Chương 5
KHÓC THAN VÀ GIẬN DỮ

     ăm 1942, ba cơ quan của Trung Cộng là Cục phương Nam, Tân Hoa xã, Văn phòng đại diện quân đoàn 18 đều làm việc ở Trùng Khánh, thân phụ Chu Ân Lai và thân mẫu Đặng Dĩnh Siêu cũng được đưa về đây cùng sống với con cái dâu rể. Số nhà 50 đường Tằng Gia Nham ngoài đề 3 chữ “Chu công quán” với những tầng lầu xinh xắn, nhưng Chu Ân Lai rất ít ở đây vì gần Thượng Thanh Từ, trụ sở của cơ quan đầu não Quốc dân đảng do thủ lĩnh đặc vụ Đới Lạp chỉ huy. Chu và gia đình trú tại Hồng Nham Chủy, tuy xa trung tâm thành phố khoảng 5 cây số nhưng an toàn, phong cảnh lâm viên có cây cối núi đồi, lại được quân lính bảo vệ. Thân phụ Chu Ân Lai có tên gọi Chu Thiệu Cương, người hiền lành, trung hậu và hơi nhút nhát, ai cũng xưng hô là cụ Chu, chị cả Đặng không dám kêu “cha” mà một điều hai điều đều “thưa cụ, bẩm cụ”. Cụ Chu ưa uống rượu và du lãm, cho nên anh em phục vụ chúng tôi thường phải chú ý hai điều ấy thôi.
Đó là những ngày cuối tháng 6 năm 1942, Trùng Khánh vô cùng nóng nực, Chu Ân Lai vào viện mổ bàng quang, Đổng Tất Vũ nhận được điện của Mao Trạch Đông từ Diên An truyền về: “Ân Lai cần tĩnh dưỡng, chưa lành bệnh chưa ra viện, có ra viện cũng phải nghỉ ngơi giữ gìn sức khỏe, mong đồng chí hết sức chú ý”.
Đổng Tất Vũ, Đặng Dĩnh Siêu và Tiền Chi Quang ngày ngày thay phiên nhau vào viện chăm nom Chu, nhưng một sự việc không may đã bất ngờ xảy ra: ông cụ đi chơi trúng gió, kíp đưa đi cấp cứu, song tuổi cao sức yếu, không may qua đời. Biết làm thế nào bây giờ, vết mổ của Chu còn chưa cắt chỉ, ông lại là người con có hiếu; mỗi lần về quê thăm gia tộc gặp các bậc bề trên, Chu Ân Lai đều lễ phép cúc cung bái lạy đâu và đấy, ai ai cũng khen ông giữ được gia phong. Các đồng chí cả ba cơ quan quyết định giấu Chu Ân Lai, giữ gìn thi thể ông cụ và nán đợi vài ngày nữa xem bệnh tình của Chu thuyên giảm ra sao rồi mới báo cáo với ông.
Vừa thấy tôi vào dọn dẹp bệnh phòng, Chu Ân Lai liền hỏi:
- Sao hai hôm nay không thấy Đổng Tất Vũ?
- Thưa Phó chủ tịch, chắc bên Cục phương Nam có công việc. - Tôi trả lời qua quýt rồi giả vờò bận rộn soạn cái này sắp cái kia. Chu Ân Lai vẫn tỏ ra áy náy bồn chồn và gọi tôi:
- Chú Hà, bỏ đấy, tôi hỏi thật chú ở nhà có việc gì không?
- Dạ không ạ, chắc bên Cục phương Nam...
- Cục phương Nam thế nào, nếu có công việc lại càng phải vào gặp tôi, cớ sao hai ngày rồi không thấy Đổng Tất Vũ đâu cả?
Kỷ luật và nguyên tắc dạy chúng tôi, rằng việc không được biết không nên hỏi, việc không được nói phải thật im lặng, tôi loanh quanh một lúc rồi tìm cách cáo từ. Ngày thứ ba vết mổ của Chu Ân Lai vừa cắt chỉ, Ngô Khắc Viện vào viện báo cáo tình hình cơ quan, dù Ngô có bản lĩnh đến mấy cũng không giấu được ánh mắt hoảng loạn khi nhìn thẳng vào Chu Ân Lai, ông hỏi Ngô:
- Các đồng chí đang giấu tôi điều gì phải không? Chú Hà - Chu Ân Lai gọi tôi đưa ông ra viện gấp. Sự tình đến nước này thì khó lòng mà giấu được Chu, tôi tìm cách kéo dài thời gian làm thủ tục để liên lạc với chị cả Đặng chủ động chuẩn bị.
Xe tới văn phòng Hồng Nham Chủy, không cần ai dìu đỡ, Chu Ân Lai lao vào nhà và thấy Đặng Dĩnh Siêu tay mang băng đen.
- Chuyện gì thế Tiểu Siêu?
- Cụ vừa qua đời cách đây 3 hôm vì trúng gió...
- Trời! - Chu Ân Lai chỉ kêu được ngần ấy và gục quỵ xuống đất khóc than như một đứa trẻ thơ: - Tiểu Siêu! Sao em nỡ giấu anh. Các đồng chí! Sao các đồng chí nỡ giấu tôi. Đã 3 ngày rồi, trời ơi! Các đồng chí không có cha mẹ hay sao? Chủ nghĩa Mác dạy chúng ta không cần cha mẹ hay sao? Không làm người con hiếu thảo thì chúng ta sao trỏ thành cộng sản được? Không có cha mẹ làm gì có chúng ta?
... Mọi người chỉ còn biết im lặng và cùng Chu Ân Lai tuôn trào dòng lệ của đạo làm con. Đổng Tất Vũ đến bên cạnh ông và đưa bức điện của Mao Trạch Đông như để thanh minh mọi sự giấu kín trong 3 ngày qua, Chu Ân Lai lau nước mắt và đứng dậy thảo ngay điện báo cho Máo: “Thưa Chủ tịch, vừa về thì hay tin thân phụ qua đời đã 3 ngày, đau thương cùng cực, ân hận làm con bất hiếu, sáng mai sẽ an táng”. Vài phút sau Mao phúc điện phân ưu: “Tôn ông tạ thế, Bộ Chính trị gửi lời chia buồn thống thiết, mong đồng chí cẩn trọng, bệnh vừa thuyên giảm, chú ý nghỉ ngơi”.
Chu Ân Lai đứng bên linh cữu cha đúng một đêm tròn, tưởng nhớ đức cù lao, công dưỡng dục của phụ mẫu, ai khuyên ông đi nghỉ vì mới ra viện, ông cũng không nghe. Thi hài cụ ông Chu Thiệu Cương mai táng tại phần đất của Trung Cộng ở Trùng Khánh lúc bấy giờ, sau đó trở thành nghĩa trang liệt sĩ chôn cất Lý Thiếu Thạch cùng 20 chiến sĩ Hồng quân bị Quốc dân đảng ám hại ngay trong lúc Mao và Tưởng đàm phán, tại đấy còn có sinh phần của thân mẫu Đặng Dĩnh Siêu.
Câu chuyện tôi vừa kể là những gì muốn nói về đức tính hiếu thảo trong con người Chu Ân Lai, muốn nói về tình cốt nhục trong con người cộng sản mà hồi ấy Quốc dân đảng và Tưởng Giới Thạch cố sức bôi đen, xuyên tạc chúng tôi. Ngày 8 tháng 4 năm 1946, sau khi tiễn các đồng chí Vương Nhược Phi, Bác Cổ, Diệp Đình, Đặng Phát bay về Diên An, Chu Ân Lai và chúng tôi trở lại văn phòng của Trung Cộng ở Thượng Thanh Từ để chờ phúc điện từ Trung ương về chuyến bay hạ cánh. Vương Nhược Phi và Bác Cổ có nhiệm vụ báo cáo với Mao Trạch Đông và Trung ương tình hình đàm phán với Quốc dân đảng và kết quả của hội nghị chính trị hiệp thương, còn Diệp Đình vừa được phóng thích từ nhà ngục của Quốc dân đảng. Theo kế hoạch Chu Ân Lai bố trí thì Diệp phải nghỉ ngơi vài ngày ở Trùng Khánh, nhưng ông nhớ Diên An da diết nên xin Chu cho phép cùng con gái đi đón là Dương Mi cùng bay trong chuyến này; người thứ tư là Đặng Phát, đại biểu Trung Cộng dự hội nghị công hội ở Paris quá giang về Diên An. Tôi thấy Chu Ân Lai bồn chồn một cách lạ thường, đi đi lại lại và luôn hỏi Trần Hạo “đã có điện của Diên An chưa?”. Đã mấy phen lâm nạn trên không, Chu Ân Lai lo lắng cho các chiến hữu đồng chí của mình, huống hồ lúc ấy tình hình rất phức tạp, Quốc dân đảng và Tưởng Giới Thạch sẵn sàng đánh phá bất cứ khi nào chúng tôi sơ suất. Còn nhớ Mao Trạch Đông đến Trùng Khánh đàm phán, hiệp định “song thập” chưa ký kết thì bỗng đại sứ Mỹ là Hurley chuẩn bị về nước, Chu Ân Lai rất lo lắng, ông gặp Hurley chất vấn:
- Thưa ngài đại sứ, ngài đón Mao Chủ tịch từ Diên An đến đây dự đàm phán, nay hiệp định vẫn chưa được ký, ngài sắp về nước, rõ ràng là sẽ rất khó khăn, rõ ràng sẽ làm mất lòng tin của mọi người!
Hồi ấy, Tưởng Giới Thạch đã có ý định hãm hại Mao Trạch Đông, cho dù ông ta đang bị dư luận trong và ngoài nước gây sức ép nhưng cũng không loại trừ khả năng manh động. Sở dĩ Chu Ân Lai đồng ý để Mao Trạch Đông bay từ Diên An về Trùng Khánh là vì trong phi cơ có hai “con tin”: đại sứ Mỹ Hurley và Trương Thị Trung - Thượng tướng của Quốc dân đảng. Vậy lần này trở về Diên An, Chu Ân Lai quyết tìm mọi cách bảo vệ an toàn cho Mao Trạch Đông, ông gặp Trương Thị Trung:
- Huynh không thể đón Mao Chủ tịch đến đây mà không đưa về lại Diên An, nếu quả thất tín như vậy là chúng tôi kiên quyết phản đối!
Cuối cùng Chu Ân Lai gặp Tưởng Giới Thạch buộc ông ta phải đáp ứng yêu cầu của Trung Cộng, đảm bảo an toàn cho Mao Trạch Đông trở về Diên An.
Nhưng lần này đối với Vương Nhược Phi, Bác Cổ, Diệp Đình và Đặng Phát, Chu Ân Lai đã không làm được như vậy và quả nhiên điện báo từ Diên An truyền đến: máy bay mất tích, đó là vụ không nạn “mồng 8 tháng 4” được ghi trong lịch sử Trung Cộng, phi cơ đã đâm vào rặng núi Hắc Trà Sơn, cướp đi sinh mạng của những người cộng sản và Chu Ân Lai quằn quại khóc than như thể bao trách nhiệm đều mình ông gánh chịu. Ngày 19 tháng 4, chúng tôi làm lễ truy điệu các liệt sĩ 4 tháng 8, Chu Ân Lai nén đau thương kể lại chuyến bay vượt Tần Lĩnh lần trước và căn dặn mọi người đừng nghi oan cho các phi công quân đội Mỹ lúc bấy giờ. Đó là lần thứ hai tôi chứng kiến Chu Ân Lai khóc than, ông khóc cho tình đồng đội, đồng chí, bằng hữu... một nhu cầu trong cuộc sống của con người.
Ngày 26 tháng 6 năm 1946, quân đội Quốc dân đảng phát động tấn công khu giải phóng Trung Nguyên và tuyên bố trong 48 tiếng đồng hồ sẽ tiêu diệt toàn bộ Hồng quân Trung Nguyên. Lý Tiên Niệm cùng các tướng lĩnh chỉ huy phá vòng vây theo 3 hướng và cuộc nội chiến mà Trung Cộng cũng như nhân dân Trung Quốc tìm mọi cách ngăn chặn cuối cùng đã bùng nổ. Tuy nhiên, Chu Ân Lai vẫn liên tục điện về Diên An đề xuất: “Tình thế hiện nay vừa đánh vừa đàm, nhưng đánh là chủ yếu”. Trong khi đó, Tưởng Giới Thạch vừa dốc quân vào nội chiến, vừa bức hại các nhân sĩ dân chủ của lực lượng thứ ba, ngày 11 tháng 7 ám sát Lý Công Phác - uỷ viên Trung ương Đồng minh Dân chủ, tiếp đến ngày 15 lại là Văn Nhất Đa, cũng trung uỷ của tổ chức này. Tôi hộ tống đưa Chu Ân Lai đi gặp Marshall - đại diện phía Mỹ, ông phản đối:
- Quốc dân đảng dùng vũ lực đánh Trung Cộng, chúng tôi có quân đội của mình nên chẳng nói làm gì, nay họ thảm sát cả Đồng minh Dân chủ, những nhân sĩ tay không tấc sắt, thật là hành động phát xít... - Nói đến đây, mắt Chu Ân Lai đỏ hoe và không ngăn nổi dòng lệ tuôn trào, ông khóc cho đồng bào của mình trong cảnh nồi da xáo thịt, khóc trước một người nước ngoài.
Mấy hôm sau, Đào Hành Tri, một trung uỷ nữa của Đồng minh Dân chủ vì uất ức, chảy máu não và qua đời. Chu Ân Lai và Đặng Dĩnh Siêu đến thăm Đào tiên sinh lúc lâm chung, nắm bàn tay khô lạnh vàng nghệ của người sắp khuất, Chu Ân Lai nước mắt giàn giụa an ủi: sự nghiệp của tiên sinh sẽ do bạn bè và hậu thế kế tục, xin tiên sinh hãy an lòng. Tháng 10 năm ấy (1946), Tưởng Giới Thạch đánh chiếm Trương Gia Khẩu, Trường Xuân, An Đông, Tô Bắc và Sơn Đông, cả một vùng đất đai rộng lớn, và mở “nguỵ quốc đại” - quốc dân đại hội mà không có Trung Cộng và lực lượng thứ ba tham gia. Ngày 28 tháng 10, tổng thư ký của Đồng minh Dân chủ là Lương Thấu Minh bỗng đưa ra phương án đình chiến theo hiện trạng rất bất lợi cho phía Trung Cộng chúng tôi. Chu Ân Lai bàng hoàng vì mới đây thôi, ông vừa ký cùng Đồng minh Dân chủ một “hiệp định quân tử” cam kết sẽ thống nhất hành động phối hợp đối phó với Quốc dân đảng, thế mà nay Lương Thấu Minh không hề trao đổi gì cả, đã đơn phương trao phương án cho Marshall và Quốc dân đảng. Chu Ân Lai gặp Lương Thấu Minh, với một giọng nói đau xót, ông trách móc Lương:
- Tiên sinh không cần giải thích gì nữa, trái tim tôi đã tan nát mất rồi. Quốc dân đảng áp bức chúng tôi, thôi cũng đành mội lẽ, nay đến như lực lượng thứ ba - Đồng minh Dân chủ mà lại đi áp bức chúng tôi nữa hay sao? Làm người phải trọng chữ tín, hiệp nghị của chúng ta tiên sinh vứt đâu? Lâu nay chúng tôi một lòng đoàn kết với tiên sinh, nay chúng tôi lâm nguy, tiên sinh không những không giúp đỡ, ngược lại còn... các người thật không đáng bạn bè!
Nói đến hai chữ “bạn bè”, bỗng Chu Ân Lai oà khóc, ông khóc trước mặt kẻ phản bội, có gì hèn yếu lắm không? Hoàn toàn không, bởi ông tiếc nuối về một niềm hy vọng từng ấp ủ bấy lâu, nay tan vỡ như những quả bóng bọt. Lịch sử đã không phụ lòng Chu Ân Lai, ngoại trừ một vài người bội bạc như Lương Thấu Minh, còn đại đa số nhân sĩ Đồng minh dân chủ đã tuyên bố kiên quvết không tham gia quốc dân đại hội độc đảng của Tưởng Giới Thạch, vì vậy mới có tên gọi “nguỵ Quốc đại”.
Tôi đã kể những lần khóc than của Chu Ân Lai, vì người thân, vì bạn bè đồng chí, vì nhân dân đồng bào và vì cả sự vô mộng, thất vọng, nhưng có lẽ làm tôi đau đớn nhất vẫn là bao giọt lệ oan ức của ông khi phải viết kiểm thảo. Lịch sử còn ghi nhận, trên nhiều vấn đề quan trọng, ý kiến của Chu Ân Lai là chính xác nhưng không được Mao Trạch Đông tiếp nhận và do đó đành chịu phê bình. Thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Mao Trạch Đông chủ trương “một ngựa tiên phong cả đoàn cùng chạy”, say sưa đưa ra kế hoạch với chỉ tiêu cao, xa thực tế; ngược lại Chu Ân Lai luôn nhấn mạnh cân đối, ông nói:
- Tôi là thủ tướng, qua thực tế công tác tôi nhận thấy: “một ngựa tiên phong” sẽ gây nên sự căng thẳng cho toàn cục, chỉ tiêu kế hoạch cao, xa thực tế là một sự mạo hiểm, làm kinh tế cần cân đối và ổn định mới có thể tăng trưởng được.
Chu Ân Lai và Trần Vân hô hào “chống mạo hiểm” trên báo chí, gây cho Mao Trạch Đông tức giận, ông quy kết Chu - Trần là bảo thủ hữu khuynh, dội nước lạnh lên nhiệt tình cách mạng của quần chúng nhân dân và phát động phê phán phái “chống mạo hiểm”, buộc Chu Ân Lai và Trần Vân viết kiểm điểm. Trần Vân “cáo bệnh” vào viện tĩnh dưỡng, mãi đến lúc Mao Trạch Đông nhận ra hậu quả của ba năm khốn đốn và than rằng “gia bần niệm hiền thê” (nhà túng bần lại nhớ tới vợ hiền) thì ông mới “lành bệnh” trở về làm việc. Thời gian đó Chu Ân Lai một mình đứng mũi chịu sào, ông bảo thư ký là Phạm Nhược Ngu khởi thảo bản kiểm điểm, nhưng Mao Trạch Đông không đồng ý, yêu cầu Thủ tướng phải tự mình viết để có thể “nâng cao” nhận thức.
Chu Ân Lai ngồi vào bàn làm việc, tay cầm bút, tay bóp trán, đôi lông mày nhíu lại, mắt nhìn trang giấy, nhưng vẫn thế không ra được nửa chữ, ông ném bút, nhoè mực, mấy lần xé tờ này lấy tờ khác... Thủ tướng ngồi yên như pho tượng, nước mắt giàn giụa, ông khóc cho thân phận một “sư gia” gặp phải “huyện quan” không tương xứng chăng? Tôi, chị cả Đặng, và thư ký Phạm Nhược Ngu đứng bên ngoài nhìn vào mà lòng đau như cắt, nhưng không biết làm cách gì để có thể giúp được Thủ tướng... Mãi sau, khi những nguồn tin nhân dân đói khổ dồn dập tràn về Trung Nam Hải, “khuyết điểm” chống mạo hiểm của Thủ tướng mới được giải oan, nhưng tất cả đều đã muộn...
Điều kỳ lạ mà tôi muốni nói trước khi kết thúc chương “khóc than” này là những ngày cuối đời trên giường bệnh, Thủ tướng của chúng tôi không hề nhỏ lệ, ông không tiếc thân mình hay bao dòng nước mắt của Chu Ân Lai đã cạn lâu rồi bởi nhiều điều oan trái trước đó? Có lẽ do cả hai!
Chuyện kể tới đây sẽ có người nhầm rằng Thủ tướng tôi chắc chẳng bao giờ tức giận nổi nóng, hoàn toàn không phải như vậy, bởi vì những trận lôi đình của ông từng làm chúng tôi khiếp đảm. Song đối với ông, trong các cuộc đấu trí tranh chấp cùng kẻ địch, dù phẫn nộ, giận dữ đến mấy Chu Ân Lai vẫn tỏ ra điềm tĩnh, không hề thô lỗ, đúng như người xưa răn dạy “nóng nảy mất khôn”, ông phải giữ cái đầu rất lạnh để ra đòn chính xác mà hạ gục đối phương, còn tất cả đều “nuốt” vào con tim. Sự tức giận nổi nóng mà tôi sắp kể sau đây chỉ đề cập Chu Ân Lai với bạn bè, đồng chí và những người thân cận bên ông, phần lớn ở dạng tình cảm khác thường, vẻ mặt nghiêm khắc phê bình, thậm chí là trách cứ, răn dạy. Nhiều cán bộ làm việc ở trung ương đã phát biểu rất giống nhau, “trong cuộc đời của mình, tôi chỉ sợ hai người, sợ Chủ tịch uy nghiêm và sợ Thủ tướng cẩn thận”. Người viết chuyện này có gặp một Bộ trưởng hồi thập niên 50 và hỏi ông: trong chính phủ đồng chí sợ ai nhất? - Chu Ân Lai, và không sợ ai nhất? - cũng Chu Ân Lai. Sợ Thủ tướng vì ông làm việc quá ư nghiêm túc, cẩn thận, trách nhiệm, còn “không sợ” Chu, vì ông vô cùng cao thượng, thuần khiết, chân chất, thẳng thắn và yêu người. Khi nổi giận, Mao Trạch Đông từng thét lên: “xéo”, nhưng ở Chu Ân Lai quá lắm là “xằng bậy”, “như hề” và “không cho phép làm như vậy”.
Hồi ấy, những năm đầu xây dựng nước Trung Hoa mới, có lẽ vì không khí chiến thắng hay sao mà hoạt động khiêu vũ được mọi người ưa chuộng, kể cả các vị ở Trung Nam Hải. Tôi còn nhớ, Bắc Kinh lúc bấy giờ có vài vũ trường dành riêng cho cán bộ và tướng lĩnh Trung ương, Mao Trạch Đông, Chu Đức, Lưu Thiếu Kỳ thường nhảy ở Xuân Ngẫu Trai, Chu Ân Lai lại thích Tử Quang Các và Bắc Kinh phạn điếm. Vũ điệu không phong phú như ngày nay, quanh đi quẩn lại chỉ là, “hữu nghị vũ” nhịp ba, nhịp bốn, còn vũ nữ, bạn nhảy được tuyển chọn rất nghiêm ngặt, phần lớn là nữ chiến sĩ Quân giải phóng hoặc diễn viên các đoàn văn công, ban ngày tập luvện vũ đạo, học chính trị nội quy kỷ luật, ban đêm đến vũ trường đã định cùng múa với các vị lãnh đạo. Đã là nhảy múa thì trăm người trăm tính, năm ngón tay cũng dài ngắn khác nhau, người lịch lãm với tâm hồn bay bổng, tận hưởng vẻ đẹp của âm nhạc, vũ đạo và tiết tấu, thư giãn nỗi mệt nhọc sau một ngày làm việc căng thẳng, kẻ ham vui đôi phần cuồng nhiệt, lại có gái nhảy bên mình, trẻ đẹp và lý lịch trong sạch, mắt nhìn mắt, miệng cười với miệng, lắm phe bàn tay không được thật thà cho lắm đã rời khỏi vị trí mà vũ luật quy định để tìm đến tận đâu... họ chặc lưỡi và cho rằng, âu cũng là tiêu khiển và có như vậy thì nhảy mới say.
Chúng tôi cùng Thủ tướng đến vũ trường Tử Quảng Các, chậm so với giờ khai mạc gần gũi một tiếng đồng hồ. Đêm ấy ngoài nhảy múa ra còn nghe ba ca sĩ chuyên nghiệp là Triệu Yến Hiệp, Tân Phượng Hà và Mã Ngọc Đào đơn ca. Thủ tướng tôi rất thích ca nhạc, ông để mặc đám tuỳ tùng chúng tôi với các bạn nhảy, còn mình tựa người trên ghế sofa, mắt lim dim, tay khẽ đánh nhịp, say sưa hương thụ từng giọt, từng giọt âm thanh bay bổng, du dương. Một vũ nữ mạnh dạn đến mời Thủ tướng, ông lịch lãm mỉm cười gật đầu và điệu nhảy cuốn hút họ như một làn gió xuân dịu êm. Bỗng tôi thấy mặt ông biến sắc, đang hiền hoà đôn hậu tự nhiên nghiêm nghị, lạnh tanh, ông dìu bạn nhảy ra gần cửa và khẽ nói: tôi có chút việc phải về, thôi nhé. Là nhân viên phục vụ, ngay từ khi phát hiện thấy Thủ tướng không vui, tôi dõi theo ánh mắt của ông và bắt gặp luồng sáng giận dữ ấy quét lên thân hình một cán bộ, rồi vụt tắt nơi bàn tay quờ quạng dâm loạn của y, người vũ nữ bé bỏng tội nghiệp đành thủ phận cho kẻ kia hưởng thụ mà không dám chống cự, hắn áp sát, áp sát và rất sành điệu không lỗi nhịp ba bước, bốn bước đến nỗi khó mà phân biệt bốn chân hay là hai chân. Chu Ân Lai như bị xúc phạm, không còn hứng thú gì với nhảy với múa, tôi vội vàng lục tìm áo khoác cho ông, bỗng nghe ngoài cửa có tiếng quát của Chu Ân Lai:
- Anh không còn trẻ mỏ gì nữa để mà dụ dỗ người con gái đáng tuổi cháu này.
- Cháu cảm ơn bác, thưa Thủ tướng - cô vụt chạy khỏi vũ trường và bỏ luôn cái nghề vũ nữ bạc bẽo kia. Té ra “quan phụ mẫu” chịu không nổi, liền nhỏ to, hăm doạ rồi dìu cô bé ra cửa định mang lên xe, nhưng không ngờ Thủ tướng đứng chờ tôi ở đó, ông đã cứu nguy cho cô ta và nhờ đó cho nhiều phụ nữ khác nữa...
Những “pha” như vậy thời mở cửa hiện nay không hiếm, nhưng hồi ấy là vô cùng quan trọng và bị quy kết “không nghiêm túc”, nhờ một vài lần nổi giận của Thủ tướng mà không khí các vũ trường công khai được đánh giá là lành mạnh, còn vũ hội gia đình thì khó lòng quản lý. Thuật ngữ vũ hội gia đình mới rộ lên gần đây, khi kinh tế thị trường phát triển, trên thực tế nó đã có từ lâu, từ những năm 50. Tất nhiên không phải ai cũng tổ chức được loại vũ hội này, riêng ở Bắc Kinh lúc đó hình như chỉ có Cao Cương là một. Cao Cương vốn là “ông vua” cách mạng vùng ba tỉnh Đông Bắc, nay điều về thủ đô đảm nhận chức Phó chủ tịch Chính phủ Trung ương kiêm chủ nhiệm uỷ ban kế hoạch nhà nước, có thể nói Cao đã thuộc loại chạm trần của quyền lực, ông có năng lực, gan dạ, nhiều cống hiến cho cách mạng trước đây và cho cuộc kháng Mỹ viện Triều được Mao Trạch Đông biểu dương. Đó là sở trường của Cao, còn nhược điểm, sở đoản ở ông là mê gái và phớt lờ dư luận, theo cách nói của Lâm Bưu, chẳng qua là “tiểu tiết vô hại” mà thôi. Thời Đông Bắc, Cao Cương thuộc loại nhân vật “không gật đầu thì đến ông trời cũng không dám đổ mưa”, nắm quyền sinh quyền sát, cho ai thăng quan người ấy nhờ, bắt ai giáng chức kẻ đó chịu. Lý do thật đơn giản, vương triều nào cũng vậy, lúc mới gây dựng đều phải qua giai đoạn “anh hùng trị quốc”, toàn quyền quân đội, chính quyền đảng phái tập trung vào “chư hầu” mỗi phương, họ mang sứ mệnh lịch sử có tính nhân trị trước khi lập nên nền pháp trị. Quyền lực nằm trong tay “chư hầu”, có thể bằng lý tưởng, đạo đức, kỷ cương v.v... mà tự mình hạn chế hay không. Tài ba cống hiến của Cao Cương không ai phủ nhận, và khi kháng Mỹ viện Triều, Đông Bắc và Cao Cương đều có vị trí và trách nhiệm đặc biệt. Từ một góc độ nào đó mà phân tích trục tam cực Bành Đức Hoài (Triều Tiên) - Cao Cương (Đông Bắc) và Chu Ân Lai (Bắc Kinh) những năm 50 là rất khăng khít và quan trọng, họ từng tâm đầu ý hợp cho cả cục diện Trung Quốc mà người lèo lái là Mao Trạch Đông. Nay Cao Cương về Bắc Kinh công tác, Cao - Chu vẫn gắn bó như xưa, Cao mở vũ hội, nhẽ nào Chu lại từ chối. Nhưng bản chất mê gái của Cao Cương thì khó mà thay đổi, lúc còn trị vì ở Đông Bắc mang “phí chiêu đãi” đến trận tiền “cứu chúa”, giải thoát cho ông khỏi vòng vây của bao nàng tóc vàng da trắng hám tiền mà chẳng sợ quan. Nhiều đồng chí già từng làm nhiệm vụ “cứu chữa” cho Cao Cương đã viết hồi ký kể chuyện này khá tỉ mỉ, xin miễn nhắc lại ở đây. Nhưng có điều Cao Cương lầm tưởng Bắc Kinh cũng như Đông Bắc, ngay lần đầu tiên khai trương vũ hội gia đình mà Cao mời Chu tham dự thì ông nhanh chóng lộ nguyên hình, mắt ông hau háu như gã thợ săn lập tức xói vào những nơi cong nhất, bí hiểm nhất của vũ nữ, miệng ông liên hồi phun ra bao lời gợi dục kích tình, rất thô lỗ tự nhiên, chẳng cần một loại văn chương nào che đậy. Chu Ân Lai ít nhiều dự đoán Cao Cương sẽ làm gì, nếu chỉ ngần ấy thì tạm có thể khoan dung tha thứ cho loại khuyết điểm “hủ hoá” bằng mắt và miệng, ông không thể bắt mọi người phải văn nhã, lịch lãm như mình, mỗi người trước khi đi với cách mạng đã từ nhiều ngả, nhiều nơi, giáo dục và rèn luyện hoàn toàn khác nhau, ví như Bành Đức Hoài thường gọi Cao Cương là “Cao rỗ đại ca”, Cao lấy làm thích thú và thân mật khi nghe như vậy, nhưng đối với Chu, điều đó cấm chỉ, nếu không Cao sẽ không phục Chu. Giá như Cao Cương dừng lại ở mức độ dăm ba câu bông đùa, vài đôi lần khiêu khích bằng ánh mắt cợt nhả thì chắc Thủ tướng tôi đã không nổi giận, đằng này ông tiếp tục “phóng tay” sờ mó, nắn bóp vũ nữ và cũng yêu cầu vũ nữ làm việc đó cho mình. Chàng hảo hán Thiểm Tây, “ông vua” một vùng Đông Bắc, “chư hầu” nhân trị xưa nay đã làm cho Thủ tướng tôi kinh ngạc, sau này nhiều lần ông vẫn than với chúng tôi rằng: “Cao sơn hoàng đế viễn”, lắm quan địa phương xằng bậy mà trung ương khó lòng kiểm tra kịp! Chu Ân Lai mặt mày ảm đạm cáo từ ra về, vài lần sau nữa Cao Cương lại mời, nghĩ vì đại sự không thể gây mâu thuẫn với một Phó chủ tịch chính phủ, Phó chủ tịch Hội đồng quân sự, Chủ nhiệm uỷ ban kế họạch nhà nước nên Chu đành phải đeo mặt nạ đến dự vũ hội gia đình ở Cao công quán. Mức độ “vui vẻ” của Cao ngày một gia tăng, và đêm hôm ấy Chu dìu bạn nhảy ra gần cửa, vẫn câu nói xưa “tôi có chút việc phải về, thôi nhé” cáo biệt với cái trò nhảy múa của Cao Cương, Thủ tướng tôi hoàn toàn nổi giận, và về sau ông kiên quyết đấu tranh với Cao, chứ không thể xem đó là “tiểu tiết vô hại” như kiểu Lâm Bưu thường nguỵ biện.
Năm 1955, Chu Ân Lai bay qua Cairo để đến Alger dự hội nghị Á Phi. Trước khi máy bay hạ cánh tại phi trường Cairo tiếp nhiên liệu, Chu Ân Lai nhận được điện báo về cuộc đảo chính quân sự ở Alger, ông liền xin Mao Trạch Đông và Trung ương cho phép thay đổi kế hoạch, ở lại Cairo viếng thăm ngoại giao, quan sát tình hình diễn biến đảo chính, xem thử hội nghị Á Phi có tiếp tục họp ở Alger nữa hay không. Trung Cộng đã đồng ý đề nghị của Chu. Ngoại trưởng Trần Nghị đi tiền trạm nên gặp đúng cuộc đảo chính xảy ra ở Alger, nhiều đoàn cũng đến sớm như thế và rất lo lắng liệu hội nghị sẽ tiến triển ra sao. Trần Nghị vốn người ngay thẳng, bộc trực nên có biệt hiệu “thùng pháo”, hễ đã nổ là liền một mạch cho đến viên cuối cùng, ông thấy các đoàn thắc mắc băn khoăn và điểm pháo luôn:
- Hội nghị Á Phi lần này nhất định vẫn khai mạc theo kế hoạch đã định. -Trần Nghị nói như đinh đóng cột, không còn “chỗ” để hiệu đính nếu vạn nhất có sai sót.
Quả nhiên do tình thế thay đổi, lòng người xáo động, ý kiến không nhất trí, hội nghị Á Phi lần ấy không thể nào họp ở Alger vừa qua đảo chính, các đoàn lần lượt ra về, Chu Ân Lai cũng rời Cairo bay về Bắc Kinh. Câu nói của Ngoại trưởng Trung Quốc đã hoàn toàn sai, khiến cho Chu Ân Lai vô cùng tức giận Trần Nghị, ông phải kêu lên: “Xằng bậy, thật là xằng bậy”.
Trần Nghị biết mình có sai lầm nên chủ động đến gặp Chu Ân Lai, ông hỏi cảnh vệ:
- Thủ tướng đang làm gì?
- Dạ báo cáo đang đợi đồng chí Ngoại trưởng và có vẻ rất bực tức ạ!
Trần Nghị là người dám làm dám chịu, tuy lính tráng cáo trạng lên như vậy nhưng ông vẫn bình tĩnh tiến thẳng vào Tây Hoa sảnh - văn phòng của Chu Ân Lai - và với tư thế con nhà binh, ông hô:
- Báo cáo Thủ tướng, tôi có mặt! - Hình thức võ quan này, Trần Nghị chỉ áp dụng khi gặp Mao Trạch Đông; với Chu Ân Lai ông tỏ ra thân mật và văn nhã hơn, nhưng hôm nay Trần phá lệ vì sợ Chu Ân Lai đập bàn, quát nạt.
- Đồng chí Trần Nghị, đồng chí thật vô tổ chức, vô kỷ luật. - Đôi mày sậm đen của Chu Ân Lai nhíu lại, ông bước về phía Trần Nghị như muốn có một động tác gì đó, bỗng ông dừng chân, nhìn Trần, rồi quay về bàn làm viêc. Chúng tôi tưởng Thủ tướng sẽ đập bàn phẫn nộ như vừa mới phê bình một vị đại tướng, nhưng ông chỉ gõ nhẹ ba tiếng và với lời nghiêm khắc nhất trong từ điển mắng chửi của mình, Chu Ân Lai dằn từng chữ:
- Không cho phép làm như vậy!
- Tôi sai, xin kiểm thảo với Thủ tướng.
- Không phải với tôi, mà với Mao Trạch Đông, với Trung ương!
- Vâng, Trần Nghị tôi rõ và xin chấp hành!
Đó là lần đầu tiên Chu Ân Lai nổi nóng với Trần Nghị Và cũng là lần cuối cùng vị nguyên soái mang áo ngoại giao không gây âu lo cho Thủ tướng, họ như cặp bài trùng, bổ sung cho nhau trên mỗi cuộc cờ trong và ngoài nước.
Lại vẫn những ngày tháng người lính vừa nắm chính quyền, chuyện ấu trĩ tất nhiên đã xảy ra và thường làm cho Chu Ân Lai bực tức nổi giận, nhưng ông phải ra tay chèo chống vì biết rằng “trăm dâu đổ đầu tằm” và mình là người quản gia, không còn ai vào đó nữa... Ba giờ chiều hôm ấy, Chu Ân Lai tiễn hoàng thân Sihanouk về nước, cùng ra sân bay với ông là La Thuỵ Khanh, Lưu Á Lầu và nhiều tướng lĩnh cao cấp khác, và cũng đúng ba giờ thì trận bóng đá giữa hai đội tuyển Trung Quốc và Indonesia sẽ diễn ra trên sân vận động Tiên Nông Đàn. Sau những cái bắt tay, ôm hôn, từ biệt hoàng thân Sihanouk bước lên cầu thang vẫy chào đi vào khoang máy bay, cửa vẫn chưa đóng, ngay lúc ấy nhiệm vụ ngoại giao xem như đã hoàn thành, các vị tướng lĩnh ra hiệu cho nhau lần lượt “chuồn” dần ra cổng để lên xe tiến về Tiên Nông Đàn. Chu Ân Lai đứng yên dõi nhìn chiếc máy bay cất cánh và quay lại ra lệnh cho tôi: đóng chặt tất cả các cửa ra vào sân bay, ai hỏi vì sao thì trả lời Thủ tướng chỉ thị! Đám cổ động viên bóng đá lững thững quay lại. Ngay trên phi trường, các vị được Chu Ân Lai cho một bài học về phép tắc ngoại giao đưa đón khách và cộng thêm điều lệ bộ binh, tướng chưa rút mà quân đã bỏ chạy cả sao? Tất cả những bài học này các vị đều đã thuộc, nhưng hôm nay cố tình “chây lười”, Chu biết vậy và nói nhanh trong vòng 15 phút, rồi tuyên bố: phạt các anh nửa hiệp một, hãy mau về Tiên Nông Đàn, những bất ngờ đang đợi khán giả...
Làm tôi sợ đứng tim chính là lần Chu Ân Lai mở tiệc chiêu đãi Thủ tướng Nehru tại Hoài Nhơn Đường, khách chủ vừa đứng lên cụng ly, rượu chưa chạm môi thì điện vụt tắt, cả Hoài Nhơn Đường tối đen như mực. Kẻ xấu đã tung tin đó là điềm gở báo hiệu quan hệ Trung - Ấn sắp đi vào thòi kỳ u ám. Nhưng cũng may sau giây lát đèn sáng trở lại. Chu Ân Lai xem như không có chuyện gì xảy ra, thù tiếp khách quý một cách ân cần. Tiệc tàn, tiễn Nehru lên xe. Chu Ân Lai quay về văn phòng Tây Hoa sảnh phê duyệt văn thư cho ngàv mai, tôi tưởng mọi việc thế là xong, nào ngờ đúng ba giờ sáng Thủ tướng ra lệnh triệu tập họp khẩn cấp, bao gồm Bộ Ngoại giao, Văn phòng Trung ương Đảng, Chính phủ Bắc Kinh, Cục điện lực v.v... hệ thống điện thoại đồng khởi làm việc và câu cuối cùng không sót vang lên đầu giây đằng kia - thủ tướng căn dặn tuyệt đối đúng giờ. Tất cả đều phải vùng; dậy rời khỏi chăn êm đệm ấm và nhớ đời cái tội làm mất điện ở Hoài Nhơn Đường đêm đó!
Về sau, mỗi lần khách nước ngoài đến thăm, gặp dịp hội đàm, chiêu đãi, người ta thường nhắc lại điển tích “hội nghị lúc gà gáy” và lo lắng chu toàn mọi bề hậu cần.
Phần tôi, trước gọi là “phó quan” của Chu Ân Lai, sau cách mạng đổi thành “thư ký hành chánh”, một lần Thủ tướng đi công tác nước ngoài, tôi xin phép ở nhà sửa chữa lại tư thất cho ông, kẻo ẩm thấp và hư hỏng quá nhiều. Tất nhiên, công việc sửa chữa nhà cửa tôi đều thỉnh thị ý kiến chị cả Đặng và các đồng chí khác như Đồng Tiểu Bằng chẳng hạn; nhưng khi từ nước ngoài trở về, Chu Ân Lai vào phòng và lập tức quay ra, ông nói: Đây không phải là nhà của tôi - rồi một mạch bảo lái xe đưa đến văn phòng Tây Hoa Sảnh, Thủ tướng ăn ở tại đó. Tôi hoảng quá và không dám để chị cả Đặng và Đồng Tiểu Bằng liên luỵ nên nhận hết trách nhiệm về mình, nhờ Trần Nghị can thiệp, nhưng Thủ tướng nhất mực yêu cầu trở lại nguyên trạng! Thôi đành vậy, tôi cho người mang trả tất cả gia cụ về kho nhà nước và xin ông giữ phần gỗ sàn, xi măng vôi vữa sả tường và những nước sơn mới quét. Thủ tướng ân cần bảo tôi: Chú Hà, tôi không làm khó dễ cho chú, nhưng chúng ta phải nêu gương. Chú thử nghĩ, tư thất của Thủ tướng tiên phong tân trang, thì sau đó là Bộ trưởng, thứ trưởng, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm v.v... sẽ lần lượt nối đuôi theo, nhà nước còn nghèo, biết lấy tiền đâu cho đủ? Tôi im lặng nhận “lỗi”, Thủ tướng trở về và ít ra sàn nhà bằng gỗ đã bớt ẩm thấp rất nhiều, góp một phần nhỏ bé giữ gìn sức khoẻ cho ông.