Phần 1
Chủ nghĩa Mác... tản mạn ký

Như một chú hề ra chiếu chèo: “Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ”?
Liệu có được hàng trăm, hàng nghìn tiếng hưởng ứng lại không?: “Không xưng danh thì ai biết là ai?” Tôi là “Tễu”một chú Tễu địa vị thấp nhất ở cái mặt bằng XHCN hiện nay có vẻ vang chức tước gì mà phải xưng danh. Thủ tục trên vốn là màn giáo đầu muôn thuở của một tích chèo, Tễu tôi là một chú hề chèo sao lại không xưng danh? Xưng danh cho đàng hoàng để nghêu ngao một vấn đề “Tam tự kinh dân dã” về: Chủ nghĩa Mác.
Tuy gọi là Tễu, nhưng Tễu tôi ở cái tuổi cũng gần tuổi cổ lai hy, nhớ nhớ, quên quên, nhưng cũng hay “Lý sự cùn” nên được liệt vào loại ngu nhất trong những người khôn nhất, tuy nhiên cũng là loại khôn nhất trong những anh ngu nhất còn lại của năm cuối cùng thế kỷ 20 này! Vậy khi trích dẫn sự kiện hoặc danh ngôn có điều gì lầm lẫn, râu ông nọ cắm cằm bà kia mong được lượng thứ!
Bổn cũ chép lại cho mới kể rằng: ở một nơi kia có một nhà phê bình văn học “cực siêu” không cần đọc tác phẩm của bất cứ ai, chỉ cần “ngửi” cũng biết nội dung văn chương, chữ nghĩa! Một ngày nọ có một nhà văn gói 3 tác phẩm kín trong bọc để thử tài nhà phê bình nọ. Cầm tập đầu tiên ông phán:
“Sặc mùi đạn bom, lửa khói, ngập ngụa bùn lầy nơi chiến địa. Phải chăng là “Khói lửa” của Bác-Buýt? Cầm tập thứ hai: “Lệ rơi đầm đìa khóc than cho một kiếp hồng nhan đương nhiên là Tố Như với “Kim Vân Kiều truyện”? và cầm tiếp tập thứ ba, ông nhăn mũi: “Văn chương trộn lẫn Triết học, bàn nhiều về chính trị đã bốc mùi thum thủm, đây hẳn là tác phẩm “vĩ đại” của ông?”. Nghe phán xong nhà văn nọ phục sát đất và kể lại chuyện với tôi. Bị kích thích lòng tò mò, sau khi gói kín tác phẩm của tôi, tôi lặn lội tìm đến gặp nhà phê bình độc nhất vô nhị nọ. Chưa kịp vào đề, ông cầm gói kín của tôi lên ngửi, ông nhíu mày và lẩm bẩm: “Có vấn đề chính trị đây! Ngửi không đúng tù như chơi?” Lật đi, lật lại, ngửi đi, ngửi lại, ông nói: “Quái, Ê-Dốp đã chết cách đây hơn 2000 năm rồi sao lại thấy bốc mùi “Cái lưỡi” và lạnh toát vùng Đông Âu tuyệt phủ? Vậy “Tác phẩm” lẩm cẩm của anh là bàn về “CN Mác”. À quên chỉ là bàn về “Cái lông chân của chủ nghĩa Mác”. Tôi phân vân hỏi lại: Đúng quá! Nhưng sao ngài lại nói là bàn về “Cái lông chân của chủ nghĩa Mác” và bốc mùi “Cái lưỡi...”? Nghe xong ông cười ha hả: “Ông ngu bỏ mẹ! Ông đã biết gì về Mác mà dám bàn. Mác tiếng Nga của Xít-Ta-Lin, tiếng tầu của Mao-Sếnh-Sáng tiếng “Phú-Lang-Xa” của Mô-Rít-Tô-Rê, tiếng Mỹ của Gớt Hôn và tiếng Việt “ăn theo” của nhà xuất bản chính trị quốc gia... gì... gì... đó vv... tuỳ từng “gu” của phe nhóm mà thành chủ nghĩa Mác. Sở dĩ ta nói bốc mùi của cái lưỡi vì “cái lưỡi ÊDốp” có thể vặn từ 0 đến 1800 mà các nhà tuyên huấn đảo lưỡi thần tình lắm! Bịa đặt và thay đổi màu sắc như một con kỳ nhông, láu cá như một anh lái trâu sắc như dao khi cần giết người. Còn ông đã bao giờ được đọc chủ nghĩa Mác nguyên bản bằng tiếng Đức, tiếng của chính Mác chưa? Xin lỗi! Chắc ông đầu óc cũng vào loại “bã...”, một chữ ngoại bang bẻ làm đôi cũng không biết nên mấy chục năm nay đọc theo Mác như một con vẹt qua những quyển sách “Kinh điển” dày cộp khó mà xác định được đó là Mác thật hay “Mác giả… cầy”. Do vậy tôi mới nói là loại ông có bàn chỉ là bàn cái lông chân của Mác: Nhưng liều liệu đấy, chứ không thì tù như chơi. Đất nước XHCN hiện giờ làm gì có luật pháp “đàng hoàng” mà xử án những vấn đề chính trị, nếu có xử thì “xử chui” thôi.
Tôi cúi lạy ông 3 lạy rồi ra về. Thánh thật!. Đúng là gần đây “Phe ta” có cả một hệ thống báo chí đồ sộ đang rộ lên tuyên truyền về sự đúng đắn, về sự vĩ đại bất biến của chủ nghĩa Mác. Còn “Nhóm tán phát” không có một mảnh đất “cắm dùi” để đăng báo công khai thì đành cứ “thậm thà, thậm thụt” nói về cái không tưởng, cái duy ý chí và thậm chí cái lẩm cẩm của Mác... Các nhà lý luận cự phách của hai bên trích dẫn hết Mác, Ăng-Ghen rồi là Phơ-Bách, Ê-Ghen, nào là chống Đuy-Rinh rồi lôi thêm Mông-Tét-Kiơ, Pờ-RuĐông, Đi -Đờ-Rô, Ô-Oen... vào tranh cãi, nói toàn chuyện trên trời, dưới biển, khiến loại ếch ngồi đáy giếng như tôi nghe cứ là “ù” hết cả 2 tai. Thôi thì “Kính nhi viễn chi”, tôi là anh dân dã viết theo kiểu “con vỏi con voi” về cái lông chân của chủ nghĩa Mác để góp vui với đời.
Tôi quan sát chủ nghĩa Mác có gắn bó đời thường với nhân dân Việt Nam không, qua một biểu hiện cụ thể: Trước Cách mạng Tháng 8 các gia đình tùy theo mức sang hèn, bầy biện nơi sang trọng bàn thờ tổ tiên còn có 3 ông: Phúc - Lộc - Thọ, sau 9 năm kháng chiến trở về, nhất là sau CCRD 3 ông Tam Đa này ít được bày, thay vào đó là hình ảnh hoặc tượng thạch cao của các vị đại diện cho hạnh phúc ấm no của chế độ XHCN. Thế rồi bãi bể nương dâu, các bạn hãy cùng tôi xem thử khi đến thăm bà con bạn bè thân hữu, kể cả các vị cán bộ đương chức hoặc về hưu, các vị Cộng sản nòi, các cựu chiến binh... tại nơi gia thất ngoài bàn thờ tổ tiên trang nghiêm thành kính còn có ông Phúc-Lộc-Thọ trở thành phổ biến thay thế cho những tấm ảnh và các bức tượng thạch cao ngày xưa. Tôi đã đến thăm hơn mười vị thủ trưởng cũ của tôi thì hoàn toàn không thấy tấm ảnh thiêng liêng hoặc bức tượng bán thân thạch cao ngày xưa nữa, mà sừng sững từ trên các vị trí trang trọng là 3 vị Phúc-Lộc-Thọ như đang hiền từ nhìn tôi. Ngoài ra năm bảy vị thủ trưởng cũ của tôi còn bày thêm một ông “Di Lặc” với cái miệng cười vui sướng hết cỡ, phanh cái bụng có lỗ rốn to tướng và một tay nâng (đáng lẽ ngày xưa là một quả đào) một khối vàng ròng. Thì ra dù được tuyên truyền ra rả hết ngày này tháng khác, hết năm này qua năm khác nhân dân ta đang “tự nguyện” đi theo con đường của chủ nghĩa Mác Lê-Nin cùng những tư tưởng vĩ đại khác mà không sao chiếm nổi được một chỗ bày biện trang trọng ở đại đa số các gia đình kể cả các vị chức sắc lẫn dân thường và chắc cũng không chiếm nổi sự tin yêu và kính trọng trong trí óc và trái tim của họ.
Về mặt nghiên cứu xã hội cũng nên đặt câu hỏi về hiện tượng này! Thực ra giản đơn như Tễu tôi nghĩ: 3 ông Phúc-Lộc-Thọ không có tiểu sử oai như Mác, không răn dạy nhiều lời như Mác, chỉ được đúc từ các lò sứ ra nhưng lại là tượng trưng cho khát vọng ngàn đời của con người: được học hành, được có địa vị xứng đáng, có ích cho xã hội, nỗ lực lao động trí óc và chân tay để được no ấm, giầu sang và sống lâu mạnh khoẻ. Người Việt Nam vốn cần cù, đầy lòng nhân hậu, cả tin nhưng nhạy bén đánh giá về thực tiễn, thích cụ thể, minh bạch rõ ràng mà chue nghĩa Mác thì rối mù về lý luận, xa vời vợi về mục tiêu làm hàng mấy chục triệu nhân dân Việt Nam cũng như hàng mấy tỷ nhân dân thế giới, người không tin theo đã đành, mà người đang tin theo cũng rất nghi ngờ về cái tiêu chí “Tam vô nhị các” của CNCS, một cái đích “ảo” không bao giờ tới, một bát cháo “lú” của cuộc đời trần tục, một “bến mê” đi mãi không cùng.
Về triết học của chủ nghiã Mác, sách lý luận chất cao như núi, học trò toàn loại “siêu đẳng” như: Xít-Ta-Lin, Mao Trạch Đông..., tình đoàn kết quốc tế vô sản là đời đời, là môi với răng, là mối tình núi liền núi, sông liền sông... thế mà tra cứu “nhầm quyển nhầm trang”, thế nào mà ông Tây trích đoạn trên, ông Tàu dẫn khúc dưới của Mác ông nào cũng cho mình là đúng, là chân lý, tranh luận chán chê nào là “Khơ” xét lại, nào là “Mao” giáo điều loạn xạ trên đài, trên báo chí tiến tới bất chấp lời Mác dạy: Bốn phương vô sản đều là anh em! Cùng đem quân đội chính quy hùng mạnh đánh nhau chí mạng nơi biên giới 2 nước. Nếu có chết, à quên nếu có “hi sinh” thì hai giai cấp được mệnh danh là “tiên phong”, là “chủ lực quân” của cách mạng đều phơi xác nơi chiến địa vì chủ nghĩa Mác. Việt Nam ta cùng từng đã là nạn nhân thực hành chủ nghĩa Mác kiểu này ngày 17/2/1979 rồi và hương hồn chị Hoàng Thị Hồng Chiêm còn vương vất ở nơi đâu?
Về nội bộ, cũng vì bảo vệ “Sự trong sáng của chủ nghĩa Mác” Xít-Ta-Lin cho xử bắn nguyên soái Tu-Kha-Xép-Sky, treo cổ Bu-Kha-Rin, lưu vong Đi-Nô-Vi-ép, ám sát Ki-Rốp, tàn sát lưu đầy Xi-Bê-Ri hàng vạn tướng lĩnh, sĩ quan Hồng Quân có hàng ngàn sĩ quan gốc Ba Lan. Vì “giữ vững chuyên chính vô sản”, Mao Trạch Đông đẩy 100 triệu Đảng viên, nhân dân Trung Quốc vào vòng lao tù tra tấn, chém giết khiến 20 triệu người chết. Chả nhẽ những người này không phải có phần hệ quả của CN Mác hay sao? Còn Việt Nam chắc không cần phải nhắc lại làm sao mà quên được sự kinh hoàng của CCRD, của “nhóm nhân văn giai phẩm” và của “nhóm chống Đảng” những thập kỷ 60,70 huỷ diệt bao bộ óc tài trí lỗi lạc. Và những ngày tháng cuối cùng của thế kỷ 20 này với trào lưu đòi tự do, dân chủ và thực thi pháp luật cho đường đường, chính chính thì ở Việt Nam vẫn cứ thi hành “bắt giam chui” và “tù chui”.
Một số sĩ phu những năm 60,70 là các đệ tử có hạng của Mác, đi tu nghiệp tại đất thánh “Mát-Xít-Cơ-Va”, sôi kinh, nấu sử, tuyển tập đọc làu làu không thiếu một chữ. ấy vậy mà có một câu cũng rất kinh điển của cụ Lê-Nin (đệ nhất sĩ tử của Mác thì cũng coi như Mác) đã nói: “... Chính quyền của giai cấp vô sản không dùng và không dựa vào bất cứ pháp luật của chính quyền cũ mà chỉ hạnh động vì lợi ích của cách mạng, của giai cấp vô sản...” và cụ Lê-Nin còn bồi tiếp một câu danh ngôn cho nặng “ký”: “Hãy đẩy sự việc đến chỗ cực kỳ phi lý thì sẽ nảy ra cái hữu lý?...” thì các vị lại không nhớ! Cho nên khi cụ Lê-Nin chết từ đời tám hoánh nào rồi, Đảng Cộng Sản Việt Nam cướp được chính quyền, lập ra Nhà nước có hiến pháp, pháp luật hẳn hoi nhưng tuân theo lời dạy của Lê-Nin nên các sĩ tử Mác-Lê của Việt Nam tuần tự theo nhau vào tù như: Hoàng Minh Chính, Đỗ Trung Hiếu kéo một vệt đến Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Kiên Giang... và đến vị xếp chót là viện sĩ tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang và liệu Nguyễn Thanh Giang đã là người cuối cùng chưa? Cứ tống giam lặng lẽ hoặc “xử chui” lấy lệ, nghĩa là “đẩy sự việc đến chỗ cực kỳ phi lý” là cho các vị vào tù sẽ “nẩy ra cái hữu lý” là “ giữ trong sáng chủ nghĩa Mác, cùng ngón độc chiêu Chuyên chính vô sản của Mác. Sau gần 40 năm trong số tù đầy cũng đã có nhiều người về chầu tiên tổ đành ngậm oan nơi chín suối. Người sống thì đơn từ khiếu oan chất cao tầy núi mà vẫn vô vọng làm Tễu tôi vừa thương cảm, vừa cười thầm các sĩ tử Mác-Lê lẩm cẩm quá rồi. Toàn là giáo sư, tiến sĩ, viện trưởng về “Mác học” lại chả lẽ không nhớ là chính quyền của giai cấp vô sản bắt bớ, giam cầm cần quái gì đến hiến pháp và pháp luật. Chỉ cần động đến “lông chân của Đảng” là vào tù thôi. Mà nào riêng có mấy ông “chống Đảng”, mà cả dân tộc này từng xanh xám mặt mày vì cái NQ228 “còn gọi là hai hai tóm” xe ô tô chạy hàng đoàn cùng một lũ “Ưng khuyển” xộc vào các nhà “ điểm” tịch thu xe máy, ti vi, máy khâu, quạt điện... có nơi nào trên trái đất thực thi pháp luật theo kiểu “luật rừng” này không? ấy là nói về các vị gọi là “có tội”.
Còn các vị, các gia đình có công thì sao? Ôn lại thời xa xưa một chút thì có Bà Cát Thành Long (Còn gọi là Nguyễn Thị Năm) ở Hải Phòng, người đã từng ủng hộ Ngày tuần lễ vàng năm 1946 - 110 lạng vàng, sau lập nghiệp ở Đồng Bẩm Thái Nguyên và có người con là chính ủy Trung đoàn mà không thoát khỏi Đảng ta xử bắn trong C.C.R.Đ.
Nếu có điều kiện các bạn tìm đọc tập truyện ngắn “nghề buôn là nghề khó lắm”, thì mẩu chuyện đầu tiên chính là nói về người đàn bà đầy lòng nhân hậu này và bao oan trái trong cuộc đời bà.
Những người có công buổi đầu cách mạng 1945 chắc là rất nhiều, Tễu tôi không biết hết, nhưng cũng cần nêu thêm một gia đình có công với cách mạng có thể nói là có một không hai ở Việt Nam. Đó là ông Trịnh Văn Bô Đảng viên (đã chết) và bà Hoàng Thị Minh Hồ 86 tuổi khiếu nại đòi lại ngôi nhà số 34 Hoàng Diệu bị nhà nước “chiếm mãi” không trả lại. Việc nhà nước XHCN này chiếm đoạt vô cớ nhà ở của dân thường cũng không có gì lạ lắm, nhưng với gia đình bà quả phụ Minh Hồ quả là hy hữu! Năm 1945 Đảng ta cướp chính quyền, một chính quyền không có một đồng trong ngân sách. Ông bà Bô đã ủng hộ chính quyền CM buổi trứng nước hàng triệu đồng Đông Dương và 5.147 lạng vàng tương đương 193,5 Kg vàng. Ngôi nhà 48 hàng ngang, nơi Bác Hồ viết “Bản tuyên ngôn độc lập” bất hủ cũng của ông bà Bô và nhiều nhà khác giao cho CM. Bác Hồ từng nói: “Cô, chú là ân nhân của Đảng, của dân tộc”. Qua lời nói, chỉ thị của các vị cầm đầu Nhà nước từ thời Lê Đức Thọ, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Anh, Võ Chí Công, Lê Quang Đạo, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt cho tới thành uỷ Hà Nội là Phạm Thế Duyệt... từ những năm 1994 cho tới tháng 9 - 1999 vẫn chưa được trả. Có một chi tiết cũng cần nói thêm, khi còn là tổng bí thư như Đ/c Đỗ Mười đã chỉ thị nhưng lại dùng sai tiếng Việt, tức là đ/c nói: Ngôi nhà 34 Hoàng Diệu là “quà tặng” của Đảng và Nhà nước “tặng” gia đình bà Hồ. Nghe không ổn lắm, nếu không sửa lại ý một chút thì e rằng bàn dân thiên hạ chê cười nên đồng chí Võ Văn Kiệt chữa lại: “... Không nói là “tặng” mà phải nói là “giao lại” vì tặng người ta nhà của người ta thì không có nghĩa...?”. Từng ấy vị chức sắc đứng đầu cả nước, đứng đầu muôn người hoặc đứng dưới một người đứng trên muôn người tận tình chỉ thị ra lệnh đến như vậy mà Bộ quốc phòng là cơ quan chiếm giữ căn nhà này coi lệnh các vị không là “cái đinh” gì cả. Một căn nhà nhỏ (1 sự việc nhỏ bé như một hạt cát so với biển cả) mà gần chục vị đứng đầu Đảng và Nhà nước giải quyết ròng rã 6 năm trời không xong. Qua sự việc trên, Tễu tôi xin có lời khuyên gia đình nào bị oan ức trong tất cả mọi trường hợp đừng khiếu kiện làm gì. Gia đình bà Hồ chả lẽ chưa cho một tấm gương mờ tầy liếp đó sao? Từ chuyện nhà của bà Hồ, Tễu tôi lại nghĩ ngay đến cái công ơn không gì so sánh nổi của nhân dân chiến khu Việt Bắc. Nơi nuôi dưỡng Bác Hồ, che chở và bảo vệ Đảng và Chính phủ trong suốt mấy chục năm trời mà đất nước đã độc lập thống nhất hoà bình trôi qua 1/4 thế kỷ rồi mà vẫn đói nghèo. Chợt nghĩ đến những câu thơ “nhân nghĩa” của Tố Hữu, tên nịnh thần không râu (Leflagorneur imberbe).
Mình về, mình có nhớ ai?
Trám bùi để rụng măng mai để già...
Mình về có nhớ những nhà.
Hắt hiu lau sám, đậm đà lòng son...
Ôi! Nghe mà bi ai mà cảm động xen đầy căm phẫn vì sao mà “Thủ đô gió ngàn...’’ gió vẫn rít hoài trong hoang dại, dân cơm chưa no áo chưa đủ ấm mà những người thời xưa từng ăn canh măng, cháo bẹ với Việt Bắc thì nay nhà cao cửa rộng, xe ô tô bóng lộn dập dìu, đô la gửi nước trong, nước ngoài hàng triệu mấy ai nghĩ tới “cố nhân”...
Về cai trị đất nước, chắc chả có nước nào trên thế giới mà nhân dân đã lạc hậu, nghèo đói lại phải nuôi trên đầu mình 2 bộ máy cai trị: Đảng và Chính phủ. Chả lẽ sự chồng chéo, cồng kềnh ghê gớm này ai cũng thấy miễn phải nói nhiều nhưng cũng xin trích lời đ/c Hoàng Hữu Nhãn trước khi mất... một bộ máy cầm quyền mà sử dụng tới 3 vạn chiếc xe con để chở các quan chức đi làm, đi chơi, đi nhà hàng mát xa... cộng với mười triệu viên chức ăn lương thì dân chịu sao nổi, thuế bao nhiêu cho vừa:?...
Theo ông Nguyễn Khắc Viện thì số viên chức của Thanh Hoá gấp hai lần số viên chức của toàn Đông Dương thời Pháp thuộc!. Thế mà Đảng giải thích như sau nghe rất nghịch cái lỗ nhĩ, theo lý giải sau đây của đồng chí Nguyễn Phú Trọng:...hoặc như Liên Xô trước đây, Tổng bí thư kiêm Tổng thống tuyên bố giải tán Đảng là Đảng mất luôn Chính quyền mất vai trò lãnh đạo xã hội, thậm chí tổ chức Đảng cũng tan rã! Ô hay! Đảng có một tấm lưới sắt “ chuyên chính vô sản và tập trung dân chủ” sàng lọc nghiệt ngã để chọn những người vào Ban chấp hành Trung ương Đảng phải là những người cộng sản ưu tú của Mác, rồi Ban chấp hành Trung ương lại lựa chọn những người cộng sản ưu tú và vĩ đại hơn, những con người thép trung kiên, vững vàng nhất để bầu vào Bộ chính trị. ở đây có hai vấn đề phải bàn: Một ông là Tổng bí thư để giám sát một ông uỷ viên Bộ chính trị là chủ tịch nước (hay tổng thống) luôn sợ ông chủ tịch nước “phản thùng” thì Đảng vẫn còn nguyên. Nghĩa là cái bộ phận tối cao ấy, Đảng ta vẫn chưa thật tin đồng chí sát cánh với mình. Trong trường hợp thứ 2 theo như đồng chí Phú Trọng nêu: Nhỡ đồng chí bí thư kiêm Chủ tịch Nước (hay tổng thống) lại trở cờ thì Đảng mất sạch! Chao ôi! Một Đảng vĩ đại với hơn 2 triệu đảng viên trung kiên với cái lưới thép như đã nêu trên “ chuyên chính vô sản và tập trung dân chủ” chỉ để chọn lấy một người lãnh đạo cao nhất, “người Mác xít số một” mà Đảng vẫn cứ lo nơm nớp ông Tổng bí thư kiêm Tổng thống “trở cờ” thì không còn gì để bàn luận nữa! Thế còn vai trò lãnh đạo tập thể của Bộ chính trị vững mạnh lúc đó có ngủ mê hay không mà để cho cá nhân Tổng bí thư làm sụp đổ được Đảng. Lúc đó mấy trăm uỷ viên Trung ương Đảng, mấy chục Bí thư thành uỷ và bao tướng lĩnh quân đội (đã là tướng lĩnh đương nhiên là phải là Đảng viên) cùng với hàng trăm vạn quân với súng ống, lưỡi lê và hơn hai triệu Đảng viên ưu tú đang ở đâu mà không về cứu Đảng?... với diễn giải trên Tễu tôi góp ý với Đảng, Đảng nên yên tâm không kẻ thù nào làm sụp đổ Đảng đâu khi mà Đảng giảm bớt cho dân “một bộ máy chính quyền đè trên một bộ máy chính quyền” tức là Đảng đã ra tay “tế độ” để dân đỡ khổ do sưu cao, thuế nặng cho dân được tự do, hạnh phúc ấm no thì Đảng sẽ là bất tử, mãi mãi lòng dân theo Đảng mà khi đã thực sự theo Đảng thì Đảng sẽ vững như bàn thạch. Có một câu rất dân dã từ thời vua Quang Trung: “Vua lấy dân làm vua - dân lấy gạo làm vua” thưa với Đảng, dân được tự do ấm no thì ai làm vua cũng được!. Với giai đoạn hiện nay Đảng vẫn hoàn toàn xứng đáng là vua của dân nhưng với điều kiện dân phải là vua của Đảng!
Những điều hôm nay Tễu tôi nói thực ra cũng rất đông người nghĩ như Tễu tôi. Vào những năm cuối thập kỷ 60 đầu thập kỷ 70, ông Việt Phương cũng là một Marxologue có hạng và còn là cận thần ở chốn cung đình thấy cảnh ngang tai trái mắt, ngứa miệng hết chịu nổi dù cái gương tày liếp của nhân văn gia phẩm và nhóm chống Đảng đang sờ sờ trước mặt cũng đã úp úp, mở mở dốc nỗi lòng qua “Cửa mở” đã gây dư luận xôn xao của một thời và có người kể rằng Trường Chinh phải kêu lên là: Bên phủ thủ tướng có một thằng điên! Hư thực thế nào không rõ nhưng thời nghiệt ngã lúc bấy giờ ông cũng đáng là người để Tễu tôi nể phục và Tễu tôi cũng xin phép được trích một số câu thơ của ông để ta suy ngẫm:
- Ta đã thấy những chỗ lõm, chỗ lồi trên mặt trăng sao
Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao...
(Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi!)
- Ta có thể nói với quân thù những lời bình tĩnh:
Tất cả những gì xấu xa của tao là thuộc về mày
Tất cả những gì tốt đẹp của mày là thuộc về tao!?...
- Anh chưa đến 20 mà thấy mình già lắm!
Sống thường trực của anh là lợm giọng.
Chán chường muốn mửa cuộc đời ra...
Mửa cả tiếng chim, mửa cả màu hoa...
(Nơi gừ)
Nào là: những hạnh phúc chưa về đã mất
Đường xa đi chen chật oán thù...
Và có lẽ chí lý nhất là mấy câu thơ này:
- Ta nuôi Đảng bằng lòng ta như dùng than nuôi lửa
Đảng không làm chủ ta mà dạy ta làm chủ
Đảng của ta khi lịm đi không sống nữa
Sẽ để lại cuộc đời chỉ còn rực rỡ của tình yêu...
(Người!)
Những câu thơ trên như nghẹn lại vì ấm ức trộn lẫn bi hài và nỗi đau đớn không phải tự giam mình trong bốn bức tường nơi cung cấm thâm nghiêm, hàng ngày thấy những cảnh bẩn thỉu diễn ra nơi thâm cung bí sử để đến nỗi “sống thường trực của anh là lợm giọng. Chán chường muốn mửa cuộc đời ra...” và ngay những năm tháng ấy tình đồng chí đồng đội còn “tính bản thiện”, Việt Phương cũng đã cảnh báo với Đảng, với toàn dân là “Bùn đã vấy đến tận đấng cửu trùng” đồng thời cũng chỉ ra cái lý luận rất ngô nghê:... tất cả những gì xấu xa của tao là “lỗi” tại mày và tất cả những gì tốt đẹp của mày là thuộc về giai cấp vô sản chúng tao? Đấy là chưa kể thêm những nhồi nhét rồ dại, ngu xuẩn: Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ... Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ! Việt Phương còn tiên đoán khá chính xác là:... Đảng của ta khi lịm đi không sống nữa?... Câu này đáng lẽ dành cho viễn cảnh vài trăm năm nữa khi chủ nghĩa cộng sản trở thành hiện thực trên toàn thế giới. Nhưng chưa kịp đến cái lý tưởng cuối cùng đó thì Đảng đàn anh, Đảng bậc thầy của Đảng ta đã lăn đùng ra lịm tắt. Còn tương lai của Đảng ta sẽ ra sao chưa ai dám đoán chắc được điều gì! Nhưng dự đoán sai nhất của Việt Phương là câu: Sẽ để lại cho đời chỉ còn rực rỡ có tình yêu!... Vâng! Nếu có “rực rỡ có tình yêu” đó là tình yêu cuộc sống mà các cô gái Nga hiền dịu xinh đẹp là thế, đang là công dân lương thiện trong trắng của Liên bang Cộng hoà xã hội Xô viết biến thành những gái điếm tản mát khắp châu Âu và lang thang sang cả Châu á nghèo nàn để “làm đĩ” bán trôn nuôi miệng kiếm những đồng đô la “bẩn thỉu”! Các Kôn - Sô - Môn thì thất nghiệp đầy đường, hoặc đầu quân trong đội ngũ Mafia hay xung vào đội quân đánh thuê nơi đất khách quê người. Các em thiếu niên tiền phong Lê - Nin kháu khỉnh đáng yêu biết bao nhiêu của năm xưa tràn ra đường phố đánh giày, bán báo, lau rửa xe ô tô... vv... kiếm sống và không bao giờ được hô vang khẩu hiệu: Thiếu nhi hãy sẵn sàng! đầy hào khí năm xưa. Cả khối Đông Âu, nước nào dính dáng đến CN Mác là đều có kết thúc thê thảm như vậy cả.
Khi đọc đến đoạn trên, Tễu tôi nghĩ sẽ có một số vị sẽ nghiến răng kèn kẹt cho Tễu tôi “phủ nhận sạch trơn CN Mác”. Hổng dám đâu! Mác vĩ đại hay không vĩ đại xin nhường cho các vị giáo sư, tiến sĩ triết học tranh cãi. Còn Tễu tôi khi ngồi hàn huyên với số đông bạn bè là đại tá có, trung tá có (các chức vụ tầm trung này chẳng nói lên điều gì cả) đều cùng một suy nghĩ giống nhau khi tự nguyện dấn thân vào cuộc chiến tranh lâu dài của đất nước là lòng yêu nước của mấy ngàn năm của ông cha tổ tiên truyền lại nó ngấm vào máu thịt còn CN Mác - LêNin không hề can dự gì vào. Vậy thì hai cuộc chống Pháp và chống Mỹ thắng lợi là tổng hợp lòng yêu nước và truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam sự lãnh đạo của Đảng lao động Việt Nam và Chủ Tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chân lý giản đơn là vậy mà Đảng ta suốt mấy chục năm qua trên các phương tiện tuyên truyền đài, báo dẫn dắt ý chí của nhân dân ta đi một con đường vòng vèo là phải chấp nhận mọi thắng lợi của CM Việt Nam là công lao của CN Mác - LêNin dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân. Còn vai trò “tiền phong ảo” của giai cấp công nhân Việt Nam ra sao thì nhiều nhà lý luận đã từng đề cập ở các tài liệu “tán phát” mà Đảng không bao giờ “dám” cho đăng trên báo chí đại chúng để phân rõ ngô khoai. Cái giai cấp tiên phong và “oai phong” này hiện nay đã từng bị bọn chủ doanh nghiệp nước ngoài đập đế giày vào mặt bắt bò chui qua háng, quỵt lương... bị làm nhục ngay trước mắt các nhà lãnh đạo vô sản chuyên chính mà cấm thấy Báo Nhân dân ho he lên tiếng bênh vực. Chỉ tội cho mấy tờ báo đàn em hóng tiếng hộ, giả vờ bảo vệ bênh vực giai cấp công nhân tội nghiệp bị hành hạ trên chính tổ quốc XHCN của mình. Làm Tễu tôi chợt nhớ anh bạn AQ của mình: “Nó đấm vào mặt mình khác nào nó đấm vào mặt bố mẹ chúng nó” và hoan hỉ vui sướng với cái mặt sưng húp của mình! Bismarsk đã từng nói: “chính trị không phải môn khoa học chính xác!”. Nghĩa là các nhà lãnh đạo theo CN Mác tha hồ nói hươu nói vượn gì cũng được vì đằng sau lời nói thì chân lý là lưỡi lê, họng súng. Xin các vị chỉ cho ở khối ASEAN có nước nào không có Đảng cộng sản mà nghèo, mà khốn khổ hơn chúng ta không? Có lý do nào để ngụy biện là “vì chiến tranh”? Thưa các ngài, dân không bị lừa mãi đâu, vì chiến tranh đã qua đi 1/4 thế kỷ rồi.
Như phần đầu bài Tễu tôi đã nói: Tễu tôi chỉ có những ý nghĩ tản mạn về CN Mác. Nhưng vì CN Mác thì mênh mông quá mà đầu óc của Tễu tôi ngắn chỉ tầy gang nên chỉ nói đến phần tản mạn thoát ra từ lông chân của Mác, mắt thấy tai nghe theo kiểu kể chuyện “con vỏi con voi” nên không có lớp lang, hệ thống mạch lạc, một sự suy ngẫm “không tiền khoáng hậu”, mong rằng phần đúng có một mà phần sai đến 9 cũng đã vui sướng lắm rồi. Vì Tễu tôi cũng chỉ là hình ảnh của một chú rối nước hoặc cạn, xin có gì sai sót mong được tha thứ.
Việc đời dằng dặc không biết đâu là bờ bến Tễu tôi chỉ muốn nói điều mong ước cuối cùng là: CN Mác nếu ở đâu cần thì cứ việc dùng, còn nhân dân Việt Nam cần là cần Đảng làm đúng lời Bác Hồ dặn lại xây dựng một đất nước Việt Nam hoà bình, thống nhất độc lập dân chủ và giầu mạnh. Có vậy thôi!
Những suy ngẫm này liệu có thể coi như “sai lầm” cuối cùng của thiên niên kỷ thứ 2 này chăng?
Ngày 22 tháng 12 năm 1999
Tễu

*

Một vài dòng để tham khảo
Người ta cứ hay mắc lại sai lầm của người khác. Năm 1937, Đức tạo ra hồ sơ giả về việc nguyên soái Liên Xô Tugachevski quan hệ bí mật với sĩ quan quân đội Đức, mượn tay tổng thống Tiệp Khắc trao đổi hồ sơ cho Liên Xô. Tháng 6 năm đó, thông tấn xã Tass của Liên Xô tuyên bố tử hình nguyên soái Tugachevski và bảy tướng lĩnh cao cấp khác về tội phản quốc. Sau việc này, uỷ ban nhân dân quốc phòng Liên Xô ra một mệnh lệnh trên thực tế là kêu gọi trình báo những bí mật, bắt đầu cuộc đại thanh lọc trong Hồng quân Liên Xô. Từ năm 1937 đến 1938, tổng cộng đã xử tử 35.000 sĩ quan, trong đó 80% là sĩ quan cao cấp, gồm 3 trong số 5 nguyên soái, 13 trong 15 tư lệnh tập đoàn quân, 57 trong số 85 tư lệnh phương diện quân, 110 trong số 195 sư đoàn trưởng, 220 trong số 406 lữ đoàn trưởng và tất cả tư lệnh quân khu, khiến hệ thống chỉ huy của Hồng quân bị tổn thất nghiêm trọng. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên nhiều bất lợi cho Hồng quân Liên Xô trong thời kỳ đầu cuộc chiến tranh vệ quốc. Stalin trúng kế phản gián của Đức, không phân xanh đỏ trắng đen mà nói “không” câu chuyện tự phá Trường thành này cũng giống truyện Tào Tháo giết Thái Mạo, Trương Doãn trong “Tam quốc diễn nghĩa” của Trung Quốc, chỉ có quy mô lớn hơn nhiều và cuộc thảm sát hoang đường này được tiến hành với danh nghĩa “vì lợi ích của nhân dân”. Kẻ nói “không” của Trung Quốc thời “Đại cách mạng văn hoá” đã được “nâng cao”, chỉ cần nặn ra một tội danh “theo tư sản” là có thể bức tử một loạt khai quốc công thần như chủ tịch nước, nguyên soái, tướng quân, hàng loạt các nhà văn, nhà hoạt động văn hoá và vô số những “những nhân vật nhỏ” tầm thường trong xã hội. Mà tất cả những việc này cũng được tiến hành với một cái cớ đường hoàng là “vì lợi ích của nhân dân”.
Dù chiến tranh khốc liệt đến mấy, kẻ thù của CN Mác cũng không thể tiêu diệt có “hiệu quả và khủng khiếp “các lãnh tụ, các tướng lĩnh, các sĩ quan cao cấp từng là đồng chí của phe CNXH như: Xít-Ta-Lin và Mao đã “đối xử tàn bạo” với các đồng chí của mình.
Điểm lại suốt mấy nghìn năm lịch sử chưa có cuộc tự huỷ diệt nội bộ nào lớn hơn chính những người vĩ đại nhất theo CN Mác đã làm. Và tội ác trời không dung đất không tha trên không thấy nêu ai phải chịu trách nhiệm trước lịch sử. Thật là kỳ lạ! Nếu là bạn có người cha hoặc người anh nằm trong số bị xử bắn oan kia, bạn sẽ nghĩ gì? Tễu tôi cung cấp vài dòng tư liệu của tác giả: Tiến sĩ Thẩm Kỳ Như trong tác phẩm “Trung Quốc không thể trở thành Mister No” do thông tấn xã Việt Nam phát hành cùng các bạn suy ngẫm để liệu có gan dám ước mơ: “Liên Xô hôm nay là ngày mai của Việt Nam không?”