Dịch giả: Ngô Tín
Chương 1
Chuyến Xe Đường Trường

Vào một buổi sáng đẹp trời trung tuần tháng Tư, chiếc xe khách màu đỏ từ Lạc Sơn đến, chỉ có lèo tèo dăm bảy khách lên xe, sau đó xe chạy theo hướng Mi Sơn tiến vào địa phận huyện Nhân Thọ. Nhân Thọ có số dân khoảng một triệu người, trong đó 90% là nông dân. Mảnh đất này chính là chứng nhân lịch sử đã từng chứng kiến hai cuộc khởi nghĩa nổi tiếng của Vương Ba, Lý Thuận. Khách đi xe có thể nhìn thấy cả một dải lăng tẩm, những dãy nhà tranh, nhà mái ngói và nhà xây cấp bốn đơn sơ giản dị. Nông dân đang chăm sóc mùa màng trên đồng ruộng. Rau cải đang vào mùa thu hoạch còn lúa mạch thì chưa chín. Cảnh tượng trải dài một màu vàng xanh. Một con sông chảy qua đục ngầu phù sa, càng tôn thêm vẻ đẹp của cỏ cây và đất trời. Đường sá mấp mô, nhiều ổ gà, một vài hành khách luôn miệng ca cẩm, có lẽ họ quen đi đường cao tốc rồi. Phần lớn khách ngồi yên không nói gì, người lắc lư chao đảo. Đương nhiên trong số này cũng có nhiều người quen đi đường cao tốc nhưng họ không ta thán, bởi vì nếu vậy cuộc sống sẽ có nhiều điều phải ta thán quá.
Chuyến xe có trên hai mươi hành khách, trong đó trên một nửa lên xe từ Lạc Sơn. Bến cuối cùng là huyện Nhân Thọ, nhưng một số khách vẫn chưa xuống xe, họ còn đi tiếp đến các vùng xa xôi hẻo lánh. Nơi đó có thể vẫn thuộc địa phận huyện Nhân Thọ, cũng có thể là địa phận của Nội Giang. Chỗ giáp ranh hai huyện vẫn thấy nhiều lăng tẩm nhấp nhô.
Nếu chiếc xe này chạy trên đường cao tốc thì không thể gọi là xe đường trường. Bởi vì với lộ trình 100 km chỉ cần một tiếng đồng hồ. Từ Lạc Sơn đến Mi Sơn chỉ mất nửa tiếng đồng hồ. Nhưng đằng này từ Mi Sơn đến Nhân Thọ đã mất hai, ba tiếng đồng hồ. Nếu tắc đường, tắc xe thì phải nửa ngày chứ chẳng chơi.
Đã mười một giờ trưa, mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, chiếc xe vẫn lúc chạy, lúc dừng. Đường nhiều xe quá, xe khách, xe hàng, xe công nông, xe con nối đuôi nhau chen chúc, khả năng ùn tắc giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào, người lái xe quyết định cho xe đi đường vòng, đi theo đường làng. Có khách thuộc đường nói đi như thế này là kéo dài thêm ba mươi cây số nữa, chắc chắn trưa hôm nay không thể đến nơi được.
Lái xe không nói gì. Anh là người trầm tính, có nhiều kinh nghiệm. Không ai trách móc anh ta. Cô bán vé trẻ tuổi luôn dịu dàng giải thích cho khách.
Đường làng tương đối bằng phẳng, chỉ tội hơi hẹp và bụi bặm. Xe đi chậm. Mấy nông dân đội mũ cỏ rơm đứng ven đường có người đang vạch quần đứng đái ngay ven đường. Một chú trâu đang ăn cỏ ở đằng xa. Bầu trời trong xanh. Mặt trời rọi le lói trên đỉnh đầu.
Bốn bề yên lặng, cảnh huyên náo ồn ào vừa rồi đã tan biến.
Nhưng rồi chỉ vài phút sau trong xe lại nhộn nhịp hẳn lên kể cả những người không quen biết cũng vui vẻ trò chuyện cùng nhau. Có người từ lúc lên xe chẳng nói câu nào, quả thật không sao chịu nổi. Bụng đói cồn cào, lại ngồi mãi không nói thật chẳng khác gì một khúc gỗ, một bức tượng câm. Bên ngoài, trời nắng chói chang, mùa Xuân chưa bước sang mùa Hạ, nhưng thời tiết đã như mùa Hạ thực sự. Bầu trời trong sáng, cảnh sắc đa màu, rộng mở như vậy cho dù có là khúc gỗ cũng phải lên tiếng. Một người đàn ông có giọng nói Sơn Đông làm nghề buôn bán hoa quả đến Nhân Thọ để tìm hiểu tình hình làm ăn. Anh ta thao thao bất tuyệt kể về các hoa quả, cứ làm như mình đã được ăn tất cả các loại trái cây trên đời này. Cô bán vé đứng dựa vào thành xe hỏi hết chuyện này đến chuyện khác, mấy người ở Nhân Thọ vui quá cười tít mắt, xem ra họ đều là nông dân, trồng cây ăn quả. Hoa quả ở Nhân Thọ ngon có tiếng khắp Tứ Xuyên. Một bà lão nói chen vào, bà không thích ăn quả tì bà, vì hạt của nó rất to, một cân tì bà chỉ có hai lạng thịt. Mua làm gì? Mua hột hay thịt của nó? Câu nói của bà lão làm mọi người được một trận cười no nê. Người đàn ông Sơn Đông nói: Nếu bà lão xót tiền thì bảo con cháu nó mua cho. Bà lão bảo: Con trai nó mua về, con dâu đóng cửa lại ăn hết rồi đem kính biếu tôi toàn hột. Mọi người lại càng cười to, người đàn ông Sơn Đông cũng bật cười.
Bà lão hơi mặc cảm, mọi người cười, riêng bà thì không, trái lại còn tỏ ý bất bình. Một cọng cỏ từ cửa xe bay vào rơi đúng vào mái đầu bạc phơ của bà lão, một cô gái ngồi bên cạnh lấy tay phủi đi cho bà. Một người đàn ông ngồi cạnh cửa xe nhìn thấy nghĩ bụng chắc họ không phải là hai mẹ con.
Người này ngủ suốt, chỉ khi tiếng cười vang lên, anh ta mới tỉnh dậy. Anh mặc chiếc áo sợi nhiều màu, tuổi chừng ba sáu ba bảy gì đó, nhìn bề ngoài rất bình thường. Khi đi xe đường trường anh thường có thói quen hay ngủ. Thói quen này không tốt rất dễ bị mất trộm. Một lần đi tàu khi đang ngủ say, kẻ trộm đang lục lọi túi thì anh tỉnh giấc. Anh nhìn trừng trừng vào mặt tên kẻ cắp nói: Tao cũng không mang nhiều tiền đâu, nếu mày cần, tao sẽ cho một nửa. Tên kẻ cắp đứng ngây người rồi lủi thủi chuồn thẳng.
Người đàn ông này có khuôn mặt gầy guộc, lông mày rậm đen, môi hồng hào. Người không béo nhưng chắc nịch, có được thân hình như vậy là nhờ anh thường xuyên tập tạ tay hàng ngày. Anh làm việc ở một nhà xuất bản tại Dung Thành, hôm nay đến Nhân Thọ thăm một người bạn học.
Anh ngáp dài rồi đưa mắt nhìn ra cửa xe. Anh ngắm nhìn ánh nắng mặt trời, đồng ruộng bao la, lũy tre làng, cỏ cây hoa lá... Anh nở nụ cười đôn hậu. Ở thành phố không bao giờ nhìn thấy những cảnh như vậy. Đồng ruộng đẹp như gấm như hoa khiến anh nghĩ tới một cuốn sách của Trương Vĩ. Cô gái ngồi phía trước cũng nhìn ra cửa sổ. Anh ngắm nhìn phía sau cô ta. Đây cũng là một thói quen giống như ngủ trên xe vậy. Cô gái mặc chiếc áo nhung cổ bẻ lộ rõ đường nét của cổ.
Người đàn ông Sơn Đông tiếp tục nói chuyện với bà lão, hỏi tại sao con trai không biếu quà cho bà. Bà lão bảo nhà có hai cô con gái, chăm sóc đứa này thì không chăm sóc nổi đứa kia. Có tiền thì chăm sóc cả hai, không có tiền thì chăm sóc một. Bà rất thành thật, nói ra những chuyện đau lòng khiến người nghe có cảm giác đó chỉ là những chuyện hi hữu trên đời. Bà bảo người già không còn khéo mồm khéo miệng bằng lũ trẻ. Trước đây bà cũng có những tháng ngày sung sướng nhưng bây giờ thì phải nhường lại cho lớp trẻ thôi. Chúng nó đóng cửa lại ăn, nhai gau gáu, bà cứ phải giả vờ điếc không nghe thấy. Nói đến đây, bà lão cười còn người nghe thì không thể cười được.
Xe leo dốc, đường gấp khúc lắc rất mạnh. Bên ngoài vẫn là đồng ruộng và ánh nắng mặt trời. Sắp đến vụ thu hoạch, chỉ vài ngày nữa là đồng ruộng bát ngát màu vàng. Một số hộ nông dân vẫn gặt hái theo kiểu thủ công, tuy có mệt một chút nhưng gặt kỹ. Tháng Năm nắng sẽ như lửa thiêu, người làm việc ngoài đồng có thể cảm nhận được cả sự chuyển động của không khí. Người gặt lúc giơ cao, lúc hạ thấp bó lúa, tiếng kêu rào rào...
Người đàn ông mặc áo sợi nhiều màu thấy cảnh đồng ruộng lại hiện lên trong trí tưởng tượng của mình, anh đã từng đi gặt lúa. Khi còn học cấp hai, anh đã từng về nông thôn giúp đỡ bà con, thường là độ nửa tháng, thu hoạch xong mới trở về trường.
Cô gái mặc áo nhung cổ bẻ lấy một quả táo, gọt sạch rồi đưa cho bà lão. Bà lão bảo: Con gái ăn đi. Cô gái trả lời: Con có đây rồi. Cô lại lấy một quả nữa, lúc đó bà lão mới ăn, xem ra răng bà lão còn khỏe lắm, nhai gau gáu. Người đàn ông ngồi ở hàng ghế sau nhìn cô gái gọt táo, bỗng anh nghĩ tới Lý Ngọc Hòa: Cô gái...
Người đàn ông nghĩ lung tung đó có tên là Triệu Ngư. Anh đã đọc cuốn tiểu thuyết Tình yêu ngọt ngào, ấn tượng rất sâu sắc với nhân vật trong truyện. Khi ở nhà, anh thường lơ đãng, hôm nay đi trên xe đường trường, anh sốt ruột nhìn đồng hồ trên tay, đã quá mười hai giờ rồi. Bụng hơi đói, anh cũng muốn ăn táo nhưng không tiện hỏi xin. Tuy nhiên anh hiểu rằng nếu mình ngỏ lời, cô gái sẽ mời ngay, rất có thể còn gọt vỏ hẳn hoi rồi mới đưa cho anh.
Trong cuộc sống, có một số việc là có thể hoặc không thể. Ngỏ lời cũng được, không cũng được, không theo một khuôn mẫu nào hết. Triệu Ngư muốn ăn táo, hai người đàn bà ngồi phía trước nhai táo, vừa thơm, vừa giòn, anh không chịu nổi, nuốt nước bọt hoài. Táo ngon thật, thơm thật! Ở nhà thì bỏ thối, ra đường mới thấy quý. Bà lão vừa ăn vừa cười, mấy sợi tóc bạc bay cả vào mặt cô gái. Bà lão hạnh phúc quá, Triệu Ngư nghĩ như vậy.
Xe dừng ngay trước mấy căn nhà mái bằng bên đường.
Cô bán vé nói với mọi người, ở đây có một quán ăn, món ăn rất ngon, phục vụ rất chu đáo. Nếu khách nào muốn ăn thì nộp năm đồng, ăn xong, xe chạy tiếp. Cô bán vé đưa ra hai chai rượu vừa nói vừa cười. Nhìn khuôn mặt khả ái của cô, cánh đàn ông lấy tiền ra. Bà lão nói: Năm đồng bằng tiền hai sọt rau rồi đấy. Tôi chỉ cần ăn một cái bánh bao chay là đủ, già cũng phải có một tí vào ruột mới yên. Cô gái mặc áo nhung nói: Chúng ta cùng đi ăn, bà nhé! Cô gái nộp mười đồng. Bà lão chỉ nói: Cô giống con gái tôi quá, hôm nay tôi nhờ phúc của cô. Khi Triệu Ngư nộp tiền, cô gái quay đầu lại cầm lấy tiền nộp giúp anh.
Hơn hai mươi hành khách lần lượt xuống xe. Quán ăn rất sạch sẽ, vừa đủ chỗ cho ba bàn ăn. Cô bán vé đưa tiền cho chủ quán. Cả cô và lái xe đều nộp tiền. Người đàn ông Sơn Đông nói đùa: Cô việc gì phải nộp tiền, cứ ăn, chúng tôi có ý kiến gì đâu. Cô gái bán vé cười bảo: Tôi ăn ghé lỡ các anh không đi xe tôi nữa thì chết, lại mang tiếng là ăn ghé.
Mọi người cười rộ lên, không khí rất vui vẻ. Cùng ngồi với nhau trên xe mấy tiếng đồng hồ, họ đã trở thành một tập thể. Những người đàn ông trao đổi danh thiếp cho nhau, còn chị em thì hơi e dè không dám trao đổi danh thiếp với cánh đàn ông, nhưng cũng chuyện trò cởi mở, tiếng nói cười rộn rã.
Triệu Ngư đi vệ sinh. Khi qua đường, anh gặp cô gái mặc áo nhung, anh gật đầu chào, có ý ngưỡng mộ. Cô gái trẻ đáp lại lịch sự bằng nụ cười. Cô có đôi mắt to, mũi dọc dừa, áo nhung màu lam, quần màu vàng nhạt. Chủ hàng đang tíu tít làm các món ăn, Triệu Ngư đứng trên đường hút thuốc. Hai đầu đường không thấy có xe ôtô, chỉ có nông dân đi bộ và vài ba chiếc xe đạp qua lại. Bên đường là rặng cây cao thẳng tắp. Ánh nắng rọi chiếu trên đầu in hình xuống mặt đất. Tuy vẫn đang độ mùa Xuân, nhưng ánh nắng thật gay gắt. Triệu Ngư nhớ lại những ngày tháng Năm về nông thôn gặt hái giúp bà con. Nước da anh đen sạm, hụt đi mấy cân, uống nước chè bằng bát to, ăn thịt miếng thái to. Năm đó, bà con bần cố nông đã gánh hàng thùng nước chè đặc quánh ra đồng cho học sinh uống. Uống nước bằng ống bương, mỗi người một cái, ai nấy đều ngửa cổ tu ừng ực thật mát họng. Sau đó, ai là người đem nước ra đồng? Chỉ có thể là những cô gái, họ gánh nước ra đồng, đầu đội mũ rơm, ngồi trên bờ ngắm nhìn các chàng trai đang vung tay liềm gặt lúa. Bộ mặt hốc hác dưới chiếc mũ rơm, chiều tà, các chàng trai ngả mình trên đống rạ ngắm nhìn cảnh sắc xung quanh, thở hít không khí của đất trời và mùa màng. Quang cảnh khác thường ấy làm người ta cảm thấy vui vui, một niềm vui ngấm vào da thịt, ai cũng thấy dễ chịu. Nhưng không hiểu vì sao cảnh đó lại xa lạ với rất nhiều người, thậm chí còn không dám nghĩ tới. Sự dễ chịu ấy có ý nghĩa gì? Dễ chịu quá, ngày nào cũng dễ chịu thì còn gì để nói nữa...
Hút được vài hơi thuốc, trong đầu Triệu Ngư đã hiện về rất nhiều thứ: cảnh tượng mùa màng, đạo lý, tình cảm, tất cả đã hòa vào làm một dưới ánh nắng ban trưa. Cô gái mũi dọc dừa từ trong nhà vệ sinh đi ra, qua đường nhựa rồi vào quán ăn, ngồi xuống cạnh bà lão tóc bạc phơ. Ngồi kế bên cô là người đàn ông Sơn Đông. Ngồi cùng bàn còn có mấy nông dân người Nhân Thọ đang rót rượu uống suông. Trước mặt người đàn ông Sơn Đông cũng để một cốc rượu, chủ quán chưa kịp đem thức ăn lên, Triệu Ngư cũng chưa vội, anh muốn hút xong điếu thuốc. Anh ngồi cùng với cô bán vé, anh lái xe và một số người khác.
Triệu Ngư nhìn ra đầu đường nghĩ bụng: Không biết những cô gái gánh nước ra đồng năm xưa nay đang làm gì?
Cô bán vé ngồi đối diện nói to: Ăn cơm thôi. Triệu Ngư ngồi vào mâm. Rau xào, thịt kho, cơm nóng được đưa lên. Triệu Ngư ăn ba bát cơm và húp một bát canh. Anh muốn uống độ nửa cốc rượu nhưng người ngồi cùng bàn chẳng ai uống cả. Mấy người ngồi bàn bên đang cụng ly với nhau như những người bạn quen thân. Bà lão cũng uống một ly nhỏ, còn cô gái áo nhung thì đang xới cơm.
Triệu Ngư rời khỏi chỗ ngồi, lại châm thuốc lá hút. Một chiếc xe công nông đi qua, từ từ giảm tốc độ. Xem ra, cửa hàng này rất có duyên, lái xe qua đường đều là khách quen của họ, hoặc là xuống xe ăn cơm hoặc cho xe đi chậm lại.
Triệu Ngư vừa hút thuốc vừa đi ra chỗ bóng râm. Chiếc xe công nông đã đi xa rồi, mặt đường đã trở lại yên tĩnh. Anh đã ăn no, ăn xong hút thuốc để được hưởng những giây phút thần tiên. Mặt trời rọi chiếu vào anh, hơi nóng. Anh mặc chiếc áo sợi đan, đôi khi mùa Đông anh cũng mặc nó. Anh có mấy chiếc áo sợi, đều nhiều màu, nhưng không chiếc áo nào trùng màu cả. Tất thảy đều do các cô gái nhà quê đan hộ. Triệu Yến cũng nhờ đan một cái, định đan cho Triệu Cao nhưng đan đến nửa chừng thấy Triệu Ngư mặc vừa nên lại để cho Triệu Ngư. Triệu Ngư rất thích cái áo này vì màu sắc hài hòa, thân áo do Triệu Yến đan còn cổ áo do cô gái nông thôn đan. Mùa Xuân mặc áo mới lại rất vừa. Cả hai người đàn bà đều vui mừng ra mặt, riêng Triệu Cao thì làm toáng lên. Triệu Yến vội nói để cô đan cho cháu cái khác, đẹp hơn của bố cháu nhiều.
Năm 2001, Triệu Cao vừa tròn mười tuổi.
Triệu Ngư tìm đến bóng cây, tựa lưng vào thân cây. Chiếc xe khách đậu trên đường nắng như đổ lửa rọi thẳng vào nó, chắc nóc xe nóng lắm. Mấy hành khách uống rượu đã bắt đầu ăn cơm. Cô gái áo nhung ngồi gọt táo, cô vẫn gọt cho bà lão một quả. Anh chàng người Sơn Đông tỏ ý cũng muốn ăn táo, cô gái cười, lắc đầu bảo hết rồi. Bà lão khảng khái bổ đôi quả táo đưa anh ta một nửa, anh ta vui ra mặt, ăn một miếng hết một nửa, miệng luôn khen táo thơm quá. Triệu Ngư đứng bên gốc cây cười. Lúc đó, anh đã ăn no, lại uống thêm một bát nước canh, thế là đủ lắm rồi, lại đang hút thuốc nên không nuốt nước bọt nữa.
Triệu Ngư lên xe trước, ngồi ngay cạnh cửa sổ. Cô gái cũng lên xe, đưa mắt nhìn Triệu Ngư định nói gì đó nhưng lại thôi. Cô gái cũng ngồi ở vị trí gần cửa sổ. Cô tết tóc ngắn buộc một  cái nơ hồng, hai tay thục vào túi áo, trông rất có duyên.
Triệu Ngư đưa mắt nhìn sang phía khác, nhìn đằng sau người ta khó coi quá.
Quả nhiên trên xe nóng hơn trước, khách lần lượt lên xe lại càng nóng hơn. Người đàn ông vẫn ca cẩm về đường sá, luôn miệng kêu nóng đề nghị lái xe mở máy điều hòa. Lái xe bảo xe chạy sẽ mát. Người đàn ông tiếp tục ca cẩm, nguyền rủa ông trời: mới tháng Tư mà đã nóng thế này, mùa Hè chịu sao nổi? Anh ta sờ lên trán, mồ hôi đầy tay. Có người đang đi vệ sinh nên mọi người phải ngồi chờ trên xe. Người đàn ông hay ca cẩm luôn nhìn đồng hồ, đi gì mà lâu thế, dễ có đến chín phút rồi còn gì. Anh ta có ý muốn mọi người tập trung sự chú ý vào hướng nhà vệ sinh nhưng chẳng ai hưởng ứng nên lại càng cảm thấy nóng hơn.
Cái nắng khá gay gắt khiến người ta có cảm giác mùa Hè đang đến gần. Trên đồng ruộng, bà con nông dân đều đội mũ rơm.
Triệu Ngư tuy mắt nhìn những chiếc mũ rơm, nhìn dáng dấp sau lưng cô gái nhưng tâm tư thì lại để ở nơi khác. Lần này đi Nhân Thọ, anh định đến một nơi có tên là Cầu Khê. Anh rất có ấn tượng với Cầu Khê, ở Thành Đô rất nhiều quán ăn treo biển "Cá mè Cầu Khê". Cá mè Cầu Khê nuôi ở đồng bằng Xuyên Tây, cũng giống như quả tì bà ở Văn Cung vậy, rất nổi tiếng. Triệu Ngư có người bạn học thời cấp hai tên là Vương Đông hiện là giáo viên ở đó, đã mấy năm liền mời anh nhưng anh chưa đi được. Tháng Tư được nghỉ mấy ngày, anh quyết định đi một chuyến. Sáng sớm, anh lái xe đến Mi Sơn, cha anh khuyên nên đi xe khách vì đường đi Nhân Thọ rất xấu. Anh rất tiếc vì xe đơn vị cho anh mượn còn mới toanh, đành phải nghe lời bố để xe lại.
Dự kiến ban đầu là đến Cầu Khê ăn cơm trưa, nhưng xe hàng phải đi vòng vèo mấy tiếng đồng hồ làm lỡ cả kế hoạch. Xe đường trường đi rất chậm, lắc la lắc lư cứ như xe đi vãn cảnh.
Xe cứ chạy đủng đỉnh, không nhanh cũng không chậm. Gió thổi làm không khí mát dịu hơn. Tóc trắng của bà lão tung bay. Bà là người nhà quê nên không sợ nắng gió. Phía sau mái tóc ngắn của cô gái, gió thổi mát rượi. Không ai nói gì, quá nửa số khách trên xe đã thiu thiu ngủ.
Vừa tỉnh giấc đã đến Nhân Thọ. Triệu Ngư xuống xe, mua một chai nước suối. Khoảng mười phút sau, xe đi tiếp về thị trấn Cầu Khê, chỉ lèo tèo vài người lên xe. Triệu Ngư đứng dưới bến thấy người đàn ông Sơn Đông bắt tay tạm biệt cô gái áo nhung và đưa cho cô một tấm danh thiếp. Không thấy bà lão đâu cả, có lẽ bà đã xuống xe dọc đường.
Triệu Ngư đi dạo một vòng, muốn mua chút quà cho con Vương Đông. Khi xách mấy túi quà lên xe thì thấy cô gái áo nhung cũng lên xe. Triệu Ngư gật đầu chào. Cô gái áo nhung cười hỏi: Anh cũng đi Cầu Khê à? Bên cạnh cô còn trống chỗ ngồi, nhưng Triệu Ngư do dự. Anh vẫn ngồi phía sau cô gái, sát cửa sổ.
Triệu Ngư mời cô ăn lê, cô cầm lấy, mỉm cười cảm ơn.
Chiếc xe này xấu hơn xe trước, mùi xăng sặc sụa. Xe vừa nổ máy, mùi xăng đã bốc lên rất khó chịu. Lái xe là người Nhân Thọ, xe chạy rất nhanh, gió mát rượi. Vừa ra khỏi thị trấn, xe chạy theo một con đường làng khác, xóc rung bần bật. Suốt dọc đường anh lái xe trẻ tuổi cứ lảm nhảm như đấm vào tai hành khách. Anh ta nguyền rủa cảnh sát giao thông, người sửa đường, cục quản lý đường, cục công an, thôn trưởng, xã trưởng, thị trưởng tuốt tuột cả một lượt. Anh ta giận cá chém thớt, trút hết cơn bực tức lên đầu hành khách, giống như một quả khinh khí cầu càng xì ra nhiều hơi càng tốt. Ngoài việc ra oai một chút quyền lực của lái xe, anh ta chẳng còn gì hết. Có lẽ anh ta đã quên rằng chiếc vô lăng trong tay anh ta chính là một thứ quyền lực anh có thể lái như bay trên con đường đầy ổ gà bất chấp mọi cảm giác của hành khách. Không ai trách móc, vì chiếc vô lăng nằm trong tay anh ta, cũng như chiếc côn gỗ nằm trong tay cảnh sát, chiếc triện đồng nằm trong tay trưởng thôn. Anh chàng lái xe bực bội như vậy là có lý do: Quanh năm phải lái chiếc xe cà tàng, chẳng có tiền đồ gì cả. Nếu đổi cho anh làm cảnh sát hoặc trưởng thôn cầm chiếc côn gỗ hoặc chiếc triện đồng trên tay thì có lẽ anh sẽ hết bực tức.
Triệu Ngư nghĩ vậy, cười thầm. Quyền lực nhỏ bé quá không thể giúp anh ta được gì hơn. Anh nguyền rủa những người có quyền lực là cốt để mọi người có ấn tượng về sức mạnh của quyền lực. Quyền lực ghê gớm thật, nó thọc tay vào mọi lĩnh vực nhiều quá. Người ta đã biến nó thành một môn học môn "vật lý vi quan".
Anh chàng lái xe ca cẩm suốt dọc đường mà chẳng ai thèm hưởng ứng, chán rồi, anh ta uể oải cho xe đi chậm lại. Xe đi qua liền mấy đoạn đường khúc khuỷu, khách trên xe lắc lư như con lật đật. Bên ngoài, ánh nắng chói chang, bùn đất biến thành màu vàng thẫm, tương phản với màu xanh lá cây, giống như một bức tranh sơn dầu hỗn tạp. Triệu Ngư hơi xúc động, cảnh sắc làng quê thật đắm say lòng người. Rất có thể đất đã thai nghén sự bần cùng, nhưng cảnh sắc vẫn mãi mãi tỏa ngát hương thơm, bốn mùa vẫn rất nên thơ.
Hơn mười hành khách người nào trông cũng uể oải, nhìn cách ăn mặc thì biết phần lớn họ là nông dân. Áp lực cuộc sống khiến họ trở nên khắc khổ. Đất không liên quan gì đến ý thơ, mặt trời chỉ là mặt trời sưởi nắng đồng ruộng. Khi niềm vui được mùa đã dần dần đi vào quên lãng, thì diện mạo hân hoan của người nông dân cũng không còn nữa. Triệu Ngư xúc động trong lòng, anh thở dài. Còn cô gái thì thò đầu ra cửa xe thưởng ngoạn.
Xe đỗ lại, anh chàng lái xe đi vệ sinh. Buồn quá, bị đau bụng, anh ta quay đầu lại cười, buông ra một câu như vậy. Điệu bộ cười của anh ta trông thật dễ thương.
Triệu Ngư cũng xuống xe, mùi xăng trên xe khó chịu quá. Anh đứng sang ven đường ngắm nhìn cảnh làng mạc xa xa. Một con chó nằm sưởi nắng bên đường nhìn anh rồi cụp mắt lại. Hai chị nông dân đang làm đồng cạnh đó, họ không đội mũ rơm. Một người đàn ông quẩy gánh nước qua đường...
Cô gái áo nhung cũng xuống xe, tay cô vẫn cầm quả lê Triệu Ngư cho. Hai người đứng cách nhau khoảng hơn chục bước, nên nói chuyện hơi xa một chút. Không nói thì bất lịch sự họ gật đầu chào nhau, rồi nhìn ra cánh đồng. Trước mặt họ là cánh đồng trải dài như tấm thảm vàng và xung quanh là nhà cửa san sát.
Khi đến Cầu Khê đã là bốn giờ chiều, xe dừng lại bên đường thị trấn nhỏ. Một cô gái đi từ hiệu may ra, tay cầm tấm biển nhỏ viết hai chữ Triệu Ngư. Những người nông dân xuống xe đọc chữ trên tấm biển cười hô hố. Một nông dân trẻ mặc quần âu nói: Tôi là Triệu Ngư. Cô gái cầm tấm biển vội chạy đến làm anh ta không nhịn được cười. Các nông dân khác cũng cười ran. Ngồi trên xe suốt ngày buồn quá, họ tìm cách thư giãn.
Cô gái cầm tấm biển mặt đỏ bừng, lầu bầu vài câu rồi thôi. Ai cũng có thể là Triệu Ngư. Cô gái áo nhung đi qua quay đầu nhìn Triệu Ngư còn ở trên xe. Triệu Ngư đang lấy hành lý. Cô gái lên xe xích lô đi. Khi xuống xe Triệu Ngư chỉ còn kịp nhìn theo bóng hình khuất dần của cô.
Người đàn bà đi đón Triệu Ngư chính là vợ Vương Đông, tên là Lương Ngọc Cầm. Cái tên rất dễ nhớ nhưng không nhiều như cái tên Vương Đông. Hồi đầu ở lớp, Vương Đông rất ít nói, mãi một năm sau Triệu Ngư mới quen Vương Đông. Những người đàn ông ít nói thường hay chọn nghề giáo viên. Anh vốn là một học sinh giỏi, chỉ tội nhà nghèo nên tốt nghiệp cấp hai xong, anh vào ngay trường sư phạm của địa phương. Lúc đầu anh dạy ở trường làng sau được điều lên thị trấn. Vì đang bận lên lớp nên anh bảo vợ ra bến xe đón khách ở thành phố về chơi.
Chữ Vương Đông rất đẹp, chữ viết trên tấm biển cho Ngọc Cầm là do chính tay anh viết, không ngờ lại trở thành trò cười ở bến xe. Nữ chủ nhân tiệm may là bạn của Ngọc Cầm, hai người bàn luận mãi về hai chữ Triệu Ngư. Ngọc Cầm chưa gặp Triệu Ngư bao giờ nhưng đã được nghe kể về Triệu Ngư từ mấy năm trước, Triệu Ngư đã trở thành thành viên vắng mặt trong gia đình chị. Năm ngoái sau nhiều năm xa cách Vương Đông có đi Thành Đô thăm bạn học cũ, Triệu Ngư giữ anh ở lại một đêm. Khi trở về nhà, anh đã kể hết cho vợ nghe. Nói đến con gái tiểu thương, không biết nên hình dung thế nào cho đúng. Ngọc Cầm mở to mắt gắng sức tưởng tượng nhưng vẫn không hình dung ra. Thôi thì trăm nghe không bằng mắt thấy, Ngọc Cầm bảo đức lang quân mời vợ chồng Triệu Ngư về Cầu Khê chơi để người trong thị trấn được ngắm nhìn. Lúc đầu Triệu Ngư nhận lời bảo đến Mồng một tháng Năm sẽ cho cả vợ về, nhưng nghe nói đường xấu, vợ anh lại hay say xe, nên đổi lại đi sớm và đi một mình.
Ngọc Cầm ăn cơm trưa xong ra ngay tiệm may ở bến xe báo tin cho bạn mình biết Triệu Ngư sắp đến. Thực ra chẳng cần phải báo, vì tấm biển cầm trên tay và nụ cười tươi trên môi chị cũng đã nói rõ tất cả. Người bạn gái họ Trịnh, tên đầy đủ là Trịnh Thái Ức mà bà con trong thị trấn thường gọi là Trịnh thợ may. Ngọc Cầm mặc bộ quần áo đẹp nhất của mình, tủm tỉm cười bước vào tiệm may, cô bạn đã hiểu ý ngay. Không cần hỏi Triệu Ngư là ai, vì cái tên đó chị đã được nghe từ lâu rồi, kể cả khuôn mặt đẹp như tiên giáng trần của vợ Triệu Ngư. Chị cười nói với Ngọc Cầm: Bạn cầm tấm biển này để đi sân bay đấy à? Cô bạn Trịnh thợ may khác với Ngọc Cầm ở chỗ chị ta đã từng đi máy bay. Năm đó khi ở thành phố về người ta mua vé máy bay cho chị. Đương nhiên chuyện đó Ngọc Cầm cũng biết từ lâu rồi. Ngọc Cầm nói: Mình không quen anh ấy, anh ấy cũng không quen mình, có tấm biển này đỡ mất công tìm. Cô bạn cười bảo: Hàng ngày cậu đều nhắc tên anh ấy, hôm nay anh ấy đến thật, cậu không cần hỏi thăm nữa đâu. Nói xong chị bỏ thước đo phấn xuống bàn, cầm tấm biển ngắm nghía rồi lại nói: Chữ ông chồng cậu đẹp quá đấy. Ngọc Cầm nói: Chữ đẹp thì được cái gì? Liệu có đổi được một khoản tiền không. Cô bạn thợ may nói: Đức ông chồng nhà cậu tốt số đấy, được mọi người tôn trọng. Ngọc Cầm nói: Đó chỉ là hư danh thôi.
Ngọc Cầm đang phấn khởi lại chuyển sang chuyện chồng con, bất giác chị thở dài. Chị bạn thợ may lại cầm lấy thước đo đo, vạch vạch trên tấm vải. Đây là một cửa hàng cũ chật hẹp, chỉ có vài chiếc máy, các cô thợ may đang cặm cụi làm việc, bận đến mức không ngẩng đầu lên được. Ngoài cửa hàng này ra, chị thợ may họ Trịnh còn có một quán ăn chuyên cá mè giao cho người anh em quản lý. Ở thị trấn Cầu Khê, chị là người năng nổ, kiếm được khá nhiều tiền, có thể tùy tiện tiêu pha. So với chị, Ngọc Cầm túng thiếu hơn. Lúc đầu họ là hai hoa khôi của thị trấn, Ngọc Cầm lấy chồng là giáo viên, còn chị lấy chồng là cán bộ của thị trấn, hai nhà tương đối môn đăng hậu đối. Trịnh Thái Ức là người Quảng Đông đến rồi trở thành thợ may. Lúc đầu chỉ hai bàn tay trắng về sau mới khấm khá dần.
Ngọc Cầm đứng trong tiệm may luôn ngóng nhìn ra bến xe.
Chị nói lúc đầu Triệu Ngư định lái xe đến, khi đến Mi Sơn lại chuyển sang đi xe hàng, nếu không thì đã đến nơi rồi. Cô bạn thợ may bảo: - Chắc anh ấy xót xe của nhà. - Chị ta cũng nhìn ra bến xe, sau đó quay lại bảo Ngọc Cầm: Chồng cậu kỳ lạ thật đấy khách của mình mà lại bảo vợ đi đón. Ngọc Cầm nói: Anh ấy bận lên lớp. Nếu anh ấy có thời gian thì mình đi làm gì. Cô bạn thợ may lại nói: Cậu ăn mặc tươm tất thế này, vui vẻ là thế, việc gì phải ra đây sớm thế, chiều người ta mới đến kia mà. Ngọc Cầm bảo: Cậu nói gì, mình không hiểu. Cô bạn thợ may cũng cười: Chính mình cũng không hiểu.
Hai người nói đùa nhau một lúc thì chiếc xe khách đến, Ngọc Cầm ra khỏi tiệm may cố ý làm ra vẻ bình thường. Cô bạn cũng ngừng tay, chị trông thấy Triệu Ngư nhưng cảm thấy Triệu Ngư không giống như trong trí tưởng tượng, chị cũng trông thấy cô gái trẻ mặc áo nhung, chị nghĩ bụng: Cô gái này có tướng mạo phong lưu đây. Chị chưa gặp cô ta lần nào, không biết cô gái này đến thị trấn làm gì. Thị trấn Cầu Khê hẻo lánh, dân cư thưa thớt rất ít khách đến.
Ngọc Cầm và Triệu Ngư nhận ra nhau, họ hồ hởi bắt tay nhau, Ngọc Cầm đón lấy hành lý và đưa tấm biển cho Triệu Ngư. Hai người đi trên đường phố của thị trấn nhỏ, Ngọc Cầm luôn chào hỏi hết người này đến người khác, ai cũng đổ dồn con mắt vào Triệu Ngư. Triệu Ngư không cảm thấy gì, cứ mang tấm biển tên mình một cách hài hước. Buổi chiều thị trấn vắng tanh vắng ngắt, bên đường có người chơi bài, vài con chó đứng nghênh ngang giữa đường, bỗng nhiên rượt đuổi lẫn nhau, hoạt náo hơn cả người. Khi qua một ngôi nhà xây, Ngọc Cầm giới thiệu đây là cơ quan chính quyền thị trấn. Triệu Ngư nhìn thấy một người đàn ông trông có vẻ như một công nhân đang hút thuốc trong sân, thái độ tỉnh bơ. Đi vào một hẻm nhỏ, rồi qua một cái chợ bán nông sản, văng vẳng nghe thấy tiếng đọc bài, thì ra đó là trường học. Ngọc Cầm bảo Vương Đông dạy ở trường này. Họ ở trong làng, cách thị trấn nhỏ vài cây số nhưng không thuận đường, không tiện ngồi xe xích lô. Nói đến đây Ngọc Cầm đỏ bừng mặt, ở nhà quê thật xấu hổ quá.
Hai người ra khỏi thị trấn nhỏ, men theo đường ruộng. Đường ruộng quanh co khúc khuỷu kéo dài về phía trước như thông đến tận chân trời. Hai bên đều là ruộng lúa, trên đường không thấy một bóng người. Triệu Ngư đi thấy phát sợ, anh nghĩ bụng giá đổi vợ Vương Đông thành cô gái bán hàng thì tốt biết mấy, nếu không, đổi thành Triệu Yến cũng tốt, Triệu Yến sẽ mặc quần bò nhảy tưng tưng... Đi được khoảng hai cây số, Ngọc Cầm bảo cô áy náy vì đã để anh phải đi trên đoạn đường này, nhưng Triệu Ngư lại bảo: Tôi thích đi đường bờ ruộng. Ngọc Cầm cho rằng anh hơi khách sáo. Người ở thành phố lớn đời nào lại thích đi đường bờ ruộng, ngay cả xe xích lô còn không đi được nói gì đến xe ôtô. Chị nói: Lẽ ra làng cũng định đầu tư xây một con đường nhựa, nhưng quá nửa làng không chịu đóng tiền nên lại thôi. Triệu Ngư nói: Nếu có đường nhựa thì bà con ra thị trấn tiện quá rồi còn gì. Ngọc Cầm nói: Bình thường thì không sao nhưng trời mưa thì khổ lắm. Vương Đông cứ phải xắn quần móng lợn đến trường. Em cứ phải ngồi chết gí trong nhà không dám ra khỏi cửa, buổi trưa ăn dông dài vậy...
Thấy Ngọc Cầm nói như vậy, trong đầu Triệu Ngư bỗng thoáng hiện lên hình ảnh Vương Đông chân tay đầy bùn. Nếu mưa liên tiếp mười ngày, nửa tháng thì còn khổ hơn, đi ra ngoài, về nhà chân tay đều bê bết bùn. Với người nhà quê, đường bờ ruộng và đường nhựa khác nhau nhiều lắm.
Nhưng Triệu Ngư lại nghĩ khác, nếu cho anh lựa chọn thì anh sẽ chọn đường bờ ruộng. Đường bờ ruộng là một phần của tự nhiên, dưới ánh mặt trời, đường bờ ruộng trực tiếp đi vào giấc mộng. Anh có thể đi vài chục cây số, thậm chí cả trăm cây số từ sáng sớm đến chiều tà, càng đi càng phấn chấn. Đi dưới trời sao dày đặc, dưới màn đêm bao phủ để lắng nghe những âm thanh tự nhiên. Đường nhựa không thể có những thứ như vậy. Đường nhựa phẳng và cứng giống như một người vừa liều lĩnh vừa thô bạo. Những thứ thực dụng bao giờ cũng thế. Nhưng thế nào gọi là thực dụng? Tâm hồn lơ đãng là không thực dụng, lo toan có tác dụng nhất định, suy nghĩ kỹ càng là rất thực dụng. Quan niệm thực dụng ở thế kỷ hai mươi có thể còn thô ráp, nào là công nghiệp hóa, thông tin hóa, toàn cầu hóa, hóa hết cái này đến cái kia, đó là những quan niệm của trường phái sinh vật cần gọt giũa vứt bỏ cái hư, lấy cái thực, cần gạn đục khơi trong.
Triệu Ngư cười, mới đi được vài ba cây số mà trong anh đã hiện lên rất nhiều thứ. Anh nghĩ rất nhiều song có thể quy lại một câu là định vị toàn cầu. Suy cho cùng nghĩ về những cái đó cũng rất tốt, nghĩ về đường bờ ruộng lại nghĩ đến toàn cầu hóa, nghĩ về thành thị và nông thôn, về người giàu và nông dân. Miền quê bao la, ý thơ và nghèo khó cùng xuất hiện... Ngọc Cầm đi bên cạnh nói: Sắp đến rồi, sắp đến rồi, chỉ một lát thôi. Chị chỉ tay về phía những căn nhà mái ngói ở đằng xa. Trước nhà có cây ăn quả sau nhà có lũy tre xanh. Nếu những ngôi nhà này đổi sang chỗ khác sẽ trở thành những biệt thự đáng giá cả trăm triệu đồng.
Một lão nông đứng ở ngoài đồng, Ngọc Cầm gọi là bác Tam. Chị kể cho Triệu Ngư nghe, mấy hộ lân cận đều là họ hàng nhà Vương Đông. Chị đưa tay vuốt nhẹ mớ tóc bay trên mặt rồi nói tiếp bố mẹ Vương Đông ở chung với con trai cả. Anh con trai lại đi học ở huyện nên ở nhà thường chỉ có hai ông bà.
Sắp đến gần ngôi nhà ngói, con chó trong sân ngoe nguẩy đuôi mừng tíu tít, nó biết tiếng chân của chủ nhân. Triệu Ngư bước vào cổng, con chó mực giương mắt nhìn, do dự không biết có nên sủa vài tiếng không. Sau đó nó tỏ ra hiền hòa, biết rằng đó là khách quý của gia đình. Sân rất rộng, quét dọn khá sạch sẽ. Trên cánh cổng có một đôi câu đối do Vương Đông viết, đó là câu thơ của Đỗ Phủ:
Hoa tươi mời gọi khách đến nhà.
Đôi tay giang rộng đón bạn ta.
Triệu Ngư đọc đi đọc lại mãi hai câu này.
Ngọc Cầm pha trà hỏi Triệu Ngư thích ngồi ở hành lang hay ở ngoài sân, Triệu Ngư bảo cho ngồi ngoài sân. Anh ngồi trên chiếc ghế đẩu, mặt trông ra cổng, con chó mực đi đi lại lại, còn Ngọc Cầm thì ân cần niềm nở. Lúc này Triệu Ngư mới để ý thấy Ngọc Cầm rất giống Vương Phúc Lệ hai mươi năm về trước. Vương Phúc Lệ đóng vai phụ nữ nông thôn trong vở Con trâu trăm tuổi, một quả phụ đầy tủi nhục, đắng cay và nước mắt. Lúc đó Triệu Ngư mới mười sáu tuổi, rất mê vai diễn, nhìn mãi không biết chán. Sau đó Vương Phúc Lệ số phận rủi ro, biến mất trong đám những cô gái xinh đẹp. Anh thấy tiếc cho số phận của chị. Vương Phúc Lệ, Lương Ngọc Cầm...
Bầu trời trong xanh, ánh nắng ban chiều rọi chiếu những tia nắng yếu ớt xuống đồng ruộng. Có một hàng cây lúp xúp, bên cạnh một cây cổ thụ, dưới gốc cây là bãi tha ma, cạnh bãi tha ma là đồng ruộng, nông dân đang nói chuyện ở gần đó.
- Điều kiện chúng em ở đây rất kém, thật không phải. - Ngọc Cầm nói.
- Ở đây rất tốt, tôi rất thích ở nhà quê. - Triệu Ngư đáp.
- Được cái không khí trong lành anh ạ.
- Phong cảnh ở đây cũng rất nên thơ.
- Bãi tha ma ở ngoài kia chướng mắt quá, để em đóng cổng lại.
- Không cần đâu. Bãi tha ma có sao đâu, bãi tha ma cũng là một loại phong cảnh.
- Khi mới đến ở, em rất sợ, đêm đến không dám ra cổng. Bây giờ thì quen rồi. Bà con nông dân ở đây bảo ra cổng thấy bãi tha ma sẽ sống trăm tuổi.
- Thật không? Một trăm tuổi thì tốt quá còn gì.
- Sống đến một trăm tuổi có mà buồn chết đi.
- Chắc chị không phải là người nhà quê?
- Bố mẹ em đều ở trên thị trấn. - Ngọc Cầm đỏ bừng mặt, đầu hơi cúi xuống. Sau đó, chị ngẩng đầu lên nói tiếp: - Lẽ ra bọn em sống ở tập thể nhà trường nhưng anh Vương Đông không đồng ý, phải góp những mấy vạn đồng. Lương của anh ấy không kham nổi khoản tiền mua nhà nên đành phải ở nông thôn vậy.
- Ngôi nhà này tốt lắm, tôi nói thật đấy. Anh chị ở đây yên tĩnh hơn ở tập thể nhà trường.
Ngọc Cầm thở dài, đứng ngẩn hồi lâu. Cuộc sống không chiều lòng người, chị nguyên là cô gái ở thị trấn, khi lấy chồng lại về nông thôn. Trên có già, dưới có trẻ, đời sống khó khăn, một năm không may nổi vài bộ quần áo mới, chẳng bù cho cô bạn Trịnh thợ may. Lúc đầu là hai bông hoa của thị trấn, mới chỉ có một năm mà đã khác nhau một trời một vực, một đằng thì phơi phới trẻ ra, một đằng thì ưu tư sầu não. Không biết những tháng ngày tẻ nhạt sẽ kéo đến bao giờ, chị lại thở dài trước mặt khách. Cái nhà này cố nhiên là có ưu điểm, sân vườn rộng rãi, nhà kiên cố, có ti vi, tủ lạnh còn hơn khối nhà trên thị trấn, nhưng năm tháng qua đi, chị đã như không nhìn thấy những thứ đó nữa. Chị chỉ biết rằng do hoàn cảnh eo hẹp chị không dám mơ đến bộ quần áo thời trang, đến những hóa mĩ phẩm đắt tiền, thật khó mà nằm mơ, mà xúc động, mà phấn chấn, đến ngay cả ngày tết cũng thấy uể oải... Chị hơi hổ thẹn với những bí mật nhỏ của mình, ví dụ như hôm nay chẳng hạn, chị mặc chiếc áo cánh tím, nếu Triệu Ngư ở chơi độ hai ngày, chị phải thay một bộ quần áo khác thì còn mặt mũi nào mà nhìn khách nữa, nhớ lại những năm tám mươi... đi trên con đường bờ ruộng vừa rồi, chị rất khó chịu, chưa thể sửa thành đường nhựa có khác nào như những sai lầm mà chị đã từng mắc phải.
Ngọc Cầm muốn dốc bầu tâm sự với khách của chồng, mặt chị lại đỏ bừng. Xem ra không thể tâm sự được, vì nếu tâm sự sẽ lộ hết bí mật. Chị rót nước, mời thuốc Triệu Ngư. Triệu Ngư cúi nhìn đồng hồ. Ngọc Cầm nói:
- Thông thường thì sáu giờ tối Vương Đông mới về. Vương Đông là giáo viên chủ nhiệm nên rất bận.
Đúng lúc đó có tiếng điện thoại, Ngọc Cầm vào phòng nhấc máy nghe. Nói được vài câu, chị gọi Triệu Ngư vào. Triệu Ngư bước vào phòng, đại để đây là phòng ngủ, đơn giản nhưng sạch sẽ, giường trải ga hoa rất đẹp. Ngọc Cầm đưa ống nghe cho Triệu Ngư. Vương Đông xin lỗi, bảo sẽ đạp xe về ngay đưa Triệu Ngư lên thị trấn ăn lẩu cá mè. Triệu Ngư nói: - Không cần đâu để tôi và chị nhà đi lên cũng được.
- Như thế cũng được, tôi đã đặt chỗ rồi, đi ngay đi. - Vương Đông nói.
Triệu Ngư đặt máy xuống bước ra khỏi phòng, đứng ở phòng khách. Ở nhà quê người ta gọi phòng ăn, phòng ngủ và phòng khách gần giống nhau. Giữa phòng là một ti vi màu 24 inch, phía trước kê một bộ sa lông, cạnh tường là chiếc tủ lạnh. Ngọc Cầm đứng bên cạnh cười bảo:
- Nhà em mới mắc điện thoại hồi trước tết, bưu điện ưu tiên giáo viên không thu phí lắp đặt.
- Có nhiều gia đình mắc điện thoại không? - Triệu Ngư hỏi.
- Ít thôi, cả làng chỉ có vài nhà. Trên thị trấn thì khoảng một phần năm số hộ có điện thoại. - Ngọc Cầm trả lời.
Ngọc Cầm làm ra vẻ như mình đã điều tra kỹ. Triệu Ngư cười, và không có ý diễu cợt. Ai cũng có thế giới cảm giác của riêng mình, xem nhẹ cái này, coi trọng cái kia. Hai người bước ra khỏi cổng, Triệu Ngư thấy trên tay Ngọc Cầm cầm chiếc đèn pin. Chị nói:
- Lúc nữa về trời tối.
- Đi đêm thì phải có đèn pin. - Triệu Ngư đồng tình.
- Anh ở thành phố chắc không cần dùng đến thứ này.
- Ở thành phố đã có đèn điện.
- Chỗ nào đèn điện cũng sáng trưng.
Triệu Ngư nghĩ thầm trong bụng nếu Ngọc Cầm là đàn ông tất sẽ nói chỗ nào cũng đèn xanh đèn đỏ mập mờ nhấp nháy. Triệu Ngư nói:
- Đúng thế, chỗ nào đèn cũng sáng trưng. Khi nào nghỉ hè, mời anh chị lên thành phố chơi.
- Cám ơn, cám ơn. - Ngọc Cầm đáp.
Đến đầu đường bờ ruộng, Ngọc Cầm đứng lại nhìn về một hướng khác. Chị đề nghị đi đường tắt, qua bãi tha ma đến rặng cây bên kia. Triệu Ngư tán thành. Hai người đi men bờ ruộng theo hướng mặt trời lặn. Hương lúa trên đồng tỏa thơm ngào ngạt. Đi đến rặng cây, Triệu Ngư đi chậm lại. Ngọc Cầm cũng chậm bước, họ bước trên thảm cỏ lẫn đá lổn nhổn. Đây là bãi tha ma cũ, chỗ này một ngôi mộ, chỗ kia một ngôi mộ, cũng có một vài ngôi mộ mới. Triệu Ngư ngửi thấy một mùi khang khác, thoang thoảng hương thơm. Chim hót ríu rít trên cành cây, Triệu Ngư ngẩng đầu lên nhìn.
Đi hết rặng cây, tiếp tục đi về phía mặt trời. Triệu Ngư nói với Ngọc Cầm: Mặt trời ở đây không giống mặt trời ở thành phố. Ngọc Cầm cười. Hai người kẻ trước người sau đi miết. Thi thoảng Ngọc Cầm lại nói vài câu, chẳng lẽ cứ im lặng thì vô duyên quá. Triệu Ngư vừa trả lời, vừa nghe tiếng gió thổi. Đi men theo bờ ruộng có cái khổ là phải luôn dán mắt nhìn xuống đường nếu sơ ý sẽ bị ngã, phong cảnh chỉ xuất hiện trong ánh mặt trời yếu ớt. Anh nhìn đôi giày cao gót của Ngọc Cầm. Giày màu trắng, áo màu tím đi trên đất thó và cỏ xanh. Triệu Ngư lại nghĩ đến Vương Phúc Lệ. Phụ nữ nông thôn đi giày cao gót trông cũng đẹp ra phết, nhưng lại dễ bị bám bùn đất. Đôi giày cao gót của Ngọc Cầm xem ra cũng rất đẹp, chị đi có vẻ chắc chắn lắm. Một đôi giày như vậy có thể sẽ lấm đầy bùn, không còn bóng nhoáng nữa. Mặt trời đã ngả về tây, gió trên đồng thổi vi vu như tiếng sáo từ xa vọng lại, các nhà đã lên đèn. Cảnh vật mấy nghìn năm vẫn như xưa, Triệu Ngư thốt lên một câu như vậy. Khi đến một cây cầu khỉ, Ngọc Cầm quay lại dặn anh hãy cẩn thận. Gió thổi tung mớ tóc của chị, chị đi cẩn thận từng bước trên chiếc cầu khỉ. Cuộc sống của chị không thiếu gì niềm vui, chỉ ân hận là mình luôn mang một quan niệm cũ. Khi nói về quan niệm bao giờ chị cũng thấy vui. Triệu Ngư châm thuốc hút, mắt hết nhìn đồng ruộng, lại nhìn đôi giày cao gót của Ngọc Cầm.
Vương Đông đã đứng chờ ở đầu phố. Anh mặc bộ complê, thắt cravát. Cách ăn mặc khác hẳn với chiếc áo nhiều màu, quần khía và giày thể thao của Triệu Ngư. Cả ba đi trên đường phố Cầu Khê. Tiệm may của cô bạn vẫn chưa đóng cửa, chị vẫy tay chào Ngọc Cầm và nhìn Triệu Ngư. Chị nói với Ngọc Cầm: - Các bạn cứ đi trước đi, mình đóng cửa hàng xong sẽ đến. - Chị nhìn Vương Đông cười.
Vương Đông mặt mũi khôi ngô, ăn mặc chỉnh tề, rất xứng đôi với Ngọc Cầm. Anh là người ít nói. Ngọc Cầm trách anh để khách phải đi lại vất vả, anh chỉ cười. Anh có khuyết điểm sắp xếp không chu đáo, khi thấy vợ phê bình, anh tiếp thu ngay. Dọc đường, có rất nhiều người gọi anh là thầy giáo, trò chuyện với anh, mời anh hút thuốc, Ngọc Cầm thấy vậy lòng cũng vui vui.
Thị trấn nhỏ vẫn vắng tanh, mấy chú chó buổi chiều nhìn thấy, vẫn đang nô đùa, có hai chú cắn nhau kêu ăng ẳng. Một con sông nhỏ chảy qua thị trấn, nước sông đã gần cạn, đây là con sông nổi tiếng ở Cầu Khê. Trước đây dòng sông lấp lánh, nước êm đềm chảy qua, bây giờ lòng sông đã cạn, nó đã trở nên yên ắng hơn, vẩn đục hơn, vì thế cá mè Cầu Khê trở nên hư danh. Nhưng Triệu Ngư không nghĩ nhiều về nó, nghĩ cũng chẳng ích gì. Ven sông có một cây cổ thụ trông thật dễ chịu. So sánh giữa cây và nước, xem ra cây bền vững hơn. Vương Đông nói mười năm về trước ở thị trấn Cầu Khê có trên mười cửa hàng bán lẩu cá mè, bây giờ chỉ còn vài hàng. Ngọc Cầm nói có lẽ cá mè chính hiệu chỉ còn ở nhà hàng của cô bạn họ Trịnh, còn các cửa hàng khác thì toàn là cá nuôi trong lồng.
- Cái tên Trịnh thợ may nghe cũng hay hay đấy nhỉ, có phải là biệt hiệu không? - Triệu Ngư hỏi.
Ngọc Cầm nói: - Tên đầy đủ của chị ấy là Trịnh Thái Ức, khi mở tiệm may, bà con quen gọi là Trịnh thợ may. Bây giờ chúng ta đến ăn ở quán lẩu cá mè của chị ấy đấy.
- Tại sao lại không gọi chị ấy là Trịnh cá mè nhỉ. - Vương Đông cười nói.
- Cá mè chính hiệu chứ? - Triệu Ngư hỏi.
- Chị ấy là nhà thiết kế thời trang ở thị trấn này đấy. - Ngọc Cầm nói.
- Thể nào cũng có lúc tôi gọi chị ấy là Trịnh thiết kế. - Vương Đông nói.
- Thế là một lúc chị ấy có ba cái tên liền: Trịnh thợ may, Trịnh cá mè, Trịnh thiết kế. - Ngọc Cầm rất vui nói.
Nói chuyện được một lát thì cả ba người đã đến cửa hàng. Lẩu cá mè Cầu Khê, một tấm biển kẻ năm chữ trông rất hấp dẫn. Khi bước chân vào quán, Triệu Ngư sửng sốt: Thì ra là cô gái mặc áo nhung mà mình đã quen trên xe lúc sáng.
Cô gái đi với một phụ nữ trung niên, cô nhìn Triệu Ngư cười.
Bước vào quán, Triệu Ngư nghĩ: Một ngày mà gặp nhau đến ba lần.
Nhưng sự việc không quá ba lần, nếu quá thì chắc sẽ chuyển sang hướng khác. Sự chuyển hướng thần bí sẽ từ sự tích lũy của lượng trở thành sự nhảy vọt của chất...
Tiệm ăn rất ồn ào, mấy người đàn ông có vẻ như là cán bộ bắt tay nhau ríu rít. Ngọc Cầm đứng ở đầu cầu thang ra hiệu cho Triệu Ngư lên gác. Ngồi trên gác có thể nhìn thấy cây cổ thụ ven sông. Phòng VIP có máy điều hòa, khách ra vào tấp nập. Vương Đông nói với Triệu Ngư:
- Ở Cầu Khê ngoài cá mè ra, tôi chẳng còn món gì khác để đãi ông.
- Bình thường, chưa bao giờ chúng em đặt chân đến đây, đắt lắm. - Ngọc Cầm nói.
Vương Đông lườm vợ, chị biết là mình đã lỡ lời, mặt đỏ bừng, cúi gằm mặt không nói gì.
Vương Đông thích uống rượu Kiếm Nam Xuân nhưng Triệu Ngư lại thích uống rượu khác. Triệu Ngư nói thật lòng, nhưng Vương Đông không tin. Ngọc Cầm đứng cạnh chồng nói chen vào vài câu nhưng càng nói mặt càng đỏ nên thôi. Cô nhân viên phục vụ tủm tỉm cười, chờ quyết định cuối cùng của hai người. Đúng lúc đó, cánh cửa mở ra, một người ăn vận rất thời trang, cổ đeo lủng lẳng chiếc điện thoại di động bước vào, chị nói:
- Thôi hai vị đừng tranh nhau nữa, ta uống Kiếm Nam Xuân. Hôm nay tôi chiêu đãi.
Người phụ nữ đó là chị Trịnh thợ may.
Ngọc Cầm đứng đậy giới thiệu Triệu Ngư, hai người bắt tay. Tay Trịnh thợ may thon thả, dao kéo vẫn chưa làm mất đi sự mềm mại của bàn tay. Chị mở to mắt nhìn Triệu Ngư nói tôi đã được nghe đại danh của anh từ lâu rồi. Thấy bạn nói thế, Ngọc Cầm lại đỏ bừng mặt. Triệu Ngư thầm nghĩ: Chị ta cũng chất phác dễ thương đấy chứ. Trịnh thợ may nói với Vương Đông:
- Anh đã kẻ giúp tôi tấm biển, ân oán rõ ràng, hôm nay tôi phải trả ơn anh mới được.
Vương Đông từ chối mãi không xong đành chịu. Bốn người ngồi vây quanh lò lẩu, quả nhiên cá tươi thật.
Vương Đông tửu lượng bình thường còn cô bạn họ Trịnh thì uống thoải mái, khi cụng ly với Triệu Ngư, mỗi người uống cạn một chén. Ngọc Cầm ghé sát vào tai bạn hỏi nhỏ:
- Sao không bảo ông chồng cùng đi?
- Kệ ông ấy. - Trịnh thợ may bảo.
Một lát sau, một người đàn ông vào mời thuốc, nói năng ra vẻ cán bộ đó chính là đức ông chồng của Trịnh thợ may. Vương Đông mời anh ngồi, anh đưa mắt nhìn vợ nhưng chẳng thấy vợ nói gì nên lại lui ra, trông chẳng khác gì một anh hầu bàn. Ngọc Cầm che miệng cười.
Trịnh thợ may lại cụng ly với Triệu Ngư, qua câu chuyện cho thấy chị cũng là người khá sành sỏi, ví dụ như chè Quảng Đông, vịt quay Bắc Kinh, tháp Minh Châu phương Đông của Thượng Hải, chị đều nói vanh vách. Những chuyện như vậy thì Ngọc Cầm chịu chết không chen vào được câu nào. Chị nhìn Triệu Ngư, muốn khách của mình tỏ ra biết nhiều hơn thế nhưng thấy Triệu Ngư chỉ ngồi nghe không nói nên chị hơi thất vọng. Chị nghĩ: Có lẽ những người hiểu biết nhiều bao giờ cũng khiêm tốn, không thích phô trương chăng.
Ngọc Cầm và Trịnh thợ may hiểu nhau đến từng chân tơ kẽ tóc: Một người thì nghèo, một người thì chán ghét chồng. Những người có máu mặt ở thị trấn này đều là bạn của Trịnh thợ may, chồng chị vốn là một anh chàng nghèo, nhờ có chị mới được mở mày mở mặt đôi chút. Trịnh thợ may than thở với Ngọc Cầm về cái vô tích sự của ông chồng: Suốt ngày khô khan, đêm cũng khô khan. Nhân cơ hội này Ngọc Cầm khoe với Trịnh thợ may: Vương Đông ngoài việc kiếm tiền, còn có một khả năng khác, ý muốn nói về chuyện chăn gối. Trịnh thợ may nghe xong ngẩn người; Ngọc Cầm được một trận mừng thầm. Trong một năm, hai người phụ nữ xấp xỉ tuổi nhau này bao giờ cũng phải nổi loạn vài lần mới xong, phải cởi hết quần áo, lõa lồ thân thể lên giường cho thỏa cơn thèm khát mới xong. Vương Đông biết ý hai người nhưng không nói gì. Hôm sinh nhật 30 tuổi của Ngọc Cầm, Trịnh thợ may tặng chị một cái nhẫn. Có điều sự điên khùng của hai người đàn bà cũng chỉ có giới hạn, cái chính vẫn phải do người đàn ông chủ động. Để khoe thế mạnh của mình, Ngọc Cầm luôn đề cao Vương Đông nhằm kích động sự hưng phấn của bạn mình, cô bạn Trịnh thợ may nửa đùa, nửa thật:
- Để hôm nào tớ sẽ đi với đức ông chồng cậu một hôm, thử xem cái "khoản kia" của ông ấy đến đâu. - Ngọc Cầm không giận, chỉ khẽ phun nước bọt vào trán bạn mình.
Cuộc sống ở thị trấn nhỏ là như vậy, có một số việc nếu bạn không làm thì cảm thấy thiếu. Ngược lại, làm rồi sẽ biết tất cả. Những điều không cần nói tự nó cũng sẽ biết nói. Trịnh thợ may nói với Ngọc Cầm rằng hôm nào có điều kiện, tớ sẽ đi với đức ông chồng bạn một hôm, Ngọc Cầm cũng chỉ khẽ phun nước bọt vào trán bạn rồi thôi, coi như không có chuyện gì xảy ra. Nước bọt còn đọng trên mặt, chị ta cũng chẳng thèm lau, Ngọc Cầm lại phải lau cho bạn. Tối hôm đó, nhậu nhẹt rất khuya, mãi đến canh ba, Vương Đông mới đưa vợ về nhà.
Khi về Ngọc Cầm ra trước, để Triệu Ngư ở lại ra sau với Trịnh thợ may.
Hôm nay Vương Đông rất vui, anh uống nhiều, khuôn mặt sáng sủa, điểm thêm đôi má ửng hồng chẳng khác gì một cô gái xinh đẹp. Còn Ngọc Cầm thì đã quen với bộ mặt đó rồi, khi ngắm nhìn anh, chị lại nhớ đến câu nói của Trịnh thợ may: Khi nào có điều kiện, tớ sẽ... thử xem sao. Chị luôn tay tiếp thức ăn cho Triệu Ngư. Cái đĩa trước mặt Triệu Ngư luôn đầy ắp thức ăn, chị không giục khách ăn, mà tự tay lấy thêm một đĩa nữa. Triệu Ngư cũng uống rất nhiều, môi đỏ chót, lông mày rậm đen. Bất giác Ngọc Cầm nghĩ: Không biết vợ anh ta là người như thế nào? Mình muốn xem mặt một tí cho biết.
Triệu Ngư vùi đầu vào ăn, hương vị lẩu cá ngon thật, giá mà có vợ ngồi kề bên thì hay biết mấy. Đúng lúc đó, tiếng điện thoại réo vang, đúng là của vợ rồi. Vợ anh hỏi thăm Vương Đông, sau đó, anh đưa máy cho Ngọc Cầm, Ngọc Cầm xúc động đứng dậy, chị nói trong máy rất muốn mời bạn về thăm quê chúng tôi nhưng chỉ hiềm một nỗi đường sá ở Nhân Thọ tồi quá, thật vậy. Máy lại được chuyển đến tay Triệu Ngư rồi đến Trịnh thợ may.
Ngoài cửa có tiếng nói to của một người đàn ông, tiếng giày đi đi lại lại trên sàn giống như một trạm gác lưu động. Trịnh thợ may chau mày: Người đàn ông đó chính là ông chồng cán bộ của chị, một nhân vật nhỏ, bí thư kiêm chủ tịch thị trấn. Anh dạo mãi ngoài phòng ăn, muốn vào nhưng không thấy vợ gọi nên không dám gõ cửa. Nói chung những cán bộ nhỏ bao giờ cũng hay tự ti, Trịnh thợ may nghĩ như vậy, đây cũng chính là kinh nghiệm của chị. Chị không bao giờ để anh vào, hai tay khúm núm mời thuốc lá, trông ngứa cả mắt.
Người đàn ông đi lại bên ngoài một lúc rồi biến mất. Trịnh thợ may thở phào nhẹ nhõm. Chị đoán chắc ông chồng sẽ thở đài vì không được bén mảng đến cửa phòng. Mấy năm trước, Trịnh thợ may đã có ý định ly hôn nhưng nhiều khó khăn quá nên chưa thực hiện được. Nếu người đàn ông tuy địa vị thấp hèn nhưng có sức khỏe, biết phát huy đầy đủ sức khỏe vào việc... thì còn được, đằng này lại... Trịnh thợ may đành phải sống với anh cho qua ngày, chứ còn biết làm thế nào, vả lại, ở thị trấn nhỏ làm gì có tình yêu. Việc làm tình vụng trộm thì đâu chả có, muốn làm tình với ai mà chả được, nhưng... buồn thay, cuộc sống là như vậy.
Trịnh thợ may tâm niệm: đã chơi thì phải chơi thật xả láng. Chị nâng cốc nói với Triệu Ngư:
- Trước lạ sau quen, lần sau anh sẽ làm khách của tôi.
- Cám ơn, tôi đã là khách của chị rồi còn gì. Tôi rất cảm động về sự nhiệt tình của chị. - Triệu Ngư đáp.
- Nếu anh thật sự là khách của tôi thì đừng khách sáo. - Trịnh thợ may mỉm cười.
- Triệu Ngư, không nên khách sáo với chị ấy. - Vương Đông cười bảo.
- Mai em sẽ ở nhà làm cơm khoản đãi anh. - Ngọc Cầm nhìn chồng rồi nói với Triệu Ngư.
- Như vậy là tốt nhất - Triệu Ngư nói.
- Không mời tôi à? - Trịnh thợ may nói.
- Mời chứ, sao lại không mời? Cậu đến sớm giúp mình một tay. - Ngọc Cầm nói.
- Tôi cũng biết nấu món ăn. - Triệu Ngư nói.
- Không được, anh cứ chờ ngồi ăn thôi. - Ngọc Cầm nói.
- Ba người cùng làm chắc chắn sẽ rất ngon. - Trịnh thợ may nói.
- Tài nấu nướng của tôi cũng được lắm đấy. - Triệu Ngư nói.
- Để em thưởng thức tay nghề của anh xem sao? - Trịnh thợ may nói.
- Không biết xấu hổ à, chỉ thích thưởng thức của người khác thôi - Ngọc Cầm nói.
- Thì phải thưởng thức xem nó như thế nào chứ? Cậu không muốn thưởng thức à? - Trịnh thợ may đang rót rượu, ngẩng mặt lên nói.
- Chị còn bận công việc làm ăn... - Triệu Ngư nói.
- Khách quý từ thành phố về chơi, đóng cửa một vài ngày có sao đâu.
- Nói đi nói lại mãi, bây giờ khách quý thuộc về cậu rồi đấy. - Ngọc Cầm cười bảo.
- Điều đó có gì đáng trách đâu, bình thường thì cái gì cũng là của chung hai đứa, sao bây giờ lại so đo đến thế.
- Ai so đo nào? Chẳng qua mình chỉ muốn phân biệt rõ ai là chính, ai là phụ thôi.
- Anh ấy là khách của cậu, được chưa? Hôm nay là khách của cậu ngày mai là khách của cậu, mãi mãi là khách của cậu, hài lòng chưa?
Hai người phụ nữ nói đùa nhau tới số, xem ra ngày thường họ vẫn thế, đã thành thói quen rồi. Vương Đông ngồi bên cạnh chỉ cười. Triệu Ngư chỉ tập trung vào ăn và uống, trong lòng cảm thấy sung sướng. Được người khác tôn trọng là sung sướng nhất. Trong cuộc sống của anh không thiếu gì sự tôn trọng, sự tôn trọng của Thành Đô, của Mi Sơn, của những người đàn ông và đàn bà, trong đó, tỉ lệ đàn bà nhiều hơn một chút. Rõ ràng phụ nữ có cảm tình với anh nhiều hơn. Anh không phải là nhà lãnh đạo không phải là ông chủ, càng không phải là người đàn ông đẹp trai phù hợp với trào lưu thời đại, mà chỉ là một thư sinh. Có điều anh là người có đôi mắt tinh đời, đầu óc luôn tỉnh táo. Những việc anh làm không có gì là kinh thiên động địa, nhưng bất cứ việc gì anh cũng không hề chùn bước. Như thế là cân bằng, nụ cười ôn hòa, lời nói, cử chỉ ôn hòa. Nói theo cách khác là hàm súc. Tiết trời tháng Tư đẹp, đi về nông thôn là hay. Nhưng ngồi trước mặt anh lại là một phụ nữ còn hay hơn, cái mũi chị ta vếch lên mỏng như chiếc áo the...
Say sắc. Triệu Ngư uống hai chén vẫn chưa thấy say nhưng uống đến chén thứ ba thì thấy ngay hiệu quả của nó. Uống thế thôi anh ngồi hút thuốc. Khói thuốc lan tỏa giống như những đường gấp khúc nào đó, tự nhiên những bộ quần áo mỏng tanh cứ nhảy múa trong đầu anh, cô ta mặc quần gì nhỉ? Anh nhớ lại. Anh nhìn rõ khuôn mặt kiều diễm, hàm răng đều chằn chặn của Trịnh thợ may, mồm miệng như tép nhảy đúng với dáng dấp của một kẻ phong trần ở thị trấn nhỏ. Không nhiều. Có lẽ trước đây tương đối nhiều, nhưng bây giờ thì không nhiều. Điểm không nhiều về phong trần còn rớt lại trên khuôn mặt kiều diễm của chị. Chị tự làm khổ mình, một mình mở hai cửa hiệu, không phải dựa vào cái này hoặc cái kia mà chỉ tại đức ông chồng phải nấp bóng mình. Kinh tế hoàn toàn độc lập, điều này rất quan trọng. Đồng thời cũng ngăn chặn bớt được những cái chị đã học được ở các thành phố miền duyên hải, cái xu thế phong trần. Có lẽ bảo chị hơi phong trần một chút là không thỏa đáng, chẳng qua chị chỉ có vẻ hơi phong trần thôi. Cuộc sống buồn tẻ ở thị trấn nhỏ đến con chó cũng sinh lười nhác, những phụ nữ khá giả đôi chút vẫn không mất đi sự điểm xuyết đó.
Ngọc Cầm lại là một dạng người khác, giống như Vương Phúc Lệ mười năm về trước, sức dài vai rộng. Chị hơi oán hận về đường hôn nhân nhưng rất hâm mộ Trịnh thợ may. Chị luôn dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ nhưng không thấy bóng dáng một con lợn hoặc con gà. Chị rất ghét đường bờ ruộng. Những ngày mưa chị vác ghế ra mái hiên ngồi đan áo, chị muốn tâm sự, tâm sự rì rầm như những hạt nước mưa rơi tí tách. Chị muốn mình mãi mãi trẻ đẹp thời thiếu nữ, nhưng năm tháng trôi đi, nhan sắc cũng tàn phai dần. Chị nghĩ rằng sớm muộn gì cũng phải kiếm lấy một nghề phụ, chăn nuôi gà vịt chẳng hạn. Người phụ nữ ở thị trấn đã biến thành nàng dâu ở nông thôn. Chị dần nhận ra rằng niềm vui sẽ vơi dần, cuộc sống không thể nào khác được. Vương Đông hàng tháng vẫn lĩnh lương đều, một vài năm lại lên một bậc lương, suy cho cùng, chị vẫn hơn nhiều phụ nữ khác...
Triệu Ngư ngồi hút thuốc, suy nghĩ quanh hai người phụ nữ, suy nghĩ về con đường của họ. Đường nét mà anh vạch ra rất có lý, không hề mang tính ngẫu nhiên, nhất là đối với Ngọc Cầm. Với chị, thời đại là cái gì đó lớn mạnh đủ sức cuốn hút tình cảm của chị, còn sau này sẽ ra sao thì rất khó nói. Vương Đông trước sau chỉ cười, ai mà biết được anh đang nghĩ gì. Mỗi ngày anh có đến năm, sáu tiết giảng bài, là chủ nhiệm lớp nên khi tan học về nhà, anh chỉ muốn ăn cơm rồi leo lên giường...
Đừng nghĩ nữa, Triệu Ngư tự nhủ. Bây giờ thì tâm hồn thoải mái, mình đến đây để đem lại niềm vui cho họ. Trưa mai còn ăn một bữa cơm nữa, vẫn bốn người. Sau đó mình sẽ ra về, ngồi vài giờ xe là về đến Mi Sơn, buổi tối đánh xe về Thành Đô. Mình sẽ kể lại cho vợ nghe về phong cảnh ở Cầu Khê, về đường bờ ruộng, về Ngọc Cầm và Trịnh thợ may.
Khi uống hết chai rượu Kiếm Nam Xuân, Trịnh thợ may vẫn còn cao hứng. Chị muốn uống cho thật thỏa thích, uống cho thật say mềm. Nhưng Triệu Ngư không uống được nữa, nếu uống thêm e rằng sẽ loạn ngôn mất. Ngọc Cầm ra sức can ngăn, phản đối uống say và có ý trách ngầm sự quá đà của Trịnh thợ may. Trịnh thợ may đành cất chai rượu đi và lấy hai tút thuốc lá Trung Hoa Bài đưa cho Triệu Ngư và Vương Đông mỗi người một tút. Chị cười bảo đây là lòng thành của tôi. Triệu Ngư cảm ơn rối rít.
Bốn người bước xuống lầu, tiếng giày nện trên sàn gỗ kêu lộp cộp. Người đàn ông đầu tóc chải mượt đứng đợi đã lâu cung kính mời thuốc rồi lần lượt bắt tay từng người, kể cả vợ mình. Trịnh thợ may ghé sát vào tai chồng bảo: Anh mắc bệnh thần kinh rồi à. Người đàn ông lùi sang một bên, nhìn vợ bước ra khỏi cửa hàng, môi vẫn nở nụ cười tươi, khuôn mặt rạng rỡ. Mấy cô phục vụ lấm lét nhìn trộm bà chủ.
Đèn đường tối om, người đi lại không nhiều. Trịnh thợ may đưa mọi người đến một nơi khiêu vũ, xem ra chị rất nhiệt tình. Hai người phụ nữ thay nhau hát, Vương Đông thì vùi đầu chọn bài. Triệu Ngư ngồi uống trà xem hai người nhảy múa. Họ vui lắm. Khi Trịnh thợ may mời Triệu Ngư nhảy, trông chị rất đoan trang, chị biết vị khách đến từ thành phố lớn không thích ồn ào. Chị nhìn thẳng vào mắt Triệu Ngư, Ngọc Cầm giả vờ đằng hắng một tiếng, hai người đã hiểu ý nhau, bụng đều mừng thầm. Một lúc sau, họ rời khỏi nơi khiêu vũ, đi bộ ra đến chợ rồi chia tay nhau. Trịnh thợ may bắt tay Triệu Ngư nói: - Hẹn mai gặp lại.
Trịnh thợ may quay người đi, bóng hình khuất dần trong đêm tối. Ngọc Cầm không hiểu vì sao, cười khúc khích.
Họ đi qua cái chợ nhỏ bé ra đến đường bờ ruộng, Ngọc Cầm soi đèn pin cho khách. Đêm tối ở nhà quê thật mênh mông, trên đầu trời sao lấp lánh. Triệu Ngư bỗng thốt lên một câu: - Lâu lắm rồi chưa chứng kiến cảnh này. Hồi còn nhỏ, anh có cảm giác rất mạnh về đêm, anh hiểu rất rõ câu nói chìa năm ngón tay ra mà chẳng nhìn thấy ngón nào. Anh nuốt một bụm không khí lạnh, đồng ruộng xung quanh trải dài một vệt đen ngòm. Ánh đèn pin lấp loáng rọi chiếu trong đêm tối mênh mông. Thỉnh thoảng Ngọc Cầm lại quay đèn pin về phía Triệu Ngư, chị sợ khách không trông thấy đường. Nhưng vị khách này lại thừa hiểu rằng đi đường dựa vào kinh nghiệm vẫn tốt hơn dựa vào đèn pin. Kinh nghiệm đi đêm của nông dân là cứ nhìn chỗ nào trắng thì đi, vừa chắc chắn, vừa nhanh.
Khi về đến nhà, Ngọc Cầm mở tủ lạnh lấy hoa quả. Triệu Ngư nói: Ta nên ngồi ngoài sân. Đêm mát thế này chắc mai trời lại nắng to đây. Hai người đàn ông ngồi hút thuốc, còn người đàn bà thì ngồi trên chiếc ghế đẩu gọt trái cây. Gọt xong, chị đứng dậy nói với Triệu Ngư: Các anh cứ ngồi chơi, tôi xin phép đi ngủ trước đây. Đến gần nửa đêm Triệu Ngư và Vương Đông mới đi ngủ.
Khi lên giường, Triệu Ngư lấy cuốn tiểu thuyết Tồn tại và thời gian ra đọc. Lúc tắt đèn đi ngủ, trong đầu anh cứ vấn vương mãi một câu: Người mù vẫn có thể nhìn thấy đêm tối.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, mặt trời vẫn chưa mọc. Bên ngoài cửa sổ là một rừng tre, hôm qua anh chưa để ý tới. Vương Đông đã dậy, đun nước và làm bữa ăn sáng ở dưới bếp. Một chú gà đã mổ đặt trên thớt. Ông giáo viên của nhân dân cần mẫn và chăm chỉ là thế. Triệu Ngư ra ngoài dạo vài vòng, khi trở vào đã thấy mọi thứ bày la liệt trên bàn. Ngọc Cầm đang trách chồng bảo gọi chị dậy sớm lại không gọi, để chị ngủ quên mất. Anh không đánh thức vợ vì chính anh cũng suýt ngủ quên.
Vương Đông ăn vội bát cơm sáng rồi đi ngay, hôm nay học sinh phải ôn tập. Lúc sắp đi, anh dặn vợ tiếp khách cho chu đáo, Ngọc Cầm bảo: - Anh dặn hơi thừa đấy.
Triệu Ngư và Ngọc Cầm ngồi vào bàn ăn sáng. Chú chó mực nằm ngoài bậu cửa. Ăn xong, Ngọc Cầm thu dọn bát đũa, còn chủ động châm lửa cho Triệu Ngư hút thuốc. Làm xong mọi việc, chị lại trở ra ngồi đối diện với Triệu Ngư.
- Chắc đêm qua anh không ngủ được? - Ngọc Cầm nói.
- Ngủ rất say, một mạch đến tận sáng. - Triệu Ngư nói.
- Hàng ngày em đều ngủ đến tám, chín giờ sáng, dậy cũng chẳng có việc gì.
- Vương Đông vất vả quá.
- Anh ấy vất vả thật. Hiệu trưởng nhà trường đã gặp anh ấy, muốn bố trí anh ấy làm chủ nhiệm hướng dẫn.
- Làm chủ nhiệm hướng dẫn càng vất vả hơn.
- Ý của hiệu trưởng là muốn giảm bớt giờ lên lớp cho anh ấy, nhưng anh ấy không đồng ý.
- Anh ấy muốn kiếm thêm tiền. - Nói đến tiền, Ngọc Cầm im lặng. Chị thở dài.
- Cái nhà này của chị rất phù hợp, đừng nói đến người thị trấn mà ngay cả người thành phố cũng phải thèm muốn.
- Thực ra, em cũng vất vả lắm, vất vả theo cách khác. Có một số chuyện em không tiện nói với anh. Anh cứ nhìn cô Trịnh thợ may thì biết.
- Chị Trịnh thợ may là người tương đối giàu có.
- Tiền tiêu xài một tháng của cô ấy bằng cả năm của em.
- Sao chị không thử buôn bán một cái gì đó?
- Làm ăn bây giờ cũng khó lắm, vả lại, em cũng không có vốn.
- Chị thử suy nghĩ xem, nên chăng nuôi gà vịt, hoặc trồng cây ăn quả.
- Em lớn lên ở thị trấn, học xong cấp ba thì lấy chồng về đây. Con gái nhà quê bây giờ ít theo nghề nông lắm. - Ngọc Cầm nói.
Triệu Ngư ngồi hút thuốc nghĩ bụng: Con gái không làm nghề nông nhưng đàn bà thì phải làm. Đàn bà nông thôn không làm ruộng thì làm cái gì? Có điều Ngọc Cầm luôn cho mình là người thị trấn nên rất khó thay đổi. Hàng ngày chị tiếp xúc với Trịnh thợ may, với cán bộ, với các ông chủ, chị đã quen với hơi thở thời đại với thành phố lớn, với những cái xuất hiện trên ti vi. Nhan sắc chị còn bao nhiêu nữa đâu, chị muốn hưởng thụ. Hôn nhân chẳng qua chỉ là sự trao đổi. Có lẽ chị đã thấy rõ công thức này kể từ ngày đi lấy chồng. Ngày nào cũng dậy muộn, đầu óc lúc nào cũng đầy ắp những hóa mĩ phẩm, mặc cho ông chồng phải thức khuya dậy sớm dầu dãi nắng mưa. Cô gái xinh đẹp chăm làm trong vở Con trâu trăm tuổi biến đi đâu rồi?
Triệu Ngư cảm thấy rất khó nói chuyện, muốn hóa giải một vấn đề thời đại đâu có phải là chuyện dễ. Đêm qua Vương Đông đã thổ lộ với anh về những điều trăn trở. Anh ngậm đắng nuốt cay kiếm tiền nuôi con ăn học, cho vợ chi dùng nhưng vẫn lực bất tòng tâm. Anh thấy hổ thẹn với Ngọc Cầm. Chính quan niệm về lối sống như vậy của Ngọc Cầm đã ảnh hưởng đến anh. Giá Ngọc Cầm thực tế hơn một chút thì còn đỡ, đằng này lại ngày càng phát triển hơn lối sống đó. Chị so bì với Trịnh thợ may, Trịnh thợ may so bì với người thành thị, người thành thị so bì với người Mỹ, vậy người Mỹ so bì với ai? Họ so bì với khoảng không vũ trụ chăng?
Ngọc Cầm muốn lên thị trấn mua đồ ăn, Triệu Ngư nói:
- Ở nhà đã mổ gà rồi, không cần mua thêm gì nữa đâu.
- Em biết anh thích ăn món kho tàu, hôm qua em đã đặt trên thị trấn rồi. À này, anh ăn măng xào hay đậu rán?
- Ăn đậu rán, chị chu đáo quá đấy, sau này chị lên chơi Thành Đô, tôi cũng phải hỏi Vương Đông trước xem chị thích ăn gì mới được.
- Có đến tám, chín năm nay em chưa đi Thành Đô, rất muốn đi chỉ sợ làm phiền anh thôi. - Ngọc Cầm mặt đỏ bừng nói.
- Phiền gì đâu, bất quá chỉ thêm hai đôi đũa.
Ngọc Cầm băng qua đường tắt lên thị trấn Cầu Khê, Triệu Ngư đứng dưới gốc cây nhìn theo bước chân thoăn thoắt của chị trên con đường mòn giữa cánh đồng xanh bạt ngàn. Một ông lão quần áo rách rưới dắt một con trâu đi đến, Triệu Ngư phát hiện ra một điều kỳ lạ: mắt ông lão rất có hồn. Triệu Ngư mời thuốc, ông lão cầm lấy ngay. Ông không xem nhãn hiệu gì mà đưa thuốc lên mũi ngửi. Ông đi đôi giày bộ đội cũ, không bít tất. Quần xắn đến đầu gối, bên cao bên thấp. Ông hỏi Triệu Ngư: Anh là khách của Ngọc Cầm à? Triệu Ngư gật đầu. Ông lão ngẩng đầu lên à một tiếng rồi cao giọng nói: Ngọc Cầm có phúc lắm đấy. Ông lão cười rồi nói như hát: Mộ tổ an táng chu đáo con cháu hưởng phúc suốt đời. Ông đến gần Triệu Ngư nhìn anh rồi gật đầu nói: Tôi nói để anh biết, anh đồng chí trẻ ạ, mộ tổ nhà anh cũng kết lắm đấy. Còn như lão Vương tôi đây thì không được, cơm chẳng đủ ăn, áo chẳng đủ mặc, mộ tổ ở trên núi chưa phát.
Ông lão họ Vương nói vài câu rồi dắt trâu đi, Triệu Ngư đứng ngẩn người hồi lâu. Ông lão nghèo rớt mùng tơi lại gọi mình là đồng chí, đại khái mới ăn cơm nhà nước được vài ngày. Tại sao ông lão biết rõ đến thế, ông lão tinh đời thật.
Mặt trời rọi chiếu xuống cánh rừng, bầu trời trong xanh không một gợn mây. Một mùa bội thu sắp đến gần, hoa màu tốt tươi vậy mà nông dân vẫn nghèo. Ông lão kia... Triệu Ngư đóng cổng lại rồi đi vào rừng. Lên khỏi một con dốc, anh thấy bóng hình Ngọc Cầm ở đằng xa, mặt trời hắt nắng vào chiếc áo màu tím của chị. Anh đi xuống một đoạn đường bờ ruộng mới cảm nhận hết được ánh nắng mặt trời. Buổi chiều ngồi xe đường trường về Mi Sơn, ánh nắng gay gắt sẽ rọi chiếu xuống nóc xe. Liệu có trường hợp nào làm vui lòng người được không. Làm gì có được? Triệu Ngư nghĩ.
Anh lẩn tránh ánh nắng, đi vào rừng trúc. Càng đi càng thấy sâu thăm thẳm, bóng râm che khuất mặt trời, không khí mát rượi. Lác đác có vài ngôi mộ, chữ viết trên bia đã mờ. Ở hai đầu rừng thưa thớt vài hộ dân, ở giữa là một con đường, bước đi êm như ru.
Đường trong rừng. Triệu Ngư nghĩ. Đã có cuốn tiểu thuyết có tên là Đường trong rừng. Đường trong rừng thật nên thơ. Triệu Ngư đi từ đầu này sang đầu kia, trầm ngâm suy nghĩ. Một triết gia người Mỹ đã từng nói: Ý thơ cần phải trở thành tiêu chuẩn để làm thước đo cuộc sống của nhân loại. Triệu Ngư nghĩ: Dường như tất cả bậc thầy nhân văn đều nhấn mạnh đến ý thơ, tại sao lại như vậy? Cuộc sống của nhân loại đi chệch ra ngoài ý thơ là điều dễ thấy. Sự điên cuồng của kỹ thuật đã đạt tới đỉnh điểm của vật hóa, lượng hóa. Tự nhiên biến thành hàng tồn kho. Đương nhiên ý thơ là tốt, nhưng về bản chất, ý thơ luôn cự tuyệt mọi thứ lượng hóa. Ý thơ từng tồn tại như một thực tế khách quan cũng giống như không khí, mặt trời, còn bây giờ thì huyền hoặc khó hiểu quá: Dường như nó đã mất đi nhịp điệu vốn có của mình và có lẽ vĩnh viễn mất đi. Nhìn lại lịch sử loài người thì thấy: không phải mọi thứ đều giữ được những cái tốt đẹp nhất của mình. Giá trị biến thành giá cả: một biệt thự có giá đến bạc tỉ.
Triệu Ngư hút liền một mạch mấy điếu, ruột gan như có cái gì đang sôi lên, phải chăng đó là ý thơ? Cần phải thực tế mới được. Cũng như ông lão chăn trâu vừa rồi, áo không đủ che thân nhưng vẫn đầy ắp tiếng cười trong sáng, ông lão gọi anh là đồng chí, nhưng không quên kể khổ về mình. Ông lão còn khen Ngọc Cầm.
Triệu Ngư ngồi trước một ngôi mộ, mắt nhìn về khoảng trống trong rừng. Ở đây có thể làm bãi thi chạy một trăm mét, cũng có thể làm nơi nhảy múa được: Có thể nhảy múa nhẹ nhàng giữa các ngôi mộ. Đương nhiên cũng có thể dùng làm nơi hội họp, họp đội sản xuất chẳng hạn. Cũng có thể ngồi đọc sách, suy tư, hóng mát, nói chuyện yêu đương...
Triệu Ngư đang chăm chú ngắm nhìn rừng trúc thì bỗng nghe thấy có tiếng người gọi tên anh, anh giật thót người. Vừa quay đầu lại đã thấy Trịnh thợ may đang tiến vào rừng. Người đàn bà này đã mặc bộ quần áo khác: quần bò, áo sơ mi cộc tay, chị tủm tỉm cười bước tới và nói:
- Từ xa em đã thấy có bóng người ở trong rừng, thì ra là anh. Anh ngồi trước mộ không sợ xúi quẩy à?
- Dân làng ở đây có sợ không?
- Không sợ, có điều đây là những mộ vô chủ. Trước đây nơi này thường dùng để hội họp, đấu tố, người ngồi chật ních xung quanh mộ, hò hét, hô khẩu hiệu.
- Ở đây đã tổ chức vũ hội bao giờ chưa? - Triệu Ngư hỏi.
- Nông dân họ không nhảy múa đâu. Ở thị trấn mới có chỗ, nếu anh thích tối nay em sẽ mời anh đi. - Trịnh thợ may nói:
- Cám ơn lòng tốt của chị, chiều nay tôi phải về rồi.
- Lâu lắm anh mới về đây chơi, sao không ở lại thêm vài ngày cho vui.
- Lần sau đến Cầu Khê, tôi sẽ ở vài ngày.
- Tiếc quá, thật lòng em muốn giữ anh ở lại đây chơi vài ngày.
- Tôi biết. Xin cám ơn. - Triệu Ngư nói.
- Thế thì rất tốt. - Trịnh thợ may nói.
Hai người ra khỏi rừng trúc, men theo đường bờ ruộng, ánh mặt trời rọi chiếu sau lưng họ. Suốt dọc đường, Triệu Ngư im lặng không nói gì. Trịnh thợ may nhìn những đám cỏ bên đường, bất giác thấy hồi hộp. Chị chẳng có lý do gì để hồi hộp cả, mồ hôi lấm tấm trên trán chị. Vào buổi sáng tháng Tư đẹp trời này, tâm hồn trống trải của chị đã được ánh nắng mặt trời sưởi ấm.
- Tôi có một việc, nhưng chưa tiện nói với chị. - Triệu Ngư khai mào trước.
- Anh cứ nói đi, có gì là không tiện. - Trịnh thợ may mắt sáng lên:
- Thôi để khi khác sẽ nói. Để tôi nghĩ kỹ lại xem, có gì tôi sẽ gọi điện cho chị. - Triệu Ngư trầm ngâm một lát rồi nói với Trịnh thợ may.
- Cần gì phải nghĩ nữa, anh cứ nói ngay bây giờ đi. Em nghe anh nói đây.
- Tối qua tôi đã nghĩ đến việc này. Vương Đông nói với tôi rất nhiều chuyện. Anh ấy có những băn khoăn, lo nghĩ. Tiền lương của anh ấy không đủ chi tiêu cho gia đình. Chị có thể giúp đỡ anh ấy một phần được chăng, chẳng hạn như để chị Ngọc Cầm đến làm việc ở chỗ chị...
- Thì ra anh định nói về chuyện ấy. - Trịnh thợ may mặt đỏ bừng. - Em và Ngọc Cầm là bạn thân của nhau, cùng lớn lên, chẳng lẽ em lại để cho bạn mình làm thuê cho mình hay sao?...
- Theo tôi chẳng có vấn đề gì. Nếu chị ấy không bằng lòng thì tôi sẽ thuyết phục chị ấy. Chị ấy ngồi ở nhà một mình buồn lắm, nên đi làm cho vui.
- Anh tốt bụng quá, lo cho bạn bè chu đáo đến thế là cùng. - Trịnh thợ may thở dài đáp.
- Tâm tư của Vương Đông dù không nói ra tôi cũng biết.
- Anh có con mắt tinh đời thật đấy, đã nhìn ra ngay vấn đề. - Ngừng một lát, Trịnh thợ may lại nói: - Vương Đông có tâm tư thật nhưng còn một số việc anh ấy vẫn chưa biết.
- Việc gì? Có thể cho tôi biết được không?
- Việc này em chỉ nói riêng cho anh biết thôi. Có mấy ông chủ lớn rất mê Ngọc Cầm. Em thì không thích bọn họ, vì họ đều là người mới phất lên. Họ luôn theo đuổi em và Ngọc Cầm, nói năng những lời nhảm nhí, lúc nào cũng tâng bốc chúng em là hoa khôi của Cầu Khê, trong đó có vài người đã trắng trợn bảo với chúng em rằng ly hôn đi để lấy họ. Em trả lời rằng: Các anh là đồ khốn nạn. Đúng thế, em có thiếu gì tiền đâu. Nhưng Ngọc Cầm thì khác, bạn ấy hơi dao động, bảo em góp ý kiến, em trả lời rằng, việc đó cậu tự quyết định lấy. Đây là việc mới xảy ra cách đây ba ngày. Anh đến vừa đúng lúc.
- Vương Đông là một người tốt, nếu Ngọc Cầm bỏ anh ấy chắc gì đã được hạnh phúc.
- Em mở cửa hàng có nguyên tắc riêng của mình: Không tuyển người họ hàng, bạn bè thân thích. Cửa hàng phải thực sự phát triển tốt, đó là tiền đồ. Em còn muốn vươn tới Thành Đô, anh giúp em một tay nhé.
- Cám ơn, chị đã nói thẳng thắn. Tôi cứ tưởng chị sẽ từ chối.
- Em chưa quen ai ở Thành Đô, anh phải giúp đỡ em nhé.
- Không có vấn đề gì.
- Em sẽ tranh thủ đến Thành Đô sớm. Quán cá ở Cầu Khê em giao cho người nhà kinh doanh, nếu thất bại ở Thành Đô thì còn có đường lui. Anh có thể thuê giúp em một cửa hàng ở đó được không?
- Ở Thành Đô làm ăn được lắm.
- Anh cũng là con người hào hiệp.
- Chúng ta giúp đỡ lẫn nhau.
- Giúp đỡ lẫn nhau, em rất thích nghe câu nói này. Anh khác hẳn với bọn nhà giàu kia. Tối hôm qua em có một cảm giác rất đặc biệt, tuy mới gặp nhưng đã cảm thấy như quen thân lâu rồi. Rất tiếc là anh lại phải về ngay.
- Lần sau đến, tôi sẽ ở lâu hơn. - Triệu Ngư nói.
- Liệu sẽ đợi đến bao giờ? Một ngày ở cái thị trấn này cũng buồn chết đi được. Thôi, ta không nói chuyện này nữa.
Hai người lúc đi, lúc dừng lại, chỉ có mấy trăm mét đường bờ ruộng mà đi hết mấy chục phút đồng hồ. Ngọc Cầm đã làm xong mọi thứ, mấy lần chạy ra gốc cây ngóng đợi. Chị mặc chiếc tạp dề trông giống hệt một phụ nữ nông thôn, không ai còn nhận ra là phụ nữ ở thị trấn nữa. Khi Triệu Ngư và Trịnh thợ may bước đến gần, chị liếc nhìn Triệu Ngư cười rồi trách yêu bạn mình:
- Chuyện gì mà nhiều thế, nói cả buổi không xong.
- Chuyện về cậu đấy, không phải chuyện của cậu thì làm gì phải nói lâu đến thế!
- Cậu lại nói gì về mình thế? Chắc lại nói xấu mình với khách phải không?
- Cậu cứ hỏi anh ấy sẽ biết, mình có nói xấu cậu hay không? - Trịnh thợ may chỉ vào Triệu Ngư nói.
- Cái mồm loa mép dải của cậu, ai mà chả biết.
- Chúng mình khen cậu vừa đẹp vừa đảm.
- Mình bì sao được với bạn, mỗi ngày một bộ quần áo... - Ngọc Cầm nói.
Hai người phụ nữ, tranh nhau nói, Triệu Ngư đến ngồi trên chiếc ghế mây uống trà. Họ vui vẻ nói cười rồi cùng nhau vào bếp làm cơm trưa. Ngọc Cầm chạy ra chạy vào, bận bịu tíu tít, chị muốn làm một bữa ăn ngon để khoản đãi Triệu Ngư kẻo anh ấy lại cười cho thì chết. Triệu Ngư bước vào bếp, thấy chị luôn chân luôn tay, anh thầm nghĩ: giá cứ như thế này mãi có phải tốt không. Cuộc sống ở nông thôn hạnh phúc thế này cần gì phải tìm ai nữa. Hoặc giả nếu có muốn, thì hãy biến sự ham muốn ấy thành động lực làm giàu cho mình. Triệu Ngư nghĩ: Sống trên mảnh đất vừa phì nhiêu, vừa nghèo túng này, việc làm giàu rất có ý nghĩa, nó không giống cách nghĩ viển vông của người thành thị.
Triệu Ngư đứng trong bếp nói: - Để tôi nhóm bếp cho.
Trịnh thợ may đưa cho anh một cái cặp than dài. Nhóm lò ở đây hơi khác: Có hai cái lò, một bên cho củi vào, còn bên kia cho rơm vào. Phải nhóm cho thật đều củi mới cháy, nếu không biết nhóm, bếp sẽ tắt ngay, khói sẽ bốc lên mù mịt. Vì Triệu Ngư chưa quen nên chẳng những không nhóm được bếp, trái lại đã làm cho bếp tắt ngóm, hai người phụ nữ được một trận cười đến chảy nước mắt. Ngọc Cầm đứng bên bàn thái đậu phụ, còn Trịnh thợ may thì nhóm bếp. Chị vừa nhóm bếp, vừa hướng dẫn cho Triệu Ngư. Ngọc Cầm bảo:
- Cậu đã trở thành sư phụ rồi đấy. Thôi, làm cho mình món xào đi. Còn Triệu Ngư, anh giúp một tay cho củi vào bếp. - Chị lại nói tiếp, - Cậu làm cho mình mấy củ hành.
- Tớ cũng là khách, sao cậu cứ sai tớ làm hết việc này đến việc khác - Trịnh thợ may nói.
- Ai coi cậu là khách? - Ngọc Cầm đáp.
- Cứu tôi với - Trịnh thợ may cười, gào to.
Ngọn lửa trong bếp làm ửng hồng cả ba khuôn mặt.
Vương Đông vừa ở trường về, Triệu Ngư đã kéo ngay anh vào phòng khách. Ngọc Cầm vẫn đang dọn cơm nước ở ngoài hè, chị nói với Trịnh thợ may: Không biết hai ông tướng lại đang to nhỏ chuyện gì, cậu đã nói gì về mình với Triệu Ngư?
Mãi đến khi đức ông chồng bước ra với thái độ niềm nở chị mới yên tâm. Nhưng vẫn cứ thắc mắc, không biết Triệu Ngư đã nói gì về mình? Tại sao anh ấy không nói thẳng với mình...
Cơm đã dọn xong, bốn người cùng ngồi vào bàn uống rượu. Thức ăn đầy ắp trên bàn, nấu cơm bằng bếp lửa ngon thật. Chú chó mực gặm xương dưới gầm bàn. Mặt trời giữa trưa rọi chiếu xuống sân, ánh nắng gay gắt.
Triệu Ngư vừa ăn, vừa uống, luôn miệng khen ngon. Thấy ông lão lúc sáng dắt trâu qua cổng, Vương Đông đứng lên mời ông lão vào nhà cùng ăn. Ông lão miệng nói cảm ơn, chân vẫn chậm bước đánh trâu đi. Đi được một đoạn khá xa, ông lão lại cất giọng: Ăn không đủ no, mặc chưa đủ ấm, mộ tổ trên rừng vẫn chưa phát!
Triệu Ngư lại một phen ngỡ ngàng, anh định chạy theo hỏi ông lão một câu, nhưng rồi lại thôi. Những chuyện ngọt bùi, cay đắng có nói ra cũng bằng không. Tốt nhất, không nên nói trong bữa ăn. Triệu Ngư rút ra hai trăm đồng nhờ Vương Đông chuyển giúp để biếu ông lão, hoặc mua giúp một vò rượu, vài tút thuốc lá. Rượu và thuốc đều là thứ ma túy, để ông lão được tận hưởng sung sướng vài ngày.
Ăn cơm xong, Triệu Ngư lên đường trở về Thành Đô. Vương Đông uống say quá, leo lên giường ngủ, buổi chiều anh còn có giờ lên lớp. Hai người phụ nữ tiễn Triệu Ngư ra bến xe Cầu Khê, suốt dọc đường cứ lấy tay che nắng. Trịnh thợ may nói:
- Hôm nay trời nắng to quá, rát cả tay, lẽ ra phải đem theo ô mới phải.
Ngọc Cầm lặng thinh, nhà chị chỉ có ô đi mưa, chứ không có ô che nắng. Triệu Ngư đội nắng đi trên đường bờ ruộng dài tới bảy, tám cây số, không nói gì. Trịnh thợ may tuy uống rất nhiều rượu nhưng bước chân vẫn vững vàng, người vẫn tỉnh táo. Suốt dọc đường chị luôn miệng hát, như muốn xua đi nỗi trống trải của đồng quê. Chị hát say sưa, khiến Ngọc Cầm cũng vui lây nói: - Cậu cứ để cho nắng rọi đúng vào người, lo gì, cậu đã có kem bảo vệ da rồi kia mà.
- Mình biết tỏng ra rồi, cậu muốn cho da mình đen sạm lại chứ gì. - Trịnh thợ may nói.
- Nếu có đen sạm lại thì cậu cũng là hạt trân châu đen.
- Thì mình là hạt trân châu đen, còn cậu là hạt trân châu trắng...
Triệu Ngư ngắm nhìn ngôi trường ở phía xa, ngôi nhà cao bốn tầng, tường quét vôi trắng, tương phản với ánh nắng mặt trời. Đó là trường của Vương Đông. Hai người đàn bà bước đi thoăn thoắt họ càng đi càng nhanh... Triệu Ngư châm thuốc hút.
Xe đi Thọ Nhân đã đậu ở bến Cầu Khê, Triệu Ngư lên xe, Ngọc Cầm mua vé đưa cho anh, kèm theo một chai nước khoáng. Trịnh thợ may bắt tay anh rồi quay về tiệm, chị lại ngồi vào bàn, lấy thước, kéo ra, tiếp tục công việc của mình. Vừa ngẩng đầu lên, chị nhìn thấy Triệu Ngư thò đầu ra cửa xe. Chị nở nụ cười, xe bắt đầu chuyển bánh. Ngọc Cầm đứng trên bến xe, nhìn theo chiếc xe đang chạy xa dần rồi khuất hẳn.