QUYỀN DIÊN XÍCH
CHU ÂN LAI - KHI NGƯỜI RỜI KHỎI THÁNH ĐÀN




KHÔNG PHẢI LÀ CHỦ SOÁI

     ột độc giả Nhật Bản đọc xong cuốn sách của tôi - “Mao Trạch Đông, khi người rời khỏi thần đài” đã nói: hơn nửa thế kỷ qua, Trung Quốc quả thuộc về “thần thánh”, “thần” kia chính là Mao Trạch Đông, còn “thánh” nọ đích danh là Chu Ân Lai. Ông dám mời Mao Trạch Đông bước xuống thần đài, vậy đối với Chu Ân Lai? Ông có định mời người cũng rời khỏi thánh đàn hay không?
Cái gọi là “hạ đàn” ở đây kỳ thực là muốn ám chỉ họ trở về với nhân gian, trần thế, không những đáng kính mà còn khả thân, khả ái; sự vĩ đại, cao thượng, anh minh của họ vì vậy tuyệt không phải vời vợi xa xôi, nhìn và không bao giờ đến được. Bình sinh họ không từng tách khỏi nhân dân, thì nay sau khi qua đời tinh thần của họ há chỉ phiêu diêu đây đó, trở thành thần tượng phụng thờ mà không hòa quyện cùng nhân quần, dân chúng hay sao? Trong lịch sử văn minh, “thiền nhượng” là nghĩa cử của thánh nhân, đại công vô tư được tán dương cao nhất, hiếm ai làm nổi và vì vậy cũng chẳng bao người dám tự xưng là thánh.
Khi nghĩ về Chu Ân Lai, nhiều người hoặc một cách thông minh, hoặc một cách ẩn dụ, hàm súc mà nói rằng: Chu không làm cánh tay thứ nhất (chủ soái), cũng không làm cánh tay thứ hai (kế vị) mà cam chịu làm cánh tay thứ ba, thật khiêm tốn biết nhường nào! Những người này đưa ra bao dẫn chứng, như hội nghị Tuân Nghĩa, rằng vào thập niên 20 và 30, danh vọng và chức vụ của Chu Ân Lai cao hơn Mao Trạch Đông, nhưng ông đã dùng lợi thế ấy để ủng hộ Mao, xác lập vị trí lãnh đạo của Mao trong Hồng quân và Trung ương Đảng, còn mình cam chịu làm trợ thủ, tinh thần khiêm nhường ấy xuyên suốt cả một đời của Chu.
Quan niệm của tôi không như thế, đức tính khiêm tốn của Chu Ân Lai thì không còn phải nghi ngờ, bàn luận gì nữa, nó biểu thị ở hành vi không giấu dốt, thực sự học hỏi người khác, tác phong dân chủ, ham nghe ý kiến quần chúng và vui vẻ tự phê bình, chứ không phải là cánh tay thứ nhất, hai hay ba.
Lại có người gay gắt hơn, cho rằng Chu Ân Lai chịu ảnh hưởng “văn hóa Thiệu Hưng”, một vùng nổi danh của Triết Giang - Trung Quốc chuyên xuất hiện không phải người khoa cử, kẻ quan phương mà phần lớn là quân sư, tham mưu - “vô Thiệu bất thành nha”, nghĩa là không có quân sư hay tham mưu Thiệu Hưng thì không thể lập nên công đường nha môn. Người theo văn hóa Thiệu Hưng trí cao tài rộng, nhưng thiếu dũng khí, chỉ biết bảo toàn bổn mạng. Tác giả cuốn sách này không nghĩ như vậy, dù không làm cánh tay thứ nhất, cũng không làm cánh tay thứ hai, nhưng qua 27 năm “tể tướng” cúc cung tận tụy, Chu quả xứng đáng là “đại quân sư”, “tổng tham mưu trưởng”.
Chu Ân Lai từng nói một cách sáng suốt rằng: “Tôi không phải là chủ soái”. Sáng suốt không có nghĩa là “minh triết bảo thân”, chỉ khư khư lo cho bản thân mình, càng không lỗ mãng hung hăng, ngu đần mà chủ yếu nhìn rõ thực tiễn, hành động đúng. Lắm kẻ ham muốn chủ soái, nhưng tâm lực không đủ, kết cục thật bi thảm, hoặc trốn chạy hoặc hàng giặc. Mao Trạch Đông sở dĩ lãnh đạo được nhân dân Trung Quốc khai thiên phá thạch làm nên đại nghiệp, một trong những nguyên nhân quan trọng, ấy là “tri nhân thiện nhiệm”, biết người mà giao việc.
Hãy nghe Mao bình luận về lớp người lãnh đạo thượng đỉnh mà dân chúng hát thành vè “Mao, Lưu, Chu, Chu, Trần, Lâm, Đặng”, họ là chiến hữu, là cộng sự cùng ông.
Ba năm khốn đốn của kinh tế nước nhà, Mao Trạch Đông nghĩ đến Trần Vân và nói “Quốc loạn tư lương tướng, gia bần niệm hiền thê” (nước loạn lạc mới nghĩ về tướng giỏi, nhà túng bần lại nhớ tới vợ hiền), rồi kể câu chuyện sau khi thua ở trận Xích Bích, Tào Tháo đã tư niệm Quách Gia như thế nào.
Lúc giao cho Lâm Bưu làm người kế vị, Mao Trạch Đông đã nói “muốn trừ quỷ phải nhờ thần Chung Quỳ”.
Còn bốn chiến hữu khác? Tháng 11 năm 1957, trong một bữa tiệc cùng Khrusov ở Mạc Tư Khoa, không khí không mấy vui vẻ, đợi lúc tàn canh đi ra phòng khách. Mao Trạch Đông chuyển sang chủ đề khác: - Tôi chuẩn bị từ chức chủ tịch nhà nước - Mao nhìn Khrusov và nhấn giọng. Khrusov không lấy làm ngạc nhiên vì năm 1954 đã nghe Mao nói đến vấn đề hệ trọng này, Mao ghét cái trò đưa đón các nguyên thủ quốc gia, nhận trình quốc thư v.v... Đầu năm 1957, Volosilov từ Bắc Kinh trở về cũng báo tin Mao quyết tâm không làm chủ tịch nước nữa.
- Đã có người thay thế? - Khrusov hỏi.
- Có. Đảng chúng tôi có mấy đồng chí, họ không kém gì tôi, hoàn toàn đủ điều kiện. - Sau câu tổng bình luận đó, Mao bấm đốt ngón tay như thể đếm lại số gia bảo có ở trong nhà. Thứ nhất là Lưu Thiếu Kỳ, người này tham gia phong trào Ngũ Tứ tại Bắc Kinh và Bảo Định, sau đó sang nước các đồng chí học tập, năm 1921 gia nhập đảng Cộng sản, bất luận năng lực, kinh nghiệm hay thanh vọng đều đủ điều kiện, sở trường của Lưu là kiên định chính trị, tính nguyên tắc cao, nhưng có nhược điểm không đủ linh hoạt.
Hồi “văn cách” đả đảo Lưu Thiếu Kỳ, người Trung Quốc nghe đoạn bình luận này thật không biết nghĩ ra sao, còn ở nước ngoài lại hiểu rất rõ rằng, mâu thuẫn trước sau của câu nói là ở chỗ chính trị chứ hoàn toàn không thực sự cầu thị.
Người thứ hai, Đặng Tiểu Bình - tất cả ngạc nhiên tưởng đó là Chu Ân Lai, hóa ra lại Đặng - Người này mạnh về chính trị, suy nghĩ hành, động chín chắn, vừa cương quyết vừa linh hoạt, trong nhu có cương, trong bông có kim, tiền đồ rất phát triển.
Khrusov cười một cách đau khổ mà rằng: - Đúng vậy, tôi cũng có cảm giác con người này rất ghê gớm, khó gần, ông ta quan sát vấn đề thật sắc sảo - Khrusov ngừng lời và lấy tay làm điệu bộ rất kiên định quả đoán. Mao Trạch Đông cũng cười theo, ông biết rằng Đặng Tiểu Bình đã làm nhiều đồng chí Liên Xô khó chịu trong lần đàm phán này giữa hai đảng và nói tiếp:
- Từ nay, Đặng có sang đây, các đồng chí đã đối đãi tôi như thế nào, xin hãy cứ như vậy đối với đồng chí ấy.
Mao tiếp tục xòe ngón tay thứ ba:
- Người thứ ba, Chu Ân Lai, hoạt động quốc tế mạnh hơn tôi nhiều, thiện nghệ xử lý các mâu thuẫn phức tạp, tuy này nọ... nhưng vẫn là con người tốt. Còn Chu Đức, tuổi cao, đức trọng, uy tín, nhưng không thể đảm đương việc lớn được... Tuổi tác không chiều chúng ta đâu. Tóm lại, họ có sang đây các đồng chí hãy xem là bạn bè mà đối xử như đối với tôi vậy.
- Chúng tôi sẽ làm như thế và trên thực tế họ đã là bạn của chúng tôi rồi - Khrusov nhanh nhẹn đáp lại.
Một lần trong hội nghị bàn về nhân sự. Mao Trạch Đông quay nhìn Chu Ân Lai mà hỏi:
- Ân Lai, đồng chí làm có được không?
Chu Ân Lai vội vàng trả lời:
- Thưa Chủ tịch, không được đâu, Chủ tịch đã biết tôi, tôi đâu là chủ soái, chỉ quản gia mà thôi.
Đặng Tiểu Bình cũng rất trực ngôn mà rằng:
- Đồng chí Chu Ân Lai không thể kế vị làm chủ tịch, làm chủ soái được.
Vậy Chu Ân Lai là con người như thế nào? Theo Đổng Tất Vũ, là “một đại quản gia tài ba” và trong một lần trao đổi với Bạc Nhất Ba, - ủy viên tài chính trung ương, qua lời của Chu, ta càng hiểu ông hơn.
- Đồng chí Nhất Ba nhiều năm cùng Bá Thừa và Tiểu Bình công tác ở Tấn Kỳ Lỗ Dự (Sơn Tây, Hà Bắc, Sơn Đông, Hà Nam), đồng chí có nhận xét gì về họ? - Chu Ân Lai hỏi.
- Họ phối hợp rất ăn ý, thật là đồng tâm đồng đức.
- Tôi không hỏi về sự phối hợp công tác giữa họ với nhau, mà muốn đồng chí nhận xét về phương pháp công tác của hai người. - Chu cười và lắc đầu.
Bạc Nhất Ba im lặng và phản ứng rất thông minh:
- Thưa Thủ tướng, Thủ tướng là bậc tiền bối lão luyện, chắc phải có kiến giải độc đáo, dám xin...
- Anh khôn lắm, chuyển quả bóng trở lại cho tôi. Nhiều năm quan sát tôi thấy phương pháp làm việc của họ thật đặc sắc. Tiểu Bình - cử trọng nhược khinh, còn Bá Thừa - cử khinh nhược trọng, người việc nặng xem nhẹ tênh tênh, kẻ tỉ mỉ chu toàn, tuy bình thường mà lại thành quan trọng.
Chu Ân Lai tâm sự:
- Thực lòng tôi thích cách “cử trọng nhược khinh” của Tiểu Bình, nhưng không theo được, có lẽ tôi chỉ thuộc loại Bá Thừa - “cử khinh nhược trọng”, luôn luôn phụ trách những công việc cụ thể và mang tính thừa hành.
Đúng vậy, Chu Ân Lai như bận rộn suốt cuộc đời, là “tể tướng” ông chịu khó làm thêm ít nhiều công việc thường nhật, chi tiết, vi mô, thì “chủ soái” sẽ có điều kiện quản đại sự, nghĩ quyết sách, bàn việc vĩ mô. Tổng thống Indonesia Sukarno từng than với Mao Trạch Đông rằng “Tôi thật sự khâm phục thủ tướng của ngài, chúng tôi hoàn toàn thiếu một con người như vậy”. Còn Nixon tiếp xúc chưa nhiều nhưng đã nhận xét về Chu, quả là con người cử khinh nhược trọng, ông nói:
- Đêm thứ ba ở Bắc Kinh, chúng tôi được mời đi xem biểu diễn bóng bàn, hôm ấy tuyết rơi khá nhiều, và ngày mai là chương trình tham quan Vạn lí trường thành. Bỗng thấy Chu Ân Lai rời khỏi ghế ngồi, tưởng ông ra phòng nghỉ, nào ngờ lúc ấy ông thân hành nhắc nhở những người quét tuyết ở Trường thành làm việc, sáng hôm sau chúng tôi lên đó và quả nhiên đường sá sạch sẽ. Thật là một điển tích về Chu. Ông là người chọn nhạc phẩm “America mỹ lệ” để diễn tấu đón tiếp chúng tôi, hẳn ông biết khi tôi làm lễ nhậm chức Tổng thống, “America mỹ lệ” đã một lần âm vang. Và cứ mỗi buổi sáng trước khi hội đàm, những người tùy tùng của tôi lại thấy một thiếu nữ trình Chu Ân Lai xem bản in thử trang nhất của số báo hôm sau, ông là người vừa lo cho mỗi cây, lại vừa lo cho cả rừng.
Hiếm có ai mang trong mình đủ cả hai đức tính “cử trọng nhược khinh” và “cử khinh nhược trọng”, nhưng đối với một sự nghiệp thì lại rất cần hai loại nhân tài như vậy. Kỳ lạ thay, lúc từ Diên An bay về Trùng Khánh, Mao Trạch Đông múa bút cảm hoài Tần Hoàng Hán Vũ, Đường Tôn Tông Tổ và cả Thành Cát Tư Hãn, còn Chu Ân Lai thì lại dõi mắt nhìn miếu Trương Lương, đền Vũ Hầu mờ ảo dưới cánh phi cơ. Khi ở Mạc Tư Khoa, lần đàm phán với Stalin, Mao Trạch Đông đã dành thì giờ đọc hết “Pi-tơ đại đế” và “Nã Phá Luân”, Stalin nói với ông: “Những vấn đề cụ thể, đồng chí nên gọi Chu Ân Lai đến trình bày, rõ hơn...”
Xin bắt đầu câu chuyện Chu Ân Lai từ những tiểu tiết này, có điều người kể không phải là tôi mà là đồng chí Hà Thụ Anh - từng mấy chục năm làm việc bên cạnh Thủ tướng.