Chương 12

Oanh Nhi bước vào trong cổng dinh Tể tướng năm mười bảy tuổi. Thê thiếp đầy nhà nhưng ông ta quên hết từ khi bóng Oanh Nhi thấp thoáng trong dinh. Bởi Oanh Nhi trẻ lại có nhan sắc. Người hầu gái của Tể tướng đã luống tuổi phải đi làm việc khác. Oanh Nhi được thay vào chỗ của người hầu gái đã nhạt xuân. Ghê thay là sóng người đẹp. Nó đã làm cho Tể tướng chìm đắm. Vì thế, ông ta yêu quý Oanh Nhi và tin cô hầu hơn tin vợ. Có những việc hệ trọng, cô hầu biết mà phu nhân không biết. Mai mỉa hơn có lần, phu nhân phải nhờ cô hầu nói với phu quân một việc mà bà cần. Cái hôm Tể tướng đóng cửa ướm bút để viết thêm bốn chữ "phế phụ lập tử" vào thư của quan Tổng đốc gửi quan Ngự sử cũng có Oanh Nhi ở đó, chứng tỏ ông ta tin cô hầu ruột tới mức nào. Để cho hệt chữ của quan Tổng đốc, ông ta viết đi viết lại nhiều lần trên nhiều bản nháp. Cẩn thận, ông ta đốt hết các bản nháp. Nhưng ông ta có biết đâu một bản nháp bị gió cuốn bay vào góc nhà. Khi ông ta vội vàng vào cung thì cô hầu nhặt được tờ giấy nháp đó. Ngày ấy, hai người mặn mà với nhau. Nét chữ của Tể tướng như hoa. Quý người quý cả chữ, Oanh Nhi ngắm chán rồi cất kỹ tờ nháp đó vào túi đựng đồ coi như báu vật vậy.
Mấy năm sau, Oanh Nhi có thai. Tể tướng ăn vụng nhưng muốn chùi mép cho sạch. Ông ta bèn kén một người hầu gái khác, cho Oanh Nhi ít bạc rồi khuyên Oanh Nhi tìm cửa khác mà nương nhờ. Oanh Nhi không muốn ra khỏi cổng dinh Tể tướng. Một người hầu già trong dinh Tể tướng khuyên: "Nếu cô không ra khỏi cổng thì sẽ thành ma ngay đấy.." Sợ quá, Oanh Nhi xách túi ra khỏi  cửa dinh Tể tướng. Xấu hổ không dám về quê, Oanh Nhi đến một bến đò lớn dựng quán bán hàng, sinh được một con trai. Đang nhàn hạ được yêu chiều, ăn trắng mặc trơn bỗng thui thủi một mình ôm con bên dòng sông vắng, Oanh Nhi oán Tể tướng lắm nhưng không làm gì được.
Thằng nhỏ đã lên ba. Nó như Tể tướng in sang. Nhìn con, nỗi hận trong lòng Oanh Nhi càng dâng lên. Người con gái như một bông hoa. Bông hoa Oanh Nhi có chút hương chút nhuỵ Tể tướng lấy đi cả. Ôm con vào lòng, nước mắt giàn giụa, Oanh Nhi chập chờn nhớ lại bảy năm trước.
Oanh Nhi là con nhà nghèo ở kinh thành. Khi mới sinh ra, chân phải của cô thiếu ngón út. Một ông có chữ ở gần nhà cô đã đặt cho cô cái tên là Khuyết Nhi. Cô thiếu một ngón chân có lẽ vì thế trời bù cho cô dung nhan thanh tú. Năm Khuyết Nhi mười hai tuổi, bố qua đời. Nhà bốn chị em, Khuyết Nhi là út nên mẹ thương Khuyết Nhi lắm... Bà muốn bù đắp cho Khuyết Nhi để cô út đỡ tủi thân cơm thừa canh cặn. Nhưng một mình gánh trên vai bốn con giữa thời buổi khốn khó, bà lấy gì bù đắp cho giọt máu út ít. Nhà đói lắm mà lớn lên Khuyết Nhi cứ đẹp. Năm mười lăm tuổi, Khuyết Nhi đã làm nhiều chàng trai để ý. Một hôm, quản gia quan Tể tướng đi qua.  Thấy cô gái bán cam ở đầu đường cao ráo, óng ả, da trắng, tóc dài, quản gia Tể tướng lân la hỏi những người gần đó. Biết nhà Khuyết Nhi ở không xa, quản gia Tể tướng tìm vào nhà. Y ngỏ ý với mẹ Khuyết Nhi cho Khuyết Nhi vào giúp việc trong dinh Tể tướng. Mẹ Khuyết Nhi không bằng lòng. Quản gia Tể tướng ra về rồi không thấy quay lại nữa. Mẹ Khuyết Nhi tưởng chuyện thế là xong. Hơn một năm sau, mẹ Khuyết Nhi ốm nặng. Trong nhà, chiếc bát mẻ cũng không còn. Giữa lúc đó quản gia Tể tướng lại xuất hiện. Hắn mang tới hai mươi lạng bạc "mua" Khuyết Nhi. Mẹ Khuyết Nhi vẫn từ chối. Nhưng mẹ ốm, nhà quá quẫn bách, Khuyết Nhi đành nhắm mắt đưa chân. Năm đó Khuyết Nhi mười bảy tuổi.
Bước vào cổng dinh Tể tướng, Khuyết Nhi lọt ngay vào mắt vị quan đầu triều. Ông ta chiều chuộng cô hầu trẻ hơn chiều phu nhân và hứa cưới Khuyết Nhi làm thiếp. Người đẹp thiếu một ngón chân út không hề gì. Nhưng tên của cô hầu không ổn. Nhà Tể tướng luôn mong đầy, cô hầu lại tên là Khuyết Nhi nghe nghịch tai lắm. Tể tướng phải đặt cho cô hầu cái tên khác. Tiếng nói của Khuyết Nhi trong như tiếng oanh vàng. Tể tướng gật gật đầu, gọi nàng là Oanh Nhi vậy. Khuyết Nhi trở thành Oanh Nhi từ đó.
Năm Oanh Nhi hai mươi tuổi mẹ mất. Phận nghèo khó thôi đành làm lẽ vậy. Thế thì phải có con với Tể tướng mới mong ở cả đời với ông ta được. Nào ngờ Tể tướng là kẻ bất nhân. Hoa cũ sắp tàn ông ta tìm hoa mới.
Một đêm hè trăng sáng ngập trần gian. Con trai tròn giấc từ lâu nhưng Oanh Nhi không sao chợp được mắt. Nhìn qua kẽ cửa, sông đầy sóng trăng, Oanh Nhi bèn ra bến sông nhìn trăng, nhìn sóng. Có một đám mây lớn đỏ như máu trông rất lạ bay tới che lấp cả mặt trăng. Oanh Nhi sợ quá vội rảo bước về nhà. Bỗng từ đám mây có người nói: "Nàng không phải sợ. Một vài ngày nữa con trai nàng gặp nạn nhưng sẽ có người đến cứu. Nàng hãy kể lại nỗi khổ của nàng cho người ấy nghe. Người ấy sẽ rửa nhục cho nàng". Oanh Nhi chắp tay vái: "Ngài là ai mà lại biết nỗi khổ của tiện nữ?" Tiếng nói từ đám mây lại vang xuống: "Nàng chưa gặp ta bao giờ nên không biết ta là phải. Ta là Tổng đốc Hải Đông đây". Bất chợt một con gió lớn tràn tới đám mây tan biến, vầng trăng lại hiện ra.
Sự việc diễn ra trong chốc lát rồi tan đi không để lại cái gì khiến Oanh Nhi tự hỏi: "Có đúng mắt mình trông thấy đám mây ấy không? Có đúng tai mình nghe thấy những lời ấy không?" Một sự sợ hãi, lo âu cựa quậy trong lòng Oanh Nhi. Con trai đang khoẻ mạnh vậy nó gặp nạn gì? Sông nước? Có thể lắm. Thế là những ngày sau, Oanh Nhi luôn để mắt đến con trai, không cho thằng nhỏ hướng ra phía bờ sông.
Cạnh nhà Oanh Nhi có một thiếu nữ rất quý con của Oanh Nhi. Thiếu nữ thường dắt thằng nhỏ đi chơi lúc thiếu nữ rảnh rỗi. Chiều ngày thứ ba kể từ hôm Oanh Nhi gặp điềm lạ, thiếu nữ dắt thằng nhỏ dạo chơi. Oanh Nhi dặn: "Không được cho nó chơi gần sông, gần ao." Thiếu nữ làm đúng lời dặn của Oanh Nhi nên dẫn thằng nhỏ dạo quanh gốc đa gần đó. Bỗng dưng, một con rết đen, to bằng ngón tay cái từ cành đa rơi xuống đúng gáy thằng nhỏ. Nó thét lên và nằm quay ra đất. Con rết găm răng vào cổ thằng nhỏ. Thiếu nữ kêu ầm lên. Mọi người trông thấy con rết đen, to đều hoảng hồn. Vì chưa ai trông thấy con rết dữ dằn như thế. Chẳng ai dám gỡ con rết ra. Thằng nhỏ quằn quại trên đất, da tím như quả mồng tơi chín. Oanh Nhi chạy tới bế thốc con lên rồi đánh bạo cầm đuôi con rết kéo căng để nó nhả gọng kìm ra. Con rết đứt ra làm đôi hai răng nó vẫn cắm vào gáy thằng nhỏ. Vừa lúc đó có một ông già bước tới: "Chị để tôi cứu cháu."
Ông già lấy từ túi vải ra một lọ thuốc nước nhỏ vào đầu con rết vài giọt. Chớp mắt, nó buông răng khỏi da thịt thằng nhỏ. Mở túi vải, ông già lại lấy ra mấy viên thuốc giống như cái mắt cua cho vào mồm thằng nhỏ. Không phải chờ lâu, da thằng nhỏ tươi dần lại. Kiểm tra mạch cho thằng nhỏ, ông già nói như chỉ nói cho mình nghe: "Thoát chết rồi!"
Thằng nhỏ thiếp đi. Oanh Nhi bế thằng nhỏ về nhà. Ông già bước theo, tiếp bước ông còn có ba người nữa. Đó là hai trai tráng và một thiếu niên.
Chạng vạng tối, thằng nhỏ tỉnh giấc. Nó tè ra một vũng đỏ như nước gạo rang. Ông già cho nó ăn một bát cháo nóng có chế thêm một ít nước gừng. Một lúc lâu sau, thằng nhỏ lại nhảy như sáo.
Ông già ấy không phải ai khác mà chính là ngài Tri huyện. Ba người đi theo, hai trai tráng là Mộc và con trai út ngài Tri huyện còn một thiếu niên là em trai Mộc. ấy là vì Mộc muốn học nghề thuốc và mong muốn làm một việc gì đó rửa hờn cho mẹ, cho bà và cho công tử con quan Ngự sử. Chính vì vậy mà anh em Mộc xin phép ông Thuận cho anh em họ đi theo ngài Tri huyện.
Chợt Oanh Nhi nhớ lại chuyện lạ mấy đêm trước. "Con trai nàng gặp nạn nhưng sẽ có người cứu..." Người được thần linh báo cho biết mấy hôm trước là ông già này rồi. Oanh Nhi luống cuống bế lấy con rồi hỏi ông già:
- Con trai cháu bất ngờ gặp nạn may mà được ân nhân cứu. Nhưng sao ân nhân lại có sẵn thứ thuốc chữa rết cắn?
Ngài Tri huyện đáp:
- Lão làm nghề buôn bán đi nhiều nên gặp nhiều bất trắc. Vì vậy lão phải mang một ít thuốc. Con rết ấy lâu nay chưa cắn ai nên nọc nó nhiều và độc. May cho cậu nhà. Nếu không chữa kịp, cậu nhà không chết cũng bị liệt.
Ngài Tri huyện nhìn thằng nhỏ rồi ngờ ngợ: "Nó giống ai mà mình đã gặp? Ngài cố hình dung.... ánh mắt kia đúng ánh mắt của lão ấy. Chẳng nhẽ.... Ngài bèn hỏi:
- Cậu nhà gặp nạn mà không thấy bố chạy chữa, vậy bố cậu nhà đâu?
Câu hỏi của ngài Tri huyện như cái gai đâm vào lòng Oanh Nhi. Oanh Nhi liền đáp:
- Thưa, con trai cháu không có bố.
Ngài Tri huyện lại hỏi:
- Không có bố nhưng phải là cốt nhục của ai chứ?
Căm hận dâng lên trong lòng, Oanh Nhi phải nén lại:
- Cháu có nói ra chưa chắc ông đã tin nhưng cháu cứ nói: Cốt nhục của nó là Tể tướng.
Ngài Tri huyện làm ra vẻ sợ sệt và khéo léo gợi chuyện. Oanh Nhi kể lại những năm tháng trong dinh Tể tướng cho đến khi bị hất ra đường với thái độ oán thán, căm giận. Ngài Tri huyện nghĩ thầm: "Muốn giải oan cho quan Ngự sử và quan Tổng đốc phải nhờ người này tìm ra tội lỗi của con cáo già đó. Nhưng người này đã là cái giẻ vất đi còn ích gì...." Bất chợt trời cho ngài một ý. Ngài bèn nói:
- Chuyện của cháu không ai tin được. Tể tướng là quan đầu triều đã giao cốt nhục cho cháu thì ngài không để cốt nhục ấy như thế này. Vì chuyện này không khéo cháu mang hoạ đấy. Cháu lấy chứng cớ gì nói rằng cháu đã ở dinh Tể tướng và có con với ngài ấy?
Oanh Nhi nghĩ một lúc rồi vui vẻ đáp:
- Cháu có.
Lòng vui nhưng mặt cố giữ vẻ thản nhiên, ngài Tri huyện hỏi:
- Nếu chứng cớ của cháu là thật thì có thể….
Ngài Tri huyện khôn ngoan bỏ lửng câu nói. Oanh Nhi lục túi lôi ra một tờ giấy đưa cho ngài Tri huyện:
- Đây chứng cớ của cháu đây.
Cầm tờ giấy, trông thấy mấy chữ ngài Tri huyện bàng hoàng. "Hai nhà chết vì mấy chữ này đây". Tuy vậy, ngài vẫn khéo léo gợi chuyện để Oanh Nhi bộc lộ hết.
- Tờ giấy này chưa đủ cho người ta tin là cháu đã ở trong dinh quan Tể tướng.
Để tỏ rõ mình đã ở trong nhà Tể tướng và được tin cậy, Oanh Nhi kể lại đầu đuôi việc Tể tướng viết thêm bốn chữ vào thư của quan Tổng đốc. Tờ giấy nháp này Oanh Nhi nhặt được cất đi coi như một của quý bởi nét chữ như hoa của Tể tướng chứ không có ý gì khác. Nhưng với ngài Tri huyện, tờ giấy này là mạng của hai nhà. Một việc động trời sẽ xảy ra. Nếu bí mật này đến tai Tể tướng hoặc Tổng quản thị vệ thì hai mẹ con Oanh Nhi phải chết. Những người biết chuyện đời Oanh Nhi và tờ giấy này cũng khó toàn mạng. Ngài Tri huyện thấy rằng, trước hết phải bảo vệ tính mạng cho đứa trẻ và mẹ của nó. Còn việc phanh phui chuyện này ra, ông phải cần tới con gái, chỉ có trí tuệ của Thục Trâm mới giúp ông có kế vẹn toàn.
Ngài Tri huyện cho con trai và Mộc ở lại "che chở" cho Oanh Nhi. Hễ có động, con trai ông phải đưa ngay mẹ con Oanh Nhi về làng chài. Ngài Tri huyện cùng với em trai Mộc là Mạc tiếp tục cuộc hành trình với "bảo vật" của Oanh Nhi trao cho.