Đại hội 7.000 người không giải quyết được vấn đề “tả” khuynh từ gốc rễ, chính sách điều chỉnh không được quán triệt, nhiều người mang tâm lý cầu may, chỉ cần năm nay nông nghiệp được mùa, là sang năm mọi việc đều tốt đẹp.Dựa vào kinh nghiệm chính trị, cán bộ cấp cao cảm thấy Mao Trạch Đông sẽ tiếp tục chống hữu, nên án binh bất động.Đầu tháng 5-1962, Lưu Thiếu Kỳ triệu tập Hội nghị công tác trung ương thảo luận báo cáo kế hoạch điều chỉnh năm 1962 do Chu Ân Lai, Trần Vân, Lý Tiên Niệm chủ trì khởi thảo, chủ yếu là giảm số người làm công ăn lương và số dân thành thị, khôi phục danh dự cho những người bị qui là phái hữu, và phát triển nông nghiệp. Mao Trạch Đông an dưỡng ở Vũ Xương. Lâm Bưu nghỉ ngơi ở Tô Châu Trần Vân ốm không dự họp.Vào lúc này, trên dưới đều thấy khoán sản tới hộ có thể cứu đói thoát nghèo, nhưng việc này trái với Tư tưởng Mao Trạch Đông, nên không dám làm. Nhưng một số nơi vẫn làm chui, như 30% tổng số đội sản xuất ở An Huy, có vùng đến 70%. Ở Hà Nam, đất phần trăm và đất cho nông dân mượn chiếm 16% đất canh tác, có nơi tới 28%. Nông dân gọi đó là “chính sách cứu mạng”. Đa số uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị đều ủng hộ ý kiến của nông dân mong muốn khoán sản tới hộ, nhưng Mao bác bỏ. Nếu việc Mao bắt đầu thực hiện Công xã hoá là xuất phát từ hảo tâm, hậu quả mấy chục triệu người chết đói là điều ông ta không ngờ tới, thì việc vẫn không chịu thay đổi chính sách lúc này lại do ác ý.Ngày 6-8-1962, Mao triệu tập Hội nghị công tác trung ương tại Bắc Đới Hà. Đây là cuộc phản công của Mao kể từ khi kiểm điểm sai lầm và thực hiện chính sách điều chỉnh. Ngay buổi họp đầu, Mao đã nói về đấu tranh giai cấp, phê phán “làm ăn riêng lẻ”. Thế là những người chủ trương khoán sản đến hộ từ Trần Vân, Đặng Tử Khôi trở xuống đều kiểm thảo.Tiếp đó, Hội nghị Trung ương 10 khoá 8 họp tại Bắc Kinh. Trong cuộc họp trù bị kéo dài 29 ngày, Mao phê phán “làn sóng làm ăn riêng lẻ” của Đặng Tử Khôi, làn sóng “lật án” của Bành Đức Hoài, cuối cùng lại phê phán tiểu thuyết “Lưu Chí Đan” lật án cho Cao Cương, nêu lên “tập đoàn chống đảng” Tập Trọng Huân, Giả Thác Phu, Lưu Cảnh Phạm để chặt phăng “nhóm Tây Bắc” của Bành Đức Hoài. Ngày 24-9, hội nghị chính thức bắt đầu. Mao không bảo vệ “đường lối chung” nữa, mà đưa ra “đường lối cơ bản”: “Xã hội XHCN là một giai đoạn lịch sử khá dài. Trong giai đoạn này còn có giai cấp mâu thuẫn gia; cấp và đấu tranh giai cấp, tồn tại cuộc đấu tranh giữa hai con đường xá hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, có nguy cơ phục hồi chủ nghĩa tư bản… Từ nay, chúng ta phải nhắc đến hàng năm, hàng tháng, hàng ngày, để có nhận thức tương đối tỉnh táo về vấn đề này, có một đường lối Mác xít-Leninnít”. Mao lặng lẽ dùng “đường lối cơ bản” ấy thay thế “đường lối chung”. Nắm kinh tế thất bại, Mao muốn thắng lại về chính trị. Mao không biện hộ cho “ba ngọn cờ hống” nữa, không biện hộ cho quan hệ giữa “một ngón tay và chín ngón tay” nữa, vì như thế rất bị động. Mao rút khỏi lĩnh vực kinh tế mà ông không am hiểu, chuyển sang lĩnh vực chính trị quen thuộc, rút lui về kinh tế để chuyển sang tấn công về chính trị. Địch thủ Mao tấn công chẳng phải ai xa lạ, chính là Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, Trần Vân… những người đã lãnh đạo đất nước vượt qua thời kỳ khó khăn, giữ cho chính quyền không sụp đổ, khiến Mao Trạch Đông vẫn ngồi được trên ngôi báu chí tôn.Công cuộc điều chỉnh kinh tế quốc dân bắt đầu từ nửa cuối năm 1960 đã thu được thành quả nổi bật, kinh tế quốc dân năm 1963 có xu thế hồi phục toàn diện. Kinh tế vừa chuyển biến tốt, Mao lại bắt đầu vật vã, chuyển sang tấn công về chính trị, đột phá khẩu vẫn là nông thôn. Tại Hội nghị công tác trung ương tháng 2-1963, Mao quyết định triển khai phong trào “tứ thanh” (trong sạch về chính trị, kinh tế, tổ chức, và tư tưởng) trong nông thôn cả nước.Ngày 15-11-1960, Mao từng viết: “Cả nước 2/3 khu vực tình hình rất tốt đẹp, 1/3 rất không tốt đẹp. Phải có thời gian chú ý đến 1/3 này, nơi đó kẻ xấu cầm quyền, giết người, nhân dân đói rách, cuộc cách mạng dân chủ chưa thành công, các thế lực phong kiến tác oai tác quái, càng thêm thù địch chủ nghĩa xã hội phá hoại quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất xã hội chủ nghĩa”.Ngày 8-6-1964, Mao nói rõ hơn: “1/3 quyền lực ở nước ta không nằm trong tay nhân dân, mà trong tay kẻ thù”. Mao đổ trách nhiệm về tình hình nghiêm trọng do “ba ngọn cờ hồng” gây ra lên đầu đông đảo cán bộ nông thôn và những phần tử địa chủ, phú nông đang bị quản chế.Căn cứ vào đánh giá trên, tỉnh Hồ Nam xác định có 30 huyện nằm trong tay Quốc Dân Đảng, chiếm trên 1/3 số huyện trong toàn tỉnh. Trong phong trào Đại tiến vọt và Công xã hoá, 30 huyện trên đều là những huyện chấp hành chỉ thị của Mao kiên quyết nhất, liều lĩnh khoác lác nhất, tỉ lệ ăn tập thể cao nhất, nộp lương thực nhiều nhất, do đó số người chết đói cũng nhiều nhất, tình hình các tỉnh khác cũng tương tự.Để chứng tỏ mình luôn luôn đúng đắn, Mao Trạch Đông cần hy sinh hàng loạt phần tử tích cực đã theo Mao; qui họ là kẻ thù giai cấp, coi tội ác tày trời làm chết đói 37,55 triệu người do đường lối cực tả của ông ta gây ra là “tiếp tục cuộc đấu tranh sống còn giữa hai giai cấp lớn đối kháng trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa 10 năm qua”, coi phong trào “Tứ thanh” là cuộc đấu tranh lâu dài của bần nông và trung nông lớp dưới tiếp tục chống kẻ thù giai cấp, Mao biến mình từ tội phạm đầu sỏ của tai hoạ trên thành đại cứu tinh đưa nhân dân thoát khỏi nước sôi lửa bỏng.Lưu Thiếu Kỳ lãnh đạo phong trào “Tứ thanh”, muốn theo luồng tư duy của Mao Trạch Đông, đổ trách nhiệm về tai hoạ lớn này lên đầu kẻ thù giai cấp. Mao kêu gọi cán bộ các cấp xuống cơ sở tham gia “Tứ thanh”, nhưng không chuyển. Để thực hiện chỉ thị của Mao, Lưu Thiếu Kỳ gọi Trưởng ban Tổ chức Trung ương An Tử Văn đến sắp xếp cụ thể, đồng thời tuyên bố: những ai không tham gia “Tứ thanh”, thì không được làm uỷ viên Trung ương, Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Khu uỷ nữa, thế là 180 cán bộ cấp bộ và cấp tỉnh, trên 1.000 cán bộ cấp khu sôi nổi tham gia. Điều đó khiến Mao giật mình: quyền lớn rơi vào tay kẻ khác rồi!Tuy chính sách “ba tự một bao” khiến trăm họ có cơm ăn, đất nước thoát khỏi khủng hoảng. khiến ngai vàng của Mao không sụp đổ nhưng Mao không công nhận, vì như vậy là thừa nhận mình sai lầm, Mao cần trước tiên lợi dụng “phái đi con đường tư bản” này để ổn định nông thôn, làm ra lương thực, giữ vững giang sơn, sau đó sẽ đánh đổ họ. Mao cho rằng người uốn nắn sai lầm của Mao tất sẽ là phái phản đối trong tương lai. Mao không thể quên tình cảnh đáng sợ tại Đại hội 7.000 người khi toàn đảng nghi ngờ đường lối và truy cứu trách nhiệm của ông ta. Mao nói “ba tự một bao” là tội ác rất lớn, coi những cán bộ thực hiện chinh sách này là “phái đương quyền trong đảng đi con đường tư bản chủ nghĩa”.Sự việc Lưu Thiếu Kỳ lo ngại nhất đã xảy ra. Trong cuộc họp ngày 28-12, Mao nói trong đảng hiện ít nhất có hai phái, phái xã hội chủ nghĩa và phái tư bản chủ nghĩa. Rồi nói vỗ mặt Lưu: “Ông thì có gì ghê gớm, tôi chỉ cần động ngón tay út là có thể đánh đổ ông ngay”. Đó là khởi điểm đoạn tuyệt giữa hai người.Mao cho rằng tuyệt đại đa số cán bộ trong hệ thống đảng và chính quyền theo Lưu Thiếu Kỳ rồi, giờ phải gửi gắm hy vọng vào quân đội. Tháng 10-1963, Mao viết thư cho Lâm Bưu, yêu cầu cử La Thuỵ Khanh, Dương Thành Vũ… dẫn đầu cán bộ quân đội tham gia phong trào “Tứ thanh” kèm theo bài thơ của Tào Tháo “Quy tuy thọ”, ngầm cho biết Mao sẽ thay đổi người kế tục, nhắc Lâm giữ gìn sức khỏe, chuẩn bị gánh vác trọng trách.Ngày 26-12-1964, Lâm Bưu, Trần Bá Đạt, Khang Sinh trở thành thượng khách nhân kỷ niệm ngày sinh thứ 71 của Mao.Nhật ký Lâm Bưu viết: “Mao uống một bình Bạch sa dạ, thứ rượu ngon nhất Hồ Nam, hỏi đi hỏi lại: “Trung ương có người muốn cướp quyền, muốn thực hiện chủ nghĩa xét lại, làm thế nào đây? Chắc quân đội không theo họ chứ. Bộ Chính trị. Ban Bí thư Trung ương, Chính phủ đều muốn loại bỏ họ Mao này. Ta vẫn là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Quân uỷ, ép ta tạo phản, ta sẽ làm cho trời nghiêng, đất lệch”Cuối năm 1964 do các nguyên soái Hạ Long, Diệp Kiếm Anh và đại tướng La Thuỵ Khanh đề xướng và tổ chức, quân đội Trung Quốc dấy lên cao trào đua tài kỹ thuật quân sự trong các quân binh chủng, Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo khác rất hoan nghênh, và từng trực tiếp đến xem các cuộc thi đấu này. Nhưng ngày 29-12 năm ấy, Lâm Bưu đột nhiên ra chỉ thị phủ định hoạt động trên, phê bình huấn luyện quân sự làm quá nổi bật, chiếm quá nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công tác chính trị trong quân đội. Lâm Bưu yêu cầu năm 1965 phải ra sức tăng cường công tác chính trị tư tưởng, dấy lên cao trào học tập tác phẩm của Mao.Vậy là Lâm Bưu chỉ một phiếu đã phủ định Quân uỷ Trung ương, phủ định cả Mao Trạch Đông. Chỗ tế nhị nhất là Mao đã ngầm tán thành sự phủ định này. Không được Mao bật đèn xanh, Lâm Bưu đâu dám làm như vậy. Sở dĩ Mao cho phép Lâm Bưu đụng đến quyền uy của mình, một là bởi Lâm Bưu chủ trương thay thế hoạt động huấn luyện và đua tài quân sự bằng dấy lên cao trào học tập tác phẩm Mao rộng lớn hơn trong toàn quân, phần quyền uy Mao mất mát sẽ được bù lại hàng chục, hàng trăm lần. Hai là Mao đang đánh bài ngửa với Lưu Thiếu Kỳ, người đang chiếm được đa số trong Bộ Chính trị và Ban chấp hành trung ương, Mao cố ý tăng cường quyền uy của Lâm Bưu tới mức có thể áp đảo đa số ấy. Quả nhiên Mao không thất vọng, một phong trào quần chúng học tập và vận dụng tác phẩm của Mao mang màu sắc cuồng nhiệt tôn giáo đã được dấy lên trong 3 triệu quân đội rồi phổ cập trong cả nước. Đây là sự chuẩn bị về dư luận, tư tưởng và chính trị quan trọng nhất cho đại cách mạng vãn hoá. Từ 1965 đến khi kết thúc Đại cách mạng văn hoá, Trung Quốc đã phát hành tổng cộng 5 tỷ cuốn “Trích lời Mao Chủ tịch”.Việc Mao tuyên bố “đánh đổ” Lưu Thiếu Kỳ (tại Hội nghị công tác Trung ương 28-12-1964) khiến toàn Đảng chấn động. Để hàn gắn vết rạn lớn này, chiều 13-l-1965, Lưu chủ động tự kiểm điểm trước cuộc họp nội bộ có 17 uỷ viên Bộ Chính trị tham gia, mọi người phê bình, giúp đỡ, Trần Bá Đạt ghi chép về báo cáo Mao. Trong hơn một năm sau đó, bề ngoài Lưu Thiếu Kỳ vẫn chủ trì công tác tuyến một, tiến hành các hoạt động nhà nước bình thường trên cương vị Chủ tịch nước, nhưng Mao không làm việc với Lưu và Ban Bí thư nữa, mà ngầm chỉ huy Lâm Bưu, Giang Thanh cùng một số ít người khác chuẩn bị cuộc đấu tranh mới, thực tế là thành lập một Trung ương mới, một Bộ tư lệnh riêng.