- 3 -

Khi cô Tam về đến gia trang của Lưu Kiểng Đại Sư thì hai người của chính quyền cũng biến mất. Đại Sư kêu cô lên nhà trên để hỏi chuyện thì cô thấy bên cạnh ông ta còn có một người đàn ông nom quen quen, cô nhận ra đó chính là người bị thương nặng mà Nương Phi đã cứu ngày nào.
Lưu Kiểng Đại Sư nói “Những người của chính quyền đang làm các loại giấy tờ cần thiết để con có thể trở về quê hương, trong lúc chờ đợi thì con vẫn ở đây với chúng ta, hãy kể cho ta nghe ba năm qua con đã sống như thế nào, đã thấy và làm những gì” – cô Tam thành thật kể lại cuộc sống của cô, công việc làm thuốc và nấu bếp, cả những buổi tập khí công vào những đêm trăng tròn, lúc đó cô thấy người đàn ông to lớn kêu lên khe khẽ “… đó chính là Thái âm khí công… bà ta đã luyện nó đến mức có thể hút được sinh khí từ ánh trăng rồi…”
Theo yêu cầu của Lưu Kiểng Đại Sư, cô Tam thực hiện lại tất cả những động tác phức tạp và kỳ lạ mà Nương Phi đã dạy, cô còn nói rõ cách hít thở và dẫn khí như thế nào - Trong mắt của cô Lưu Kiểng Đại Sư vẫn là một người tôn quý và đáng trân trọng không kém gì so với Nương Phi.
Với cái nhìn của một bực thầy đầy kinh nghiệm, người đàn ông to lớn tỏ ra vô cùng mừng rỡ, ông ta vẽ lại các động tác của cô Tam và ghi chú kỹ lưỡng từ cách thở đến cách dẫn khí, không kìm được ông ta bỗng thốt lên “Sư huynh thật là tài giỏi, đã tìm ra được cái mà biết bao lâu nay nhiều huynh đệ của chúng ta phải bó tay không làm được”.
Cô Tam sống ở nhà Lưu Kiểng Đại Sư thêm mấy tháng nữa, cô băn khoăn không hiểu chính quyền làm các giấy tờ sao lâu thế, cô hồi hộp nghĩ đến ngày gặp lại những người thân mà cô đã xa cách từ lâu. Thỉnh thoảng Đại sư vẫn thăm hỏi cô, sau này ông tỏ ra ưu ái cô hơn trước rất nhiều.
Một hôm vào khoảng nửa đêm, theo thường lệ cô Tam vòng ra sau hậu viên ngồi tự luyện công phu, cô đột nhiên nghe tiếng thì thầm khe khẽ từ chánh điện trong nhà, ngạc nhiên và tò mò, cô lén lại gần bên cửa hậu và nhìn vào phía trong, cô thấy Lưu Kiểng Đại Sư và  khoảng bốn người tỏ ra rất căng thẳng, một người mặt xanh lè lè nói “lục soát khắp tất cả trong nhà mà không tìm ra miếng bội ngọc… cả trên người mụ già và mấy chục người kia cũng không thấy”. Cô nhìn thấy người đàn ông to lớn ngày nào còn nói “mụ già tuy công phu cao thâm nhưng sao có thể chống lại súng đạn được, chỉ một loạt AK là mụ về chầu trời ngay…” - Lưu Kiểng Đại Sư nói “Không tìm ra miếng bội ngọc cũng không sao vì đâu có ai biết nó là như thế nào, ta có thể lấy một miếng ngọc khác thay vào cũng được, quan trọng là ta đã biết được bí mật của Thái âm khí công thì xem như thành công một nửa rồi” – một người mặt đỏ lừ lừ còn nói “mụ già chết rồi thì sư huynh có thể tái lập lại Thanh Bang mà không sợ có ai cản trở nữa” – cô Tam thấy họ lấy ra một cây gậy đen tuyền mà cô vẫn thấy Nương Phi vẫn hay sử dụng để cứu người, trong khi trái tim cô chùng xuống thì người đàn ông to lớn cười nhẹ và nói “đây chỉ là một cây gậy bằng gỗ bình thường, vậy mà mụ già lại có thể sử dụng như một thứ vũ khí bá đạo thì chứng tỏ Thái âm thần công đáng để chúng ta nhọc công bấy lâu nay tìm kiếm…”, cô Tam lại nghe thấy ông ta thì thào “con nhỏ đó đã làm xong việc rồi, trước đây huynh hứa là sẽ gả cho đệ… đệ đã mang đủ vàng đến đây” ông ta lấy trong người ra một cái bọc “chỗ này là 50 lạng cả thảy”, Lưu Kiểng Đại Sư cười nhạt “con bé đó là một thiên thần, một trinh nữ thực thụ, số vàng này của ngươi chỉ đáng chạm vào cái móng chân của cô ta thôi…” – người đàn ông ngần ngừ một lúc rồi nói “vậy đệ sẽ đưa huynh 100 lạng vàng, nhớ ngày xưa huynh mua nó từ tay bọn mẹ mìn chỉ có một lạng, bây giờ xem như huynh lãi gấp trăm lần rồi còn gì” Lưu Kiểng Đại Sư lại nói “ngươi quên là thời gian mà ta đầu tư vào cô ta là biết bao nhiêu sao? hơn nữa bây giờ cô ta là truyền nhân duy nhất có được Thái âm thần công, ta còn đang xem cô ta có che giấu điều gì hay không… số vàng này xem như là tiền cọc thôi… nếu ngươi làm tiếp một việc này nữa mà thành công như vừa rồi thì ta sẽ xem ngày gả con bé cho ngươi làm thiếp…”. – mấy người đó lại chụm đầu thì thầm gì đó khe khẽ, cô Tam cảm thấy trái tim dường như rạn vỡ, cô cắn chặt môi để khỏi khóc mặc dù nước mắt đã rơi lã chã…cô vội trở về phòng… cô cảm thấy đau đớn khi nghĩ đến những người đàn bà trong căn nhà tròn… Bây giờ cô mới hiểu vì sao Nương Phi lại nói “Trời đã mang con đến đây cho chúng ta để dòng chảy của chúng ta sẽ trường tồn mãi mãi…”, cô bỏ trốn ngay trong đêm đó.
Để thoát khỏi sự truy đuổi của bọn Lưu Kiểng không phải là điều dễ dàng, nhất là đối với một cô gái không mấy khi được ra khỏi nhà, mọi thứ bên ngoài đều xa lạ, nhưng có lẽ linh hồn của những người đàn bà trong nhà tròn đã giúp cho cô Tam. Men theo dòng Mân Giang trên chiếc bè của một ông lão đánh cá, sau mấy tháng ròng rã cô đến được một làng nhỏ tên là Đông Ao, tại đây cô làm bất cứ việc gì để có thể sống được. Cô lẩn trốn trong những căn ngõ chật hẹp, giấu mình trong những xóm nghèo mà ở đó vẫn còn có đôi chút tình người. Một ngày kia khi đang chìm ngập trong đống bát đĩa ở một cái quán nhỏ tồi tàn thì bất ngờ bên ngoài có một người khách ngã lăn ra, sùi bọt mép… cô Tam ra xem và khi cô cầm lấy bàn tay lạnh giá của người khách này thì trong người cô có một điều gì đó dâng lên như nước thủy triều, một sức mạnh vô hình làm người khách bỗng từ từ tỉnh lại. Nhiều sự việc kỳ lạ xảy ra sau đó, những người bị động kinh, những người bị thấp khớp lâu năm không đi lại được, những đứa trẻ bị suy nhược… cô chỉ cần nắm tay họ một lúc là dường như có một lực vô hình nào đó truyền qua và họ sẽ dần dần khỏi bệnh. Những lời đồn lan ra và cô Tam cảm thấy nguy hiểm rình rập, cô lại bỏ trốn khỏi thành thị, trên bước đường phiêu bạt, cô ăn bất cứ cái gì có thể ăn được, uống bất cứ cái gì có thể uống được khi lang thang qua những triền núi mênh mông, những cách rừng bất tận. Đến một ngày kia cô đến được một ngôi làng cổ mà sau này cô mới biết là đã thuộc địa phận của tỉnh Quảng Đông, lúc này cô mới cảm thấy an tâm có thể thoát được sự truy đuổi.
Cô tạm thời xin làm người ở cho một gia đình khá giả, cô phải tự làm cho mình xấu đi và không dám thi thố một khả năng đặc biệt nào. Một ngày kia đứa trẻ ở trong nhà bỗng nhiên lên cơn động kinh, co giật, khi cô Tam chạm vào người thì nó bắt đầu nằm yên và một lúc sau thì tỉnh lại. Mỗi lần như vậy cô lại thấy trong người dâng lên một cái gì đó như là thủy triều, công phu mà bọn Lưu Kiểng gọi là “Thái âm khí công” càng trở nên mạnh mẽ trong những ngày trăng tròn, lúc đó cô cảm thấy một mối giao cảm kỳ lạ giữa trời và đất. Có một lần khi nhìn lên vòm cao xanh cô bỗng thấy cái gì đó xao động như một dòng chảy, trong khoảng không gian mênh mông bỗng hiện lên hình ảnh gương mặt hiền từ của Nương Phi... Cái khả năng kỳ lạ của cô Tam rõ ràng là khó che giấu và cô đã tính đến chuyện phải ra đi một lần nữa thì một điều bất ngờ đã đến…
Chiều hôm đó bầu trời tự nhiên vàng rực giống như sắp có bão, một màu vàng long lanh như màu mỡ gà phủ lên từng cái lá, từng ngọn cỏ, cô Tam đang ngồi bên dòng suối nhỏ giặt quần áo, trong cái ánh vàng lung linh phản chiếu trên mặt nước thì cảm thấy có điều gì đó… ngẩng lên thì cô thấy một chàng trai cao lớn đứng gần đó, thần sắc rạng ngời:
“Hiệp khách mạn hồ anh
Ngô câu sương tuyết minh…”
Chàng thanh niên mỉm cười, ánh mắt đen láy và rực sáng, nói bằng thứ thổ ngữ của vùng Phúc Kiến “tôi tên Lưu Hoàng Kim, mấy hôm nay có một cụ bà luôn hiện lên trong giấc mơ bảo tôi phải đến nơi này tìm cô…”
Cả bọn có mười tám người cả thảy, tất cả đều là trẻ con, đều là đệ tử của Pháp sư Khăm-Say-Vi-Sa-Vẳn.
Một Pháp sư muốn có đến mười tám đồng nam đệ tử để luyện phép là một điều không phải dễ dàng, nhưng đối với Pháp sư Khăm-Say-Vi-Sa-Vẳn lại là điều không đáng để lo nghĩ, bởi vì ông ta đang được làm phép cho một người.
Một con người hùng mạnh bậc nhất ở nơi này.
Người đó là Khun-sa.
Khun-sa có một đội quân lên đến hàng ngàn trẻ con cầm súng nên việc tuyển ra mười tám đứa trẻ đẹp nhất, khỏe nhất là một chuyện rất dễ dàng. Là một viên tướng mạnh mẽ và độc tài, nhưng sau những thất bại liên tiếp và không đáng có, ông ta bắt đầu tìm đến những giải pháp siêu nhiên cho cuộc chiến và Pháp sư Khăm-Say-Vi-Sa-Vẳn là người đã được ông lựa chọn.
Tay pháp sư sẽ luyện cho ông ta những người lính tinh nhuệ có thể chịu được đạn bắn và tàng hình trước mắt quân thù. Những người lính phi thường này sẽ thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt và nguy hiểm nhất.
Vùng Tam giác vàng  vẫn nổi tiếng là một hang ổ thuốc phiện với những cánh đồng trồng cây Anh túc bạt ngàn trong những khe sâu và núi rừng hiểm trở. Đó là một thứ thần dược đưa con người thoát khỏi cuộc sống trần trụi thường ngày để tìm đến một thiên đường trong ảo ảnh. Đó cũng còn là một thứ thần dược trị bách bệnh, cảm cúm, sổ mũi, nhức đầu chỉ cần hút một liều là khỏi ngay - tiêu chảy, kiết lỵ không thuốc gì cầm được thì cũng chỉ cần hút và nhai một liều là hết liền… các thứ bệnh về thần kinh như trầm cảm, đau buồn cũng sẽ qua đi nhanh chóng…vì thế hầu như tất cả người dân ở đây đều là những con nghiện hạng nặng. Thế nhưng để giữ vững sức mạnh, quân đội của Khun-sa cấm tuyệt đối việc dùng thuốc phiện, chỉ có một ngoại lệ duy nhất, đó là đội quân siêu nhiên mười tám người của Pháp sư Khăm-Say-Vi-Sa-Vẳn.
 
Trong các loài hoa thì hoa Anh Túc có một vẻ đẹp đặc biệt mê hoặc bởi sự mong manh, huyền ảo và mùi hương vô cùng quyến rũ. Hoa có rất nhiều màu, trắng tinh hay trắng hồng, tím nhạt hay đỏ thẫm, nhiều khi lại có sắc vàng óng ả kiêu sa.
Ta là hoa anh túc gây mơ
Chuốc các vị thần uống cạn
Kẻ tỉnh người mê đều ngon giấc
Gối đầu vào lòng hoa ngủ say
Giấc mơ về chắc ngẫu nhiên hay
Nên vẻ đẹp tuyệt trần nở rộ
Pháp sư Khăm-Say-Vi-Sa-Vẳn dành hơn nửa đời người trồng loại hoa này trên những triền núi cao vời vợi không người lai vãng để hoa có thể hít cái không khí thanh khiết và hưởng những giọt sương trong lành nhất. Ông trồng cây không phải để lấy nhựa làm thuốc hút mà là để luyện ngải, một thứ ngải đặc biệt có thể đưa con người vào một thế giới phi thời gian và không gian… ma quỷ sẽ phải tránh xa ở nơi có mùi hương của cây ngải này, thần linh sẽ đến và ban cho nó những uy lực huyền bí… Một trong những năng lực tuyệt vời của nó là sẽ đánh thức những linh hồn của các chiến binh tử trận, tập hợp họ lại thành một đạo quân bất khả chiến bại.
Ở xứ sở này thì có vô vàn những linh hồn tử trận đang sẵn sàng như thế…
 
Vì có cái năng lực đặc biệt nên cây Anh Túc của Pháp sư Khăm-Say-Vi-Sa-Vẳn khác xa những cây bình thường. Cây Anh Túc của ông chỉ cao khoảng bốn tấc, thân gai xù xì bám cực chắc vào vách đá, đến tháng ba âm lịch mới trổ ra những bông hoa trắng muốt, nhưng vào giữa trưa nắng gắt lại chuyển sang màu đỏ huyết và buổi chiều thì lại óng ánh màu vàng kim đầy ma lực. Mười tám đệ tử đồng nam sẽ phải cùng với ông săn sóc những cây hoa này, họ phải sống biệt lập trên đỉnh núi cao, nằm gió phơi sương với những cánh hoa và dùng máu của mình để tưới cho một cây duy nhất, cây Anh Túc này sẽ là linh hồn của họ. Đến tận tháng bảy hoa bắt đầu rụng và cho ra những quả Anh Túc hình cầu, bấy giờ phải dùng một chiếc cào nhỏ bằng tre rạch từng đường vào thân quả để đến sáng hôm sau, từ khe nứt ấy ứa ra dòng nhựa màu trắng đục có vị chua chua. Ở cây Anh Túc thường, sau khi phơi nắng nhựa sẽ chuyển màu nâu đậm, nhưng nhựa cây Anh Túc của Pháp sư Khăm-Say-Vi-Sa-Vẳn lại có màu huyết dụ lung linh.
Kắm-Lỳ cũng có một cây như thế.
Nó là một trong mười tám đệ tử của Pháp sư Khăm-Say-Vi-Sa-Vẳn.
Khi Lưu Đại Nhân gặp Kắm-Lỳ thì nó giống như một bộ xương nằm vắt vẻo bên bờ suối dưới cái nắng hè cháy rực.
Chưa lần nào xứ Thái và xứ Tàu lại mở một cuộc càn quét đại qui mô như lần này, quân đội của Khun-sa bị đánh tan tành, các cánh đồng thuốc phiện bị đốt sạch, các xưởng chế biến cũng bị phá hủy. Các đệ tử của Pháp sư Khăm-Say-Vi-Sa-Vẳn không biết mình đồng da sắt cỡ nào, nhưng đều tan xác dưới những làn đạn của súng đại liên bắn từ trực trăng Huê Kỳ. Không thấy xác của vị Pháp sư, chắc ông ta đã kịp ẵm số vàng và chi phiếu của Khun-sa tàng hình về mấy hộp đêm bên Thái để tiếp tục luyện phép thần thông với các em vũ nữ. Tướng Khun-sa dẫn tàn quân chạy trốn về phía Miến, riêng Kắm-Lỳ chứng kiến cái chết tan xác của các huynh đệ thì kinh hồn bạt vía, bỏ chạy tuốt vào rừng.
Nó chắc là đệ tử duy nhất của Pháp sư Khăm-Say-Vi-Sa-Vẳn còn sống sót. Đội quân của những linh hồn bất khả chiến bại chắc cũng bị thiêu rụi cùng với những cánh đồng thuốc phiện mênh mông.
Kắm-Lỳ đi sâu vào những cánh rừng Thượng Lào bất tận, không biết là bao lâu, sáu tháng hay một năm, một năm hay hai năm… nó lẩn trốn tất cả, muông thú và đồng loại, từ Thượng Lào nó xuyên rừng xuống tận Hạ Lào và một ngày kia gục ngã bên dòng Xê-Kông đang mùa khô cạn. Cả cánh rừng khộp xanh tươi ngày nào trở nên héo vàng trơ trụi trong cái nóng hầm hập của một mùa hè đỏ lửa, đó cũng là lúc Lưu Đại Nhân đang khai thác những cây gỗ cực to ở đó.
 
Những câu thần chú không giúp được Kắm-Lỳ bằng cặp giò chạy nhanh như gió trong cơn mưa đạn, nhưng có lẽ khi lang thang trong rừng sâu, đối diện với rắn độc hay thú dữ, pháp lực của thần linh đã giúp nó sống sót được. Khi Hồ Vũ gặp Kắm-Lỳ thì chuyện đó đã xa vời – Kắm-Lỳ đã là một người trưởng thành, quá khứ vẫn hằn trên nét mặt và điều đó chỉ làm màu da đen bóng của y càng thêm đẹp… Ở nơi đây mọi người không gọi y là Kắm-Lỳ, mà gọi bằng một cái tên thân mật hơn nhiều: Bảy Nổi.
Thời gian như cánh chim bay, Hồ Vũ đã sống với Lưu Đại Nhân hơn nửa năm. Do có quá trình làm giáo viên nên phong thái y khá đĩnh đạc, cộng thêm khả năng viết lách và nói năng cũng khéo nên Hồ Vũ được họ Lưu giao quản lý các hợp đồng khai thác gỗ thuộc khu vực Miền Đông, cụ thể lúc đó tập trung nhiều vào Trị An – Nơi này đang chuẩn bị xây dựng công trình thủy điện lớn nên được cho khai thác rừng để tạo vùng trống. Lúc đó nơi đây còn thâm u, rừng thiêng nước độc lắm chứ không sầm uất như bây giờ.
Hồ Vũ ngày càng phong trần, lúc nào cũng mặc một cái quần jean bạc màu, khoác cái áo gió màu xám nhạt… ba giờ sáng là xe đã phải lên đường, ra đến ngã ba Vũng Tàu, xuất trình giấy tờ cho trạm xong là thẳng một mạch tới Trảng Bom, Hố Nai và điểm cuối là rừng Mã Đà.
Đoàn xe có ba chiếc cả thảy.
Bảy Nổi luôn cầm lái, y là một tay lái cừ khôi bực nhất.
Qua khỏi phà Mã Đà là bắt đầu thẳng tiến vào rừng, đường đi vô cùng lầy lội, những hố bom còn sót lại từ thời chiến to còn hơn cái ao, lơ mơ là xe tải bị lún sình, lật nghiêng ngay, lúc đó thì nằm chịu chết, phải chờ xe bánh xích đến kéo. Rừng nhiệt đới tầng tầng lớp lớp, dây leo chằng chịt, muỗi chi chít, nước thì rất độc, ai không quen uống vào là về bị hành nóng lạnh ngay. Đã có khá nhiều thợ rừng bỏ mạng vì sốt rét ác tính hay rắn độc cắn ở nơi này.
Độc hiểm như thế nên dân gian còn có câu“Mã Đà - Sông Bé anh hùng tận”. Hồ Vũ không biết có phải anh hùng hay không nhưng y suýt mấy lần phải bỏ mạng…
Đó là lần khi vừa qua phà sau một cơn mưa như trút, chiếc xe ì ạch leo lên dốc giữa chừng bỗng chết máy, sau đó tuột thắng trôi ngược trở lại với tốc độ kinh hồn, bên trong Bảy Nổi và Hồ Vũ làm đủ mọi cách cũng không làm chiếc xe dừng được, cũng may là lúc đó mới khoảng chừng năm giờ sáng nên bến phà còn ít người, chiếc xe may mắn không cán phải ai mà lọt tuốt xuống dòng sông chảy xiết trôi đi hàng mấy trăm mét, Hồ Vũ và Bảy Nổi đành phải bỏ xe bơi vào bờ trong sự hoảng loạn của mấy xe sau.
Còn một lần sau khi hạ một cây gỗ xong, lúc đang dùng cưa máy để xả ra thì bất ngờ trúng phải một quả đạn nằm sâu trong thân cây phát nổ làm hai tay thợ rừng bị thương nặng, Hồ Vũ đứng gần ngay đó bị một nhánh cây bật trúng đầu té lăn quay, máu chảy đầm đìa, phải khâu mười mấy mũi…
Nhưng Hồ Vũ lại cảm thấy yêu thích công việc cực khổ và nguy hiểm này, nhờ nó y được trưởng thành lên rất nhiều.