Người dịch: Vũ Ngọc Quỳnh
HẠNG VŨ
- 1 -
Quý tộc và lưu manh

    
uối cùng thì Hạng Vũ đã bị đánh bại, bại trong tay Lưu Bang.
Thắng làm vua thua làm giặc. Lưu Bang thắng trận khác gì chó mèo lên làm hoàng đế, Hạng Vũ bại trận đành tự nhận là đen đủi, không những không thành bá vương mà còn phải đi gặp Diêm vương.
Thực thê thảm và vô cùng uất ức.
Nghĩ lại thì thất bại cũng chẳng phải là điều gì đáng sợ đến nhường ấy! “Thất bại vốn là chuyện thường của nhà binh!”. Vả lại, đời người xưa nay ai mà chẳng phải chết? Chết đã chẳng tiếc thì bại có gì nhục. Có điều, bại không bởi người khác, mà bại trong tay Lưu Bang, quả là khó hiểu.
Sao Hạng Vũ lại bại bởi Lưu Bang? Hạng Vũ là anh hùng, Lưu Bang là lưu manh. Thân phận Hạng Vũ rất cao quý. Gia tộc của Vũ được coi là “danh tộc” thời đó. Năm 209 trước Công nguyên (năm thứ nhất niên hiệu Tần Nhị Thế), Trần Thắng khởi nghĩa, thiên hạ nơi nơi hưởng ứng, người người giương cao cờ, giáo, ùn ùn kéo tới. Nhân dân Đông Dương (huyện Thiên Trường, tỉnh An Huy ngày nay) giết huyện lệnh, muốn lập Trần Anh làm vương, Trần Anh lại có ý chạy sang với họ Hạng. Họ Trần nói: “Ta dựa vào danh tộc, Tần tất bị diệt”. Trần Anh không dám làm vương, chủ yếu là vì nhát gan, sợ phải xuất đầu lộ diện. Nhưng điều Trần Anh nói là thực, họ Hạng là danh tộc, uy vọng cao, sức hiệu triệu mạnh. Đúng là họ Hạng có một số điểm hơn người. Sử sách còn ghi, Hạng vốn là nước phong họ Cát, đòi sau của hoàng đế thời Tây Chu, đất này nay là huyện Hạng Thành, tỉnh Hà Nam. Vào thời Xuân Thu, nước Lỗ diệt nước Hạng, về sau Sở lại diệt Lỗ phong đất Hạng cho tổ tiên Hạng Vũ, từ đó họ Hạng ra đời. Vì vậy, tổ tiên Hạng Vũ ở Hạng Thành, Hà Nam, Viên Thế Khải, nhân vật nổi tiếng cuối triều Thanh đầu thời kỳ Dân Quốc là đồng hương.
Họ Hạng được phong đất Hạng Thành, đời đời làm tướng của nước Sở. Đến thời ông nội Hạng Vũ là Hạng Yên, vận nhà sa sút nhiều. Năm 224 trước Công Nguyên, tức là năm thứ hai mươi ba thời Tần Thuỷ Hoàng, tướng Tần là Vương Giản tiến đánh nước Sở, bắt sống Sở vương, Hạng Yên đành làm tướng của triều đình lưu vong, khởi binh phản Tần ở Hoài Nam, kết quả binh bại thân vong. Hạng Vũ ra đời ở Hạ Tương, tức huyện Túc Thiên tỉnh Giang Tô ngày nay. Sau này theo chú là Hạng Lương trốn đến Ngô Trung, tức huyện Ngô, Giang Tô. Vì vậy Hạng Vũ là người Giang Tô, coi như cùng quê với Lưu Bang, người huyện Bái.
Nhớ lại thuở nhỏ Hạng Vũ đã sống cuộc sống của quý tộc sa sút. Có điều, sa sút nhưng vẫn là quý tộc. Vì vậy Hạng Vũ là người có tên có tự rõ ràng: Tên Tịch, tự Vũ và Tử Vũ. Lệ thường của con cái quý tộc thời đó là vậỵ. Sau khi sinh được ba tháng đứa trẻ được chọn ngày lành để cắt tóc, cha đặt tên cho, con trai năm hai mươi tuổi, con gái năm mười lăm tuổi, được làm lễ đội mũ hoặc cài trâm, quan khách đặt tên. Có tên là được sinh, có tự là đã thành người, người có quyền lợi, có nghĩa vụ. Con em quý tộc mới được như vậy, con em bình dân thì khôngr). Ngoài ra, người có tự còn được tôn trọng, con em bình dân luôn bị xem thường. Hạng Vũ có tên có tự, mới là con quý tộc, được làm lễ đội mũ, được xã hội xem trọng.
Tổ tiên Lưu Bang là ông già họ Lưu, chẳng hiển hách gì. Lưu, tuy cũng là nước cổ có họ là Cơ (nay là xã Yển Sư huyện Lạc Dương, tỉnh Hà Nam), người dựng nước là Lưu Khang công, con của Chu Khuông vương, nhưng đến thời của Chu Trinh Định vương thì hết phong, lập nước được hơn trăm năm, họ với Lưu Bang nối tám cây sào cũng chẳng tới. Cha mẹ Lưu Bang vừa không phải trọng thần của triều đình, cũng chẳng hiển đạt gì trong xã hội, nhiều khả năng tên cũng chẳng có. Sách Sử kỷ nói, Lưu Bang có “cha là Thái công, mẹ là Lưu Ôn”, dịch thành tiếng Hán hiện đại là ông Lưu, bà Lưu. Ông Lưu, bà Lưu đương nhiên không phải là tên, rõ ràng họ là “loại vô danh”.
Bản thân Lưu Bang vốn cũng không có tên. Sử sách nói Lưu Bang: “Lúc nhỏ gọi là Quý, lên ngôi mới đổi tên Bang”, rõ ràng “Bang” là tên thêm sau khi đã nổi tiếng. Còn như “Quý”, không phải là tự mà là chỉ thứ tự. Người Trung Quốc xưa nói theo thứ tự: bá, trọng, thúc, quý. Bá là thằng cả, trọng là thằng hai, thúc là thằng ba, quý là thằng tư. Anh cả của Lưu Bang là Bá, anh hai là Trọng, không nghe nói có Lưu Thúc là anh ba, vậy “Lưu Quý” có thể là anh ba anh tư gì đó, có phần “không ra thể thống. Hoặc gọi thẳng là Lưu tiểu, giống như gọi đứa trẻ chăn trâu là Vương Nhị Tiểu” vậy!
Việc sinh Lưu Bang cũng rất đáng nghi. Sử ký nói, một lần, bà Lưu nằm ngủ bên hồ, trong mơ có gặp một vị thần. Khi đó sấm vang chớp rền, trời đất mù mịt. Ông Lưu chạy đến xem, thấy có rồng đang cuộn trên người vợ. Về tới nhà thì bà Lưu mang thai và sinh ra Lưu Bang. Đây chính là thủ đoạn bọn đế vương lập nước thường dùng, mục đích để chứng minh, mệnh của mình liên can tới trời, thần trao cho quỵền làm vua, xứng là “chân mệnh thiên tử”. Từ xưa đã có người chơi trò này, như Hữu Tể nuốt cây bo bo để sinh ra Hạ Vũ. Giản Địch nuốt trứng én sinh ra Thương Khiết, Khương Nguyên giẫm vào vết chân người khổng lồ sinh ra Chu Tắc… đều là dựng chuyện “dã hợp”, thần thánh hoá tổ tiên ba đời nhà Hạ, Thương, Chu, tôi đã vạch rõ điều này trong cuốn Đàn ông và đàn bà Trung Quốc. Nếu có hứng thú, các vị hãy tìm đọc cuốn đó.
Thánh hiền xưa đã làm điều đó, đời sau hẳn sẽ chẳng ngại làm theo, dù sao cũng chẳng có kẻ nào ngờ nghệch đến mức nghiên cứu để chứng thực. Nhưng không bốc phét thì vẫn hơn. Một khi đã bốc phét thì sẽ lộ dấu vết, bởi thế mới có người ngờ rằng, thằng nhóc nhà bà Lưu hẳn là đứa “con hoang”. Sử ký nói tướng mạo Lưu Bang thật kỳ lạ: “sống mũi cao, dáng mặt rồng”, để chứng minh Lưu Bang là “rồng thực”, nhưng ngược lại, thấy rõ Lưu Bang khác hẳn với cha, anh! Giống ai vậy? Chỉ có ông Lưu là biết rõ điều này. Vậy ông Lưu đã thấy những gì năm đó, dám khẳng định đó không phải là “rồng”. Sử liệu chứng minh, ông Lưu chẳng thích thú chút nào với chú nhóc lai lịch không rõ ràng này và cũng chưa bao giờ coi đó là “giống rồng”, thường mắng nó là đồ “vô lại”. Nếu như ông Lưu đã thấy rồng thật, thì e là đã không có thái độ đó.
Đã không coi Lưu Bang là con của mình nên ông Lưu không mấy quan tâm, giáo dục Lưu Bang không hết trách nhiệm. Ngoài việc mắng Lưu Bang là đồ “vô lại”, không chăm chỉ bằng Lưu Nhị ra, những việc khác, ông Lưu không quan tâm. Thế là từ bé, Lưu Bang đã tham ăn biếng làm, du thủ du thực, phung phí tiền bạc của cả nhà, ngay như Thái sử đương triều, khi nói tới Lưu Bang đã phải thừa nhận, đây là kẻ “thích rượu thích gái”, “không lao động sản xuất như mọi người”. Suốt ngày lêu lổng khắp nơi, hoặc cùng lũ bạn gái trai chẳng ra gì, ăn ăn uống uống, chòng ghẹo tình tứ, hệt một lũ lưu manh côn đồ. Về sau, Lưu Bang cũng kiếm được chân công sai “đinh trưởng Tứ Thuỷ”. Nhà Tần có chế độ, mười dặm là đinh, mười đinh là hương, đinh trương cao hơn thôn trưởng nửa bậc, thấp hơn hương trưởng nửa bậc, tương đương một cán bộ cơ sở, một đại đội trưởng sản xuất công xã, hơn nữa mới chỉ được “thử việc”. Chức vụ này không phải là quan, là kẻ giúp việc, gọi là lại thậm chí là tiêu lại, quyền ít việc nhiều, lợi ít phiền nhiều. Con em nhà có sĩ diện đều không làm, con em nhà nông thực thà chất phác cũng không muốn làm, thích hợp nhất với nó là Lưu Bang, một kẻ lưu manh côn đồ. Sau khi làm đinh trưởng, ngoài việc phát minh ra chiếc mũ làm bằng cật tre, đội vào lấy oai, Lưu Bang chẳng có dáng vẻ gì của quan lại, vẫn với bộ mặt nhăn nhở cười cợt, rượu chè trai gái, vẫn cứ uống rượu ghi nợ ở các quán cơm. Bà Lưu luôn đau lòng về thằng con của mình, cứ phải đi trả nợ, trả gấp bội tiền rượu cho con. Từ đây, trong làng ngoài xóm, Lưu Bang được coi là “vui vẻ độ lượng”, được một số người quý mến.
Vì vậy, ít nhiều Lưu Bang cũng có điểm tương đồng với Hạng Vũ. Lúc nhỏ, Hạng Vũ và Lưu Bang đều không phải là những đứa trẻ ngoan biết vâng lời, giữ phép tắc. Điều khác biệt là ở chỗ: Hạng Vũ con nhà quyền quý, Lưu Bang là kẻ côn đồ. Sử ký nói, Hạng Vũ “học tập không thành, đi học kiếm cũng không thành”. Hạng Lương là chú Hạng Vũ, lấy làm phiền muộn, bởi quý tộc rất coi trọng việc giáo dục con cái. Hạng Vũ nói, học chữ là để ghi chép tên tuổi người khác, có tác dụng gì đâu? Học kiếm cũng chỉ thắng được một vài người, không đáng phải học. Muốn học, phải học thứ chiến thắng được ngàn vạn người. Hạng Lương nghe thấy có lý, liền cho Hạng Vũ học binh pháp. Hạng Vũ mừng rỡ vô cùng, có điều bởi không chăm chỉ, không đào sâu suy nghĩ. Thế là, ngay cả binh pháp, Hạng Vũ cũng chưa học xong.
Mọi chuyện trên đời đều như vậy cả. Một người sau khi trở thành nhân vật tiếng tăm, thì ưu điểm thuở nhỏ của họ, đương nhiên vẫn là ưu điểm, nhưng khuyết điểm của họ thường cũng biến thành ưu điểm. Lưu Bang, Hạng Vũ đều không thích học hành, nhược điểm này tự nhiên biến thành biểu hiện của người “ôm ấp chí lớn”. Đúng vậy, học thuật, học vấn chỉ là thuật, không phải là đường. Đường không phải do học mà có. Người có học vấn nhiều đến mấy cũng chỉ có thể làm quan. Người có đường, tuy học vấn ít, cũng có thể làm vua thiên hạ. Nói ngay như Trần Thắng, học vấn có được là bao? Nhưng lại có “chí của chim hồng chim hộc”, nên mới có lời kêu gọi “vương, hầu, tướng quân, thừa tướng, há phải có dòng dõi mới làm nên sao?”. Trong lịch sử đã có học giả nào nói được câu đó? Chưa. Kẻ có học vấn đều không dám tạo phản. Kẻ dám tạo phản, nếu có chút chữ nghĩa, thì cùng lắm cũng chỉ là “anh tú tài thi trượt”. “Tro bụi chưa tan Sơn Đông đã loạn, Lưu, Hạng vốn ít học hành”. Câu nói này rất hay.
Vì vậy, Lưu Bang, Hạng Vũ tuy là người ít học, nhưng lại có ý nghĩ như Trần Thắng. Lúc Tần Thuỷ Hoàng du ngoạn ở núi Cối Kê, Hạng Lương cho Hạng Vũ đi xem, ai ngờ Hạng Vũ vừa nhìn đã thốt thành lời: “Có thể cướp ngôi và thay thế hắn!”. Hạng Lương sợ quá, vội đưa tay bịt miệng Hạng Vũ. Một lần Lưu Bang đi công cán ngang qua Hàm Dương, nhìn thấy cảnh bài trí của Tần Thuỷ Hoàng, từng đã thở dài nói: “Ôi! Đại trượng phu phải nên như thế chứ! “Lúc này nghĩ lại mới thấy, bấy giờ tư tưởng những người thực “thoáng” mới có thể thốt ra những lời đáng bị chặt đầu đó. Đương nhiên, Hạng Vũ đã thốt thành lời, Lưu Bang thì suy nghĩ và láng báng trong miệng (qua đây, thấy rõ Hạng Vũ anh hùng hơn Lưu Bang). Dám nghĩ như vậy, thực chẳng dễ dàng gì. Có thể là trước khi xây dựng thể chế chuyên chính của tập đoàn trung ương, người người đã suy nghĩ nhiều về điều đó. Hơn nữa, đã trải qua nhiều năm kẻ chiếm người đoạt, chính Tần Thuỷ Hoàng cũng đã cướp giang sơn người khác. Vậy, lẽ nào hoà thượng sờ được, tôi lại không sờ được? Doanh Chính, ngài có được ngôi vị hoàng đế, lẽ nào Lưu Bang, Hạng Vũ, chúng tôi lại không được có? Rõ ràng, vấn đề là có làm được hay không, còn chỉ nghĩ muốn làm hoàng đế thì không thành vấn đề. Vì vậy sau này khi Lưu Bang đã lên làm hoàng đế, Khoái Thông mới nói: “Lúc đó số người mài dao muốn lên ngôi như bệ hạ nhiều vô kể! Lưu Bang nghe xong rồi cười, biết Khoái Thông nói đúng sự thực”.
Có điều, nếu cân nhắc kỹ những lời nói của Lưu Bang, Hạng Vũ, Trần Thắng, sẽ thấy có những ý khác nhau. “Vương, hầu, tướng quân, thừa tướng, há phải có dòng dõi mới làm nên sao”, đầy tính khiêu chiến, mà đối tượng khiêu chiến không chỉ có vương triều Tần, còn có số mệnh. Câu nói mang tinh thần không an phận, không tin ở ma quỷ, vì thế được đánh giá cao nhất trong ba thuyết. Ngày nay đọc đến câu “Tráng sĩ không chết thì thôi, có chết thì cũng tiếng tăm lùng lẫy chứ”, trong lòng chúng ta vẫn thấy rất kính trọng. Một người mượn lời Giả Nghị nói: “Con nhà khố rách áo ôm, là dân manh lệ, đồ vong gia thất thố” có thể nói ra những lời thực phi phàm, đáng để mọi người phải kính phục. Trần Thắng thất bại vì quá thiếu văn hoá, đứng trước một thắng lợi quá đột ngột, hoàn toàn không biết phải làm gì, tự cho là vận mệnh may mắn, mà không hiểu rằng, để có được một thắng lợi cuối cùng thực sự không phải dễ. Kết quả là, làm vua được sáu tháng thì đầu lìa khỏi cổ, thất bại thảm hại, đúng là “hưng vượng rất nhanh, suy tàn rất chóng”. Nhưng người ấy trước số phận bất công, đã vùng lên quyết đấu, thực giống như một ngôi sao băng lướt qua bầu trời sáng loáng. Tuy là ngắn ngủi nhưng thật huỵ hoàng.
Lời Hạng Vũ thực khí khái, anh hùng, nói dứt khoát rõ ràng: “Có thể cướp ngôi và thay thế hắn!”, khẩu khí giống như đang lấy một vật gì ở trong túi. Trong con mắt Hạng Vũ “Thuỷ Hoàng đế” thống nhất toàn Trung Quốc kia chẳng có gì là ghê gớm, chỉ đáng được gọi là “hắn”, có thể thay bất cứ lúc nào. Thực tự tin và cũng thực tự đại. Tự tin khiến Hạng; Vũ thành công, tự đại làm Hạng Vũ thất bại. Có thể thấy rõ, lúc nói câu đó, Hạng Vũ chẳng suy nghĩ gì, không tính đến hậu quả của nó! “Hắn” kia, sao có thể thay ngay được? Ngộ nhỡ thay không được thì làm sao? Có lẽ chưa nghĩ đến điều đó. Hạng Vũ chỉ nghĩ là thay thế hắn có thể làm được. Đây là điểm đáng yêu của Hạng Vũ và cũng là điều đáng buồn cho Hạng Vũ.
Lời của Lưu Bang không khí thế bằng, chỉ như một kẻ lưu manh nhổ một bãi nước bọt vào lũ quyền quý, giầu sang: “Ôi! Đại trượng phu phải như thế chứ”, nói khác đi là, người tài ba muốn sống là phải sống như vậy, nhưng không được như vậy thì làm sao? Có lẽ cũng chỉ thế mà thôi. Như vậy là không anh hùng một chút nào, nhưng lại rất thực tế, Lưu Bang từ nhỏ đến lớn, từ yếu thành mạnh, dần dần bước lên ngôi báu của hoàng đế. về góc độ thẩm mỹ, đương nhiên chúng ta tán thưởng Trần Thắng và Hạng Vũ, nhưng về thực tế, chúng ta không thể không thừa nhận Lưu Bang mới là kẻ thành công.
Đúng vậy, Lưu Bang theo chủ nghĩa thực dụng, Hạng Vũ lại là người theo cảm tính.
Ở phần sau chúng ta sẽ nói tỉ mỉ về chủ nghĩa thực dụng của Lưu Bang, nhưng hiện giờ thực ra không quá khó để nhận ra điều đó. Khi Lưu Bang nói câu: “Đại trượng phu phải như thế chứ”, mục đích đã rất rõ ràng, phải sống cuộc sống như Tần Thuỷ Hoàng, cho ra con người. Như thế nào là ra con người, cũng chưa thật rõ. Thực ra, cho đến lúc đã là hoàng đế, Lưu Bang vẫn chưa rõ hoàng đế là thế nào, phải sống ra sao. Thừa tướng Tiêu Hà cho xây cung Vị Ương, lập cửa Đông, cửa Bắc, xây kho vũ khí, kho thóc… Lưu Bang thấy vậy đã nổi nóng, nói: “Vì chiến tranh thiên hạ khổ sở nhiều năm, việc thành bại còn chưa rõ, sao lại xây dựng cung thất quá mức như vậy?”. Tận khi Tiêu Hà giải thích: “Thiên tử lấy bốn biển làm nhà, không huy hoàng tráng lệ thì lấy đâu ra uy vọng”, Lưu Bang nghe xong mới yên. Lại như ngày đầu mới được thiên hạ, cùng quần thần yến ẩm, Lưu Bang vẫn như trong quán rượu huyện Bái ngày nào. Mọi người luôn ầm ĩ, lúc say thì la hét đấm đá, chẳng ra thể thống gì cả. Tận khi Thúc Tôn Thông định ra lễ nghi, mỗi lần trong cung mở tiệc, từ chư hầu, vương trở xuống, người người đều phải nghiêm chỉnh, giữ lễ; Lưu Bang không giấu nổi vui mừng, mới nói: “Mẹ kiếp, đến hôm nay ông đây mới hiểu làm hoàng đế sướng thật! Rõ ràng là trước đây chưa hiểu gì”. Lời Lưu Bang trước đây, phải sống được như Tần Thuỷ Hoàng, chỉ là nói muốn sống thật xa hoa, giống như A.Q, lúc ngủ trong miếu Thổ Cốc đã “mơ thấy cách mạng thành công”, đều là sự thèm muốn được vinh hoa phú quý. Chỗ khác nhau là, cảnh tượng lớn nhất mà A. Q nhìn thấy chẳng qua là cảnh bày vẽ phô trương của cụ Triệu và ông Tiền, còn Lưu Bang đã nhìn thấy nghi trượng của hoàng đế, vì vậy mục tiêu của Lưu Bang cao hơn một chút.
Cái mà Hạng Vũ xem trọng lại không phải là vinh hoa phú quý, mà là sự nghiệp anh hùng. Có nghĩa là, Hạng Vũ không xem trọng kết quả (như thế) mà xem trọng quá trình (thay). Hạng Vũ không muốn sau thay sẽ thế nào, cũng không nghĩ xem sau khi thay sẽ thế nào, mà chỉ muốn thay. Đúng vậy, với một anh hùng chân chính thì thường chú ý tới việc chiến đấu hơn là thắng lợi. “Mã tư biên thảo quyền mao động, điêu phán thanh thiên thuỳ nhãn khai” (Dịch: Nhơ cơ biên ải, ngựa dựng lông. Ngẩng nhìn trời xanh, mắt mở trừng). Không một người anh hùng nào lại muốn bỏ phí cuộc đời trong sự nhàn rỗi. Đã có việc cần làm là làm ngay! Không kể đó là việc gì, cũng không hề nghĩ làm xong việc đó sẽ thế nào!
Đó là cách làm và lối suy nghĩ của những người hành động theo cảm tính.
Chuyện sau đây thể hiện rất rõ nhất tính cách này của Hạng Vũ. Trong thời khắc cuối cùng của sinh tử tồn vong, Hạng Vũ nhớ đến cái gì, nghĩ đến một mỹ nhân họ Ngu, nhớ đến con tuấn mã tên Chuy. Mọi người đều thuộc lầu câu chuyện Bá Vương biệt Cơ rất hay: Đêm đã về khuya, bốn mặt là bài ca nước Sở, trong trướng của nhà vua thắp lên một cây nến rất to, bên ngoài là những bó đuốc sáng loáng, vị anh hùng của chúng ta uống cạn chén rượu, rồi đứng dậy cất lên lời ca bi thảm: “Sức nhổ núi chừ, khí trùm đời. Thời vận không may chừ, Chuy không đi! Ngựa không đi chừ, làm sao được. Ngu Cơ ơi Ngu Cơ, biết làm sao?”. Câu cuối dịch ra là thế này: Tiểu Ngu ơi, Tiểu Ngu, ta biết làm gì với nàng đây? Một vị thống soái ba quân trải qua trăm trận, một vị anh hùng cái thế, uy trấn thiên hạ, điều đau lòng nhất lúc này không phải công lao, sự thành bại của mình, mà là tuấn mã và người đẹp yêu quý, chẳng có cách nào sắp xếp được. Hạng Vũ không hề nghĩ làm gì để chuyển bại thành thắng, chuyển nguy thành an, không hề nghĩ phải làm gì để thoát vòng vây, để nổi dậy lần nữa. Ngay từ đầu Hạng Vũ không để ý tới thắng lợi cuối cùng!
Thắng lợi hay không thực không quan trọng, quan trọng là bản thân chiến đấu. Sau khi thống lĩnh tám trăm kỵ binh phá vây và lạc đường ở Âm Lăng, Hạng Vũ dẫn quân về hướng đông, hòng quyết đấu trận cuối cùng với quân Hán. Bên cạnh Hạng Vũ lúc này chỉ còn hai mươi tám kỵ binh, nhưng lòng quyết đấu của Hạng Vũ đã lên tới cực điểm. Hạng Vũ quyết định nói mấy lời cuối cùng với các tướng sĩ theo hầu. Từ ngày khởi binh tới nay đã tám năm, trải qua hơn bảy mươi trận, ai vây là phá, ai đến là đánh, ta chưa hề bại. Lần này, trời có thể muốn diệt ta! Tốt thôi, ta vì các vị sẽ đánh một trận cho ra trò, nhất định phải phá vỡ được một mặt, nhất định phải chém đầu tướng giặc, nhất định phải chặt gãy cột cờ của chúng, xem ta không biết đánh trận hay trời muốn diệt ta. Nói xong liền hô to, quân Hán, người ngựa kinh hồn bạt vía, tướng Hán lần lượt đầu lìa khỏi cổ. Hạng Vũ cười lớn, mãn nguyện, quay đầu nhìn lại, nói với tướng sĩ của mình: “Thế nào?”. Các tướng sĩ theo hầu đã bái lạy, quỳ xuống, đồng thanh nói: “Đúng như lời đại vương”.
Điều đó thực là trẻ con quá! Ai cũng rõ, trận đánh ở Cai Hạ là trận đánh cuối cùng của hai quân Hán Sở, cũng là trận mấu chốt quyết định thắng bại cuối cùng, là trận “quyết chiến” không ngưng nghỉ. Nhưng lúc này, bản thân thống soái Hạng Vũ không hề nghĩ tới quyết chiến, chỉ muốn tốc chiến. Nói như lời Hạng Vũ là: “Hôm nay ta quyết tử, nguyện cùng chư vị tốc chiến”. Ý muốn nói, đánh một trận thật thoải mái, đánh nhanh thắng nhanh, kết thúc sớm.
Đúng như lời Vương Bá Tường, tốc chiến khác với quyết chiến. Quyết chiến nghĩa là thắng bại khó phân, quyết phen sống mái, cũng có nghĩa là vẫn cầu thắng lợi. Tốc chiến là sự hứng khởi nhất thời, thể hiện sự dũng mãnh, không hề nghĩ đến hậu quả. Là thống soái thì nên chọn “quyết chiến” hay “tốc chiến” đây? Đương nhiên là cái trước, vì “thắng bại là chuyện thường của nhà binh”. Việc ngoài chiến trường biến đổi nhanh chóng, mới vào trận chưa ai biết ngay được kết quả, cứ đánh rồi sẽ biết. Vì vậy, dù quân đã ở dưới thành, địch mạnh ta yếu, trong lúc nguy cấp, cũng đừng mất hết hỵ vọng ở tháng lợi. Bởi vì, vẫn còn khả năng mở được đường máu. Binh pháp từng nói: “Để vào chỗ chết thì mới sống, rơi vào chỗ hiểm thì mới còn”. Theo đó, quân Sở vẫn còn khả năng lật ngược thế cờ, giành thắng lợi. Nhưng Hạng Vũ lại không nghĩ tới chuyện đánh tiếp. Cũng có thể qua hơn bảy mươi trận đánh, Hạng Vũ cũng đã mệt rồi. Cũng có thể, hơn bảy mươi trận bất bại, Hạng Vũ cảm thấy đã “đủ rốn” rồi. Đúng vậy, Hạng Vũ vốn không xem trọng ngôi vua và thiên hạ, chỉ mong được sống thật anh vũ hào hùng, thật thoải mái, có một kết cục tốt đẹp, sau đó rời bỏ chiến trường, từ giã cuộc đời.
Nếu đã như vậy, hãy để cho Hạng Vũ được toại nguyện đi!
Lưu Bang không ngốc như vậy.
Hạng Vũ luôn khải hoàn với nhiều thắng lợi thì ngược lại, Lưu Bang luôn gặp khó khăn. Đương nhiên, không phải Lưu Bang chưa từng thắng trận. Lưu Bang đã hạ thành Hàm Dương kinh đô nhà Tần, còn Tần Vương là Tử Anh đã phải xin hàng. Theo hẹn ước bấy giờ giữa Lưu Bang và Hạng Vũ, “Người vào Hàm Dương trước được là vương”, về lý, Lưu Bang đương nhiên là chủ thiên hạ, ít ra cũng là Quan Trung vương. Nhưng sự thể lại là Lưu Bang đành phải nhường lại Hàm Dương, mặc cho Hạng Vũ thiêu huỷ cướp bóc, nhẫn nhịn đi nhận chức Hán Trung vương. Rõ ràng trong thời buổi cá lớn nuốt cá bé, người có thực lực mới có quyền phát ngôn. Lưu Bang không mạnh bằng Hạng Vũ, tuy có “đạo nghĩa” (vào Quan Trung trước, diệt Tần nhận hàng, ba chương ước pháp, không phạm sai lầm), nhưng vẫn phải ngậm miệng.
Đúng vậy, nếu cân nhắc kỹ từng bên thì mặt nào Lưu Bang cũng không bằng Hạng Vũ. Không chỉ bối cảnh gia tộc khác nhau một trời một vực, mà ngay cả tố chất cá nhân cũng khác hẳn. Hạng Vũ “năng lực vượt trội, tài khí hơn người”, đánh thành thì thành bị phá, giết địch thì địch kinh hồn, Lưu Bang làm được những gì? Chỉ biết uống rượu và chơi gái. Trong suốt quá trình khởi binh diệt Tần, Hán Sở giao tranh, Lưu Bang không hề có một mưu kế nào, bản thân không hạ được một ngôi thành nào, không trực tiếp chỉ huy một trận đánh nào. Lưu Bang có mỗi một việc là hỏi bọn Trương Lương, Hàn Tín, Trần Bình “Làm thế nào đây?”. Có thể nói, so với Hạng Vũ, Lưu Bang chẳng có một chút khả năng nào. Chẳng trách từ trong thâm tâm, Hạng Vũ xem thường Lưu Bang: Loại này mà dám tranh giành thiên hạ với ta sao?
Ngay từ đầu, một phần là do vận khí và sự may mắn, Lưu Bang mới là lãnh tụ. Năm đầu thời Nhị Thế, Trần Thắng khởi nghĩa, chấn động thiên hạ. Hào kiệt khắp nơi nhất tề nổi dậy hưởng ứng, “quận huyện nhiều nơi đã giết trưởng lại, theo về Trần Thiệp”, cướp quận huyện, tự lập là mốt ở thời đó, huyện Bái của Lưu Bang không là ngoại lệ. Nhưng sau khi giết chết huyện lệnh huyện Bái, lập ai làm chủ còn là vấn đề. Xét về địa vị, tư cách, ý dân thì phải lập Tiêu Hà hoặc Tào Tham. Lúc đó, Tiêu Hà là cai ngục của huyện Bái, Tào Tham là chủ lại ở huyện Bái, là những người có địa vị, là quan viên hành chính có năng lực. Nhưng hai người đều là quan văn, có phần nhát gan, nghĩ rằng cầm đầu tạo phản không xong sẽ mắc tội chém đầu, diệt tộc, tốt nhất là nhường chức vụ ấy cho thằng nhóc họ Lưu, tên lưu manh côn đồ, bất chấp tất cả. Ngộ nhỡ có thất bại cũng chỉ mắc “tội a tòng” không phải “tội cầm đầu”. Với lý do đó, Lưu Bang mới làm Bái công.
Tưởng như đó là việc ngẫu nhiên nhưng thực chất là thế. Tát Mạnh Vũ từng nói, trong lịch sử Trung Quốc thường có hai loại người đoạt được đế vị: Một loại là hào tộc, như Dương Kiên, Lý Thế Dân; một loại là lưu manh, như Lưu Bang, Chu Nguyên Chương. Là văn nhân thì không có phần. Văn nhân thường không dám và cũng không có lực. Có tham gia khởi nghĩa tạo phản, cũng chỉ là theo rồng dựa phượng, đi theo bọn hào tộc hoặc lưu manh, làm quân sư, làm thuộc hạ, đề xuất ý kiến, bàn mưu tính kế, đương nhiên không thể làm lãnh tụ. Vì vậy thủ lĩnh hai bên Sở, Hán chỉ có thể là hào tộc Hạng Vũ và lưu manh Lưu Bang, không phải Tiêu Hà, Tào Tham, cũng không phải Phạm Tăng, Trương Lương.
Vì sao văn nhân không thể tạo phản? Vì tạo phản khởi nghĩa, tranh đoạt ngôi vị, nói trắng ra là chơi canh bạc lớn, phải là những kẻ có gan tày trời. Gan này có liên quan tới vốn liếng. Người có vốn liếng lớn, dám đánh cược, kẻ chẳng có thứ gì, cũng dám đánh cược. Hào tộc dám chơi vì vốn liếng lớn, không thể thua. Lưu manh dám chơi vì không có vốn, thua cũng chẳng sợ. Chẳng phải là thất bại thì không có quả ngon ăn ư? Tôi chưa bao giờ ăn quả ngon. Cứ làm, biết đâu sẽ được ăn vài quả, nào có mất gì? Truyện Thuỷ Hủ kể: Ngô Dụng vận động tam hùng họ Nguyễn tạo phản, Nguyễn Tiểu Thất liền nói: “Nếu có thể được dùng lấy một ngày, thì dẫu chết cũng nở mày nở mặt”. Vì vậy khi có cơ hội, những kẻ lưu manh, những người vô sản khác gì mớ cỏ khô có lửa là bùng lên ngay. Sợ gì mà không đi? Không đi thì cũng phí cả việc không đi.
Văn nhân gặp việc thường phải suy đi tính lại rồi mới làm. Văn nhân là người thông minh, thông minh thì thường không làm nổi việc lớn. Họ thường có nhiều cách nghĩ, nghĩ ngợi tỉ mỉ, nghĩ xong thì cơ hội đã không còn; mà dù còn thì hầu hết họ cũng không làm. Bởi vì văn nhân cũng là người có vốn liếng. Vốn liếng ít hơn hào tộc, nhiều hơn lưu manh, không nhiều không ít, thật khó xử. Họ cũng có một ít tài sản, một tổ ấm, vợ hiền con dại. Biết lo liệu có thể là thân sĩ, có kém nữa thì cả nhà cũng được no đủ, muốn họ bỏ số vốn liếng ít ỏi đó vào một canh bạc lớn không chừng sẽ mất tất e là khó? Vì vậy, chỉ có Ngô Dụng không một tấc đất cắm dùi mới đi làm giặc cỏ. Sở dĩ bọn Ngô Dụng có thể “đi buôn” là bởi bọn y có chút vốn liếng, đó là học vấn. Học vấn tri thức là phải dùng. Không dùng coi như chẳng có gì. Dùng như thế nào? Một là bán cho hoàng đế, làm quốc sư, hai là bán cho giặc cướp, làm quân sư. Đương nhiên bán cho hoàng đế là tốt nhất, nếu không xong mới bán cho giặc cướp, đừng bỏ không phí hoài. Huống hồ thành là vương hầu, bại là giặc cướp, giặc cướp xưa kia cũng có thể trở thành hoàng đế. Như vậy không phải là khai quốc công thần sao? Đó chính là nguyên nhân vì sao trong nghĩa quân luôn có mặt văn nhân. Tóm lại văn nhân muốn làm quan. Quan trọng triều thời bình, quan với giặc thời loạn. Họ không dám quay đầu làm phản.
Lưu manh không nghĩ được nhiều như thế. Lưu manh chẳng có gì ngoài sự can đảm. Chính vì chẳng có gì nên mới can đảm. Nghĩ xem, không có gia tài thì sợ gì phá sản, không có chức vị, sợ gì bị bãi quan, không có địa vị, sợ gì mất mặt, không có tri thức, không sợ nói sai. Vậy, họ sợ cái gì? Sợ chết chăng? Chuyện đùa, ai mà chẳng phải chết? Sợ chết không có đất chôn ư? Tôi vốn không mua nổi cỗ quan tài. Chẳng phải thân bại danh liệt sao? Tôi làm gì có danh. Sợ không được chết nguyên vẹn, chết dưới đao kiếm sao? Xin lỗi, dù có phải róc xương toàn thân cũng không tiếc, dám lôi hoàng đế xuống. Chỉ cần lôi được hoàng đế xuống là lãi rồi. Giả như lôi không xong, chỉ làm hắn sợ, coi như chúng ta đã không sống uổng. “Vốn là lưu manh, tôi còn phải sợ ai?” “Thằng nhãi” Lưu năm xưa, sau này là Lưu Bang, đại để là nghĩ như vậy.
Nhưng nếu nghĩ Lưu Bang là kẻ “to gan ngốc nghếch”, chúng ta đã phạm sai lầm lớn.
Tuy Lưu Bang ra mắt quá sớm, trong tình trạng chưa chuẩn bị nhiều về lý luận về tư tưởng, nhưng một khi đã bước ra sân khấu, Lưu Bang có cảm giác hiện trường rõ rệt, có mục đích rõ ràng đó là “chỉ được thành công, không được thất bại”. Có điều sự thành công nói ở đây là muốn nói tới “kết quả cuối cùng”. Vì vậy, có thể thất bại tạm thời, nhưng nhất định phải chuyển bại thành thắng. Hạng Vũ thì khác, một khi cảm thấy vô vọng đã vội vứt bỏ, chỉ cần một cảnh ra mắt và một màn cảm ơn thật đẹp, giữ được sĩ diện của người anh hùng. Không bao giờ Lưu Bang làm một việc ngốc nghếch như vậy.
Để có được thắng lợi cuối cùng, Lưu Bang đã làm được nhiều việc, Hạng Vũ không làm được, như lễ hiền hạ sĩ, lắng nghe lời trung, sửa chữa sai lầm, kìm nén dục vọng và cả ba chương ước pháp, sau khi vào Tần, là không tơ hào của công… Từ đó Lưu Bang đã được lòng dân, không chỉ được nhân dân trăm họ yêu quý, còn được mưu thần tướng sĩ yêu quý. Sự thực thì sở trường lớn nhất của Lưu Bang là biết người và giỏi dùng người. Sau khi lên làm hoàng đế, Lưu Bang đã cùng quần thần bàn về nguyên nhân vì sao Hạng Vũ mất thiên hạ, mình được thiên hạ. Lưu Bang nói, ngồi nghĩ kế trong màn để thắng ngoài ngàn dặm thì mình không bằng Trương Lương; trị nghiêm đất nước, vỗ yên trăm họ, cung ứng quân nhu, giữ đường tiếp lương, mình không bằng Tiêu Hà; cầm trăm vạn quân, đánh thẳng công phá, mình không bằng Hàn Tín. Ba vị này đều là nhân tài ưu tú nhất trong xã hội, cùng phò tá, nên mình mới có được thiên hạ. Hạng Vũ chỉ có Phạm Tăng nhưng không biết dùng, nên mới thất bại.
Sự thực là vậy, Hạng Vũ là người “theo chủ nghĩa anh hùng”, còn Lưu Bang biết vận dụng trí tuệ của tập thể. Vì thế, Lưu Bang tuy không biết gì, nhưng lại biết tất cả. Cũng không hẳn Lưu Bang không có chút khả năng nào, ít ra cũng có chút khả năng giữ nhà mà chỉ bọn lưu manh mới biết. Một là nhẫn nhịn, hai là xỏ lá, ba là côn đồ.
Năm 206 trước Công nguyên, Sở Hán giao tranh, cha Lưu Bang là ông Lưu cùng vợ Lưu Bang là Lã thị bị bắt làm tù binh. Trước ba quân, Hạng Vũ cho bắc bếp đun nước sôi, để ông Lưu trên kệ, uy hiếp Lưu Bang, nếu không hàng sẽ luộc chín ông Lưu. Ai ngờ Lưu Bang lại tươi cười vui vẻ nói: “Năm nào hai ta còn dưới trướng Hoài Vương, từng kết nghĩa anh em, cha ta cũng là cha ngươi. Nay người có ỹ luộc chín cha chúng ta, xin đừng quên, hãy để cho thằng em này một bát canh”. Hạng Vũ thấy Lưu Bang quá ư lưu manh, nghĩ đi nghĩ lại hết cách, đành phải lui quân.
Lưu Bang tuy lưu manh côn đồ, nhưng không phải đã hết tính người, vong ân bội nghĩa, càng không phải là loại táng tận lương tâm, bán đứng cha mẹ. Sau này khi đã là hoàng đế, Lưu Bang đã hết lòng cung phụng cha mẹ, không hề ra vẻ đế vương. Người vợ đầu Lã thị vẫn được phong là hoàng hậu, không vì bà ta là một bà già mặt vàng nhà quê mà bỏ bà ta để lấy một cô nàng trẻ đẹp, so với một số kẻ hễ phất lên là vội thay vợ khác, thì còn có đạo đức hơn nhiều. Lưu Bang buộc phải nói vậy vì đã hiểu được một điều, khi không thắng được ai đó, thường cho đào mồ tổ tiên, giết cha mẹ hoặc bắt người nhà người ta làm con tin, đó là hạ sách. Hạng Vũ cao ngạo và là người cao quý sẽ không bao giờ làm điều đó. Chỉ cần còn một ít khả năng, Hạng Vũ sẽ không làm vậy. Sau này Hạng Vũ còn muốn quyết đấu với Lưu Bang. Thách đấu là việc làm hay hơn việc luộc chín cha của Lưu Bang và hợp với tính cách của Hạng Vũ hơn.
Nói đúng hơn, lúc đó Hạng Vũ chẳng còn cách nào khác. Bành Việt không ngừng làm phản ở Đại Lương, cắt đường vận chuyển lương thảo của quân Sở, đốt phá hậu viện, làm dao động lòng người, không thể kéo dài cuộc chiến, chỉ có thể đánh nhanh, giải quyết nhanh. Hạng Vũ cho đun nước sôi trước ba quân, hô hào luộc chín ông Lưu, mục đích là muốn Lưu Bang phẫn nộ, dễ quyết định tốc chiến. Hạng Vũ đánh cú tâm lý, có phần xỏ xiên và côn đồ. Rõ ràng là Hạng Vũ không nhẫn nhục được nữa. Lúc này dù có xỏ xiên, côn đồ, mặt dạn mày dày, tàn nhẫn hơn ai một chút cũng chẳng sao. về mặt này, Hạng Vũ không phải đối thủ của Lưu Bang. Tôi tin rằng khi nói câu đó, Lưu Bang đang cười đểu, còn Hạng Vũ nghe xong, hẳn lấy làm ấm ức.
Hạng Vũ đúng là rất cao quý. Đó là “mầm độc” sinh ra đã có ở con em quý tộc. Nhưng ít nhiều Hạng Vũ cũng có tính lưu manh. Nếu không thì Hạng Vũ đã chẳng dấy binh làm phản. Lưu Bang từng kể rõ mười tội của Hạng Vũ, như bội tín bỏ nghĩa, lấy oán báo ân, hại chủ, giết lũ tù binh, bội ước, tham tài… phần lớn là sự thực. Hạng Vũ làm không ít việc thất đức, như việc quận thú Cối Kê - Ân Thông mời Hạng Lương, Hạng Vũ đến bàn việc khởi binh phản Tần, Hạng Vũ nghe theo Hạng Lương, giết chết Ân Thông, cướp đoạt địa bàn. Vì tin tưởng họ, Ân Thông không hề đề phòng. Đây là việc làm không đường hoàng, ít nhiều có vẻ như “cánh xã hội đen thịt lẫn nhau”.
Nhưng cùng với địa vị ngày cao, chất cao quý trong thâm tâm Hạng Vũ cũng ngày một cao hơn, càng về sau càng cao quý. Nhân cách Hạng Vũ biểu hiện trong thời khắc cuối cùng của sinh mệnh đáng để ca ngợi!
Hạng Vũ cũng rất cao ngạo. Hạng Vũ tự coi mình là anh hùng cái thế, tướng quân trăm trận trăm thắng duy nhất trong thiên hạ chẳng có ai sánh kịp. Hạng Vũ tin rằng mình sẽ không bao giờ bại trận. Khi đã thất bại, thấy mình chẳng sai lầm gì, trách là thời vận không may (Vận không may hề, Chuy không đi). Đó chính là cái gốc khiến Hạng Vũ thất bại. Trên đời này làm gì có người nào không hề thất bại, làm gì có anh hùng nào có thể đánh dẹp khắp cõi! Người thành công thực sự là người biết tự kiểm điểm, có khả năng đoàn kết mọi người. Có người luôn đưa chuyện với Lưu Bang, nói Trần Bình là người có tài vô đức, cướp chị dâu, nhận vàng. Gian dâm trai gái, nhận tiền hối lộ đương nhiên là thất đức. Nhưng Lưu Bang vẫn rất tín nhiệm Trần Bình. Vì vậy trong những thời khắc gay go, mấu chốt, Trần Bình vẫn là người giúp được nhiều việc. Hạng Vũ không làm được như vậy. Bởi Hạng Vũ là người tự cho mình không có sai lầm, khuyết điểm nào, đương nhiên, không thể dùng được ai hơi phạm vào sai lầm, khuyết điểm. Năm đó, Hàn Tín dưới quyền Hạng Vũ nhưng không hề được tín nhiệm nguyên nhân cơ bản e là tận xương tuỷ Hạng Vũ xem thường Hàn Tín. Hàn Tín đúng là người nghèo khổ, thậm chí “vô hạnh, không được chọn làm lại”, kém xa Lưu Bang, người loay hoay mãi mới được chức đình trưởng, lại từng bị chịu nhục luồn háng giữa chợ, đương nhiên Hạng Vũ càng xem thường Hàn Tín. Nhưng Hạng Vũ đã không nhìn thấy cái tài của Hàn Tín. Chính vì Hạng Vũ cao ngạo nên rất nhiều người tài ba nhưng nghèo khó đã chạy sang chỗ Lưu Bang, nơi luôn “chiêu hàng nạp phản, chứa chấp kẻ xấu”. Kết quả Lưu Bang trở nên hưng thịnh! Hạng Vũ biến thành “cô độc lẻ loi”.
Đó chính là cái bệnh thông thường của những người cao quý. Do cao quý nên họ không thể bao dung, không thể có gợn trong mắt, có tro bụi trong tim. Họ không hề biết biển có thể mênh mông vì biết thu nhận, “trăm sông đổ về biển, nhờ thu nhận nên rộng lớn”. Biển đâu chỉ có thu nhận nước trong? Sẽ có cả bùn cát, rồng cá hỗn tạp. Nhưng chính vì sự hỗn tạp đó, biển cả mới là biển cả. Hạng Vũ không hiểu được điều đó, thất bại là lẽ đương nhiên.