VÕ TẮC THIÊN
- 1 -
Người đàn bà này không tầm thường

    
ỳ thực, Võ Tắc Thiên không phải tên là “Võ Tắc Thiên”. Bà họ Võ, tên Chiếu. Chiếu là chữ bà phát minh ra chỉ để đặt tên cho mình.
Ngay cả cái tên này cũng chẳng để làm gì. Vì khi bà có tư cách phát minh ra chữ quái gở đó để đặt tên cho mình, đã chẳng có ai dám gọi thẳng tên đó. Bản thân bà cũng không dùng tới nó. Khi đó, bà đã tự xưng là “trẫm”. Ngay cả cách xưng hô “Võ Tắc Thiên”, bà và những người khác cũng không dùng tới. Hai chữ “Tắc Thiên” cũng do người con là Trung Tông Lý Hiển đặt tôn hiệu cho bà khi bà buộc phải dời sang ở cung Thượng Dương, mọi người luôn xưng là “Tắc Thiên Đại thánh hoàng đế”. Trước khi lâm chung, Võ Tắc Thiên để lại di chúc, lệnh bỏ đế hiệu, đổi xưng là hoàng hậu. Và, “Tắc Thiên Đại thánh hoàng hậu”, trở thành thuỵ hiệu của bà. Có hai cách nói để chí rõ vì sao lại gọi là Tắc Thiên.
1. Nói, bà lên ngôi hoàng đế tại “Tắc Thiên môn” ở mặt nam cửa chính, cung Lạc Dương;
2. Là điển tích trong sách “Luận ngữ”: “Chỉ có trời là lớn, chỉ có đế Nghiêu bắt chước được trời”. Vì vậy “Tắc Thiên” là hiệu, không phải là tên của bà.
Nhưng ngay cả cách xưng hô đó cũng được các hoàng đế sau này sứa đỗi mấy lần, như Thiên hậu, Đại thánh Thiên hậu, Thánh đế Thiên hậu… Sau chín năm lên ngôi (năm 721), tác giả Ngô Căng biên tập cuốn “Tắc Thiên thực lục” bắt đầu lấy hai chữ Tắc Thiên để gọi người đàn bà vừa là hoàng hậu vừa là hoàng đế này, và từ đó, Võ Tắc Thiên trở thành cách xưng hô phổ biến nhất.
Đương nhiên, có thể là như vậy. Cách thức xưng hô của người xưa rất phức tạp. Chỉ riêng việc tỏ lòng tôn kính hay khách sáo đã có đến mấy loại: Xưng theo tự, như Lý Thái Bạch (Lý Bạch), xưng theo hiệu, như Tô Đông Pha (Tô Thức); xưng theo quân hầu, như Đỗ Công bộ (Đỗ Phủ); xưng theo quận vọng, như Hàn Xương Lê (Hàn Dũ), xưng theo thứ tự, như Bạch Nhị Thập Nhị (Bạch Cư Dị). Nếu là hoàng đế hoặc hoàng hậu, thì ích hiệu (như Hán Vũ đế), miếu hiệu (như Đường Thái Tông, danh hiệu (như Từ Hy), niên hiệu (như Ưng Chính).. còn có tôn hiệu, nhưng ít dùng. Còn như trước thuỵ hiệu có thêm họ thì chỉ các quan mới có, như Nhạc Vũ Mục (Nhạc Phi); còn vua thì xưng hô theo thuỵ hiệu hoặc niên hiệu, đằng trước có thêm tên triều đại, như Đường Minh Hoàng (thụỵ hiệu), Tông Thái Tổ (miếu hiệu), còn vua mà trước thuỵ hiệu có thêm họ, chỉ có một mình Võ Tắc Thiên.
Riêng thân phận Võ Tắc Thiên hơi khác thường. Nói bà là hoàng hậu, nhưng bà từng là hoàng đế; nói bà là hoàng đế, nhưng bà lại không có miếu hiệu. Vả lại, cái vương triều Võ Chu của bà đã chẳng ăn thua gì, huống chi bà lại là đàn bà.
Đàn bà thì không thể là hoàng đế, đó là quy chế. Vì vậy, Võ Tắc Thiên lẽ ra không nên làm hoàng đế, trừ phi bà là con Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Có điều, dù là con Lý Thế Dân, cũng chưa hẳn nên làm hoàng đế. Lý Thế Dân có tất cả mười bốn người con, trong số đó, con cả là Thường Sơn vương Lý Thừa Càn, con thứ tư là Nguỵ vương Lý Thái, con thứ chín là Tấn vương Lý Trị, đều là con của hoàng hậu Trưởng Tôn. Trưởng Tôn hoàng hậu là chính cung, đối xử với mọi người rất hiền đức, uy vọng trong các triều thần rất cao, được Lý Thế Dân vô cùng kính trọng. Chọn người làm hoàng đế, đương nhiên, phải chọn trong số các con của bà. Thừa Càn là đích tử, lại là trưởng, bất luận là “lập tử lấy đích” hoặc “lập đích lấy trưởng”, về tình hay về lý, Thừa Càn phải là thái tử. Nhưng tiếc là vị thái tử này, hình tượng không đẹp (có tật ở chân), biểu hiện cũng không hay (luôn ầm ĩ), cuối cùng, còn nghe lời xúi giục của Hán vương Lý Nguyên Xương, và tể tướng Hầu Quân Tập, mưu phản, sự việc bại lộ bị phế làm thứ dân, đẩy ra Kiềm Châu (nay là huyện Bành Thuỷ, Tứ Xuyên), giấc mộng hoàng đế đã tan biến.
Lý Thế Dân có phần ưng đồng ý hoàng tử thứ tư Nguỵ vương Lý Thái. Lý Thái kém Thùa Càn một tuổi, tướng mạo khôi ngô, thông minh hiếu học, nhanh nhẹn đa tài, theo ý Thái Tông, Lý Thái nhất định sẽ trở thành vị vua anh minh, đức độ.
Nhưng các trọng thần trong triều đều phản đối. Nhất là Trưởng Tôn Vô Kỵ (anh của cố Trưởng Tôn hoàng hậu) và Chử Toại Lương (gián nghị đại phu) phản đối kịch liệt nhất. Họ muốn lập hoàng tử thứ chín Lý Trị. Lúc đó, Lý Trị hai mươi hai tuổi, được coi là trẻ tuổi, lương thiện, nhưng lại quá mềm yếu, không mấy tác dụng. Chính vì Lý Trị đôn hậu, yếu đuối, không có một chút sở trường nào, nên Trưởng Tôn Vô Kỵ và mấy người khác lại vừa lòng. Có thể họ đã quá mệt mỏi, sau bao năm tháng hầu hạ “vị chúa anh minh” Lý Thế Dân, không muốn phải tiếp tục hầu hạ “vị chúa hùng tài” khác. Nếu Lý Thái lại kế vị, thiên tử nào đình thần ấy, chưa biết chừng họ còn bị lôi ra đùa giỡn. Còn nếu là Lý Trị? Rất dễ khống chế. Trưởng Tôn Vô Kỵ có thể tiếp tục là ngoại thích nắm quyền, bọn Chủ Toại Lương, Lý Thế Tích vẫn là nguyên lão, vua tôi cùng trị, thiên hạ thái bình.
Họ tính toán rất khéo, chỉ là chưa tính đến Võ Tắc Thiên. Đương nhiên họ không nghĩ tới, bên cạnh Lý Trị lại xuất hiện một người đàn bà, hệt như rắn, là Võ Tắc Thiên. Đương nhiên, họ cũng không nghĩ ra, Lý Trị tuy dễ khống chế, nhưng không phải họ khống chế mà là bà vợ khống chế. Và khi họ dìu Lý Trị lên ngôi cao, Lý Trị đã nghe lời bà vợ trừng trị lại họ.
Về phần Lý Thái, cũng nhiều lần phạm sai lầm, trước hết, cậy được sủng ái sinh kiêu căng, không coi ai ra gì. Bên cạnh thì sao? Luôn có một lũ tiểu nhân a dua nịnh bợ. Điều đó khiến các lão thần trong triều không chỉ xem thường mà còn thấy lo ngại. Nhưng điều quan trọng hơn là, Thái rất bực bội với việc kế vị và một lần tự cho mình là thông minh, đã nói với Lý Thế Dân: “Nhi thần chỉ có một con, ngày hết tuổi thọ, thần sẽ giết hắn để nhường vị cho Tấn vương”. Nói như vậy là dối trá, chỉ có thể lừa được quỷ. Chử Toại Lương nói ngay trước mặt Lý Thế Dân: “Tuyệt đối không được. Dưới gầm trời này làm gì có chuyện giết con yêu, nhường ngôi hoàng đế cho em trai?”. Đúng là có chuyện Tống Thái Tổ nhường ngôi cho em trai là Triệu Quang Nghĩa, nhưng Thái Tổ không giết con, có thể chính Thái Tổ đã bị Nghĩa mưu sát (điều này còn là nghi án trong lịch sử). Vì vậy trước lúc lâm chung, Triệu Quang Nghĩa đã định hoàn trả hoàng vị cho con Triệu Khuông Dận, mưu sĩ của Nghĩa là Triệu Tấn đã nói: “Cái gì đã sai thì đừng sai tiếp”. Thấy rõ, lời thề của Lý Thái không thể tin được, tuy lúc đó chưa có chuyện của Triệu Quang Nghĩa.
Lý Thái còn phạm sai lầm, tự cho mình là thông minh. Một lần Lý Thái chạy đến nói với Lý Trị: “Đệ thường có quan hệ rất tốt với Lý Nguyên Xương, lúc này hắn vừa bị chặt đầu, đệ không sợ sao?”. Lý Trị vốn là kẻ vô tích sự, vừa biết tin đã khổ sở sầu não. Lý Thái muốn cảnh cáo Lý Trị: “Đừng có tranh giành với ta, chẳng có gì hay ho đâu”. Nào ngờ, những lời đó đã cảnh tỉnh Lý Thế Dân: Lập Lý Thái thì Thừa Càn và Lý Trị sẽ gặp nguy hiểm. Chỉ có lập Lý Trị thì cả ba đứa mới được bình an, vô sự.
Ngay lúc đó, Lý Thái bị đuổi ra huyện Quân (huyện Quân, Hồ Bắc nay). Lý Trị được lập làm thái tử, rồi kế thừa hoàng vị, là Cao Tông hoàng đế. Lịch sử đã chứng minh, do nguyên nhân hai bên quần thần không hoà hợp, nên Lý Thế Dân và bọn họ đã phạm vào sai lầm không thể cứu vãn nổi. Đại Đường vương triều suýt nữa mất cả giang sơn, còn bọn Trưởng Tôn Vô Kỵ, Chử Toại Lương đã mất mạng.
Lý Trị yếu đuối vô năng đã nhặt được chiếc cặp da, đúng là bánh nướng có nhân, từ trên trời rơi xuống.
Vận khí của Võ Tắc Thiên đã tới. Tôi tin rằng, lúc này bà sẽ cảm thấy hạnh phúc vì là đàn bà. Vì đàn bà tuy không thể là hoàng đế, nhưng có thể là hoàng hậu!
Võ Tắc Thiên vốn cũng không thể là hoàng hậu.
Thoạt đầu, Võ Tắc Thiên không phải là vợ của Lý Trị mà là tiểu thiếp của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, danh phận là tài nhân. Nhà Đường theo chế độ nhà Tuỳ, ngoài hoàng hậu ra, tiểu thiếp của hoàng đế là phi nhất phẩm đến thái nữ bát phẩm, tổng cộng là tám phẩm cấp. Tài nhân chính chỉ được coi hàng trung, muốn thăng làm hoàng hậu, có khác gì một bước muốn lên tận trời. Huống chi Võ Tắc Thiên chưa phải là người được sủng ái nhiều và ngày tận thế của Lý Thế Dân đã sắp tới. Nhưng Võ Tắc Thiên là người đàn bà có nhiều tâm kế, đã lặng lẽ chăng chiếc lưới bắt nhện của mình quanh người thái tử. Võ Tắc Thiên thầm nghĩ: Vị hoàng đế trẻ tuổi tương lai này sẽ giúp được mình nhiều đây, đáng để cho mình phải hiến thân. Sau này Lý Trị có nói lại trong chiếu thư, lúc mình là thái tử, vì được phụ hoàng sủng ái, nên “thường được theo hầu”, nhưng đối với phi tần của phụ hoàng thì “chưa hề để mắt tới”. Tiên đế biết chuyện đã vô cùng phấn chấn tán thưởng, “bèn ban Võ thị cho trẫm”. Câu nói nửa thật nửa giả. “Thường được theo hầu” là thật, “chưa hề để mắt tới” là giả. Giữa thái tử và tài nhân, không chỉ có liếc mắt đưa tình, e là từ lâu đã mấy lần mây mưa, “bèn ban Võ Thị cho trẫm” là lời dối trá, thái tử tự tạo ra. Nếu đã được tặng cho thái tử, vì sao sau khi Thái Tông mất, Võ Tắc Thiên “không nói hết sự tình” để đường hoàng làm thiếp của Lý Trị, lại cùng các phi tần chưa sinh nở khác của Thái Tông vào chùa làm ni cô?
Võ Tắc Thiên không muốn kết thúc cuộc đời này trước đèn xanh cổ Phật. Bà muốn là hoàng hậu, không là ni cô. Huống hồ bà đã bỏ vốn lên người vị hoàng đế trẻ tuổi, không thể có chi mà không thu hoạch, có điều, lạc đà muốn vào lều thì cái miệng phải vào trước. Võ Tác Thiên muốn làm việc thứ nhất, thì nhanh chóng phải trở về hậu cung.
Lúc đó, một người đàn bà xuẩn ngốc đã giúp Võ Tắc Thiên. Người đàn bà đó là Vương hoàng hậu. Vương hoàng hậu là vợ đầu của Lý Trị, xuất thân danh môn và đó là người vợ hiền mà Thái Tông hoàng đế đã chọn cho Lý Trị. Hoàng hậu đối nhân xử thế đúng mực, hiền thục, không có vấn đề gì, riêng về nhan sắc thì kém phần hấp dẫn. Kỳ thực, đó đều là ảnh hưởng của quan niệm “nữ nhi vô tài nhưng hữu đức”, là “bệnh chung” của chính thê trong thời cổ Trung Quốc. Vì vậy tâm tư của Lý Trị để hết lên người đàn bà có tên là Tiêu Thục phi. Vương hoàng hậu vô cùng ghen tức. Thêm nữa, Tiêu phi có con, còn mình thì vô sinh, nên hoàng hậu luôn cảm thấy ngôi vị hoàng hậu của mình bị đe doạ. Thế là Vương hoàng hậu đem hết trí óc và sự nhanh nhạy của người đàn bà xuẩn ngốc, nghĩ ra một ý ngốc nghếch mà tự mình cho là hay, đưa ni cô mà Lý Trị đã lén lút đến thăm mấy lần vào cung, để ni cô và con tiện nhân Tiêu Thục phi cắn xé nhau, còn mình “toạ sơn quan hổ đấu”.
Được Vương hoàng hậu giúp sức, Lý Trị và Võ Tắc Thiên nhanh chóng được toại nguyện. Võ Tắc Thiên cầm chiếc vé thuyền cũ, bước vào hậu cung - chiếc du thuyền hào hoa tráng lệ. Bà cảm thấy vận may của mình đã đến. Lý Trị cũng rất vui, vì cuối cùng đã lại có Võ Tắc Thiên và không ngờ, chính mình như con ruồi đã mắc vào lưới bắt nhện tuy lưới thật mềm mại và ấm áp, còn có mùi thơm nữa.
Vương hoàng hậu đành phải tự mình nuốt quả đắng. Ý của hoàng hậu quả không tồi, tiếc là đã tin sai đối tượng. Võ Tắc Thiên không phải hổ già ngốc nghếch, chỉ biết làm, mà là một con rắn, một con rắn có thể ẩn mình, mai phục rất lâu trong bãi cỏ chỉ cần cắn ai đó một miếng, máu sẽ chảy, người đó sẽ chết vì chất độc. Huống chi, lần này về lại hậu cung, Võ Tắc Thiên sớm đã không thoả mãn với danh hiệu tài nhân hoặc Thục phi gì gì đó. Võ Tắc Thiên muốn xông thẳng tới ngôi vị hoàng hậu. Thật đúng là “đuổi hổ cửa trước, rước sói cửa sau”. Dù lúc vừa vào cung, Võ Tắc Thiên dịu dàng, ngoan ngoãn trước mặt Vương hoàng hậu, như một con mèo và dù Tiêu Thục phi “ba ngàn sủng ái đều vào thân” đã thất sủng, khiến vương hoàng hậu như trút được gánh nặng, nhưng hoàng hậu cũng nhanh chóng phát hiện, âm mưu quỷ kế thấp kém của mình chẳng khác gì kết quả và tính chất việc trước đây Hà Tiến triệu Đổng Trác vào kinh: Đều là tự dẫn sói vào nhà.
Thế là hai người đàn bà, trước đây từng là đối thủ, quyết định liên hợp lại, đối phó với Võ Tắc Thiên - kẻ thù hết sức nguy hiểm. Nhưng tất cả bằng không. Lý Trị, con dê đuôi to, quyết tâm lao vào vòng tay con sói, có đến mười con trâu kéo cũng không ra.
Lúc này trong cung lại xảy ra một kỳ án: Lý Trị đang vui mừng phấn khởi nhìn công chúa nhỏ mà Võ Tắc Thiên vừa mới sinh, phát hiện thấy tiểu công chúa đã chết trong tã bọc. Được biết, chỉ có Vương hoàng hậu vừa qua đây, còn đùa vui với đứa bé và xung quanh không có ai. Vương hoàng hậu, dù có trăm cái miệng, cũng không giải thích nổi. Thực ra, không có bất kỳ một chứng cứ nào có thể chứng minh hoàng hậu đã mưu giết công chúa nhỏ(1). Huống chi, Vương hoàng hậu đâu có gan làm điều đó, có ngốc đến mấy, cũng không chạy đến chỗ ở của Võ Tắc Thiên để giết người. Nhưng Lý Trị và Vương hoàng hậu - kẻ xuẩn ngốc, một người ấp úng, một người đang bực tức, một án oan hiến hoi đã hình thành mơ hồ như vậy.
Lý Trị không sao hết được tức giận, muốn phế bỏ Vương hoàng hậu ngay, nhưng Võ Tắc Thiên đã ngăn lại, Võ Tắc Thiên hiểu rõ, phế bỏ Vương thị ngay lúc này, thì ngôi vị hoàng hậu cũng chưa đến lượt mình. Làm thế là thêm một đối thủ, chi bằng cứ để Vương hoàng hậu trên ngôi vị trong những ngày tàn tạ dai dẳng này. Như vậy vừa thể hiện mình là người khoan dung độ lượng, vừa không cho người khác cơ hội tốt. Võ Tắc Thiên cũng như Tào Tháo đều là thiên tài chính trị, hiểu mình xuất thân ti tiện, địa vị thấp kém, muốn thực hiện mục tiêu to lớn, cần phải có thời gian, cần phải nhẫn nại chờ đợi, biết nhìn, biết nén mình. Việc gì cũng thế, cứ nước lên là có kênh, sờ nắn nhiều thì dưa mất ngọt.
Nhưng Võ Tắc Thiên không mấy khi được nhàn rỗi. Võ Tắc Thiên hiểu rõ, một người đàn bà như mình ở hậu cung, dễ bị khinh rẻ, dễ bị ghen ghét, vì vậy, việc cấp bách cần làm là gần gũi với mọi người, cải thiện hoàn cảnh chung quanh, để từ phe thiểu số biến thành phe đa số. Lúc này, điều kiện xuất thân ti tiện đã giúp Võ Tắc Thiên rất nhiều. Vương hoàng hậu xuất thân cao quý, hậu phương vững chắc, trách sao khỏi cao ngạo, không thèm để mắt tới bọn hầu hạ chung quanh. Mẹ của hoàng hậu, họ Liễu, là Nguỵ quốc phu nhân và người cậu là trung thư lệnh Liễu Thị, đều tự tôn, cao ngạo bừa bãi, người trong cung rất căm ghét. Võ Tắc Thiên vốn là tiểu nữ xuất thân ti tiện, nên hiểu rõ nhân tình thế thái, phải làm gì để lung lạc lòng người, nhất là lôi kéo lũ nô tài căm ghét Vương hoàng hậu và Tiêu Thục phi. Võ Tắc Thiên hiểu rõ: Không có gió làm gì có sóng, hiểu rõ nếu không có lũ tiểu nhân mà bọn Vương hoàng hậu xem thường kia thì hậu cung chẳng làm nên trò trống gì. Cuối cùng một hôm, “âm mưu” của Vương hoàng hậu tiết lộ: Hoàng hậu đã giả thần giả quỷ ở trong cung, hành thuật “Áp thăng” - một loại ma thuật nguyền rủa người khác bệnh cho đến chết. Đó chính là chủ đồng ý của mẹ Vương hoàng hậu, nhằm hãm hại Võ Tắc Thiên. Nhưng việc Võ Tắc Thiên mua chuộc bọn nô tì người hầu đã có tác dụng không nhỏ. Mấy hôm nay Cao Tông Hoàng đế Lý Trị vừa bị bệnh, cùng lúc này người ta tìm thấy một hình người bằng gỗ châm đầy kim trong tẩm thất của Vương hoàng hậu. Lần nữa, Vương hoàng hậu lại hết đường giải thích, sớm muộn gì thì hoàng hậu cũng bị phế truất.
Vì vậy, cần có một buổi thương lượng giữa Võ Tắc Thiên cùng các nguyên lão đại thần như Trưởng Tôn Vô Kỵ và Chử Toại Lương.
Vừa mới bắt tay, chưa được bao lâu, mấy người đàn ông đã bại trận.
Mở đầu, mấy vị lão thần của hai triều kia, có thể đã giản đơn hoá sự việc và cũng coi thường đối thủ. Họ cũng không ngờ “tiện nhân” Võ Tắc Thiên lại có vị trí quan trọng đến nhường ấy trong long Lý Trị, và không ngờ Lý Trị - một đứa con nít bây giờ lại ngang bướng như một con lừa. Họ chưa có sự chuẩn bị chu đáo đã vội vã ra trận, họ cho rằng phản đối là Lý Trị và Võ Tắc Thiên phải lui ngay. Cho nên, họ phản đối có phần mạnh mẽ và thực tế dẫn tới vừa mới mở đầu, sự việc đã trở nên rắc rối.
Chủ Toại Lương là người xung trận trước. Chử Toại Lương là nguyên lão triều trước, là cố mệnh đại thần, phản đối phế Vương lập Võ, lập trường kiên định, khí thế mạnh mẽ, nhưng cách làm thì chưa thật hay. Có hai lý do để phản đối: 1. Vương hoàng hậu xuất thân danh môn, được tiên đế tuyển chọn và chưa có sai lầm gì lớn, nên không thể phế. Nếu muốn lập một hoàng hậu khác, phải chọn con nhà danh môn vọng tộc trong thiên hạ. Võ Tắc Thiên từng hầu hạ tiên đế, tiếng tăm quả xấu, không thể lập. Chiêu cuối cùng là đặt ngọc hốt xuống đất, nói: Bệ hạ ban cho thần vật này, nay xin trả lại bệ hạ, mong bệ hạ cho thần được cáo lão về quê!
Phát súng đầu tiên đã bắn hỏng. Không trúng mục tiêu là Võ Tắc Thiên, tất cả đạn pháo đều rơi vào người Lý Trị. Mọi việc xảy ra đều vì Lý Trị. Chính Lý Trị muốn thay đổi vợ, không phải ai khác, cũng không phải Võ Tắc Thiên ngang nhiên muốn làm hoàng hậu. Nhưng không ai được phản đối Lý Trị, vì Lý Trị là hoàng đế vương triều Đại Đường. Phản đối Lý Trị cũng tức là phản đối Đại Đường, chí ít thì, công khai phản đối hoàng đế, có nghĩa là hoàng đế có thù với mình. Chử Toại Lương vừa xuất hiện đã chỉ thẳng đầu mâu vào Lý Trị, như vậy là tự chuốc lấy điều không hay.
Thực ra, trong cuộc đấu tranh phế lập này, không chỉ không thể phản đối Lý Trị, mà phải tranh thủ Lý Trị. Vì người cần thay, dù bạn coi họ là vợ Lý Trị cũng được, coi họ là hoàng hậu Đại Đường cũng được, thay hay không thay, cuối cùng chỉ cần người chồng, lại là Lý Trị hoàng đế nói là xong. Nên chỉ có thể thuyết phục Lý Trị, không thể công kích Lý Trị. Nhưng những điều Toại Lương nói, theo Lý Trị, câu nào cũng công kích, từng chữ từng chữ nghe không xuôi. Mở đầu Toại Lương nói, tiên đế đã chọn Vương hoàng hậu nên không thể phế, như vậy là đem tiên đế ra để áp chế Lỵ Trị, muốn nói, Lý Trị không có quyền chọn vợ. Lý Trị cũng hiểu: Mình không bằng tiên đế, nhưng lâu nay mình vẫn là hoàng đế, vậy, vì sao lại không có quyền đổi vợ? Một lão nông chỉ thu hoạch mấy đấu thóc cũng muốn đổi vợ, huống chi đây là thiên tử? Lời nói tuy thô lỗ, lung tung, đã dám so sánh một lão nông dưới quê với thiên tử, nhưng nếu Lý Trị không đổi được hoàng hậu, coi như không bằng một lão nông dưới quê? Thực không thể chịu nổi!
Chủ Toại Lương lại nói, lúc tiên đế lâm chung, tùng kéo tay bệ hạ, nói với thần: “Vợ đẹp con khôn của trẫm, nay giao cả cho khanh”. Lời tiên đế còn văng vẳng bên tai, hẳn bệ hạ vẫn không quên? Như vậy, không chỉ đem tiên đế ra áp chế hoàng đế, mà còn cậy vào tuổi tác, để coi hoàng đế như một đứa trẻ. Lý Trị, đang lúc huyết khí sục sôi (hai mươi tám tuổi), đương lúc say mê làm hoàng đế (đã sáu năm), chịu sao nổi? Thoạt nghe đã thấy tức giận. Đúng, Lý Trị có phần yếu đuối nhu nhược, nhưng không phải là không biết tức giận. Trên thực tế, người nhu nhược luôn quật cường, như người cứng rắn lại luôn cởi mở. Dù là người yếu đuối, nhưng một khi đã là hoàng đế, nắm quyền sinh sát trong tay, cũng biến thành người nóng nảy. Hơn nữa, chính vì Lý Trị luôn bị coi là nhu nhược, luôn sợ bị coi là vô dụng nên đang; cần có một vài con gà để giết, tỏ ra mình không dễ bị coi thường. Lần này Chử Toại Lương đã va vào miệng súng.
Chử Toại Lương còn giở chuyện cũ ra nói, nào là Võ Tắc Thiên từng đã hầu hạ tiên đế, thiên hạ tất cả đều biết, nay bệ hạ lập Võ thị làm hậu, sẽ nói với người đời thế nào đây, sẽ nói với lịch sử thế nào đây. Nói vậy, như bảo Võ Tắc Thiên là chiếc giầy rách, là bẩn thỉu, ngang như bảo Lý Trị là loạn luân, là vô liêm sỉ. Thực tình thì không nên nói với người dân bình thường những lời như vậy, sao lại có thể nói với hoàng đế trước mặt mọi người. Ít ra, hoàng đế có thể hỏi lại một câu: Ông đến để thương lượng với trẫm hay để cãi vã với trẫm, vạch khuyết điểm của trẫm; nếu hỏi như vậy, e Chử Toại Lương sẽ chẳng còn gì để đối đáp.
Sự thực thì Chử Toại Lương đến gây sự với Lý Trị, nếu không đã chẳng vứt mũ từ quan. Thân là triều thần, bỏ hết trước mặt mọi người, điều đó không chỉ muốn gây sự với hoàng đế, còn muốn công khai trơ mặt với hoàng đế. Chử Toại Lương đã thực sự hồ đồ. Cứ tưởng mình có chân lý và chính nghĩa thì có thể nói mạnh, nói lớn; ngờ đâu trong mắt Lý Trị, kẻ không thấy vua, không thấy cha, là kẻ làm loạn. Trong mắt anh đã không có hoàng đế, thì trong mắt hoàng đế cũng sẽ không có anh. Anh đã cắt mọi quan hệ với hoàng đế, hoàng đế cũng cắt mọi quan hệ với anh. Không tin, quần thần chúng ta cứ thử xem ai sẽ sợ ai? Thế rồi, bỗng dưng Lý Trị nổi giận, ra lệnh: Lôi ra ngoài! Võ Tắc Thiên ẩn mình trong trướng, cũng nổi giận và thốt thành lời: Đồ tạp chủng, sao không giết đi!
Do Chử Toại Lương làm việc một cách tuỳ tiện, toàn bộ ván cờ đã bị đảo lộn. Vấn đề lúc này là có nên phế Vương hoàng hậu không, có nên lập Võ Tắc Thiên không, có nên giết Chử Toại Lương không? Bọn Trưởng Tôn Vô Kỵ chỉ còn kịp xin tha mạng cho Chử Toại Lương, chưa kịp đoái tới việc của Võ Chủ Toại Lương cũng được coi là một chính trị gia lão thành, không hiểu vì sao khi gặp việc lại mất bình tĩnh, không chịu suy nghĩ? Chử Toại Lương nhiều lần nhắc đến môn đệ, nhưng lại không hiểu, vương triều Đại Đường kể từ thời Lý Thế Dân, hận nhất là môn đệ(°). Chử Toại Lương nhiều lần nhắc đến tiên đế, nhưng lại không hiểu Lý Trị hận nhất là ai đó cứ so mình với tiên đế, hoặc đem tiên đế ra để áp chế mình. Hai năm sau, Chử Toại Lương vốn đã bị giáng chức, đầy ra Ái Châu đã dâng biểu trần tình, nói lại chuyện cũ, mà tủi phận mình, từng hàng từng chữ hết lời cầu xin. Chử Toại Lương nói, năm đó Thừa Càn và Lý Thái đều muốn là thái tử, nhưng thần và Vô Kỵ kiên quyết ủng hộ bệ hạ; sau khi tiên đế qua đời, cũng chính là thần và Vô Kỵ không từ nan phò tá bệ hạ. Nay thần ân hận vì đã xúc phạm thánh ý, những mong bệ hạ nhớ lại chuyện cũ để tha cho thần. Chử Toại Lương còn kể cả việc, Lý Trị bò trên lưng mình, khóc lóc lúc Thái Tông qua đời. Nhưng lúc bức thư tới tay Lý Trị thì như muối bỏ biển, bặt vô âm tín. Nghe đâu, Lý Trị chẳng buồn xem.
Năm 658, Lý Trị chết ở Ưu Đô, lúc sáu mươi ba tuổi.
Thực tế thì, Chử Toại Lương đã cực kỳ hồ đồ. Nên nhớ, trong thể chế chuyên chế, giữa các nhân vật chính trị, nhất giữa quân thần, không tồn tại cái gọi là tình cảm và hữu nghị. Nên đối phương là anh hùng, là hổ, là báo, có thể dùng lý tính để thức tỉnh, dùng tình cảm để lay động. Tiếc rằng Lý Trị không phải thế. Đối với Lý Trị - một chú dê đuôi to, nhắc lại chuyện cũ, được coi là vạch khuyết điểm, chỉ có thể làm người ta từ xấu hổ thành giận dữ? Tôi tin rằng, nếu đọc thư của Chử Toại Lương thì nhất định Lý Trị sẽ khịt khịt mũi và nói: Vứt ngay đi, mặc xác lão!
Còn chính trị gia khác là Lý Thế Tích lại không ngu ngốc như vậy.
Lúc Lý Trị triệu tập hội nghị ngự tiền để bàn về việc phế Vương hoàng hậu, lập Võ Tắc Thiên, Lý Thế Tích cáo bệnh, xin nghỉ? Sớm không ốm, muộn không ốm, lại ốm vào đúng lúc này, Lý Thế Tích ốm thật khéo.
Đúng là Lý Thế Tích có tâm bệnh.
Lý Thế Tích là nguyên huân khai quốc vương triều Đại Đường, có quan hệ rất tốt với Lý Thế Dân. Ông vốn họ Từ, nhờ có công lao cái thế nên được Thái Tông ban họ Lý và để không trùng tên với Lý Thế Dân, nên thường gọi là Lý Tích. Quan hệ giữa Lý Thế Tích và Lý Thế Dân, nghe nói là ngoài tuy quân thần, trong thực “cốt nhục”, là “anh em keo sơn”. Lý Thế Tích ốm, nghe nói có thể chữa bằng tro râu, Lý Thế Dân liền cắt râu của mình, đốt thành tro, làm thuốc cho Lý Thế Tích. Một hôm, Lý Thế Dân nói với Lý Thế Tích: Ta sẽ trao con cái lại cho ngươi. Ngươi không phụ Lý Mật, cũng sẽ không phụ ta. Lý Thế Tích cảm động đến mức cắn chảy máu các ngón tay. Nhưng lúc lập Lý Trị làm thái tử, tự nhiên Lý Thế Dân đã giáng Lý Thế Tích ra xa ngàn dặm, ra vùng Điệp Châu, sơn cùng thuỷ tận (nay là huyện Điệt Bộ, Cam Túc), không hề trao con cho Lý Thế Tích. Lý Thế Dân nói với Lý Trị: Tài năng trí tuệ của Lý Thế Tích là tuyệt vời, nhưng ngươi lại chưa hề có ân đức với hắn, chắc gì hắn đã trung thành. Lúc này trẫm đã đẩy ra nơi hoang vu hẻo lánh nhất. Nếu hắn chịu lên đường ngay thì sau này ngươi có thể dùng hắn; còn như hắn cứ nhìn ngó do dự, thì giết luôn đi!
Lý Thế Tích không hề nhìn ngó do dự. Sau khi nhận lệnh, Lý Thế Tích không kịp về nhà, đã nhanh chóng đến Điệp Châu ngay, cho nên, sau khi lên ngôi, Lý Trị triệu Lý Thế Tích về nhận trọng trách.
Nhưng Lý Thế Tích đã hoàn toàn thờ ơ, lạnh nhạt. Năm mười bảy tuổi tham gia Ngoã Cương quân, sau này lại hầu hạ ba triều thái tử Lý Uyên, Lý Thế Dân, Lý Trị, mười mấy năm sống trong quân ngũ, mười mấy năm gió mưa chính trị, Lý Thế Tích được tôi luyện thành người hiểu rõ đến chân tơ kẽ tóc nhân tình thế sự, còn đột nhiên bị giáng chức sau khi Thái Tông băng hà, những ký ức đó vẫn còn mới nguyên! Lần đó nếu không thấu hiểu tầm tư của Lý Thế Dân thì e cái đầu này đã lìa khỏi cổ. Nghĩ lại đã thấy lạnh gáy, còn sợ cho sau này nữa, không lạnh mà run. Người bất nhân đừng trách ta bất nghĩa. Dựa vào cái gì để ta còn phải tham dự vào việc tranh giành giữa cậu cháu họ Lý các ngươi?
Lại dựa vào cái gì nữa để ta phải nhảy vào nước sôi lửa bỏng, vạch mưu tìm kế cho nhà họ Lý các người? Lúc này, Lý Thế Tích càng xem càng hiểu mọi thứ trong chính trị, trong nhân sinh, nơi quan trường. Lý Thế Tích sẽ không phải mất mạng vì phạm phải những điều vớ vẩn như kỷ cương triều đình, hoặc đại nghĩa trong quân thần, cũng không phạm phải những điều mà bọn Trưởng Tôn Vô Kỵ, Chử Toại Lương dương dương tự đắc, cho mình là đúng. Vì vậy, Lý Thế Tích quyết giữ một thái độ bàng quan hơn người. Lúc Lý Trị hỏi ý kiến của Lý Thế Tích, ông này chẳng mặn mà gì, từ từ trả lời một câu: Đây là việc trong nhà bệ hạ, cớ chi phải hỏi người ngoài?
Một thái độ không ra thái độ của Lý Thế Tích đã cổ vũ lớn cho Lý Trị. Đúng vậy, trẫm là hoàng đế. Việc nhà của trẫm liên quan gì đến lũ các người? Thái độ đó là một cách biến tướng cho Lý Trị hay: Không phải rất cả các vị nguyên lão trọng thần đều đứng về một phía, phản đối phế Vương lập Võ. Và như vậy, Lý Trị đã thấy quyết tâm và có lòng tin. Năm 655, vào ngày mười ba tháng mười, năm thứ sáu Đường Cao Tông Vĩnh Huy, Lý Trị đã hạ chiếu phế Vương hoàng hậu, Tiêu Thục phi. Ngày mười chín, trăm quan xin lập Trung cung, Lý Trị có chiếu lập Chiêu Nghi Võ thị làm hoàng hậu. Cuối cùng Võ Tắc Thiên đã đạt được mục đích.
Võ Tắc Thiên đúng là Võ Tắc Thiên! Vào ngày thứ ba Lý Trị có chiếu lập Võ làm hậu, tức là ngày hai mươi mốt tháng mười, Võ Tắc Thiên dâng biểu xin ban thưởng cho Hàn Viện, Lai Tế. Hàn Viện và Lai Tế đều là cột trụ của phái phản Võ. Trước lúc phế Vương lập Võ, Lý Trị từng đề xuất phong Võ Tắc Thiên là “Thần phi”. Chế độ nhà Đường, thiên tử bốn phi là Quý, Thục, Đức, Hiền. Võ Tắc Thiên yêu cầu thiết lập Thần phi trên cả bốn phi kia. Thần tức là Bắc Thần, tức là sao Bắc Cực, tượng trưng cho đế vương. Thần cực chỉ quân vị, thần cư chỉ nơi ở của đế vương, cũng là chỉ quân vị. Võ Tắc Thiên muốn là Thần phi, đồng ý tứ rất rõ, tức là ngôi vị gần với hoàng hậu. Trong lúc chưa thể là hoàng hậu, Võ Tắc Thiên sử dụng kế đỡ va chạm hơn. Nhưng Hàn Viện và Lai Tế đã ra sức phản đối phương án thoả hiệp đó, nói là chưa có tiền lệ. Trong vấn đề lập hoàng hậu, Hàn Viện và Lai Tế cũng là phái phản đối kiên định nhất, lời nói rất khó nghe, cả đến các chuyện Đát Kỷ và Bao Tự đều đã được lật tung lên. Lúc này Võ Tắc Thiên lại lấy cớ họ từng phản đối mình là Thần phi để ban thưởng, cả hai người đều đoán rằng “sói lông vàng đến chúc tết gà, không thể an tâm”.
Hàn Viện và Lai Tế đoán không nhầm. Võ Tắc Thiên không bao giờ tha cho kẻ thù của mình. Sau hai mươi sáu ngày lên làm hoàng hậu, Vương hoàng hậu, Tiêu Thục phi được ban cho tự tận. Sau hai năm, Hàn Viện và Lai Tế bị giáng chức. Bốn năm sau, Trưởng Tôn Vô Kỵ cũng bị mưu sát, với phương pháp Lưu Bang và Tào Tháo từng dùng: Vu là mưu phản. Hàn Viện có liên can đến vụ án này, có điều lúc này Hàn Viện đã chết, Võ Tắc Thiên không chặt được đầu hắn. Trường hợp của Lai Tế có khá hơn: Lai Tế đã tử trận trong lúc chiến đấu với Đột Quyết, Võ Tắc Thiên không còn cơ hội vu cho Lai Tế mưu phản.
Đương nhiên, lúc này Võ Tắc Thiên cũng không cần chú ý tới việc loại bỏ bọn họ. Võ Tắc Thiên đang bận với những lễ đăng quang. Mùng một tháng mười một, cử hành long trọng nghi thức sách phong hoàng hậu. Lễ sứ Anh Quốc công Lý Thế Tích cung kính dâng bảo tỉ của hoàng hậu lên Võ Tắc Thiên. Tiếp đến, tân hoàng hậu lộng lẫỵ bước tới Túc Nghi môn, tiếp nhận lời chúc mừng của trăm quan cùng quân chủ Tứ Di. Nghi thức triều bái hoàng hậu là do Võ Tắc Thiên mới định ra. Võ Tắc Thiên, con gái một thương lái gỗ, một tì thiếp thấp hèn trong cung điện Thái Tông, một ni cô đơn côi trong chùa Cảm Nghiệp, cuối cùng đã thực hiện được nguyện vọng của mình, đường đường là quốc mẫu vương triều Đại Đường. Lúc đó, bà ba mươi hai tuổi.
Lúc này, Võ Tắc Thiên là người đàn bà đã đạt tới đỉnh cao. Võ Tắc Thiên, tinh lực dồi dào, tài trí hơn người, lại không cam chịu sự tĩnh mịch, chỉ có thể làm những việc của đàn ông.
Chú thích

(1) Có nhiều khả năng làm công chúa nhỏ chết. Có thể do bệnh cấp tính đến đột ngột hoặc hoàng hậu chưa có kinh nghiệm vỗ về đứa bé, chăn đắp quá chặt mà chết ngạt, cũng có thể là Võ Tắc Thiên tự bóp chết con mình. Tạm thời không bàn (Tác giả).