VÕ TẮC THIÊN
- 3 -
Mũ hoàng đế dệt bằng máu

    
ù đã chuẩn bị nhiều lần như vậy, việc Võ Tắc Thiên muốn làm hoàng đế, không phải là việc dễ.
Theo lý, sau khi hoàng đế băng hà ngôi báu sẽ do hoàng tử kế vị. Võ Tắc Thiên có bốn người con, có ba người từng là thái tử. Người thứ nhất là Lý Hoằng. Từ tháng giêng năm Hiển Khánh thứ nhất (năm 656), Lý Hoằng được phong là thái tử, nhưng Lý Hoằng đã mất vào tháng tư năm Thượng Nguyên thứ hai (năm 675). Nhiều người nói, Lý Hoằng đã bị Võ Tắc Thiên hại chết. Đã chết thì làm gì còn người để đối chứng, huống hồ sức khỏe của vị thái tử này vốn cũng rất tồi, ngay vào năm được phong là thái tử, Lý Hoằng đã ốm nặng, “ngự y đã phải bó tay”. Vào năm Hàm Hanh thứ hai (năm 671) Lý Hoằng được giao quyền giám quốc, nhưng vì nhiều bệnh, nên bọn Đới Chí Đức đã phải giải quyết việc triều chính. Vì vậy, có thể coi là Lý Hoằng ốm chết.
Vị thái tử thứ hai là Lý Hiền. Lý Hiền được lập vào năm Thượng Nguyên thứ hai (năm 675), bị phế vào năm Vĩnh Long thứ nhất (năm 680). Việc Lý Hiền bị phế vẫn còn là một nghi án. Chúng ta chỉ biết hai mẹ con họ rất hay nghi ngờ lẫn nhau. Có người cho là Lý Hiền đã tổ chức danh Nho chú giải “Hậu Hán thư”, luôn nói về hậu phi, ngoại thích can dự chính sự, phạm vào điều kiêng kỵ của Võ Tắc Thiên; cũng có người nói, điều cơ bản vì Lý Hiền không phải con đẻ của Võ Tắc Thiên, mà là con riêng của Lý Trị và chị gái của Võ Tắc Thiên, là Hàn Quốc phu nhân. Tóm lại, Lý Hiền bị tố giác là mưu phản, người ta tìm thấy binh khí và hàng trăm bộ giáp phục trong cung điện của Lý Hiền. Vị thái tử đáng thương này bị phế thành thứ dân và chết ở Ba Châu vào năm Tự Thánh thứ nhất (năm 684).
Chứng cứ là hàng trăm binh khí và giáp phục, e chưa đủ. Với số vũ khí trang bị ít ỏi, có thể mưu và phản cái gì? Vì vậy, số chứng cứ “xác thực” đó khác gì hình người gỗ tìm thấy trong cung Vương hoàng hậu. Hoàn toàn có hai khả năng. 1. Võ Tắc Thiên sai người làm. 2. Một người khác đã làm, mong hai mẹ con họ sẽ đấu nhau, mình là ngư ông được lợi. Nhưng nếu Võ Tắc Thiên không hề nghi ngờ đứa con của mình, thì làm sao có thể gài tang vật vào cung điện. Hơn nữa, nếu đó là vật Lý Hiền giấu riêng, cũng sẽ không dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như vậy. Thực tế thì, nếu Võ Tắc Thiên không có ý phế thái tử thì sẽ không có người đứng ra tố cáo thái tử, càng không có ai dám đến khám xét phủ đệ của thái tử. Rõ ràng, Lý Hiền đã phải chết vì bị Võ Tắc Thiên nghi ngờ.
Không có bất kỳ một chứng cứ chứng minh Võ Tắc Thiên hãm hại thái tử Hiền, hại chết thái tử Hoằng. Nhưng có thể khẳng định, Võ Tắc Thiên nghi kỵ, thậm chí là thù hận hai đứa con của mình. Vì lúc đó quần thần trong triều đều coi trọng hai vị thái tử này. Lý Trị từng nói với các vị thần: “Hoằng nhân hiếu, coi trọng đại thần, xưa nay chưa từng có”. “Tư Trị thông giám” cũng nói, Lý Hoằng nhân hiếu, biết giữ lễ, “được trên quý mến” và “trong ngoài kỳ vọng”. Đương nhiên, Võ Tắc Thiên không thích điều đó. Võ Tắc Thiên hy vọng, trong ngoài luôn kỳ vọng ở mình, không phải ở bất kỳ người nào khác. Vì vậy, Lý Hoằng đột nhiên qua đời, khi đó có người nghi là chính Võ Tắc Thiên đã hại chết con mình - “Người thời đó cho là Thiên hậu đã giết người bằng rượu độc”.
Sau khi Lý Hoằng mất, mọi người lại chuyển sang ủng hộ Lý Hiền. Vì khi đó, mọi người đều thấy rõ, dã tâm của Võ Tắc Thiên là không nhỏ, từ lâu Lý Trị đã buông lơi quyền lực. Hơn nữa, sức khỏe của Lý Trị đã suy sụp, tính cách lại nhu nhược, dù muốn đoạt lại chính quyền, chỉnh đốn triều cương cũng không làm được. Vì vậy, mọi người mới hỵ vọng vào thái tử mới. Và Lý Hiền cũng không phụ lòng mong mỏi của họ. Lý Hiền dung mạo tuấn tú, cử chỉ đoan trang, từ nhỏ đã thích đọc sách, đọc xong là nhớ. Lý Hiền còn chủ trì việc chú giải “Hậu Hán thư”, trình độ cao, đến nay vẫn đầy quyền uy. Danh tiếng Lý Hiền nổi như cồn. Triều đình đã nhất trí cho rằng, Lý Hiền sẽ thừa kế ngôi lớn, làm chủ nhà Đường. Thậm chí Lý Trị còn nói với Lý Thế Tích: “Đứa trẻ này rất nghiêm minh, không hổ là tài năng dựng nên nghiệp lớn”. Nếu mấy đứa khác đều được như Lý Hiền thì “Đại Đường hết phải lo!”.
Đại Đường hết lo, Tắc Thiên lại lo. Võ Tắc Thiên tùng nếm mùi độc chiếm đại quyền, nên không thích có người cầm gậy trên đầu mình. Vừa khéo lúc đó lại có án Minh Sùng Nghiêm bị giết. Minh Sùng Nghiêm là kẻ luôn giả thần giả quỷ để chữa bệnh cho mọi người, nghe đâu hắn cũng có biết một chút ma thuật. Nghiêm từng nói với Võ Tắc Thiên, thái tử Hiền tướng mệnh không tốt, không thể kế thừa, nên lập người khác như Anh vương Lý Hiển hoặc Tương vương Lý Đán. Sau này, Minh Sùng Nghiêm bị người khác giết mộr cách rất thần bí. Nhân viên xét án liền cho bắt Triệu Đạo Sinh để xét hỏi. Sinh là đối tượng đồng tính luyến ái với Lý Hiền. Sinh khai, Lý Hiền đã mua chuộc và sai bọn đạo tặc đến giết. Mọi tình tiết của vụ án đều hết sức chặt chẽ, không có sơ hở. Nhưng có thể khẳng định: Hoặc một tay Võ Tắc Thiên đã tạo ra án oan này, hoặc Võ Tắc Thiên đã lợi dụng án Minh Sùng Nghiêm, rồi tác động thêm. Và Võ Tắc Thiên đã đạt được mục đích.
Có thể, Lý Hiền nên đọc sách ít đi một chút. Lý Hiền không nên cướp mất vở diễn của Võ Tắc Thiên khi Võ Tắc Thiên đang muốn làm đẹp vai diễn của mình. Lý Hiền chỉ biết thái tử có thể là hoàng đế, nhưng chưa biết ngay cả hoàng đế cũng có thể bị phế bỏ, huống chi chỉ là thái tử?
Lý Hiển là vị thái tử thứ ba, đã bị phế khi còn ở ngôi hoàng đế. Thằng cha này là kẻ khốn nạn, là bao cỏ. Lý Hiển nhút nhát, háo sắc, sợ vợ, kém cỏi hơn cả cha mình. Lý Trị tuy có yếu đuối một chút, nhưng xưa nay vẫn là người tự biết mình, luôn thận trọng thoả đáng trong đối nhân xử thế, vì vậy mới có mộr ít uy vọng. Ngược lại, Lý Hiển không biết được mình nặng nhẹ mấy cân mấy lạng. Vừa lên đài được vài hôm, ngồi chưa nóng chỗ, đã vội bợ đỡ nghe theo vợ, muốn để bố vợ là Vi Huyền Trinh làm tể tướng. Tể tướng Bùi Viêm không bằng lòng, vị hoàng đế hồ đồ kia liền nói: “Đất nước là của trẫm, trẫm muốn cho ông ta cả thiên hạ thì có gì là ghê gớm, huống hồ chỉ là để ông ta làm thị trung?”. Điều đó, không chỉ làm Võ Tắc Thiên bực bội, không thể dung, mà những người khác cũng hết cách để tiếp nhận. Hơn nữa đây còn là lời nói tức giận, nên nhẫn nhịn sao được. Vì vậy, anh chàng này chỉ làm hoàng đế được vài tháng, đã bị Võ Tắc Thiên và Bùi Viêm lôi ra khỏi bảo toạ.
Trên thực tế, Lý Hiển cũng không thể coi là vua. Năm Thần Long thứ nhất (năm 705), sau khi Võ Tắc Thiên thoái vị, Hiển lại làm hoàng đế, cuối cùng thì chết oan. Vì Vi hoàng hậu muốn học theo mẹ chồng làm nữ hoàng, con gái là công chúa An Lạc muốn làm hoàng thái nữ. Họ hợp mưu cho thuốc độc vào bình rượu, nhằm đưa vị hoàng đế kia đến Tây Thiên. Truy Tông Lý Hiển - con dê đuôi to, đầu óc ngu muội, đem cả đời mình gửi vào ba người đàn bà yêu quý nhất: Mẹ ruột Võ Tắc Thiên, vợ yêu Vi hoàng hậu và con gái cưng Lý Quả Nhi. Thực dễ hiểu, dẫu Võ Tắc Thiên không phế hắn thì hắn cũng không thể là hoàng đế tử tế được.
Hoàng đế kế tiếp là Duệ Tông Lý Đán một người thông minh. Lý Đán dứt khoát không lên triều, mọi việc triều chính giao hết cho mẫu hậu xử lý, nói mình còn ít tuổi, chưa hiểu việc (năm đó Đán hai mươi hai tuổi), mình vô đức vô tài, chưa thể nắm được việc nước. Hai năm sau, Võ Tắc Thiên đề xuất trả lại ngôi vị cho Lý Đán, Đán khấu đầu, chịu chết chứ không nhận. Việc đã đến nước này thì sớm hay muộn, Võ Tắc Thiên cũng phải tìm người khác thay cho Lý gia.
Nhưng Võ Tắc Thiên cũng chẳng vội vàng đội lên đầu chiếc mũ hoàng đế.
Võ Tắc Thiên không phải là người nhẹ dạ manh động (đó là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến bà thành công). Bà thừa hiểu, việc mà bà muốn làm là việc xưa nay, dưới gầm trời này chưa hề có. Ở Trung Quốc, xưa nay chưa hề có người đàn bà nào là hoàng đế, là nữ mà chấp chính nắm quyền đã là “bất hợp pháp”. Muốn vậy, cần có vật đệm, có chuẩn bị, làm cho mọi người thay đổi cách suy nghĩ và cũng cần biết nhẫn nhịn, chờ đợi, nhìn trước ngó sau. Võ Tắc Thiên có thể làm được như vậy, bà nhẫn nại, biết kìm nén, nhưng không thể chờ đợi quá lâu, vì bà đã sáu mươi mốt tuổi.
Thực tế thì tình hình lúc đó cũng không cho phép bà được nhàn nhã, nhìn trước ngó sau. Đấu tranh về quyền lợi, xưa nay vẫn là cuộc đấu tranh một sống một chết, nhất là thay triều đổi đại, càng không phải là thêu hoa dệt gấm. Sau khi Cao Tông qua đời, đế vị bị bỏ trống đã thành vấn đề hết sức nhạy cảm, vở diễn treo đầu dê bán thịt chó đã hết thời. Võ Tắc Thiên đứng trước hai lựa chọn: Nên chăng trả lại chính quyền cho con, để con Lý Trị đi bán thịt dê; hay trưng biển hiệu cửa hàng Võ gia, công khai bán thịt chó. Võ Tắc Thiên rất hiểu, mọi người đang chờ xem bà trộn bài, thậm chí còn rất nhiều người đang mài dao, trừng trừng nhìn bà bằng mắt hổ.
Người thứ nhất công khai nhảy ra thách đấu với Võ Tắc Thiên là Từ Kính Nghiệp. Ngày hai mươi chín tháng chín năm Tự Thánh thứ nhất (năm 684) cũng tức là hơn bảy tháng sau khi Trung Tông Lý Hiển bị phế, hơn sáu tháng sau khi Chương Hoài thái tử Lý Hiền tự sát, Từ Kính Nghiệp cất quân ở Dương Châu, tuyên bố sẽ lật đổ “nguỵ chính quyền” của Võ Tắc Thiên bằng vũ lực. Từ Kính Nghiệp là cháu của Lý Thế Tích. Lý Thế Tích được Thái Tông hoàng đế ban họ Lý, lúc đó, Từ Kính Nghiệp cũng được gọi là Lý Kính Nghiệp, có điều, lúc này Lý Kính Nghiệp đã trở mặt với Võ Tắc Thiên, Võ Tắc Thiên liền phẫn nộ tuyên bố Kính Nghiệp không còn tư cách là họ Lý. Từ Kính Nghiệp cũng thẳng thắn tuyên bố, để chú là Lý Tư Văn (hiện đã bị Kính Nghiệp bắt) đã không chịu cùng Kính Nghiệp khởi binh đánh Võ Thị mang họ Võ. Xem ra, Từ Kính Nghiệp và Võ Tắc Thiên đã giống nhau về điểm này. Lý là họ của hoàng gia, họ cao quý, lẽ nào lại để cho “tên giặc” mang họ đó? Lý Kính Nghiệp phản bội triều đình, đương nhiên là nên mang họ Từ; Lý Tư Văn đã theo chân Võ Thị, nên cứ để cho Tư Văn mang họ độc ác ti tiện là Võ Tư.
Việc tranh giành họ là việc đáng buồn cười ở ngày nay, nhưng lúc đó lại là việc rất nghiêm túc. Cả hai bên đều tuyên bố với cả nước, để tỏ mình là đường đường chính chính. Kỳ thực, Từ Kính Nghiệp mang họ gì đều không quan trọng, điều quan trọng là, hành động lần này của Kính Nghiệp, hình như vừa mở đầu đã có dấu hiệu thất bại. Ngay từ đầu, Kính Nghiệp đã không có chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức, quân lính và tài chính, chỉ là mấy vị quan thất ý, mấy văn nhân lạc lõng, sau khi tụ lại với nhau đã ầm ĩ, khẳng khái trần rình và vội vã khởi binh, nói mạnh rằng, sẽ lật đổ cả thiên hạ, như vậy thì thất bại là đúng.
Nhưng Từ Kính Nghiệp đã không nghĩ tới những điều đó. Mở đầu, Từ Kính Nghiệp rất vênh váo. Từ Kính Nghiệp mời Lạc Tân vương viết hịch văn, mắng mỏ chửi rủa Võ Tắc Thiên, tuyên truyền cổ động bàn dân thiên hạ. Lạc Tân Vương không hổ là một trong “Sơ Đường tứ kiệt”, văn phong thực kỳ lạ. Lạc Tân vương là người bất đắc chí, u uất lâu ngày, bị phẫn cộng với thù riêng, nộ khí từ hịch văn bốc lên ngùn ngụt, khiến trời sầu đất thảm, quỷ thần phải rơi lệ. Dưới ngòi bút của Lạc Tân vương, Võ Tắc Thiên là loại người chẳng ra gì, bản tính bất lương (không hoà thuận), xuất thân ti tiện (thực chất là hàn vi), che giấu lịch sử (giấu việc vụng trộm trước tiên đế), trà trộn vào cung Cao Tông (mưu toan thành người được o bế ở hậu phòng). Vừa vào cung đã lộ đuôi con hồ lỵ (mọi người ghen ghét, người đẹp không nhường; khép nép gièm pha, hồ mị mê hoặc chủ). Một khi có quyền lực là bản tính lang sói lộ ra (cặp kè kẻ xấu, tàn hại trung lương, giết em hại anh, giết vua hại mẹ). Thực là vô cùng ác độc, không thể tha, lẽ ra trời đất phải tru diệt từ lâu rồi (nhân thần đều ghét, trời đất không dung)! Huống chi, lúc này Võ Tắc Thiên đang mưu đồ lật đổ Đại Đường, hòng cướp đế vị, khiến linh hồn tiên đế không được yên nghỉ, các con yêu của tiên đế không được yên thân (một tảng đất chưa khô, đứa con côi cút sáu thước, biết gửi gắm cho ai), đúng là “chuyện này có thể nhẫn nhịn, thì còn có chuyện gì không nhịn được nữa đây” (tột cùng của sự nhẫn). Từ Kính Nghiệp là “cựu thần hoàng Đường, con trưởng của công hầu”, đã “thờ tiên quân để thành nghiệp”, lại “nhận hậu ân của triều đình”, đương nhiên không thể thấy chết không cứu, buông tay ngồi nhìn. Để “thuận theo lòng người, hợp ý thiên hạ”, Kính Nghiệp giương cao ngọn cờ chính nghĩa, tập kết vũ trang trừ yêu. Đây thực là một lực lượng hùng mạnh! “Nam liền Bách Việt, bắc tận sơn hà, thiết kỵ thành đàn, cơ giới liên tiếp”. Đấy thực là đạo quân uy vũ! “Tiếng người đông làm nổi gió bắc, mũi kiếm sác đã bình miền nam, lời thì thầm làm tuyết tan trên đỉnh núi, tiếng la thét làm gió mây phải đổi màu”. Một lực lượng không ai thắng nổi (lấy đó đánh địch, địch nào không lui). Một đội quân như vậy sẽ không có đối thủ (lấy đó đánh thành, thành nào không đổ). Mong được thắng lợi thì thắng lợi đã rõ ràng. Không tin, “thử xem, nay trong thành, thiên hạ là của nhà nào!”.
Đây đúng là bài hịch văn tinh tế nhất, xuất sắc nhất trong lịch sử Trung Quốc, lời hịch đanh thép, khí thế ngời ngời, ngay cả Võ Tắc Thiên, đọc xong cũng vỗ bàn khen hay, một nhân tài như thế này mà chưa được phát hiện, thực là “sai lầm của rể tướng”. Phản quân của Từ Kính Nghiệp tự nhiên được hời, thành quân của người nhân, quân chính nghĩa, quân uy vũ, quân thắng lợi. Đáng tiếc, vũ khí phê phán không thể thay cho phê phán bằng vũ khí. Đội quân ô hợp Từ Kính Nghiệp tạm có được không thể là đối thủ của thiên binh vương triều. Chỉ qua mấy hiệp đã bị đánh cho tơi bời khói lửa, phải trốn chạy.
Kỳ thực, vết tích bại trận của Từ Kính Nghiệp đã hiện rõ ngay trong lời hịch của Lạc Tân vương. Trong lời kết của hịch văn Từ Kính Nghiệp có hứa: “Cùng chỉ sơn hà, sẽ thưởng tước vị”. Ý muốn nói, Từ mỗ xin đảm bảo với mọi người, chỉ cần các vị tham gia hành động của Từ mỗ, vậy, sau khi thành công, mọi tước vị sẽ được phong thưởng, lúc này có thể chỉ sơn hà làm tư. Khẩu khí như vậy, là cả miền núi sông rộng lớn này, lúc đó đã trở thành của Từ Kính Nghiệp, đây chính là cuồng vọng, kiêu binh tất bại? Chưa nói tới chuyện, lúc đó thắng bại còn chưa rõ, và dù tương lai có thắng lợi, quan tước không phải một mình Từ Kính Nghiệp phong, ân vinh cũng không phải một mình Từ Kính Nghiệp thưởng, về mặt lý luận, đó là việc của hoàng thượng. Bằng khẩu khí của hoàng đế, Từ Kính Nghiệp đã nói như vậy, chẳng phải đã để lộ dã tâm của lang sói, muốn xưng vương, xưng đế? Từ Kính Nghiệp tiến đánh Võ Tắc Thiên, nếu nói ít nhiều có chút khả năng thắng lợi, như vậy mới có được chữ “nghĩa”. Lúc này đã lấy lợi thay nghĩa, vốn chính trị đã mất, còn lại tự chuốc lấy diệt vong.
Thực tế thì Từ Kính Nghiệp bại chính là bại ở điểm này. Quân sư Nguỵ Tư Ôn từng nói với Từ Kính Nghiệp, chúng ta phải lấy việc giúp vua, khôi phục Đường thất để hiệu triệu, cần phải trực tiếp lấy Lạc Dương, tranh thủ để người thiên hạ vùng lên hưởng ứng. Nhưng Từ Kính Nghiệp vẫn không thể chống lại sự cám dỗ của cái gọi là “Kim Lăng vương khí” và căn cứ địa xưng vương, không chịu đánh về hướng bắc, lại cho quân tiến về hướng đông. Kết quả, bị bại trận, trên đường chạy về phía Cao Lỵ, liền bị bộ hạ giết chết. Từ Kính Nghiệp chỉ âm ỉ được chừng bốn, năm mươi hôm rồi thân bại danh liệt, chỉ có thể nói là đáng đời.
Trước lúc Võ Tắc Thiên loại bỏ tư cách họ Lý của Từ Kính Nghiệp một hôm, tức là ngày mười tám tháng mười năm Tự Thánh thứ nhất, tể tướng Bùi Viêm bị chém oan và cũng không oan.
Bùi Viêm chết vì tội mưu phản. Chứng cứ là Bùi Viêm có tiếp xúc với phần tử phản loạn là Lạc Tân vương, còn có thư từ qua lại với Từ Kính Nghiệp. Nghe nói, để Bùi Viêm mang tội mưu phản, Lạc Tân vương đã soạn một câu ca dân gian “nhất phiến hoả, lưỡng phiến hoả, phi y tiểu nhi đương điện toạ”, và giải thích là: “Phi y” là Bùi, “nhất phiến hoả, lưỡng phiến hoả” là Viêm, “tiểu nhi” là Tử Long (tự của Bùi Viêm), “đương điện toạ” rõ ràng là làm hoàng đế, như vậy đã kích thích lòng dạ muốn phản của Bùi Viêm. Lại nghe nói, trong thư Bùi Viêm gửi cho Từ Kính Nghiệp chỉ có hai chữ “thanh nga”, Võ Tắc Thiên đã đoán ra tháng mười hai (thanh), ngã tự dữ (nga)”, tức là vào tháng mười hai, Bùi Viêm sẽ phát động chính biến ở triều đình, hưởng ứng quân Dương Châu. Tóm lại, theo cách nói đó, Bùi Viêm có động cơ phạm tội, sự thực có phạm tội, chứng cứ rành rành, không cho phép giải thích, phải giết.
Kỳ thực, Bùi Viêm không cùng đường với Từ Kính Nghiệp. Bùi Viêm cảnh giác với con người này, ông không muốn dây vào việc Từ Kính Nghiệp muốn làm. Mục đích của Từ Kính Nghiệp, lật đổ Võ thị, tự xưng vương. Mục đích của Bùi Viêm, buộc thái hậu thoái vị, hoàn trả chính quyền cho Duệ Tông. Họ có điểm chung là lật Võ nhưng điểm khác nhau quá lớn. Bùi Viêm phản đối vũ trang phản loạn, càng không muốn để Từ Kính Nghiệp trở thành vấn đề. Bùi Viêm dự định cùng Trình Vụ Đỉnh tiến hành binh gián với Võ Tắc Thiên, giống như lấy sự kiện của Trương Học Lương, Dương Hổ Thành đối với Tưởng Giới Thạch. Có điều, Trương, Dương đã thành công, còn Bùi và Trình thì không thành. Nguyên nhân không thành công vì vận khí không may. Họ định nhân lúc Võ Tắc Thiên du ngoạn Long Môn “cho quân ra ép”, buộc Võ Tắc Thiên phải trao trả chính quyền. Chỉ vì hôm đó xấu trời, mưa liên miên, không thể thực hiện được kế hoạch.
Vì vậy, lúc Từ Kính Nghiệp khởi binh ở Dương Châu, có thể nói, Bùi Viêm có hai tâm trạng: “một là vui, hai là sợ”. Vui vì, cuối cùng đã có người công khai khiêu chiến với quyền uy của Võ Tắc Thiên, có thể bà ta sẽ không thể độc quyền chuyên chế nữa. Sợ vì, một khi cuộc chiến bắt đầu, sẽ rất khó để ổn định thời cuộc. Hơn nữa, chưa biết phải làm gì để đối phó với hoàng thái hậu túc trí đa mưu hiện nay hoặc với Từ Kính Nghiệp nắm trọng binh sau này. Nhưng đây là một cơ hội tốt trời ban, ngàn năm mới có một lần, có thể ngồi chơi hương lợi, nên Bùi Viêm không thể bỏ mặc. Bùi Viêm quyết định chơi ván bài này. Bùi Viêm liên nói với Võ Tắc Thiên: Hoàng đẽ tuổi cao, không tự nắm chính trị, nên bọn phỉ mới có cơ làm càn. Nếu thái hậu trả lại chính quyền cho hoàng thượng, thần cho rằng bọn phản quân không đánh cũng tan”.
Bùi Viên chơi nước cờ hiểm. Bài tính như ý của Bùi Viên như sau: Mình binh gián không thành, nay có thể mượn quần của Từ Kính Nghiệp. Nay mượn quân của Từ Kính Nghiệp, buộc Võ Tắc Thiên phải hạ màn, sau lại dùng quân của Võ Tắc Thiên ép Từ Kính Nghiệp phải nhận sai. Chỉ cần thái hậu thoái vị, hoàng đế lên triều, hành động quân sự của Từ Kính Nghiệp sẽ là ra quân vô danh, nếu cứ kiên trì tiếp tục sẽ là mưu phản. Lúc đó không nói là “không đánh cũng tan”, và dù có đánh thì cũng dễ dàng hơn nhiều. Và bất luận là quân không đổ máu vẫn bình được phản loạn hay là không động can qua vẫn thu được triều chính. Bùi Viêm luôn là anh hùng cái thế, danh thần ngàn thu. Huống chi, cách nói của Bùi Viêm không phải là không có lý. Từ Kính Nghiệp không có bụng phản Đường thì ngược lại, y sẽ ra quân dưới cờ hiệu hồi phục Đường thất. Vậy, nếu hoàng đế trở lại triều chính, lẽ nào Từ Kính Nghiệp lại không cuốn cờ, yên trống, phủ phục xưng thần?
Rất tiếc, không dễ gì gạt được Võ Tắc Thiên. Bà không thay đổi sắc mặt còn cười thầm trong bụng: Trẻ tuổi lại dám giơ ngón này với bà già! Không đánh cũng tan? Thiên hạ làm gì có phản tặc không đánh cũng tan! Đại quân ra trận, chắc gì đã bình được! Bùi Viêm ngươi đầu óc tỉnh táo, kinh nghiệm chính trị phong phú, lẽ nào không hiểu được điều đó? Lẽ nào không thấy được mục đích thực của Từ Kính Nghiệp là “cùng chỉ sơn hà, sẽ thưởng tước vị” sao? Dù ta có hoàn trả chính quyền cho hoàng đế, Từ Kính Nghiệp lại sẽ mượn cớ “hoàn chính là giả”… để tiếp tục hưng binh làm loạn. Xem ra, gọi là “không đánh cũng tan” là giả, muốn bà già này hạ màn mới là thật. Chẳng trách ngươi chẳng hứng thú gì với việc đánh lại phản tặc. Đối với loại ngươi này, Võ Tắc Thiên xưa nay chưa bao giờ nhẹ tay. Bùi Viêm và Từ Kính Nghiệp chẳng phải nam bắc cùng hô ứng, một bên hát một bên hò sao? Vậy được, dù ngươi là kẻ phụ hoạ, là kẻ nội ứng, hoặc giậu đổ bìm leo, đục nước béo cò, bà già nay cứ giết ngươi trước, tránh hoạ ở kề bên, có tránh cũng chẳng kịp. Cho nên, không một chút do dự, Võ Tắc Thiên đã đưa Bùi Viêm lên đoạn đầu đài. Sau khi bình định phản loạn Dương Châu, Vỗ Tắc Thiên cho chém Trình Vụ Đỉnh trước ba quân.
Án phản của Bùi Viêm đã chấn động cả triều dã. Không mấy người tin Bùi Viêm mưu phản là thật. Vì ai cũng hiểu Bùi Viêm bị bắt, theo lệ còn phải khám nhà. Nhưng thật lạ, đường đường là tướng phủ, mà trong nhà sạch trơn, không có một thứ gì! Trình Vụ Đỉnh lại càng oan uổng. Một đời là công thần, là danh tướng Đại Đường, Trình Vụ Đỉnh không những không mưu phản mà luôn anh dũng tác chiến bảo vệ biên cương, quân thù nghe tên đã khiếp vía, không dám xâm phạm. Sau khi Trình Vụ Đỉnh bị hại, tướng sĩ ngoài biên ải đau đớn, khóc lóc, bên Đột Quyết thì vui sướng nhảy múa, bày tiệc chúc mừng. Võ Tắc Thiên giết Trình Vụ Đỉnh, thực chất là một việc khiến người thân đau lòng, kẻ thù khoái trá!
Thực tế, Bùi Viêm và Trình Vụ Đỉnh có phản hay không, chỉ có hai người và Võ Tắc Thiên là hiểu rõ nhất. Tức là: Nếu Võ Tắc Thiên không là hoàng đế, hoàn trả chính quyền cho Duệ Tông thì họ sẽ không phản, nếu Võ Tắc Thiên ngang nhiên xưng đế, Bùi Viêm và Trình Vụ Đỉnh tất sẽ phản. Có điều không ai muốn nói ra điều đó. Vì vậy, lúc có người khuyên Bùi Viêm nhận tội xin tha, có thể sẽ được miễn tội chết, Bùi Viêm chỉ cười và lắc đầu, nói: Tể tướng hạ ngục không hoàn toàn có lý, nói nhiều chỉ bằng thừa. Cũng vậy, khi các đại thần trong triều đảm bảo là Bùi Viêm không phản, khi nói “Nếu Bùi Viêm mưu phản thì chắc thần cũng mưu phán, Võ Tắc Thiên cũng chí cười, rồi lắc đầu nói: Trẫm biết Bùi Viêm tất phản, còn khanh và những người khác sẽ không phản. Rõ ràng hai bên đều hiểu nhưng không nói ra.
Chưa bàn tới án mưu phản của Bùi Viêm có chứng cứ xác thực không, chỉ biết Bùi Viêm chết là bi kịch. Đối với Bùi Viêm là bi kịch, đối với Võ Tắc Thiên cũng là bi kịch. Bởi vì họ đều không “sai”, nhưng đều phải trả giá, là một tổn thất thê thảm, nặng nề. Bùi Viêm đã phải chết vì chủ trương của mình, đó là: Chỉ có đàn ông mới được làm hoàng đế và hoàng đế phải là con cháu Lý Thế Dân. Từ lễ giáo phong kiến, từ những điều Bùi Viêm được học, như vậy là đúng, là “chính nghĩa”, là “chính đạo”. Võ Tắc Thiên chủ trương: Kẻ mạnh là vua, chỉ những người có năng lực mới có thể làm hoàng đế, bất kể đó là đàn ông hay đàn bà, là họ Lý hay họ Võ. Về một góc độ khác, điều đó không sai, cũng là “chính nghĩa”, là “chính đạo”. Kết quả Bùi Viêm và Võ Tắc Thiên có sự xung đột về nhận thức, thế nào là “chính nghĩa”, “chính đạo” và cả hai bên đều phải trả giá: Bùi Viêm mất mạng, Võ Tắc Thiên mất danh thần, danh tướng, ngang như tự chặt đi tay trái, tay phải của mình.
Có điều, từ tận sâu thẳm đáy lòng, Võ Tắc Thiên cảm thấy cần phải cảm ơn Bùi Viêm.
Nếu nói, cuộc phản loạn ngắn ngủi của Từ Kính Nghiệp đã tăng thêm lòng tin của Võ Tắc Thiên, trên đời này không có việc gì là không làm được, thì cuộc chính biến không thành của Bùi Viêm đã nhắc nhở Võ Tắc Thiên luôn phải cẩn thận, không bao giờ được sơ suất để mất Kinh Châu. Đường đi không bằng phẳng, tiền đồ không thuận buồm xuôi gió, nguy cơ bốn phía, hiểm hoạ khắp nơi. Từ Kính Nghiệp phản loạn rõ ràng là không được lòng dân (đúng như Trần Tử Ngang - người thời đó, nói: “Dương Châu phản nghịch trong vòng năm tuần, cả nước lại yên, mọi việc đâu vào đấy”), còn việc mình lâm triều xưng chế cũng bị rất nhiều người phản đối (cũng đúng như trọng thần Lưu Y Chi từng nói: “Thái hậu đã phế hôn lập minh, còn lâm triều xưng chế! Chi bằng trả chính để yên lòng thiên hạ”). Xem ra, sự tàn sát, tra xét nghiệt ngã trong Lý Đường tông thất không phải là điều đáng sợ, mà lễ pháp truyền thống mới là kẻ thù ương bướng khó có thể chiến thắng. Nghĩ lại năm đó, trong hoàn cảnh phi thường, Tào Tháo đã làm được việc phi thường, là “ép thiên tử để lệnh chư hầu”, nay Võ mỗ, trong lúc bình thường muốn làm việc phi thường, cần có hành động phi thường. Hiển nhiên, đối với Võ Tắc Thiên, con đường đi tới đế vị là con đường được lát bằng xương bằng máu. Chiếc mũ trên đầu nữ hoàng cũng được dệt bằng máu tươi. Bà không thể chờ để ai đó va vào họng súng. Bà cần tạo ra sự khủng bô giết người để răn đe, người người đâu vào đấy, người người im thin thít.
Lúc này, Võ Tắc Thiên hiểu rằng mình đang làm một cuộc cách mạng vĩ đại, long trời lở đất. Vào thời cổ Trung Quốc, cách mạng có nghĩa là thay triêu đổi đại, tức là biẽn cách thiên mệnh”, như Ân cách mệnh Hạ, Chu cách mệnh Ân… Cho nên sách “Chu Dịch” nói: “Thang, Vũ cách mệnh là thuận ý trời, hợp lòng người”. Có điều, Thương Thang cách mệnh cũng hay, Châu Vũ cách mệnh cũng tốt, nhưng cuộc cách mệnh của Võ Tắc Thiên lại không hề giống vậy. Chuyện trước xảy ra lúc vương triều cũ đã tàn tạ, chuyện sau xảy ra lúc vương triều mới còn đang hưng thịnh; chuyện rrước là đàn ông một gia tộc thay thế đàn ông một gia tộc khác, chuyện sau là người đàn bà muốn cướp thiên hạ của đàn ông; chuyện trước là thông qua vũ trang cướp chính quyền, chuyện sau là làm chính biến nơi cung đình. Rõ ràng khó khăn của Võ Tắc sẽ càng nhiều và có “thuận ý trời hợp lòng người” hay không cũng là vấn đề lớn. Nhưng Võ Tắc Thiên là người đàn bà có nữ tính vĩ đại, không sợ trời không sợ đất, không tin ma không sợ thua, ngay cả trăng sao nhật nguyệt cũng coi như không (chữ Chiếu gồm ba chữ nhật, nguyệt, không). Nếu Thượng đế không cho bà cách mệnh, bà sẽ cách luôn cả mệnh của Thượng đế. Nếu ông trời không cho bà bầu không khí cách mệnh, bà sẽ tự tạo ra. Nếu mọi người đều không tán thành bà cách mệnh, bà sẽ làm cho mọi người không dám mở miệng. Tóm lại, bà sẽ tạo ra một bầu không khí chính trị, để mọi người đều hiểu rằng, chống lại bà là việc làm vô ích.
Và với lý lẽ hùng hồn, Võ Tắc Thiên đã thực hiện cách cai trị bằng hệ thống khủng bố, đặc vụ. Bộ phận hạt nhân của nền chính trị và cách thống trị này là chế độ cáo mật, tập đoàn khốc lại và án oan, giả, sai. Tạo ra án oan, sai, giả, vu cáo hãm hại địch thủ chính trị, những người mình không thích là mưu phản. Đây là kỹ xảo một số nhà chuyên chế độc tài quen dùng. Lưu Bang đã dùng, Tào Tháo đã dùng, đương nhiên Võ Tắc Thiên cũng có thể dùng. Võ Tắc Thiên khác ở chỗ, công khai và phổ biến, khích lệ việc cáo mật, sử dụng bọn quan lại tàn ác (khốc lại), tạo ra vô số những án oan, sai, giả. Có lẽ rất ít người làm được như Võ Tắc Thiên, khích lệ công khai việc cáo mật. Võ Tắc Thiên quy định, không ai được phép ngăn cản người cáo mật. Dù người đó là tiều phu hay nông dân, đều có thể đến kinh thành gặp hoàng đế, nói ra những điều cần nói. Họ được quan phủ lo xe ngựa, dọc đường được đãi ngộ ở mức quan ngũ phẩm, sau khi vào kinh được ở khách sạn của các quan, cơm nước theo chế độ nhà quan, hơn nữa, còn có thể được Võ Tắc Thiên đến gặp mặt và ban thưởng. Điều quan trọng là: Khi phát hiện không đúng, cũng không sao, không hề bị xử lý.
Đây là vụ buôn bán không mất vốn, chỉ có lời, nên ai cũng muốn làm. Chỉ với hai việc, đến kinh thành bằng tiền công, dọc đường được hưởng chế độ quan ngũ phẩm, đã thật đáng giá. Thế là, cáo mật từ bốn phương như ong bay tới, các đại thần trong triều luôn thấy bất an. Hàng ngày, Võ Tắc Thiên luôn đọc những thư cáo mật, luôn thấy thích thú, luôn vui vẻ nên không thấy mệt, thư cáo mật giúp Võ Tắc Thiên có được nhiều manh mối, khiến bà có thể nhìn thấy mọi động tĩnh trong triều cũng như trong xã hội. Điều đó, làm cho bà lúc nào cũng sung sướng, cười vui ngoài sức tưởng tượng. Không bao giờ bà quên, vì tình báo không sắc bén, nên bọn Từ Kính Nghiệp từng có nhiều âm mưu quỷ kế mà triều đình không hề hay biết, tận khi bọn họ tập kết mười vạn binh mã công thành cướp đất, ai nấy mới kinh hoàng thất sắc, vội vàng chống đỡ. Võ Tắc Thiên cũng không hề quên, chính nhờ có người cáo mật Bùi Viêm, dự mưu binh biến, nên Bùi Viêm mới phải chết trong chiếc nôi của mình. Đối với một nhà độc tài thì cáo mật là việc rất hay.
Vì vậy, Võ Tắc Thiên quyết định trọng thưởng những người cáo mật và chọn được một loạt quan lại tàn ác trong số những người cáo mật. Sở dĩ phải chọn số đó trong những người cáo mật vì sợ họ không chịu làm những lá thư bức cung. Không có thư bức cung thì không thể biến thư cáo mật thành án, không thể đưa phái phản đối vào chỗ chết. Sau khi đã nếm vị ngọt ngào của thư cáo mật, Võ Tắc Thiên thấy không thoả mãn nếu chỉ bằng thủ đoạn này để có được tình báo. Võ Tắc Thiên còn muốn, thông qua cách xử lý tất cả số thư cáo mật, để biến tất cả thành án oan, có như vậy, phái phản đối mới ngã hết; và cho thêm một đạp nữa, để chúng sẽ mãi mãi không gượng dậy nổi. Chỉ khi nào, từng bản án “nghe qua đã kinh người” được tiết lộ ra ngoài mới có thể chứng minh được lập chế độ cáo mật là hoàn toàn cần thiết và rất kịp thời. Vậy cần thiết phải có lũ quan tàn ác. Loại người này xuất thân ra sao, có đọc sách không, có học vấn, có hiểu pháp luật không, đều không quan trọng. Điều quan trọng là, phải biết nhìn sắc mặt của Võ Tắc Thiên, phải là kẻ ti tiện và độc ác.
Rõ ràng, chế độ cáo mật, tập đoàn khốc lại, án oan sai giả, ba thứ này phải thành một chuỗi liên hoàn. Có người đứng ra cáo mật, liền có tình báo và manh mối, và cũng sẽ có cớ có lý do để trị người; có người bổ sung vào khốc lại, lời tố cáo của kẻ mật báo mới có thể “coi là thật” và mới có thể tạo thành án oan sai giả, mới có thể lu loa thành “đất nước đang bị uy hiếp”, từ đó chế độ cáo mật, tập đoàn khốc lại mới được coi là hợp lý, hợp pháp. Dĩ nhiên, sự an toàn của đất nước đang bị uy hiếp nghiêm trọng, nên càng phải khích lệ cáo mật, trọng dụng khốc lại. Như vậy, tính chất ác độc, không khí khủng bố cũng được hình thành một cách tự nhiên. Thực ra thì đất nước đâu có bị uy hiếp đến thế. Có thể là, thần kinh Võ Tắc Thiên quá mẫn cảm hoặc chỉ là cái cớ để Võ Tắc Thiên giết người lập uy.
Và dù, những thủ đoạn đó cực kỳ ti tiện vô sỉ, bẩn thỉu hạ lưu, nhưng lại rất có tác dụng. Thời gian đó, không hề có ai dám bàn tán về công việc Võ Tắc Thiên làm, có chăng chỉ là những lời ca tụng công đức, những lời bợ đỡ lấy lòng, những lá thư màu xanh tốt lành và những tờ biểu xin bà lên ngôi đã tới tấp bay về cung bay đến bệ rồng như tuyết rơi. Sau mấy lần vờ vĩnh chối từ, thì vào ngày mùng chín tháng chín năm Thiên Thụ thứ nhất (năm 690) người đàn bà có dã tâm lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc đã được toại nguyện, được đội lên đầu chiếc mũ hoàng đế dệt bằng máu. Năm này Võ Tắc Thiên sáu mươi bảy tuổi.