Dịch giả: Đài Lan
Chương 8
Phòng báu vật

     ữa ăn được dọn trong phòng ăn biệt thự Radford. Bà Chumley và Letitia ngồi đối mặt nhau. Gérald Malz ngồi bên tay phải bà quản gia, nói huyên thuyên về nhà bảo tàng Mosby.
- Các cậu có biết rằng nhà bảo tàng chúng tôi có bức Vermeer tuyệt nhất thế giới không? - Ông hỏi ba thám tử.
Cặp mắt xanh của ông sáng lên sau cặp kính gọng vàng. Mái tóc ông vàng đến gần bạc. Nước da hồng hào của ông có chỗ bị bệnh sùi đỏ mặt.
- Vermeer là một họa sĩ tài ba - Ông hăng say nói tiếp - Một trong các bậc thầy Hà Lan! Chị Chumley thuộc một trong những người ái mộ ông nồng nhiệt, đúng không chị?
Người phụ nữ bị liệt gật đầu.
- Dì Chumley có một bản sao bức Vermeer cùa viện chúng tôi - Malz nói tiếp - Bức tranh tên là Người phụ nữ cầm hoa hồng. Do một sinh viên vẽ lại. Chúng tôi cho phép các họa sĩ muốn nghiên cứu kỹ thuật của các bậc thầy thời xưa được vào ngồi trong hành lang tranh và sao vẽ những bức danh tiếng. Tất nhiên là phải xin phép trước và bản sao không được có cùng kích cỡ với bản gốc.
Bà Chumley xen vào:
- Bản sao Vermeer của tôi lớn hơn bức tranh thật - Bà giải thích - Nếu không sẽ rất khó phân biệt bản sao với bản gốc.
Do bữa ăn sắp kết thúc, bà xếp khăn ăn lại bỏ lên bàn rồi đề nghị với ba thám tử:
- Các cậu có thích xem tranh của tôi không?
Không thèm chờ trả lời, Malz đứng dậy khỏi bàn, kéo xe lăn ra, đẩy ra tiền sảnh. Letitia bước theo đến một phòng khách nhỏ có cửa sổ nhìn ra bãi cỏ sau nhà. Phòng khách thông với một gian khác: phòng ngủ của bà quản gia.
- Xưa kia phòng này của mẹ tôi - Letitia giải thích - Tôi luôn thích chỗ này. Ở đó yên tịnh và dễ chịu lắm, nhất là vào mùa đông khi có lửa cháy trong lò sưởi!
- Dì cảm thấy chỗ này không hợp với dì lắm, Letitia à - Bà quản gia nói - Phía cánh nhà dành cho gia nhân có phòng trống. Có lẽ dì nên dọn sang đó!
- Dì đừng nói bậy nào! - Letitia mắng - Chẳng có lý do gì dì phải dọn đi cả!
Rồi chỉ tấm tranh treo trên tường phòng khách nhỏ, Letitia nói thêm:
- Bản sao Vermeer đây!
Ba thám tử im lặng ngắm tranh. Bức tranh vẽ, độ lớn như thật, một người phụ nữ trẻ mặc váy xanh dương và đội nón ren, đứng cạnh cửa sổ, tay cầm một hoa hồng màu vàng.
- Tuyệt vời, đúng không? - Gérald Malz nói khẽ.
Bà Chumley lăn xe để đối mặt với ông chủ nhiệm nhà bảo tàng.
- Dường như hôm nay anh không có khách - Bà nói - Sao anh không dẫn ba cậu này đi tham quan hành lang tranh? Chỉ có một con đường phải băng qua. Và chắc chắn ba cậu sẽ thích được xem các báu vật của anh.
- Tôi sẵn sàng thôi - Malz đáp - Nhưng hôm nay ta có hẹn chơi cờ mà?
- Ta sẽ chơi sau.
- Vậy thì được. Các bạn trẻ nghĩ sao về lời đề nghị này?
- Tụi cháu rất thích ạ! - Hannibal trả lời thay mặt cho tất cả - Chú thím cháu có tham quan nhà bảo tàng cách đây vài năm, thời ông Mosby còn sống. Thím rất hay nhắc lại chuyến tham quan này.
Malz liếc sang Letitia:
- Cô có muốn đi cùng không? - Ông hỏi.
- Cám ơn, nhưng câu trả lời là không. Tôi đã xem nhà bảo tàng đó ít nhất cả triệu lần rồi!
Cố tình làm ngơ trước thái độ khó chịu của cô gái, ông chủ nhiệm nhà bảo tàng chỉ nói khẽ:
- Một lát nữa chúng tôi sẽ quay lại.
Đi theo ông, Hannibal, Bob và Peter băng qua con đường, đến tòa nhà không có cửa sổ ẩn chứa các bộ tranh danh tiếng của Mosby.
- Nhiều phòng sắt ở ngân hàng cũng không được bảo vệ kiên cố như pháo đài này đâu. - Malz giải thích.
Ông bấm chuông ở cửa. Một bảo vệ ra mở cửa. Cả nhóm bước vào một tiền sảnh vuông vức chỉ chứa vài tủ kính và tranh thêu hình cô gái đang ngồi đọc sách giữa cánh đồng hoa.
- Ở đây tất cả đã được thực hiện để làm tôn vinh nét đẹp của các tác phẩm mỹ thuật và để bảo vệ chúng. Các cậu đã thấy là nhà bảo tàng không có cửa sổ nào. Hệ thống báo động đã được thiết kế cho nhà bảo tàng này. Ban ngày có nhân viên bảo vệ theo dõi khách tham quan. Có đèn chiếu sáng thay cho ánh sáng ban ngày và bố trí để làm nổi bật tranh mà không làm hư hại như ánh nắng mặt trời. Độ ẩm cũng được kiểm soát. Nhiệt độ không thay đổi hai mươi bốn trên hai mươi bốn. Một nơi lý tưởng đối với một chủ nhiệm nhà bảo tàng!
Nói xong, ông dẫn ba vị khách trẻ đi tham quan cơ ngơi, ở tầng trệt, ba thám tử trẻ thấy những gian trang trí bằng tấm gỗ lợp tường xuất xứ từ các lâu đài ở châu Âu và ngắm các tủ kính có chén dĩa và đồ pha lê vừa cổ xưa vừa quý giá và những quyển sách cổ trang trí thủ công.
- Hành lang tranh nằm ở đâu? - Hannibal hỏi.
- Trên kia! - Gérald Malz chỉ - Đi! Ta hãy lên tham quan.
Đi theo ông, ba thám tử leo lên một cầu thang có hai bậc thềm nghỉ, một thềm có chiếc đồng hồ cổ kêu tích tắc hiền hòa.
Những cái bàn mặt bằng đá hoa cương tựa vào tường của thềm nghỉ phía trên. Trên đó trưng bày những đồ vật lạ lùng và xinh đẹp.
- Nhìn kỹ đi! - Gerald Malz đột ngột nói.
Ông vừa mới dừng trước một cái bàn và nhìn đồng hồ đeo tay.
- Gần hai giờ rồi. Hãy nhìn các lăng kính pha lê tòng teng ở những cái giá đèn cầy này.
Hannibal, Bob và Peter nhìn các giá đèn cầy bằng bạc khối to. Đúng lúc đó, đồng hồ gõ giờ... và tất cả các miếng pha lê rung lên gây nên một tiếng nhạc nhẹ nhàng.
- Tôi thích lắm - Malz thú nhận - Điều này xảy ra mỗi khi đồng hồ gõ giờ. Dường như các mảnh lăng kính pha lê được điều chỉnh theo đồng hồ. Mấy giá đèn cầy này là một trong những món mới mua. Tôi mua được hồi năm ngoái, tất nhiên là có sự chấp thuận của ban điều hành.
Ông dẫn ba thám tử sang một phòng nhỏ hơn, có cái bàn viết làm bằng gỗ màu rất đẹp, một cái ghế chạm trổ tinh vi và một bức tranh duy nhất.
- Úi chà! - Peter khâm phục thốt lên.
Bức tranh là bản gốc của bức treo trong phòng khách nhỏ của bà Chumley.
Bob xem thật kỹ bức chân dung của người phụ nữ cầm hoa hồng.
- Tấm tranh này giống y chang cái kia - Bob nhận xét - Vậy mà lại khác.
- Sự khác biệt là ở chỗ bức tranh này do Vermeer vẽ - Malz mỉm cười giải thích - Có thể bản sao chép rất xuất sắc... nhưng chỉ là một bản sao. Còn thiếu bút tích của bậc thầy.
Ba thám tử im lặng một hồi. Rồi Bob ngạc nhiên nhận xét:
- Cháu thấy ngạc nhiên là bức tranh này có vẻ mới quá... Vermeer chết lâu chưa?
- Hơn ba trăm năm rồi, cậu ơi! Bức tranh này được vẽ vào khoảng năm 1660. Khi ông Mosby mua, có nhiều lớp vecni phủ tranh làm tối nó hẳn. Tôi đã xóa các lớp vecni để làm cho màu tươi phía dưới hiện lên.
- Chú làm có khó không? - Peter hỏi.
- Làm sạch một bức tranh là cả một nghệ thuật! Đòi hỏi phải khéo và quen tay. Việc rất khó, nhưng đáng công. Trong phòng tiếp theo, có nhiều tranh Rembrandt. Tất cả đều tối tăm, nâu nâu hoặc vàng vàng, với những chỗ đen. Rembrandt không hề vẽ tranh theo những sắc màu như vậy. Thế là tôi bắt tay vào việc và bây giờ các bức tranh đã lấy lại được màu sắc nguyên thủy và nó như sống lại. Đi! Tôi sẽ cho các cậu xem...
Ba thám tử bước theo ông. Đột nhiên Hannibal hít mũi ngửi.
- Mùi gì lạ quá! - Thám tử trưởng nói - Có phải là mùi của một hóa chất mà chú dùng để làm việc không?
- Mùi gì? - Malz hỏi lại - Tôi quen quá rồi! Chắc là mùi sơn dầu, hay mùi chất dung môi mà tôi dùng để xóa lớp vecni. Xưởng của tôi nằm trên lầu ba. Khách không được vào đó... Ở tầng đó còn có phòng ở của tôi nữa.
Bob nhìn xung quanh.
- Chắc chú cảm thấy khá cô đơn trong nhà bảo tàng rộng mênh mông này. Ở đây im lặng quá.
- Phải - Malz thừa nhận - Có khi tôi cảm thấy cô đơn thật. Nhưng tôi còn có nhà ở Santa Monica. Tôi ghé đó vài ngày khi không chịu được nỗi cô đơn nữa. Nhưng thường thì tôi rất thích ở một mình.
Malz dẫn ba cậu khách sang gian kế tiếp, nơi trưng bày các bức tranh Rembrandt mà ông đã trùng tu: có một bức quang cảnh tuyệt đẹp và bức chân dung một bà già. Rồi ông dẫn ba bạn đi tham quan hành lang triển lãm tranh, tửng gian một. Ba thám tử trẻ được ngắm tranh của Rubens, Van Dyck và những bậc thầy khác, cũng như các tác phẩm của các họa sĩ khác, không danh tiếng bằng.
Nửa tiếng trôi qua nữa, rồi Malz mới thông báo rằng chuyến tham quan đã kết thúc. Khi đó tất cả bước xuống cầu thang, đi về của vào. Bảo vệ không còn ở tiền sảnh nữa. Nên Malz tự đóng cánh cửa nặng phía sau mình. Rồi cùng ba thám tử, ông băng qua đường về biệt thự Radford.
Khi gần đến, bỗng có tiếng hét điếc tai phá vỡ buổi chiều mùa hè yên tịnh. Tiếng cao thé thé, không dứt.
- Thôi rồi! Lại bị nữa! - Peter lầm bầm.
Peter là người đầu tiên chạy nhanh về hướng nhà.