THIÊN XXIII
THUYẾT LÂM HẠ (Trích)
(RỪNG MƯU MÔ - PHẦN DƯỚI)

Bá Lạc dạy hai người coi tướng những con ngựa hay đá, dắt họ lại chuồng ngựa của Triệu Giản tử. Một người lựa một con ngựa hay đá đưa ra, còn người kia đi theo sau ba lần vỗ vào chỗ xương cụt ở mông của con ngựa, nhưng nó không đá; người lựa ngựa tự cho rằng mình coi tướng ngựa sai. Người kia bảo: “Anh coi không sai đâu, nó hay đá đấy nhưng vai ngắn mà đầu gối sưng. Ngựa khi đá thì cất chân sau lên mà chân trước phải chịu tất cả sức nặng; đầu gối nó sưng thì làm sao chịu được, cho nên chân sau không cất lên được. Anh giỏi coi tướng ngựa nhưng dở coi đầu gối sưng”. Việc gì cũng có lí do, mà chỉ bậc trí giả mới biết rằng đầu gối sưng thì không chịu được sức nặng. Huệ tử[1] bảo: “Nhốt con vượn vào cũi thì nó không khác gì con heo”. Hễ cái thế bất lợi thì không tỏ được khả năng của mình.
 Hoàn Hách[2] nói: “Phép tạc tượng thì mũi nên cho lớn, mắt cho nhỏ vì mũi lớn thì có thể đục lại cho nhỏ, chứ đã nhỏ thì không làm cho lớn lên được; còn mắt nhỏ thì có thể đục lại cho lớn, chứ đã lớn thì không thể làm cho nhỏ lại được”. Làm việc gì khác cũng vậy, hễ việc làm rồi, sau sửa lại được thì ít khi thất bại.
Quan thái tể nước Tống quyền lớn mà chuyên chính. Quí tử[3] sắp yết kiến vua Tống. Lương tử[4] hay tin bảo Quí tử: “Trong khi hầu chuyện vua, tất phải có quan thái tể cùng ngồi nghe chứ? Nếu không thì ông khó tránh được họa đấy”. Quí tử bèn khuyên vua Tống nên trọng sức khoẻ, đừng quan tâm quá đến việc nước.
16. Ba con bọ chét (sống bám vào con heo) sắp đi kiện nhau. Một con khác đi ngang qua, hỏi: “Kiện nhau về việc gì vậy?” Ba con kia đáp: “Vì tranh nhau chỗ béo bở”. Con thứ tư bảo: “Các anh không lo ngày tế chạp[5] tới, người ta đốt cỏ mao thui con heo ư? Mà còn tranh nhau nữa?” Ba con kia nghe vậy bèn xúm nhau hút máu con heo (cho thật nhiều); con heo gầy đi, khỏi bị giết.
24. Chu Táo hỏi Cung Tha[6]:
- Xin ông vì tôi mà tâu với vua Tề rằng nếu vua Tề giúp tôi làm quan ở Ngụy thì tôi xin làm cho Ngụy sẽ phải thờ Tề.
Cung Tha bảo:
- Không được. Như vậy tỏ rằng ông không có thế lực gì ở Ngụy, vua Tề tất không giúp một người không có thế lực gì ở Ngụy để kết oán với một người khác đã có thế lực ở Ngụy. Tốt hơn ông nên nói: “Nhà vua muốn thì thần xin thuyết nước Ngụy thờ nhà vua”. Như vậy vua Tề cho rằng ông đã có thế lực ở Ngụy, tất ưng ông. Rốt cuộc ông có thế lực ở Tề, rồi nhờ Tề mà có thế lực ở Ngụy nữa.
27. Vua nước Kinh (Sở) đánh nước Ngô. Vua Ngô sai bắt Tư Vệ Quệ Dung[7] khao quân Kinh. Tướng nước Kinh bảo: “Bắt trói hắn lấy máu thoa trống”. (Khi bắt rồi) ông ta hỏi (Tư Vệ Quệ Dung): “Người có bói rồi mới đi không?”
Đáp
- Có
- Quẻ tốt không?
- Tốt
Người nước Kinh hỏi
- Nay Tướng nước Kinh sắp lấy máu chú thoa trống, quẻ tốt ở chỗ nào?
Đáp:
Chính vì vậy mà quẻ tốt đấy. Nước Ngô sai người qua đây xem tướng Kinh có giận hay không. Nếu tướng quân giận thì nước Ngô sẽ đào hào cho sâu thêm, đắp lũy cho cao thêm; nếu không giận thì nước Ngô sẽ thủng thẳng. Nay tướng quân giết tôi thì nước Ngô sẽ phòng thủ gắt. Và quẻ đó bói cho cả nước, không phải cho một bề tôi. Giết một bề tôi còn cả nước được bảo tồn, thì sao không gọi là tốt được? Lại thêm, nếu kẻ chết rồi không biết gì nữa thì lấy máu tôi bôi trống có ích gì đâu; nếu chết rồi mà còn biết thì trong khi lâm chiến, tôi sẽ làm cho trống không kêu.
Người Kinh nghe vậy thôi không giết ông ta.
32. Tề đánh Lỗ, đòi cái đỉnh đất Sàm. Lỗ đưa một cái đỉnh giả qua. Người Tề bảo: “Đỉnh đó giả”. Người Lỗ cãi: “Đỉnh đó thật”. Người Tề bảo: “Mời ông Nhạc Chính Tử Xuân[8] sang đây, chúng tôi sẽ tin lời ông ấy”. Vua Lỗ cho mời Nhạc Chính Tử Xuân, ông hỏi: “Sao không dám đưa cái đỉnh thật qua?” Nhà vua bảo: “Ta quí cái đó”. Ông đáp: “Thần cũng quí cái tín nghĩa của thần vậy”.
37. Người nước Trịnh có một cậu con sắp đi xa[9]. Trước khi đi, cậu ta dặn người nhà: “Phải sửa bức tường hư để kẻ bất lương khỏi vô trộm.” Một người hàng xóm cũng nói vậy. Chưa kịp sửa tường thì quả nhiên bị trộm rồi. Người nước Trịnh đó cho con mình là khôn mà ngờ hàng xóm là kẻ trộm.

[1] Tức Huệ Thi, một triết gia đồng thời với Trang tử, làm tướng quốc cho Lương Huệ Vương.
[2] [3] [4] Ba nhân vật: Hoàn Hách, Quí tử, Lương tử này không rõ là ai.
[5] Một ngày tế lễ chư thần trong tiết đông chí.
[6] Chu Táo: chỉ biết là một người nước Ngụy - Cung Tha là một mưu thần nước Tề.
[7] Chỉ biết là bề tôi nước Ngô.
[8] Người nước Lỗ, học trò ông Tăng tử nổi tiếng là hiền sĩ.
[9] Nguyên văn là hoạn. Có sách giảng là đi làm quan, hoặc đi du học. Truyện này trong thiên Thuế nạn chép là người nước Tống.