Chương 7
DÂY DẪN LỬA ĐẠI CÁCH MẠNG VĂN HOÁ

     háng hai năm 1965, Giang Thanh, lúc bấy giờ ngoài nhiệm vụ thư kí của Mao Trạch Đông không có vai vế nào khác, đi Thượng Hải gặp Trương Xuân Kiều - Bí thư Thành uỷ - bàn việc tổ chức cho Diêu Văn Nguyên, người của tổ sáng tác Thành uỷ Thượng Hải viết bài phê bình vở kịch “Hải Thuỵ bãi quan”. Toàn bộ công việc viết lách này được tiến hành một cách bí mật.
Sau khi bài “Bình vở kịch lịch sử biên soạn lại - Hải Thuỵ bãi quan” công bố ở Thượng Hải, Nhân Dân nhật báo và các báo khác ở Bắc Kinh vẫn im hơi lặng tiếng, chưa tờ nào đăng lại. Điều này làm cho Mao Trạch Đông càng nghi ngờ Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, ông cho rằng Ngô Hàm - tác giả “Hải Thuỵ bãi quan” - có ô dù. Trung ương có bộ tư lệnh của giai cấp tư sản, cuối cùng ông quyết định ra lệnh “xuất bản sách nhỏ”!
Thực hiện chỉ thị của Mao Trạch Đông, Trương Xuân Kiều ra tay khống chế công cụ tuyên truyền, tất nhiên là mệnh lệnh như sấm dạy, người ta ngày đêm ra sức in ấn. Thư điếm Tân Hoa ở Thượng Hải theo lệnh của Trương Xuân Kiều đã khẩn cấp điện báo toàn quốc, trưng cầu đặt mua sách nhỏ. Bắc Kinh ban đầu từ chối, sau cùng miễn cưỡng đặt mua mấy ngàn cuốn, nhưng vẫn cự tuyệt phát hành, các nơi khác giữ thái độ bàng quan.
Thời tiết chính trị Bắc Kinh ngột ngạt, lúc ấy Đặng Tiểu Bình và cả nhà đang nghỉ những ngày cuối thu ở Quý Dương, Tuấn Nghĩa thuộc tỉnh Quý Châu. Trước đây Đặng Tiểu Bình và Ngô Hàm cùng sinh hoạt trong một câu lạc bộ cán bộ cao cấp, họ cùng học cách nuôi ong, đánh bài và tán chuyện. Đặng Tiểu Bình khâm phục sự uyên bác của nhà sử học Trung Quốc - Ngô Hàm, ông hay chuyện và nghĩ rằng Ngô Hàm không thể trở thành Bành Đức Hoài thứ hai.
Ngày 29 tháng 11, Bắc Kinh nhật báo và báo Quân giải phóng mới đăng lại toàn văn bài viết của Diêu Văn Nguyên. Ngày hôm sau trên mục Nghiên cứu học thuật của Nhân Dân nhật báo cũng đăng lại bài viết này. Điều làm mọi người thú vị là toà báo không đưa bài viết lên trang chính mà xếp nó vào vấn đề học thuật, không đại diện cho quan điểm của trung ương, mà đã là học thuật thì có thể bình đi luận lại, tán thành hay phản bác. Lời Ban biên tập trên tờ Nhân Dân nhật báo chỉ rõ: phương châm của chúng ta là cho phép tự do phê bình và cũng tự do phản phê bình; đối với ý kiến sai trái, chúng ta áp dụng phương pháp thuyết lí, thực sự cầu thị, dùng lí lẽ để thuyết phục người khác. Tất cả đều trích từ Mao tuyển, răn đe mọi người nói năng cẩn thận. Tuy nhiên, trong vụ đăng lại bài viết của Diêu Văn Nguyên, cũng lắm kẻ hăng hái tiên phong, ví như báo Quân giải phóng do Lâm Bưu không chế đã bình luận thêm: “Hải Thuỵ bãi quan là cây cỏ độc!”.
Ngày 21 tháng chạp, trong một biệt thự lộng lẫy bên bờ Tây Hồ Hàng Châu, Mao Trạch Đông và Trần Bá Đạt đã có cuộc trao đổi quan trọng. Năm 1958, Trần Bá Đạt kiến nghị “huỷ bỏ hàng hoá và tiền tệ”, từng bị Mao Trạch Đông phê bình. Từ đó, Trần luôn luôn tìm cơ hội để lập công chuộc tội. Năm 1959, Trần thường dò la Điền Gia Anh - thư kí của Mao Trạch Đông “gần đây Chủ tịch hay đọc loại sách gì?” nhằm cách nịnh Mao, nhưng Điền cương trực đã không tiết lộ. Khi Giang Thanh đi Thượng Hải, Trần chưa đoán nhận ra điều gì, mãi tới lúc bài viết của Diêu Văn Nguyên được công bố, Trần mới dự cảm một hiện tượng khác thường, một trận cuồng phong bão tố đang ập tới và đây là cơ hội để xuất đầu lộ diện mà ngoi lên. Trần Bá Đạt nhận thấy Mao không vừa lòng với Ban bí thư, Ban tuyên huấn Thành uỷ Bắc Kinh, bèn chọc tức “Thành uỷ Bắc Kinh kim châm không vào, nước tưới không thấm”. Mao Trạch Đông nói lại với Trần: “Tai hại của vở kịch là “bãi quan”, hoàng đế Gia Tĩnh đã cách chức Hải Thuỵ, và năm 1959 chúng ta cũng đã cách chức Bành Đức Hoài, hoá ra Bành Đức Hoài là Hải Thuỵ!”
Ngày hôm sau, Mao Trạch Đông đem câu chuyện giữa ông và Trần Bá Đạt kể lại cho Khang Sinh và Bành Chân cùng nghe. Bành Chân - người đã bị “tưới tràn nước bẩn” đến lúc này vẫn không tinh mắt xem sắc mặt của Mao ra sao mà thản nhiên bênh vực cho Ngô Hàm: “Theo điều tra, Ngô Hàm và Bành Đức Hoài không có mối liên hệ gì về tổ chức cũng như trực tiếp cá nhân. Vấn đề Ngô Hàm không thuộc về chính trị”. Bành Chân có ngờ đâu lời nói ấy đã xúc phạm và miệt thị tới quyền uy tối thượng của Mao Trạch Đông.
Càng ngày người ta càng nhận ra bài viết của Diêu Văn Nguyên đã được Mao Trạch Đông ủng hộ, cho nên không thể không lập một phòng tuyến khác và chuẩn bị “đề án rút lui”. Bắc Kinh nhật báoNhân Dân nhật báo cùng đăng bài của Đặng Thác “Từ Hải Thụy bãi quan” bàn về lý luận kết thừa đạo đức”, gọi là có tham gia tranh luận, ứng phó đôi phần. Ban tuyên huấn cũng vậy, phải biểu thị thái độ và Chu Dương đã thân hành tổ chức lực lượng viết bài “Hải Thụy bãi quan - đại biểu cho một trào lưu tư tưởng xã hội”; lấy bút danh là Phương Cầu đăng trên Nhân Dân nhật báo số ra ngày 29.12.1965.
Bài này do Bành Chân chỉ đạo, lập ngôn là đưa vở kịch “Hải Thụy bãi quan” về phạm vi trào lưu tư tưởng mà không quy là vấn đề chính trị phê phán, giọng điệu văn có vẻ rất “tả” khiến mọi người cảm nhận sự phê bình rất gay gắt, nhưng trên thực tế đã cởi cái mũ truy chụp, đưa sự việc ra khỏi vòng chính trị, che chở cho Ngô Hàm.
Khi trở về Bắc Kinh, Đặng Tiểu Bình ủng hộ quan điểm này. Theo ông và Lưu Thiếu Kỳ, mọi tranh luận của bộ môn văn hóa đều thuộc về học thuật và lý giải theo kiểu “trăm nhà đua tiếng”.
Ngày 3 tháng hai năm 1966, với tư cách là tổ trưởng Tiểu tổ Cách mạng văn hóa được thành lập năm 1964, Bành Chân triệu tập hội nghị các thành viên để đưa ra “Đề cương báo cáo về thảo luận học thuật trong giai đoạn hiện nay” (sau này được gọi là Đề cương tháng hai). Chủ đề của đề cương là hạn chế thích đáng khuynh hướng cực tả vừa xuất hiện trong vụ thảo luận phê phán học thuật, đặt những cuộc tranh luận như vậy dưới sự lãnh đạo của Đảng và đóng khung trong phạm vi khoa học, không tán thành nâng lên thành vấn đề chính trị. Đề cương được Ban thường vụ Bộ Chính trị đồng ý ở Bắc Kinh và có báo cáo với Mao Trạch Đông lúc ấy ở Vũ Hán. Ngày 12 tháng 2, đề cương do Trung ương chuyển phát đến toàn Đảng. Theo tinh thần của đề cương, Ban tuyên huấn ngừng công bố các bài viết phê phán “tác hại” của “Hải Thụy bãi quan”.
Thấy tình hình phê phán “Hải Thụy bãi quan” biến thiên theo chiều hướng bị hạn chế, Giang Thanh bèn tranh thủ sự ủng hộ của Lâm Bưu - Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng để từ ngày 2 đến 20 tháng hai tại Thượng Hải, tổ chức toạ đàm về công tác văn nghệ trong quân đội.
Nội dung toạ đàm được chỉnh lý biên soạn thành kỷ yếu, đã phủ nhận toàn bộ thành tích to lớn về văn nghệ kể từ ngày kiến quốc đến nay, cho rằng giới văn nghệ bị bọn đen chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội chuyên chính và hiệu triệu phải kiên quyết tiến hành cuộc đại cách mạng trên chiến tuyến văn hóa. Mao Trạch Đông đã thẩm duyệt và sửa chữa tập kỷ yếu này đến ba lần, rồi sau đó kiến nghị nên lấy danh nghĩa Quân ủy Trung ương báo cáo lên Trung ương phê chuẩn. Quả nhiên ngày 10 tháng tư, kỷ yếu đã được chuyển phát đến toàn Đảng. Tác phẩm mà Giang Thanh và Lâm Bưu nặn lên, không những nhằm vào người lãnh đạo văn nghệ mà còn chĩa sang nhiều cán bộ cấp Trung ương. Đây là kết quả mà hai bên cùng lợi dụng lẫn nhau, mở đầu cho sự cấu kết của họ.
Vào khoảng cuối tháng ba. Mao Trạch Đông liên tục tìm gặp Khang Sinh, Giang Thanh, Trương Xuân Kiều để nói chuvện, chỉ trích Đề cương tháng hai, cho rằng đề cương đã xoá mờ ranh giới giai cấp, không phân rõ thị phi, là sai lầm, rằng Ban tuyên huấn là phủ Diêm vương, phải đánh đổ Diêm vương để bắt lũ tiểu quỷ, rằng Thành ủy Bắc Kinh bao che người xấu, nếu tiếp tục như vậy thì phải gián tán các cơ quan này. Ông chủ trương: nếu cơ quan Trung ương, Phó thủ tướng, Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng bị vu cáo mang tội “soái quân phản đảng” phải cách ly thẩm tra; Dương Thượng Côn - Bí thư dự khuvết Trung ương, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương; Lục Định Nhất - Bí thư Trung ương, Phó thủ tướng, trưởng ban Tuyên huấn; Bành Chân - Bí thư thành ủy Bắc Kinh, Tổ trưởng Tiểu tổ cách mạng văn hóa đều bị đình chỉ công tác và quy vào một nhóm chống đảng Bành - La - Lục - Dương.
Như vậy là những người dưới quyền của Đặng Tiểu Bình ở Ban bí thư chỉ sót mỗi Khang Sinh, còn tất cả đều bị xử lý, khác nào như “giết gà cho khỉ xem”, tuy khỉ chưa bị đánh trực tiếp nhưng đã khiếp đảm vì nhìn thấy máu đỏ chảy ra từ cổ gà. Ông cảm nhận ra điều ấy và đến lượt mình “lãnh phần” cũng không còn lâu nữa.
Tiếp sau “Hải Thụy bãi quan” là “Thôn ba nhà”, lại một vụ ầm ĩ phê phán tác phẩm để đấu tố tác giả và ám chỉ hậu đài, ô dù đã nổ ra, lại một áng văn nữa của Diêu Văn Nguyên lên báo, tiếp tục đào rễ sâu tìm cho ra ai là người tán thưởng, bao che. Trên tầng cao của Đảng là nhóm chống đối Bành - La - Lục - Dương, ngoài xã hội là các nhà khoa học Ngô Hàm, Đặng Thác, Liêu Mạc Sa bị hãm hại, xử trí. Tất cả như dọn đường cho một sự điên đảo sắp xảy ra. Dây dẫn lửa, ngòi pháo cứ xòe cháy không ai dập nổi và càng lúc càng đến gần khối thuốc nổ.
Ngày 4 tháng Năm năm 1966, hội nghị mở rộng Bộ Chính trị Trung ương được triệu tập, Mao Trạch Đông bận công tác không tham dự giao cho Lưu Thiếu Kỳ chủ trì, tự xử lý kỷ luật cho các chiến hữu của mình. Tại hội nghị này đã chính thức xuất đầu lộ diện những Khang Sinh, Lâm Bưu và nhiều kẻ cơ hội khác, họ tâng bốc chủ soái Mao Trạch Đông, rằng câu nói nào của ông cũng là chân lý, rằng một lời của ông bằng vạn lời của mọi người cộng lại, chống ông là chống Đảng, là phản quốc v.v...
Chua xót hơn là Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình phải đồng ý thông qua bộ chỉ huy cuộc đại Cách mạng văn hóa, gồm Trần Bá Đạt, Khanh Sinh, Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên v.v... mà đối thủ của họ không ai khác là hai ông Lưu, Đặng.