Vài giờ sau, đại công tử rời khỏi bàn làm việc, chìa tay cho viên quản gia nói rất lịch thiệp: - Ta xong việc rồi nhỉ. Nếu có gì bất thường, ông cư điện thoại cho tôi nhé, lúc nào tôi cũng sẽ có mặt ở nhà. Quản gia Klet khom lưng chào đầy kính cẩn, rồi với vẻ thành kính ông ta chạm khẽ vào tay Mikhôrôvxki, ngạc nhiên hỏi: - Chắc đại công tử lâu lâu mới lại ghé Xuôđkôvxe? -Ồ vâng! Khoảng một tuần, có thể lâu hơn. - Nếu vậy, xin phép phải làm phiền ngài một việc. - Xin mời. - Dạ thưa, tôi muốn hỏi: ngài định cấp bộ tứ mã nào riêng cho lâu đài này: bộ khoang, hạt dẻ hay bộ ngựa ô? - Sao ông lại hỏi chuyện đó? Bởi bộ ngựa ô toàn là những con vật ưa nhẹ. Phu nhân nam tước thường dùng để đi đến Sale, đến nhà ông bà bá tước Chvilexki. Những bốn dặm, mà đường lại xấu. Ngựa vốn quen với đường xá của ta, về được đến nhà gần kiệt sức. Nam tước phu nhân đi dữ lắm ạ. Tôi không thể trình bày với bà, nhưng tôi muốn ngài cắt riêng một bộ tứ mã cho việc đi lại, bởi như vậy không phải lo cho ngựa nữa. Valđemar vừa nghe những lời vội vã của viên quản gia, vừa xếp đặt lại giấy tờ trên bàn làm việc. Chàng ngẩng đầu, ngạc nhiên nhìn Klet, nhưng vẫn nói bình thản: - Trong những chuyến đi chơi thăm như thế. chính xà ích chứ đâu phải ông chịu trách nhiệm về ngựa. Klet bối rối. - Vâng, đúng vậy. Dẫu sao tôi cũng chịu trách nhiệm về việc đã cắt chúng đi. Mikhôrôvxki đưa tay gạt trán, nhấn mạnh: - Này ông, đối với cô tôi, đi cỗ ngựa nào chẳng thế? Có phải không? Klet càng bối rối hơn. - Thưa không, bao giờ nam tước phu nhân cũng tự mình cắt ngựa, và thường rất khác nhau, khi thì bộ ngựa ô, khi thì bộ hạt dẻ. - Nếu vậy thì nên để nguyên như cũ. Klet hiểu rằng ông đã không khéo léo khi động đến chuyện này, và bây giờ nên rút lui. Ông đưa mắt nhìn đại công tử: hàng lông mày chau lại trên trán và đôi môi bĩu ra khiến ông thấy khó chịu. Ông không nhìn thấy mắt công tử vì mắt chàng đang cúi nhìn xuống đám giấy tờ, nhưng đoán được rằng ánh mắt không phải là khuyến khích. Bao giờ, ông klet cũng ngạc nhiên trước sự lịch thiệp của vị đại quý tộc này đối với người dưới quyền. Nhưng ông hiểu rằng cái nhíu mày, nét bĩu môi đặc thù và toàn bộ vẻ cẩu thả kiểu ông lớn toát ra từ chàng không phải là triệu chứng của sự vui vẻ. Ông bèn cúi chào thốt lên: - Xin lỗi ngài là đã cả gan đề cập việc đó. - Ồ, kìa ông! - Mikhôrôvxki đáp lại bằng một giọng đặc biệt, vừa vẻ tha thứ lại vừa có vẻ bực mình về lời xin lỗi ấy. Chàng thốt ra mấy lời ấy lại vừa đại lượng cũng vừa chê trách. Vừa nói chàng vừa ngẩng đầu nhìn nhanh như chớp mặt Klet. Viên quản gia mong sao mình đừng có mặt trong phòng làm việc của chàng lúc này. - Xin kính chào ngài. - ông ta vừa nói vừa cúi chào lần nữa. - Tạm biệt! - Đại công tử thốt ra gọn lỏn, gật đầu. Hàng lông mày của chàng nẩy lên, nóng nẩy. Klet bước ra. Công tử thở phào. - Bao giờ cũng kêu ca về bà cô ta. - chàng cáu kỉnh lẩm bẩm - Và bao giờ cũng chính là Klet. A, nhưng hôm nay chắc hẳn y đã hiểu ra. Mình không thích dạy những bài học thế này. Chàng đi đi lại lại trong phòng, lắc đầu. - Nhưng chính gã lại thích! - chàng nói gần như thành tiếng. Người chánh bộc Jaxenty xuất hiện. - Lão quan nhân cho mời đại công tử đến gặp người. - Được. Bảo thắng ngựa. Cụ Machây đang đọc sách trong phòng làm việc riêng, người chìm sâu trong chiếc ghế bành kiểu cổ. Trông thấy cháu trai bước vào, cụ đặt sách lên bàn. - Ông xin lỗi đã cho mời cháu. Ông muốn nói chuyện với cháu, Hay cháu đang bận? Valđemar mỉm cười. - Dầu bận cũng không sao kia mà. Thưa ông, ông không nghĩ là ông có quyền hơn sao? Cụ già chìa tay cho chàng. - Cháu thật tốt, tốt quá. Vì thế ông càng xót xa khi phải rầy la. Ngồi xuống đây, thằng bé khó bảo của ông. Cụ trỏ cho chàng chiếc ghế đối diện. Valđemar không ngồi. Chàng ngó qua cửa sổ ra vườn, nơi những con hoạ mi đang hót. Chàng hỏi, giọng pha chút đùa cợt: - Thật ư ông? Cháu phạm lỗi gì vậy? - Cháu của ông, cháu đừng nên làm cô Iđalia phật ý như thế. - Ồ, vậy ra cô đã kịp tác động đến ông. Xin chúc mừng! - Làm gì có chuyện đó, Valđy! Có điều cháu thấy đấy, ông không thích chuyện căng thẳng nóng giận, mà cô ấy thì lại rất hay nóng. Nếu cháu khiêu khích cô ấy, chúng ta sẽ có những bữa ăn không vui vẻ gì như hôm nay. - Vâng, được rồi. Nhưng nói cho cùng thì ý kiến của ông thế nào ạ? - Valđemar hăng hái hỏi lại. - Ông cương quyết đứng về phía cháu. Cái tay bá tước S. ấy là một gã tâm thần. Iđalia thì lại nghĩ khác. Cô cháu nói bao giờ chúng ta cũng phải giữ giới mình, nên giúp đỡ cưu mang lẫn nhau chứ không nên đi tìm các vị thần ngoại đạo. Cô ấy cũng có phần phải, nhưng trong trường hợp này.... Valđemar phá lên cười mỉa mai. - Thật là một lý thuyết tuyệt vời! Lòng vị tha của cô ấy khiến cháu mủi lòng! Nhưng đó là thứ chủ nghĩa vị tha giả dối! Cái lão bá tước ấy đã chinh phục được cô Iđalia, cứ như thể chính cô ấy cũng là tân quý tộc. Ngài bá tước S. lại là nhân viên thực tập ở Xuôđkôvxe - điều ấy đã làm cô ấy thích thú. Còn cháu là một kẻ ích kỷ cùng cực, cháu không thể nhận một con rối ẻo lả như thế làm người thực tập, phần nào đó là người giúp việc cho cháu được! Cháu không tìm giới, mà tìm sự năng nổ, nghị lực - điều mà gã kia không biết mô tê gì hết. Chuyện một trong các nhân viên thực tập ở trang Guenbôvitre là bá tước không hề có nghĩa là cháu phải tìm một gã bá tước thứ hai, bất kể gã ấy là người thế nào. Bá tước kia ở Guenbôvitre cũng làm lụng như mọi người, trong khi bá tước S. chẳng thể làm gì hết. Có thể cô nghĩ rằng nhân viên thực tập ở đây đóng vai một cậu chủ đi tắm biển, sẽ suốt ngày chơi quần vợt, chơi bi - da và ông ổng đọc các tiểu thuyết Pháp. Hẳn rồi, những việc ấy thì bá tước S. có thừa khả năng, nhưng cháu lại đòi hỏi nhân viên thực tập loại khác. Và cháu nhất thiết phải tìm được đúng loại đó. Vả lại, cháu cũng đã có người rồi, cháu đâu thể huỷ bỏ hợp đồng vì... bệnh dị ứng của cô ấy. Chàng nói nhanh, vừa vung tay làm điệu bộ vừa đi đi lại lại trong phòng, rồi dừng lại bên cửa sổ. - Ông có biết cháu đã phải thực tập như thế nào ở gia đình công tước Uôzinxki sau khi tốt nghiệp trường đại học Halle không? - chàng đột nhiên hỏi. - Nếu bá tước S. cũng có thể đủ khả năng thực tập như thế, thì xin mời ông ta tới đây để làm thoả mãn lòng tự ái của cô. Cụ Machây xua tay. - Thôi đi, ông hiểu quá rõ gã thộn đó. Một con búp bê sực nức nước hoa, ngoài hai mươi tuổi mà đã hói một mảng tướng. Riêng chuyện trang điểm cũng đã chiếm mất của gã tới nửa ngày. Gã ấy là vật cản chứ đâu phải giúp việc cho cháu. Ấy, cháu cũng định chẳng quanh co vòng vèo gì đâu. Thưa ngài, nếu ngài không dậy sớm đúng năm giờ, thì xin ngài cứ việc tới Montê Carlô chơi trò đen đỏ. Cháu muốn những người thực tập ở chỗ cháu có thể tận dụng được thời gian nhiều nhất. Tại trang Guenbôvitre và Xuôđkôvxe họ có đầy đủ điều kiện để hoạt động. Song cháu không hề có ý định nhận ngay một thằng cha vớ va vớ vẩn nào đó vào làm. Gã S. chưa hề tốt nghiệp một trường nông nghiệp nào cả. Chả lẽ gã muốn cháu phải giảng nông học cho ga từ A đến Z, mà chỉ được giảng những khi gã có hứng hay đã chán đánh quần vợt sao? Cháu đâu phải là một nhà từ thiện như thế trong giới chúng ta! Xin cô Iđalia cứ việc mở tại đây một trường đào tạo dành riêng cho bọn Philixtanh, bọn chạy mánh, bọn ăn chơi, bọn chuyên đánh quần vợt, khi ấy cháu sẽ phái một cỗ xe lót đệm êm như ru đến đón chào ngài bá tước, để cho ngài khỏi bị vỡ dọc đường như một lọ nước hoa. Cụ Machây bật cười. - Chỉ còn thiếu nước anh nói câu đó với Iđalia. - Cháu sẽ nói! Nếu cô ấy bắt đầu cao giọng giảng cho cháu nghe tình yêu đối với giới hói đầu, cháu sẽ nói! May mà cháu sống bên Guenbôvitre, cháu có thể bớt lui tới đây, nếu cháu làm cô Iđalia bực mình đến thế. - Kìa cháu, đừng nghĩ thế! Mà cháu biết không? Cái anh chàng thực tập có thể cứ ở bên Guenbôvitre, thế là yên chuyện. Cháu nghĩ sao? - Nhưng bên Guenbôvitre cháu đã có tới ba người thực tập rồi, trong khi ở đây chưa có một ai. Vả lại, từ Guenbôvitre tới Xuôđkôvxe cùng lắm là hai dặm, không lẽ để gã đi ăn cơm và ngủ? Vớ vẩn! Không thể thế được! - Vậy hay ta để gã ăn ở chỗ Klet chăng? Valđemar ngồi xuống, cúi người sang cụ Machây, cầm tay cụ, nói trang nghiêm: - Ông ơi, xin ông hãy nói thật xem nào: ông muốn cái gã thực tập ấy đến đây với nhà ta là do tự ý ông hay do ảnh hưởng của cô? Nếu chính ông muốn thế, nếu chuyện đó làm ông cảm thấy phiền lòng, xin ông cứ nói thẳng. Cháu sẽ rút lui hợp đồng với người ấy, thế là xong. Cháu không muốn làm ông phiền lòng chút nào, ông ạ. Cụ Machây ôm đứa cháu, hôn chàng âu yếm rồi bảo: - Cháu thật là một đứa trẻ đáng yêu, Valđy ạ. Cảm ơn cháu đã chăm lo đến ông. Ông cũng xin nói thật: người ấy không hề làm ông thấy khó chịu, ngược lại là khác, ông thích có thanh niên bạn bầu. Vả lại, ông tin rằng cháu không nhận những kẻ vô giáo dục, bởi ý thích riêng và cái gu rất tốt của cháu không cho phép cháu làm điều đó. Ông không có gì phản đối chuyện ấy, thậm chí ông cùng một ý với cháu nữa. Chúng ta cần phải văn minh hoá, phải đưa nòi giống tốt vào những giới ít nòi hơn, phải nâng cao văn hoá. Và một khi chúng ta có thiên chức và đủ năng lực để làm việc đó, chúng ta không thể né tránh, chúng ta có nghĩa vụ phải hướng dẫn xã hội. Bá tước S. sẽ không tận dụng đuợc những điều kiện của gia đình ta, còn người sinh viên thực tập kia có thể thu được nhiều nhân tố có giá trị nếu được sống trong gia đình ta, những nhân tố ấy sau này có thể có ích cho anh ta, có thể làm cuộc đời anh ta thêm đẹp, và vì thế anh ta sẽ hàm ơn chúng ta. Valđemar biết rõ rằng, mặc dù rất tỉnh táo và mâu thuẫn, nhưng ông chàng là một người sùng tín đến mức mê cuồng giới quý tộc của cụ. Cụ hình dung rằng giới quý tộc là chiếc đũa nhạc trưởng trong tay Chúa, hướng dẫn những người thuộc tầng lớp dưới, chỉ đạo dàn hợp xướng của nhận thức con người, ra cho họ những lệnh thích hợp, bắt người ta phải trông vào mình, buộc họ phải làm theo những cử động của mình. Cụ Machây tuy vậy vẫn không thể tha thứ cho một nhược điểm của chiếc đũa nhạc trưởng giả tưởng kia, đó là lòng ham muốn những sắc màu xa lạ, khiến nó trở nên một thứ loè loẹt trăm màu dùng trong hội hoá trang, che mất cái nền bản ngã. Nghe cụ Machây nói rằng khi giao tiếp với giới của họ, người thuộc cái giới khác có thể có lợi nhiều bề, Valđemar vui vẻ thốt lên: - Ồ vâng, có lợi chứ, anh ta sẽ biết ơn chúng ta nhiều. Thu thập các yếu tố li ti mà làm gì? Anh ta có thể đón nhận luôn những cơn thần kinh và nhăn nhó của cô, cùng các điệu bộ lịch lãm trang nhã của cô là đủ. Anh ta sẽ học dùng xen tiếng ngoại quốc trong lời ăn tiếng nói, xem nước ngoài là chuẩn mực, anh ta sẽ hiểu ra rằng nếu tự trọng, mỗi người phải biết xem việc phát âm rõ chữ " r " là một di chứng mông muội trong bảng chữ cái và rốt cuộc chúng ta sẽ thuyết phục được anh ta tin rằng để đánh mất danh dự và lòng tôn trọng không cần chỉ phải làm chuyện đồi phong bại tục mà chỉ cần... lấy thức ăn hai lần từ cùng một đĩa là đủ! Thật là những thành tựu tuyệt vời của văn minh hoá, in sunmo gradu (Latinh: Đến mức cao nhất )! Bị lây bởi giọng đùa cợt của cháu, cụ Machây cũng bật cười. Tất cả những điểm bị Valđemar đem ra diễu cợt đều khiến cụ không tán đồng với con gái cụ. Cụ chỉ đồng ý với con duy nhất ở lòng tôn trọng đến mê đắm đối với giới quý tộc, nhưng ngay cả điều này cụ cũng hiểu khác cô con gái. - Cháu của ông - cụ cười nói - cháu chỉ nói đến cô Iđalia thôi, chứ ngay cả ông nữa, ông biết văn minh hoá kiều gì được? - Ồ, ông lại buộc cháu phải ca ngợi rồi. Giá tất cả chúng ta đều được giống ông và bà Pođhorexha thì hẳn cháu sẽ nghĩ khác hẳn về giới chúng ta. Khi ấy rất có thể cháu sẽ trở thành một vị tư tế dâng lễ vật hiến lên bàn thờ của giới ta. Cháu sẽ hát những bản tụng ca về danh dự chúng ta, cháu sẽ là kẻ đi đầu tung hô những khẩu hiệu đáng kính, những nguyên tắc siêu nhân đạo, thứ đạo đức tuyệt hảo của chúng ta. Nhưng bởi lẽ ở những người khác cháu không hề nhận thấy những điều đó, vì thế cháu không thể hát cùng cô Iđalia những bản tụng ca ca ngợi ấy được. Vầng trán cao vọi của người đại quý tộc già chau lại, cụ cúi đầu, thở dài nặng nề. Lời đứa cháu trai đã làm dậy lên trong lòng cụ một tiếng thì thầm không yên. Có gì đó trong lương tâm lại khẽ lên tiếng, một tế bào ký ức nhỏ nhoi nào đó dường như đã rêu phong lại chợt rung lên gây ra nỗi đau. Có thể lý giải cho giây phút đáng buồn kia của cuộc đời bằng tuổi trẻ - nhưng cụ Machây không thuộc những kẻ thường tìm kiếm nguyên nhân xoa dịu đi các lầm lỗi của bản thân, dùng chúng làm vật che chắn để có thể sống yên bình. Cụ trầm tư, im lặng ngồi đó, khiến Valđemar phải để ý. Đại công tử đứng bên, nhìn vào mắt ông, mỉm cười hỏi: - Ông nghĩ chuyện gì vậy? Cho cháu biết được không? Tiếng chim họa mi kia quả cũng khiến người ta dễ mơ màng, cháu tuy không phải là người đa cảm nhưng cũng vẫn lắng nghe tiếng chim hót ấy và thấy dễ chịu trong lòng. Giá không nghĩ đến chuyện phải ăn tối với bà cô, cháu sẽ ở lại đêm, nhưng cứ nghĩ đến việc đó là cháu mất cả vui thú, mất cả ngon miệng. - Ở lại đi cháu! Iđalia thì có làm sao! Cô cháu chúng mày rồi sẽ hoà thuận thôi. - Không, cháu phải đi thôi ông ạ. Hôm nay, ai cũng hành hạ cháu, ngay cả cái con chim sẻ lanh, cô công chúa mặc giả mục đồng kia nữa chứ. - Sẻ lanh nào? Mục đồng nào? - À, cô... tiểu thư Xtefchia... Cụ Machây giật mình. - Xtefchia? Cháu nói gì thế, Valđemar Đại công tử nhìn cụ ngạc nhiên - Cháu muốn nói tới cô Xtefchia Ruđexka. Ông chẳng gọi cô ấy như vậy là gì? - À, con bé!... Phải, ông hay gọi nó thế, bởi thế hay hơn. Nhưng con bé có phiền gì đến cháu đâu? Chính cháu trêu chọc nó thì có, hôm nay cũng thế. Valđemar cười to. - Ôi,! Cháu làm sao mà trêu chọc cô ấy được, đó là một ả mỏ nhọn! - Cháu làm thế là quấy đấy, Valđy ạ! Sao cháu cứ khiêu khích con bé. Đó là một đứa trẻ rất tốt bụng và đáng yêu. Là con nhà có gia tư mà chắc cháu cũng đã biết trong hoàn cảnh nào con bé phải đi làm giáo viên. Nó làm việc rất cẩn mẫn, dẫu đó không phải là nghề nghiệp của nó. Phải biết trọng điều đó. Sao cháu lại làm nó phiền lòng? - Chứ sao nữa hở ông? - bởi một lẽ đặc điểm nữa của giới chúng ta là thế: coi những người thuộc giới khác lạc vào giới ta là đò chơi, lấy họ làm đối tượng đùa cợt, để mài dũa miệng lưỡi chính mình. Cụ Machây nhìn cháu lo ngại. - Ông e là cháu không nói chuyện nghiêm túc. - Ngược lại, cháu nói hoàn toàn nghiêm túc đấy, thưa ông. Đó là một trong những viên ngọc quý trong kho báu chứa các vật gia bảo của giới chúng ta. - Valđy, hôm nay cháu làm sao thế? - Hôm nay cháu nói thật khác thường. - Không, cháu đang bực mình, vì vậy, thiếu công bằng ngay cả đối với chính bản thân. Cháu không đủ khả năng để chơi đùa như cháu vừa mới nói. - Cũng có thể lắm. Vả lại, cháu thế nào cũng được. - Thế tại sao cháu lại hành động như vậy? Valđemar giơ tay lên. - Vì truyền thống, thưa ông. - Ê! Lúc nào cũng giễu cợt! - Vậy cháu xin nói thật, cháu không thể chịu nổi cô ta! - Ai? Tiểu thư Xtefchia ư? - Vâng! Chính cô ta! - Sao? Đó là một cô gái xinh đẹp, tốt bụng, thông minh. Valđemar nhún vai. - Hình như là vì chính những lý do đó mà cô ta không ưa cháu. Cháu đâu biết tại sao? Thôi, nói chuyện đó thế thôi, ông ạ. Cháu phải đi đây, ngựa đã dắt ra từ lâu rồi. Tối cháu sẽ ở lại Guenbôvitre. Tuần sau cháu sẽ cùng nhân viên thực tập đến, trong sự hài lòng của cô cháu. - Sao thế? Chẳng nhẽ cháu sẽ không ghé lại đây ư? - Chắc vậy? Cháu bận lắm. Cụ Machây thân thiết ôm chặt đứa cháu trai - Sao cháu lại đi một mình? Sao chẳng bao giờ chịu mang giám mã theo? - Cháu không muốn kéo theo một thằng đần. - Hay mang theo một đứa trông ngựa. - Kìa, ông. Cháu đâu phải con trẻ mà sợ đi đêm. Chàng ôm ông, ưỡn thẳng dáng người trai trẻ, cười to. - Cháu đi tạm biệt cô đây. không hiểu cô ấy có quẳng cháu xuống thềm không? - Thôi đi nào, Iđalia ngủ rồi. Để ông tạm biệt hộ cho. - Thế càng hay. Tạm biệt ông! Valđemar bước ra khỏi phòng. Nhìn ra, cụ Machây thấy chàng nhẩy lên ngựa, phi nước kiệu, theo sau là con Panđur mà chàng rất yêu, con chó nòi, to lớn, xin đẹp. Đến cổng, Valđemar gặp Xtefchia và Luxia vừa đi dạo về. Luxia nói gì đó, còn Xtefchia chỉ khẽ gật đầu đáp lại cái chào của chàng rồi bước vào sân, chẳng thèm nhìn chàng. Chẳng mấy chốc Luxia cũng đuối kịp cô. Đứng ở cổng, Valđemar chằm chằm nhìn theo Xtefchia cho đến khi cô đi khuất. Rồi chàng quất roi vào mông ngựa, huýt sáo gọi chó, phóng đi như một cơn lốc. Cụ Machây mỉm cười. - " Nó bảo không chịu nổi con bé, vậy mà vẫn chú ý tới Xtefchia " - cụ thì thầm tự nhủ một mình.