Dịch giả: LÊ CHU CẦU
Màn 4

Bà mẹ can đảm hát bài ca đầu hàng lớn[1].
Trước một lều sỹ quan.
Bà mẹ can đảm đứng chờ. Một viên thư lại trong lều ngó ra.
 
THƯ LẠI: Tôi biết mụ mà. Mụ đã chứa chấp một tên phụ trách quân lương của phe Tin lành. Mụ đừng khiếu nại thì hơn.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Tôi cứ khiếu nại. Tôi vô tội, nếu tôi cam chịu thì chẳng hoá ra là tôi nhận tội à. Họ đã dùng gươm phá nát mọi thứ trong xe tôi, lại phạt năm Taler chẳng vì chuyện gì hết thảy.
THƯ LẠI: Tôi khuyên mụ nên ngậm họng thì tốt hơn. Chúng tôi không có nhiều người theo đoàn quân bán hàng nên mới cho phép mụ tiếp tục buôn bán đấy, nhất là mụ lại có tội nữa, thỉnh thoảng phải nộp phạt là đúng rồi.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Tôi cứ khiếu nại.
THƯ LẠI: Tùy mụ. Vậy mụ chờ đấy cho đến khi quan đại úy kỵ binh có thì giờ. Quay vào lều.
LÍNH TRẺ giận dữ bước tới: Bouque la Madonne[2]! Tay đại úy kỵ binh chó chết đâu rồi? Nó quịt tiền thưởng của ông, đem nhậu sạch với đồng bọn. Nó sẽ chết với ông!
LÍNH GIÀ chạy theo: Câm mồm kẻo bị gông đấy.
LÍNH TRẺ: Ra đây, đồ ăn cắp! Ông sẽ xẻ thịt mày! Quịt tiền thưởng của ông, sau khi ông lặn ngụp dưới sông, ông là người duy nhất trong cả đoàn quân. Một ly bia ông cũng không mua nổi, ông đâu chịu dễ như thế. Ra đây để ông bằm thịt mày!
LÍNH GIÀ: Lạy Đức bà Maria, lạy thánh Josef, thế này thì hỏng mất.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Họ không trả anh ta tiền thưởng à?
LÍNH TRẺ: Buông tôi ra, tôi cho anh theo nó luôn, cho chết cả lũ.
LÍNH GIÀ: Cậu này cứu được con ngựa của ngài đại tá mà lại không được tiền thưởng. Cậu ấy còn trẻ, đi lính chưa lâu.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Buông anh ta ra, anh ta đâu phải chó để bị cột xích. Đòi tiền thưởng là phải. Nếu không anh ta lập công làm gì?
LÍNH TRẺ: Nhất định là nó chè chén trong kia! Tụi bay toàn là đồ chết nhát. Ông đã lập công xuất sắc nên đòi tiền thưởng.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Anh bạn trẻ, chớ có gào lên với tôi như thế. Tôi cũng có chuyện riêng để lo, với lại anh phải giữ giọng chứ. Anh sẽ cần tới nó khi quan đại úy kỵ binh tới đây. Kẻo lát nữa giọng anh khản đặc, nói không ra tiếng thì ông ta đâu biết nếp tẻ ra sao để mà ra lệnh cùm anh, cho đến khi anh chết khô vì uất. Những kẻ ngoác mồm gào thét như anh không gào lâu được đâu, chỉ nửa giờ là sẽ ngủ lăn quay vì kiệt sức thôi.
LÍNH TRẺ: Tôi không kiệt sức, cũng cóc buồn ngủ, chỉ đói thôi. Bánh mì chúng làm bằng quả đấu và hạt gai dầu để ăn bớt ăn xén. Nó đem tiền thưởng của tôi đi chơi gái, còn tôi đói. Nó sẽ chết với tôi.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Tôi hiểu cái chuyện anh đói. Năm ngoái quan tư lệnh của các anh đã ra lệnh cho lính tráng các anh bỏ đường cái, cứ nhè các cánh đồng mà băng qua, đạp nát lúa mì lúa mạch; nếu hồi đó tôi có giày ống để bán thì mỗi đôi bán được mười Gulden nếu lính tráng các anh có ai trả nổi mười Gulden. Ông ta tưởng rằng năm nay không còn đóng quân ở vùng này nữa, nhưng bây giờ ông ta vẫn còn đây và mọi người đói to. Tôi hiểu tại sao anh giận dữ.
LÍNH TRẺ: Tôi không chịu nổi, bà đừng nói nữa, tôi không chịu được sự bất công.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Anh có lý, nhưng được bao lâu? Anh không chịu nổi bất công được bao lâu? Một giờ hay hai? Thấy chưa, anh không tự vấn mình, tuy đó là điều cốt tử, tại sao, nếu như anh biết bị cùm sẽ khốn khổ lắm thì bấy giờ tự động anh chịu nổi bất công ngay.
LÍNH TRẺ: Tôi không hiểu tại sao lại chịu nghe bà nói. Bouque la Madonne! Thằng đại úy kỵ binh đâu rồi?
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Anh nghe tôi nói vì anh biết trước tôi sẽ nói gì với anh, rằng cơn giận dữ của anh đã tan biến rồi, nó chỉ như lửa rơm thôi, mà anh lại cần một cơn giận dữ dai dẳng, nhưng lấy đâu ra?
LÍNH TRẺ: Bà muốn nói là việc tôi đòi tiền thưởng không chính đáng chứ gì?
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Ngược lại. Tôi chỉ nói rằng cơn thịnh nộ của anh không đủ lâu, thành ra anh chẳng đạt được gì sất, thật đáng tiếc. Nếu nó dai thì tôi còn kích anh thêm nữa kìa. Lúc ấy tôi sẽ còn xúi anh xẻ thịt lão chó chết nữa cơ, nhưng nếu anh không dám xẻ thịt lão vì anh thun vòi lại thì sao? Lúc ấy còn trơ mình tôi, đành chịu để lão đại úy kỵ binh tóm cổ làm tình làm tội.
LÍNH GIÀ: Bà nói chí phải, cậu này chỉ lên cơn đồng bóng thôi.
LÍNH TRẺ: Đồng bóng à, để rồi xem tôi có bằm nó không. Rút kiếm. Nó mà tới là tôi bằm ngay.
THƯ LẠI thò đầu ra: Quan đại úy kỵ binh sắp tới ngay rồi. Ngồi xuống.
Người lính trẻ ngồi xuống.
BÀ MẸ CAN ĐẢM [nói trống không]: Anh ta ngồi xuống rồi. [Với người lính trẻ] Anh thấy tôi nói đúng chưa. Anh ngồi xuống rồi đấy. Đấy, bọn họ quá rành chúng ta và biết phải làm gì mà. Ngồi xuống! Chỉ cần ra lệnh như thế thôi là chúng ta ngồi cả xuống. Mà trong lúc ngồi thì đâu làm loạn được. Anh không nên đứng lên như đã đứng hồi nãy, đừng đứng lên làm gì. Anh chẳng cần phải xấu hổ trước mặt tôi, tôi đâu hay ho gì hơn anh, thật đấy. Họ đã làm chúng ta mất hết can đảm. Tại sao, tại vì nếu tôi hó hé thì việc làm ăn có thể sẽ bị phương hại. Tôi kể cho anh nghe về chuyện thỏa hiệp nhé. Hát bài ca đầu hàng lớn:
 
Hồi đang tuổi thanh xuân
Tôi cũng nghĩ mình có gì đặc biệt hơn người.
(Với dung nhan, tài nghệ và quyết tâm thành đạt
Chứ không giống như bất kỳ cô gái con người tiểu điền chủ[3] nào!)
Tôi đòi hỏi mọi chuyện không gì chê trách nổi[4]
Chẳng ai trục lợi được với tôi.
(Được ăn cả, ngã về không, chứ không thể thế nào cũng xong; thành công hay không là ở tự tay mình, tôi không để cho ai áp khuôn đặt phép!)
Thế mà có con chim sáo đậu trên nóc nhà
Đã hót rằng: cô cứ chờ vài năm rồi sẽ biết!
Rồi sẽ cùng đi trong đoàn ca nhạc
Bước đều, khi nhanh khi chậm
Và cô thử khẽ thổi kèn:
Rõ ràng kèn kêu rồi đấy.
Còn bây giờ, đằng sau quay!
Người ta tưởng rằng: mọi sự đã có Chúa an bài[5]
Làm gì có chuyện ấy!
Song chưa hết năm
Tôi đã phải nếm mùi cay đắng
(Một nách hai con, giá bánh mì cắt cổ, lại trăm thứ lo toan!)
Khi mà dàn nhạc không cần tôi nữa
Chúng bắt sao tôi cũng đành phải chịu.
(Mình phải biết thỏa hiệp với mọi người, đôi bên cùng có lợi, chứ không thể cứ cứng đầu cứng cổ được.)
Và con chim sáo trên nóc nhà
Hót rằng: chưa đầy một năm!
Rồi nàng sẽ cùng đi trong đoàn ca nhạc
Bước đều, khi nhanh khi chậm
Và rồi nàng thử thổi kèn:
Rõ ràng kèn kêu rồi đấy.
Theo ta, đằng sau quay!
Người ta tưởng rằng: mọi sự đã có Chúa an bài
Làm gì có chuyện ấy!
Tôi đã từng thấy nhiều người làm chuyện kinh thiên động địa
Sao trên trời họ cũng cho rằng sẽ với tới thôi.
(Người có tài sẽ thành công, có chí thì nên! Chúng ta sẽ làm nên chuyện.)
Nhưng ít lâu sau, chỉ cần vượt núi, trèo non
Đã thấy ngay mang một cái mũ rơm cũng là quá nặng.
(Cần phải lượng sức mình thôi[6]!)
Và con sáo trên nóc nhà
Hót rằng: chờ vài năm!
Rồi họ sẽ cùng đi trong đoàn ca nhạc
Bước đều, khi nhanh khi chậm
Và rồi họ thử thổi kèn:
Rõ ràng kèn kêu rồi đấy.
Theo ta, đằng sau quay!
Người ta tưởng rằng: mọi sự đã có Chúa an bài
Làm gì có chuyện ấy!
 
BÀ MẸ CAN ĐẢM nói với người lính trẻ: Thành ra tôi nghĩ rằng anh cứ việc ngồi chờ đây với thanh kiếm tuốt trần, nếu quả thật anh quyết thanh toán chuyện này và phẫn nộ của anh đủ lớn, vì anh có lý do chính đáng, tôi công nhận, còn nếu chỉ là lửa rơm thì tốt hơn anh nên đi ngay thôi!
LÍNH TRẺ: Nói thối bỏ mẹ! Bước thấp bước cao bỏ đi, người lính già đi theo.
THƯ LẠI thò đầu ra: Quan đại úy kỵ binh đã tới. Giờ thì mụ có thể khiếu nại được rồi đấy.
Chú thích:
[1] Đầu hàng số phận..
[2] Bouque la Madonne (tiếng Pháp): một câu chửi tục..
[3] Häuslertochter: con gái người lãnh lương công nhật, có được mảnh đất con con
[4] Suppe ohne Haare: xúp không vương tóc. Nghĩa bóng thường hiểu: (làm) việc gì đó không ai chê trách được chút nào.
 
[5] Ngạn ngữ Đức có câu: “Der Mensch denkt, Gott lenkt” nghĩa cũng như “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Brecht đã tài tình thay dấu phẩy bằng dấu hai chấm “Der Mensch denkt: Gott lenkt” làm thay đổi hẳn nghĩa, thành “Người ta tưởng rằng: Chúa đã an bài”, nhưng “làm gì có chuyện ấy!”
 
[6] Sich nach der Decke strecken: lượng sức.