Phần 5
Tư hữu và khát vọng cá nhân

Chao ôi! Đất nước Việt Nam
Trao vào, tay lũ tham quan gian hùng
Trống làng ai đánh thì thùng
Của công ai khéo vẫy vùng thành riêng!
Bài “Công hữu và những tên phú hộ vô sản của Mã Khắc Tư tiên sinh” Tễu tôi đã lạm bàn về một vấn đề quá sức của một chú người gỗ rồi. Nhân đọc bài “Đôi điều nhìn lại chủ nghĩa Mác” của tác giả P.N.U có đoạn: Điều nhầm đầu tiên cơ bản của Mác là, sau Thomas More và các nhà xã hội học cổ điển đã cho rằng “vật đáng ghét nhất” (la bête noire) gây nên bao tai hoạ trong lịch sử nhân loại là “Tư hữu”! Cho nên Mác chống “tư hữu” đến cùng cực, đến mức cho rằng có thể tóm lược học thuyết của mình bằng công thức: Xoá bỏ tư hữu! (tuyên ngôn của Đảng cộng sản). Thế là chất “gỗ” trong người tôi bỗng ngứa ngáy thấy lại cần phải tranh luận với “Bóng ma của Mác”. “Bóng ma của Mác” không phải Tễu tôi “lếu láo” nói đâu nhé! Mà là nhà triết học Pháp Derrida đặt tít trong bài viết của mình “Những bóng ma của Mác” (theo P.N.U). Nội dung ông Derrida nói gì Tễu tôi không biết, nhưng cái tít ấy gợi cho Tễu tôi cần phải dũng cảm “ điếc không sợ súng” tranh luận với chính bóng ma của Mác.
Nhưng trước khi bàn về vấn đề “Tư hữu”, Tễu tôi muốn nói về anh em sinh đôi với tư “hữu” là “động lực cá nhân hoặc khát vọng cá nhân” chứ không dùng cái từ “cá nhân chủ nghĩa” mà các học trò của Mác hay dùng. Kể cũng lạ, chả hiểu chữ nghĩa như thế nào mà các vị môn đồ của Mác thấy “thích hoặc ghét” một hiện tượng, một tư tưởng là hay gán kèm theo chữ “ chủ nghĩa” (như hồi bao cấp bia kèm lạc). Nào là: chủ nghĩa anh hùng, chủ nghĩa cách mạng, chủ nghĩa tập thể... Nào là chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bình quân, chủ nghĩa cá nhân v.v... Nếu cứ cái đà “chủ nghĩa này nọ thì sẽ có tuốt tuồn tuột: chủ nghĩa tham quyền cố vị, chủ nghĩa tham nhũng, chủ nghĩa ăn cắp, chủ nghĩa chơi gái, chủ nghĩa mát xa... và cứ cái gì gai gai mắt các vị là thành “chủ nghĩa” tuốt! Ngày xửa ngày xưa trở thành anh hùng như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... thì khí phách anh hùng là tự thân các cụ có. Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh là truyền thống yêu nước vốn có của nhân dân ta đâu có cần ghép thêm từ “Chủ nghĩa yêu nước” nó mới thành yêu nước. Cho nên: Anh hùng là anh hùng, yêu nước là yêu nước, tham quyền cố vị là cố đấm ăn xôi giữ ghế, cá nhân là vun vén cá nhân... cần gì gắn thêm chữ “chủ nghĩa” này nọ cho thêm mệt. Những hiện tượng xã hội mà các vị cứ “tâng” nó lên hoặc “dìm” nó xuống bằng thêm chữ “chủ nghĩa” là lẩm cẩm đấy!
Đã từ lâu người ta đề cao cái thuyết “làm chủ tập thể” nên bất cứ một động lực cá nhân, một khát vọng cá nhân và những tham vọng, những thủ đoạn cá nhân... người ta bỏ chung vào một rọ “chủ nghĩa cá nhân”. Những thuyết giáo về “chủ nghĩa cá nhân” các đấng bề trên giảng dạy và in thành sách “kinh điển” quá nhiều rồi. Lý thuyết thì chỉ nghiêng về một phía lãnh đạo nói cho lấy được, còn Tễu tôi xin được nói về Chủ nghĩa cá nhân theo kiểu a, b, c dân dã cho dễ nghe.
Một tên ăn cắp vặt nó không cam chịu một ngày chỉ đi móc túi, giỏi lắm thì đượcvài chục ngàn may lắm thì được vài trăm ngàn. Tham vọng cá nhân nó càng ngày càng lớn, nó muốn có bạc triệu, bạc tỉ, muốn vậy chỉ có đi ăn cướp hiệu vàng hoặc cướp nhà băng. Hàng ngày, hàng đêm nó tập trèo tường, khoét ngạch, luyện võ nghệ đánh đấm chống trả tinh thông, khóa két kiểu gì cũng mở được, bắn súng phi dao bá phát, bá trúng, các loại ô tô, xe máy, phóng như bay. Tham vọng cá nhân của nó chỉ có một mục tiêu duy nhất: tiền, tiền và tiền....
Khi đó ở đồn công an nọ có một đồng chí công an trẻ măng từng tốt nghiệp ở trường Đại học An ninh ra với lòng hăng hái của tuổi trẻ đem hết sức lực và trí tuệ phục vụ cho sự bình yên của nhân dân và an ninh của tổ quốc. Tâm chí người công an trẻ đó có động lực, có khát vọng cá nhân rất chính đáng vươn tới là không chỉ mang tài năng của mình đi bắt mấy tên móc túi ăn trộm vặt mà phải tham gia các vụ phá án lớn, tóm cổ bọn tội phạm nguy hiểm cướp của, giết người. Và muốn có những chiến công, người công an trẻ cũng phải rèn luyện tinh thông nghiệp vụ của mình, phải vượt lên một đầu về tài nghệ so với các tên cướp sừng sỏ. Khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ người công an trẻ ấy cũng có quyền nghĩ tới những phần thưởng xứng đáng mà mình có quyền hưởng như: đề bạt lên cấp, tăng lương... Đó là những động lực, những khát vọng cá nhân vô cùng chính đáng.
Nhìn xã hội qua một khung cảnh rất nhỏ bé, hạn hẹp là chuyện người công an trẻ và tên tướng cướp thì cái guồng máy vĩ đại của lịch sử loài người đang băng băng tiến về phía trước chính là nhờ triệu triệu những động lực, những khát vọng cá nhân cùng song hành với những tham vọng dục vọng cá nhân. Thế mà có một thời người ta chống những suy nghĩ về cá nhân đến cực đoan, cái khát vọng nhốt chung với cái tham vọng để lên án, quy tội để đến nỗi người nông dân không thiết đến ruộng đồng, người công nhân coi nhà máy là nơi trú chân, với cái mỹ từ “phục vụ chung vì lợi ích tập thể” làm xã hội ngưng đọng, uể oải, rã rời... để trông thấy “nhỡn tiền” là “Liên Xô” là “ngày mai của Việt Nam” cùng nền XHCN Đông Âu sụp đổ trong ngọt ngào không một tiếng súng. Thế là cái chủ nghĩa “công hữu” của Mác chống “tư hữu” quyết liệt, chống đến cùng cực đang bị “nốc ao” trên sàn đấu của lịch sử. Vậy mà người ta cứ oang oang: “Liên Xô và phe CNXH ở Đông Âu sụp đổ không phải sự thất bại của học thuyết Mác mà đối với quy luật phát triển của xã hội loài người chủ nghĩa Mác vẫn luôn luôn mang “tính chất thời sự”?. Vậy mà không thấy các nhà lý luận hay các nhà tuyên huấn giải thích “đầu cua tai nheo” cái “tính thời sự” ấy ra sao, mà một số ĐCS ở các nước tư bản thì đổi tên, nơi thì giải tán. ĐCS Pháp đổi tên cho cái “Viện Mác - Lênin” thành tổ chức “Không gian Mác” (espace Marx). Còn vì sao họ đổi tên, Tễu tôi trình bày ở một dịp khác.
Chết thật! Tôi đi lan man về chú em “động lực và khát vọng cá nhân” hơi dài mà bài viết này Tễu tôi muốn nói nhiều về người anh ruột của nó: “Tư hữu”.
Xin các bạn hãy cùng Tễu tôi quay ngồi trước màn ảnh nhỏ xem một cảnh về “Thế giới động vật”. Những con cá tung tăng dưới biển sâu kiếm mồi, từ loài thụ động nhất như: con ốc, con trai đến loài cơ động thông minh nhất như: cá mập, cá heo... gặp mồi là đớp, môi trường xung quanh nó giả thử hết cá mồi thì chúng đành chịu chết đói. Chúng không có tư duy về “tư hữu” và môi trường cũng không có điều kiện cho chúng “tư hữu”. Ta lại quay về cánh rừng Châu Phi hoặc Nam Mỹ xem cách kiếm mồi của những con báo. Thông minh hơn và có điều kiện hơn, con báo sau khi vồ được con mồi nó cùng con cái ăn no nê, số thịt còn dư thừa nó tha lên cành cây cao tít để cất dấu ăn dần cho những ngày sau. Cái manh nha về “tư hữu” của con báo cũng chỉ có vậy và cứ lặp đi, lặp lại hàng chục vạn năm qua không tiến triển hơn chút nào. Lại kia nữa, trước mắt bạn là bầy đàn nhà khỉ Châu á, chúng đang kéo nhau xuống nương rẫy của con người để bứt trộm ngô, lúa kể cả hoa quả nếu có. Ngoài phần ăn của từng con, chúng còn mang những ngô khoai, lúa và các sản phẩm mà chúng hái lượm được về hang để dự trữ. Số dự trữ này có thể giúp bày đàn của chúng sống vài ba tháng đến hàng năm. Cũng giống như con báo trên, dù con khỉ có thông minh về tư duy “tư hữu” cũng chỉ có vậy dù đã hàng chục vạn năm trôi qua.
Dòng tiếp sau đây Tễu tôi xin nói về “các cụ tổ” của loài người chúng ta. Trước khi viết Tễu tôi xin chắp tay xá lỗi trước các vị học giả uyên thâm mất thời gian đọc những dòng đầy ấu trĩ và ngơ ngẩn này, là vấn đề: Biết rồi! Khổ lắm, nói mãi!
Khi rời những cánh rừng nguyên sinh xuống các bình nguyên kiếm sống, đang từ di chuyển bằng bốn chân các cụ vượn đã dần dần đi bằng hai cái chân vững vàng của mình. Tuy nhiên các cụ cũng rất bối rối khi nhìn những chùm quả ngọt ở quá cao mà sự leo trèo thì các cụ quên rồi. Một cành cây gãy mà lần đầu tiên các cụ lúng túng vụng về để khều chùm quả, các cụ không thể tưởng tượng nổi đó là một trong những “phát minh vĩ đại” để các cụ trở dần dần thành “con người”. Rồi với các công cụ lao động hết sức thô sơ của các cụ đẩy sự tiến hóa đi về phía trước. Một ngày kia chúng ta lại được gặp các cụ bên bếp lửa bập bùng với mùi thịt rừng nướng thơm lừng, việc biết dùng lửa, lại một “phát minh vĩ đại” nữa để các cụ xóa dần dấu tích thú vật của mình.
Nhưng phải đến khi khác với mọi loài vật đi kiếm ăn bằng các sản vật của tự nhiên, các cụ đã biết gieo, trồng, cấy, hái... miếng ăn đã có của ăn, của để, đã đến lúc phải làm kho dự trữ không phải chỉ sống một vài ba tháng hoặc một vài ba năm, mà đủ ăn cho bao đời trong đó có chúng ta ngày hôm nay. Thật là hú vía, giá hồi mông muội đó mà các cụ vượn có học thuyết Mác thì ngày hôm nay đến đất cũng không còn để mà gặm!
Với riêng Tễu tôi, xin viết hoa 2 chữ “Tư hữu” là sáng tạo vĩ đại thiêng liêng nhất vượt lên mọi thời gian, vĩ đại nhất của mọi vĩ đại để từ con vật tiến lên trở thành “con người”. Hai anh em “động lực cá nhân” và “tư hữu” chính là “động lực phát triển của xã hội” loài người.
... “Tuy ở giữa tuyên ngôn của Đảng cộng sản, Mác và Ăng Ghen có lý giải: Chủ nghĩa cộng sản chỉ chống “Tư hữu tư bản chủ nghĩa”! Nhưng ở cuối văn kiện lịch sử này, hai ông lại chủ trương chống “tư hữu” ở bất cứ trình độ phát triển nào của nó!” (Trích P.N.U) (1).
Ngay ở một văn bản đầy tính “kinh điển và nghiêm túc” này mà hai nhà lý luận cự phách của CNCS cũng đã “tiền hậu bất nhất” ở những vấn đề “cốt tử” như thế này, thì thử hỏi trong đống “thiên kinh vạn quyển” của hai ông còn những điều gì tương tự như trên sẽ tiếp diễn?...
Tư hữu nó vốn sinh ra từ tiến hóa tự nhiên, nó làm gì có tội mà Mác và Ăng Ghen chống nó ghê gớm thế! Còn “Tư hữu” gắn liền với bóc lột, ta lại bàn ở phạm trù khác. Cũng như chữ “Chính quyền” thôi. Nói đến “chính quyền” là người ta nghĩ ngay đến áp bức, bóc lột. Vì cả một chuỗi dài lịch sử, chính quyền của giai cấp thống trị làm bao điều tệ hại, tàn bạo. Đó là “chính quyền” gắn liền với “áp bức”, tất nhiên là phải chống. Còn với “chính quyền” như chính quyền của chúng ta hiện nay nó có tội hay không có tội, chống hay không chống nó... thân phận nhỏ như bé Tễu tôi không dám luận bàn. Nhưng rõ ràng “chính quyền” là sản phẩm tất yếu để cai trị xã hội, nó có tội lỗi gì đâu. Nói chung nó chẳng ở phía tốt, chẳng ở phía xấu. Cái chính là người cầm đầu nó kia: tốt thì dân chúng bảo vệ, xấu thì đánh đổ, có vậy thôi!
“Tư hữu” được các cụ loài vượn của chúng ta phát minh ra chúng và “vác” chúng trên vai lừng lững đi trên con đường tiến hóa của nhân loại. Xuyên qua bao chế độ xã hội, bao thể chế chính trị cái vóc dáng “tư hữu” trải qua bao nhọc nhằn, máu, mồ hôi, nước mắt... đưa cuộc sống từ buổi hồng hoang man dại đến thế giới văn minh hôm nay. Chính là chúng ta, trong đó có cả Mác - Ăng Ghen - Lênin và các môn sinh của các ông có miếng ăn ngon vào mồm, có bộ quần áo ấm khi mùa đông lạnh giá, ẩn nấp trong các ngôi nhà tiện nghi để tránh mưa, nắng... không phải là những phát minh vĩ đại nhất của loài người tồn tại đến ngày hôm nay sao?
Nước Mỹ và các nước tư bản Phương Tây đã kế thừa “La bête noire” để tồn tại ra sao, ắt hẳn cho dù kẻ mất trí, kẻ ngu si nhất cũng thấy nó đang tồn tại ra sao mà tồn tại hùng mạnh!
Còn cái “Công hữu” hòn đá thiêng của học thuyết Mác mới có hơn 70 năm nó đã vỡ vụn trên cái bệ đỡ tưởng chừng như vĩnh cửu là Liên Xô và toàn bộ các nước Đông Âu XHCN. Nếu trên chặng đường lịch sử của nó, nó đã làm nên một số kỳ tích để toàn nhân loại ngưỡng mộ, sùng kính nó đồng thời hệ quả của nó để lại cũng thật khủng khiếp. Để tôn vinh cái “Công hữu”, Liên Xô đã tàn sát và lưu đầy hàng mấy chục triệu người bao gồm những người họ cho là phần tử chống đối lẫn cả những người từng là đồng chí. Cái gì đến tất yếu sẽ đến cho những kẻ đi ngược quy luật, lá cờ búa liềm bị hạ xuống, lá cờ ba màu xanh, trắng, đỏ từ thời Nga hoàng lại phấp phới tung bay. Người “chôn sống” Đảng Cộng Sản Liên Xô lại chính là ông Tổng bí thư của Đảng. Các tướng soái, các binh lính hồng quân Liên Xô hùng mạnh câm lặng, Trê-ca, sau là KGB, bộ máy đàn áp cực kỳ tàn bạo in lặng, giai cấp công nhân tiền phong câm lặng, cả xã hội câm lặng, trong cơn hấp hối của “Công hữu”.
Người láng giềng sát nách là Trung Quốc sau cơn quằn quại đẫm máu và nước mắt của trận hồng thủy “Đại cách mạng văn hóa vô sản” họ đã nhận ngay ra rằng cái “Thuyết công hữu” đã làm khổ họ, họ đang dần dần hạn chế “tác oai, tác quái” của nó. Cuộc đấu tranh nội bộ của họ cũng còn nhiều gay cấn giữa “họ công - họ tư”, nhưng để Trung Quốc không sụp đổ họ đang dồn “họ công” vào chân tướng. Cái thuyết “mèo đen, mèo trắng” nếu bắt được chuột đều “hảo”, còn “mèo đỏ” ăn hại, đái nát thì cũng đập chết cho rồi. Tễu tôi xin trích một câu ngắn trong bài diễn văn của ông Chu Dung Cơ, ủy viên BCT Đảng CSTQ, Thủ tướng chính phủ trước các đảng phái dân chủ và đại biểu các giới như sau:
“Nếu như bảo tôi nói về tính ưu việt của CNXH thì tôi 100% không đạt tiêu chuẩn. Nếu kiểm tra tôi về tính ưu việt này thì “may” ra tôi chỉ đạt 10% đến 20%”.
Nghe một “quan đầu triều” của ĐCSTQ phát biểu như vậy, bạn và tôi đều hiểu con đường XHCN Trung Quốc sẽ đi về đâu?
Bây giờ Tễu tôi thử dùng “cái kính chiếu yêu chống tư hữu” của Mác chiếu thử vào cái “Công hữu” của Việt Nam ta ra sao?
Sau cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp thắng lợi, nhân dân miền Bắc nô nức, hứng khởi với một tấm lòng “trong trắng” để bước vào một cái xã hội mà họ được hứa hẹn nhưng chưa bao giờ họ được thấy nó và sau gần 50 năm tức là năm 2000 này, họ mới thật hiểu là cái xã hội trong mơ mà họ tin theo nó, họ chiến đấu vì nó, nó không có thật và nếu có thì phải vài chục đời con, cháu thậm chí hàng trăm đời con cháu mới tới cái CNXH của Mác, mà tôi và họ già cả rồi không còn chờ đợi được nữa! Đám nhân quần đông đảo này gồm: công nhân trong nhà máy, nông dân trong hợp tác xã, người lính trong doanh trại cùng các tầng lớp lao động, cá thể bơ vơ ngoài xã hội... có thể tuổi đời họ đã già, đã từng trải nhưng với các triết thuyết thì họ chỉ là những con nai vàng ngơ ngác. Nếu có hiểu họ cũng hiểu một cách “mơ màng” là xã hội sẽ thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, mọi cái đều là của chung mọi người, sự công bằng sẽ được chia đều như ta cắt chia mỗi người một miếng bánh, lãnh tụ cũng như dân thường đều sống trong tự do, bình đẳng. Dù chẳng hiểu cái học thuyết “công hữu” của Mác ra sao nhưng trong cơn “mộng mị thời cuộc” họ đã hiểu rất trùng hợp với tính nhân văn cổ điển của Mác. Những người lãnh đạo được họ nhìn với đôi mắt thành kính, gần như tuyệt đối, như các con chiên hướng về chúa, đấng cứu thế của mình. Với các “đấng bề trên” đầy mình thành tích, suốt một đời ra tù vào tội, chịu bao nỗi thống khổ vì nền độc lập của dân tộc. Những vị thánh như vậy tuyệt nhiên không có lợi ích riêng tư nào ngoài lợi ích tối cao của đất nước, của đám người cần lao đói khổ. Phải chăng vẫn là quy luật của muôn đời, thời thịnh trị chưa được bao lâu “bùn đã vấy bẩn lên chín tầng cao”. Những chuyện so đo về “cung vua, phủ chúa” cứ ngỡ chỉ xảy ra thời Lê - Trịnh, những án oan “Lệ chi viên mới” máu chảy thấm đẫm đến ba đời, những đệ nhất khai quốc công thần thời Điện Biên - chống Mỹ thì lơ lơ láo láo như các hàng thần... thì cái “công hữu” của Mác ở bộ máy cai trị bị phá vỡ. Từ “pháp trị” biến thành “Nhân trị” nghĩa là quyền lực tập trung của Nhà nước, của Đảng biến thành sự chuyên quyền của một nhóm, một cá nhân. Thế là bộ máy “Công hữu cầm quyền” trở thành “tư hữu cầm quyền” dù vẫn được che đậy bằng tín vật “lãnh đạo tập thể”! Một trang sử mới cho bọn “Tư sản đỏ” ra đời!
Về quản lý đất nước: Trung ương có “Lãnh chúa” của Trung ương, các tỉnh, thành phố có “Lãnh chúa” của tỉnh, thành phố và các cấp “Lãnh chúa” thứ tự từng cấp xuống tận quận, huyện, phường, xã. Về đất đai tùy theo cấp chức mà cắt chia theo khoảnh, theo miếng. Về nhà cửa cũng thứ tự ông to chiếm nhà to, ông nhỏ chiếm nhà nhỏ. Về xuất nhập khẩu, “cô ta cô tiếc”, đấu thầu, đầu tư, xây dựng công trình kể cả viện trợ từ thiện... cái bàn tay “tư hữu” đeo cái băng đỏ “công hữu” đều sờ soạng, nắn bóp khắp mọi nơi. Thế là nghiễm nhiên một số người ở cái thượng tầng kiến trúc mới ngày nào thực sự là những người vô sản thì hôm nay Tễu tôi bối rối khi đứng trước “đống tư hữu” đồ sộ của họ gồm: Biệt thự, khách sạn, ôtô, tài khoản hàng triệu “đô-la” gửi ở các ngân hàng ngoại quốc cùng bao nhiêu tài sản quý giá khác mà các nhà “tư sản Hà Nội chính hiệu” ngày xưa còn thua xa vài kilômét. ấy thế mà họ vẫn cứ đại diện cho giai cấp vô sản, cho lớp người cần lao cùng khổ mới tài chứ! Hỡi các nhà tài phiệt “phố U-ôn”! Các ngài muốn cho giai cấp công nhân Mỹ tin rằng các ngài là bạn của tầng lớp vô sản Hoa Kỳ thì hãy sang Việt Nam mà học tập.
Ở nông thôn miền Bắc những năm 60, người nông dân chất phác cần cù một nắng hai sương cắn răng chịu đựng để “Tất cả cho tiền tuyến” cũng không thể rên rỉ (nếu không muốn nói là rên xiết lầm than) thành những câu ca dao dân dã nghe mà não lòng:
Mỗi người làm việc bằng hai.
Để cho chủ nhiệm mua đài, mua xe.
Mỗi người làm việc bằng ba.
Để cho quản trị xây nhà, xây sân!
Câu ca dao trên không hẹn mà gặp đồng chí Nguyễn Chí Thanh ủy viên Bộ chính trị phát hiện và báo cáo với Trung Ương rằng: “Hiện nay các ban quản trị HTX đang đi xe đạp trên lưng xã viên!”, còn ở Hà Nội, các thần dân ăn theo tem phiếu, ăn những thứ lương thực, thực phẩm nhiều khi trong miếng ăn cứ tự hỏi không hiểu đây có phải là miếng ăn dành cho con người?... Miếng ăn của những con người vừa thoát khỏi ách nửa phong kiến, thuộc địa thì ở thượng tầng đã có một bước tiến “vĩ đại” là có một số người được hưởng chế độ của chủ nghĩa cộng sản thực sự (Nomenklatura). Đây là một chế độ giống như con sử tử đực đầu đàn mà Tễu tôi đã viết trong bài “Công hữu và những tên phú hộ vô sản của Mã Khắc Tư tiên sinh”. Và đúng là đất ngàn năm văn vật thì cũng có nền thi ca văn vật:
Tôn Đản là phố của quan.
Vân Hồ là của trung gian nịnh thần
Đồng Xuân là của thương nhân
Vỉa hè mới chính là của nhân dân anh hùng.
Những vần thơ lục bát này mới nghe cứ tưởng nói vấn đề gì cao sang, hóa ra cũng chỉ nói về cái “tư hữu miếng ăn”. Khốn nạn cái thời trông thấy miếng thịt bằng hai đầu ngón tay là đã sáng mắt lên, gạo mốc, mì mọt đều nuốt hết nên khi đi qua các phố trên thịt, bơ, sữa, đường, rau tươi, quả ngọt ngồn ngộn tránh sao cho khỏi cảnh kẻ được ăn thì nhồm nhoàm không một chút trạnh lòng, còn người đứng ngó ấm ức tủi lòng. Như các cụ xưa từng nói: Miếng ăn là miếng nhục, quá khẩu thành tàn! Cứ nghĩ đến việc đang “Tranh luận” về một học thuyết mà đưa “miếng ăn” vào để so đo Tễu tôi cũng thấy đỏ mặt vì xấu hổ.
Liệu “bóng ma của Mác” có về thăm chốn cũ: Mátxcơva, Xanh Pê-téc-bua nơi gieo trồng học thuyết “công hữu” và chống “tư hữu” đến cùng cực để thấy một học thuyết nhân văn cổ điển không thể vượt qua được hiện thực tiến hóa của lịch sử đang nằm trong đống sụp đổ tiêu điều. Nếu “bóng ma của Mác” có dịp đến Việt Nam chắc Mác sẽ thấy trên đường phố Hà Nội hàng đàn Taxi Việt Phương chạy như mắc cửi, thấy hotel Bảo Sơn lộng lẫy, thấy những vi-la nguy nga cũng như những hàng liễu rủ soi bóng xuống Hồ Tây... Chủ nhân của “Tư hữu” nêu trên là của ai vậy? Chính là của những người kiên quyết nhất bảo vệ học thuyết “công hữu” đang sáng tạo phát triển nâng cao chủ nghĩa Mác lên tầm cao mới là “cắt” nhỏ miếng “công hữu” mà họ dùng quyền lực nắm được ở trong tay thành các mẩu “tư hữu” nhỏ. Mà “tư hữu” dưới bất kỳ hình thức nào đều là “la bête noire” Mác và Ăng Ghen đều chống. Tễu tôi không biết đặt câu hỏi thế nào cho dễ hiểu và dễ trả lời: Mác đang chống Ai và Ai đang chống Mác? Tất nhiên là trong đó không có Tễu tôi và các bạn rồi.
Vậy là câu hỏi trước thời đại của “nền đệ nhất cộng hòa XHCN” thế nào là “hữu sản”, thế nào là “vô sản” để sang thiên niên kỷ III và thế kỷ 21, mũi nhọn của “chuyên chính vô sản” sẽ chĩa vào đâu?.
Để kết luận, một lần nữa Tễu tôi nhắc lại ý của hai ông thầy tàu: Mã Lập Thành và Lăng Chí Quân trong “Giao phong” mà Tễu tôi rất đắc ý: “công hữu của Mác”... là “Sở hữu của toàn dân”, mà “sở hữu của toàn dân” là “sở hữu của nhà nước” mà “sở hữu của nhà nước” là “sở hữu của chính phủ”... và cái khâu cuối cùng này là hết sức bí mật đây... “sở hữu của chính phủ” tức... tức là “sở hữu của quan chức”! chân lý giản đơn là vậy mà phải xoay quanh một cái vòng ma thuật để “úm ba la” biến cái “công hữu của Mác thành cái “tư hữu” để lăn bánh theo vết xe qui luật của lịch sử đang lăn.
Trước khi ngừng lời, Tễu tôi xin chân thành cảm ơn: tác giả P.N.U, nữ văn sĩ D.T.H, ông Tr. Kh và hai nhà lý luận Trung Quốc đã mở rộng tầm mắt để tôi viết những điều trên. Và cũng kính cẩn trước hương hồn cụ Mác xá lỗi cho kẻ hậu sinh, dù muôn ngàn lần kính trọng cụ cũng xin được tự do phát biểu vài lời. Và cũng có vài lời cùng bạn đọc “chẳng may” bài này tới tay bạn, bạn có tức giận phản đối thì tôi chỉ xin là tôi chỉ suy ngẫm chứ không có ý định tranh cãi được thua. Vì tiếng còi tàu “tu tu” đã báo đời Tễu tôi đã đi đến sân ga cuối cùng rồi.

Hà Nội, tháng 5 năm 2000

Tễu
(1) - Trang 76 cuốn K.Marx, Friedrich Engels. Manifeste du parti communiste (tuyên ngôn DCS) NXB ngoại văn Bắc Kinh 1966. Sử dụng bản dịch ra tiếng Pháp vì nó gần bản gốc tiếng Đức hơn đã được Marx và Engels “cho phép”. (Theo P.N.U).