Chương 24
Giương ngọn cờ chống đảo chính để làm đảo chính

Tháng 4-1966, Mao yêu cầu họp Bộ Chính trị mở rộng để giải quyết vấn đề Bành Chân, Lục Định Nhất, La Thuỵ Khanh, Dương Thượng Côn, những người tham dự đều có quyền biểu quyết. Mao muốn đưa các nhân vật cánh “tả” Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Lực, Quan Phong, Thạch Bản Vũ đến hội nghị đế thị uy. Lưu Thiếu Kỳ nhấn mạnh biến động nhân sự quan trọng trong Đảng phải được Hội nghị toàn thể Ban chấp hành trung ương thông qua. Họp Ban chấp hành trung ương, chưa chắc Mao được đa số ủng hộ.
Mao nhận ra điều này, nên kiên quyết không họp Trung ương, không cho những người phụ trách các Trung ương cục, các tỉnh và thành phố trực thuộc đến dự, Mao nắm chặt quân đội, quyết tâm dùng “súng chỉ huy đảng” khi cần thiết để cứu vãn tình thế. Nắm quân đội chủ yếu là lôi kéo Lâm Bưu, thiết lập liên minh Mao-Lâm, để áp đảo Thường vụ Bộ Chính trị, Bộ Chính trị và Ban chấp hành trung ương. Nhưng Mao cũng đề phòng Lâm Bưu, nên không sử dụng bộ đội thân tín của Lâm. Nước cờ then chốt nhất là Mao nắm Quyền Tổng tham mưu trưởng Dương Thành Vũ. Trong những năm tháng chiến tranh, Lâm và Dương từng có bất đồng. Quân đoàn 63 và Quân đoán 65 là bộ đội Hoa Bắc mà Dương từng chỉ huy. Dương bị cuốn hút bởi niềm hy vọng thay thế toàn diện La Thuỵ Khanh, đứng vào hàng ngũ những người lãnh đạo quan trọng của Đảng, Chính phủ và Quân đội, lúc đó ông ta tuyệt đối trung thành với Mao. Ngày 22-2-1966, Mao chỉ thị cho Diệp Kiếm Anh và Dương Thành Vũ sáp nhập Cảnh sát vũ trang vào Quân đội bởi La Thuỵ Khanh từng nhiều năm làm Tư lệnh kiêm Chính uỷ lực lượng này. Ngày 15-5, Mao quyết định thành lập Tổ công tác Thủ đô, gồm Tổ trưởng Diệp Kiếm Anh. Hai Tổ phó Dương Thành Vũ, Tạ Phú Trị và 8 thành viên khác, trong đó Dương Thành Vũ giữ vai trò quyết định. Dương giới thiệu Đinh Lai Phu và Vương Thọ Nhân, Chính uỷ và Tham mưu trưởng Quân đoàn 63, làm Bí thư thứ nhất Đảng uỷ và Phó Cục trưởng Cục phát thanh, kiến nghị đưa hai sư đoàn thuộc các Quân đoàn 63 và 65 từ Thạch Gia Trang và Trương Gia Khẩu vào Bắc Kinh làm nhiệm vụ cảnh vệ, đều được Mao phê chuẩn. Dựa vào ưu thể vũ lực, Mao đã áp đảo đa số trong Thường vụ Bộ Chính trị, đánh bại ý đồ triệu tập Hội nghị Trung ương của Lưu Thiếu Kỳ:
Ngày 4-5-1966, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng họp tại Bắc Kinh, các thành viên Tổ Cách mạng văn hoá trung ương đều tham gia. Mao chỉ định hội nghị do Lưu Thiếu Kỳ chủ trì, nhưng lại do Khang Sinh giữ vai trò liên lạc với Mao để chì đạo như vậy Lưu chỉ còn là người giới thiệu chương trình. Hai ngày đầu, Khang Sinh truyền đạt những ý kiến của Mao từ tháng 9-1962 tới tháng 3-1966, chủ yếu là phê phán Bành Chân, Lục Định Nhất, giao nhiệm vụ ủng hộ phái tả, tiến hành Đại cách mạng văn hoá. Xuyên suốt nội dung truyền đạt là Trung ương đã xuất hiện chủ nghĩa xét lại, như Bành Chân, La Thuỵ Khanh, Dương Hiến Trân, Dương Thượng Côn, Điền Gia Anh. “Thông tri của Ban chấp hành trung ương ĐCSTQ” mà hội nghị này cần thông qua nhấn mạnh phải triệt để phê phán tư tưởng tư sản phản động trong giới học thuật, giáo dục, báo chí, văn nghệ, xuất bản, giành lại quyền lãnh đạo trong lĩnh vực văn hoá, đồng thời phê phán các đại diện của giai cấp tư sản len lỏi trong đảng, chính phủ, quân đội và lĩnh vực văn hoá, trong đó có kẻ đã được bồi dưỡng thành người thừa kế kiểu Khrusev… Trong phát biểu ngày 18-5-1966, Lâm Bưu điểm lại các cuộc đảo chính từ thời thượng cổ đến nay, và nói Mao đã nhiều lần cùng người phụ trách hữu quan bàn việc đề phòng đảo chính quân sự. Lâm nói La Thuỵ Khanh nắm quân đội, Bành Chân nắm rất nhiều thứ, Lục Định Nhất nắm văn hoá, tư tưởng, Dương Thượng Côn nắm cơ yếu, tình báo, liên lạc, họ liên minh với nhau, có thể làm đảo chính trên chiến trường cũng như trong phòng họp, do đó về tư tưởng không thể tê liệt, trong hành động phải có biện pháp cụ thể. Lâm đề cao Mao Trạch Đông, coi Mao là “thiên tài vĩ đại nhất của giai cấp vô sản”, vượt trên Mác, Ăng-ghen, Lênin, Stalin.
Xin nhắc lại một sự kiện liên quan đến nội dung phát biểu trên của Lâm Bưu là “vụ Watergate” kiểu Trung Quốc diễn ra đầu thấp kỷ 60. Tháng 2-1961, Mao tuần du phương Nam, chuyên xa dừng tại ga Trường Sa. Trong lúc Mao gặp Bí thư thứ nhất Tỉnh uỷ Hồ Nam Trương Bình Hoá, các nhân viên đi dạo trên sân ga, một nhân viên vô tuyến điện hứng lên, nói với cô gái xinh đẹp phục vụ Mao:
- Anh đã nghe thấy tiếng em trong buồng ngủ Mao Chủ tịch.
Cô gái tái mặt, vào báo cáo:
- Có người đặt máy nghe trộm trong buồng ngủ!
Mao bảo Trương Bình Hoá về, rồi gọi ngay La Thuỵ Khanh và Dương Thượng Côn có mặt trong chuyến đi này đến hỏi:
- Ai bảo các ông đặt máy nghe trên xe lứa?
La, Dương nhìn nhau, đành nói thật:
- Từ Đại tiến vọt đến nay, Chủ tịch thường tiếp một số đồng chí trên xe lửa, phát triển nhiều ý kiến, thư ký ghi chép không đầy đủ, bỏ sót nhiều chỉ thị quan trọng. Để bám sát tư tưởng của Chủ tịch, Ban Bí thư quyết định đặt máy nghe trên xe lửa…
Khả năng tự kiềm chế của Mao thật ghê gớm. Biết rõ đây là lúc quyền thống trị của mình suy yếu nhất, không thể làm căng, nhưng phải hiểu rõ tình hình, Mao bình thản nói:
- Các ông cũng tốn nhiều công sức, tôi không trách. Thiết bị có phải do Anh Cả cung cấp không?
Dương Thượng Côn đáp:
- Thưa, lấy danh nghĩa Văn phòng Trung ương, thông qua con đường hữu quan, nhập từ nước ngoài.
Mao nói:
- Thế thì tiên tiến lắm. Lắp đặt từ bao giờ vậy?
- Dạ, từ tháng 1-1959 ạ.
Mao lại giật thót mình, nhưng giọng vẫn ôn hoà:
- Ồ, đã hơn hai năm rồi dấy. Các ông giữ bí mật khá lắm. Số nhân viên công tác của tôi có biết không?
La Thuỵ Khanh:
- Các thư ký đều biết, nhưng yêu cầu họ giữ kín.
Mao cười lớn:
- Mọi người đấu biết, thì còn bí mật gì nữa, cũng không phải là một âm mưu. - Rồi Mao hờ hững hỏi - Vậy là các đồng chí Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình đều biết trước việc này?
Dương Thượng Côn:
- Hai đồng chí ấy tán thành. Ban bí thư có một nghị quyết nội bộ về vấn đề trên.
- Còn Chu Ân Lai, Uông Đông Hưng?
Dương Thượng Côn:
- Thủ tướng biết, còn chỉ thị: đã xuất phát từ lợi ích toàn đảng, thì phải làm sao để không có chuyện hiểu lầm. Đồng chí Uông Đông Hưng bảo lưu, nhưng qua Ban bí thư giải thích, đồng chí ấy phục tùng nghị quyết của Trung ương.
Mao cười:
- Chu vẫn suy nghĩ chu toàn. Giờ tôi không hiểu lầm nữa, những nghi ngờ cũ xoá sạch rồi, được không?
Cuộc nói chuyện kết thúc. Dương Thượng Côn lạnh toát mồ hôi, vội gọi điện thoại cho Lưu Thiếu Kỳ. Lưu bay ngay xuống Quảng Châu, đón gặp Mao tại đó. Ông trình Mao nghị quyết của Ban Bí thư tháng 12-1958 về việc đặt máy ghi âm tại buồng ngủ của Mao trên xe lửa, và giải thích việc này chỉ nhằm bám sát, học tập chỉ thị của Mao, không có ý gì khác.
Lưu đề nghị trao cho Uông Đông Hưng kiểm tra, tiêu huỷ toàn bộ số băng ghi âm cùng các bản chỉnh lý lưu trữ tại phòng bảo mật Văn phòng Trung ương. Lưu nói tuy đây là chủ kiến của Ban Bí thư, nhưng Lưu đã tán thành cho làm, nên ông xin lỗi Mao, và sẵn sàng chịu kỷ luật. Mao giấu kín những suy nghĩ riêng, làm bộ tươi cười:
- Các ông rõ là tốt bụng mà làm một việc không hay lắm. Sự việc đã nói rõ, coi như kết thúc. Ông yên tâm đi, việc này làm theo ý ông. Từ nay trong Đảng không ai được nhắc lại, tôi cũng không đề nghị Trung ương thi hành kỷ luật bất cứ ai. Việc quan trọng nhất hiện nay là toàn Đảng đoàn kết, một lòng một dạ, ổn định lòng đảng, lòng quân, cùng nhau vượt qua khó khăn…
Từ đó, Mao không tin cậy Lưu Thiếu Kỳ và Ban Bí thư nữa, nó là bước ngoặt khiến quan hệ Mao-Lưu trở nên thù địch.
Thông tri của Trung ương ĐCSTQ ngày 16 và phát biểu của Lâm Bưu ngày 18-5-1966 đã đặt cơ sở cho Đại cách mạng văn hoá với mục tiêu đánh đổ Lưu Thiếu Kỳ. Bỏ qua hiến pháp và Quốc hội, dùng phong trào quần chúng được quân đội ủng hộ để phế truất nguyên thủ quốc gia, bản thân nó là một cuộc đảo chính. Mao và Lâm đã trương lá cờ chống đảo chính để làm đảo chính.
Phát biểu của Lâm Bưu như một quả bom nguyên tử chính trị, tăng cường quyền uy của Mao tới mức tối đa, đẩy Mao lên vị trí chí tôn, giúp Mao hoàn toàn thoát khỏi tình thế lúng túng, bị động từ Đại hội 7.000 người. Không còn ai dám nghĩ đến việc truy cứu trách nhiệm làm mấy chục triệu người chết đói. Trong tiềm thức, đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng cảm thấy chỉ có tín ngưỡng vô hạn, sùng bái vô hạn Mao Trạch Đông, thì mới có an toàn chính trị cho bản thân và gia đình. Một cao trào sùng bái cá nhân mang tính chất toàn dân vừa bị ép buộc, vừa tự nguyện, như một dòng thác lũ tràn ngập nước Trung Hoa.
Mao rất hài lòng về bài nói của Lâm. Song ngày 8-7-1966, Mao lại viết thư cho Giang Thanh phàn nàn việc Lâm chỉ nói về đảo chính, Mao cũng tỏ ra lo ngại trước một số cách nêu vấn đề của Lâm, nhưng đành chấp nhận, và đây là lần đầu tiên trong đời, Mao phái tán thành ý kiến tâng bốc của người khác, trái với lòng mình. Là người giỏi ứng biến, đương nhiên Mao biết Lâm tâng bốc ông ta như vậy nhằm đổi lấy vị trí người kế tục đổi lấy “giang sơn xã tắc” của Mao. Sự tâng bốc này có hiệu quả nếu dùng làm một sách lược, một thủ đoạn để tấn công Lưu Thiếu Kỳ, nhưng để đánh giá một nhân vật lịch sử thì không thể lâu dài. Mao còn cho Chu Ân Lai xem thư trên nhằm cho thấy giữa Mao và Lâm có khoảng cách, Thủ tướng đừng quá gần gụi Lâm. Chu Ân Lai hiểu ngay rằng: vào lúc Mao “chúng phản, thân ly” chỉ còn mỗi Lâm Bưu là “bạn chiến đấu thân thiết”, lại có một chiến hữu “thân thiết“ hơn Lâm, là Giang Thanh. Chu một mặt lẳng lặng giữ khoảng cách thích đáng với Lâm Bưu, mặt khác, bằng mọi cách giữ quan hệ bình thường với Giang Thanh, tuyệt đối không va chạm, nhưng cũng quyết không cho phép mụ trở thành Lã Hậu. kiên quyết ngăn chặn mưu toan của Mao truyền ngôi cho người nhà. Đó là nguồn gốc của cục diện chính trị rối ren phức tạp, kỳ quặc xuất hiện trong cuộc đấu tranh nội bộ ĐCSTQ những năm cuối đời Mao.
Ngày 4-10-1966, trong buồng ngủ cách âm của vợ chồng Lâm Bưu, Giang Thanh đột nhiên hỏi Diệp Quần: “Cô nói xem, Đại cách mạng văn hoá là gì?” Diệp Quần sững người, chưa biết trả lời ra sao, Giang Thanh nghiến răng nói tiếp: “… là đánh đổ hết kẻ thù của ta!” Hai người thoả thuận: Giang Thanh giúp trừng trị những kẻ thù của Diệp Quần, đổi lại, Diệp Quần giúp đánh đổ những kẻ thù của Giang Thanh. Hành động của hai người đàn bà trong những năm tháng tiếp theo là sự chú giải tuyệt vời cho lý luận của hai người chồng họ.