Dịch giả: LÊ CHU CẦU
Màn 8

Cùng năm ấy vua Thụy Điển Gustav Adolf tử trận ở Lützen[1]. Hòa bình khiến Bà mẹ can đảm có cơ sạt nghiệp. Người con trai táo tợn của bà lại làm thêm một việc “anh hùng” thừa thãi nên phải chịu chết nhục nhã.
Trong trại lính.
Một sáng mùa hè. Một bà lão và người con trai đứng đợi trước xe thồ. Người con trai kéo theo một bịch đựng khăn trải giường, chăn, gối v...v...
 
TIẾNG BÀ MẸ CAN ĐẢM từ trong xe: Chưa sáng bảnh mắt mà buôn với bán cái gì?
CHÀNG TRAI: Mẹ con chúng tôi đã đi hai mươi dặm suốt đêm, lại phải về ngay hôm nay.
TIẾNG BÀ MẸ CAN ĐẢM: Tôi làm gì với những chăn nệm ấy? Còn ai có nhà có cửa nữa đâu.
CHÀNG TRAI: Thì bà hãy cứ ngó qua một tí đi.
BÀ LÃO: Đây cũng không được gì đâu, con ơi. Thôi mình đi!
CHÀNG TRAI: Người ta sẽ xiết nhà mình để trừ vào tiền thuế mất, mẹ ạ! Có thể bà ấy chịu trả ba Gulden nếu mẹ các thêm cái thánh giá. Chuông nhà thờ bắt đầu rung: Mẹ ơi, nghe kìa!
TIẾNG NÓI từ phía sau: Hoà bình! Vua Thụy Điển tử trận rồi!
BÀ MẸ CAN ĐẢM thò đầu ra khỏi xe. Tóc tai chưa chải: Có chuyện gì mà chuông rung vào giữa tuần thế này?
TUYÊN ÚY từ dưới gậm xe bò ra: Họ kêu gì thế?
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Ông chớ có bảo với tôi rằng hòa bình vừa nổ ra[2] đấy nhé; tôi mới vừa mua hàng tích trữ xong.
TUYÊN ÚY gọi ra sau: Có thật hòa bình không?
TIẾNG NÓI: Từ ba tuần nay rồi, nghe nói thế, chỉ có chúng ta không biết đấy thôi.
TUYÊN ÚY với Bà mẹ can đảm: Chắc phải đấy, nếu không họ rung chuông làm gì?
TIẾNG NÓI: Trong phố có cả một đám đông phe Luther với bầu đoàn lỉnh kỉnh. Họ cho biết tin này đấy.
CHÀNG TRAI: Mẹ ơi, hòa bình rồi. Ơ kìa, mẹ làm sao thế? Bà lão quỵ xuống.
BÀ MẸ CAN ĐẢM rút vào trong xe: Lạy đức bà Maria, lạy thánh Josef! Kattrin, hoà bình rồi! Thay bộ đồ đen[3] vào! Ta đi lễ. Mẹ con mình cho đến nay vẫn chưa làm lễ cho thằng Schweizerkas. Mà chẳng biết có hoà bình thật không?
CHÀNG TRAI: Mọi người đều bảo thế mà. Hòa bình được thiết lập rồi. Mẹ đứng lên được không? Bà lão đứng lên như mê. Bây giờ con sẽ mở lại cửa hàng làm yên ngựa. Con hứa với mẹ. Mọi chuyện sẽ lại đâu vào đấy. Những thứ này mẹ con ta lại đem về, bố sẽ lại có giường nệm đàng hoàng. Mẹ đi nổi không? Với tuyên úy: Mẹ tôi bị choáng. Vì cái tin mới đấy. Bà không tin rằng sẽ hòa bình. Còn bố tôi vẫn bảo là thế nào cũng sẽ có. Chúng tôi về nhà ngay đây. Hai mẹ con đi ra.
TIẾNG BÀ MẸ CAN ĐẢM: Cho bà ấy uống tí rượu!
TUYÊN ÚY: Họ đi rồi.
TIẾNG BÀ MẸ CAN ĐẢM: Có chuyện gì bên trại lính thế kia?
TUYÊN ÚY: Người ta đổ xô cả về đấy. Để tôi chạy sang xem sao. Tôi có nên mặc áo thầy tu không nhỉ?
TIẾNG BÀ MẸ CAN ĐẢM: Ông hãy hỏi cho kỹ trước khi ra mặt là dân phản Chúa[4]. Tôi mừng vì đã có hòa bình, dù bị sạt nghiệp. Có thể nói rằng ít ra tôi cũng đã nuôi được hai trong mấy đứa con qua hết cuộc chiến tranh. Bây giờ tôi sẽ được gặp lại thằng Eilif.
TUYÊN ÚY: Ai từ trại lính đi lại đây thế kia? Nếu không phải ông bếp của quan tư lệnh thì còn ai nữa!
ĐẦU BẾP hơi xơ xác, xách tay nải: Ai thế kia? A, ông tuyên úy!
TUYÊN ÚY: Bà Courage ơi, có khách!
Bà mẹ can đảm xuống xe.
ĐẦU BẾP: Hồi đó tôi có hứa sẽ tới hàn huyên một chút, khi nào rảnh rỗi. Tôi không quên món rượu của bà, bà Fierling ạ.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Lạy Chúa, ra là ông đầu bếp của quan tư lệnh đấy! Gớm, sau bao nhiêu năm! Thằng cả Eilif nhà tôi giờ ở đâu?
ĐẦU BẾP: Thế cậu ấy vẫn chưa tới à? Cậu ấy đi trước tôi và cũng định lại đây tìm bà mà.
TUYÊN ÚY: Tôi phải khoác cái áo thầy tu mới được, chờ nhá. Ra sau xe.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Thế thì nó sẽ đến ngay thôi. Gọi vào xe. Kattrin, anh Eilif về! Lấy một ly rượu mời ông bếp, con nhé! Kattrin không ló mặt. Kéo một mớ tóc phủ xuống là xong thôi mà! Ông Lamb đâu phải người lạ. Tự đi lấy rượu. Nó không muốn ló mặt, nó chẳng thiết gì hòa bình. Nó đã chờ hòa bình mỏi cả mắt. Bọn lính tráng đã đánh nó bị thương phía trên con mắt; lành lặn rồi, không thấy vết sẹo đâu nữa nhưng nó cứ nghĩ là mọi người luôn nhìn nó đăm đăm.
ĐẦU BẾP: Chà, chiến tranh! Cùng Bà mẹ can đảm ngồi xuống.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Ông bếp này, ông gặp lại tôi đúng lúc tai bay vạ gió. Tôi sạt nghiệp rồi.
ĐẦU BẾP: Sao cơ? Đúng là không may thật.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Hòa bình làm tôi phá sản[5]. Mới đây, vì nghe lời ông tuyên úy khuyên nên tôi liền mua hàng dự trữ. Bây giờ mọi chuyện trái ngược cả, thành thử tôi chết cứng trên đống hàng của mình.
ĐẦU BẾP: Làm sao mà bà lại đi nghe lời tay tuyên úy được chứ? Nếu hồi đó không phải chạy gấp thì tôi đã bảo bà phải cẩn thận đối với hắn rồi; chỉ tại bọn Thiên Chúa giáo ùa tới nhanh quá. Hắn chỉ được cái bẻm mép. Vậy là bây giờ hắn có tiếng nói với bà đấy.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Ông ấy rửa chén đĩa cho tôi và phụ kéo xe.
ĐẦU BẾP: Ngữ hắn mà kéo xe! Hắn lại chẳng sẽ kể bà nghe vài ba câu chuyện tiếu lâm ấy à, tôi rành hắn quá mà, hắn có một quan niệm không đứng đắn về đàn bà, tôi đã uổng công thuyết phục hắn. Hắn không đáng tin cậy.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Thế ông có đáng tin cậy không?
ĐẦU BẾP: Khi tôi chỉ còn trên răng dưới khố thì tôi đáng tin cậy. Mời bà!
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Đáng hay không cũng chẳng nghĩa lí gì. Đội ơn Chúa, tôi chỉ có được mỗi một lão đáng tin cậy thôi. Thành thử ở đâu tôi cũng chẳng phải làm gì hết trơn hết trọi, mùa xuân hắn lấy chăn của lũ trẻ đi bán, rồi hắn thấy cái kèn armonica của tôi là không hợp lẽ đạo. Tôi thấy ông chẳng nên khoe rằng mình đáng tin cậy.
ĐẦU BẾP: Tôi thấy bà vẫn rất miệng lưỡi, nhưng chính vì thế mà tôi coi trọng bà.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Ông chớ có bảo rằng đã mơ thấy tóc dính trên răng[6] tôi đấy!
ĐẦU BẾP: Mơ chứ! Còn giờ đây hai ta ngồi đây uống rượu của bà, nghe tiếng chuông hòa bình. Tài chuốc rượu của bà thật đã nổi tiếng.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Lúc này tôi chẳng ham gì tiếng chuông hòa bình. Tôi không biết họ sẽ lấy gì để trả lương còn nợ đám lính và tôi sẽ làm gì với thứ rượu nổi tiếng của mình? Các ông đã được trả lương chưa?
ĐẦU BẾP ngần ngừ: Chưa. Thành thử chúng tôi mới tan đàn rã đám. Tôi mới nghĩ mình ở lại làm gì nữa; trong khi chờ đợi hãy đi thăm bạn bè cái đã. Cho nên bây giờ tôi mới ngồi đối diện với bà.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Nghĩa là ông trắng tay.
ĐẦU BẾP: Họ nên từ từ ngừng rung chuông đi là vừa. Tôi rất muốn buôn bán chút gì đó, chứ hết ham làm đầu bếp cho họ rồi. Thiếu thốn đủ thứ mà tôi vẫn phải nấu nướng món gì đó[7] cho họ, để rồi bị hắt xúp nóng bỏng vào mặt. Nghề đầu bếp bây giờ khổ như chó. Thà là ra trận, thật đấy, nhưng khổ nỗi bây giờ hoà bình rồi. Viên tuyên úy xuất hiện, lúc này trong bộ áo thầy tu trước kia. Ta sẽ nói tiếp chuyện này sau vậy.
TUYÊN ÚY: Còn tốt chán, chỉ có vài chỗ bị mối nhấm thôi.
ĐẦU BẾP: Tôi không hiểu ông mất công mà làm gì. Người ta đâu cần đến ông nữa, bây giờ ông định cổ vũ ai để họ chịu hy sinh cho kẻ khác, xứng đáng với đồng lương? Ngoài ra, tôi còn có chuyện phải làm ra lẽ với ông, vì ông đã khuyên bà đây mua sắm hàng hoá vô bổ với lý do là chiến tranh sẽ kéo dài mãi mãi.
TUYÊN ÚY cáu tiết: Xin hỏi nó dính dáng gì tới ông?
ĐẦU BẾP: Vì như thế là ông vô trách nhiệm! Tại sao ông dám xía mõm vào chuyện làm ăn của người khác với những lời khuyên chẳng ai cần tới?
TUYÊN ÚY: Ai xía vô chứ? Với Bà mẹ can đảm: Tôi không biết bà là bạn chí thiết của ông đây và phải báo cáo với ông ta đấy.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Ông đừng vội nóng, ông bếp chỉ nói ra điều ông ấy nghĩ thôi mà, còn ông không thể chối cãi được là cuộc chiến tranh của ông chỉ là bánh vẽ thôi.
TUYÊN ÚY: Bà đừng nên phạm tội đối với hòa bình! Bà thật chẳng khác linh cẩu trên chiến trường.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Tôi là gì chứ?
ĐẦU BẾP: Ông mà nhục mạ bà bạn của tôi thì sẽ biết tay tôi đấy.
TUYÊN ÚY: Tôi không thèm nói với ông. Tôi biết tỏng ý đồ của ông mà. Với Bà mẹ can đảm:
Khi thấy bà đón chào hòa bình như thể lấy ngón tay cái và ngón trỏ nhón chiếc khăn cũ nhơ bẩn thì tôi phẫn nộ, vì lúc ấy tôi hiểu rằng bà không muốn hòa bình, chỉ ham chiến tranh, vì bà muốn trục lợi, nhưng bà chớ quên câu ngạn ngữ: “Muốn ăn sáng với quỷ, cần phải có cái muỗng thật dài!“[8]
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Tôi chẳng màng gì tới chiến tranh mà nó cũng chẳng màng tới tôi mấy. Dẫu sao tôi cấm ông không được gọi tôi là linh cẩu. Từ nay chúng ta đường ai nấy đi.
TUYÊN ÚY: Vậy tại sao bà lại trách móc hòa bình trong khi mọi người thở dài nhẹ nhõm? Chỉ vì mấy cái thứ đồ bỏ trong xe của bà ư?!
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Hàng của tôi không phải đồ bỏ, tôi sống nhờ vào chúng, cả ông cũng thế, cho đến nay.
TUYÊN ÚY: Nghĩa là sống nhờ chiến tranh! A ha!
ĐẦU BẾP với tuyên úy: Lớn đầu thì lẽ ra ông phải tự hiểu rằng không nên khuyên gì hết chứ. Với Bà mẹ can đảm: Hoàn cảnh đã thế này thì tốt hơn cả là bà bán tống bán tháo đi cho nhanh một số mặt hàng trước khi tụt giá. Bà thay quần áo rồi đi liền đi, đừng để chậm phút nào nữa.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Một lời khuyên chí lý. Tôi sẽ làm theo.
TUYÊN ÚY: Vì là của ông bếp khuyên mà!
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Thế sao ông không khuyên? Ông ấy nói đúng, tốt nhất là tôi nên ra chợ ngay. Đi vào trong xe.
ĐẦU BẾP: Ông tuyên úy, thế là tôi thắng ông một keo. Ông không nhanh trí. Lẽ ra ông phải nói thế này: ‘Tôi đã khuyên bà thật à? Tôi chỉ bàn chuyện thế sự thôi chứ!’ Ông chớ nên kình với tôi. Chuyện sửng cồ đấu đá không hợp với cái áo thầy tu của ông đâu!
TUYÊN ÚY: Ông mà không câm mõm thì tôi giết ông ngay, mặc kệ hợp hay không hợp.
ĐẦU BẾP tháo giầy ống, gỡ miếng giẻ quấn chân: Nếu như ông không trở thành một tay đê tiện vô thần vô thánh thì bây giờ hòa bình rồi ông vẫn dễ dàng phụ trách một họ đạo nào đấy. Chẳng ai cần đầu bếp vì chẳng còn gì để nấu với nướng, nhưng tín ngưỡng thì vẫn còn, chẳng có gì thay đổi cả.
TUYÊN ÚY: Ông Lamb, tôi phải năn nỉ ông đừng chèn ép tôi ra khỏi đây. Từ ngày đời mình xuống dốc[9] tôi đã trở thành một con người tốt hơn rồi, nên không thể nào còn thuyết giáo cho ai được nữa.
Yvette Pottier tới, mặc đồ đen, rất sang trọng, chống gậy. Nàng đã già đi nhiều, mập hơn, mặt bự phấn. Một người hầu theo sau.
YVETTE: Này, mấy người kia! Có phải Bà mẹ can đảm ở đây không?
TUYÊN ÚY: Chính phải! Chúng tôi hân hạnh được tiếp ai đấy ạ?
YVETTE: Bà đại tá Starhemberg. Thế Bà mẹ can đảm đâu?
TUYÊN ÚY gọi vào xe: Có bà đại tá Starhemberg muốn gặp bà đấy!
TIẾNG BÀ MẸ CAN ĐẢM: Tôi ra ngay!
YVETTE: Tôi là Yvette đây!
TIẾNG BÀ MẸ CAN ĐẢM: Chao ôi, Yvette!
YVETTE: Chỉ ghé thăm xem bà khoẻ không đấy thôi. Chợt nhận ra tay đầu bếp đang hoảng kinh quay mặt đi: Ơ kìa, Pieter!
ĐẦU BẾP: Yvette!
YVETTE: Hay thật! Mình tới đây bằng gì?
ĐẦU BẾP: Đi theo đoàn quân thôi.
TUYÊN ÚY: A, mấy người quen biết nhau à? Chí thân chứ?
YVETTE: Tôi nghĩ là thân. Nhìn tay đầu bếp: Phệ quá rồi.
ĐẦU BẾP: Mình cũng đâu còn thon thả gì nữa.
YVETTE: Đồ đê tiện, dẫu sao thì gặp lại mình tôi cũng rất vui. Vì tôi có dịp để nói ra những gì tôi đã nghĩ về mình.
TUYÊN ÚY: Bà cứ nói thật rõ vào, nhưng đợi Bà mẹ can đảm ra đã.
BÀ MẸ CAN ĐẢM ra với đủ thứ hàng hóa lỉnh kỉnh: Yvette! Hai người ôm nhau. Nhưng sao lại tang phục thế này?
YVETTE: Trông không hợp với tôi à? Chồng tôi, ông đại tá, đã mất cách đây vài năm.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Cái lão tí nữa thì mua cái xe của tôi ấy à?
YVETTE: Anh của lão ấy.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Thế thì cô sướng quá rồi! Ít ra cũng có được một người công thành danh toại trong chiến tranh.
YVETTE: Lên voi rồi xuống chó rồi lại lên voi thôi mà.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Ta không nên nói xấu những ông đại tá, họ kiếm tiền như nước!
TUYÊN ÚY với đầu bếp: Ở vào hoàn cảnh của ông thì tôi sẽ xỏ giầy lại đấy[10]. Với Yvette: Thưa bà đại tá, bà vừa hứa là sẽ nói những gì bà nghĩ về ông đây.
ĐẦU BẾP: Yvette, đừng gây chuyện ở đây mà.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Yvette, đây là một người bạn của tôi.
YVETTE: Chính là Pieter-tẩu đấy.
ĐẦU BẾP: Bỏ cái biệt danh đó đi! Tôi tên là Lamb.
BÀ MẸ CAN ĐẢM cười: Pieter-tẩu! Kẻ từng làm cho đàn bà mê mệt! Ông ạ, tôi vẫn giữ cái tẩu của ông đấy.
TUYÊN ÚY: Lại còn đem ra hút nữa cơ!
YVETTE: Thật may là tôi còn cảnh báo bà được. Hắn là con người bạc bẽo nhất suốt một giải bờ biển vùng Flandern. Có bao nhiêu ngón tay là bấy nhiêu người con gái đã bị hắn đem lại bất hạnh.
ĐẦU BẾP: Chuyện lâu rồi. Mà cũng không hề có thật nữa.
YVETTE: Đứng lên, khi một mệnh phụ phu nhân nói chuyện với mình! Tôi đã từng thương yêu hắn biết mấy! Vậy mà cùng lúc hắn đèo thêm một con nhỏ da đen chân vòng kiềng, tất nhiên hắn cũng đem lại bất hạnh cho cô ả.
ĐẦU BẾP: Xem ra thì tôi đã khiến mình gặp được hạnh phúc đấy chứ.
YVETTE: Câm mõm, đồ thân tàn ma dại! [Với Bà mẹ can đảm] Nhưng bà nên cẩn thận trước hắn đấy, một kẻ như hắn thì ngay cả lúc xuống dốc cũng vẫn nguy hiểm!
BÀ MẸ CAN ĐẢM với Yvette: Đi với tôi, tôi phải tống khứ hàng đi trước khi mất giá. Có thể cô giúp tôi được nhờ cô quen biết nhiều ở Trung đoàn. Gọi vào trong xe: Kattrin, không đi nhà thờ nữa, tao phải ra chợ. Khi thằng Eilif tới thì rót rượu cho nó uống.
Đi với Yvette.
YVETTE vừa quay đi vừa nói: Thật không ngờ con người như thế này lại đã từng khiến tôi lầm lạc! May nhờ tướng tinh của tôi tốt nên tuy vậy tôi vẫn leo lên cao được. Còn bây giờ tôi ngăn cản chuyện tồi bại của mình thì mai sau lên trời tôi sẽ được tính công đấy, Pieter-tẩu ạ.
TUYÊN ÚY: Tôi muốn lấy lời Chúa phán minh họa cho buổi trò chuyện của chúng ta: “Cối xay của Chúa nghiền từ từ.”[11] Thế mà ông lại đi phàn nàn về chuyện tiếu lâm của tôi!
ĐẦU BẾP: Tôi thật xui xẻo. Sự thật như thế này: tôi đói meo rồi nên hy vọng sẽ được một bữa ăn nóng sốt. Bây giờ tôi bị vu oan khiến bà ấy có cái nhìn sai lệch. Tôi nghĩ là mình nên cuốn gói trước khi bà ấy về là hơn.
TUYÊN ÚY: Thế là phải.
ĐẦU BẾP: Ông tuyên úy này, tôi đã lại ngán hòa bình tới tận cổ rồi. Loài người phải băng qua lửa gươm vì họ mang tội từ khi còn tấm bé[12]. Tôi ước chi lại được quay cho quan tư lệnh một con gà trống thiến béo căng, với sốt hạt cải và một ít củ cải vàng[13]. Chẳng biết giờ quan đang ở đâu.
TUYÊN ÚY: Bắp cải đỏ[14], ông ạ. Gà trống thiến phải ăn với bắp cải đỏ.
ĐẦU BẾP: Phải rồi, nhưng quan lại thích củ cải vàng cơ.
TUYÊN ÚY: Ông ấy chẳng biết gì sất.
ĐẦU BẾP: Thế mà ông vẫn cùng chén đẫy đó thôi.
TUYÊN ÚY: Tôi phải nhắm mắt nuốt đấy.
ĐẦU BẾP: Dẫu sao ông cũng phải đồng ý rằng hồi đó mới thật đáng sống.
TUYÊN ÚY: Có lẽ thế thật.
ĐẦU BẾP: Sau khi ông gọi bà ấy là linh cẩu thì ông đâu còn mong gì ở lại đây được nữa. Ông nhìn cái gì thế?
TUYÊN ÚY: Tay Eilif!
Eilif đi tới, có lính cầm giáo theo sau. Hắn bị trói, mặt mũi trắng bệch.
Cậu bị làm sao thế?
EILIF: Mẹ tôi đâu?
TUYÊN ÚY: Vào phố rồi.
EILIF: Nghe nói mẹ tôi hiện ở đây. Họ cho phép tôi được ghé thăm bà lần cuối.
ĐẦU BẾP với những người lính: Mấy người đưa hắn đi đâu?
MỘT NGƯỜI LÍNH: Không phải tới chỗ tốt lành rồi.
TUYÊN ÚY: Hắn phạm tội gì?
NGƯỜI LÍNH: Hắn đã xông vào cướp nhà một nông dân, giết chết bà vợ.
TUYÊN ÚY: Sao cậu lại có thể làm thế được?
EILIF: Tôi có làm gì khác trước kia đâu.
ĐẦU BẾP: Nhưng bây giờ là thời bình mà.
EILIF: Câm mồm! [Nói với lính] Tôi ngồi được không, đợi đến khi mẹ tôi về.
NGƯỜI LÍNH: Không có thì giờ.
TUYÊN ÚY: Trong chiến tranh người ta đã trọng thưởng y, y được ngồi ăn bên tay phải quan tư lệnh. Bấy giờ thì hành động này của y được xem là quả cảm! Có thể nào nói khó với sỹ quan quân pháp được không?
NGƯỜI LÍNH: Vô ích. Cướp bò của nông dân thì có gì là quả cảm?
ĐẦU BẾP: Dại dột quá!
EILIF: Nếu tôi dại thì tôi đã chết đói nhăn răng rồi, anh chỉ khôn cái miệng.
ĐẦU BẾP: Vì anh khôn nên sẽ mất đầu.
TUYÊN ÚY: Ít ra mình cũng phải gọi Kattrin ra để cô ấy biết chứ.
EILIF: Đừng gọi! Cho tôi một ngụm rượu thì hay hơn.
NGƯỜI LÍNH: Không có thì giờ đâu, đi!
TUYÊN ÚY: Thế chúng tôi phải nhắn gì cho mẹ cậu?
EILIF: Nói với mẹ tôi rằng tôi không làm gì khác cả, vẫn như hồi đó. Hay thôi, đừng nói gì hết với mẹ tôi. Đám lính giải hắn đi.
TUYÊN ÚY: Tôi cùng đi với cậu chặng đường khốn khó này.
EILIF: Tôi không cần cha cố.
TUYÊN ÚY: Cậu đâu biết được sẽ cần hay không. Đi theo.
ĐẦU BẾP gọi theo: Tôi sẽ phải kể cho bà ấy biết thôi, bà ấy còn muốn được gặp hắn mà!
TUYÊN ÚY: Ông đừng nói gì với bà ấy là hay hơn cả. Cùng lắm nói rằng cậu ấy có ghé đây và sẽ quay lại, chắc là mai. Rồi khi trở về tôi sẽ thuật lại cho bà ấy biết.
Vội vã đi. Tay đầu bếp lắc đầu nhìn theo, rồi băn khoăn đi quanh. Sau rốt hắn lại gần cái xe.
ĐẦU BẾP [với Kattrin]: Này, cô không chịu ra à? Tôi hiểu cô trốn tránh hòa bình. Tôi cũng muốn trốn đấy. Tôi là đầu bếp của quan tư lệnh, cô còn nhớ chứ? Tôi muốn hỏi cô có chút gì để ăn không cho đến khi mẹ cô về. Tôi chợt thèm một miếng thịt mỡ hơ khói, hay bánh mì cũng được, chỉ để nhai đỡ buồn trong lúc ngồi không thôi. Nhìn vào trong [nói với mình] Cô nàng trùm chăn kín đầu.
Phía sau có tiếng đại bác.
BÀ MẸ CAN ĐẢM chạy về, thở không ra hơi, vẫn còn hàng: Ông bếp, hòa bình lại tiêu rồi! Lại đánh nhau đã ba ngày nay. Tôi chưa kịp tống hàng đi thì nghe tin này. Đội ơn Chúa! Trong phố họ đang bắn nhau với phe Luther. Chúng ta phải kéo xe đi ngay thôi. Kattrin, gói ghém lại! Sao trông ông lúng túng thế! Có chuyện gì?
ĐẦU BẾP: Đâu có gì.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Có. Nhìn ông tôi biết.
ĐẦU BẾP: Có lẽ vì lại đánh nhau. Thành ra chắc tôi phải chờ đến tối mai mới có được chút gì ấm vào bao tử.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Ông bếp, ông nói dối.
ĐẦU BẾP: Eilif có tới đây, nhưng lại phải đi ngay.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Nó có ghé đây à? Thế là chúng ta sẽ gặp nó trên đường hành quân. Bây giờ tôi phải đi theo quân ta. Trông nó thế nào?
ĐẦU BẾP: Như xưa.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Nó chẳng bao giờ thay đổi. Chiến tranh không cướp nổi con trai tôi được. Nó rất khôn. Ông phụ tôi thu vén chứ? Bắt đầu gói ghém. Nó có kể gì không? Nó vẫn quan hệ tốt với quan tư lệnh chứ? Nó có kể gì về những hành động oanh liệt của nó không?
ĐẦU BẾP rầu rĩ: Tôi nghe nói là cậu ấy có lập lại một việc.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Lát nữa hãy kể, bây giờ ta phải đi. Kattrin xuất hiện. Kattrin, hoà bình lại tiêu rồi. Ta lại tiếp tục đi. Với đầu bếp: Thế ông tính sao?
ĐẦU BẾP: Tôi định đi đầu quân.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Tôi đề nghị... ông tuyên úy đâu rồi?
ĐẦU BẾP: Vào phố với Eilif.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Ông Lamb, vậy thì ông đi với tôi một đọan. Tôi cần được trợ giúp.
ĐẦU BẾP: Chuyện với Yvette...
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Nó chẳng làm xấu đi hình ảnh ông trong mắt tôi đâu. Ngược lại. Ở đâu có lửa, ở đấy có khói, người ta bảo thế mà. Vậy ông đi theo tụi tôi chứ?
ĐẦU BẾP: Tôi không từ chối.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Trung đoàn mười hai đã lên đường rồi đấy. Kéo càng xe thôi. Bánh mì đây. Ta phải đi vòng phía sau tới chỗ phe Luther. Có thể tối nay tôi được gặp thằng Eilif rồi. Nó là đứa tôi thương nhất. Hòa bình mới một lúc đã lại tiếp tục đánh nhau. Hát trong khi tay đầu bếp và Kattrin quàng dây kéo xe quanh người:
Từ Ulm[15] cho tới Metz[16], từ Metz tới Mähren!
Bà mẹ can đảm luôn có mặt!
Chiến tranh sẽ nuôi những ai sống nhờ vào nó
Nó chỉ cần thuốc súng và đầu đạn chì.
Nhưng nó đâu thể chỉ sống với chì
Cũng không thể chỉ với thuốc súng, nó cũng cần người!
Thế thì các người phải mau tới trung đoàn trình diện đi
Kẻo chiến tranh chết sớm! Tới ngay hôm nay đi!
Chú thích:
[1] Lützen: gần Leipzig - một thành phố lớn ở đông Đức ngày nay.
[2] Với Bà mẹ can đảm thì hoà bình là tai họa nên mới “nổ ra” (ausbrechen)!
[3] Quần áo màu xẫm là trịnh trọng, đề đi nhà thờ.
[4] Bấy giờ Tin lành bị coi là phản Chúa (Antichrist)!
[5] Nguyên văn: hòa bình làm tôi gẫy cổ. 
 
[6] Thành ngữ “Haare auf die Zähne haben” nghĩa là “người mồm miệng nanh nọc”, song – vì thất học - bà mẹ can đảm lại hiểu theo nghĩa đen: “tóc dính răng”.
[7] Nguyên văn: với rễ cây và da giầy.
[8] Ý nói: những kẻ muốn trục lợi qua chiến tranh hãy coi chừng, vì chính mình cũng có thể bị liên lụy - Năm 1953, khi vở kịch được trình diễn ở Kopenhagen (thủ đô Đan Mạch), Brecht đã viết trên một tờ báo Đan Mạch rằng khi soạn vở kịch, ông muốn qua câu châm ngôn này cảnh giác các nước Bắc Âu trước khuynh hướng hòa hoãn với Hitler để trục lợi. Quả nhiên, năm 1939 Đan Mạch kí hiệp ước không xâm phạm với Đức quốc xã, nhưng chưa đầy một năm sau Đức chiếm Đan Mạch mà không hề tuyên chiến.
[9] Cũng có nghĩa sa đọa.
[10] Xỏ xiên rằng tay đầu bếp bất lịch sự!
[11] Có lẽ tương tự câu: “Lưới trời lồng lộng” của ta.
[12] Theo đạo Cơ đốc: loài người mang tội tổ tông, vì tổ tiên (Adam và Eva) đã cãi lời Chúa Trời ăn trái cấm!
[13] Củ cải vàng: cà rốt (cách gọi của người miền nam nước Đức).
[14] Có một thứ bắp cải màu tím – không phải đỏ!
[15] Ulm: một thành phố công nghiệp lớn ở nam Đức hiện nay.
[16] Metz: một thành phố lớn ở đông bắc nước Pháp.