THIÊN XXXIV
NGOẠI TRỪ THUYẾT HỮU THƯỢNG
(Trích)
(NHỮNG THUẬT ĐỂ DÀNH MÀ DÙNG – THIÊN NGOẠI, HỮU, THƯỢNG)

Kinh 1, bề tôi nào mà vua dùng quyền thế cải hóa không được thì trừ đi (...)
Truyện 1. – a/ Thưởng và khen không khuyến khích được, phạt và chê cũng không sợ, dùng cả bốn cách mà không biến đổi được thì trừ đi.
d/ Người đi săn nhờ sự vững chắc của xe, dùng chân của sáu con ngựa, sai Vương Lương (một người giỏi đánh xe ngựa) cầm cương thì thân không mệt mà đuổi kịp những con thú chạy nhanh. Nay bỏ cái tiện lợi của xe, không dùng sáu con ngựa, không dùng tài đánh xe của Vương Lương mà xuống xe chạy bộ đuổi theo con thú thì dù có chân của Lâu Quí (một người chạy rất nhanh) cũng không sao đuổi kịp thú. Dùng ngựa tốt xe bền thì dù kẻ tôi tớ (không quen đi săn) cũng dư sức săn được thú. Nước là xe của vua, quyền (thế) là ngựa của vua, không dùng cái thế để cấm và giết bọn bề tôi chuyên mua lòng dân (bằng cách ban ân huệ riêng cho dân), mà cứ muốn phải có đức để cùng tranh dân với bề tôi thì cũng như không dùng xe của vua, sức của ngựa mà bỏ xe xuống chạy bộ vậy.
đ/ Tử Hạ, môn đệ của Khổng Tử, nói: “Sách Xuân Thu chép cả chục vụ bề tôi giết vua, con giết cha, tất cả những vụ đó đều không phải chỉ trong một ngày mà xảy ra, trái lại do chất chứa dần dần rồi sau mới phát”. Kẻ gian làm bậy với dân, mỗi ngày một chất chứa, chất chứa rồi thì sức mạnh lên, có thể giết vua, vì vậy mà bậc minh chủ nên sớm diệt họ. Nay Điền Thường[1] đã làm loạn, đã lần lần thấy rồi, mà vua (Tề Giản Công) không giết đi, Án Tử không khuyên vua giết bọn bề tôi xâm lăng mà khuyên ban ân huệ cho dân, vì vậy mà sau Giản Công bị họa. Cho nên Tử Hạ bảo: “Người nào giỏi nắm cái thế thì diệt ngay ý gian khi nó mới manh nha”.
g/ Thái Công Vọng được phong ở nước Tề, tại phía đông. Trên bờ biển đông nước Tề có hai anh em ruột đều là cư sĩ: Cuồng Duật và Hoa Sĩ. Họ bàn với nhau: "Chúng ta không làm bề tôi thiên tử, không làm bạn chư hầu, cày ruộng mà ăn, đào giếng mà uống, không cầu gì ở người khác, không nhận danh hiệu (chức tước), bổng lộc của vua, không làm quan, mà lao động để sống"! Thái công Vọng khi đến Doanh Khâu (kinh đô Tề lúc đó) sai bắt giết hai người ấy, đó là đợt giết đầu tiên.
Chu công Đán ở nước Lỗ hay tin, phái người gấp tới hỏi: "Hai người đó là bậc hiền, nay ông mới tới nhận nước, đã giết ngay người hiền, tại sao vậy?" Thái công Vọng đáp: “Hai anh em nhà đó bàn với nhau: “Chúng ta không làm bề tôi thiên tử không làm bạn chư hầu, cày ruộng mà ăn, đào giếng mà uống, không cầu gì ở người khác, không nhận danh hiệu, bổng lộc của vua, không làm quan mà lao động để sống”. Họ không chịu làm bề tôi của thiên tử thì Vọng này không coi họ là bề tôi được; họ cày ruộng mà ăn, đào giếng mà uống, không cầu gì ở người khác, thì tôi không thể thưởng phạt, khuyên cấm họ được. Vả lại họ không nhận danh hiệu vua ban thì dù họ có tài trí cũng không để cho Vọng tôi dùng ; họ không cầu bổng lộc của vua thì dù họ có hiền đức cũng không lập công với Vọng được. Họ không chịu làm quan thì không trị họ được, họ không lãnh nhiệm vụ thì họ không trung với mình. Tiên vương sở dĩ sai khiến thần dân được là nhờ tước lộc hoăc hình phạt. Nay, dùng cả bốn cái đó không đủ để sai khiến họ thì Vọng tôi cai trị ai nổi bây giờ? Không đeo binh pháp mà được vẻ vang, không tự cày bừa mà nổi danh, đó cũng không phải là điều đem ra dạy dân được (….). Họ tự cho là hiền sĩ trong đời mà không để cho chúa dùng, hạnh của họ cực hiền nhưng vô dụng cho vua, đó đâu phải là bề tôi của bậc minh chủ, có khác chi con ngựa kí (chạy rất nhanh) mà không lái qua tả qua hữu được, vì vậy mà tôi phải giết.
°
Kinh 2. Bậc vua chúa là cái đích lợi và hại (ai nhắm trúng, tức đoán đúng ý của vua, thì có lợi, ngược lại thì có hại. Người nhắm đích rất đông, cho nên bậc vua chúa dễ bị chia uy quyền với bề tôi[2]. Vì vậy nếu điều yêu ghét của vua bộc lộ ra thì bề tôi lợi dụng mà làm cho vua bị mê hoặc; vua tiết lộ lời của bề tôi cho người khác biết thì bề tôi khó nói (tố cáo) mà vua không còn là thần thánh nữa (…)
Truyện 2.  a/ Thân tử (Thân Bất Hại) nói: “Sự sáng suốt của bề trên mà để lộ ra thì người dưới sẽ đề phòng; sự không sáng suốt của bề trên mà để lộ ra thì người dưới sẽ gạt bề trên; sự hiểu biết của bề trên mà để lộ ra thì người dưới sẽ dối sự thật; sự không ham muốn mà để lộ ra thì bề dưới sẽ rình bề trên; sự ham muốn của bề trên mà lộ ra thì người dưới sẽ nhử bề trên. Cho nên bảo: "Ta không dựa vào đâu mà biết người (tức bề tôi) được, chỉ có vô vi (không làm gì cả) là có thể dò xét được họ thôi”[3]
d/ Tĩnh Quách quân (Điền Anh) làm tướng quốc nước Tề. Vợ vua chết, chưa biết ai sẽ được lập làm hoàng hậu, ông dâng vua hoa tai bằng ngọc để biết. (Truyện này giống Truyện Tề III 2 trong Chiến Quốc sách).
e/ (Tần Huệ vương đuổi Công tôn Diễn đi, vì nghe lời gièm pha của Cam Mậu mà ngờ Công tôn Diễm bép xép để tiết lộ việc ông cho Diễn làm tướng quốc thay Cam Mậu. (Truyện này chép trong Chiến Quốc sách – Tần II 13, nên chúng tôi không dịch lại).
g/ Đường Khê công nói với (Hàn) Chiêu hầu: “Nay có một cái chén ngọc đáng giá ngàn vàng mà không có đáy, có thể đựng rượu được không?”. Chiêu hầu đáp: "Không được".
- “Có cái vò bằng đất nung mà không rịn, có thể đựng rượu được không?” – “Được” – Cái vò bằng đất, cực xấu xí rẻ tiền, mà không rịn thì đựng được rượu, còn cái chén ngọc đáng giá ngàn vàng, cực quí mà không có đáy thì đựng nước cũng không được, thì còn ai rót nước uống vào đó nữa? Làm vua mà tiết lộ lời nói của bề tôi thì không khác gì chén ngọc không đáy, dù là bậc thánh trí cũng không dùng hết thuật được vì không kín tiếng”. Chiêu hầu đáp: "Phải". Ông nghe lời khuyên của Đường Khê công, từ đó về sau, hễ muốn thi hành một việc lớn trong thiên hạ thì luôn luôn ngủ một mình sợ ngủ mê, nói mớ mà người khác biết mưu tính của mình.
(Còn một thuyết nữa, gần y hệt thuyết trên; bỏ).
°
Kinh 3. Thuật sở dĩ không thi hành được là có lí do; (người bán rượu) không giết con chó (dữ) thì rượu hóa chua, mà bọn bề tôi cầm quyền là bầy chó dữ của nước; còn bọn tả hữu của vua là bầy chuột làm hại nền xã tắc (vì dòm ngó tình ý của vua). (…) (Muốn diệt bọn đó thì phải cương quyết như) Trang vương trả lời thái tử (bắt thái tử giữ phép nước như mọi người) (…) ( và phải nén đau khổ trừ bỏ bề tôi mình yêu nhất nếu họ phạm pháp như) Văn công chém Điên Hiệt[4]).
a/ Nước Tống có người bán rượu, đong rượu rất ngay thẳng, tiếp khách rất ân cần, bài rượu treo thật cao, nhưng vẫn ế, rượu (để lâu) hóa chua, lấy làm lạ, hỏi một ông già trong xóm tên là Dương Thiến. Thiến đáp: “Tại chó của chú dữ quá!” Hỏi: “Chó dữ thì tại sao rượu lại ế?”  Đáp: "Có người sai trẻ mang tiền, cầm bình hoặc vò tới mua, chó của chú xông ra cắn, vì vậy rượu để tới chua, không người mua". Nước cũng vậy, có loài chó dữ. Những kẻ sĩ biết đạo đem thuật (trị nước) tới muốn soi sáng cho bậc chúa muôn cỗ xe thì bọn đại thần làm chó dữ, xông ra cắn, vì vậy mà chúa bị che lấp, lấn áp, kẻ sĩ có đạo không được dùng.
Do lẽ đó mà (xưa kia khi Tề) Hoàn công hỏi Quản Trọng: “Trị nước thì cái gì đáng lo nhất?”, Quản Trọng đáp: "Đáng lo nhất là bầy chuột nền xã". Hỏi: “Sao lại lo chuột nền xã?” Đáp: “Nhà vua đã thấy người ta lập nền xã (nơi thờ thần đất đai) rồi chứ? Người ta trồng một cây (tượng trưng cho thổ thần), rồi tô đất màu lên. Chuột khoét đất, đào hang ở trong nền xã; hun khói thì sợ cây cháy mà dội nước thì sợ trôi mất màu, vì vậy mà không sao bắt được chuột nền xã. Nay bọn tả hữu của nhà vua khi ra thì ỷ vào quyền thế mà bóc lột dân chúng, khi vào thì lập bè đảng che giấu tội ác không cho vua thấy, bên trong dò xét tình ý của vua để cho bên ngoài biết, ở trong và ở ngoài, quyền thế đều lớn, ăn hối lộ của các quan lại mà hóa giàu. Người chấp chính không giết họ thì phép nước sẽ loạn mà giết thì vua không chịu, che chở mà giữ họ[5], họ cũng là loài chuột nền xã trong nước đấy”.
Hạng bề tôi cầm quyền mà tự ý ra cấm lệnh, khiến cho thiên hạ thấy rõ rằng ai vị họ thì tất có lợi, không vị họ thì tất bị hại, hạng đó cũng là chó dữ đấy. Đại thần làm chó dữ, cắn kẻ sĩ có đạo; kẻ tả hữu làm chuột nền xã dò xét tình ý của chúa, chúa không giác ngộ thì làm sao khỏi bị che lấp mà nước khỏi bị suy vong![6]
(Còn một thuyết khác nữa, nội dung không khác,  nên bỏ)
c/ Kinh Trang vương có phép “mao môn” (cũng gọi là trĩ môn)[7] bảo: “Quần thần, đại phu và các công tử vào triều, nếu móng ngựa đạp lên chỗ ở dưới máng xối thì viên đình lý (coi sân chầu) sẽ chặt đòn xe và giết kẻ đánh xe”. Một hôm thái tử vô triều, móng ngựa đạp lên chỗ ở máng xối, viên đình lí bèn chặt đòn xe và giết người đánh xe. Thái tử nổi giận, vô khóc lóc với vua: “Xin vua vì con mà giết tên đình lí đi”. Trang vương đáp: “Đặt ra pháp luật là để kính trọng tôn miếu, xã tắc; cho nên ai lập pháp, theo lệnh tôn kính xã tắc thì đều là bề tôi của xã tắc, sao lại giết được? Còn kẻ phạm pháp, bỏ lệnh, không tôn kính xã tắc là lấn quyền thế của vua, phạm thượng. Bề tôi lấn quyền thế của vua thì vua mất uy: kẻ dưới phạm thượng thì địa vị của bề trên nguy. Uy mất, địa vị nguy, xã tắc không giữ được, ta lấy gì mà để lại cho con cháu?” Thái tử liền trở về, không vào nhà mà ở ngoài ba ngày, hướng về phía bắc lạy mấy lần, xin tha tội chết.
(Một thuyết khác nữa cũng giống thuyết trên, nên bỏ)
g/ ( Truyện này dài, chúng tôi cắt trên, cắt dưới, chỉ dịch đoạn giữa) (…) Tấn Văn công hỏi Hồ Yển[8]:
Hình phạt thi hành đến đâu là cùng cực?
Hồ Yển đáp:
Không tránh người thân và đại thần, thi hành cả với người mình yêu.
Công khen: “Phải”.
Hôm sau, Công ra lệnh đi săn ở Phố Lục, ra hẹn giữa trưa phải tới chỗ, ai tới trễ thì bị trị tội như quân pháp. Một sủng thần của Công là Điên Hiệt tới trễ. Viên lại (thi hành mệnh lệnh) xin trị tội Điên Hiệt. Văn công rơi lệ, lo lắng, do dự. Viên lại nói: "Xin thi hành pháp luật", chém Điên Hiệt ngang lưng để cho dân chúng thấy rõ ràng pháp luật đã ban thì thi hành đúng. Từ đó dân chúng đều sợ, bảo: "Vua quí trọng Điên Hiệt như vậy mà còn thi hành pháp luật, huống hồ là đối với chúng ta" (…).

[1] Điền Thành (hoặc Điền Thường, coi chú thích thiên Ngũ đố) ban ân huệ riêng cho dân để dân theo mình mà xa vua, như vậy là có ý chiếm ngôi của Tề giản công. Giản Công biết là nguy cho mình, hỏi Án Tử cách đối phó ra sao. Án Tử khuyên Giản Công ban ân huệ cho dân hơn Điền Thành thì dân sẽ bỏ Điền Thành mà theo mình.
[2] Nguyên văn: “cố nhân chủ công hĩ” thật khó hiểu, chúng tôi theo bản của Trần Khải Thiên. Có người dịch là: cho nên bậc vua chúa có nhiều kẻ bao vây.
[3] Vì không làm gì thì không để lộ ý của mình ra, cứ núp vào sự hư tĩnh thì bề tôi thì không đoán được ý mình mà mình dò được ý họ.
[4] Đoạn này nếu dịch sát thì rất khó hiểu nên chúng tôi bất đắc dĩ phải cắt bớt và giảng giải.
[5] Nguyên văn: quân bất an, cứ nhi hữu chi. Có bản chép là: cứ quân sở an, cứ nhi hữu chi? và dịch là: vua căn cứ vào đâu mà bắt tội họ (vì họ lập bè đảng che giấu cho nhau rồi).
[6] Sáu hàng cuối này, Trần Khải Thiên cho là lời của Quản Trọng. Chúng tôi cho là giọng của Hàn Phi.
[7] Cung điện vua chư hầu có 3 cửa: ngoài, giữa, trong. Mao môn là cửa giữa.
[8] Cậu của Văn công, tòng vong với công, sau giúp công lập được nghiệp bá. Thường gọi là cậu Phạm.