Dịch giả: Ngô Tín
Chương 11
Tưởng Vận

Ngày bốn tháng Năm là ngày Thanh niên thế giới. Vừa tập xong bài thể dục buổi sáng, mở máy ra, Thương Nữ nhận được một tin nhắn của Tôn Kiện Quân vừa nhắn trước đó chừng hai mươi phút: "Các bạn trẻ, hãy tích cực hành động". Một tin ngắn như một khẩu hiệu có lẽ chẳng ai để ý đến làm gì nhưng lại có liên quan đến Thương Nữ. Cũng vào ngày bốn tháng Năm năm 1989, Thương Nữ với cương vị là phó bí thư đoàn Cục Bưu chính viễn thông có viết một bài báo đầy nhiệt huyết về đề tài tuổi trẻ. Chị đã thảo luận với nhà văn tài hoa Tôn Kiện Quân suốt nửa buổi về bài viết này. Cơm chiều xong, bố mẹ Tôn Kiện Quân đều đi chơi, chỉ còn lại Thương Nữ và Tôn Kiện Quân tiếp tục thảo luận. Sau khi đã chỉnh sửa xong bài viết, để chúc mừng tác phẩm đầu tay của Thương Nữ, họ ôm chầm lấy nhau, Tôn Kiện Quân tận dụng cơ hội, bế thốc Thương Nữ lên giường. Tình yêu của họ bắt đầu từ chính cái giường trong căn phòng này, Thương Nữ đã kết thúc thời kỳ thiếu nữ của mình. Cái ngày bốn tháng Năm ấy vừa quyến rũ, vừa xúc động biết bao, nó đã để lại trong lòng Thương Nữ một dấu ấn khó quên trong cuộc tình ngắn ngủi. Sau đó, Tôn Kiện Quân thay đổi sách lược yêu đương, còn Thương Nữ thì thầm mong có được một người yêu nho nhã lễ phép, nhưng hóa ra lợn lành lại chữa thành lợn què. Mùa Hè năm ấy, Triệu Ngư đến Dung Thành. Tôn Kiện Quân phạm sai lầm liên tiếp có quan hệ bất chính với Tiểu Đào và một người nữa trong nhà xuất bản. Mùa Thu năm ấy, Thương Nữ đoạn tuyệt tình yêu với Tôn Kiện Quân, rồi yêu Triệu Ngư, một anh chàng giống như một khúc gỗ mới từ một huyện lỵ nhỏ tới đây.
Lúc này, Triệu Ngư vẫn đang ngủ say. Thương Nữ rón rén bước ra ban công, nhắn một tin ngắn cho Tôn Kiện Quân: "Anh bảo nên hành động như thế nào?". Hai hôm trước, Tôn Kiện Quân đã đề nghị mấy gia đình cùng thuê xe ra ngoại thành chơi, rồi ăn nghỉ tại đó chơi mạt chược... Tôn Kiện Quân đã chuẩn bị kỹ càng cho chuyến đi này. Thương Nữ nhắn tin xong đang chờ trả lời. Tầng hai của ngôi nhà rất ngăn nắp, ban công sạch sẽ, đầy bồn hoa. Chỉ hai phút sau, điện thoại của Thương Nữ réo vang, một dòng tin nhắn khiến chị phải chau mày: "Hai chúng mình sẽ viết chung một bài báo, chủ đề rõ ràng, chi tiết phong phú...". Thương Nữ nghĩ: Ông tướng này mắc bệnh thần kinh rồi hay sao, vừa bảnh mắt ra đã... Thôi, mặc xác ông ấy.
Thương Nữ trở vào nhà, nhìn đức ông chồng đang nằm ngủ trên giường, chị không nỡ đánh thức anh dậy. Chị mở cửa đi ra, phòng khách cũng vắng tanh, hai ông bà già đã ra khỏi nhà từ lâu rồi, họ đi lễ ở miếu Tam Tô, khi về còn mua cả quẩy và sữa đậu nành... Thương Nữ bước vào buồng con trai, nó cũng đang ngủ say như chết, thằng nhỏ thường ngủ đến lúc mặt trời lên cao mới chịu dậy.
Đánh răng rửa mặt xong, Thương Nữ lấy giẻ lau bàn ghế phòng khách. Chị cố gắng lau thật nhẹ nhàng. Chị mặc chiếc quần bò màu tro, chiếc áo ngủ che lấp cả bộ ngực căng phồng, tay áo dài đến tận ngón tay. Hình tượng đó làm chị duyên dáng hơn ngày thường và mang dáng dấp của một cô gái châu Âu vừa chăm làm vừa thướt tha.
Thương Nữ nhìn quyển lịch trên tường. Hôm nay là ngày bốn tháng Năm, ngày Thanh niên. Ngày bốn tháng Năm năm ấy... Thương Nữ vô tình nhớ lại, cái ngày ấy đã đến với chị từ lâu rồi. Ý thật trong đoạn tin nhắn của Tôn Kiện Quân có thể người khác không hiểu, còn chị thì sao? Năm ấy họ đã viết chung một bài báo đầy nhiệt huyết, thế rồi từ bài báo, họ đã lên giường. Có một chi tiết khiến người ta khó quên: giữa chừng họ đều đi vệ sinh rồi làm tình tiếp ở đó, rồi lại lôi nhau vào phòng khách, hai người lại chập làm một... Tôn Kiện Quân không bật đèn, anh đóng chặt cửa làm tình với Thương Nữ ngay trên chiếc ghế. Thương Nữ lần đầu tiên được nếm trải tình yêu chính là phòng khách tối om này. Có điều trong lúc thỏa mãn tình dục, Tôn Kiện Quân cũng tỏ ra là người có bản lĩnh về nghệ thuật yêu đương. Sau đó hai người đã gặp nguy cơ, một mối nguy lẽ ra có thể tha thứ được đã trở thành vấn đề nghiêm trọng, không gì có thể cứu vãn nổi.
Lúc này đây Thương Nữ đang phải đối mặt với câu chuyện của cái ngày xa xưa ấy, tất nhiên chị không sao tránh khỏi xúc động. Ngày ấy cách đây đã mười hai năm, tạm gác vấn đề kỹ xảo sang một bên, Tôn Kiện Quân đã phải trả giá... nhưng Tôn Kiện Quân vẫn không cam chịu, tuy Thương Nữ không nghĩ sâu lắm, nhưng chị biết. Ở đây vừa có linh cảm trực giác của đàn bà vừa có chuyện của người tình đầu tiên. Cố nhiên chị không thể lặp lại chuyện xưa nhưng cũng có thể thông cảm với thái độ của Tôn Kiện Quân. Năm ngoái khi ở miếu Tam Tô, sương mù dày đặc, Tôn Kiện Quân đã ôm lấy chị, định làm tình ở Giả Sơn, đây là việc xảy ra bất ngờ, nó không để lại một dấu ấn gì nhưng nó bao hàm một ý nghĩa khác, Tôn Kiện Quân biết rất rõ, chị cũng vậy.
Thương Nữ cúi gập người lau hết chỗ này đến chỗ khác, tấm giẻ lau đã bẩn, chị vào nhà vệ sinh mở vòi nước. Đèn phòng khách hơi tối, chị lại bật thêm một ngọn đèn nữa. Ánh đèn rọi chiếu vào từng đồ đạc, sàn nhà. Thương Nữ kéo lê đôi dép, quần bò xắn lên tận gối. Chị dậy rất sớm, đã trở thành thói quen rồi. Tập thể dục xong là cầm giẻ lau khắp nhà, quét dọn bụi bặm. Với một tâm tư thoải mái, chị đi lại nhẹ nhàng, động tác lao động chẳng khác gì vũ điệu. Cuộc sống thật dễ chịu, ký ức lúc ẩn lúc hiện, những cái hôm qua, hôm nay và lúc ban đầu. Hàng loạt nếp nhăn, không sao nói hết được: giữa chị và người anh kết nghĩa Tôn Khánh Hải, giữa chị và hai người đàn ông họ Tôn... một người chị vẫn thường xuyên gặp, còn hình ảnh người kia lúc nào cũng lởn vởn quanh chị. Còn người nằm trên giường kia là phu quân thân yêu, là mặt trời đồng thời cũng là khúc gỗ của chị, Ngư đồng âm với Ngu, nhưng Ngu ở đây là Ngu Công chuyển núi. Cuộc sống là một quả núi, anh đục khoét làm sao hết được quả núi. Nhưng anh chỉ cầu mong có đất cày cấy chứ đâu có nghĩ đến vật báu ở dưới lòng đất. Đối với người chăm chỉ làm ăn thì bùn mới chân chính là vật báu.
Bố mẹ chồng đã về, bữa ăn sáng thật rôm rả, quẩy, bánh bao, đường trắng và vài món rán. Hồi còn nhỏ, Triệu Ngư rất thích ăn các món này, ăn ít là bụng biểu tình ngay. Mẹ Triệu Ngư hỏi:
- Triệu Ngư vẫn chưa dậy à?
- Để con đánh thức anh ấy dậy. - Thương Nữ nói.
Một lát sau, Triệu Ngư dậy, đánh răng rửa mặt xong, anh ngồi vào bàn ăn thưởng thức các món đặc sản của quê hương. Anh ăn hết món này đến món kia, lại uống cả một bát sữa đậu nành to đùng. Bà mẹ ngắm nhìn con trai, còn Thương Nữ thì cười khúc khích, ông lão đi vào phòng ngủ của Triệu Cao, âu yếm đứa cháu đang trong giấc ngủ ngon lành. Không khí gia đình thật là đầm ấm. Bà mẹ lấy khăn mặt nóng đưa cho con dâu. Thương Nữ nói: Mẹ xem kìa, tay anh ấy toàn dầu mỡ...
Triệu Ngư quay vào phòng, vừa mở điện thoại đã nhận được ngay một tin nhắn của Tôn Kiện Quân và đề nghị anh trả lời. Triệu Ngư gọi đến số máy của Tôn Kiện Quân, Tôn Kiện Quân nói rằng đã liên hệ với Lý Tiến, Tề Hồng, Triệu Yến rồi, mấy gia đình cùng đi, ngày mai sẽ trở về Dung Thành. Triệu Ngư vốn chỉ thích tụ tập, không thích phân tán, liền hỏi: Đi về ngoại thành theo hướng nào? Tôn Kiện Quân bảo cứ đến đây rồi bàn sau, trưa nay có mặt ở nhà mình, buổi chiều xuất phát.
- Ăn cơm xong, bọn mình sẽ về Thành Đô, chắc chắn trước hai giờ sẽ có mặt. - Triệu Ngư nói. Cúp máy, anh nói với vợ: - Chiều nay sẽ xuất phát từ công viên Tà Xuyên. Chúng ta đi chơi cùng mấy bạn trẻ.
- Chúng ta đâu còn trẻ nữa, chỉ có Nam Tử và Triệu Yến là trẻ thôi. - Thương Nữ nói.
- Em và bọn họ đều trẻ như nhau, còn anh thì già từ lâu rồi. - Triệu Ngư nói.
- Anh nói chí phải. Khi em mới biết anh đã thấy anh như ông cụ non rồi. Thảo nào Tưởng Vận cứ gọi anh là khúc gỗ. - Thương Nữ cười bảo.
- Một khúc gỗ của cây gỗ. - Triệu Ngư cười.
- Em chẳng hiểu anh định nói gì?
- Một khúc gỗ không có tai.
- Người khác nghe không hiểu nhưng em lại hiểu. Trên đời này có người đàn ông nham hiểm chứ không có ông chồng nham hiểm.
- Tôn Kiện Quân không nói Nam Tử có đi hay không.
- Chắc cô ấy sẽ đi, họ có thể sẽ cho cả con trai đi. Thằng bé Tôn Ân trông kháu khỉnh đáo để, Tôn Kiện Quân cho nó ăn mặc chẳng khác gì con gái.
- Con gái bao giờ cũng được người ta quý hơn.
- Anh đã có cậu con trai, lại còn thích con gái hơn à.
- Con gái rất đáng yêu.
- Còn đáng yêu hơn cả em chứ? - Thương Nữ cười nói.
- Có thể lắm.
- Thế thì em sẽ phải ăn dấm mất.
- Anh chưa bao giờ nghe nói mẹ ăn phải dấm của con gái. - Triệu Ngư vừa cười vừa nói.
- Nếu anh thích con gái, chúng ta sẽ...
- Đừng đừng nói tới chuyện đó. Anh chỉ thích vợ chồng con cái luôn đoàn tụ bên nhau, nhưng không nhất thiết phải ở chung một nhà.
- Giọng điệu của anh cứ như một người ông, sau này có cháu ngoại tha hồ mà làm ông.
- Thì em sẽ làm bà, các cháu sẽ xúm xít nhổ tóc bạc cho bà.
- Khắp mặt đầy vết nhăn.
- Những nếp nhăn đẹp, đáng yêu.
- Đã là nếp nhăn thì còn đẹp nỗi gì? Anh thử nói xem. - Thương Nữ cười nói.
- Khuôn mặt hiền hậu, tự nhiên nếp nhăn sẽ đẹp. Ở một vài chỗ như mũi chẳng hạn còn lâu mới có nếp nhăn. Em có cái mũi rất đẹp, có lẽ đến năm tám mươi tuổi vẫn còn duyên.
- Tám mươi tuổi ư? Để em nghĩ xem nào, bây giờ đã gần nửa thế kỷ rồi...
Triệu Ngư mất tập trung tư tưởng, nói đến cái mũi đẹp làm anh liên tưởng ngay đến cái mũi dọc dừa của Lâm Hạnh Hoa mà anh đã gặp trong chuyến đi Cầu Khê hai mươi ngày trước. Dịp nghỉ tết Mồng một tháng Năm này chắc chắn cô ta sẽ có mặt ở Thành Đô. Rất có thể cô ta đang đi chơi đâu đó trong thành phố. Con trai cô ta đã lớn đến đâu rồi, đi nhà trẻ hay học tiểu học? Lần trước nói chuyện rất nhiều nhưng không đề cập đến vấn đề con cái của cô ấy.
Triệu Ngư đã định thần trở lại, anh ngắm nhìn cái mũi của vợ. Anh hôn môi vợ. Anh nói: Chúng ta ra phố mua thức ăn, dạo chơi đường phố Mi Sơn một lát.
Hai vợ chồng đi phố, người rất đông. Đặc biệt là mấy khu buôn bán và quảng trường Tô Thi rất náo nhiệt. Triệu Ngư đi lẫn trong dòng người, trong số biết bao nhiêu khuôn mặt, anh chẳng nhận ra một khuôn mặt quen thuộc nào cả. Mấy năm nay, năm nào cũng có đến hàng vạn nhân khẩu từ nơi khác chuyển đến thành phố này, họ mua nhà, thuê nhà để sinh cơ lập nghiệp. Thành phố nhỏ vốn yên tĩnh bây giờ trở nên ồn ào, náo nhiệt, xe ôtô đầy đường. Xung quanh quảng trường Tô Thi đầy rẫy những biển quảng cáo. Phát triển... Triệu Ngư nghĩ. Cả nước đều như vậy các thành phố lớn, nhỏ đều đua nhau mở rộng, lấn chiếm đất đai, tạo nên diện mạo thành phố xứng với tầm của nó. Mấy chục năm không được yên ổn... và có lẽ mấy chục năm sau, lớp người như Triệu Ngư đã nằm dưới lòng đất cả rồi, vì thế điều quan trọng là phải tìm cho mình một không gian khác, tránh xa những nơi đông đúc, đi theo con đường riêng biệt. Khoảng dăm ba người bạn hoặc một nhóm người cả đàn ông lẫn đàn bà quây quần thành nhóm nhỏ thân thiết sống bên nhau cho đến cuối đời.
Triệu Ngư cười thầm, anh lại mất tập trung tưởng, lúc nãy thì là Lâm Hạnh Hoa, còn bây giờ là viễn cảnh cuộc sống thơ mộng. Đối với quê hương, anh ít khi có nhận xét, cho dù bộ mặt của nó ngày càng trở nên mơ hồ, trừu tượng. Đôi mắt Triệu Ngư đổ dồn vào quả khinh khí cầu cực lớn màu sắc rực rỡ trên bầu trời quảng trường, một chiếc ròng rọc đang kéo quả cầu lên cao, tiếng kêu ken két. Thương Nữ chỉ cho Triệu Ngư một người đứng ở xa.
Tưởng Vận đang đi về phía họ.
Hôm nay Tưởng Vận mặc áo hoa, quần xanh. Với chiều cao và khổ người trời phú, rõ ràng chị nổi bật trong đám đông. Hai người đàn bà siết chặt tay nhau, Thương Nữ khen áo sơ mi của Tưởng Vận đẹp quá. Tưởng Vận quay lại hỏi Triệu Ngư:
- Liệu tôi ăn mặc thế này có hở hang quá không?
- Tôi không thấy thế. - Triệu Ngư nói.
- Có gì đâu mà phải lo? Chị thử nhìn các cô gái xem.
- Khi mua chiếc áo này, mình đắn đo mãi, chủ cửa hàng lại cứ tán vào.
- Trông rất đẹp.
- Chất liệu vải tốt đấy vừa mềm vừa bó sát người.
- Mình đang sợ bó sát người quá.
- Vì chị quen mặc Âu phục rồi, bây giờ mới thấy thế.
- Các bạn bảo là được, mình sẽ thôi không tặng người khác chiếc áo này nữa. - Tưởng Vận nói.
- Nếu cho đi sẽ đáng tiếc lắm đấy, co người chị... - Thương Nữ nói.
Hai người đàn bà lưu luyến không muốn rời nhau, Triệu Ngư đứng trên hè phố ngắm nhìn quảng trường rồi quay lại nhìn họ. Tưởng Vận cao 1 m 70, chị đã cao như vậy từ khi còn chơi bóng rổ ở trường. Mùa Hè chị mặc quần soóc, mùa Đông mặc bộ đồng phục vận động viên khiến ai cũng phải khen ngợi. Vào những ngày nắng ấm, chị chơi bóng đến vã cả mồ hôi, phải cởi cả quần dài ra để lộ bộ đùi hấp dẫn và nõn nà. Các bạn trai xem chị chơi bóng rổ rất mê động tác lên rổ đồng thời cũng mê cả bộ giò của chị nữa. Bộ giò khi đứng yên, khi chạy... Quân Trị Bình là người mê bóng rổ nhất, nếu cần kể thêm thì người thứ hai phải là Lý Phùng. Hồi đó khổ người Lý Phùng nhỏ nhắn, chân tay khẳng khiu, thường phải chen lấn, xô đẩy giữa đám đông. Anh thường xem Tưởng Vận thi đấu ở hiệp hai, anh không thích động tác nhảy ba bước và động tác ném rổ của Tưởng Vận. Anh nổi tiếng về tài đi nhặt bóng, được mệnh danh là người chạy nhanh... Thế rồi vào một năm anh lấy một cái gậy thật dài đặt lên vai gánh tất cả các cặp sách bạn học suốt một tuần... làm Triệu Ngư cười như nắc nẻ. Lý Phùng có rất nhiều biệt danh, nhưng đã hơn một năm nay, Triệu Ngư chưa gặp anh. Anh đã có những chuyển biến tốt, Hỷ Nhi đã cho anh một bài học, Tưởng Vận đã làm thay đổi anh, tâm hồn tối tăm đã lóe lên đôi chút ánh sáng.
Triệu Ngư châm thuốc, thong thả hút. Họ vẫn đang nói chuyện. Tưởng Vận đứng nghiêng người, một chân co lên như để nghỉ ngơi, còn chân kia làm trụ để giữ thăng bằng cơ thể. Vì thế, lưng, đùi, cánh tay chị ở vào một tư thế hoàn toàn khác. Tuy không đối xứng nhưng lại lộ ra một vẻ đẹp khó diễn tả bằng lời. Thường ngày, Tưởng Vận vẫn là một cô gái đoan trang, đi đứng uyển chuyển, còn bây giờ thì dáng đứng nghiêng nghiêng chẳng giống phong cách vốn có của chị chút nào. Triệu Ngư có thể ngắm kỹ đến từng chi tiết, nhưng mới chỉ nhìn thoáng qua đã thấy những chi tiết đẹp hiện ra. Tay áo bó sát, đùi hiện lên rõ nét. Vừa rồi chị nói hở hang chính là theo nghĩa này.
Thời đại của những năm bảy mươi... Triệu Ngư chợt nghĩ. Nếu những năm bảy mươi mà ăn mặc như thế này thì chắc sẽ làm xôn xao cả đường phố. Sau những năm bảy mươi, anh mới lên mười tuổi nhưng đã có cảm giác về hình bóng người phụ nữ. Cảm giác đó theo anh cả một thời gian dài, cho đến khi ở tuổi thành niên thì anh có Thương Nữ và anh lại có thêm một phát hiện mới, vẻ đẹp của người đàn bà có thể thấy được từ đầu đến chân, chỗ nào cũng gợi cảm. Sự bố cục của ngũ quan tạo thành tất cả, đùi ra đùi, tay ra tay... Triệu Ngư rít mạnh một hơi thuốc, đưa mắt nhìn xung quanh. Tràn ngập đường phố là những cánh tay, màu trắng, màu đỏ, màu lam, màu vàng và màu xanh lá cây của Tưởng Vận. Xem ra thời tiết đã chuyển sang mùa Hè, mặt trời rọi chiếu vào những chỗ nhạy cảm, nếu như trước đây người ta phải thót tim thì bây giờ chỉ cảm thấy đẹp. Tuy nhiên khuôn mặt đẹp cũng có giới hạn của nó, với chị em còn có nhiều điểm hấp dẫn khác. Ngoài khuôn mặt đáng yêu, bộ đùi thon thả, đôi bàn tay mềm mại và bộ ngực căng phồng đều có sức hấp dẫn, rung động trái tim của cánh đàn ông. Đặc biệt, với những cô gái trẻ, càng ít tuổi càng làm say đắm các chàng trai hơn. Các nhà kinh doanh thời trang rất am hiểu về lĩnh vực này, họ phối hợp chặt chẽ với những tạp chí mốt thời thượng để tạo ra những mẫu mốt làm tăng thêm vẻ đẹp và sự gợi cảm của phụ nữ. Các viên chức nhà nước thì tán thưởng khuynh hướng đi tìm sự rung động nội tâm. Dục vọng... Triệu Ngư nghĩ: Có điều lúc này không phải là lúc anh đi sâu tìm hiểu vấn đề này, cũng không phải là lúc để anh so sánh tình hình hiện tại với tình hình những năm bảy mươi. Việc chị em đua nhau phô tài, phô sắc hôm nay có lẽ đồng thời cũng làm nảy sinh những bông hoa tàn bạo...
Triệu Ngư chuyển sang những suy nghĩ khác, anh dụi nửa điếu thuốc đang hút dở vứt vào thùng rác. Thương Nữ nhìn anh cười. Cậu bé ngoan biết nghe lời, chị không cần phải động viên thêm gì nữa. Tưởng Vận biết được bí quyết này của Thương Nữ cũng bưng miệng cười.
Tưởng Vận phải đến công ty bưu chính thanh toán tiền điện thoại, chị chia tay Thương Nữ rồi đi. Chị không ngồi xe ba bánh mà đi bộ tắt qua quảng trường. Triệu Ngư đứng ngắm nhìn quả khinh khí cầu, còn Thương Nữ thì nhìn theo bóng hình Tưởng Vận.
Hai vợ chồng đến một cái chợ gần đấy.
Lại nói về Tưởng Vận.
Chị chậm rãi bước đi trên đường phố, từ quảng trường đến công ty bưu chính chỉ cần đi bộ mười phút là đến. Chị không đi ôtô hoặc xe ba bánh, ở cái thành phố quy mô như Mi Sơn này, nhất là ở khu trung tâm, đi bộ vẫn là thượng sách. Để đánh giá về một thành phố, người ta thường lấy lượng người đi bộ làm thước đo. Ôtô ngày càng nhiều, tất sẽ dẫn đến cảnh lộn xộn. Ôtô ép người đi bộ vào mép đường, xếp hàng nối đuôi nhau, còi xe inh ỏi, tắc nghẽn giao thông. Một thành phố nhỏ như Mi Sơn mà có đến mấy nghìn ôtô. Vậy lấy ôtô làm gốc hay lấy người làm gốc? Đây là một câu hỏi lớn. Thái độ của Tưởng Vận về ôtô là dửng dưng, kinh nghiệm mười năm kinh doanh thời trang của chị cho thấy việc mua ôtô vào lúc này chẳng khó khăn gì, chồng chị có xe ôtô nhưng chị chưa hề một lần ngồi lên chiếc ôtô đó. Chị rất ghét thái độ coi trời bằng vung của lái xe. Loại người này đâu đâu cũng có, kể cả trong hàng ngũ các viên chức nhà nước. Chỗ nào cũng thấy đầy rẫy những kẻ vỗ ngực khoe khoang: trên đường phố, trong khách sạn, quán ăn, trong câu lạc bộ... Tưởng Vận rất ghét những hạng người như vậy.
Chuyện về thành phố nhiều vô kể. Những chuyện ở Mi Sơn càng không sao kể hết. Những chuyện tốt và chuyện xấu... Một bà cán bộ đi siêu thị không chịu gửi túi xách, bảo vệ kiên quyết không cho vào, ngay cả người phụ trách siêu thị giải thích, bà ta cũng không nghe. Một bà khác là quan chức chính phủ khi đi xe công cộng luôn miệng quở trách lái xe khiến mọi người rất phẫn nộ. Mi Sơn là một thành phố thay đổi từng ngày, từng giờ, đồng thời cũng là thành phố ẩn chứa các tệ nạn. Hàng loạt những thói hư tật xấu diễn ra hàng ngày: ăn chơi trác táng, nghiện hút, đua đòi...
Tưởng Vận không thuộc hạng người đó, chị có quỹ đạo sống riêng của mình. Chị có thói quen gọi điện thoại kể cho Triệu Ngư nghe những điều tai nghe mắt thấy. Hàng tuần họ đều gọi điện thoại cho nhau, mỗi lần dăm ba phút để giãi bày tâm sự. Nhưng khi Triệu Ngư về Mi Sơn, chị không có ý định gặp riêng. Chị ngày càng tỏ ra gần gũi với Thương Nữ hơn, Thương Nữ thật đáng yêu biết bao!
Làm xong mọi việc, Tưởng Vận đến một cửa hàng uốn tóc. Nhìn qua tấm gương, chị thấy khuôn mặt mình vẫn trẻ trung, thậm chí trông còn trẻ hơn năm ngoái. Cô gái làm tóc luôn miệng khen chị. Cửa hàng uốn tóc khá khang trang, tiện nghi đầy đủ các cô gái, chàng trai đua nhau đến đây. Chủ cửa hàng là một phụ nữ độc thân, vốn là khách quen về thời trang trước đây của Tưởng Vận.
Chủ cửa hàng luôn miệng chuyện trò, còn Tưởng Vận thì vừa nghe vừa ngắm mình trong gương. Tưởng Vận năm nay ba mươi ba tuổi, đã qua cái tuổi đẹp nhất của đời người con gái, cộng thêm mấy năm làm thời trang nên đến nay có thể gọi bằng chị được rồi. Chị cho rằng sở dĩ trông mình trẻ ra chính là nhờ ở cách ăn mặc, cách trang điểm, cách "mông má"... một cái đẹp giả tạo bề ngoài. Thời buổi bây giờ người ta đua nhau đi tìm cái mới, cái lạ. Chị làm nghề thời trang nên biết rất rõ: nào là mốt mùa Xuân, mùa Hạ, mùa Thu, mùa Đông, quanh năm cứ như cái đèn cù đi tìm cái mới. Trong thương trường bạn không thể làm theo ý mình được, thời gian không phải là thời gian của bạn, tâm tình cũng không phải là tâm tình của bạn, khách hàng là thượng đế, nó khống chế mọi suy nghĩ và việc làm của bạn. Điều đó khiến Tưởng Vận phải suy nghĩ: Hà cớ gì cứ phải kiếm tiền mới được kia chứ? Thà rằng cứ trở lại cơ quan làm công ăn lương, hưởng phúc lợi, mỗi ngày uống một cốc nước chè còn hơn. Như vậy thời gian, tâm tình sẽ là của mình. Người đàn bà đẹp suốt mười năm không có gì thay đổi, biết đâu thêm mười năm nữa lại chẳng nền nã duyên dáng hơn xưa. Tưởng Vận nghĩ về tương lai như vậy.
Đi sửa lại mái tóc, nói vài câu chuyện phiếm... Tưởng Vận đã sử dụng thời gian buổi sáng ngày mồng bốn tháng Năm như vậy. Buổi chiều rủ mấy người bạn ra quán uống vài chén chè cho vui. Sống thật nhẹ nhàng, thanh thản, nếu thích thì chơi vài ván tú lơ khô, được thua không thành vấn đề. Có thể nói chốn vui chơi chỗ nào cũng có, tán gẫu, mua bán, kết bạn... nhưng phần lớn họ tìm đến nhau là để yêu đương, Tưởng Vận rất không hài lòng về hiện tượng đó. Quân Trị Bình lúc đầu theo đuổi chị từ trung học đến khi tốt nghiệp đại học, nhưng về sau lại say mê một cô gái ở Trùng Khánh. Vì thế mới xảy ra chuyện tình cờ năm 1999: Gặp lại bạn học cũ là Lý Phùng, thế rồi xảy ra chuyện chăn gối cùng Lý Phùng tại một ngôi nhà ở ngoại ô thành phố. Đã hơn hai năm rồi, Tưởng Vận dường như đã quên hẳn câu chuyện đáng buồn này. Hỷ Nhi đã đánh cho Lý Phùng một trận nhớ đời, còn Triệu Ngư thì gọi Lý Phùng là con người dã man, đểu cáng. Thực tình, đã nhiều lần Tưởng Vận định chia tay với Lý Phùng nhưng anh ta quỳ xuống khóc lóc van xin, làm chị mủi lòng và tiếp tục lao vào con đường tình ái bất chính.
Tưởng Vận ngồi trên chiếc ghế da, tiếng máy sấy tóc kêu vo vo, cô thợ lấy lược chải đầu cho chị. Chị cắt tóc ngắn, để kiểu tóc giống như của Thương Nữ. Đây là kiểu tóc của Diệp Nghinh Xuân, phát thanh viên đài truyền hình trung ương, vừa mát mẻ, vừa tiện lợi lại vừa dễ thương. Hồi còn làm thời trang, chị hơi bị ức chế, đúng lúc đó chị bị Lý Phùng đến khiêu khích. Suốt ngày nhàn rỗi, tâm hồn trống trải...
Nhớ lại hồi hai mươi tuổi, Tưởng Vận là một cô gái cứng cỏi, xinh đẹp dễ thương. Song từ trước đến giờ, dễ thương không phải là chủ đề của chị, hồi còn ở trung học, chị vẫn thường mặc trang phục thể thao.
Máy sấy tóc đã ngừng, nhưng người thợ vẫn đang chải tóc, bà chủ cửa hàng vẫn vừa nói chuyện vừa chỉ bảo kỹ thuật cho cô thợ. Đường đường chính chính là bà chủ, có cửa hàng hẳn  hoi, tất nhiên ngoài việc kiếm tiền ra, còn có thú vui khác. Ngày nào kiếm được nhiều tiền thì tha hồ mà đếm, tha hồ mà ăn chơi xả láng. Nhà hàng chia ra làm hai gian, gian ngoài là uốn tóc, gian trong sửa sắc đẹp. Bất chấp khách hàng là đàn ông hay đàn bà, miễn là kiếm được nhiều tiền, thế thôi. Thương nhân, viên chức, ai gội đầu cũng nhất loạt tám đồng. Những người có máu mặt thường xuyên lui tới, bà chủ tuy bận tíu tít nhưng trên môi không lúc nào thiếu nụ cười thường trực. Nụ cười của bà ta rất giống với bộ mặt giả tạo. Từ điệu bộ đến lời ăn tiếng nói, bà ta đều bắt chước các minh tinh màn bạc Hồng Kông, có thể tạo ra nụ cười tươi nhưng tiềm ẩn nhiều ý xấu.
Một người đàn ông bước vào, người đó chính là Lý Phùng.
Tưởng Vận nhìn thấy anh qua tấm gương. Lý Phùng nói:
- Bạn cũng gội đầu ở đây à? Thật may quá.
- Ông Tổng ơi, cửa hàng em ở đây gọi là cửa hàng làm đẹp tóc chứ không gọi là cửa hàng gội đầu đâu. - Bà chủ cười, cải chính.
- À, thì ra làm đẹp tóc chứ không phải gội đầu. - Lý Phùng cười nói.
- Thì ra ông Tổng Lý và bà Tưởng Vận đây là chỗ quen biết, thế mà em lại định giới thiệu. - Bà chủ cửa hàng nói.
- Tôi vốn là khách quen của chị ấy. - Lý Phùng nói.
- Em cũng thế. Nhưng bây giờ chị ấy không làm thời trang nữa. Ông Tổng ơi, ông thấy thế có tiếc không? - Bà chủ nói.
- Tiếc quá đi chứ! - Lý Phùng nói.
- Mỗi người có một sở thích riêng, ông ạ. - Bà chủ hỏi tiếp: - Hôm nay ông sửa tóc hay sửa khuôn mặt?
- Tôi chỉ gội đầu thôi. Nếu ở đây không gọi là gội đầu thì gọi là làm đẹp mái tóc cũng được. - Lý Phùng nói.
Tưởng Vận bưng miệng cười, bà chủ cũng cười, xem ra có vẻ hả hê lắm. Bà ta bố trí cho Lý Phùng ngồi cạnh Tưởng Vận. Đó là một trong những thủ thuật làm nghề của bà ta: để cho khách quen tiếp xúc với nhau, biến cửa hàng thành nơi giao dịch, thành nơi những người giàu có gặp nhau, kết thân với nhau. Một người đàn ông như Lý Phùng rất xứng đáng để kết thân với Tưởng Vận. Bà ta làm công việc xe chỉ luồn kim, khen bên này một câu, bên kia một câu để họ xích lại gần nhau, từ chỗ quen biết trở thành bạn bè. Chiếc ôtô sang trọng của Lý Phùng cần dành riêng chỗ ngồi cho một cô gái xinh đẹp như Tưởng Vận...
Việc làm của bà chủ xem ra rất có hiệu quả: Tưởng Vận đã uốn tóc xong, định rút tiền trả thì Lý Phùng đã nhanh tay hơn đưa cho bà chủ một trăm đồng.
- Không được... - Tưởng Vận nói.
- Không được là thế nào? Lần này ông ấy trả, lần sau bà trả. - Bà chủ cười bảo.
Tưởng Vận không nói gì nữa, định xách túi đi. Lý Phùng nói:
- Bạn đợi mình một lát, mình đánh xe đưa bạn về.
- Mình phải đến công ty bưu chính ngay bây giờ. - Tưởng Vận nói.
- Thế thì tốt quá, mình cũng đang định đến đó, trước đây bạn ưu ái mình, bây giờ để mình làm lái xe cho bạn một lần: - Lý Phùng nói.
Tưởng Vận đành ngồi nán lại chờ. Lại có một khách nữa vào cửa hàng, bà chủ tíu tít chào hỏi, giục cô thợ nhanh tay lên.
Lý Phùng nhận được cú điện thoại, mặt tỏ vẻ cung kính, anh nói với người đầu dây bên kia: Có muốn nói chuyện với Tưởng Vận vài câu không?
Tưởng Vận nghĩ bụng: Không biết người đó là ai nhỉ? Chắc không phải là Hỷ Nhi, càng không phải là Quân Trị Bình.
Lý Phùng đã cúp máy nên không biết người kia đã nói những gì với anh.
Ai thế nhỉ? Tưởng Vận lại nghĩ. Chị không hỏi Lý Phùng. Cô thợ vẫn đang sấy tóc cho anh.
Điện thoại của Tưởng Vận rung chuông. Một giọng khàn khàn trong máy:
- Chào cô cô Tưởng Vận, cô có nhận ra tôi không?
-...Ồ, thì ra là anh à, chào anh. - Tưởng Vận nói.
Người có giọng nói khàn khàn đó là Vĩ Ca. Vĩ Ca nói:
- Tôi có việc đi về vùng quê ở huyện Đan Lăng muốn mời cô cùng đi, cô có nhận lời không?
- Em cũng chẳng có việc gì bận bịu, nhưng anh đi Đan Lăng... - Tưởng Vận nói.
- Có chút việc, tôi đã hẹn với Lý Phùng và một người bạn khác rồi. Phong cảnh dọc đường đẹp lắm. Tiện đường, kiếm vài cân trái cây. Buổi chiều về thôi. - Vĩ Ca nói.
- Thế cũng được, anh ạ. - Tưởng Vận nói.
- Cảm ơn cô, cô Tưởng Vận. - Vĩ Ca nói.
- Anh khách sáo quá đấy, anh Vĩ Ca ạ, em phải cảm ơn anh mới đúng.
- Một chút việc cỏn con, ơn với huệ gì.
- Đâu phải là chuyện nhỏ như anh nói.
- Đợi xong việc cô sẽ cảm ơn cũng chưa muộn. Thôi, lát nữa chúng ta gặp nhau nhé!
Tưởng Vận tắt máy, qua gương thấy Lý Phùng đang tủm tỉm cười.
Tưởng Vận thầm nghĩ: Anh ấy đến Đan Lăng làm việc, sao lại mời mình đi nhỉ? Chẳng lẽ chỉ vì vài cân hoa quả?
Tưởng Vận đã gặp anh ấy hai lần. Vì sự bố trí công việc cho Tưởng Vận, Lý Phùng đã nhờ Vĩ Ca giúp đỡ. Việc này do chồng chị là Quân Trị Bình đề xuất. Để tỏ ra rất yêu quý vợ, đức ông chồng muốn có một món quà hậu hĩnh tặng vợ nhân dịp sinh nhật lần thứ ba mươi nhưng bị người khác ngáng đường đòi tiền mãi lộ. Tưởng Vận kể lại cho Lý Phùng nghe, anh tìm cách giải cứu giúp Tưởng Vận, đồng thời cũng muốn tỏ rõ khả năng của mình. Quà mừng sinh nhật Tưởng Vận không có gì thay đổi, chỉ thay đổi người tặng quà thôi. Lý Phùng nhờ một người mà theo anh đó là nhân vật lớn thực sự, người đó là Vĩ Ca.
Lần đầu gặp Vĩ Ca, Tưởng Vận thấy mọi chuyện đều rất bình thường. Chị nghĩ liệu Lý Phùng có tôn sùng quá mức không? Xem ra Vĩ Ca cũng chỉ là một anh công an bình thường.
Địa điểm gặp là một ngôi nhà ở phía tây thành phố do Lý Phùng bố trí. Ngôi nhà ở một nơi vắng vẻ, có phòng trà và nhà tắm. Tưởng Vận vừa bước vào cửa thấy Lý Phùng đang tập luyện cơ bắp, anh ta chỉ mặc chiếc quần đùi, mình trần trùng trục. Thời tiết tháng Ba mà anh tập vã cả mồ hôi: mồ hôi như tắm của một nhân sĩ thành công. Cơ bụng, cơ ngực, cơ đùi... đó là quang cảnh lúc bốn, năm giờ chiều. Hai cô gái đứng bên cạnh Lý Phùng, quần đùi áo may ô, cũng mồ hôi chảy ròng ròng. Lý Phùng vừa đặt dụng cụ tập xuống, học trò lập tức đưa ngay khăn mặt cho anh. Anh lau mồ hôi rồi nói với Tưởng Vận: - Dể chịu quá ra mồ hôi thật dễ chịu.
Anh chỉ tay vào bức tranh quảng cáo trên tường, một minh tinh màn bạc tay cầm dụng cụ tập, tư thế rất đẹp: Muốn có sức khỏe tốt, phải thường xuyên tập luyện. Cô học trò mỉm cười, giới thiệu với Tưởng Vận mấy chục loại dụng cụ tập luyện. Do bốc hứng nên chỉ trong giây lát, Tưởng Vận cũng quần đùi áo may ô xông vào tập, thoạt đầu chị tập trên máy chạy, rồi đến máy tập gập bụng, máy tập luyện cơ bắp. Lý Phùng đứng bên cạnh hướng dẫn kỹ thuật. Mấy cô học trò còn nói trên tầng hai có chỗ dạy múa ba lê, người như Tưởng Vận mà tập ba lê thì tuyệt vời Lý Phùng nói Tưởng Vận không những phù hợp với môn bóng rổ mà có lẽ còn phù hợp với múa ba lê hơn. Cô học trò đề nghị Tưởng Vận lên tập thử xem sao, Tưởng Vận bảo thôi để khi khác còn hôm nay tập thử sơ sơ thế thôi. Đúng lúc đó, một chiếc ôtô bốn chỗ đỗ xịch ngay trước cửa, một người đàn ông mặc thường phục bước xuống xe.
Tưởng Vận nghĩ: Chắc là Vĩ Ca đến.
Vĩ Ca liếc nhìn Tưởng Vận, điệu bộ anh có vẻ mệt mỏi. Chiếc xe cảnh sát đã nổ máy đi. Lý Phùng vội vàng giới thiệu, Vĩ Ca bắt tay Tưởng Vận. Vĩ Ca nói với Lý Phùng:
- Tôi vừa phải họp suốt nửa buổi, ngồi ê ẩm cả người.
- Anh nên tắm và nghỉ ngơi một chút cho khỏe. - Lý Phùng nói.
- Nhưng còn cô bạn này của cậu... - Vĩ Ca nói.
- Không sao, tôi thế nào cũng được. - Tưởng Vận nói.
- Cô cứ tập tiếp đi tôi và Tổng Lý ngồi một lát cũng được. - Vĩ Ca nói.
Hai người đàn ông ngồi trên ghế băng, Lý Phùng ghé sát vào tai, thì thầm vài câu gì đó, Vĩ Ca có vẻ rất chăm chú nghe. Tưởng Vận tập thêm vài phút rồi lên tầng hai tắm. Mọi việc xong xuôi, cả ba người ra phòng trà, Vĩ Ca nói với Tưởng Vận vài câu mang tính xã giao.
Sau đó, ba người đến nhà hàng ở đường Sao Đỏ ăn uống, Vĩ Ca vẫn rất tiết kiệm lời, có lẽ khi họp anh đã nói nhiều quá nên thấm mệt. Lý Phùng kể vài câu chuyện vui, cốt để Vĩ Ca thư giãn tinh thần. Điện thoại của Vĩ Ca liên tục rung chuông, họ mời anh đi ăn, nhờ anh hết việc này đến việc nọ. Anh nói với Tưởng Vận: "Thật bất tiện quá". Anh cúp máy. Về việc điều động công tác của Tưởng Vận, anh chỉ hỏi qua loa. Khi Lý Phùng nói có người đang đòi tiền đút lót, anh chỉ cười. Răng anh vàng khè vì ám khói thuốc lá.
Lần gặp thứ hai, Tưởng Vận hơi ngạc nhiên, Vĩ Ca như biến thành một người khác hẳn: Răng trắng muốt, da dẻ mịn màng, tinh thần minh mẫn.
Lý Phùng kể công anh rất vất vả về chuyện này. Thằng cha đòi ăn hối lộ đã phải câm họng, điều này Tưởng Vận đã dược chính đức ông chồng xác nhận. Lý Phùng rất vui vì đã giúp được Tưởng Vận một việc lớn, anh còn tỏ ra tích cực hơn cả Quân Trị Bình. Quân Trị Bình chỉ là người hữu danh vô thực, còn Lý Phùng mới là người có năng lực thực sự. Anh càng trở nên gần gũi với Tưởng Vận hơn, anh có đủ lý do để tin ở chính mình rằng chỉ trong năm nay hoặc sang năm, chắc chắn Tưởng Vận sẽ trở thành vợ anh...
Lý Phùng lấy danh nghĩa Tưởng Vận mời cơm Vĩ Ca, chọn một địa điểm vui chơi, thư giãn tinh thần. Vĩ Ca nhận lời ngay. Lý Phùng nói với Tưởng Vận có một số người muốn mời Vĩ Ca ăn cơm, còn khó hơn cả chuyện leo lên trời. Ngụ ý muốn nói, vị trí của anh khác hẳn mọi người. Sau một hồi suy nghĩ anh quyết định mời Vĩ Ca đi ăn vịt quay ở Nham Từ.
Vào một buổi chiều trời quang mây tạnh trung tuần tháng Tư, tức trước ngày Triệu Ngư đi Cầu Khê. Vĩ Ca mặc sắc phục công an, Tưởng Vận trố mắt nhìn. Cô vốn có ác cảm với công an, nhưng với Vĩ Ca thì lại có ấn tượng tốt. Ngành nào, nghề nào mà chả có người tốt, rõ ràng Vĩ Ca là một cảnh sát tốt trong đội ngũ cảnh sát. Chị nhận xét theo trực giác của mình. Con người này làm việc nhiệt tình, nói năng ôn hòa, không có thái độ hống hách, kiêu căng như các cảnh sát khác. Anh hút loại thuốc bình thường, chỉ khoảng mười đồng một bao. Anh rất hiếu nghĩa với bố mẹ, yêu quý con cái. Anh xem thường những kẻ hãnh tiến trong chốn quan trường, rất nghiêm khắc với cấp dưới...
Họ thưởng thức vịt quay, uống trà ngon, chuyện trò vui vẻ. Vĩ Ca thao thao bất tuyệt, Tưởng Vận chăm chú theo dõi khuôn mặt anh, thỉnh thoảng mới liếc nhìn Lý Phùng. Lý Phùng thấp thỏm lo âu, Tưởng Vận đang bị hấp dẫn bởi một người đàn ông khác. Nhưng quan sát kỹ, Lý Phùng lại thấy yên tâm vì Vĩ Ca rất lịch sự với Tưởng Vận. Anh biết rất ít về sinh hoạt đời tư của Vĩ Ca nhưng anh đoán chắc Vĩ Ca cũng có nhiều cô gái đẹp theo đuổi.
Hôm đó, Tưởng Vận mặc quần Âu trắng, áo sơ mi màu hoàng yến. Chị đứng dậy đi vào nhà vệ sinh, chiếc quần trắng xen lẫn trong sắc màu thiên nhiên lá xanh hoa đỏ khiến Lý Phùng không kìm nén nổi sự đam mê: màu trắng ấy phải thuộc về anh... Vĩ Ca chỉ liếc nhìn, không tỏ thái độ gì.
Sau đó, họ thi leo núi, Vĩ Ca leo một mạch lên đến đỉnh núi, lúc quay xuống, thì Tưởng Vận cũng leo lên đến chỗ hai hòn đá lớn. Anh dắt tay Tưởng Vận leo tiếp mấy chục bậc thang nữa rồi ngồi nghỉ ở chòi hóng mát. Còn Lý Phùng đứng trên đỉnh núi gọi tên họ: Anh Vĩ, Tưởng Vận... Lúc này, Tưởng Vận có cảm giác hơi là lạ. Hai năm trước, trên chuyến xe khách đi Thành Đô, chị đã gặp Lý Phùng tại một thời khắc đặc biệt.
Khoảng hơn nửa tháng nay, Tưởng Vận không gặp lại Vĩ Ca. Chị có số điện thoại của Vĩ Ca để lại. Lý Phùng nói:
- Cô có số điện thoại này không phải là dễ đâu... Vĩ Ca có hai máy di động, trong đó một máy lúc nào cũng mở, số máy cô có chính là số máy đó.
- Số máy này có ý nghĩa gì với tôi? - Tưởng Vận nói.
- Trên đời này có ai không cần nhờ vả ai đâu... - Lý Phùng nói.
Câu nói của Lý Phùng rất có lý, và ứng nghiệm ngay. Cuối tháng Tư, chồng cô bạn bị phạt một khoản tiền một vạn đồng. Hai vợ chồng chỉ sống nhờ vào một cửa hàng nhỏ, buôn bán lặt vặt để sống qua ngày, nay bị phạt một vạn đồng thì có mà sạt nghiệp, thế là họ phải cầu cứu Tưởng Vận. Cô bạn nước mắt ròng ròng, Tưởng Vận không thể bỏ qua được, chị gọi điện cho Vĩ Ca nhưng anh đang bận họp, chỉ nói với chị rằng đã biết việc này rồi. Ngay buổi chiều hôm đó, hai vợ chồng đến gặp Tưởng Vận, mừng mừng tủi tủi báo tin án phạt đã được hủy bỏ, người cảnh sát đến nhà hôm đó rất khách sáo. Họ muốn trả ơn, nhờ Tưởng Vận chuyển giúp rượu ngon, thuốc thơm đến tay anh ta. Thực ra, họ muốn nhân cơ hội này để làm quen, vì làm ăn mà có người đứng sau lưng che chở thì sẽ phát tài to. Buổi tối, Tưởng Vận lại gọi điện cho Vĩ Ca, Vĩ Ca nói:
- Họ buôn bán lặt vặt, kiếm được đồng tiền khó lắm. Tôi không nhận quà đâu, hơn nữa từ xưa tới nay tôi chưa hề nhận quà của ai cả. Nói với họ rằng từ nay về sau làm ăn phải thận trọng.
- Nếu sau này họ còn tái phạm thì em cũng không giúp nữa. - Tưởng Vận nói.
- Không sao, tôi rất vui khi được giúp cô. - Vĩ Ca nói.
Cuộc nói chuyện kéo dài tới hai mươi phút...
Lúc ấy, từ nhà hàng bước ra, Tưởng Vận lên xe của Lý Phùng đỗ ở cạnh đường. Bà chủ độc thân tiễn khách ra tận cửa, luôn miệng ông Tổng, ông Tổng và cười với Tưởng Vận bằng bộ mặt giả tạo. Bà ta tận mắt chứng kiến cảnh hai người ngồi trên xe xem ra ý hợp tâm đầu lắm, bà ta thầm nghĩ: Lần này cùng ngồi xe, lần sau cùng lên giường...
Xe chạy ra phía tây thành phố, Vĩ Ca đứng đợi ở đầu đường đang nói chuyện với người cảnh sát giao thông. Hôm nay Vĩ Ca mặc bộ complê màu xám nhạt, thắt cravát. Anh ngồi phía sau cùng Tưởng Vận. Lý Phùng nói:
- Hôm nay phúc đức quá, được gặp một bậc thầy.
- Cậu nói về chính cậu phải không? - Vĩ Ca hỏi.
- Anh đúng là bậc thầy, không tin anh cứ hỏi Tưởng Vận mà xem. - Lý Phùng nói. Vĩ Ca quay sang nói với Tưởng Vận:
- Cậu ấy đề cao làm tôi mát lòng mát dạ quá, đã bốn mươi tuổi rồi, tôi chưa thấy ai bảo tôi là bậc thầy cả.
- Vì anh Vĩ Ca. - Lý Phùng nói.
- Vĩ Ca, anh vừa là anh, vừa là bậc thầy. - Tưởng Vận nói. Vĩ Ca cười phá lên.
Buổi trưa đến một làng ở huyện Đan Lăng, bí thư, trưởng thôn đã đón đợi từ lâu, bắt tay Vĩ Ca. Trưởng thôn nói đã sắp xếp cơm trưa rồi. Vĩ Ca không đồng ý bảo làm việc trước đã, xong việc sẽ ăn cơm. Trưởng thôn làm theo ý Vĩ Ca, rồi dặn dò thư ký gọi điện báo cho chủ quán biết. Bí thư, trưởng thôn và thư ký cùng tháp tùng Vĩ Ca cùng ngồi trên một xe sang trọng do địa phương bố trí sẵn. Vĩ Ca nói:
- Thế này không hay lắm đâu, quần chúng sẽ dị nghị đấy, tốt nhất các anh ngồi sang cả xe chúng tôi, ta ngồi chật một tí cũng không sao, vả lại đường cũng không xa lắm.
- Về vấn đề này... - Bí thư nói. Nhưng Vĩ Ca xua tay:
- Thôi, ta đi thôi.
Thế là cả sáu người cùng ngồi vào một chiếc xe, bí thư là người béo nhất ngồi ở ghế trước. Còn bốn người ngồi ở ghế sau. Vĩ Ca và Tưởng Vận ngồi sát vào nhau, quần complê áp sát quần vải hoa. Lý Phùng lái xe luôn cười nhạt, đào và các loại trái cây hai bên đường sai trĩu cành... Trưởng thôn giới thiệu: năm nay được mùa, tì bà giá rẻ lắm, năm ngoái bảy, tám đồng một cân, năm nay chỉ hai, ba đồng. Vĩ Ca nói:
- Tình hình còn nghiêm trọng hơn nhiều, toàn thành phố còn tồn đọng trên mười triệu cân tì bà, việc tiêu thụ là cả một vấn đề lớn.
- Anh Vĩ Ca nói đúng, sau này chúng tôi sẽ phải chú ý, không thể phát triển một cách mù quáng được. - Trưởng thôn nói.
- Có gì gọi là phê bình đâu, tôi có phải là lãnh đạo của các anh đâu, tôi nói tùy tiện thôi, chỉ là ý kiến cá nhân thôi. - Vĩ Ca cười.
- Ý kiến của anh còn quan trọng hơn ý kiến của lãnh đạo nhiều. - Bí thư nói.
Trong lúc đang nói chuyện xe bỗng chồm lên làm mặt Vĩ Ca va vào mặt Tưởng Vận. Vĩ Ca nói khẽ:
- Tôi xin lỗi.
- Tại xe vào cua gấp quá. - Tưởng Vận nói.
Xe chạy khoảng hơn một tiếng thì dừng lại trước một ngôi nhà tranh, nhà không có tường vây, chỉ có hàng rào tre nứa. Cả đoàn bước vào, Vĩ Ca đi đầu, kế đến bí thư, trưởng thôn và Lý Phùng. Tưởng Vận nghĩ chắc không phải vào đây mua quả tì bà.
Có tiếng người thưa trong nhà, hai ông bà già, cô con dâu và  một bé gái khoảng mười hai, mười ba tuổi. Bé gái đến bên cạnh Vĩ Ca, anh đưa tay xoa đầu rồi hỏi cháu học có giỏi không. Mẹ cháu bé nói: Cháu thi học kỳ một có hai môn điểm mười.
Vĩ Ca gật đầu lia lịa, khen cháu giỏi lắm, giỏi lắm. Hai ông  bà già rất xúc động, hết rót nước, mời thuốc lại bê ra cả một  chậu tì bà. Thuốc lá là loại thường khoảng một đồng rưỡi một bao. Lý Phùng lấy trong túi ra một bao Trung Hoa Bài, Vĩ Ca không thèm đoái hoài, rút một điếu loại rẻ tiền hút. Bí thư, trưởng thôn và thư ký đều lần lượt hút loại thuốc rẻ tiền, Lý Phùng đành cất bao thuốc lá Trung Hoa Bài vào túi. Tưởng Vận tủm tỉm cười, ngồi bóc quả tì bà.
Cả đoàn ngồi trên chiếc ghế băng ở giữa sân dưới ánh nắng trưa hè. Vĩ Ca cầm tay bé gái hỏi hết chuyện này đến chuyện khác. Cháu bé gọi anh bằng chú rất thân mật. Tưởng Vận ngồi cạnh gốc cây lê, còn mọi người đều phải phơi mình dưới ánh nắng tháng Năm. Vĩ Ca không vào nhà nên bí thư và trưởng thôn cũng không tiện nói. Hơn nữa ngôi nhà cũng chật hẹp, tối om như một cái hang. Ông bà già định đi nấu cơm, trưởng thôn liền nói:
- Bác cứ ngồi chơi, không phải nấu nướng gì hết, chúng tôi ngồi một lát rồi đi ngay.
- Hôm nay chúng tôi đến thăm gia đình, sau này nếu có khó khăn gì cứ nói với thư ký Lưu hoặc trực tiếp gặp tôi hay trưởng thôn cũng được. - Bí thư nói.
Hai ông bà già cảm động lắm, mắt cô con dâu cũng đỏ ngầu. Vĩ Ca vẫn cầm tay bé gái, vẻ thân thiết vô cùng. Cháu bé ngồi lên đùi anh chẳng khác gì bố với con, mọi người đều cảm động. Mặt trời như giãn ra, nắng gắt như đổ lửa, anh bí thư to béo luôn tay lau mồ hôi. Có điều ngoài mồ hôi, trên khuôn mặt anh luôn có nụ cười hiền hậu. Khuôn mặt hiền hậu cũng chính là khuôn mặt của trưởng thôn, của thư ký, của Lý Phùng. Cả bốn khuôn mặt ấy đều hướng về Vĩ Ca. Đừng nói gì đến nắng tháng Năm, ngay đến tháng Bảy đổ lửa, mấy người này cũng vẫn chịu đựng được và vẫn nở nụ cười hiền hậu.
Tưởng Vận ngồi dưới bóng râm cây cổ thụ. Đây là bóng râm duy nhất trong sân do Vĩ Ca chỉ cho chị. Những người khác đều ngồi trên ghế băng, riêng chị được ngồi trên ghế mây.
Cả năm người đều hút loại thuốc lá rẻ tiền nhưng thật kỳ lạ, càng hút càng thấy thích. Tưởng Vận ngồi ăn tì bà, chị thấy hơi nhạt và hơi chua. Đây là loại tì bà không ngon lắm, ở thành phố chị không bao giờ mua loại này. Nhưng vào lúc này, khi mọi người đều hút thuốc lá, chẳng lẽ chị lại không thưởng thức tì bà? Bà lão cứ luôn miệng mời: - Chị ăn đi, ăn đi, trên cây còn nhiều lắm, ăn hết lại hái.
Tưởng Vận bóc hết quả này đến quả khác ăn ngon lành, không kịp nhai kỹ đã nuốt. Tuy tỏ ra ăn ngon lành nhưng thực ra ê răng đến phát khiếp. Vĩ Ca nhìn chị cười và bảo: Đừng ăn nhiều quá, đau bụng đấy.
Lúc đó chị mới thôi, đứng dậy ra vòi nước rửa tay. Khi cúi xuống rửa tay, những đường nét trên chiếc quần hoa hằn lên rõ mồn một, dù không muốn, nó vẫn cứ đập vào mắt mọi người. Anh bí thư tảng lờ như không để ý nhưng thực ra là đang thưởng ngoạn, còn trưởng thôn thì giả đò nhìn vòi nước nhưng mắt lại xoáy vào những đường nét uốn lượn. Lý Phùng thừ người ra, nghĩ rằng tất cả những cái đó đều thuộc về mình... Vĩ Ca đang nói chuyện với ông bà già, thỉnh thoảng mới đảo mắt nhìn.
Vĩ Ca đứng dậy cáo từ ra về, anh rút trong túi ra một phong bì trong đó có tiền mà người ta thường quen gọi là tiền cứu tế, tập giấy bạc dày cộp, ít nhất cũng phải một nghìn đồng. Bí thư và trưởng thôn cũng vội rút trong túi mình ra mỗi người hai trăm đồng. Lý Phùng ba trăm đồng, thư ký và Tưởng Vận cũng mở  hầu bao. Vĩ Ca nói với thư ký và Tưởng Vận:
- Hai người không cần biếu tiền đâu.
Thực ra, thư ký còn đang lưỡng lự, anh hết nhìn bí thư lại nhìn trưởng thôn. Bí thư nói:
- Anh Vĩ Ca đã nói thế rồi, cậu không phải biếu đâu, để tiền cho vợ mua lấy cái áo.
Thư ký như người được đại xá, gật đầu như gà mồ thóc. Tưởng Vận thấy vậy cũng thôi.
Không khí thật cảm động, ông lão bỗng quỳ xuống dưới chân Vĩ Ca nói:
- Ân nhân...
Bé gái và mẹ nó khóc thút thít. Tưởng Vận quay mặt đi. Lý Phùng rút khăn tay lau mặt.
Ôtô từ từ chuyển bánh, năm người đàn ông và một người đàn bà quay về theo đường cũ, họ ngồi yên không ai nói gì, họ đang xúc động. Ai đã làm cho họ xúc động? Đương nhiên là Vĩ Ca. Vĩ Ca từ xa đến thăm một gia đình nghèo và đây không phải là lần đầu, anh đã đến nhiều lần rồi. Anh đã cứu đứa trẻ thất học được trở lại trường, bé còn học giỏi, đạt hai điểm mười trong học kỳ vừa qua. Anh chọn làng này làm điểm giúp đỡ là niềm vinh dự to lớn của bí thư và trưởng thôn, là cái mà họ cầu mong cũng không có được. Tối nay trong huyện sẽ có người biết tin, ngày mai sẽ lan truyền khắp huyện.
Xe lắc mạnh, người cũng lắc mạnh, đùi Tưởng Vận và đùi Vĩ Ca vẫn áp sát vào nhau, nhưng họ còn đang cảm động nên chẳng ai để ý đến cái đùi của mình. Đã vậy, mỗi khi xe đi vào đường vòng, Vĩ Ca luôn cố sức để tránh mặt mình khỏi va vào mặt Tưởng Vận. Ai là chứng nhân quân tử đây? Vĩ Ca chính là chứng nhân quân tử.
Bữa cơm chiều được đặt ở một nhà hàng sang nhất thị trấn, nhiều món ăn ngon, riêng các món sơn hào đã lên đến chín món.
- Phô trương quá đấy. - Vĩ Ca lắc đầu nói. Trưởng thôn bảo chủ cửa hàng đem ra hai chai rượu ngon, Vĩ Ca nói: - Không uống rượu này, uống loại rượu các anh tự nấu ngon hơn.
Chủ quán đem rượu cuốc lủi ra, Lý Phùng cười hì hì, anh biết loại rượu này rất ngon, tráng dương đại bổ. Vĩ Ca cởi áo khoác ngoài, để lộ khẩu súng lục lủng lẳng bên hông. Bí thư và trưởng thôn thì thầm với nhau mắt nhìn Tưởng Vận, rõ ràng là chuyện họ nói có liên quan đến chị. Sáu chén rượu do chính tay bí thư rót. Tưởng Vận từ chối, chị nói nếu uống một chút rượu nho thì được, còn rượu trắng, loại rượu nổi tiếng ở địa phương, nặng lắm.
- Không cần biết rượu gì, cứ uống sẽ biết. - Lý Phùng nói và uống thử một hớp rồi khen ngon quá. Vĩ Ca nói với Tưởng Vận:
- Cô uống ít thôi, không sao đâu.
- Ba cán bộ thôn chúng tôi mỗi người xin mời chị một chén. - Bí thư nói.
- Nên mời anh Vĩ Ca trước thì hơn. - Tưởng Vận nói.
- Tất nhiên sẽ mời Vĩ Ca rồi, - Trưởng thôn nói, - sở dĩ muốn kính chị trước là vì hai lý do: Một là chị là nữ, phải ưu tiên trước; hai là, lần đầu tiên chị đến vùng nông thôn hẻo lánh, chúng tôi hoan nghênh chị bằng cách kính chị một ly rượu.
Tưởng Vận biết mình ở vào tình thế không thể từ chối được, đưa mắt nhìn Lý Phùng, hy vọng con người giảo hoạt này đỡ cho mình một vài chén. Ba chén rượu, chỉ nhìn vào rượu cũng đủ phát khiếp lên rồi, có trời mới biết được họ ngâm bằng những thứ gì. Không ngờ Lý Phùng lại nói:
- Ba chén thì thấm thía gì.
- Chỉ ba chén thôi, không được hơn đâu nhé! - Vĩ Ca nói.
- Nếu chị uống thêm một chén, tôi sẽ uống thêm mười chén. - Bí thư nói.
- Tôi uống năm chén. - Thư ký nói.
Tưởng Vận nhắm mắt uống cạn chén rượu của bí thư mời, chị thấy cũng được, không đến nỗi nặng lắm. Chị yên tâm, ăn các món ăn. Năm người đàn ông liên tục cạn chén, mãi về sau Tưởng Vận mới phải uống đến chén thứ hai do trưởng thôn mời. Như vậy là ba chén xem ra cũng chẳng thành vấn đề gì.
Giữa lúc tiệc đang vui thì trưởng thôn có điện thoại. Trưởng thôn nói với Vĩ Ca, có một cục trưởng muốn đến chúc rượu Vĩ Ca. Vĩ Ca nói: Bảo ông ấy đừng đến nữa. Máy điện thoại của trưởng thôn lại rung chuông. Cục trưởng báo sẽ đến ngay. Trưởng thôn thấy khó xử quá liền đưa máy cho Vĩ Ca. Vĩ Ca nói ngắn gọn vài câu, cục trưởng ừ ừ mấy tiếng rồi tắt máy.
Lý Phùng thấy Vĩ Ca nói chuyện với cục trưởng rất tự nhiên, anh rất thán phục.
Khi Tưởng Vận uống chén rượu thứ ba, chị thấy Vĩ Ca đưa mắt nhìn mình.
Ăn xong sẽ lên đường, Vĩ Ca nói là làm, đó cũng là tác phong của bộ đội. Thư ký đưa mấy thùng tì bà từ trụ sở thôn đến, loại tì bà năm sao của khu văn công Nhân Thọ, giá một cân khoảng mười đồng. Bí thư, trưởng thôn đứng ngay trước cửa, họ thì thầm với nhau dường như đang cười Tưởng Vận cái gì đó. Họ bắt tay Vĩ Ca, xe nổ máy, để lại phía sau bụi khói mịt mù...
Tưởng Vận thấy hơi mệt, ngả lưng vào ghế. Vĩ Ca ngồi cạnh nói với Tưởng Vận:
- Đi suốt cả ngày, cô có thấy chán không?
- Tại sao lại chán? - Tưởng Vận nói.
- Chúng tôi rất xúc động. - Lý Phùng nói. - Vĩ Ca vừa giúp chúng tôi có được bài học lại vừa được ăn một bữa tiệc ngon. - Ý của Lý Phùng muốn nói là được uống mấy chén rượu kích thích. Anh định nói toạc ra nhưng lại không dám nói trước mặt Vĩ Ca. Đã không dám nói bậy, tất nhiên cũng không dám làm bậy. Hôm nay anh chỉ đóng vai phụ cho Vĩ Ca...
- Cô Tưởng Vận, nếu cô không vội về Mi Sơn thì chúng ta sẽ đi chơi một nơi nữa, một nơi phong cảnh hữu tình. - Vĩ Ca nói.
- Miếu Trúc Lâm, bạn đã đi bao giờ chưa? - Lý Phùng nói.
- Mình có nghe nói. - Tưởng Vận nói.
- Chỗ đó đẹp lắm, lại rất yên tĩnh. Nhà nước không có tiền để phát triển... Tưởng Vận, bạn vẫn thích yên tĩnh kia mà? - Lý Phùng nói.
- Mình cũng thích cả nơi ồn ào nữa. - Tưởng Vận cười nói.
- Thích ồn ào thì khó gì đâu. Chọn một chỗ chơi bài, chơi mạt chược, chơi tú lơ khơ. - Vĩ Ca nói.
- Chơi tú lơ khơ vừa dễ chơi, vừa vui. - Tưởng Vận nói.
Miếu Trúc Lâm được xây dựng trên một quả đồi, có hai cái  miếu và mấy Phật tử ở đây để nhận lễ vật, hương khói cho miếu. Trừ những ngày các tín đồ đi lễ Phật, ngày thường ở đây rất yên  tĩnh, du khách đến rất ít. Các tăng ni tự trồng trọt, hòa thượng  và các ni cô cùng ở một miếu nhưng không phạm vào những  điều cấm kị. Những loại gia cầm được nuôi ở đây là để phục vụ  cho khách tham quan. Mấy vị Phật tử thường xuyên tới đây  trung niên có, bà già cũng có đi đứng nhẹ nhàng, khuôn mặt như những người ngoài trần thế. Núi không cao lắm, dưới chân núi là một con sông nước trong xanh biếc. Ở Đan Lăng không có nhiều nhà máy nên ít bị ô nhiễm. Một bộ phim chấn động dư luận: "Nơi tình yêu bị lãng quên" đã được quay tại đây. Cái tên phim ấy bây giờ xem ra mơ hồ quá. Nơi nảy nở tình yêu vốn thuộc về thiên kinh địa nghĩa. Ý của tên phim muốn nói là tình yêu đã chạy ra thành phố cả rồi, đã rời bỏ chốn sơn cùng đến với những nơi đèn xanh, đèn đỏ cả rồi.
Ba người ngồi trên du thuyền vãn cảnh. Vĩ Ca gọi điện cho ai đó bảo đến miếu Trúc Lâm ngay.
Chiếc thuyền con lướt nhẹ trên sông, Lý Phùng ngồi ở đầu thuyền, Tưởng Vận, Vĩ Ca ngồi ở khoang giữa. Cách ngồi này xem ra không được hợp lý lắm vì muốn cặp bồ phải ngồi gần nhau mới đúng. Vừa bước lên thuyền Lý Phùng đã leo lên ngồi ở đầu thuyền, để Tưởng Vận ngồi cùng Vĩ Ca như một chủ ý sắp sẵn. Lý Phùng hai tay cầm chắc mái chèo, giữ phương hướng cho thuyền. Tưởng Vận bước lên, thuyền hơi chòng chành, Vĩ Ca đỡ lấy tay chị, chờ chị ngồi ổn định mới buông ra. Vĩ Ca là người lịch thiệp, tạo niềm vui cho người là chính, không hề có ý nghĩ gian giảo. Sở dĩ Lý Phùng ngồi riêng rẽ cũng có lý do của nó: Vĩ Ca là người đáng tin cậy đời nào lại có chuyện tình ái với bạn gái của mình. Anh mải miết chèo thuyền, thậm chí không cần ngoái cổ lại.
Ở những nơi thuyền đi qua, hoa rừng đua nhau khoe sắc. Trời xanh mây trắng, tình bạn thắm thiết... tâm tình Tưởng Vận dạt dào niềm vui. Do trọng lượng cơ thể của ba người, chiếc thuyền con ngậm nước rất sâu, nếu không cẩn thận sẽ rất dễ bị đắm. Đắm thuyền sẽ càng tốt, lúc đó anh hùng sẽ cứu mĩ nhân, nhưng ai là anh hùng thì còn là một ẩn số. Tưởng Vận tay dài, chị thò tay xuống nước, ngón tay uốn lượn trông thật nên thơ... Vĩ Ca rút khẩu súng lục bên hông nhắm bắn một con chim, Tưởng Vận vội nói: "Đừng anh", Vĩ Ca cười, anh chỉ định ngắm chơi thôi, một con người có lòng nhân từ như anh ai lại nỡ giết hại chim trời bao giờ. Hơn nữa trong Cục Công an cũng đã có quy định rõ ràng, mỗi viên đạn đều có ghi chép hẳn hoi.
Tưởng Vận cầm lấy khẩu súng ngắm vào một gốc cây, rồi ngắm lên một đám mây trên trời. Vĩ Ca nói đùa:
- Nếu cô thích, lần sau tôi sẽ tặng cô một khẩu.
- Thật thế không? - Tưởng Vận nói.
- Anh Vĩ đã nói thì bao giờ cũng thật. - Lý Phùng nói.
- Sẽ biếu cô một khẩu nhỏ hơn, đẹp hơn nhưng không dùng được đâu. Cô cũng đừng nên dùng khẩu súng đó để dọa người, phạm pháp đấy, trách nhiệm lại đổ lên đầu tôi. - Vĩ Ca nói.
- Em chưa bao giờ phạm pháp cả. - Tưởng Vận cười bảo.
- Đã có anh Vĩ Ca rồi, phạm pháp cũng chẳng làm sao. - Lý Phùng nói.
- Lý Phùng, cậu đừng nói bậy. - Vĩ Ca nghiêm sắc mặt.
Vĩ Ca nghiêm túc lại là một Vĩ Ca khác. Lý Phùng im lặng không nói gì nữa.
Lý Phùng hơi buồn một lát rồi lại vui ngay, anh kể về tài bắn súng của Vĩ Ca, anh ca ngợi tài bắn súng trăm phát trăm trúng của Vĩ Ca. Anh kể cách đây có một tên tội phạm cướp xe, biết không còn đường thoát, để tránh khỏi lưới bủa vây, nó cho xe chạy hết tốc độ lao thẳng vào đám đông. Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc đó, Vĩ Ca đưa súng lên bắn đúng vào thái dương tên tội phạm. Xe của tên cướp mất đà lao thẳng vào một gốc cây, mọi người bình an vô sự... Sự việc này, Tưởng Vận đã được nghe kể nhưng không ngờ người cảnh sát được ca ngợi đó lại đang ở ngay cạnh mình khiến chị càng thêm khâm phục và xúc động hơn. Khi Tưởng Vận trao lại khẩu súng cho Vĩ Ca, hai tay họ chạm vào nhau, gây nên một cảm giác khó tả. Mặt trời trên đỉnh đầu, nước biếc ngay dưới chân, đàn ông và đàn bà đang ở giữa âm dương. Buổi trưa lại uống rượu ngâm, trên thuyền thỉnh thoảng mới có cơn gió thổi, như không hẹn mà gặp, cả ba người đều lắng nghe sự yên lặng. Lý Phùng cho thuyền quay đầu trở lại.
Khi về đến miếu Trúc Lâm, vào đến nhà nghỉ đã thấy một người trẻ tuổi mặc sắc phục cảnh sát ngồi ở cạnh bàn, anh ta đang chơi tú lơ khơ một mình, cả năm mươi tư con bài đều được xếp ngay ngắn. Thấy Vĩ Ca vào, anh ta đứng dậy nhưng không nói năng gì, đến khi Vĩ Ca vỗ nhẹ vào vai, anh ta mới ngồi xuống. Chàng trai trẻ này trông rất lanh lợi, khi nói chuyện cứ nhìn chằm chằm vào Vĩ Ca, thỉnh thoảng mới liếc nhìn Lý Phùng, còn Tưởng Vận thì dường như anh ta không để ý đến, khiến Tưởng Vận có cảm giác là anh chàng này thiếu lịch sự. Sự khâm phục ở dưới nước lại được chuyển lên bờ, chị nghĩ: Vĩ Ca mời chị chơi bài chắc không phải là với anh chàng thô lỗ này.
Bốn người chơi chầu ra một trăm đồng, Lý Phùng nói chơi cho vui thôi, ván thứ nhất Tưởng Vận và Vĩ Ca thắng. Gian phòng họ ngồi ở ngay sau miếu, bên ngoài là bụi tre, hoa tươi và xa xa là cả một dải non xanh nước biếc. Bàn chơi đặt ngay cạnh giường, căn phòng rất sạch sẽ, xa xa có tiếng tụng kinh vọng lại, thi thoảng lại có một tiếng chuông, mùi hương phảng phất...
Bên kia tụng kinh, bên này chơi bài, tiếng tụng kinh hòa lẫn với tiếng chơi bài. Bốn người cười vui xen lẫn nuối tiếc, thất vọng. Người thắng thì hể hả, kẻ thua thì ỉu xìu. Tưởng Vận cười lăn ra giường: chị thắng Lý Phùng, Lý Phùng luôn miệng kêu trời "Thế có chết tôi không, chết tôi rồi"...
Một người cười như nắc nẻ, còn người kia thì buồn rầu, riêng Vĩ Ca vẫn giữ thái độ bình thản, vui nhưng không cười to mặc dầu anh có bộ răng rất đẹp. Hoàng hôn buông xuống, khẩu súng lục trễ bên hông, Vĩ Ca tay phải đặt vào bao súng, tay trái ra bài, Lý Phùng thấy thế giải thích: Đây cũng là một trong những nghệ thuật của ông anh đấy. Tưởng Vận cũng bốc hứng chuyển từ tay phải sang tay trái chơi bài. Đang lúc mọi người mải mê chơi bài thì một ông già bước vào, bảo rằng cơm đã bày sẵn ở phòng kế bên rồi. Lý Phùng và viên cảnh sát trẻ trả tiền thua ván cuối cùng, Vĩ Ca nói:
- Cô hãy cầm cả lấy, ăn xong sẽ chơi tiếp.
- Vì thắng nên không dám ăn cơm chứ gì. - Lý Phùng nói.
- Nếu anh Vĩ Ca và chị Tưởng Vận vẫn cầm cái, thì chúng ta sẽ thua tiếp mất. - Viên cảnh sát ít nói lên tiếng.
- Làm gì có chuyện ấy. - Tưởng Vận nói.
- Cũng chưa biết thế nào. Nhưng theo mình nghĩ rất có thể lắm đấy. - Lý Phùng nói.
- Tôi cũng cảm thấy thế. - Chàng trai trẻ nói.
- Nếu đúng như vậy thì... - Tưởng Vận vừa đi ra ngoài vừa nói, chị quay lại nhìn Vĩ Ca, Vĩ Ca chỉ cười, không tham dự vào câu chuyện.
Anh cảnh sát trẻ có đem theo một chai rượu. Tưởng Vận cũng uống hai chén. Hôm nay chị rất vui, liên tiếp gặp những chuyện vui. Lý Phùng nhận được điện thoại từ công ty gọi đến nói rằng có một lô hàng đã kiểm hóa xong, đề nghị về ngay Mi Sơn để ký giấy tờ. Lý Phùng chau mày nói:
- Bảo người nhận hàng đợi, tạm đi chơi ở đâu đó, mai tôi sẽ về.
- Khách cần nhận hàng ngay để kịp chuyến tàu 8 giờ tối. - Anh nhân viên nói.
Lý Phùng mắng một câu rồi tắt máy quay lại nhìn Vĩ Ca. Vĩ Ca nói:
- Hay chúng ta về thôi, hôm nay cũng hết chỗ chơi rồi.
- Thắng, được tiền rồi định chuồn à? - Lý Phùng cười nói.
- Vậy cậu muốn gì? - Vĩ Ca cũng cười.
- Tôi sẽ về ký các giấy tờ, chỉ cần nửa tiếng cả đi lẫn về, chúng ta ở lại đây chơi một trận cho đã. - Lý Phùng nói.
Vĩ Ca quay lại nhìn Tưởng Vận. Tưởng Vận nói với Lý Phùng:
- Đừng phóng xe nhanh quá đấy.
Lý Phùng ra xe, anh cảnh sát trẻ cũng ra xe nói rằng về huyện giải quyết một chút công việc, khi nào xe của Lý Phùng trở lại sẽ theo xe về miếu Trúc Lâm, Vĩ Ca gật đầu.
Hai người đi rồi, chỉ còn lại Vĩ Ca và Tưởng Vận.
Họ ngồi đối diện nhau, chai rượu còn lại vừa đủ hai chén. Sau này nhớ lại những việc xảy ra hôm đó Tưởng Vận thấy không thể gọi là ân nghĩa được. Chị không mê tín, không định tính sổ với ai nhưng những việc trùng hợp lại liên tiếp đến cùng một lúc dường như không muốn tin cũng phải tin. Vĩ Ca nâng chén rượu, chạm cốc với chị. Chị uống hết chén rượu, má ửng hồng. Buổi trưa chị đã say, má vẫn còn ửng hồng, chiều tối lại say tiếp. Lần này không có ai, chỉ có hai người ngồi đối diện nhau. Suốt buổi chiều, hai người mặt đối mặt. Dưới mặt bàn là đùi với đùi chân chạm vào chân. Sau đó chuyện gì xảy ra đã xảy ra. Tại sao bàn chân chạm vào nhau lại vội co về ngay? Không phải chỉ một lần, mà đến lần thứ hai, thứ ba... cần phải hiểu rằng ở đây có vấn đề, rõ ràng là có vấn đề rồi...
Hai người buông đũa trở về phòng khách. Trời đã nhá nhem tối hoàng hôn đang xuống dần. Từng đàn chim bay về tổ, tiếng kêu hót thật vui tai, lúc này nếu đi ra ngoài dạo một chút sẽ thật dễ chịu. Nhưng Vĩ Ca không nhắc tới, Tưởng Vận cũng không tiện nói ra. Thực ra đi dạo một chút có sao đâu, đi dạo cũng chỉ là đi dạo... nhân lúc trời chưa tối hẳn, hai người đàn ông và đàn bà có thiện cảm với nhau cùng dạo chơi trên núi, có chuyện gì đâu. Đi dạo cho tâm hồn thư thái, cho tình bạn càng thêm trong sáng, cho mối quan hệ sau này tốt đẹp hơn, chứ có gì đâu.
Vĩ Ca vẫn ngồi nguyên chỗ cũ, anh sắp đi sắp lại cỗ bài tú lơ khơ. Thật kỳ lạ, vẫn cỗ bài buổi chiều mà sao hai người không thể rời khỏi nhau.
Tưởng Vận vẫn ngồi đối diện nhìn anh sắp bài.
Một lát sau, cả hai cùng ngẩng đầu lên, cùng nhìn nhau và cùng quay về với ý nghĩ: Tại sao không thể rời nhau được nhỉ?
Hai chân chạm nhau vội co về ngay, đôi mắt cũng vậy. Bóng tối đã ập vào cửa sổ nhưng vẫn chưa bật đèn.
Ông già mặc áo đen lại đến hỏi họ có uống trà không, Vĩ Ca bảo pha cho hai cốc hoa quả.
Hai cốc nước cam được bưng lên, ông già rút lui, chiếc áo đen chìm trong đêm tối.
Vĩ Ca vẫn ngồi yên, anh vốn là người ít nói. Anh tiếp tục xếp bài. Tưởng Vận đứng dậy đi vào nhà vệ sinh. Vĩ Ca ngẩng đầu nhìn theo chiếc quần hoa bó sát mông Tưởng Vận. Nhà vệ sinh ở phía bên kia phòng lễ tân.
Vĩ Ca vẫn ngồi trên ghế, rõ ràng lúc này anh rất trầm tĩnh, sắc mặt không có biểu hiện gì khác. Con người anh là thế, có thói quen trầm tĩnh, cũng có thể gọi là sự trầm tĩnh cao độ. Ở địa bàn Mi Sơn, Vĩ Ca là của khắp mọi nhà, những người có chức vụ cao hơn anh cũng đều sợ anh một phép. Anh nghĩ gì sẽ làm đúng như vậy, nếu so sánh giữa anh và Lý Phùng thì đó chỉ là chuyện bà mo nhỏ gặp bà mo lớn. Anh rất ít khi gặp chông gai, nói theo cách khác, chông gai không có tác dụng gì với anh. Mọi người bảo rằng anh đang muốn đinh đâm vào chân, có đâm vào chân mới tốt, vì anh là con sâu biếng nhác.
Tưởng Vận đã quay trở lại, Vĩ Ca lấy trong túi ra một gói giấy nhỏ có chứa chất bột màu lam rồi cho đều vào hai cốc nước cam, khuấy đều. Lúc Tưởng Vận bước vào phòng, anh đang uống. Anh chạm cốc với Tưởng Vận và nói:
- Cô Tưởng Vận, được làm quen với cô, tôi rất vui.
- Em cũng thế. - Tưởng Vận nâng cốc nói.
Hai cái cốc lại chạm nhau lần nữa, Vĩ Ca uống hết, Tưởng Vận cũng vậy. Suốt từ sáng đến giờ, họ đã ngầm phối hợp với nhau, hết động tác này đến động tác khác.
- Nếu không có gì xảy ra thì trung tuần tháng Năm này, cô có thể về nhận công tác ở đơn vị mà cô mong muốn. - Vĩ Ca nói.
- Em không biết phải cảm ơn anh thế nào. Anh còn giúp đỡ cả bạn em một việc to lớn. Xin cám ơn anh, anh Vĩ Ca. - Tưởng Vận nói.
- Cô Tưởng Vận, không cần phải cám ơn đâu.
- Không, nhất định em phải cám ơn anh.
- Cô lấy gì để cám ơn tôi? - Vĩ Ca cười nói.
Thật vậy, Tưởng Vận nghĩ mình lấy gì để cám ơn anh ấy bây giờ?
- Quả thật đây là vấn đề rất khó, ngay bây giờ em chưa nghĩ ra nên cảm ơn anh bằng cách nào. - Tưởng Vận cười nói.
- Chưa nghĩ ra thì tốt nhất đừng nên nghĩ nữa. - Vĩ Ca nói.
- Anh Vĩ Ca, anh quả là con người tốt bụng.
- Cô Tưởng Vận, cô đừng nói thế.
- Anh là người rất tốt, tuy chúng ta gặp nhau không lâu, nhưng em đã nhận ra điều này. Trong lực lượng cảnh sát, rất hiếm có những người như anh. - Tưởng Vận nói.
- Cô Tưởng Vận, chúng ta chuyển sang chuyện khác đi, nói mãi chuyện này làm gì. Tại sao Lý Phùng vẫn chưa về nhỉ? Gần một tiếng đồng hồ rồi. - Vĩ Ca xua tay.
- Chắc bạn ấy đang trên đường đi. - Tưởng Vận nói.
Vĩ Ca im lặng, dường như anh đang suy nghĩ. Và suy nghĩ của anh bắt đầu phát huy tác dụng.
Tưởng Vận muốn gọi điện cho Lý Phùng nhưng tâm tư lại bị một cái gì đó ngăn lại. Buổi trưa chị uống rượu đen, buổi chiều lại uống rượu trắng. Ngồi mãi trên ghế, đôi chân đã tê dại, chị muốn đứng dậy cử động một chút nhưng không thể nào nhấc nổi đôi chân. Lúc đó chị cũng chẳng hiểu mình đang muốn gì..
Ánh trăng rọi chiếu qua cửa sổ.
- Ồ, đêm nay có trăng. - Vĩ Ca nói.
- Trăng đẹp quá. - Tưởng Vận nói.
- Chúng ta ra ngoài dạo một chút đi. - Vĩ Ca nói.
- Được thôi. - Tưởng Vận nói.
Có một con đường nhỏ đi lên bãi đất trống trên đỉnh núi, hai người lần theo bậc thang đi lên. Ở chỗ đường hẹp, bao giờ Vĩ Ca cũng đi trước. Một bên là vách núi, một bên là cây cối rậm rạp. Đi được khoảng hai trăm mét thì đến bãi đất trống, Tưởng Vận nhìn ra xung quanh, bất giác thốt lên:
- Ồ, đẹp quá
Non xanh nước biếc dưới ánh trăng thật là thơ mộng, Tưởng Vận chưa bao giờ được thấy ánh trăng trữ tình như thế này. Vĩ Ca hút thuốc. Tưởng Vận nói:
- Cho em xin một điếu.
Vĩ Ca đưa điếu thuốc đang hút cho chị, tự châm cho mình một điếu khác. Tưởng Vận hít một hơi dài và cảm thấy mình chưa được hút loại thuốc nào ngon như thế này.
Vĩ Ca bước mấy bước, mắt nhìn về phía xa. Lớp cỏ dưới chân anh như tấm thảm dày. Anh nghĩ: Nếu... Ở chỗ này. Song anh lại nghĩ: Thế thì quần áo sẽ bẩn hết mất.
Nội tâm đã bùng cháy, điếu thuốc lá trên tay rung rung. Vấn đề anh muốn bỗng trở nên khó khăn. Tưởng Vận vẫn đứng nguyên chỗ cũ, anh ngắm nhìn cô.
Hút xong điếu thuốc, hai người quay về, dường như họ lên đây chỉ để hút một điếu thuốc. Khi bước xuống bậc thang, Vĩ Ca nắm lấy tay Tưởng Vận. Động tác này chị không lạ lẫm gì. Hai năm về trước, cũng vào tháng Năm, ở huyện Tân Kinh, Lý Phùng cũng nắm tay chị, kéo chị lên xe rồi hôn lấy hôn để. Bây giờ cảnh này lại tái hiện nhưng chẳng thấy bóng dáng Lý Phùng đâu.
Đến chỗ đất bằng phẳng, Vĩ Ca buông tay chị ra.
Tưởng Vận định nói câu gì đó nhưng lại quên mất, gió núi đã đem theo câu nói của chị đi rồi. Một cành cây chắn ngang đường như muốn trêu chọc đôi vú căng phồng của chị, chiếc quần hoa như căng hơn, bàn chân cũng như muốn thoát ra khỏi giày.
Gian phòng tối om, Tưởng Vận vào nhà định bật đèn nhưng công tắc lại không gần cửa. Chị vòng qua bộ bàn ghế, sờ soạng trên đầu giường. Vĩ Ca nói:
- Để tôi xem.
Anh tiến về phía Tưởng Vận, có lẽ nhìn không rõ nên va phải phía sau lưng chị. Hai người đưa tay sờ soạng trên tường, hai tay đụng phải nhau rồi quên cả công tắc đèn. Một công tắc khác đã được bật mở, người đàn ông hăm hở bế người đàn bà lên giường.
- Anh Vĩ Ca... - Tưởng Vận khẽ nói.
- Em Tưởng Vận! - Vĩ Ca.
Hai cái tên gặp nhau, đó cũng là sự lặp lại chuyện mùa Xuân năm 1999 tên của chị gặp tên của Lý Phùng trên xe khách.
Hai bóng người vật lộn nhau trên giường, Tưởng Vận nằm dưới cố sức giãy giụa, chống cự nhưng chị không còn là Tưởng Vận nữa rồi. Chỉ một lát sau chị đã mở rộng miệng đón nhận những cái hôn điên cuồng của Vĩ Ca, Vĩ Ca cởi quần chị với động tác rất nhanh. Sau đó Tưởng Vận không thể nào nhớ nổi mình đã bị lột quần ra như thế nào. Công đoạn cuối cùng, chị không mảy may có ý nghĩ chống lại, vì ý nghĩ đó vừa lóe lên đã vụt tắt ngay. Chị không thể, không muốn đẩy anh ra.
Trên đường cao tốc cách đó vài chục cây số, một người đàn ông đang phóng xe như bay.
Thành Đô và Mi Sơn là hai thành phố cách nhau khoảng tám mươi cây số, đi ôtô mất khoảng bốn mươi phút. Hai thành phố một lớn một nhỏ này đều nổi tiếng về ăn chơi, cảnh rượu chè, trà lá nhan nhản trên đường phố. Đó là tệ nạn kéo dài hàng ngàn năm nay, bây giờ các kiểu ăn chơi lại đua nhau nở rộ. Hơn mười năm ao ước nay được dịp bung ra, từ ham muốn nhỏ đến ham muốn lớn đều tíu tít đua nhau tranh giành địa bàn, bối cảnh ăn chơi mọc lên như nấm. Truyền thống đã có vết rạn nứt. Có người hỗn loạn, có người vẫn cố giữ lối sống truyền thống. Hỗn loạn cũng có cái thú của hỗn loạn, giữ vững lối sống cũ cũng có cái hay của nó. Cái trước là tấm gương mới của thời đại, còn cái sau thì nép mình trong cuộc sống thường nhật. Giữa hai cái đó chưa hình thành một ranh giới rõ ràng.
Tưởng Vận ở Mi Sơn sa vào lòng một công an ở miền Trúc Lâm, còn Triệu Ngư ở Thành Đô lại đang du ngoạn với Lý Tiến, Tề Hồng, Tôn Kiện Quân ở vùng ngoại ô. Triệu Ngư gọi điện cho Tưởng Vận không được vì cô tắt máy. Anh thấy không yên tâm. Từ xưa đến giờ Tưởng Vận có tắt máy bao giờ đâu. Tưởng Vận vốn là cô gái xinh đẹp ở vùng Mi Sơn, thể hình đẹp, ăn mặc đúng mốt thời đại. Chị đã gặp phải Lý Phùng, một gã đàn ông có bàn tay dơ bẩn. Và ở Mi Sơn có quá nhiều bàn tay dơ bẩn... Triệu Ngư tự hỏi mình: Phải chăng mình đã quá lo xa. Tất nhiên anh không hay biết gì về câu chuyện rung động lòng người xảy ra ở một nơi cách thành phố trên một trăm cây số.
Triệu Ngư trở lại với bạn bè, lòng tràn đầy niềm vui. Triệu Yến, Tề Hồng, Lý Tiến, Tôn Kiện Quân xúm xít hỏi về Thương Nữ, vợ anh. Thương Nữ vắng mặt, còn Nam Tử đang ở quê. Một tốp người thân thiết, một đại gia đình. Xâu chuỗi tất cả các bạn ở Mi Sơn lại, chắc một ngày không xa, sẽ có thêm Tưởng Vận, Hỷ Nhi, Quân Trị Bình, Điền Tiểu Lan.
Có điều một số người trong bọn họ sẽ khó lòng mà ngồi cùng nhau, ví dụ như Tiểu Hứa và Tưởng Vận, chị Tô và Thương Nữ chẳng hạn. Có một số người dường như nấp trong bóng tối, nhưng thực ra chẳng có ai nấp trong bóng tối cả. Mọi người đều đứng ở chỗ sáng, chị Tô, Phan Đình, Tôn Khánh Hải... Ô, còn có cả Lâm Hạnh Hoa nữa chứ.
Khi nhắc đến ba chữ Lâm Hạnh Hoa, tâm hồn Triệu Ngư không sao tránh khỏi xúc động. Cuộc hành trình đi Cầu Khê. Đêm ngủ lại ở nông thôn. Cái chậu gỗ màu đen, rửa chân bằng nước nóng. Say sắc...
Tình yêu không biên giới. Không chỉ có Triệu Ngư và Lâm Hạnh Hoa, chị Tô, mà Tôn Kiện Quân cũng có chuyện. Tôn Khánh Hải, Quân Trị Bình, Hỷ Nhi, Lý Phùng và lão Tào, ai cũng đều có chuyện cả, nếu không có chuyện thì cũng có tâm tư.
Vô vàn những chuyện, kể sao cho hết, chuyện có liên quan đến tình và sắc thật rung động lòng người biết bao? Nói rằng con người say đắm, say như điếu đổ, say ngây ngất kể cũng đúng bởi vì tình và sắc không phải là cái gì khác, tình và sắc không nhiều cũng không ít mà chính là cái... của lẽ sống.