Hồi II
HY SINH VÌ ÔNG CHỒNG, MẤT KHÔNG ĐỜI XUÂN SẮC
DĂN DÍU CÙNG THẰNG TRẺ, ĐƯỢC THOẢ MÁU NẠ DÒNG

Lại nói Tổng min, bỏ dở bữa tiệc, hùng hổ lên xe, doạ sẽ đến Bộ Công an tố cáo sai phạm của Chủ tịch Hội đồng quản trị Tùm Lum. Thực tình thì hắn cũng muốn giữ hoà khí, đoàn kết (dù chỉ là vẻ hoà khí, đoàn kết bề ngoài) để tạo thế ổn định trong Tổng công ty, mà làm ăn cho nhẹ óc. Nhưng cái lão Tùm Lum ngày một tham lam quá đáng, không biết điều, lại còn dám ngang nhiên thách thức, thì hắn phải cho một vố cho bõ tức. Nhưng mà phải tố cáo với ai bây giờ cho hợp lý và có hiệu quả nhanh nhất nhỉ? Nếu tố nó thì liệu nó có để cho mình yên không? Mà theo qui chế  của Luật khiếu nại, tố cáo vừa được Quốc hội ban hành, thì không được tố cáo vượt cấp, trừ trường hợp đặc biệt là người tố cáo đang bị cấp trên trực tiếp trù dập, khống chế. Mà mình thì có bị Bộ trù dập và khống chế đâu? Nên không thể bỏ qua Bộ mà tố cáo nó thẳng lên Thanh tra Chính phủ hay công an kinh tế được. Mình lại là Tổng giám đốc đang lãnh đạo điều hành một Doanh nghiệp Nhà nước tầm cỡ, thì không thể làm trái luật được, mà phải “sống và làm việc theo pháp luật” thôi. Có nghĩa là phải lên Bộ trước, vào thanh tra Bộ là đúng cửa nhất. Nhưng rồi Thanh tra cũng lại phải trình lên Cụ Triệu. Việc của VINAMAPROTEXCO mà chưa cho Cụ biết đã báo cáo Thanh tra trước, thế nào Cụ chẳng sẽ lại sạc cho một mẻ. Nghĩ lại câu thách thức của lão Tùm Lum “có giỏi thì lên ngay Bộ mà ton hót với Cụ Triệu đi, xem Cụ có khen hay Cụ lại vả vào mồm ấy” là có ý gì nhỉ? Thôi đúng rồi, chắc Cụ Triệu phải đứng đằng sau việc chẻ vụn “pờ-rô-chếch” này, chứ không thì cho kẹo lão Tùm Lum cũng chẳng dám làm bậy. Đã thế mà lại đi tố cáo thì có khác gì mó dái ngựa. Thôi, mặc mẹ nó, chả chơi dại. Nghĩ vậy hắn liền ra lệnh cho lái xe:
- Đến Mây Chiều!
 
Tại nhà Mã Tóc Xoăn, tiệc vẫn chưa tàn. Nhưng từ lúc Tổng rỗ lên xe đi tố cáo, thì không khí chùng hẳn xuống, chẳng ai muốn động đũa động bát nữa. Chủ tịch Tùm Lum mở máy di động:
- Alô, Long hả, Bác Um đây,… ừ ừ…. không đến công an… vào Mây Chiều rồi à…tốt, tốt! Thế đã nhé!...- Lão gấp di động bỏ túi, rồi quay ra vui vẻ bảo mọi người:
- Thôi, cứ tiếp tục ăn uống vui vẻ đi! Biết ngay mà, cái đồ già dái non hột ấy, chỉ ra vẻ doạ thế thôi chứ cho kẹo cũng chả dám đi tố cáo. … Vào Mây Chiều hú hí với mấy con đào non mắt xanh mỏ đỏ rồi! Thật đúng là cái đồ dâm dê!...
Nghe vậy mọi người cười rộ lên, rồi lại đua nhau “trăm phần trăm”. Độ
nửa giờ sau thì mới lần lượt giải tán. Khi mọi người ra về, Mã Tóc Xoăn lại đon đả đứng ra cảm ơn một lần nữa, rồi bảo:
- Mời cô Mai ở lại cháu nhờ một tí.
Mọi người nháy nhau, mỉm cười bí hiểm. Mụ Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Đành Hanh, nói đầy vẻ khiêu khích:
- Thôi “Madam Le” ở lại cho “cháu nó nhờ tí” nhé! Bọn này phắn trước đây!
Bà Phó Tổng phát mạnh vào cái mông vĩ khụ của bạn một cái, nói chữa thẹn:
- Cái con nỡm này, liệu cái mồm đấy!
Mọi người vừa về hết, Mã Tóc Xoăn định kéo  “cô” Phó Tổng vào cuộc mây mưa như mọi khi, thì lại có hai người khách, bạn của Mã tới. Trong khi chờ Mã tiếp bạn ngoài phòng khách, Mai vào phòng máy lạnh bên trong nằm chờ. Nghĩ về cuộc đời và lai lịch cái tên mà ả Đành Hanh vừa gọi đùa, Mai mỉm cười sung sướng.
Madam Le là cái tên “Tây gọi” của Mai. Sở dĩ Mai có cái tên “Tây gọi” là bởi vì Mai phụ trách kinh doanh xuất nhập khẩu hay tiếp xúc làm việc với khách Tây, mà người Tây họ hay gọi họ chứ ít gọi tên như ta. Ông Tây bà đầm nào đến cơ quan làm việc cũng nói với cô thường trực câu tiếng Việt lơ lớ “Tôi cân gắp Madam Le”, lâu ngày cái tên “Tây gọi” ấy trở thành cả tên cho “ta gọi” nữa.
Mai từ trong Nghệ An, mới chuyển về công tác tại Tổng công ty, từ khi Cụ Triệu “huỷ phân” còn tại vị. Mai chuyển được từ Khu Bốn ra Thủ đô mà lại nhảy thẳng vào VINAMAPROTEXCO, cũng là nhờ có tí quan hệ dây mơ dễ má  họ  hàng với Cụ Triệu và Mai đã giúp Cụ “tìm lại được đứa con trai thất lạc”. Cụ Triệu là con trưởng của ông Giám đốc Đại Nam học hiệu Tú Anh, tức cháu đích tôn của bác Khoá Hiền. Mai là cháu ngoại chính tông của cụ Nghị Hách và bà Thị Mịch, mà Tú Anh (bố cụ Triệu) thì đã từng nửa cuộc đời làm con trai trưởng của nhà đại tư bản kiêm đại địa chủ Tạ Đình Hách. Cứ tính theo phả hệ thì Mai bằng vai với cả Cụ Triệu, tức hai người là cháu bác cháu cô với nhau trên danh nghĩa, nhưng thực chất chẳng có quan hệ huyết thống gì với nhau cả, vì ngày xưa khi bác Khoá Hiền (tức nhà cách mạng Hải Vân) đi tù về  đã trả thù Nghị Hách bằng việc “cho vợ ông ta một đứa con”, tức Tú Anh, bố của Cụ Triệu vậy.
  Còn mẹ Mai chính là cái tang chứng và kết quả của vụ hiếp dâm bất hợp pháp của Nghị Hách với bà Thị Mịch. Nhưng sau này bà Thị Mịch đã trở thành thứ thất bất đắc dĩ thứ 12 của Nghị Hách rồi, được tậu cho riêng một cái nhà ở phố Quán Thánh, để đưa cả bố mẹ là ông bà Đồ Uẩn lên sống giữa đô thành, thì lúc ấy chẳng bao giờ Nghị Hách còn thèm tơ tưởng đoái hoài gì đến bà nữa, bà cứ mong được Nghị  Hách cưỡng hiếp bà  lấy một vài lần nữa, mà là cưỡng hiếp hợp pháp hẳn hoi, nhưng cũng chẳng được. Bởi trước đây Nghị Hách mê bà, thèm muốn bà, cố tình cưỡng hiếp bà vì bà còn là một cô gái quê mùa hoang dã, xắn váy quai cồng, chân lội bùn đi gánh rạ.  Chứ khi bà đã trở thành một thiếu phụ khuê các, sống trong nhung lụa rồi, mặc dầu khi đó bà còn rất xinh đẹp, mặn mà xuân sắc lắm, thì cụ Nghị lại chẳng màng nữa. Thật quả là đàn ông thời nào cũng vậy, họ chỉ thèm thuồng những cái không có, chứ những cái họ có dù là tốt đẹp đến mấy họ vẫn hững hờ, chán ngấy. Khi đói nghèo thì họ mơ ước đến cao lâu mĩ vị, đến tiểu thư thị thành khuê các. Khi no đủ, có chức vị cao sang rồi thì lại đi tìm đến cơm niêu, rau khoai lang luộc, cá kho tộ… Về chốn thôn quê hoang dã tìm các cô gái chân còn lấm tấm bám theo cả bèo hoa dâu để làm thú vui...
  Vì lẽ ấy mà bà Thị Mịch chỉ có được một cô con gái duy nhất với Nghị Hách. Bà thừa sức cho con đi học trường Tây, hoặc giả như Tú Anh cũng muốn đưa em gái vào học tại Đại Nam học hiệu của mình, nhưng bà không muốn cho con gái mình “hư hỏng” bởi nền giáo dục Âu hoá nhố nhăng lúc bấy giờ. Cụ Đồ Uẩn bố bà thì đã qui tiên, nên bà Thị Mịch phải thuê hẳn một ông Đồ Nghệ về nhà dạy chữ cho con gái. Bà nào có ngờ đâu cái duyên kiếp con gái bà nó cũng giống như bà, mới mười sáu tuổi đầu, một tiểu thư khuê các, con nhà danh giá bậc nhất Hà thành, sống trong nhung lụa, đẹp nõn đẹp nường, suốt ngày một thầy một trò, chỉ ăn với học. Chẳng biết thầy Đồ Nghệ có nhét được chữ nào vào cái đầu phóng khoáng của cô tiểu thư con bà không, nhưng thầy đã nhét cái giống cái má nhà thầy vào người con gái bà, để cho cái bụng nó ưỡn ra ngày một lớn. Có nghĩa là con gái bà còn bị người ta cưỡng hiếp sớm hơn lúc bà bị Nghị Hách cưỡng hiếp những hai tuổi. Chỉ có khác là bà thì bị cưỡng hiếp trong cái xe hòm giữa cánh đồng vào ban đêm, còn con gái bà thì bị cưỡng hiếp trên giường, giữa ban ngày, ngay trong nhà bà. Mà cũng chẳng biết con bà bị thầy hiếp, hay là nó hiếp thầy mà lúc nào cái mặt nó cũng cứ câng câng ra, chẳng biết hối hận, xấu hổ, nhục nhã là gì nữa. Ấy con gái nhà lành nó thường có những cái hư hỏng kiểu nhà lành như thế đó. Rồi thì cũng như cậu Tú Anh đã gây sức ép bắt bố cậu phải danh chính ngôn thuận cưới bà vì đã cưỡng hiếp bà, còn bà thì lại phải gây sức ép với thầy Đồ Nghệ là phải đồng ý để cho bà cưới làm chồng cho con gái bà vì thầy đã hiếp nó hoặc là hai người đã hiếp nhau. Nhưng may mà con gái bà chỉ phải làm lẽ thứ 2, chứ không như bà phải làm lẽ thứ 12. Rồi Cách mạng bùng lên, rồi Giảm Tô, Cải Cách. Nghị Hách bị đấu tố, rồi bị xử bắn. Gia tài địch quốc khuynh thành  đều bị tịch thu hết.  Vợ chồng anh Khoá Nghệ phải dắt nhau chạy về xứ Nghệ nhờ vả mẹ con bà cả. Mai được ra đời tại xứ Nghệ trong hoàn cảnh đói nghèo túng quẫn. Lớn lên trong sự ghen ghét, ghẻ lạnh, khinh khi, đối xử bất bình đẳng của cảnh vợ lẽ, con thêm. “Tuổi thơ dữ dội” đã hun đúc, rèn luyện lên một cô gái rắn rỏi, đầy nghị lực vươn tới và vượt lên số phận. Mai đã làm được điều đó là trở thành sinh viên của Trường Đại học Ngoại thương. Mai luôn nuôi ý định trả mối thù truyền kiếp với bọn đàn ông hiếu sắc hãm hiếp đàn bà. Ý nghĩ đó đã làm cho Mai mất hết tính thuỳ mị đoan trang vốn có của phụ nữ Việt Nam. Nó trở nên dữ dằn, quyết liệt đôi khi tàn ác, phũ phàng. Mai luôn hạ quyết tâm rằng với đàn ông, những kẻ hiếu sắc kia thì mình phải luôn ở thế chủ động tấn công phủ đầu trước, đừng để nó chủ động tấn công mình. Mình phải làm hại đời nó trước, nếu nó có ý định làm hại đời mình. Nghĩa là mình phải chủ động cưỡng hiếp nó trước khi nó có ý định cưỡng hiếp mình. Sự trong trắng trinh tiết của người con gái chẳng có nghĩa lý gì, nếu người con gái đó yếu mềm, hèn kém thì trước sau gì thì sự trong trắng trinh tiết ấy cũng chỉ để hiến dâng cho những tên sở khanh, bất lương mà thôi. Cái quan niệm về tiết hạnh của người đàn bà theo triết lý của cái ông Khổng, ông Mạnh nào đó bên Tầu là phải tam tòng, tứ đức: “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” và “ công, dung, ngôn, hạnh”, thì “tứ đức” còn khả dĩ tạm sài được, chứ “tam tòng” là vất, vì nó quá cổ hủ lạc hậu, mà “cái gì lạc hậu tất sẽ bị đào thải” - ông Xuân Tóc Đỏ ngày xưa thường bảo thế! Với ý nghĩ nung nấu là phải trả nợ đời mối thù truyền kiếp là đàn ông cưỡng hiếp đàn bà và quan niệm về chữ trinh phóng khoáng như vậy, nên Mai đã hạ gục không biết bao nhiêu kẻ trai lơ, đỏm dáng, hay thả quả tình để có ý đồ làm hại con nhà người ta. Ngay từ buổi thiếu niên sống ở quê, khi còn đi chân đất đến trường, Mai đã làm hại đời ít nhất là ba đứa bạn trai cùng lớp. Đứa thì trời mưa cùng đội chung tầu lá sen đến lớp, giữa đường ướt hết phải tìm chỗ khuất để hong quần áo ướt. Đứa thì chủ nhật rủ nhau cùng lên đồi hái sim. Đứa thì mùa hè nóng nực cùng đi tắm chung một dòng suối mát … Lên học cấp III thì Mai đã trở lên “có bản lĩnh, vững tay nghề” trong việc làm hại đời đàn ông. Bất kể là bạn hay thầy, kẻ nào vừa gặp Mai mà đã đầu mày cuối mắt đưa tình, thả lời cợt nhả ong bướm ve vãn, sán đến định làm hại đời Mai, là Mai cho gục liền... Cái “cao thủ” và sự “quái chiêu” ở Mai là “những miếng đòn hiểm ác êm ái” mà Mai đã tung ra để “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn” bao kẻ si tình, nhưng không bao giờ để lại một dấu vết, một hậu quả có hại nào cho Mai. Có chăng chỉ là những sự hối hận, nuối tiếc, thậm chí cảm ơn của những kẻ si tình, chứ chưa bao giờ gây thù chuốc oán với ai.
Ấy vậy mà vừa rời quê hương xứ Nghệ, chân ướt chân ráo bước vào trường đại học, cái ý chí trả thù đời ấy của Mai đã bị gục ngã, tiêu tan bởi một người đàn ông cũng xứ Nghệ, hơn Mai đến một giáp, chỉ vì cái ý nghĩ “buông tay, gác kiếm” phục thiện ngây thơ, dồ dại của Mai.
Đó là vào cuối năm 1968, khi Mai vừa kết thúc học kỳ I, chuẩn bị về quê ăn Tết, thì nhận được một tin dữ khủng khiếp: máy bay giặc Mỹ đánh phá phà Bến Thuỷ, đã trút hàng ngàn hàng vạn tấn bom các loại xuống, gần như huỷ diệt hết thảy các làng mạc ở hai đầu bến phà trong đó có làng Mai. Gia đình Mai cả bố, hai mẹ và các chị con mẹ cả và mấy đứa em ruột của Mai đều bị giết hại. Trong lúc Mai đang đau khổ đến cùng cực thì “người ấy” xuất hiện, với tư cách vừa là đồng hương, vừa là thày chủ nhiệm lớp đến an ủi động viên Mai, làm cho Mai vô cùng cảm kích và biết ơn thực sự trước tình cảm thầy trò. Rồi “tần suất” những cuộc viếng thăm của thầy tới phòng Mai ngày một dầy thêm, Mai đã phát hiện ra rằng không phải thầy chỉ quan tâm mà tới an ủi, động viên mình, mà là thầy đang “tăm tia, săn đuổi” Đan Hạnh, con bạn thân đồng hương, có thân hình mảnh mai, mái tóc huyền đen nhánh dài chấm gót, cùng chung một giường tầng với Mai trong căn phòng ký túc xá (Tức mụ Đành Hanh “lưng chữ ngũ, vú chữ tâm, hâm tỷ độ”, trưởng phòng Tổ chức cán bộ Tổng công ty bây giờ). Thấy vậy Mai chẳng những không buồn mà lại rất vui và nhiệt tình “vun vào” cho thầy. Trong lúc họ đang yêu nhau được khoảng chừng “nửa năm hương lửa đang nồng”, thì Đan Hạnh bị tiếng sét ái tình của một chàng cầu thủ bóng đá đánh cho ngã gục. Thương tình thầy đang đắm chìm trong đau khổ của kẻ thất tình, thì Mai đã “ra tay tế độ vớt người trầm luân” mà chủ động lấy thân mình lấp vào khoảng trống tình yêu mà cô bạn thân Đan Hạnh bỏ lại. Vừa hết năm học thứ 2 đời sinh viên, thì hai thầy trò đã trở thành đôi vợ chồng hạnh phúc. Hết năm học thứ ba, một bé gái bụ bẫm chào đời. Rồi đúng vào cái buổi vừa dự lễ trao bằng tốt nghiệp Đại học xong, các bạn cùng lớp lại phải hối hả đưa Mai vào Khoa sản, bệnh viện Bạch Mai để  “cấp cứu vỡ đê” lần thứ 2. Và kết quả là cho ra đời “ông chủ nhỏ”, giám đốc khách sạn Bồng Lai.
Thời bao cấp, một suất lương giáo viên đại học 73 đồng bạc không sao đủ duy trì cuộc  sống  của  cái gia đình 4 miệng ăn. Mai đã quên hết cả mối hận đời truyền kiếp mà lao vào đời, đầu tắt mặt tối làm đủ mọi nghề để kiếm sống và nuôi con. Khi chồng Mai được trở lại trường cũ ở Tiệp Khắc làm nghiên cứu sinh, thì cũng là lúc Mai xin được việc làm kế toán ở một công ty vật tư tỉnh nhà.
Từ đấy những chuỗi ngày dài lam lũ tần tảo sớm khuya tại ngoại ô thị xã Vinh của Mai cứ bắt đầu bằng sáng sáng đèo hai con nhỏ trên chiếc xe đạp cọc cạch đến nhà trẻ và mẫu giáo, rồi đến cơ quan làm việc. Tối đón con về sấp sấp ngửa ngửa cơm nước, giặt giũ, cám bã cho mấy con lợn. Lúc con ngủ lại chong đèn đan len hoặc dán hộp. Có những khi cần trả hàng gấp Mai phải thức suốt đêm để đan, để dán cho xong. Sáng lại đưa con đi học rồi đến cơ quan làm việc bình thường.
Mai hỏi thế cháu chửa với ai, thì nó thản nhiên trả lời Mai là:
- Cháu chửa với chú.
Mai than thân trách phận mình sao hẩm hưu đến thế? Chẳng lẽ số kiếp Mai lại lăn theo vết xe đổ của bà ngoại và mẹ hay sao? Mai hối hận và tự trách mình đã trót dại dột phục thiện mà quên đi mối thù truyền kiếp bọn đàn ông. Cái bọn đàn ông khốn kiếp, không thể tin đứa nào được nữa! Mai cắn răng chịu đựng, không hề hé lộ cho ai biết được sự phản bội của chồng mình. Mai lao vào công việc và phấn đấu như điên. Nửa năm sau Mai được kết nạp vào Đảng, được đề bạt làm phó phòng, rồi năm sau thay thế ông bố con bé mà chồng Mai đã làm hại đời nó để lên trưởng phòng Kế toán tài vụ của Công ty vật tư tỉnh.
Tháng 5 năm 1975 giữa lúc cả nước tưng bừng hân hoan chào đón niềm vui toàn thắng, Bắc Nam sum họp một nhà, thì chồng Mai cũng thất thểu về nước với hai bàn tay trắng, tiền không, đồ không, bằng cũng không nốt, nên trường cũ cũng không nhận lại nữa. Khi ấy Mai cũng vừa được bổ nhiệm làm phó giám đốc công ty, mẹ con Mai vẫn vui vẻ đón chàng về sum họp. Một tuần sau người ta thấy Mai dùng xe cơ quan chở chồng lên Toà án Thị xã cùng ký giấy “thuận tình ly hôn”. Rồi một tuần sau nữa, người ta thấy Mai tổ chức một đám cưới gọn nhẹ, cưới cô con gái ông cựu trưởng phòng cho chồng. Mai nhường lại căn hộ tập thể mà ba mẹ con Mai đã bao năm gắn bó với chuỗi ngày dài vất vả cho ba vợ chồng con cái của chồng ở, còn ba mẹ con Mai dọn đến căn hộ mới mua giữa trung tâm Thị xã Vinh.
Việc ly dị người chồng phụ bạc, lại còn cho nhà, cưới vợ cho anh ta của Mai, cũng lắm kẻ khen, người chê, nhưng ai cũng bảo Mai làm những việc chẳng giống ai cả. Thật đúng vậy, ngay như bây giờ có bao nhiêu người đàn ông tầm cỡ đến với Mai, Mai đều từ chối mà lại đi yêu cái thằng ma cà bông ma cà chớp Mã Tóc Xoăn, còn kém cả tuổi con của Mai, mà đã yêu nhau nhưng Mai vẫn bắt nó gọi bằng cô xưng cháu, thì thiên hạ  không thể nào hiểu nổi nữa. Trong cuộc họp Chi bộ kiểm điểm Đảng viên cuối năm, ai cũng muốn góp ý với Mai về mối quan hệ kỳ lạ với Mã Tóc Xoăn. Nhưng ai cũng thấy khó nói, cứ  lấp la lấp lửng chẳng biết nói sao cho thấu tình đạt lý. Thấy vậy, Mai chủ động nói luôn:
- Các đồng chí muốn đề cập đến quan hệ của tôi với anh Mã phải không? Đúng là tôi yêu anh ta đấy và anh ta cũng yêu tôi, hoàn toàn không có sự ép buộc nào cả. Tôi yêu anh Mã như yêu con tôi và anh Mã lúc nào cũng coi tôi như một người mẹ ruột của anh ta. Còn nếu các đồng chí cho rằng chúng tôi yêu nhau bằng quan hệ tình cảm nam nữ thì tôi cũng không chối. Nhưng nếu như vậy thì sao? Chúng tôi đều là người tự do, tôi đã ly dị chồng mấy chục năm rồi, anh Mã là thanh niên chưa vợ, không biết yêu nhau thì sai ở chỗ nào nhỉ?
Ông Tổng giám đốc min tu lên tiếng trước:
- Sai thì không sai nhưng… ai lại đi yêu người kém cả tuổi con mình thế!
Mai phản pháo ngay:
- Đồng chí Chúi không biết những ai yêu người kém cả tuổi con mình à? ngay ở Tổng công ty ta cũng “hơi bị nhiều” đấy! Có cần tôi phải kể ra không?
Chúi rỗ đỏ mặt vì biết Mai ám chỉ quan hệ vụng trộm giữa mình với cô thư ký trẻ.
- Tuổi tác hai người kể ra thì cũng hơi chênh lệch đấy, còn như…- Chủ tịch Tùm Lum phát biểu – còn như hôm nay đồng chí Mai đã công khai nhận là yêu anh Mã rồi, sao hai người vẫn cứ cô cô cháu cháu  nghe nó chướng quá.
Mai nói:
- Khi tôi về đây cậu ấy xưng hô như thế, nó là thói quen thôi, cũng chẳng cần thiết phải cải lại. Mấy lại tôi cũng không thích cái kiểu sáng chú, chiều anh, chối cãi loanh quanh, rồi vẫn lộ ra là anh với ả.
Lão Tùm Lum lại đỏ mặt vì biết Mai xóc đểu quan hệ của mình với “cháu Phúc” hành chính.
Cuối cùng Mai đứng lên làm cho một thôi một hồi rằng thì là sao các ông đã có gia đình vẫn cứ đi vụng trộm với các cô gái trẻ, còn tôi yêu người trai trẻ chưa vợ thì phạm vào điều luật nào nào? Chẳng ai trả lời được, thế là hoà cả làng. Từ đấy chẳng còn ai nói ra nói vào quan hệ của Mai và Mã Tóc Xoăn nữa. Mỗi lúc nghĩ đến cuộc họp hôm ấy, Mai lại tự mỉm cười một mình.
Chờ mãi chẳng thấy Mã vào, Mai đi ra phòng khách thấy hai người khách còn ngồi đấy. Mai liền bảo Mã:
-  Gọi giúp cô cái taxi với.
- Sao không gọi lái xe của cô đến đón mà lại phải gọi taxi?
- Hôm nay mình nghỉ đi chơi thì cũng phải để cho lái xe họ nghỉ ngơi chứ!
Mã bấm máy gọi taxi, rồi lại hỏi:
- Cô định về nhà hay đi đâu ạ?
 - Đi hỏi vợ cho cậu.- Mai trả lời, rồi đi thẳng ra cổng.
Mã Tóc Xoăn  và hai người khách nhìn nhau ngạc nhiên, không hiểu.
 Thật đúng là:
Vô phúc rớ phải bà già.
Đã khôn như rận, lại là khó chơi.
Chưa biết Mai nói thật hay nói vui, cứ xem tiếp hồi sau sẽ rõ.