Chương 2

Tôi nghe lòng phơi phới: Vị chua của trái chanh Dacha như có mòi dịu đi. Tai tôi nghe một giọng hùng hồn từ đâu đấy vang âm... THẾ HỆ NÀY SẼ ĐƯỢC THẤY CHỦ NGHĨA CỘNG S THỰC HIỆN Ở LIÊN XÔ!" (#8) Tôi bị hấp dẫn đến cực độ. Tôi suýt mọc cánh phóng lên chạy bay theo đoàn người để nhảy múa liên hoan với họ, nhưng một tiếng tu-hít gắt gỏng làm tôi giật chân lại, tỉnh mộng. Tôi lại giụi mắt. Thì ra đó chỉ là tấm áp phích quảng cáo do họa sĩ nào vẽ rất khéo người to bằng thật nên tôi tưởng là thật. Dưới tận cùng tấm bảng chạy thẳng bon một dòng chữ đen như hắc ín, nét thật mập: "Trích lời đồng chí Nikita Khơ rúp sốp tại đại hội lần thứ..." À ra thế, cái đoàn người vừa lính, vừa dân, vừa thợ, vừa thầy, vừa trai, vừa gái, vừa trẻ, vừa già đang hạnh phúc kia là thoát thai từ câu văn tuyệt vời nọ mà hằng ngày màn nhĩ tai tôi bị dội cả chục lần từ các miệng loa thép giăng bủa khắp băm sáu phố phường.
Thế là giấc mơ tôi đã qua, một giấc mơ đứng. Tôi rơi từ trên cao xuống mặt đường như sau một giấc ngủ mười năm, hay lạc Thiên Thai như gã thư sinh nào, mới gặp tiên chưa hưởng được mùi đào tiên đã phải trở về quê cũ.
Dưới trần thế, những đoàn xe đạp đua nhau trẩy hội với những cua-rơ, quần vá đít, áo thủng cùi chỏ với những dây xích nghiến rít như những đầu gối khô nước nhờn. Họ đuổi bắt nhau, vượt nhau, chen lấn nhau, bổ nhào, lại ngồi dậy chạy tiếp, dưới ánh sáng đóm đóm soi đường của chiếc đèn khí đá từ trên hắt xuống mà cái đích là đâu thì họ không biết và bao giờ đến thì lại càng không. Đạp ngang qua đây những chàng cua rơ bất đắc chí ắt phải có đôi lần ngó lên nhìn cái đoàn người xa lạ hạnh phúc kia mà tưởng cái nhân dân đó, khung trời đó là của mình, là chính mình. Coi gần thế mà xa, càng đạp càng xa, hết năm này sang năm khác, hết giấc ngủ mười năm này lại đến giấc ngủ mười năm khác mà cái bó lúa mì hạt to bằng hạt giẻ kia vẫn con là mớ cỏ treo trước đầu ngựa. Người thợ nhà đèn Hà Nội vẫn tin rằng cái ánh đèn khí đá kia tỏa xuống soi đường cho Thành phố này chứ không phải đèn điện của nhà máy mình. Chỉ có những người mang kính thì ước mong được dùng cái loại kính khác hiệu với cái của ông sợ bị dắt đi nhầm chân trời trên kia. Ở đây là cuộc đời hay sân khấu? Còn ở trên kia là sân khấu hay cuộc đời? Thế hệ này sẽ được thấy gì?
Sực nhớ ra rằng mình cần bỏ bụng thứ gì. Tôi bèn quày quả trở lại hợp tác xã cơm. Đây đúng là cái quán trọ bên đường của tôi. Thằng B bạn tôi nó từng than thở: đăng ký ăn cơm ở đây còn khó hơn vô đảng! Nhưng người đàn bà chủ nhiệm hợp tác này rất dễ dãi với việc đi và đến của tôi. Đi không cần báo cắt đến không phải báo ăn mà vẫn có khẩu phần sẵn. Sở dĩ được vậy vì tôi đưa bìa phiếu cả năm của tôi cho bà, bà muốn mua bán đổi chát đều toàn quyền. Nên nhớ rằng một ô phiếu không thể xin mà được, muốn có phải mua. Có ô phiếu mới có cái ăn cái mặc. Đổi lại thẩm quyền ấy bà cho tôi hai đặc ân trên. Ở đời này có cái gì qua không có lại mà vui vẻ đâu.
Hôm nay, không cần là ngày cuối tháng, tôi vẫn sạch túi. Đồng lương tôi hơn lương bác sĩ, chưa kể các món nhuận bút, lại vô gia đình mà còn thế huống nữa là nhân viên bán sách hay thợ nhà đèn. Một sự mỉa mai của nhà nước hay của hóa công là cái hợp tác cơm trọ này ở cạnh rạp hát bóng và ngay trước mặt cửa hàng ăn số 1. Có xu thì vào cửa hàng oai phong gọi cơm dĩa, túi xẹp thì hợp tác. Muốn ăn cơm ở cửa hàng phải đến trước 11 giờ sáng và 7 giờ tối. Sau giờ đó khách chỉ được tiếp đãi bằng cái bảng treo ngay ở trước cửa cái: "HẾT CƠM." Bảng chưa treo, nhưng tôi phải qua hợp tác trọ yêu quý cười thân ái với bà chủ nhiệm. Và được bà thông cảm ngay. Bà là niềm tin yêu và là nguồn sống của giai cấp vô sản chơn chánh: cơm thùng nước chậu, la-sét bằng cây xỉa răng tự túc chứ không được tăm trúc trơn láng của các tổ phụ lão tự cứu ở ngoại thành.
Tôi còn đang loay hoay thì một tiếng cười trêu chọc vang lên phía sau lưng:
"Tiền nhuận bút để nái hả mậy??"
Tôi quay lại. À nhà đạo diễn, bạn vong niên của tôi từ trong kháng chiến ở Nam Bộ. Anh ta lêu đêu cao đến đổi sợ cả mang giày, tóc bao giờ cũng dợn sóng tình và dù nghèo kiết vẫn giữ vẻ phong lưu, đặc biệt với hàng ria mép duyên dáng rất nhạy cảm làm bình phong cho nụ cười dễ dàng nở trên môi.
"Bữa nay sao phải vô đại thế giới... ngô lang này?"
"Ông chạy khỏi nó à?"
Hai đứa cùng cười xòa, rồi cùng hiên ngang đi vào trong bếp. Thực khách đã đông nghẹt, kẻ cắm cúi lua, người bận rộn lấy phần mang về nhà.
Tôi và Huyền Thanh, tên nhà đạo diễn, đến cái chạng có cả chục tầng lớp, mỗi tầng lớp đều để chật những đĩa thức ăn đã phân định sẵn bằng sự công bình chính trực tối đa - nghĩa là dù người đến trước kẻ đến sau, dù bắt món này hay bưng món kia thì cũng khỏi áy náy rằng mình đã chơi trội hơn người hoặc sẽ khỏi đau khổ vì người may mắn hơn mình, cho dù sự chơi trội hay sự may mắn kia cũng chỉ là một mẫu cá kho bằng nửa lóng tay hay cái đầu con cá lòng tong hoặc một cái gốc rau muống tua tủa rễ mà thôi. Tôi ngẩn ngơ hồi lâu mới quyết định nỗi. Tôi thọc cái con đường đau khổ quách vào túi quần và bắt một miếng đầu cá quả bổ đôi nằm trên một cái đĩa sứt và giữa một biển nước mà một tờ giấy thấm nếu học trò lỡ tay đánh rơi vào có thể hút cạn ngay. Rau muống là căn bản rồi, khỏi phải nói, nhưng ngoài rễ và cọng, tôi còn chú ý thấy mình có thể nuốt thêm được ba cái lá xanh với một cái lá vàng. Đó là thức ăn. Còn cơm thì phải đến cho bà chủ nhiệm tận tay đo phát. Một chén cơm lường, vài cục bột Liên Xô hoặc bột các nước Hung, Tiệp, Bảo. Ở bên xứ nó chắc chắn sẽ trở thành bánh mì dòn thơm phức, nhưng sang đây, rơi vào sự sáng tao của đảng ta, nó lại được vò lọn ném vào nước sôi rồi vớt ra giống như chè trôi nước với những hình thù méo mó như đồ gốm (#9) lập thể đất nung của Picasso và không có nhưn mặn nhưn ngọt gì hết.
Nhà đạo diễn bưng một đĩa tép rang còn nguyên râu và đuôi, gồm có ba trự, hai trự còn đủ thủ cấp, một trự bị chém treo ngành, và được trang trí bằng mấy trái cà pháo đã bổ ra coi như nhiều hơn là để nguyên. Anh cười rung rinh hàng ria:
"Bữa nay có ngô bổ sung mày ạ! Mỗi người được một thìa vung!"
Tôi nhìn đĩa cơm liên hiệp ba thành phần của anh: một bệt ngô vàng nghế làm cho chúm cơm trắng và mấy cục nâu lòn hòn nỗi bật lên. Anh trở vào một chập rồi ra với hai tô lá sen nhỏ đầy nước đùn đục. Tôi biết đó là nước rau muống luộc có bỏ trái sấu thay cho trái me làm canh chua. Và đấy là món ăn tùy tiện ai muốn bao nhiêu cũng được. Anh ngồi xuống tề chỉnh, ngó quanh tỏ vẻ tìm gia vị ở các hiệu ăn Tàu Hàng Buồm như dấm, tương, ớt, tiêu trộn bột đậu xanh (vì không có đủ tiêu nguyên chất cho khách hàng). Tôi hỏi:
"Anh kiếm chanh hả?"
"Tao quên. Tao tưởng đây là Hàng Buồm!"
"Có đây" Tôi cười nhìn bộ ria nhạy cảm của anh rồi thọc tay vào túi làm như sẽ móc chanh ra.
"Cái thằng! Nếu có, tao sẽ thưởng mày một chầu đặc biệt."
Tôi lôi cuốn sách ra giơ trước mặt anh:
"Chất chua đây!"
Anh bật cười và nói xa quá tầm tôi nghĩ.
"Thằng đạo diễn tài thật!" (#10) Rồi giật lấy quyển sách mở banh ra lật lật tìm.
"Chỗ nào?" Tôi hỏi. "Chỗ quả chanh thì đưa đây, tôi tìm cho."
"Cái đoạn thành phố Mạc Tư Khoa mất điện, không đủ bánh mì, con Dacha vừa đẻ, đứa bé chết. Đang lúc quẩn bách quẩn trí đó, thằng chồng lại mang về cho vợ chỉ một quả chanh và tất cả những gì ưu ái của gã chỉ là làm cho vợ một ly nước chanh. Dacha vị tình nếm một miếng và nhăn mặt đẩy cái ly ra: Em không muốn thứ này...! Cách mạng thành công nhưng không nếm được!! Đạo diễn tài chứ mậy?"
"Ừ, tài thật! Còn anh làm sao cho ba cái món này ngọt lên để nuốt coi."
"Bà chủ nhiệm bảo ớt dùng làm tương xuất cảng sang Liên Xô nên kể từ nay, ai muốn ăn cay phải tự túc."
"Thế là Dacha hết nhăn nhó vì chua lại phải méo mặt vì cay à?"
Khi nuốt vừa xong chũm cơm thì rau cá cũng sạch láng, tôi còn đang suy nghĩ xem có nên lấy thêm thức ăn - cố nhiên phải trả phụ trội - để cho cặp uyên ương ngô nghiền-bọt mì luộc có lối êm ái đi vào bao tử hay không, thì ngoài cửa một tổ ba người gồm một lão già, một người đàn bà và một đứa bé thuộc ba thế hệ khác nhau (chắc có thế hệ đồng chí Khơ rút sốp nói tới trong bài diễn văn?) - xuất hiện ở cửa hợp tác. Như máy, cả tôi lẫn nhà đạo diễn đứng dậy đem các thức đang ăn trút vào chiếc nón lá rách bươm run run đưa ra từ tay lão già. Thằng bé con chồm tới chụp ngay một quả trôi nước Liên Xô tọng vào mồm nhai ngấu nghiến.
Chú thích:
(8-) Tưởng câu này chỉ bịp dân Việt Nam, ai dè lừa cả dân Liên Xô. Giả Khơ cũng cho làm một cái áp phích to tổ bố dựng ở Mạc Tư Khoa - Vừa rồi tôi đọc báo Ngoại Quốc mới thấy (XV).
(9-) Ceramic.
(10-) Con đường đau khổ được chuyển thành phim.