Phần 2
Học thuyết Mác và thực tiễn

Như đã giới thiệu thân phận Tễu tôi ở bài “Chủ nghĩa Mác... tản mạn ký” lần trước, cũng cần nói lại là Tễu tôi thuộc loại người “tầng lớp loại dưới, hiểu biết trung bình, số lượng thì đông, phục vụ hết lòng, lao động cật lực” để xây dựng XHCN nhưng lại quán triệt và thấm nhuần rất lỗ mỗ về CN Mác. Nói nôm na là dốt đặc “cán mai” và đúng sát nghĩa hơn là dốt đặc “Cán... Bộ” Tễu tôi vốn mắc bệnh “Điếc không sợ súng” và sĩ diện nên nói khoác lác đặt tên đầu bài nghe rất kêu “Học thuyết Mác và thực tiễn” còn nội dung đi vào bài vẫn là... chuyện con cò, con vạc, con nông... mà thôi: Nhưng cũng xin với các vị chấp chính đừng thực hiện tiếp câu: Ba con cùng béo vặt lông con nào? để Tễu tôi được cùng với các vị sỹ phu đáng kính khác được tự do phát biểu vô thưởng, vô phạt với xã hội. Cũng xin phép các chư vị bậc thầy, bậc đàn anh trên văn đàn, loại bài của Tễu tôi được xếp hạng “không tiền khoáng hậu chuyện”.
Lại vẫn ăn cắp chuyện cũ cải biến cho mới có kể rằng: Trên một chuyến đò dọc cuộc đời có một cô lái đò chở một nhà Bác học uyên thâm kiêm nhà triết học lỗi lạc đi dọc dòng sông xã hội để tìm hiểu quy luật lịch sử và thám sát dân tình. Để giết thời gian đi đường, vị Bác học nọ hỏi cô lái đò: “Này cô lái! Nhìn lên bầu trời xa xăm cô có biết gì thiên văn, về vũ trụ, về các thiên hà!” Cô gái khẽ khàng thưa “Khốn nạn đàn bà dân quê chúng em dốt nát có được học hành gì đâu mà biết được những điều cao xa ấy!”
Nhà Bác học cảm thán thốt lên: “Ôi! Cô còn trẻ quá không hiểu những điều trên coi như mất 1/3 cuộc đời rồi. Vậy trên mặt đất mênh mông cô đang sống đây ruộng nương, làng mạc, đất đai sông núi... người dân được làm chủ và sinh sống ra sao? Cô có biết gì không?” Cô lái đò trả lời có vẻ căm phẫn: “Thưa ngài Bác học, em chỉ biết cái làng nhỏ bé em đang sống còn ruộng nương, nhà cửa, đất đai... thì cụ Đảng uỷ, ông uỷ ban và các vị chức sắc cho thế nào thì dân làng được thế ấy! Còn gia đình em có một cái túp và thửa ruộng vừa xa và xấu nên quanh năm đói nghèo em mới phải kiếm sống chèo con đò nát này. Phận con ong, cái kiến biết làm gì đến tài nguyên sông núi”. Lần này nhà Bác học bực bội kêu lên: “Thôi thế là cô lại mất 1/3 cuộc đời nữa rồi!” Và ông hỏi tiếp: “Thế cô có hiểu biết gì về “Công hữu”, về “Sở hữu tập thể”, về “Chuyên chính vô sản và tập trung dân chủ”... nói tóm lại là cô có biết gì về chủ nghĩa Mác không?” Cô lái đò thờ ơ trả lời: “Ôi! Em chỉ quan tâm đến hôm nay ông trả cho em bao nhiêu tiền để có đủ đem về nuôi bố mẹ già và các em nhỏ thôi?”. Và chưa kịp để cho nhà Bác học lấy nốt 1/3 cuộc đời cuối cùng còn lại của cô, Cô hỏi lại “Thưa ngài Bác học, ngài có biết bơi không ạ?”, Ngạc nhiên, nhà Bác học hỏi: “Sao cô lại hỏi tôi thế! Tôi là một nhà nghiên cứu về “một học thuyết cao siêu”, thường xuyên ngồi trên cái tháp ngà thượng tầng kiến trúc tất nhiên là tôi không biết bơi rồi. Vả lại biết bơi chỉ là một thực tiễn nhỏ bé trong cuộc sống, tôi đâu có cần biết”. “Vâng thưa nhà Bác học đáng kính!” Cô lái đò buông tay chèo chuẩn bị nai nịt áo quần cho gọn và tiếp tục nói: “Lần này thì cuộc đời ngài đi đứt 100% bởi cái thực tiễn nhỏ bé mà ngài không cần biết, vì cái thuyền đã cũ nát nước vào quá nhiều và chìm tới nơi rồi. Cái học thuyết mà suốt đời ngài khổ công theo đuổi sẽ chìm theo với ngài xuống dòng sông chảy xiết của lịch sử. Xin vĩnh biệt!”.
Đoạn kết của câu chuyện này các chư vị cũng biết số phận của hai nhân vật trên chuyến đò cuộc đời ra sao rồi. Không thể để câu chuyện kết thúc không có hậu, Tễu tôi phải thay cô lái đò nhảy xuống nước vớt ngài Bác học lên và lần này vai trò đảo ngược. Vai trò thuyết giáo lại thuộc về cô lái đò hoặc có thể coi như “hồn Tễu ba hoa, thịt da cô lái”. Chờ cho nhà Bác học trong chập chờn cơn mê man vừa tỉnh lại, cô lái đò a, b, c vài điều về thực tiễn cùng nhà Bác học. Suốt từ bé đến lớn, cô lái “bị” nghe những lời giáo huấn độc thoại từ phía của người nói lấy được, nay có dịp ngài Bác học còn bàng hoàng cô lái tha hồ độc thoại!.
“Thưa đức ông đáng kính! Trên dòng sông cuộc đời đi trước thuyền chúng ta một đoạn khá xa ngài cũng thấy khá rõ. Chủ thuyền là một tên độc ác cùng người nô lệ chèo thuyền khốn khổ đang dốc hết sức chèo thuyền để đưa chủ anh ta đến chỗ đào vàng. Trên dọc đường đi, tên chủ luôn luôn để cho anh nô lệ ăn đói, mặc rách và luôn roi vọt hành hạ. Nhưng qua một đoạn đường dài luôn luôn gặp ánh mắt căm hờn và những phản ứng của anh nô lệ, tên chủ hiểu ra rằng: con thuyền là ngôi nhà chung của hai người, của kẻ thống trị và người bị trị. Nếu thuyền chìm thì vàng cũng không còn mà mạng sống cũng không. Thế là từ đó hắn góp phần trám vá lại dò rỉ, vá lại cánh buồm, sửa lại chỗ ở cho nô lệ không còn bị mưa sa gió táp. Còn người nô lệ được ăn no hơn, mặc ấm hơn với cánh buồm lộng gió sức lao động của người nô lệ đã được cải thiện rất nhiều. Con thuyền ngày càng đi nhanh hơn, hành động phản ứng, chống đối ngày càng ít đi và ánh mắt căm hờn ngày càng dịu xuống. Tất nhiên đức ông cho là nó mị dân để đạt được tới cái đích đào vàng chứ không xuất phát từ lòng nhân đức. Tôi cầu trời khấn Phật mong đức ông mị dân được như nói!. Vâng, cứ cho là thế đi, nhưng đức ông thử nhìn lại con thuyền của ta trong chặng đường đã qua, mối quan hệ qua lại của người lãnh đạo (thực chất đức ông là một ông chủ) và tôi cũng chỉ là một con nô lệ chèo đò. Đã bao giờ đức ông nghĩ người lái đò đưa đức ông đến bờ bến xa lắc của cái hạnh phúc mà theo như chính Mác nói cũng chỉ là cái thứ hạnh phúc dự đoán thì tôi cũng cần được cái sự ăn no, mặc ấm, được đảm bảo một cuộc sống để có sức mà chở đức ông đến bến bờ đó chứ! Con thuyền thì cũ nát, tôi thì cật lực ra sức chèo và nhiều lần “xin” đức ông trám vá lại chỗ dò rỉ, tát bớt nước trong thuyền, vá lại buồm đã rách, che chỗ ở cho tôi khỏi nắng mưa dầu dãi... thì đức ông đều bỏ ngoài tai, mà đức ông chỉ chăm lo ghi ghi, chép chép vào quyển sách “kinh điển” dày cộp những điều trên con đò cũ nát này không cần. Trên con thuyền này chưa bao giờ được đức ông coi như là ngôi nhà chung của người lãnh đạo (đại diện là đức ông) và người bị lãnh đạo là người lái đò. Là người lái đò chân dẵm tận sát đáy thuyền, biết thuyền dò rỉ ra sao, cần chám vá chỗ nào. Tay sờ từng nút buộc, dây chằng, biết từng chỗ mục nát trên mảnh buồm hứng gió. Mắt nhìn trời xa để đoán lo giông bão, biết nước nhược, nước cường để lèo lái khi chậm khi nhanh, biết khúc nông khúc sâu để mà uốn lượn mát mái, xuôi chèo, thuận buồm xuôi gió... Nhưng cách suy nghĩ, và cách nhìn của đức ông là cách suy nghĩ và cách nhìn của “bệnh kiêu ngạo cộng sản” mà LêNin từng nghiêm khắc nhắc nhở, cách suy nghĩ và cách nhìn của các bậc quân vương “mục hạ vô nhân” không nghe tiếng nói của thần dân. Chìm thuyền là điều báo trước, là quy luật, là tất yếu!
Chắc cũng cần nhắc câu của Gớt: “Lý luận nào rồi cũng xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi!” Như em đang sống ở xã hội mang danh là “Công hữu” là “sở hữu toàn dân”, là “sở hữu xã hội” nhưng khi chia đất đai, ruộng nương thì được mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Đất không nuôi sống được thì ra sông bươn chải chèo đò kiếm ăn và muốn kiếm ăn trên sông nước thì phải biết bơi, điều này thì kẻ ngu nào cũng phải biết. Như đức ông thấy đấy, khi đức ông bước xuống con thuyền cuộc đời khư khư với quyền “kinh điển” mà lại không để ý đến cái điều kẻ ngu nhất cũng thấy là phải biết bơi! Thế là đúng như Hegel nói: “Cái gì tồn tại là hợp lý, cái hợp lý là cái đang tồn tại”. Trải qua những thăng trầm của cuộc đời em vẫn sống, vẫn tồn tại”. Vì em biết nghe tiếng nói thực tiễn cuộc sống. Còn đức ông chẳng chịu nghe âm thanh của cuộc đời, nếu không có anh Tễu nhảy xuống dòng sông nước chảy xiết thì 100% cuộc đời của đức ông về với thế giới người hiền rồi”.
Tạm biệt các chư vị và tạm biệt đức ông, Tễu tôi ngâm nước vớt đức ông lâu quá, một vài chỗ bong sơn, chóc vẩy tôi phải về hong khô và sơn phết “tân trang” lại thân hình để kỳ sau viết tiếp theo kiểu thấy gì nói đấy./.
Tễu
.