Chương 23
La Thuỵ Khanh chơi với hổ, bị hổ vồ

Ngày 3-1-1965, tại Quốc hội Trung Quốc khoá 3, Lưu Thiếu Kỳ lại được bầu làm Chủ tịch nước. Khi ấy tuy đã quyết tâm lật đổ Lưu, nhưng Mao không cản trở Lưu tái cử, bởi ông ta thấy mình đang ở vào thiểu số trong Đảng, chưa lật nổi đối thủ. Mao đang tìm kiếm lực lượng mới, phương thức đấu tranh mới.
Theo hiến pháp, Chủ tịch nước đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Trong danh sách Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng khoá này do Lưu đề nghị có thêm Tổng Tham mưu trường La Thuỵ Khanh. Tuy đây chỉ là chức vụ danh dự, không có thực quyền, nhưng sự đề bạt này có nghĩa là La đã đứng vào hàng ngũ các nguyên soái. Về sau trong một lần phát biểu công khai, Lưu nói La Thuỵ Khanh sẽ kế tục chức Bộ trưởng Quốc phòng, khiến Mao và Lâm Bưu cảnh giác.
Ngày 22-4, Lâm Bưu một mình triệu kiến Mao Trạch Đông, tố cáo Lưu Thiếu Kỳ đang nắm quân quyền, đã lôi kéo được La Thuỵ Khanh. Hai người bàn bạc quyết định cử thêm Dương Thành Vũ làm Phó Bí thư trưởng Quân uỷ Trung ương, kiêm Phó Tổng tham mưu trưởng thứ nhất, có thể trực tiếp báo cáo thỉnh thị Trung ương, trực tiếp liên hệ với các Đại quân khu, các quân binh chủng. Sự phân quyền này là bước thứ nhất Mao, Lâm không tin cậy La Thuỵ Khanh.
Tháng 5, La Thuỵ Khanh chủ trì hội nghị tác chiến tại Bắc Kinh. Những người dự hội nghị hy vọng được Mao tiếp, nhưng Mao đang ở miền Nam. La kiến nghị các uỷ viên Thường vụ Bộ chính trị có mặt tại Bắc Kinh tiếp, Lâm Bưu đồng ý. Buổi tiếp diễn ra vào 19-5, do Lưu Thiếu Kỳ chủ trì, nghe 3 Tổ trưởng báo cáo, đương nhiên các báo cáo đều do La thẩm định. Lâm Bưu lúc đầu nói không thể đến dự vì lý do sức khỏe, nhưng rồi ông ta lại đột nhiên có mặt, và khi buổi tiếp sắp kết thúc, lại đột ngột đứng dậy nói một thôi dài, bác bỏ ý kiến của ba vị tổ trưởng kia. Cuối tháng 5, những người tham gia hội nghị yêu cầu Tổng tham mưu trưởng phát biểu tổng kết. Lâm Bưu nói đề nghị này không thoả đáng, vì “hội nghị tác chiến chỉ có thể lấy ý kiến của Chủ tịch, các uỷ viên Thường vụ Bộ chính trị và văn kiện hội nghị làm kết luận, không cho phép bất cứ ai phát biểu dưới danh nghĩa tổng kết”. La Thuỵ Khanh hiểu đây là bước thứ hai nghiêm trọng hơn của Lâm Bưu: công khai hạ thấp vai trò Tổng tham mưu trưởng.
Vui mừng được Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, Hạ Long và các nhà lãnh đạo khác trong Quân uỷ Trung ương tin cậy, La Thuỵ Khanh không nhận ra mối nguy hiểm đang bao bọc quanh mình. Diệp Quần vẫn đang thu thập những tài liệu chống La, nhất là từ phía Hải quân.
Tối 26-11-1965, Giang Thanh gặp La Thuỵ Khanh, yêu cầu giúp Giang tổ chức cuộc toạ đàm về tình hình văn nghệ trong quân đội, cấp cho Giang quân phục, và cho đăng lại bài của Diêu Văn Nguyên phê “Hải Thuỵ bãi quan”, nhưng ông chỉ đáp ứng yêu cầu thứ 3, khiến Giang rất tức giận, về kể lại với chồng. Qua việc La không cấp quân phục cho Giang Thanh vì bà ta không có quân tịch, Mao càng thấy ông là người có tính nguyên tắc rất mạnh, vốn là phẩm chất ưu tú của người cộng sản. Nhưng trong cuộc đấu tranh với Lưu Thiếu Kỳ, Mao không cần những người quân tử ngay thắng, mà cần những kẻ láu lỉnh lựa gió chèo thuyền. Trong cuộc đấu tranh lớn sắp tới, không thể lôi kéo nổi một người ngay thẳng như thế ủng hộ mình, mà nếu quân đội chia rẽ, Lâm Bưu một phái, La Thuỵ Khanh một phái, có thể làm hỏng toàn cục bố trí chiến lược của Mao. Thế là Mao quyết định hy sinh người vệ sĩ một dạ trung thành này.
Ngày 30-11, Diệp Quần bí mật đáp máy bay riêng từ Tô Châu tới Hàng Châu xin gặp Mao Trạch Đông, lúc đó đang ở biệt thự Uông Trang. 5 giờ sáng 1-12, Mao cho gọi Diệp vào gặp gấp Mao xem thư Lâm Bưu, nhận các tài liệu do Diệp chuyển, rồi nghe bà ta báo cáo trong 5 giờ liền. Nội dung và tình tiết cụ thể cuộc gặp gỡ này mãi mãi là một bí mật, bởi chỉ có hai người bên nhau suốt 5 giờ đó. Rồi Mao bảo Diệp không nên nấn ná ở lại Hàng Châu. Ông ta cừ Uông Đông Hưng dùng đoàn xe lửa riêng của mình đưa Diệp trở lại Tô Châu, và đón Lâm Bưu đến.
Cuộc hội kiến Mao-Lâm đêm 1-12 mang đậm sắc thái một âm mưu. Mao muốn lật đổ Lưu Thiếu Kỳ và Bành Chân, dặn Lâm Bưu “nắm chắc quyền chỉ huy quân đội, không để rơi vào tay kẻ khác, phải đảm bảo cuộc đấu tranh trong lĩnh vực tư tưởng văn hoá diễn ra bình thường”. Lâm Bưu thúc giục Mao lật đổ La Thuỵ Khanh:
- Không giải quyết vấn đề La Thuỵ Khanh, quân đội có thể sẽ chia rẽ. Tôi không thể đảm bảo người này biết nghe lời.
Mao khen Lâm tiến bộ, hy vọng Lâm “một lần nữa đọc báo cáo như tại Đại hội 7.000 người, nói rõ sự cần thiết phải phát động Đại cách mạng văn hoá”.
Từ 8 đến 15-12-1965, Hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị mở rộng họp tại Thượng Hải. Ngoài 7 uỷ viên Thường vụ Bộ chính trị, các uỷ viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư, tổng cộng 38 người có mặt. Một số người phụ trách cơ quan hữu quan ở trung ương và tướng lĩnh cao cấp dự thính. Mao bảo Lâm Bưu chủ trì Hội nghị.
Điều bất ngờ là Diệp Quần đăng đàn tố cáo La Thuỵ Khanh âm mưu cướp quyền lãnh đạo quân đội, ép Lâm Bưu nhường ghế bộ trưởng. Diệp đã bước lên vũ đài chính trị, khởi đầu bằng việc vu cáo, hãm hại La.
Hội nghị ra quyết định tước hết các chức vụ của La Thuỵ Khanh: Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng, Tổng tham mưu trưởng. Khi Thường vụ Bộ chính trị biểu quyết, Lưu Thiếu Kỳ, Trần Vân, Đặng Tiểu Bình bỏ phiếu chống. Khi Bộ Chính trị biểu quyết, Bành Chân, Lưu Bá Thừa bỏ phiếu chống, Lưu Thiếu Kỳ, Trần Vân, Đặng Tiểu Bình, Hạ Long, Lục Định Nhất, Lý Phú Xuân, Đàm Chấn Lâm bỏ phiếu trắng.
Là “bị cáo”, nhưng La Thuỵ Khanh không được có mặt tại Hội nghị và bào chữa cho mình. Đang đi kiểm tra biên giới Tây Nam thì nhận được thông tri hội nghị họp, La cùng vợ đáp máy bay về đến Thượng Hải liền bị giam lỏng ngay. La nổi giận đùng đùng, lòng đầy căm phẫn, xin gặp Mao không được, xin gặp Lâm Bưu không xong. Ngày 17-12-1965. La về đến Bắc Kinh, đóng cửa suy nghĩ. Từ 4-3-1966, Quân uỷ Trung ương lập Tổ chuyên án thẩm tra, phê đấu La Thuỵ Khanh. Ngày 18, La tức quá nhảy lầu tự sát, nhưng chỉ bị gãy chân.