảy chồm lên, khoái chí la lớn:
- Ông nói đúng! Như vậy tình thế buộc chúng ta phải hoán đổi vị trí hỏa lực.
- Đúng như vậy! - Ba Trần phát mạnh tay vào vai người chỉ huy của mình, nói - Bữa nay, chỉ số thông minh của ông xem ra khá đấy.
- Thôi, xin bố! - Đại đội trưởng nói - Chính cách đặt vấn đề của ông đã gợi ý cách đánh cho tôi.
- Ông định chừng nào tiến hành?
Đại đội trưởng xem đồng hồ. Anh nói chỉ đủ hai người nghe thấy:
- Tôi nghĩ, chiều mai hành quân.
- Ngày mai à? - Ba Trần bấm đốt ngón tay - Mai là ngày Dần, thuộc Mộc. Mạng ông thuộc Hỏa sẽ tương sinh. Địch từ hướng tây đến,
thuộc Kim. Kim sẽ khắc Mộc và lại càng khắc với mạng Hỏa của ông. Ngày mốt, đụng địch, ta thắng!
- Thôi đi. - Đại đội trưởng gạt tay - Ông biết quái gì về độn giáp mà nói.