Chương 34
Nixon mang đến cho Mao chiếc ô bảo hộ hạt nhân

Sáng 13-9, Mao Trạch Đông uỷ thác Chu Ân Lai triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị, thông báo vụ Lâm Bưu bỏ chạy, đồng thời chuẩn bị chiến đấu khẩn cấp, bố trí bảo vệ Bắc Kinh, đề phòng các sự kiện đột phát. Chu còn trực tiếp gọi điện thoại cho lãnh đạo 29 tỉnh và thành phố trực thuộc, thông báo vụ Lâm Bưu, yêu cầu các nơi có biện pháp khẩn cấp, kiểm soát tình hình.
Ngày 3-10, theo đề nghị của Chu, Mao đồng ý xoá bỏ Tổ làm việc Quân uỷ Trung ương, bắt Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Lý Tác Bằng, Khưu Hội Tác, thành lập Hội nghị làm việc Quân uỷ Trung ương gồm 10 thành viên, do Diệp Kiếm Anh chủ trì. Mao dặn họ: “Phàm thảo luận những vấn đề lớn, phải mời Thủ tướng tham gia”.
Ngày 25-10, với đa số áp đảo, Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 26 thông qua nghị quyết khôi phục mọi quyền hợp pháp của Trung Quốc trong tổ chức này. Mao chỉ thị cử ngay phái đoàn do Kiều Quán Hoa dẫn đầu sang New York dự hội nghị.
Sự kiện 13-9 tuyên cáo Đại cách mạng văn hoá phá sản.
Mao quyết định mở ra cục diện mới về ngoại giao làm cho nhân dân phấn chan, giữ vững thế trận. Mao càng quyết tâm cải thiện quan hệ Trung-Mỹ.
Liên quan đến vấn đề này, phải bắt đầu từ vụ xung đột Trung-Xô trên đảo Trân Bảo (Damansky) tháng 3-1969. Mỹ cho rằng sự kiện trên đánh dấu tình đoàn kết không gì phá vỡ nổi giữa hai nước đã sụp đổ, Trung Quốc sẽ tạm thời cùng Mỹ đối phó với Liên Xô.
Ngày 20-8-1969, Đại sứ Liên Xô tại Mỹ xin gặp khẩn cấp tiến sĩ Kissinger, Cố vấn an ninh quốc gia của Tồng thõng Mỹ, thông báo Liên Xô dự định thực thi đòn tấn công hạt nhân vào Trung Quốc, và trưng cầu ý kiến Mỹ về vấn đề này. Sau khi triệu tập khẩn cấp Hội đồng an ninh quốc gia bàn bạc, Nixon cho rằng mối đe doạ lớn nhất đối với các nước phương Tây đến từ Liên Xô, sự tồn tại của một nước Trung Hoa lớn mạnh phù hợp lợi ích chiến lược của phương Tây.
Nixon áp dụng hai biện pháp lớn giúp Trung Quốc. Một là kịp thời cho Trung Quốc biết thông tin chiến lược quan trọng này. Hồi đó hai nước chưa có quan hệ ngoại giao, trên danh nghĩa, đế quốc Mỹ vẫn là kẻ thù số một của Trung Quốc.
Tờ Washington Star ngày 28-8 đăng ở vị trí nổi bật tin sau:
Theo nguồn tin đáng tin cậy, Liên Xô định dùng tên lửa đạn đạo tầm trung mang đầu đạn hạt nhân đương lượng vài triệu tấn, tiến hành đòn tấn công hạt nhân kiểu phẫu thuật ngoại khoa vào các căn cứ quân sự quan trọng của Trung Quốc, và các thành phố công nghiệp quan trọng như Bắc Kinh, Trường Xuân, An Sơn”.
 
Đọc tin trên, các nguyên soái Diệp Kiếm Anh, Trần Nghị, Từ Hướng Tiền, Nhiếp Vinh Trăn cho rằng cuộc tấn công hạt nhân của Liên Xô đã ở ngay trước mắt, họ liên danh cảnh báo Trung ương. Chu Ân Lai hỏi Mao:
- Bốn lão soái cho rằng có nhiều khả năng Liên Xô sẽ tập kích vào dịp Quốc khánh năm nay. Vậy có tổ chức mít tinh mừng Quốc khánh nữa không?
Mao nói vẫn phải tổ chức mít tinh, nếu không chẳng khác gì bảo mọi người rằng mình sợ. Chu lo ngại, Mao cười:
- Liệu có thể cho nổ hai quả bom hạt nhân, hù doạ một chút chơi. Để họ cũng căng thẳng hai ngày, đợi họ hiểu rõ vấn đề thi ngày lễ của chúng ta cũng qua rồi.
Chu hỏi nên cho nổ vào ngày nào? Mao nói không thể sớm, cũng không thể muộn, vào 28, 29 là được.
Ngày 28 và 29-9-1969, Trung Quốc cho nổ thành công hai quả bom hạt nhân, các trung tâm đo đạc và vệ tinh của Mỹ và Liên Xô đều thu được tín hiệu hữu quan. Mọi lần Trung Quốc thử hạt nhân đều công bố tin tức, tổ chức chúc mừng, song lần này lặng im, khiến bên ngoài bàn tán, nói chung họ cho rằng hai cuộc thử hạt nhân này là một biện pháp trắc nghiệm trước khi lâm trận.
Sau đó, Mao ra lệnh cả nước đào hầm sâu, dự trữ lương thực ở khắp nơi, chuyển sang tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Ngày 28-9, Ban chấp hành trung ương ĐCSTQ kêu gọi chính quyền, nhân dân các tỉnh biên giới và quân đội đóng ở vùng biên cương kiên quyết hưởng ứng lời kêu gọi của Mao “nâng cao cảnh giác, bảo vệ tổ quốc, sẵn sàng đánh giặc”.
Biện pháp quan trọng thứ hai của Mỹ là: bằng tín hiệu rõ ràng nhất, cho Liên Xô thấy phản ứng của Mỹ trong tình hình Liên Xô phát động chiến tranh hạt nhân chống Trung Quốc. Nixon đã sử dụng con bài Mỹ dự trữ từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962: dùng mật mã đã bị Liên Xô giải mã, phát lệnh của Tổng thống cho quân Mỹ chuẩn bị mở cuộc tấn công hạt nhân vào 134 thành phố, căn cứ quân sự, đầu mối giao thông, cơ sở công nghiệp nặng của Liên Xô. Nhận được thông tin trên, lãnh đạo Liên Xô hỏi đại sứ quán Liên Xô tại Mỹ, đại sứ Dobrynin báo cáo:
“Tổng thống Nixon cho rằng lợi ích của Trung Quốc gắn chặt với lợi ích của Mỹ. Nếu Trung Quốc bị tấn công hạt nhân, Mỹ sẽ cho rằng chiến tranh thế giới 3 bắt đầu, và Mỹ sẽ tham chiến đầu tiên. Kissinger tiết lộ Tổng thống đã ký mật lệnh chuẩn bị trả đũa hạt nhân vào hơn 130 thành phố và căn cứ quân sự nước ta. Mỹ sẽ bắt đầu kế hoạch trả đũa khi quả tên lửa đạn đạo đầu tiên của ta rời bệ phóng”.
Phái điều hâu trong điện Kreml nghe vậy liền xẹp hơi. Nhờ Mỹ giúp đỡ, Trung Quốc đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng nhất.
Nixon là phần tử chống cộng nổi tiếng, đồng thời cũng là vị tổng thống Mỹ có đầu óc chiến lược nhất. Vào lúc quan hệ Trung-Xô xấu đi, Nixon bảo vệ Trung Quốc, là xuất phát từ lợi ích chiến lược của Mỹ. Ông ta biết rõ khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Mỹ“ của Mao Trạch Đông không thể tồn tại lâu dài, và ông ta chờ đợi Mao chìa cành ô liu…
Ngày 18-12-1970, gặp nhà báo Mỹ Edgar Snow, Mao tỏ ý hoan nghênh Nixon thăm Trung Quốc. Một thông báo ngắn đồng thời công bố tại Bắc Kinh và Washington ngày 15-7-1971 cho biết từ 9 đến 11-7, Kissinger đã đến Bắc Kinh hội đàm với Chu Ân Lai, hai bên thoả thuận tổng thống Mỹ sẽ sang thăm Trung Quốc vào thời điểm thích hợp trước tháng 5-1972.
11 giờ 27 phút ngày 21-2-1972, chiếc Air Force One chở Nixon và phái đoàn Mỹ hạ cánh xuống sân bay Bắc Kinh.
Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh, Cơ Bằng Phi, Kiều Quán Hoa ra đón, đưa về nhà khách Điếu Ngư Đài, từng là nơi ở của Hoàng đế Càn Long. Sau bữa tiệc trưa thịnh soạn, Chu Ân Lai nhận được điện thoại từ Trung Nam Hải: “Chủ tịch muốn tiếp ngài Tổng thống Nixon, mời Tiến sĩ Kissinger cùng dự”.
Khách đến, Mao đứng dậy chìa tay về phía Nixon. Nixon bước lên một bước chìa tay ra nắm lấy, rồi úp tiếp bàn tay trái lên. Mao cũng úp tiếp tay trái lên theo. Chủ khách nhìn nhau cười, bốn bàn tay ấp chặt vào nhau, lắc liên hồi. Mao nói:
- Tôi là người cộng sản số 1 trên thế giới, ngài là phần tử chống cộng số 1 trên thế giới, lịch sử đã đưa chúng ta đến bên nhau.
Cuộc hội kiến dự định 15 phút, thực tế đã kéo dài tới 65 phút.
Ngày 22-2, các tờ báo lớn ở khắp Trung Quốc đều dành nửa đầu trang nhất đăng ảnh lớn Mao tiếp Nixon, ảnh Chu Ân Lai đón Nixon tại sân bay, trong đó Nixon tươi cười chìa tay phải ra, bước tới phía Chu. Đến lúc này, 800 triệu dân Trung Quốc mới trấn tĩnh lại từ nỗi kinh hoàng bởi vụ Lâm Bưu. Đọc báo chí hôm đó, người ta cảm thấy niềm tự hào của Thiên triều đại quốc. Cường quốc hàng đầu thế giới không thừa nhận Trung Quốc đã 25 năm, nay Tổng thống của họ đến Bắc Kinh, như sang triều kiến vậy. Nhân dân Trung Quốc đã đứng lên rồi, tình cảm của dân chúng hôm ấy thật là mãnh liệt. Lâm Bưu là cái thá gì? Bỏ chạy cũng được, chết khi máy bay rơi cũng được, chẳng liên quan gì đến đại cục. Chúng ta có Mao Chủ tịch, có Chu Thủ tướng, có hai người này là nhân dân Trung Quốc có chỗ dựa rồi.
Thông qua chuyến thăm của Nixon, trên mức độ rất lớn, Mao đã khôn khéo khôi phục thanh danh cho mình. Một nhà nghiên cứu nhận xét sắc bén: Mao mời Nixon thăm Trung Quốc “phản ánh nhu cầu đối nội của ông ta”.
Trong, khi Nixon thăm thú Cố Cung, Trường Thành, Hàng Châu, Kiều Quán Hoa và Kissinger cân nhắc từng câu chữ cho bản thông cáo chung Trung-Mỹ. Vấn đề khó nhất là eo biển Đài Loan, lập trường hai bên đối lập gay gắt. Trung Quốc dứt khoát không nhượng bộ trong lập trường 3 điểm:
Chính phủ CHND Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc, giải phóng Đài Loan là công việc nội bộ của Trung Quốc, quân Mỹ phải rút khỏi Đài Loan. Lập trường cơ bản của Mỹ là không thể vừa bắt đầu quan hệ với Bắc Kinh đã bỏ rơi Đài Bắc.
Xoay đi, xoay lại vẫn vấp phải khái niệm phía Trung Quốc không thể đồng ý là hai nước Trung Hoa, hoặc một Trung Quốc một Đài Loan, hoặc một Trung Quốc hai chính phủ. Cuối tùng, Kissinger đã tìm được cách giải quyết khó khăn này. Kissinger nói với Chu đã quyết định diễn đạt quan điểm của Mỹ bằng phương thức khác:
“Phía Mỹ tuyên bố: Mỹ nhận thức rằng tất cả những người Trung Quốc ở hai bờ eo biển Đài Loan đều cho rằng chì có một nước Trung Hoa, Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc, Chính phủ Mỹ không có ý kiến khác về lập trường trên. Mỹ khẳng định mối quan tâm của mình đối với việc người Trung Quốc giải quyết hoà bình vấn đề Đài Loan. Tính tới triển vọng đó, Mỹ xác nhận mục tiêu cuối cùng rút toàn bộ lực lượng vũ trang cùng các công trình quân sự của Mỹ khỏi Đài Loan. Trong thời gian này, song song với tình hình căng thẳng trong khu vực dịu đi, Mỹ sẽ từng bước giảm lực lượng vũ trang và các công trình quân sự của mình ở Đài Loan”.
Chu Ân Lai đọc lại, cân nhắc từng chừ, vẻ mặt tươi cười:
- Tiến sĩ rốt cuộc là tiến sĩ, đây quả là một phát minh thần bí!
Bế tắc được khai thông. Ngày 28-2, hai bên công bố Thông cáo chung Trung-Mỹ (Thông cáo Thượng Hải). Cùng ngày, Nixon rời Trung Quốc.
Nhìn bề ngoài, Tổng thống Mỹ thăm Trung Quốc giống như Quốc vương phiên bang triều kiến Hoàng đế Thiên triều, thoả mãn tối đa tâm lý tự tôn và hư vinh của người Trung Quốc. Trên thực tế, trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, chiêu này là bước quyết định Mỹ đánh bại Liên Xô, làm tan rã phe xã hội chủ nghĩa; bắt đầu thực thi diễn biến hoà bình chống Trung Quốc. Nixon ảnh hưởng tới hướng đi của lịch sử thế giới nửa cuối thế kỷ 20: Liên Xô tan rã. Đông Âu biến động dữ dội, Trung Quốc cải cách mở cửa, nước Mỹ trở thành con dê đầu đàn lãnh đạo thế giới. Nếu dùng biện pháp quân sự để đạt mục tiêu chiến lược này, Mỹ phải sẵn sàng hy sinh một triệu người, mà chưa chắc đã thực hiện nổi.
Nixon tràn đầy niềm tin vào mục tiêu mà ông ta theo đuổi, có thể thấy rõ điều này qua cuốn sách cuối đời của ông ta: “Năm 1999 không đánh mà thắng”.