Hồi III
BỊ BẮT GIỮ MỚI CÓ TÊN CÓ HỌ
NHỜ GIAM CẦM ĐƯỢC THAY PHẬN ĐỔI ĐỜI

Bà Phó Tổng vừa bước lên xe, anh tài taxi đã hỏi:
- Cô đi đâu ạ?
- Cho đến sàn khiêu vũ Lý Nam Đế.
 
Mai đi rồi, một người khách hỏi Mã Tóc Xoăn:
- Bà này là ai đấy?
Mã Tóc Xoăn bảo:
- Mẹ tớ.
Hai người khách cùng trợn tròn mắt:
- Sao không giống?- Mã Tóc Xoăn hỏi lại.
- Giống cái con khỉ, trông bà ấy đẹp như tiên giáng trần, còn cậu trông như… như… như Tôn Ngộ Không ấy!
- Sao mẹ mà cậu lại gọi bằng cô?- Người kia hỏi.
Mã Tóc Xoăm gãi đầu đánh trống lảng:
- Đùa chứ, bà cô họ ấy mà!
Một người khách nói:
 - Thôi cứ như thế nhé, bọn mình về đây. Nhớ nộp đủ cho bọn mình các giấy tờ theo mẫu vừa hướng dẫn càng sớm càng tốt, mà nhớ phải công chứng đấy!
Người kia đế thêm:
- Đừng quên đủ cả money (tiền) nữa nhé!.
- Đù mẹ, thế bao giờ thì có thể lấy được bằng?
- “ Xi- âu-đi” (C.O.D: cash on delivery= tiền trao cháo múc).
Mã Tóc Xoăn tiễn khách ra cổng rồi quay vào lẩm bẩm một mình:
- Mẹ kiếp, cái bà già đi đâu nhỉ? Chẳng lẽ đi hỏi vợ cho mình thật? Không thể như thế được!
Mã Tóc Xoăn vò đầu bứt tai, nghĩ mãi không thể đoán được bà Phó Tổng đi đâu? Với cái óc không đến nỗi bã đậu lắm của nó nếu cứ chịu khó suy xét một tí chắc là đoán ra, nhưng khốn nỗi cái óc ấy chưa bao giờ muốn nghĩ lâu cái gì cả. Quan niệm của nó xưa nay là cái gì đến nó sẽ đến, nghĩ làm gì cho mệt óc. Nghĩ vậy nó quay vào thay bộ đồ thể thao, lấy túi vợt và bóng định đi ra sân quần. Khi dắt chiếc xe máy HARLEY 250 phân khối ra đạp mãi mà không thể nào nổ được máy, thấy người vẫn còn ngà ngà hơi men, nhức đầu nhẹ, nên nó lại dắt xe vào chỗ cũ, rồi lên nhà mở dàn Sony, nằm khểnh nghe nhạc. Đôi loa thùng công suất lớn oang oang  phát ra tiếng hát ca sĩ hải ngoại Elvis Phương bài ngựa hoang cứ lặp đi lặp lại: “Ngựa hoang nào dẫm nát tơi bời, đồng cỏ nào xanh ngát lưng trời. Ngựa phi như điên cuồng, giữa cánh đồng, dưới cơn giông… Vì trên lưng cong oằn những vết roi vẫn in hằn……Ngựa hoang muốn về tắm sông nhẫn nhục-dòng sông mơ màng mát trong, thơm ngọt….Ngựa hoang - quên thù oán căm, từ nơi tối tăm, về miền tươi sáng...Ngựa hoang về tới bến sông rồi, cởi mở lòng ra với cõi đời.” Bỗng Mã Tóc Xoăn lại ngồi nhỏm dậy lẩm bẩm cáu kỉnh một mình:
- Mẹ kiếp! Ngựa với chả nghẽo… là cái ông quái nào nhỉ mà lại bảo là liệt sĩ bố mình? Mà lại còn cái ông Xuân Tóc Đỏ bố ông Ngựa nữa là ai mà bị tố oan, bắn nhầm, rồi lại được công nhận liệt sĩ để hôm nay mình phải làm giỗ nữa nhỉ? Từ khi chuyển ra Hà Nội ở, nó mới được Cụ Triệu và mấy ông lãnh đạo Tổng công ty nói cho nó mới biết những người này là ông nội, là bố ruột nó. Bảo nó là cháu, là con thì nó phải nhận là cháu, là con; bảo nó cúng giỗ thì nó phải cúng giỗ, chứ nó chẳng biết nó có phải là con là cháu những người ấy thật không? Đời nó được như ngày nay, nó chỉ biết có cô Mai. Mẹ kiếp!  nếu không có cô Mai thương hại, cứu vớt thì đời nó chắc không biết còn nằm ở nhà tù, hay trại cải tạo nào, chứ làm sao mà được như ngày nay?
Nó ở đâu ra chẳng ai biết, mà bản thân nó cũng không biết. Nó chỉ mang máng nhớ rằng từ khi nó biết đi, biết bập bẹ học nói đã được người ta dắt đi xin ăn khắp nơi, tối về vạ vật nơi bờ hè, góc phố. Lớn lên một tí, người ta bắt nó đi xin ăn một mình, sáng đi, tối về nộp tất cả những gì xin được cho một ông ăn xin người lớn. Rồi nó bị thu gom vào trại giáo dưỡng trẻ em mồ côi cơ nhỡ. Nó trốn trại ra đi ăn xin tiếp, lại bị thu gom lần nữa. Nó nhớ lần thứ ba trốn trại đi bụi đời một thời gian thì lại bị bắt đưa về Trường giáo dưỡng trẻ em hư của tỉnh. Người ta hỏi nó họ gì, nó bảo không biết. Người ta lại hỏi thế tên là gì, ở đâu? Thì nó định nói nó ở sông Mã, vì lúc đó nó đang cùng đồng bọn kiếm ăn bằng nghề móc túi ở bến phà sông Mã. Nhưng nó nói lí nhí, người ta chỉ nghe rõ tiếng “mã”, nên tưởng nó bảo tên nó là Mã, mà họ tên của người đang hỏi nó là Lê Hữu Tùng, thế là ông ta ghi tên cho nó là Lê Hữu Mã. Người ta lại hỏi ngày tháng năm sinh, nó lắc đầu. Người ta bắt nó đứng lên, quay trước quay sau, rồi ngắm nghía, ước lượng … như kiểu người đi mua súc vật vậy. Rồi người ta nói với nhau “Thằng này có lẽ phải mười tuổi rồi”. Khi đó đúng vào dịp Quốc khánh, nên người ta ghi ngày sinh cho nó là ngày 2 tháng 9 năm 1975, vì năm đó là năm 1985. Từ đó nó mới có họ tên, ngày sinh tháng đẻ. Người ta chụp ảnh nó để lập hồ sơ lý lịch cho nó ở trường. Tên họ nó từ đó là Lê Hữu Mã, người nó lại đen thủi đen thui, mà tóc lại xoăn tít, nên cả trường ai cũng gọi nó là Mã Tóc Xoăn. Trong trường nó được ăn, được ở, được may đo quần áo đồng phục. Hàng ngày chẳng phải làm việc gì, mà chỉ học đọc học viết. Khi nó đã đọc thông viết thạo rồi, thì không phải học cả ngày nữa, mà chỉ học vào buổi sáng, còn buổi chiều đi bán báo. Gần một năm sống trong trường giáo dưỡng trẻ em hư, nó không được ra ngoài. Vừa đi bán báo được đến ngày thứ ba thì nó gặp mấy thằng đồng bọn móc túi năm trước, thế là nó đi luôn với bọn đó không trở về trường nữa. Nó tiếp tục hành nghề “thợ mổ” được một thời gian lại bị tóm quả tang. Lần này nó không được người ta tống lên xe để chở về một trường nào nữa mà nó bị xích tay bằng còng số tám, rồi đưa thẳng vào trại cải tạo. Và cũng thật kỳ lạ lần này người ta không hỏi tên họ là gì nữa mà hỏi luôn:
- Có phải là Lê Hữu Mã, sinh ngày 2 tháng 9 năm 1975, trốn khỏi trại giáo dưỡng trẻ em hư ngày...tháng… không?
Nó gật đầu thừa nhận và nhanh chóng được tống vào trại giam tập thể có rất đông người. Vừa bước vào phòng giam,  khi nghe tiếng khoá cửa lách cách, những người quản giáo quay gót ra ngoài, nó liền được chào đón bằng một cú lên gối chí mạng của một thanh niên có nhẽ phải gấp đôi tuổi nó, làm nó ngã sấp, dập mặt xuống sàn xi măng, môi vập vào sàn, máu chảy loe loét. Nó vừa cố chịu đau ngẩng mặt nhìn gườm gườm vào mặt kẻ đánh nó như có ý hỏi tại sao nó bị đánh, thì một cái tát trời giáng nữa của kẻ kia vào mặt nó làm nảy đom đóm mắt. Nó cắn răng chịu đựng không nói một lời nào, lấy hết sức bình sinh cắm đầu lao thẳng vào ngực kẻ kia. Tên thanh niên bị quả bất ngờ, không kịp trách cú “đả võ đầu” trực diện của nó, ngã khuỵu xuống, nó chồm lên người hắn, cắn vào mũi hắn. Tên này kêu rống lên, thế là cả đám lâu la xúm vào lôi nó ra, nhưng nó vẫn túm chặt tên này, miệng cắn mũi tên này kiên quyết không chịu nhả ra. Nó bị một trận đòn hội đồng như mưa của bọn lâu la, ngất đi. Đến khi tỉnh dậy nó mới khạc nhổ ra cái mũi của tên kia vẫn còn ngậm trong mồm nó. Lúc đó nó mới được biết, kẻ vừa bị nó cắn đứt mũi là đại ca của buồng giam, đã được đưa đi viện cấp cứu.
  Từ đó không kẻ nào dám động đến nó nữa, mà chỉ gườm gườm nhìn nó bằng ánh mắt nể sợ. Nó cứ lầm lì sống trong trại độ khoảng nửa năm đã được bọn lâu la tôn lên làm đại ca của phòng giam. Tất cả những kẻ đầu trộm đuôi cướp, giang hồ hảo hán mới bị bắt tống vào phòng giam đều kiêng nể nó. Vì tuy là đại ca của buồng giam nhưng nó tuyệt đối không tác oai tác quái, hà hiếp người nào, ai cũng quí mến nó, cho nên “cựu đại ca nào” có miếng võ hiểm hay “tuyệt chiêu thợ mổ” nào đều truyền dạy cho nó đến nơi đến chốn. Nó “tu luyện” trong cái trại giam ấy được trên dưới ba năm gì đó, trong một buổi đi trồng sắn ngoài nương, nó giả đau bụng xin quản giáo đi ị, rồi nó lẩn vào bụi rậm, chuồn vào rừng, trốn biệt. Người ta đã dán ảnh cùng lệnh truy nã nó khắp nơi hàng năm trời rồi mà vẫn chưa thấy tăm hơi nó xuất hiện ở đâu cả.
  Lại nói về bà Mai, sau khi ly dị và lấy vợ mới cho chồng, bà dắt hai con lên sống trong căn nhà mới xây trong Thành phố (Vinh đã từ Thị xã được nâng cấp lên Thành phố). Cũng may là hai đứa con của bà rất ngoan ngoãn, biết vâng lời và yêu quí mẹ và đặc biệt là đều học rất giỏi. Nên cả hai chị em học hết phổ thông thi vào đại học đều đạt điểm tối đa, được đi du học bằng kinh phí của Nhà nước. Thằng em ở Ba Lan, con chị ở Cộng hoà dân chủ Đức. Còn bà thì đã được thuyên chuyển sang làm giám đốc Công ty VINAMAPROTEXCO Chi nhánh miền Trung. Cuộc sống gia đình đã hết vất vả, công việc ở cơ quan với cương vị trọng trách mới, tuy có nặng nề hơn khi làm phó giám đốc công ty vật tư tỉnh, nhưng rất phấn khởi và thoả mái, nên nhìn bà như ngày càng trẻ đẹp thêm ra. Bước vào thời kỳ đổi mới đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội đều có những bước biến chuyển đáng kể. Hầu hết những người phụ nữ trí thức nơi công sở ít mấy ai còn gắn bó thuỷ chung với bộ cánh quần thâm, áo vá nữa. Thay vào đó là những bộ váy áo sặc sỡ đủ kiểu, đủ mốt. Với cái tuổi U40, bà giám đốc lúc nào cũng gọn gàng trong  cái áo phông Thái có thêu cành mai hoặc con công, con phượng trễ ngực, hở đến một phần ba hai bồng đảo trắng hồng, cùng chiếc váy ngắn đến nửa đùi bó chẽn như thể muốn “offer” (chào mời) đôi giò chắc mẩy bó sát trong đôi tất dài màu da người lấm tấm hoa đỏ và cái mông “ sterio”… Người đàn ông nào nhìn bà chẳng nuốt nước bọt thì cũng phát cơn thèm. Về kinh tế khi mới lên làm giám đốc công ty, tuy bà chẳng giầu có gì nhưng cũng có thể nói là tàm tạm đủ ăn đủ tiêu. Làm giám đốc công ty mới được khoảng một năm uy tín của bà lên vùn vụt. Bà rất được cán bộ công nhân viên cơ quan tín nhiệm, yêu mến. Từ hồi bà về điều hành công ty không những đã ăn nên làm ra, trả hết được nợ cũ tồn đọng bao nhiêu năm, mà lương, thưởng và đời sống cán bộ cũng được cải thiện một bước đáng kể. Cán bộ dưới quyền quí mến bà còn bởi bà đối xử với họ rất tình cảm, gần gũi. Bà chưa lần nào quên đến tận nơi chia vui và có quà mừng những đám cưới của con em họ hoặc viếng thăm, động viên với những gia đình có chuyện buồn hoặc lúc cha già mẹ héo. Bà cũng không bao giờ chịu nhận những món quà “trên mức tình cảm” mà họ biếu xén.
  Thời kỳ cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của Thế kỷ trước, sau khi Liên Xô và các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, ở trong nước nguồn vật tư thay thế cho những loại xe, máy, thiết bị vốn nhập khẩu của các nước Xã hội Chủ nghĩa trước kia rất khan hiếm và khó kiếm. Trong khi đó tại các nước Xã hội Chủ nghĩa cũ ở Đông Âu lại dấy lên cơn sốt bài Nga và hướng đến kỹ thuật thiết bị tư bản phương Tây. Làm nghề vật tư, bà biết mặt hàng nào khan hiếm cần mua, bà liền chỉ đạo cho hai con ở Đức và Ba Lan phải đi tìm hiểu những mặt hàng đó. Được các con báo về là những mặt hàng ấy ở bên đó họ không dùng nữa nên vô cùng rẻ mạt, thậm chí có thể xin được nếu chỉ cần trả tiền dọn kho và biếu mấy người quản lý vài chai rượu. Thế là bà lập tức bán căn biệt thự đang ở, rồi đi vay mượn, huy động thêm vốn của bà con, bạn bè được bao nhiêu gửi tất cả cho hai con mua những mặt hàng theo bà hướng dẫn. Bà nhớ hồi đó tổng số tiền gửi sang cho hai con mua hàng khoảng đâu gần hai triệu Mỹ kim. Chúng nó đi mua gom ở cả hai nước và đưa về được tất cả 21 containers vừa vòng bi, phụ tùng ô tô, phụ tùng tầu thuỷ, máy xúc và các loại phụ tùng thay thế thiết bị khác…. toàn những thứ trong nước đang rất khan hiếm, thuộc danh mục khuyến khích nhập khẩu và miễn thuế 100%. Người ta bảo đi buôn thì một vốn bốn lời, nhưng 21 containers nhập khẩu về hồi đó bà kiếm đến bốn mươi, năm mươi lần lời. Mà hồi đó lại chưa có chính sách thuế thu nhập cá nhân, nên bán được bao nhiêu bà trang trải hết nợ nần, rồi lại mua một toà biệt thự mới khác to đẹp vào bậc nhất Thành phố Vinh và một căn hộ cao cấp ở khu đô thị mới Bắc Linh Đàm, Hà Nội khoá cửa để đấy đợi con về. Còn lại hơn trăm tỷ đồng, bà đem mua mấy chục vạn mét đất nông nghiệp hai bên ven đường cạnh Thành phố Vinh, lối đi ra Cửa Lò. Trả tiền rồi, bỏ đấy cho các chủ cũ canh tác tiếp. Chỉ một mùa gặt sau, khu đất bà mua được qui hoạch vào khu phát triển đô thị mới của Thành phố, bà lại chia miếng, cắt nhỏ ra để bán với giá gấp năm gấp mười giá mua, thu về bộn tiền.
Khoảng năm 1992-1993 báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng trong cả nước rộ lên cái tin “ người nhện” và “ kẻ tàng hình” chuyên đột nhập vào trộm tài sản của các sứ quán nước ngoài và những  nhà giầu có ở các thành phố lớn. Nhà bà giám đốc VINAMAPROTEXCO Vinh là một trong số ít các đại gia giầu có nhất miền Trung cũng không ngoài mục tiêu, tầm ngắm của chúng. Lường trước khả năng “kẻ tàng hình” có thể đột vòm vào nhà mình bất cứ lúc nào, bà giám đốc sống một mình trong ngôi biệt thự rộng thênh thang đã phải “sơ tán” hết tiền, vàng và của quí sang cất dấu tại cơ quan. Bà còn tăng cường ngay một tiểu đội chó nghiệp vụ thuê của bên đơn vị bộ đội biên phòng và ba thám tử tư giả dạng làm người cắt tóc, xe ôm lảng vảng thường trực bí mật suốt ngày đêm quanh ngôi biệt thự của bà. Quả là sự đề phòng của bà không thừa và rất có tác dụng. Vào một đêm hè nóng nực mất điện nhưng có sáng trăng, “người tàng hình” đã tự dẫn xác đến “thăm viếng” căn hộ của bà. Khoảng 2 giờ sáng, vừa thấy tiếng chuông từ hệ thống bảo vệ điện tử mắt thần “reng reng” réo lên, lũ chó béc giê sồ ra cắn dữ dội, các thám tử “xe ôm”, “thợ cắt tóc” ngoài phố đã có mặt để tiếp ứng kịp thời, tuy nhiên cổng sắt phía ngoài và các cửa ra vào của ngôi biệt thự vẫn khoá nguyên vẹn.  Thấy vậy đội công an và dân phòng của khu phố có trụ sở gần đấy cũng được bà gọi điện mời tới để hỗ trợ tìm kiếm kẻ gian. Nhưng tuyệt nhiên không khám phá và phát hiện ra bất kỳ hiện tượng và dấu vết khả nghi nào. Mấy anh công an liền dắt mấy con chó nghiệp vụ đi đánh hơi dò tìm xung quanh nhà, một con chó cứ nhảy chồm lên cái cột điện ngoài phố sát tường rào nhà bà sủa vang, còn một con khác cứ ghếch mõm lên cây nhãn trong vườn ngôi biệt thự “hic, híc”. Nhưng bấm đèn soi lên cây cột điện và cây nhãn đều không thấy bóng người. Các trinh sát khẳng định kẻ gian đã leo lên cây cột điện rồi chuyền qua cành nhãn trong vườn để vào. Cuộc lục soát của gần mười người và ba con chó nghiệp vụ được tiến hành vào trong các phòng của ngôi biệt thự từ tầng trệt trở lên. Khi lục soát đến tầng cuối cùng thì lũ chó nghiệp vụ đã phát hiện và lôi ra được tên trộm đang nằm ép mìmh lẩn trốn trên khoang chứa đồ của mái vòm. Nhìn nét mặt đen đúa gân guốc và mái tóc xoăn tít của hắn, mọi người đều phát hiện đúng là cái  khuôn mặt Mã Tóc Xoăn đã được dán ảnh khắp nơi bên cạnh lệnh truy nã mấy năm nay. Người Trưởng công an phường nói với chủ nhà:
- Chúng tôi rất cảm ơn chị đã đề cao cảnh giác và kịp thời báo cho chúng tôi biết để phối hợp bắt được tên tội phạm nguy hiểm đang trốn lệnh truy nã. Nó vốn là một đứa trẻ lang thang từ bé, không gia đình, không bố mẹ, không quê quán. Đến cả tên họ và ngày sinh tháng đẻ cũng do cơ quan công an đặt cho. Suốt từ bé đến giờ nó đều sống bụi đời và trong các trại giáo dưỡng, cải tạo. Hôm nay bắt được nó ở đây, chúng tôi cũng nhẹ cả người. Chị là người bị hại có đề xuất xử lý nó như thế nào xin chị cho biết?
- Cảm ơn các anh đã hành động đúng điều lệnh là “giữ cho dân bình yên, gác cho dân ngủ ngon”.  Cứ nghe báo chí nói về các vụ đột nhập của “người nhện” với “ kẻ tàng hình” làm tôi gần đây đúng là cũng mất ăn mất ngủ. Từ hôm nay các anh đã được nhẹ người mà tôi cũng sẽ ngủ ngon rồi. Nhưng nghe anh cho biết trích ngang của nó như vậy thì tôi thấy nó cũng là đứa trẻ bất hạnh, đáng thương hơn là đáng giận. Tôi đề xuất là không nên xử lý nó quá nặng mà nên tạo điều kiện cho nó hoàn lương trở nên người có ích cho xã hội. Thôi thì tôi cũng xin đóng góp  có một chút gọi là…cho Quĩ giải quyết tệ nạn xã hội, trước mắt mua cho nó cái quần cái áo, chứ lớn lồng lộng thế kia mà chỉ có cái quần đùi thì làm gì mà chả đi ăn cắp. - Vừa nói bà vừa đưa cho anh công an cái phong bì trông cũng thấy nằng nặng.
Thế là Lê Hữu Mã tức Mã Tóc Xoăn  nhanh chóng được dẫn về đồn công an phường, để làm thủ tục giao cho công an Thành phố đưa trở lại trại giam.
Ngay ngày hôm sau, hầu hết báo chí trong cả nước đều đưa tin “Người nhện hay kẻ tàng hình” đã bị sa lưới tại Thành phố Vinh.
 Sáng hôm đó Mai lại phải đến cơ quan sớm hơn mọi ngày để chuẩn bị cho lễ sơ kết công tác sáu tháng đầu năm và đón nhận cờ thi đua và phần thưởng của Bộ và Tổng công ty về thành tích kinh doanh. Buổi lễ hôm đó có cả Thứ trưởng thường trực Bộ đến trực tiếp trao thưởng và Tổng giám đốc Tổng Cty ngoài Hà Nội về dự. Khi liên hoan xong tiễn khách ra về Tổng giám đốc ghé tai Mai nói:
- Anh muốn gặp riêng cô một tí.
Mai hỏi lại:
- Tổng giám đốc muốn giao nhiệm vụ gì cho cấp dưới hay anh trai gặp em gái nói chuyện gia đình đây?
- Chuyện công ty thì tuần sau cô ra Hà Nội dự  họp giao ban toàn ngành sẽ báo cáo sau, mà chuyện gia đình anh cũng chẳng có gì để nói, anh muốn nhờ cô một chuyện riêng của anh thôi.
- Thế thì mời anh về nhà em chơi để biết nhà luôn. Em cũng đang có chuyện riêng muốn nói với anh đây.
- Cái gì? Cô quên là anh chẳng đã đến nhà cô mòn chân rồi sao?
- Nhà ấy em bán hồi đầu năm lấy tiền gửi cho các cháu bác nó ăn học rồi. Em đã chuyển đến chỗ khác được mấy tháng nay.
Khi đến nhà Mai, ông Phần thấy căn biệt thự sang trọng quá liền bảo:
- Chắc cô bán nhà cũ để thêm tiền vào lấy cái biệt thự này, chứ làm gì phải bán nhà cho con ăn học phải không?
- À vâng. Em nói đùa với anh đấy chứ em thiếu gì tiền, bây giờ em còn dư tiền để mua vài căn biệt thự như thế này nữa. Còn lũ con nhà em thì các cháu tiết kiệm lắm, vì chúng nó cũng đã quen sống thiếu thốn từ bé nên rất biết quí đồng tiền. Chủ nhật, ngày nghỉ toàn đi làm thêm để kiếm tiền, chẳng bao giờ em phải gửi cho chúng nó đồng nào cả. Mà chúng nó có thiếu em cũng không bao giờ cho. Em thấy nhiều nhà con đi học nước ngoài cứ gửi tiền cho chúng tiêu thoả mái rồi hư hỏng hết. Em vẫn phải nói với chúng nó là mẹ mua mấy cái nhà nên hết tiền rồi, đang còn phải nợ người ta, các con có thì gửi về đỡ mẹ một chút, thế là chị em nhà nó thỉnh thoảng lại gửi về cho em mấy trăm đô đấy anh ạ.
- Cách giáo dục con của cô như vậy là rất hay đấy. Chẳng bù cho bà vợ nhà tôi, lúc nào cũng chiều con, nên mấy đứa con gái nhà tôi chúng tiêu tiền cứ như của bắt được ấy, bảo mãi không được…. Thế cô cần nói với anh cái gì thì nói trước đi nào!
- Thế anh đã giúp em mua được căn hộ ở Linh Đàm mà không cho em ra ở để nó mốc ra à?
- Thì nhà của cô, cô muốn ra ở lúc nào mà chẳng được?
- Anh phải bố trí công việc cho em ở ngoài ấy thì em mới ra ở được chứ!
- À ra thế, cái cô này khôn vặt quá nhỉ? Thôi được, hãy biết thế đã, để rồi từ từ anh sẽ tính, chứ trước mắt chưa thể được. Vì ở Tổng bây giờ đã có thằng Um, thằng Chúi làm phó Tổng rồi, cô ra thì ngồi ở đâu?
- Em ngồi ở đâu mà chẳng được, anh cứ bố trí cho em việc gì cũng xong.
- Thế sao được. Phải bố trí sao cho hợp lý đúng với năng lực và ngạch bậc, để còn bảo vệ quyền lợi của cô nữa chứ.
- Ối dào, em chẳng cần quyền lợi quyền liếc làm gì cả! Anh là người trong nhà, em nói thật với anh là em bán nhà gửi tiền sang cho các cháu, chúng nó mua rẻ được cho em mấy chục containers vật tư ứ đọng bên Châu Âu về em bán đi, rồi mua được mấy vạn mét đất, vừa rồi lại bán được giá cao, nên em bây giờ nhiều tiền lắm, tiêu không hết. Anh có cần việc gì thì cứ lấy mà dùng. Em chẳng quan tâm đến quyền lợi quyền liếc gì đâu.
- Anh cần gì phải mượn tiền của cô…Việc chuyển ra Hà Nội, anh hứa với cô, nhưng phải để từ từ cho anh tính đã, còn bây giờ anh nhờ cô một việc đây.
- Việc gì anh cứ nói, nếu làm được em sẽ cố hết sức.
- Cũng là việc tình cảm thôi, nhưng cô phải giữ bí mật cho anh, chỉ cô và anh biết thôi nhé, tuyệt đối không để lộ cho người thứ ba. Nếu vợ anh mà nó biết là toi đời đấy!
- Em xin hứa!
- Chả là hồi chiến tranh, xe anh qua Ngã ba Đồng Lộc thì bị bom, anh bị ngất đi, khi tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong trạm cấp cứu tiền phương. Rồi anh phải nằm điều trị tại đó một thời gian. Có một cô thanh niên xung phong đến thăm anh nói là khi xe anh trúng bom, anh bị thương ngất đi, chính cô đã sơ cứu cho anh, rồi cõng anh chạy đến trạm cấp cứu. Rồi ngày nào cũng đến thăm anh, nên anh với cô ta đã nảy sinh tình cảm. Khi anh khoẻ tiếp tục hành quân vào chiến trường, anh đã nhận được của cô ấy tất cả hơn mười lá thư. Lá cuối cùng cô ấy báo cho anh biết “em đã mang trong mình giọt máu của anh”. Ngay khi chiến tranh kết thúc trở về, anh đã đến Ngã ba Đồng Lộc nhưng không tìm gặp được. Sau này anh có trở lại một vài lần nữa nhưng cũng chưa có kết quả. Anh muốn nhờ em là người trong này, có nhiều mối quan hệ, thử dò tìm giúp anh xem liệu có hy vọng gì không?
- Thế anh có nhớ tên chị ấy là gì? Khoảng bao nhiêu tuổi và quê quán ở đâu không?
- Tên là Tâm, quê Hà Tĩnh, nhưng anh không hỏi cụ thể thôn, xã, huyện nào. Nếu còn sống thì có lẽ cũng ngang khoảng tuổi cô. Còn đứa con, nếu có, thì nó cũng tầm tuổi lũ con nhà cô gì đó.
- Thôi được, để em sẽ cố gắng dò hỏi giúp anh xem sao. Khi nào có tin gì, em sẽ báo ngay cho anh.
Khi ông Tổng giám đốc về rồi, Mai mỉm cười suy nghĩ: cái ông này tẩm ngẩm thế mà đa tình gớm! Chiến tranh kết thúc đã bao nhiêu năm rồi, nếu có tình cảm thực sự với nhau làm gì mà không tìm được nhau. Chắc là bây giờ ông anh chỉ có “một đàn vịt trời” nên khát cậu con trai lắm đây, thì mới đi tìm kiếm chứ gì? Thôi được, mình phải cố gắng, nếu tìm được cho ông ta đứa con mà lại là con trai thì cái ghế phó Tổng ngoài Hà Nội chắc ông ta chẳng thể từ chối được mình. Nghĩ vậy nên ngay chiều hôm đó Mai đã phóng vào Bến Thuỷ, rồi vào Ngã ba Đồng Lộc, đến Ban quản lý di tích hỏi thăm và tra tìm danh sách những Thanh niên xung phong thời chống Mỹ đã phục vụ ở hai địa điểm này. Có đến mấy chục người con gái tên Tâm, riêng quê Hà Tĩnh cũng đã có đến gần chục người, nhưng hầu hết đã hy sinh. Chỉ còn hai người là thương binh quê Hà Tĩnh. Ngày hôm sau Mai lại vào Sở Lao động – Thương binh Hà Tĩnh tìm hiểu, thì được biết một người mới chết, nhưng không có chồng con gì. Còn một người còn sống, nhưng xin chuyển lương hưu về Thái Bình từ năm 1980. Hôm sau Mai lại đi Thái Bình, được Sở Lao động - Thương binh ở đây cho biết người đó lấy chồng là một thương binh ở huyện Thái Thuỵ. Về Thái Thuỵ gặp người nữ cựu thanh niên xung phong tên Tâm thì người đó nói không hề quen biết ai là bộ đội tên họ là Triệu Huy Phần cả.
Mai kết luận như vậy là người yêu của ông Phần nằm trong số những người tên Tâm đã hy sinh. Nhưng liệu người đó hy sinh trước hay sau khi sinh con? Và nếu đứa con đã ra đời thì nay nó ở đâu? Làm sao tìm được ra nó? Mai nghĩ ngay đến tên trộm “kẻ tàng hình” và lời người công an phường nói về lý lịch trích ngang của nó “Nó vốn là một đứa trẻ lang thang từ bé, không gia đình, không bố mẹ, không quê quán. Đến cả tên họ và ngày sinh tháng đẻ cũng do cơ quan công an đặt cho”. Mai liền nảy ra một ý định: hay là cho thằng này làm con ông Phần? Như vậy ông Phần vừa đạt được mong muốn là có con trai, vừa làm một việc thiện cho xã hội cứu vớt một con người lầm lạc, vừa là hoàn thành được sự giao phó của thủ trưởng cho mình. Thật là tiện lợi cả ba đường. Nhưng làm sao để cho ông ta tin mới được? Suy đi nghĩ lại, rồi Mai quyết định gọi điện cho ông Tổng giám đốc ướm hỏi thử xem sao:
- Alô, anh Phần đấy ạ, em Mai đây…báo cáo… việc thủ trưởng giao phó em đã hoàn thành đấy ạ…
Đầu dây bên kia, ông Tổng giám đốc vô cùng xúc động:
- Trời ơi, sao nhanh vậy? Thế mẹ con cô ấy có trách gì anh không?
- Anh ơi, xin anh hãy bình tĩnh nghe em nói đây… rất đáng tiếc là chị ấy không còn nữa…
Đầu dây đằng kia lại hỏi dồn dập:
- Chết rồi à? Thế đứa con thì sao? Nó là trai hay gái?
- Là trai anh ạ.
Ông Phần reo lên như thét trong máy:
- Là trai à? Trời ơi, sung sướng cho tôi quá…. Thế nó bây giờ ở đâu?
- Báo cáo anh…nó…nó đang… đang ở trong tù ạ.
- Sao? Sao nó lại phải ở trong tù?
- Dạ chuyện dài lắm anh ạ, để tuần sau ra dự hội nghị toàn ngành em sẽ báo cáo anh rõ tường tận ạ.
- Không, không được. Ngày mai cô cứ ở công ty đừng đi đâu, đợi anh vào!
Rồi ông dập máy liền, làm Mai tưng hửng đứng ngây ra. Mai thấy lo quá. Không ngờ lại tự đẩy mình lên lưng hổ rồi, làm sao xuống được để khỏi ngã đây? Mà nếu “ngã” cú này thì “dập mặt” chứ chẳng phải chuyện chơi! Mai run lên lo sợ. Nhưng rồi lại trấn tĩnh được ngay. Trong đầu Mai dần dần hình thành lên một phác thảo kịch bản mà nhân vật chính của câu chuyện là cậu bé “người tàng hình”. Mai ngả người ra chiếc ghế tựa cạnh bàn làm việc nở nụ cười thư giãn.
Sáng hôm sau vừa tới cơ quan, Mai đã thấy chiếc xe mầu đen, biển số 30P- 6699 của Tổng giám đốc đỗ chình ình giữa sân cơ quan. Vừa vào tiền sảnh đã nghe tiếng ông Phần vừa như nói vui vừa như trách móc:
- Hôm nay tôi phê bình bà giám đốc đi làm muộn gần nửa phút rồi đấy nhé!
- Chào anh, anh đi từ mấy giờ mà đến đây sớm thế ạ.
- Đêm qua tôi có ngủ được đâu, nên đi từ 4 giờ.
Dẫn ông Phần vào phòng giám đốc, Mai khép cửa lại, lấy cho ông cốc nước, rồi bắt đầu  nói như đọc một mạch từ đầu đến cuối “kịch bản” đã được mình “biên soạn”, “chỉnh lý” sẵn từ hôm qua đến nay. Vừa nghe ông Phần vừa gật gật cái đầu bạc, khuôn mặt đã có nhiều vết nhăn nheo đầy vẻ xúc động. Cuối cùng Mai nói:
- Đấy toàn bộ những thông tin em thu thập được về chị ấy và cháu là như thế, anh thử kiểm tra lại xem có thể đáng tin cậy được hay không?
Ông Phần xúc động nói:
- Trước hết anh rất cảm ơn cô đã nhiệt tình giúp anh. Tất cả những điều cô vừa kể, anh không dám khẳng định một trăm phần trăm là chính xác, nhưng cứ theo linh tính của anh thì đến chín mươi chín phần trăm nó là con trai anh rồi. Bây giờ anh em mình đến trại giam gặp nó nhé!
Mai cùng lên xe của ông đến trại tạm giam của tỉnh. Gặp lãnh đạo của trại thì họ kiên quyết không cho gặp vì đây là “tên tội phạm nguy hiểm” đang trong quá trình bổ sung hoàn tất hồ sơ, chưa thành án, nên không được gặp bất kỳ người nào. Mai phải gọi điện về cho giám đốc công an tỉnh, chờ mãi trại họ mới thông báo, đồng ý dẫn phạm nhân ra cho nhìn từ xa, chứ không được gặp. Khi được nhìn Mã Tóc Xoăn đi từ buồng giam ra ngồi trước mặt người quản giáo, cách chỗ Mai và ông Phần đứng khoảng 25m, ông Phần bỗng bưng mặt khóc hu hu và khuỵu xuống, Mai vội đỡ ông đứng lên. Hai người buồn bã lên xe trở về nhà Mai. Ông bảo:
- Theo những thông tin mà cô thu thập được và hôm nay nhìn nó anh có thể khẳng định nó là con anh đấy em ạ. Bây giờ anh em mình phải nghĩ cách thế nào để cứu nó.
- Việc này là khó đấy anh ạ, nhưng em sẽ cố gắng. Có điều anh đã trao đổi với chị việc này chưa? Và liệu chị có đồng ý không?
- Ấy đừng, không thể như thế được. Anh đã nói với cô là việc này chỉ anh và cô biết không được để người thứ ba biết cơ mà. Trước mắt hãy tìm cách cứu nó ra đã. Đêm qua anh đã nghĩ là đưa nó về Hà Nội gửi một người quen nào đó nuôi dậy, rồi sẽ liệu sau, nhưng bây giờ thì anh thấy việc này lại phải nhờ cô thôi.
- Cụ thể ý anh là sao?
- Bây giờ các con cô đi vắng hết, cô sống có một mình. Cô hãy cho cháu nó về đây tạm ở với cô, nhờ cô chăm sóc tẩm bổ cho nó lại sức, rồi thuê gia sư về dạy chữ cho nó… tốn kém bao nhiêu anh sẽ gửi cô.
Tâm là cha mẹ của nó ngay không?
 - Có chứ!- Suy nghĩ một lúc lâu, rồi ông lại bảo - Nhưng mà hãy khoan thì hơn cô ạ. Thằng này nó đang sống trong môi trường không bình thường như thế này, bây giờ cho nó biết có bố là Tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn, sợ nó ỷ lại không chịu tu luyện, cải tà qui chính thì nguy to.
  Hai người bàn thảo  chi tiết kế hoạch giải cứu cho Mã Tóc Xoăn xong ông Tổng giám đốc Phần mới trở về Hà Nội. Ngày hôm sau Mai làm đơn gửi Giám đốc công an tỉnh và trại giam trình bày nhân vụ trộm xảy ra tại nhà mình tuần trước, đã phát hiện ra Lê Hữu Mã là con một thanh niên xung phong  đã qua đời là bạn của mình. Cháu đã bị thất lạc khỏi gia đình từ lúc bé nên xin bảo lãnh về chăm sóc dậy dỗ. Đồng thời VINAMAPROTEXCO trích quĩ phúc lợi 10 triệu đồng tặng công an tỉnh làm Quĩ trật tự an ninh.  Đơn và tiền chuyển đi rồi, chỉ sau nửa ngày Mã Tóc Xoăn đã được hai chiến sĩ công an Number one và Number two (Trên áo hai người mang số hiệu No.1 và No.2) chở áp tải trên chiếc xe mô tô ba bánh đến căn biệt thự mà một tuần trước đây hắn đã đột nhập và bị tóm cổ. Xe vừa đỗ ngoài cổng, Anh Number one nói với nó như ra lệnh:
- Xuống đi, anh đã được trả tự do!
Mã Tóc Xoăn nghe vậy, ngây người ra ngạc nhiên, không hiểu ra làm sao cả. Hắn  lưỡng lự bước xuống xe đầy vẻ hoài nghi. Thấy anh Number one xuống xe bấm chuông,  rồi cả hai anh cứ ngóng vào phía trong chờ người ra mở cổng không để ý đến nó. Nó lấm lét đi ra xa vài bước rồi co chân chạy thục mạng ra ngoài phố. Thấy vậy, hai người quản giáo Number one và Number two hốt hoảng nhảy vội lên xe, nổ máy hết tốc lực đuổi theo.
Thật rõ là:
Mưu gian bày đặt cứu người
Tuy là thiện ý, liệu trời có ưng?
 
Chưa biết hai anh quản giáo có đuổi bắt được Mã Tóc Xoăn hay không, xin xem tiếp hồi sau sẽ rõ.