Chương 23

Từ sau ngày gặp Sơn Nữ rồi cùng Sơn Nữ sớm hôm bên Vua cha lo thuốc thang cho Người, vị Vua trẻ không sao xua đuổi được hình ảnh người thiếu nữ thông minh, giỏi dang ra khỏi tâm tưởng. Ngay cả khi bên cạnh Hoàng hậu, hình bóng Sơn Nữ vẫn hiện lên trong Ngài. Tuy Ngài và Hoàng hậu không "đồng sàng dị mộng" nhưng Ngài cảm thấy Sơn Nữ mới là tri âm tương giao, tương thức.
Việc lớn Ngài trù liệu đã xong. Phải gặp Sơn Nữ để bộc bạch tâm tư, ý nghĩ ấy vụt lên trong lòng nhà Vua trẻ. Chợt Ngài nghĩ, Sơn Nữ được Vua cha rất yêu quý. Bởi thế, Ngài không thể không thưa với Vua cha trước khi Ngài dãi bày sự lòng với người trong mộng.
Ngài bèn vào yết bái Vua cha. Dẫu đã trao ấn nhưng những việc trọng đại vẫn canh cánh trong lòng nên con vừa vào Vua cha hỏi ngay:
- Tâm nguyện của Hoàng Kiến Nghiệp cũng là tâm nguyện của ta. Hoàng nhi đã hứa với ta sẽ làm việc ấy. Vậy Hoàng nhi định bao giờ khởi sự?
- Tâu Vua cha, Hoàng nhi đã bàn với bà Thục Trâm. Bà ấy đã trù liệu chu đáo. Tuy vậy, vâng lời Vua cha, Hoàng nhi đã tham bác sự sáng suốt của Phạm Vũ Long. Thật là phúc, Phạm Vũ Long đã dâng một ý rất hay khiến phương lược hành sự rất vẹn toàn.
- Phạm Vũ Long có kế gì mà Hoàng nhi cho là rất hay?
- Tâu Vua cha, Phạm Vũ Long nói những điều bà Thục Trâm trình lên là đúng, cách thức tiến hành gọn và kín. Tuy vậy, khi những gì cần có đã có, Hoàng nhi phải xuống chiếu buộc các quan từ thất phẩm trở lên làm tờ tự bạch. Tờ đó phải nói rõ từ khi nhậm chức đã làm được những gì cho dân, thi hành phép nước thế nào, có được dân tin hay không, tài sản có bao nhiêu. Có những bản tự bạch, Hoàng nhi biết được bụng dạ các quan…
- Ta đã hiểu mẹo của Phạm Vũ Long. Mẹo đó làm cho các vị quan thanh liêm, ngay thẳng phấn chấn, những viên quan tham lam, gian giảo hoang mang. Lúc ấy, Hoàng nhi dùng ai bỏ ai không phải băn khoăn. Vậy Hoàng nhi sắp ra tay rồi chứ?
- Tâu Vua cha, chưa ra tay được.
- Vì sao?
- Thưa, phải chờ vài năm nữa cho quốc khố vượng lại đã.
- Nếu thế, Hoàng nhi phải lưu ý đến chị em bà Thục Trâm để giữ kín việc sẽ làm và tránh điều nguy hại có thể xảy ra với chị em bà ấy.
- Hoàng nhi xin làm đúng ý của Vua cha.
- Còn vụ Đỗ Hối thế nào?
- Thưa, mọi việc đã hoàn tất. Bộ Hình sắp mở đại tòa ạ.
- Phải xử cho nghiêm để cảnh cáo những kẻ định nhờn với phép nước.
Thấy Vua cha có vẻ hài lòng với những điều mình tâu trình, vị Vua trẻ mới bộc bạch chủ ý của Ngài:
- Tâu Vua cha, Hoàng nhi có một việc xin thưa với Người.
- Có việc gì cứ nói.
- Thưa, đó là việc liên quan đến Sơn Nữ.
- Sơn Nữ sao?
Nhà Vua trẻ lúng tíng không biết nói thế nào nên cứ ngây ra. Hiểu ý con,  Vua cha bèn hỏi:
- Phải chăng Hoàng nhi có lòng với Sơn Nữ?
- Thưa, thưa…. Đúng thế ạ.
Vua cha cân nhắc rất lâu rồi mới hỏi:
- Hoàng nhi dãi bày với Sơn Nữ chưa?
- Tâu Vua cha, chưa.
- Thế thì tốt. Việc này hệ trọng lắm. Hoàng nhi cũng đã biết, sau khi khỏi bệnh, ta ban cho Sơn Nữ coi hậu viên để bù đắp cho Sơn Nữ. Nhưng Sơn Nữ không nhận mà lại xin được về hầu hạ nghĩa mẫu và bà. Ta định sắp tới cho Sơn Nữ về Bắc Lâm vì ta khỏe hẳn rồi. Ta cũng không thể là kẻ ích kỷ được. Người ta là gái, còn chuyện riêng tư của người ta. Nay Hoàng Nhi có ý, nhưng Sơn Nữ lại là cháu yêu của bà Thục Trâm. Vai trò của bà Thục Trâm và em trai bà ấy trong ván cờ lớn sắp tới như thế nào, Hoàng nhi đã rõ. Sơ xuất một chút là đụng tới đại sự. Để ta ướm thử xem sao.
Nhà Vua trẻ vái lạy Vua cha, buồn rầu trở gót.
Bà Thục Trâm cồn cào mong cháu đến mà không thấy Sơn Nữ đến. Bỗng Vua cha vời. Đã từ lâu, bà chỉ được có vị Vua trẻ truyền bà vào cung còn Vua cha thì không. Nay bỗng Người gọi, vậy có việc gì mà Vua cha lại gọi? Bà vội vàng vào cung. Vua cha cho miễn lễ và nói:
- Ta có việc vui mừng muốn bàn với khanh đây.
Nghe Vua cha nói, bà hiểu là việc gì ròi. Là người khôn ngoan, bà hỏi khác đi mà lại bộc lộ được điều mong muốn.
- Tâu Hoàng thượng, chắc là việc Người cho bà cháu dân phụ về Bắc Lâm.
- Về Bắc Lâm mà cũng đáng mừng sao?
- Bẩm, về Bắc Lâm lại không mừng sao được? Bắc Lâm ngày nay đã là quê của dân phụ. Mồ hôi và vui buồn của dân phụ đã thấm sâu mảnh đất ấy. ở đó có nghĩa nữ của dân phụ, có những người dân nghèo một nắng hai sương mà ấm áp tình làng nghĩa xóm. Bao nhiêu người Bắc Lâm đêm ngày mong dân phụ. Bởi lúc họ ốm đau có dân may ra họ thoát khỏi bệnh tật.
- Hóa ra khanh đã nặng tình với rừng núi Bắc Lâm. Thế nhưng việc trở về Bắc Lâm của khanh bây giờ do Hoàng thượng quyết. Ông già này không giúp được gì cho khanh nữa.
Bà Thục Trâm thấy Vua cha thật khôn khéo. Ngài nói vậy có nghĩa là việc lớn chưa khởi sự, bà đừng xin Ngài trở về Bắc Lâm. Nếu bà có xin thì xin Hoàng thượng. Đương nhiên là Hoàng thượng không cho khi những thỏi bạc chưa có hình quốc ấn. Nhưng bà sẽ có cách… Không bao lâu nữa, bà cháu bà sẽ về Bắc Lâm. Còn việc hiện lại, dù biết rồi bà vẫn hỏi:
- Tâu Vua cha, vậy việc vui mừng Người nói là việc gì ạ?
- Khanh rất thông minh. Vậy mà việc này khanh lại không nghĩ ra. Truyền Sơn Nữ.
- Bà Thục Trâm giật mình. Sơn Nữ chưa biết mẹo của bà. Sơn Nữ tới mà lại không biết việc bà đã sắp đặt, không khéo lời của hai bà cháu vênh nhau thì chết. Phải nói thế nào ngầm báo cho Sơn Nữ? Bà căng đầu suy nghĩ…
Vào tới điện Vĩnh Thọ, Sơn Nữ quỳ chúc Vua cha. Ngài cho bình thân. Nàng quay sang vái bà. Vua cha cười:
- Hoàng thượng chọn ngươi làm phi. Ngươi vui chứ?
Bà Thục Trâm càng lo. Cháu bà sẽ nói sao đây? Còn Sơn Nữ, nàng suy nghĩ rồi mới đáp:
- Tâu Vua cha, việc này hệ trọng lắm. Nghĩa mẫu của dân nữ không có ở đây. Nhưng cũng may là có bà của dân nữ. Vậy ý của bà dân nữ thế nào thì ý của dân nữ cũng thế.
Nghe cháu nói, bà Thục Trâm như trút đi được một gánh nặng. Bà thầm khen Sơn Nữ sáng trí. Vua cha cũng nhận thấy Sơn Nữ giữ đạo trên dưới phân minh. Ngài quay sang bà Thục Trâm:
- Cháu yêu của khanh đã nói vậy, hẳn khanh mừng lòng chứ?
- Tâu Thượng Hoàng, Sơn Nữ là kẻ nghèo hèn được Hoàng thượng ngó tới, lại được Thượng Hoàng cho phép thật phúc lớn cho cháu gái dân phụ.
Sơn Nữ choáng váng trước câu nói của bà. Bởi nàng biết bà rất vui khi nàng khước từ việc coi hậu viên  mà Vua cha ban cho. Đối với cung cấm, bà của nàng coi đó là ngục tối. Ai vô phúc mới phải vào cung. Con gái vào cung có khác nào vào nhà mồ. Bao nhiêu mĩ nữ ghen ghét nhau vì một người đàn ông cũng đủ chết. Vậy tại sao bà lại nói là phúc. Bà thay đổi rồi chăng? Có phải cuộc sống kinh thành đã làm cho bà thay đổi. Nếu đúng như vậy thì hương phấn phù hoa đúng là cải bả rồi, "bần tiện bất năng di" bà đã dậy mình còn có nghĩa gì? Còn mình, mình chẳng lẽ lại cam tâm chui vào nhà mồ?
Bao nhiêu câu hỏi cứ nhảy múa trong đầu Sơn Nữ. Nàng chưa tìm được câu trả lời. Tiếng Vua cha lại vui vẻ cất lên:
- Ta biết việc đại phúc này rất đẹp lòng khanh. Ngày mai, Hoàng thượng sẽ truyền Bộ Lễ lo liệu. Rồi Hoàng thượng sẽ định ngày….
- Đội ơn Vua cha, đúng là Hoàng thượng ban cho Sơn Nữ đại ân. Nhưng phúc của cháu gái dân phụ mỏng lắm.
Vua cha không tin vào tai Ngài nữa. Ngài hỏi ngay:
- Khanh vừa nói gì?
- Tâu Vua cha, phúc của Sơn Nữ mỏng lắm. Cháu nó đã có hôn phu.
- Người đó là ai?
- Tâu Vua cha, đó là cháu trai ông tiều ở gần nhà dân phụ.
Sắc diện Vua cha từ vui chuyển dần sang buồn. Ngài nói:
- Một lời đã ước là vàng đá rồi. Nào ngờ Hoàng thượng không có duyên với cháu gái của khanh.
- Đội ơn Vua cha.
Sơn Nữ mừng khôn xiết. Bà Thục Trâm vái chào Vua cha lui gót. Còn Vua cha, Ngài ngẫm nghĩ: Phải nói với con thế nào cho khéo đây?
Nhà Vua biết ngày giờ Thượng Hoàng triệu bà Thục Trâm vào điện. Ngài bồn chồn chờ đợi. Bà Thục Trâm vừa cáo biệt Vua cha, Hoàng thượng đã vào gặp Thượng Hoàng. Không để con phải hỏi, Vua cha đã nói:
- Việc của Hoàng nhi ta đã nói với bà Thục Trâm và Sơn Nữ.
Vua cha không nói gì thêm. Nét mặt của Ngài rất tự nhiên khiến nhà Vua không đoán được Vua cha vui hay buồn. Là người thông minh nên nhà Vua biết chuyện vui chưa đến. Nhà Vua cứ đi đi lại lại. Thượng Hoàng vẫn im lặng khiến nhà Vua phải hỏi:
- Tâu Vua cha, việc của Hoàng nhi ra sao?
Vua cha đáp một cách vô cảm:
- Vì là việc hệ trọng nên bà Thục Trâm nói là còn phải nghĩ.
- Tâu Vua cha, thế còn Sơn Nữ thì sao?
- Bà Thục Trâm đã nói như thế, Sơn Nữ còn nói gì được nữa?
Nhà Vua buồn rầu vái Thượng Hoàng quay ra. Chưa ra khỏi điện Vĩnh thọ, Ngài đã quay lại. Vua cha bèn hỏi:
- Hoàng nhi còn điều gì muốn nói à?
- Tâu Vua cha, bây giờ Hoàng nhi nên làm gì?
Thượng Hoàng ngẫm nghĩ rồi nói:
- Hoàng nhi nên gặp Sơn Nữ….
Nét mặt nhà Vua sáng lên... Vua cha nhìn con bằng ánh mắt ái ngại, hỏi:
- Hoàng nhi chơi cờ cũng hay. Dạo này Hoàng nhi có mó đến cờ không?
- Tâu Vua cha, Hoàng nhi muốn chơi nhưng có lúc nào rảnh đâu! Sao bỗng nhiên Vua cha lại hỏi đến chuyện chơi cờ.
- Ấy là vì nói chuyện với ai đó cũng như chơi một ván cờ vậy.
Nhà Vua ngẫm nghĩ chợt nhận ra ý tứ sâu xa của Vua cha bèn đáp:
- Tâu Vua cha, Hoàng nhi đã hiểu Người ngầm khuyên Hoàng nhi khi gặp Sơn Nữ phải như thế nào rồi.
Lúc ấy, Vua cha mới khẽ cười.
Hoàng thượng vái tạ Vua cha rồi rảo bước. Vầng trán thanh xuân của nhà Vua lúc giãn ra, lúc chau lại: "Không thể truyền Sơn Nữ tới cung. Trong chuyện này dùng truyền chỉ còn ra cái gì! Vậy phải làm thế nào?". Chợt mắt Ngài xôn xao... Về tới cung, Ngài nói nhỏ với Thái giám điều gì đó. Thái giám gật gật đầu rồi rảo bước. Trưa ngày hôm sau, Thái giám hớn hở.
- Tâu Hoàng thượng, vãn chiều nàng thường thơ thẩn bên hồ Nguyệt Tú.
Gương mặt nhà Vua tươi hẳn lên:
- Chiều nay, ngươi theo ta tới hồ Nguyệt Tú.
- Thần hiểu rồi ạ.
Hồ Nguyệt Tú nằm phía sau điện Vĩnh Thọ, cách điện Vĩnh Thọ không xa. Hồ không rộng nhưng cảnh hồ tuyệt mỹ. Dân gian kháo rằng: Có một giọt lệ tiên rơi xuống tan ra hóa thành hồ nên nước quanh năm trong như bích ngọc. Ven hồ những hàng liễu rủ xanh như tóc thiếu nữ thướt tha buông, những hàng lựu tới mùa hoa bao đốm đỏ lập lòe. Cảnh hồ vắng lặng. Thiên nga bồng bềnh trên sóng như thuyền trôi. Cách hồ không xa, một hoa viên với những trân cầm, dị thảo. Vua cha thường chậm bước nơi đây. Ai đến bên hồ Nguyệt Tú đều ngỡ như lạc vào cõi Thiên Thai.
Chiều hôm ấy, Sơn Nữ thơ thẩn bên hồ với niềm nhớ mẹ, nhớ quê. Nhìn mây trôi về phía núi xa xôi, nàng ước gì hóa thành mày để trôi về nơi ấy. Chợt có tiếng nói nho nhỏ phía sau: "Nàng thật là sướng, thanh thản hơn ta." Sơn Nữ quay lại trông thấy nhà Vua sợ quá bèn sụp xuống, nói:
- Tâu Hoàng thượng, Sơn Nữ có tội không biết Người tới, xin Người tha cho.
- Nàng có tội gì đâu mà xin ta tha. Ta mới là người có lỗi vì đã phá vỡ yên tĩnh của nàng.
- Đội ơn Hoàng thượng.
- Ta muốn dáng vẻ, nói năng của nàng hồn nhiên như những ngày nàng chữa bệnh cho Vua cha ấy.
- Tâu Hoàng thượng, dân nữ không thể như những ngày ấy. Bởi hôm nay, Người đã là Vua của một nước.
- Hóa ra càng lên cao vẻ tự nhiên, phóng khoáng càng mất đi, dù ta không muốn người người cứ bắt ta phải như thế.
Việc riêng tư, nhà Vua không biết nên nói gì. Suy nghĩ một thoáng, Ngài cũng tìm ra cách phá vỡ được tình thế mà lại ngầm báo cho Sơn Nữ biết điều Ngài sẽ nói.
- Ta có việc vừa vào tâu Vua cha. Trên đường về cung, ta ghé qua đây xem cảnh hồ có khác trước không. Vì mấy tháng nay bận quá, ta không đến ngắm Nguyệt Tú được. Chiều nay qua đây thật là may, ta được gặp nàng.
Một ý nghĩ lướt nhanh trong đầu Sơn Nữ. Những lời của nhà Vua mang hàm ý: Nhà Vua gặp mình là ngẫu nhiên. Nhưng Ngài lại vừa ở chỗ Vua cha nên đã biết ý tứ của bà Thục Trâm. Tuy vậy, chắc gì Vua cha đã nói thật với  Hoàng thượng. Mình phải như thế nào nhỉ? Tốt hơn hết, mình phải coi như không có chuyện gì. Chợt nhà Vua hỏi:
- Nàng thấy cảnh nơi đây có đẹp không?
- Tâu Hoàng thượng, nơi đây không đẹp thì còn nơi đâu đẹp nữa?
- Nàng có biết sau này ai làm chủ nơi đây không?
- Tâu Hoàng thượng, sau này làm chủ nơi đây là Ngài và Hoàng hậu.
- Nàng mới nói đúng một nửa.
Sơn Nữ vờ ngạc nhiên, ngây ra rồi mới nói:
- Dân nữ không hiểu ý của Hoàng thượng ạ.
- Hoàng hậu phải lo hậu cung. Ta phải chọn một người tương thức, tương cảm giỏi giang như nàng mới cùng ta làm chủ được cảnh trí diễm lệ này.
- Tâu Hoàng thượng, hậu cung thiếu gì người giỏi dang, xinh đẹp hiểu Hoàng thượng. Ngài chọn một người dễ như vào vườn hoa kia chọn lấy một bông.
- Hậu cung không có ai vừa ý ta. Nàng chọn giúp ta một người.
- Tâu Hoàng thượng, không khó gì.
- Vậy là nàng cùng ta làm chủ nơi đây?
- Hoàng thượng nói, dân nữ không vâng sao được?
- Thật phúc cho ta lắm. Ta biết mà.
- Dân nữ sẽ hết lòng vì Hoàng thượng.
- Vua cha mà biết tin này thì vui lắm. Nàng cùng ta vào yết Vua cha đi.
- Tâu Hoàng thượng, Ngài cho tuyển người đẹp. Dân nữ sẽ chọn giúp Ngài một mỹ nhân trong số hàng trăm người đẹp muốn được vào cung hầu Ngài.
Nhà Vua sững người. Ngài nhìn thẳng vào Sơn Nữ nói:
- Người ta chọn không nằm trong số đó.
Sơn Nữ cười. Nhà Vua bèn hỏi:
- Sao nàng lại cười?
- Tâu Hoàng thượng, Ngài không bắt tội, dân nữ mới dám nói. Vì điều này là điều vui mừng của dân nữ.
Nhà Vua hồi hộp, hy vọng:
- Điều gì vui nàng cứ nói ra. Ta không trị tội.
- Tâu Hoàng thượng, Ngài cứ nói xa nói gần y như người thân của dân nữ.
Nhà Vua thầm nghĩ: "Sơn Nữ, sao nàng lại như vậy? Đã nhận lời ta sao lại còn bỡn cợt…" Cố nén niềm vui, nhà Vua hỏi:
- Ta "y như người thân" của nàng à? Vậy ta giống người thân của nàng ở điểm nào?
- Tâu Hoàng thượng, đầu đuôi câu chuyện là thế này: Cháu ông tiều phu ở Bắc Lâm có ý với dân nữ. Muốn ngỏ lời với dân nữ nhưng người ấy cứ rào đón xa gần. Dân nữ bèn trêu: "Chàng vừa ý ai trong tổng này cứ nói ra, em giúp." Người ấy đáp: "Người anh vừa ý trong tổng này không có ai, trừ một người…" Để ngầm báo cho người ấy, dân nữ nói: "Người mà chàng định cưới làm vợ cũng thương chàng. Về nói với bố mẹ mang giầu cau sang đi kẻo nữa lại chậm chân…" Người ấy hiểu ra chạy như bay về nhà thưa với bố mẹ. Mấy ngày sau, bố mẹ người ấy mang lễ sang… Vài ngày sau gặp nhau, hôn phu của dân nữ nói: "Cảm ơn em. Trước em, anh sợ bị khước hôn nên không dám nói thẳng." Mấy lời quê mùa có gì mạo phạm, xin Hoàng thượng xá cho.
Nhà Vua sững sờ. Đứng lặng hồi lâu, Ngài mới nói:
- Cứ tạm coi hôm nay, ta chưa nói gì với nàng.
- Đội ơn Hoàng thượng, dân nữ hiểu rồi ạ.
Xa xa, Thái giám đứng trông lại. Thấy Hoàng thượng chuyện trò với Sơn Nữ lâu lâu, y đồ rằng Sơn Nữ ưng thuận hầu nhà Vua mãi mãi. Nhưng khi thấy Ngài nặng nề lê gót, long nhan ủ rũ, y nhận ra phải đâu cứ là Vua thì muốn điều gì cũng được. Thái giám chỉ còn biết lặng lẽ theo gót nhà Vua về cung.
Một nỗi buồn mênh mông vây quanh nhà Vua. Ngài biết Vua cha đã nói với Ngài không đúng những điều mà bà Thục Trâm và Sơn Nữ đã nói với Người. Giá Vua cha nói thật ra thì hay hơn. Nhưng vì sao Người lại dấu? Hay là Người muốn ta thuyết phục nàng. Song Sơn Nữ đã có hôn phu. Là một vị Vua ta đành lòng làm cái việc trái với lòng ta sao? Nhà Vua lại đăm đăm nghĩ ngợi. Chắc gì chuyện nàng nói ra đã là thật. Có thể đó chỉ là cách chối từ khéo. Mong rằng suy đoán của ta không sai. Nếu đúng nàng chưa có hôn phu…. Nhưng nàng lại vẫn từ chối? Ta ghép cho nàng tội khi quân? Không được! Làm như thế ta chỉ chiếm đoạt được một cái xác không hồn. Đã không tưởng cảm thì làm gì có tương giao, "đồng sàng" mà lại "dị mộng" thì tìm đâu ra sự tương thức! Tuy vậy, dù sao  đi nữa, ta vẫn phải biết chuyện của nàng thật hay là giả.
Ngài nói với Thái giám. Viên quan hoạn gật gật đầu:
- Ngày mai, thần đi sớm.
- Ngươi phải dấu thân phận cho khéo.
- Bẩm, thần biết phải làm thế nào rồi ạ.
Gần một tháng sau, Thái giám mới về. Y run run thưa:
- Bẩm Hoàng thượng, đúng là Sơn Nữ đã đính hôn với cháu ông tiều. Nhà trai mong Sơn Nữ sớm về để làm lễ vu quy.
Màu u buồn quánh đặc hiện lên trong mắt nhà Vua. Một lúc sau, Ngài mới hỏi:
- Ngươi có sơ xuất điều gì không?
- Bẩm, thần biết cái đầu thần trong tay Người mà.
Ngày hôm sau, nhà Vua tới điện Vĩnh Thọ. Ngài buồn rầu quỳ trước Vua cha:
- Hoàng nhi chúc Vua cha vạn tuế.
Vua cha biết con đến vì việc gì rồi, nhưng Ngài cứ lờ đi. Nhà Vua bèn nói:
- Giá như hôm trước, Vua cha nói thật với Hoàng nhi.
Vua cha cười:
- Hoàng nhi không hiểu ý ta sao?
- Tâu Vua cha, Sơn Nữ đã có hôn phu…
- Chính vì thế ta mới muốn Hoàng nhi phải gặp. Hoàng nhi định thế nào?
- Hoàng nhi chỉ thấy buồn thôi.
- Giai nhân là trọng hay giang Sơn là trọng?
- Vua cha đã đặt sông núi lên vai Hoàng nhi, Hoàng nhi biết phải làm gì rồi.
- Nghĩ được như thế là phúc. Cũng vì trái duyên nên mới như vậy. Có thật Hoàng nhi thương Sơn Nữ lắm phải không?
- Hoàng nhi thấy Sơn Nữ mới là tri âm.
- Đã như vậy, Hoàng nhi hãy làm điều gì tốt cho Sơn Nữ. Nó được hạnh phúc cũng như Hoàng nhi được hạnh phúc.
Vua cha đăm đăm nhìn con rồi lại nói:
- Ta đã biết Sơn Nữ có hôn phu rồi. Thế mà ta vẫn bảo Hoàng nhi đến gặp. Hoàng nhi có hiểu vì sao không?
- Tâu Vua cha, Hoàng nhi chưa hiểu. - Bảo Hoàng nhi đi gặp Sơn Nữ để xem Hoàng nhi xử sự thế nào. Nếu là kẻ nghịch đạo, Hoàng nhi sẽ tìm mọi cách để chiếm được người mà Hoàng nhi muốn. Nhưng thấy Hoàng nhi quay lại, ta biết điều tồi tệ không xảy ra. Hoàng huynh quả không nhầm nên đã nhường giang Sơn cho Hoàng nhi.
Qua nhiều đêm suy nghĩ, bà Thục Trâm xin vào bái yết nhà Vua. Ngài cho phép. Bà vừa quỳ trước bệ rồng, nhà Vua đã hỏi:
- Khanh đã nghĩ thêm được điều gì cho Trẫm chăng?
- Tâu Hoàng thượng, dân nữ không nghĩ được gì nữa. Bởi việc lớn đã được Người tính đến mọi lẽ thiệt hơn rồi ạ.
- Vậy khanh có việc gì?
- Bẩm, dân phụ xin Người ân chuẩn cho dân phụ và Sơn Nữ về Bắc Lâm.
- Khanh phải ở lại kinh thành cho tới ngày khởi cuộc. Còn Sơn Nữ, Trẫm đã nói rồi.
- Tâu Hoàng thượng, dân phụ ở lại kinh thành không có lợi cho đại sự.
- Sao khanh nói vậy?
- Thưa, kẻ gian sẽ biết: Hẳn là có việc lớn nhà Vua mới giữ con gái Tri huyện Trường định ở trong kinh thành. Biết đâu từ đó sẽ xảy ra chuyện…
- Thế còn Phạm Vũ Long ở lại cũng phiền sao?
- Bẩm, em dân nữ ở lại kinh thành vì bộ sách nhiều người đã biết.
- Cho khanh về Bắc Lâm, Trẫm không lo là khanh sẽ làm lộ bí mật mà lo cho sự an toàn của khanh.
- Bẩm, dân phụ biết cách lo cho dân phụ rồi. Dân phụ về Bắc Lâm còn yên ổn hơn ở kinh thành. Nếu Hoàng thượng e ngại, xin Người cho phép dân phụ lên xin Vua cha.
Nhà Vua suy nghĩ. Ngài nhớ tới câu nói của Vua cha: "Hoàng nhi hãy làm điều gì tốt cho Sơn Nữ…." Bởi vậy, nhà Vua nói:
- Việc của Sơn Nữ, khanh để ta lo liệu.
-  Tạ ơn Hoàng thượng.
Trước ngày bà Thục Trâm và Sơn Nữ rời kinh, nhà Vua truyền hai người vào cung. Bà Thục Trâm dặn cháu:
- Vào yết kiến nhà Vua, Ngài hỏi cháu điều gì hễ thấy khó đáp, cháu hướng ánh mắt sang bà. Cháu phải nhớ đấy.
- Thưa, cháu xin nhớ ạ.
Hai bà cháu vào tới cung. Nhà Vua cho miễn lễ rồi nói:
- Các khanh giúp Vua cha và Trẫm nhiều rồi. Trẫm muốn giữ các khanh ở lại kinh những mong bù đắp cho. Nhưng ý nguyện của các khanh muốn về với rừng thanh núi vắng. Chim về với tổ, Trẫm có giữ cũng không được. Vậy các khanh muốn xin Trẫm điều gì cứ nói ra.
Bà Thục Trâm cảm động đáp:
- Đội ơn Hoàng thượng, Người cho bà cháu dân phụ trở về Bắc Lâm là đại ân rồi ạ. Bà cháu dân phụ không xin gì nữa.
- Trẫm biết, những người như các khanh thường không nghĩ về minh. Các khanh khắc kỷ phục lễ thái qúa cũng không được đâu. Những điều khanh trình lên trẫm có một ý: "Hoàng thượng chẳng những chăn dân mà còn phải chăn quan…" Các khanh không là quan nhưng công lớn lăm. Trẫm biết chứ.
- Đội ơn Hoàng thượng, Người làm cho nước yên, dân vui là bà cháu dân phụ được nhờ rồi ạ.
- Ai cũng như các khanh tự lo cho bản thân thì tốt biết bao. Tuy vậy, bao lâu nay các khanh hết lòng vì Vua cha, hết lòng vì Trẫm, Trẫm phải có trách nhiệm. Nếu Trẫm vô tình, còn ai hết lòng vì Trẫm nữa. Rồi Bộ Lễ sẽ lo cho các khanh.
Nhà Vua phóng tầm mắt, ngời ngời về phía xa, rồi Ngài quay nhìn Sơn Nữ, nói:
- Trí tuệ của bà khanh đã giúp triều đình nhiều rồi. Còn nàng, trí tuệ của nàng ta đã biết qua những ngày chữa bệnh cho Vua cha.
Ngừng chốc lát, nhà Vua nói tiếp:
- Hoàng huynh đặt giang sơn lên vai ta. Muốn chấn hưng xã tắc nhưng bá quan rặt những kẻ bất tài, tham lam, xu nịnh. Nhân tài thì thưa, kế hay thì thiếu, giá nàng là trai.. Hơn nữa, nàng lại nặng lòng quê. Trọng trí sáng của nàng, ta hỏi một điều: Nếu ở cương vị ta, nàng sẽ làm thế nào để có nhân tài?
Sơn Nữ chớp chớp mắt rồi nói:
- Tâu Hoàng thượng, Sơn Nữ trẻ dại, quê mùa không dám bàn việc lớn. Nhưng dân nữ mạo muội nói điều đã nghe, đã thấy nếu Người cho phép.
Bà Thục Trâm lo lắm. Sơn Nữ mà nhỡ mồm thì chết. Còn nhà Vua, Ngài khẽ cười:
- Nàng đã nghe, đã thấy gì cứ nói.
Bà Thục Trâm hắng giọng… Nhưng tiếng Sơn Nữ đã cất lên:
- Tâu Hoàng thượng, ngài Tuần phủ Bắc Lâm gặp việc gì khó bèn xức đến các làng. Ai có ý hay dâng lên cho ngài. ý của ai hay, ngài dùng ngay và thưởng cho người ấy. Vùng biên cương thuộc quyền của ngài cai quản được yên ổn cũng do ngài làm theo ý của các làng trình lên. Điều này già trẻ Bắc Lâm biết cả. Hoàng thượng cai quản cả nước. Người bố cáo khắp nơi. Ai có ý hay, lời sáng thì dâng lên nhà Vua. May ra, Hoàng thượng tìm được người tài.
Nhà Vua thốt lên:
- Giỏi! Giỏi! Nàng thật là giỏi! Tại sao trẫm không nghĩ ra nhỉ?
Bà Thục Trâm nhẹ hẳn lòng. Nhà Vua nhìn bà Thục Trâm, nhìn Sơn Nữ rồi ngước lên nói như nói với đất trời:
- Nếu Vương nghiệp của ta có một chút gì đó được ghi vào tre lụa, người đời sau chắc gì đã nhớ. Nàng và cây cỏ tiên của nàng không cần ghi chép đời vẫn không quên. Bởi cây cỏ tiên đã thuộc về dân gian nên nó thành hương hoa tồn tại cùng xóm làng còn mãi mãi.
Qua câu nói của nhà Vua, bà Thục Trâm nghĩ: Điều mà Hoàng Tướng công báo ứng đã đúng - Sơn Nữ đã làm được một việc lớn mà bà và Kim Phụng không làm được.
Nhà Vua lại nói:
- Nàng trẻ tuổi nhưng giỏi giang chẳng ngại quan san, nguy hiểm về kinh chữa cho Vua cha khỏi bệnh. Cảm tấm lòng trung nghĩa của nàng, ta tặng nàng một vế đối:
- Kỳ nữ thướng kinh lưu vĩ tích.
ánh mắt Sơn Nữ hướng sang bà Thục Trâm. Hiểu ý, bà Thục Trâm bèn tâu:
- Tạ ơn Hoàng thượng đã ban cho cháu những chữ như ngọc. Dân nữ xin đỡ lời cháu dâng lên Hoàng thượng những lời quê mùa, xin Người dung cho:
- Chân long ngộ vũ xuất linh thần.
Nhà Vua nhẩm đọc:
Kỳ nữ thướng kinh lưu vĩ tích
Chân long ngộ vũ xuất linh thần
Ngài suy nghĩ từng chữ một, nghĩa của hai vế câu đối hiện rõ:
Gái giỏi lên kinh để lại công lớn
Rồng khôn gặp nước hóa ra thần thiêng
Nhà Vua hiểu ngụ ý của bà Thục Trâm khen Ngài bèn nói:
- Hay! Hay lắm! Nay Trẫm mới biết thêm tài văn chương của khanh.
Bà Thục Trâm khôn khéo:
- Tâu Hoàng thượng, vế xuất của Người sâu sắc quá. Dân nữ phải cố gắng lựa chữ may sao vế đối lại xứng với vế xuất của Người.
Trở về triều, sau nhiều đêm ngẫm nghĩ, nhà Vua ban bố cáo:
"Muôn dân xa gần, không kể sang hèn, ai có kế hay mưu giỏi dâng ngay lên Trẫm. Mưu của ai giỏi, kế của ai hay giúp được Trẫm chấn hưng đất nước sẽ được trọng thưởng. Trẫm sẽ cất nhắc những người có thực tài trong dân gian. Muôn dân được phép tấu lên Trẫm ai làm quan giỏi, ai làm quan dở để Trẫm biết mà thưởng phạt cho minh. Nghiêm cấm thù hằn, ghen ghét mà đặt điều làm hại lương thần. Kẻ nào cố ý vu cáo người ngay sẽ bị nghiêm trị.."
Dân khắp nước vui mừng hưởng ứng bố cáo của nhà Vua. Triều đình có thêm người tài. Các quan thanh liêm nức lòng. Bọn tham quan sợ dân tố giác nên chúng bớt hà hiếp dân lành. Lúc ấy, nhà Vua càng nhớ tới Sơn Nữ. Ngài nghĩ: "Có lẽ Giời xui nàng cho ta ý hay." Từ đó Cỏ Tiên - Sơn Nữ trong lòng nhà Vua như một huyền sử lung linh. 

*

Những dòng cuối cùng được tôi viết ra sau khi đồng đội tôi đã đọc bản thảo quyển sách này - Huyền Sử Cỏ Tiên.
Mười tám người năm xưa nghe Mai Như Xuân kể chuyện giữa rừng trung Lào trong mưa xối ngày đêm, thay cơm là măng rừng đắng bụng chỉ còn có tám người. Mười người nữa, sáu người đã hóa thành một phần đất đai Tổ quốc, bốn người nay không biết trôi dạt ở phương trời nào!
Tám người ngồi bên nhau hai ngày một đêm. Kẻ điếu cày, người điếu giấy "liên hoan" vài trăm trang sách của tôi viết lại chuyện Mai Như Xuân đã kể. Hay hoặc chưa hay, đồng đội tôi đều trân trọng. Vì nó làm sống lại kỷ niệm thời thanh xuân chiến trận, làm cho hình ảnh Mai Như Xuân và những người đã ngã xuống sống lại trong tâm thức chúng tôi.
Gấp sách lại, đồng đội tôi mong muốn: Phải làm gì để bớt đi Triệu Quảng Thành, Đỗ Hối, Đinh Văn Thạc; có thêm Tổng dốc Hải Đông, quan Ngự sử, Thục Trâm, Sơn Nữ…. Càng mong muốn hơn, trong dân quê tiềm ẩn những trí tuệ sáng suốt và những giá trị đẹp đẽ. Đó là vốn quý như ngọc cần phát hiện, nâng niu, nuôi dưỡng. Một nhân vật trong ruyện đã nói: "Hãy xem người thợ săn chăm lo con chim mồi thế nào, ta sẽ hiểu vì sao nó trung thành với chủ". Phải đâu ý nghĩ này chỉ dành cho người đời xưa suy nghĩ.

Nam Định, xuân Giáp Thân 2004

 
 
 

Xem Tiếp: ----