THIÊN XXXIX
NẠN TỨ (Trích)
(BIỆN NẠN – IV)

Thiên này gồm bốn tiết và khác với ba thiên trên ở chỗ sau lời phê bình lại dẫn thêm một lời phê bình lời phê bình đó - đều của Hàn Phi - để bác ý kiến trên hoặc xét thêm một khía cạnh nữa của vấn đề.
°
1 -  Bề tôi và vua nên giữ phận mình. Lược bỏ.
2 - Vua nên sáng và nghiêm.
Dương Hổ nước Lỗ muốn đánh Tam Hoàn (ba đại phu trong công thất Lỗ, con của Lỗ Hoàn Công: Mạnh tôn, Thúc tôn và Quí tôn) không được, phải trốn qua Tề, Tề Cảnh Công lấy lễ tiếp đãi. Bão Văn tử can: “Không nên, Dương Hổ được họ Quí yêu mà lại đánh Quí tôn, là vì ham sự giàu có của họ ấy. Nhà vua giàu có hơn Quí tôn và nước Tề lớn hơn nước Lỗ, Dương Hổ sẽ còn hết sức gian trá nữa”. Cảnh Công bèn bỏ tù Dương Hổ.[1]
°
Có người bảo:
Nhà có ngàn vàng thì con cái bất nhân, vì họ quá gấp mưu lợi. (Tề) Cảnh Công đứng đầu trong ngũ bá, (mới đầu) tranh nước mà giết anh là vì cái lợi lớn quá. Giữa vua tôi không có tình anh em ruột thịt. Trong việc cướp quyền giết vua, chế ngự một nước vạn cỗ xe để hưởng cái lợi lớn thì bề tôi nào chẳng là Dương Hổ. Việc làm hễ tinh tế, khéo léo thì thành, sơ suất, vụng về thì thất bại. Bề tôi chưa khởi loạn là vì dự bị chưa đủ. Nhưng bề tôi nào cũng có cái lòng (cướp ngôi) như Dương Hổ mà vua không biết, là vì việc làm của họ tinh tế, khéo léo. Dương Hổ vì tham muốn đánh bề trên, mà để cho thiên hạ biết được là do hắn sơ suất, vụng về. (Không khuyên Cảnh Công trừng phạt bọn bề tôi gian xảo của Tề[2] mà khuyên ông trừng phạt tên Dương Hổ vụng về, đó là chỗ sai trong lời khuyên của Bão Văn tử. Bề tôi trung tín hay gian trá là tuỳ hành động của vua: vua sáng suốt và ngiêm khắc thì họ trung tín, vua nhu nhược và hôn ám thì họ gian trá. Sáng suốt là biết được cái tinh tế, nghiêm khắc là không tha tội. Không biết ai là bề tôi gian xảo của Tề[3] mà trị loạn thần của Lỗ, chẳng cũng bậy ư?
°
(Lại) có người bảo:
(…) Vua sáng và nghiêm thì bề tôi trung tín. Dương Hổ làm loạn ở Lỗ, việc không thành, chạy qua Tề, Tề không trừng trị, tức là để cho Hổ lại làm loạn ở Tề. Vua sáng suốt thì biết rằng việc trừng trị Dương Hổ có thể cứu loạn được cho Tề, như vậy là tinh tế thấy được tình thế (khi loạn chưa phát). Lời xưa có câu: “Chư hầu lấy nước làm tình thân”. Vua nghiêm khắc thì tội của Dương Hổ không thể bỏ qua, đó là phép “không tha tội”. Vậy giết Dương Hổ là để cho bề tôi phải trung tín. Chưa biết được bọn bề tôi của Tề kẻ nào gian xảo, mà bỏ sự trừng phạt một kẻ đã hiển nhiên làm phản, thế là trách kẻ chưa hẳn đã làm bậy mà không trừng trị cái tội rành rành, hành động đó bậy. Trừng phạt một kẻ làm loan ở Lỗ để thị oai với bọn bề tôi có lòng gian (ở Tề) mà lại được tình thân ái của Quí tôn, Mạnh tôn, Thúc tôn, lời khuyên của Bão Văn có gì là trái đâu.
°
3 – Chưa đáng giận thì đừng tỏ sắc giận ra, chưa đáng phạt thì đừng tỏ ý muốn phạt ra.
(Lược bỏ)
°
4 – Dùng người thì tránh đừng dùng kẻ mình yêu mà không thực hiền.
(Hàn Phi chép lại ở đây cố sự một người hầu bàn (đúng ra là hề lùn) đem giấc mộng thấy bếp để khuyên Vệ Linh Công đừng để cho một sủng thần là Di Tử Hà “che khuất”. Cố sự đó ông đã kể trong truyện là thiên Nội trừ thuyết thượng. Cuối truyện Hàn Phi thêm câu này:
“Vệ Linh công khen phải rồi đuổi Ung Tư, không dùng Di Tử Hà nữa mà dùng Tư không Cẩn”, rồi ông phê bình như sau:
Có người bảo:
Người hề lùn đó khéo đặt sự chuyện nằm mộng để bày tỏ cái đạo làm vua, nhưng Linh công không hiểu hết lời của anh ta. Đuổi Ung Tư, không dùng Di Tử Hà mà dùng Tư không Cẩn là bỏ người mình yêu mà dùng người hiền. Nhưng Tử Đô nước Trịnh cho Khánh Kiến là hiền mà bị Khánh Kiến che lấp. Tử Khoái nước Yên cho Tử Chi là hiền[4]  mà bị Tử Chi che lấp. Bỏ người mình yêu mà dùng người mình cho là hiền, chưa chắc đã khỏi bị một người đứng phía trước mà che mình. Kẻ bất tiếu đứng phía trước của chúa, không nhất định là làm hại sự sáng suốt của chúa. Nếu không thấy sự sáng suốt cho mình mà để cho người (mình cho là) hiền đứng phía trước thì đất bị nguy.
°
(Lại) có người bảo:
Khuất Đào (một ông quan đời Xuân Thu) thích củ ấu, vua Văn vương thích dưa xương bồ. Hai món đó không phải là món ngon mà hai bậc hiền đó đều chuộng, vậy hợp khẩu vị chưa nhất định là ngon. Tấn Linh hầu ưa Tham Vô Tuất,[5] Tử Khoái nước Yên cho Tử Chi là hiền, hai người bề tôi đó không phải là kẻ sĩ chính trực mà được hai ông tôn trọng, vậy người mình cho là hiền vị tất đã hiền. Dùng người mình cho là hiền mà thực ra không hiền thì cũng như dùng người mình yêu, không khác gì. Dùng người thực sự hiền với dùng người mình yêu, hai cái khác nhau. Vì vậy Sở Trang vương dùng Tôn Thúc (Ngao) (một hiền thần) mà làm bá chủ, còn Thương Tân (tức vua Trụ nhà Thương) dùng Phí Trọng (một nịnh thần) mà bị diệt, hai ông vua đó đều dùng người mình cho là hiền mà kết quả trái ngược nhau. Tử Khoái nước Yên tuy đề cử người ông cho là hiền mà chỉ như dùng người ông yêu thôi. Trường hợp Vệ Linh Công có khác gì vậy? Người hề lùn đó chưa nhận ra được điều ấy. Vua Vệ bị che lấp mà không biết mình bị che lấp, sau khi anh ta nói, vua mới biết rằng mình bị che lấp, cho nên đuổi bọn bề tôi che lấp mình đi, như vậy là thêm sự sáng suốt cho mình rồi. Bảo: “Không thêm sự sáng suốt cho mình, mà để cho người (mình cho là) hiền đứng phía trước che mình thì tất bị nguy” (lời đó đúng); nhưng nay vua Vệ đã thêm sự sáng suốt cho mình rồi, thì dù bị (người mới dùng) che lấp mình, tất không bị nguy nữa.

[1] Sau Dương Hổ qua Triệu, được Triệu Giản chủ trọng dủng. Coi truyện 2c, thiên XXXIII, Ngoại trừ thuyết tả hạ.
[2] [3] Các nhà hiệu chú đều cho rằng phải thêm như vậy mới đủ nghĩa. Coi [3] sẽ thấy.
[4] Coi chú thích thiên VII Nhị kinh – chưa rõ truyện Tử Đô và Khánh Kiến.
[5] Chưa rõ là ai.