Chương 5

Tôi giật mình. Bởi bị cấm đi xem nên tôi không biết nàng diễn ở màn mấy. Chỉ nghe nàng nói là đóng vai híp py. Tôi tỏ ý sợ lão nhầm lẫn.
"Nhầm thế nào được mà nhầm chết người thế hở anh? Tôi thuộc hết cả mà! Cô ấy đóng vai nữ híp py hả? Vai ấy chỉ có một tẹo ở màn một rồi thêm một tị nữa ở đầu màn hai. Nhưng mà theo chỗ tôi biết thì vai ấy do cô Bạch Lan đóng."
"Vậy có lẽ đêm nay cô ấy đã thay vai." Tôi chống chế. "Hoặc diễn xong cô còn rốn lại."
"Kịch sĩ hể xong là về. Không về thì đi nhỡn phố. Họ yêu sân khấu lắm nhưng cũng rất chán sân khấu. Cũng như mình yêu đời nhưng lại rất chán đời. Tôi không có lẩm cẩm như ông Đào gì... Cẩm tác giả Một Mạng Người đã bắt một tên lính Sàigòn phải chết vì nhường một ống máu để tiêm cho cố vấn Mỹ đâu!" Lão ngưng ngang và dò xét phản ứng của tôi bằng mắt. (Lão sợ tôi cho lão mất lập trường. Tuy tôi không tỏ vẻ gì, lão vẫn đánh trống lãng) "Máu người đâu có phải là nước lã phải không anh?" Rồi để khỏa lấp câu nói hớ - hay một nhận xét chí lý cũng nên - lão kể vanh vách: "Anh hãy nghe đây, nhà hát này có tới ba bốn cô Lệ. Cô Ngọc Lệ ở đoàn Ca múa Trung Ương, cô Tú Lệ ở Đoàn Cái Lương Nam Bộ, cô Hồng Lê ở đoàn Ca Huế, trái lê chớ không phải giọt lệ là nước mắt, anh nghe chữa? Chẳng có ai tên là Hồng Lệ cả!... Tôi nhầm thế nào được mà nhầm! Cô Lệ của anh chắc đẹp lắm, đáng cho 5 điểm Liên Xô."
"Cụ cũng biết kiểu cho điểm đó nữa à?" Tôi bắt sang chuyện khác để giấu sự bồn chồn.
"Biết chứ! Hà hà. Thế mà than ế vợ! Anh bí mật với tôi đấy nhé!"
Tôi lại lảng sang chuyện khác nữa để khỏa lấp sự giao động trong lòng.
"Hồi trước tới giờ cụ thấy vở kịch nào hay nhất?"
"Tôi chưa bao giờ xem trọn một vở nào. Nhưng gần đây thì kịch Liên Xô, thỉnh thoảng tôi có vào liếc qua. Tôi thấy nhân vật tóc vàng mũi nhọn mặc váy mà nói tiếng ta, xem nó hay hay thế nào ấy. Cho nên rồi tôi lại thích ngồi bên ngoài để nghe ngóng, đoán màn đoán lớp hơn là vào xem. Nhưng theo tôi, vở kịch hay nhất không phải là vở kịch được khán giả tới xem chật rạp, cũng không phải vở được vỗ tay nhiều mà là vở kịch sau cánh gà. Kịch đó không cần đạo diễn, không cần son phấn nhưng là vở kịch đáng xem nhất. Ở đó người ta không giấu giếm không đạo mạo, ở đó người ta phơi trần cả ruột gan thật. Kịch đó mới là kịch."
Tôi lấy làm ngạc nhiên về cái triết lý của lão già. Tôi chưa kịp nói gì thì lão tiếp:
"Có phải vậy không anh? Sở dĩ tôi nói vậy là vì tôi biết có những đào kép lúc ra tuồng thì là đôi tình nhân hôn nhau mùi mẫn nhưng khi vào hậu trường bôi mặt rồi thì hầm hừ với nhau như trong kịch Ghen (#21). Ngược lại có những người thù nhau ở ngoài đời nhưng lên sân khấu lại thành Lưu Bình Dương Lễ. Có ông Châu Võ Vương trên sân khấu nhưng ở ngoài đời thực sự là Trụ Vương. Có cô không tiền ăn xôi sáng nhưng tối lại trở thành Tây Thi. Có bà Dương Quý Phi vừa nhào xuống sông Hồ Hán tự vận nhưng chập sau lại thấy ngồi chong ngóc ở vỉa hè vui vẻ cạp giò gà lia lịa. Đó, anh thấy không, cái kịch ở sau sân khấu mới là cái kịch thật, kịch dài, diễn tới diễn lui, đào kép cũ mèn mà không nhàm, ai ai cũng xem không phải mua vé, ai ai cũng là diễn viên mà không phải tập rèn chi cả. Đó mới chính là vở kịch hay nhất!"
Lão Gác còn ngon trớn nhưng tôi cười nói:
"Còn cụ đứng ở đây là ngoài hay trong sân khấu?"
"Tôi ấy à? Tôi đứng ở kẻ giữa, bước vô thì trong, bước ra thì ngoài. Hì hì! Nhờ thế mà tôi thấy được bên trong lẫn bề ngoài. Anh nghe tôi nói này! Cửa trước nghiêm trang oai võ bao nhiêu thì cửa hậu nhốn nháo ê chề bấy nhiêu." Lão cười hề hề rồi tiếp ngay như sợ tôi làm mất trớn như vừa rồi. "Do đó tôi thích đứng ở đây coi kịch hơn. Đứng ở đây tôi thấy được sự khác nhau giữa chế độ ta và chế độ Tây anh ạ." (Tôi hỏi khác thế nào?) "Ở chế độ Tây gọi là đào kép có vẻ khinh miệt nghề hát, chế độ ta gọi là diễn viên nghe kính trọng hơn. Ở chế độ Tây đào kép đi xe hơi tới rạp hát, son phấn lòe loẹt, ở chế độ ta diễn viên bình dân thanh bạch hơn nhiều. Ở chế độ Tây quan toàn quyền thống soái đi coi hát thì chỉ qua đại tiền môn, tức là cửa trước nhưng là cái cửa chính điện, không phải cửa xép hai bên, còn ở chế độ ta thì lãnh tụ nhân dân lại thích gần nhân dân nên chỉ đi ngõ hậu!" Lão ậm ờ, ngó chừng sự phản ứng của tôi rồi tiếp: "Thật đấy, tôi không dám bịa đâu mà! Lần đó...ó" lão ho luôn một thôi dài, lại tiếp: Lần đó, sớm hơn chừng này tí, tôi đang ngủ gà ngủ gật thì bỗng từ đâu hai chiếc xe cây ầm ầm chạy tới đổ ngay bên gốc điệp kia cà. Rồi những đồng chí công an đồm độp nhảy xuống. Chỉ trong chốc lát đã vây kín cả hai bên hông và phía sau nhà hát. Một đồng chí lôi tay tôi đẩy vô phòng rồi đứng chặn ở cửa. Tôi không biết chuyện gì nên hé mắt nhìn qua cửa sổ. Mười phút sau, một chiếc xe hòm đen trườn vô. Chiếc xe to quá to, bóng quá bóng, xe Toàn Quyền Tây ăn thua gì đâu! Anh biết xe ai không?"
"Chắc của đồng chí..." Tôi lờ lững.
"Đồng chí nào? Cái anh này!" Lão ngưng một chút rồi tiếp: "Do đó tôi mới nói là Toàn Quyền Tây đi vô coi hát bằng đại tiền môn còn lãnh tụ tối cao của ta thì lại đi ngõ hậu..."
Tôi trừng mắt vì thấy lão sắp sửa chơi chữ. Lão thấy sự phản ứng của tôi nhưng lão cứ sấn tới:
"Chớ không à? Anh là nhà văn mà không đọc báo tường thuật các lần ông cụ đi thăm cơ quan và đơn vị bộ đội à? Các ông to bà lớn treo cờ treo quạt ở cổng trước nhưng cụ lại vào từ đằng sau rồi từ bếp đi lên. Thậm chí cụ đi vô cầu tiêu trước khi ban huấn thị."
Tôi đứng lặng thinh, tự hỏi, không biết lão già có định xỏ xiên mình không, nên tôi không dám đem bụt công an ra xài. Võ đoán có thể phạm tội.
Để lão không còn thính giả nữa, tôi đi lại xe, đinh minh rằng gã tài xế đang ngủ khò ở đó, nhờ gã đưa quách về nhà. Nhưng khi tôi quờ vào thì tay chỉ chạm băng xe lạnh ngắt. Chắc gã đã chui ngõ hậu vào xem kịch lúc mình đang đi loanh quanh. Nghĩ vậy tôi bèn leo lên ngồi ở băng sau, ngã lưng kiên nhẫn chờ. Nhưng chỉ ngồi vài phút thì thấy không thể. Bao nhiêu sự đời quay lộn trong trí từ trưa tới giờ làm tôi mệt nhừ. Tôi muốn về nhà để nằm trong một sự yên tĩnh tuyệt đối: không nghe không thấy không biết thêm gì nữa. Tôi định nhảy xuống xe để lội bộ.
Bỗng từ đằng kia có bóng người phăng phăng đi lại ngay đầu xe. Một gã đàn ông cao lêu đêu đến thò đầu vào xe thì thào:
"Ê, bồ còn xăng không? (Thấy không ai đáp, người kia chồm ra băng sau) Tôi cần gấp một lít, giúp tôi được không anh tài?"
Tôi suýt bật cười vì tôi nhận ra giọng quen. Tôi cố nén và làm lạ:
"Mua xăng đổ hủ lô Trung Quốc hả cha nội?"
"Ê mày, thằng quỷ!"
Tôi đã bắt gặp đúm râu ăng lê của nhà đạo diễn và nhà đạo diễn cũng nhận ra tôi. Huyền Thanh kêu lên:
"Hoàng thân Mít-kin bữa nay không đi xe song mã lại cửi xe jeep của ai đây?"
"Còn Xắc-Cô làm gì mà đi mua xăng gấp vậy?"
"Chiếc Mô-bi-lết đạp không nổ, tưởng bu-gi rỉ, ai dè hết xăng!"
"Bò lết ở đâu?"
"Của bả chớ đâu! Tụi tao rạo cảnh ngoài bờ sông rồi tao đưa bả vô coi kịch."
"Sao anh mời đi... hát bóng mà lại hát kịch?"
"Thì thanh đông kích tây chớ sao!" Nhà đạo diễn cười hí hí rồi tiếp: "Tao vừa đưa bả vô ngõ hậu rồi dùng chiếc lết chở con nhỏ kêu tao bằng bác lên Bách Thảo xem hoa. Tao đưa nó trở lại đây vừa đúng vai của nó ở màn bốn! May quá, vừa hết xă... ăng!"
"Ai biểu xăng ít mà ham chạy! Nè, coi chừng nghe, trên má còn dấu gì tím tím đó!"
"Hí hí... Một bên tím một bên hồng! Người này tát xong, mình chìa cho người khác!"
"Ai làm gì xe tôi đấy hả?" Một tiếng hậm hực ném vào giữa cuộc đối thoại đang hào hứng của chúng tôi.
Thì ra gã lái xe! Huyền Thanh nói như một khách hàng quen hồi đời nào.
"Xăng nhà binh chạy mạnh lắm. Giúp tôi đổ cái lết được không?"
"Được, nhưng chỉ một lít thôi. Tôi vừa hút ba bốn lít, nên chỉ còn đủ xài. Gã giơ cái chai cầm ở tay, hồn nhiên nói: "Chai này cứng lít đây ông anh!"
"Cứng mềm gì thì cũng lít nhưng cứng thích hơn." Nhà đạo diễn vừa cười vừa móc bóp.
Gã moi trong túi quần một chiếc ống cao su nhỏ, ra lái xe mở nắp bình xăng thọc vào và hút hút rồi cắm nhanh đầu kia vào họng chai. Xăng chảy re re êm ái. Gã vừa ngó chừng vừa hỏi tôi:
"Anh xem kịch có hay không?"
"Hay! Hay lắm!"
"Em bảo là kịch ngoài này hay hơn mà! Khi khì! Em vừa xem một hoạt cảnh mất chìa khóa. Đề tài thiệt là hay.
"Mất chìa khóa gì cơ?"
"Chìa khóa xe đạp. Hai cái xe khóa chùm dưới bóng cây đằng kia!"
Tôi giật mình. Gã tiếp:
"Một cô nàng xinh lắm, đến 5 điểm Liên Xô kia đấy. Cô ta dính chung với một tay sồn sồn. Ông ta đã mở khóa của mình, ngó quanh tìm nàng nhưng nàng lại không có ở đó. Có vẻ như hai người đóng kịch chung nên khóa chùm cho kẻ cắp khó làm ăn. Chắc cô đã hết vai nen ra trước rồi bỏ đi đâu, đến chừng ông mãn lớp ra thì không thấy cô nàng. Ông kịch sĩ nỗi cáu chửi om lên. May sao lúc đó cô nàng vừa tới. Một anh trẻ đẹp đèo cô ta bằng xe gắn máy Liên Xô, cái thứ xe trông đến quái gỡ, dở xe đạp dở xe máy. Anh chàng đưa cho cô cái máy ảnh rồi vù. Cô móc túi lấy chìa khóa nhưng moi các túi đều không thấy. Chắc là rơi trên bãi cỏ đâu đấy! Ông kịch sĩ cáu tiết có lẽ vì ghen hơn là vì đợi lâu. Cô nàng lúng túng không biết làm cách nào. Em thấy thế mới bước đến tìm cách giúp đỡ... ỡ! Thì ra cái khóa nội. Khoá nội thì có khóa cũng như không. Em lấy chìa khóa của em chọc vào cái là bật ra ngay. Cả hai cảm ơn em rối rít." Gã tài xế đưa tay rút ống cao su ra khỏi miệng chai và tiếp: "Khóa nội rẻ tiền, dễ mở, anh biết không? Chìa nào cũng vừa cả! Thậm chí một que dây kẽm cũng thành công! Hố hố... ố!"
Chú thích:
(21-) "Ghen" là vở kịch nổi tiếng của Đoàn Phú Tứ.