Nguyễn Đỗ Mục dịch thuật
hồi thứ tám (B)
MẠNH LỆ QUÂN BỊ GIAM TRONG CUNG
HÙNG KHỞI THẦN CẢI TRANG GIẢ GÁI

Mạnh Lệ Quân văng vẳng nghe những lời thì thào nghị luận ấy, giật mình kinh sợ, chẳng còn hồn vía chút nào. Gót sen rón rén, lui vào phía trong, đặt mình ngồi xuống bên giường, khiến cho tinh thần trấn định, rồi gọi tên cung nữ là Trần Xuân Anh đến gần mà bảo rằng:
- Trần Xuân Anh! Con đến Hưng Khánh cung về dãy phòng thứ ba, gọi hai tên cung nữ ở đấy ra đây cho ta hỏi.
Trần Xuân Anh vâng mệnh đi ngay. Mạnh Lệ Quân tra các vị thuốc vào nồi để nấu. Trần Xuân Anh đưa hai tên cung nữ vào, Mạnh Lệ Quân trông thấy, liền đứng dậy mà hỏi rằng:
- Hai ngươi tên họ là gì? Vào cung đã mấy năm nay?
Hai tên cung nữ thấy Trần Xuân Anh đến gọi, đã có ý lo, ngờ là câu nói của mình tiết lộ ra chăng. Bấy giờ nghe câu hỏi, mới biết đích thị chỉ vì cớ ấy. Một tên run sợ không dám trả lời; còn một tên ngang nhiên mà đáp rằng:
- Tiện tỳ họ Hồng tên gọi Tố Loan, vào cung đã ba năm nay. Còn chị tôi là Tố Phượng. Hai chị em chúng tôi giữ việc giặc giũ hầu thái hậu, chẳng hay ngày nay vương phi gọi chúng tôi có việc gì?
Mạnh Lệ Quân thở dài mà bảo rằng:
- Hai ngươi có lòng trung thành, khiến ta phải kính phục. Hai người lo nghĩ như thế là phải. Bây giờ ta dẫu trỏ mặt trời mà thề, vị tất hai ngươi đã tin. Ngày nay thái hậu bệnh thế rất nguy kịch, sâm linh cũng không làm gì, chỉ có nấu một nồi nhân cao thì mới có thể cứu được. Bấy giờ ta ngần ngại chưa quyết thế nào, mới chạy ra ngoài cửa đứng để ngẫm nghĩ. Bỗng nghe lời các ngươi bàn nói, vậy nhân đây ta cắt thịt để cho các ngươi xem.
Nói xong, liền lấy một con dao thật sắc, quì xuống khấn trời mà rằng:
- Tôi là Mạnh Lệ Quân, quả có lòng trung thành, xin hoàng thiên chứng giám mà phù hộ cho, khiến khi lưỡi dao hạ xuống không biết đau xót. Nếu câu nói của tôi không được chân thật thì chỗ cắt thịt này sẽ nguy hiểm đến thân.
Nói xong, một tay vén áo, và một tay cầm dao nghiến răng mà cắt lấy miếng thịt, đầm đìa máu chảy, không biết đau xót, chỉ thấy nét mặt hơi tái mà thôi. Các cung nữ trông thấy đều lấy làm khiếp sợ. Tố Loan và Tố Phượng ôm lấy Mạnh Lệ Quân mà khóc rằng:
- Trăm lạy vương phi! Vương phi thật là một lòng trung thành, chị em chúng tôi đây ngu muội chẳng biét, đã cam chịu tội, xin vương phi tha thứ cho.
Mạnh Lệ Quân đứng dậy, cầm miếng thịt bỏ vào trong nồi thuốc, rồi lại bảo Tố Loan và Tố Phượng rằng:
- Các ngươi đã có kiến thức ấy, tất được hưởng phúc trạch về sau. Việc này là bởi lòng sở nguyện của ta, chứ không phải tại các ngươi nói khích. Nhưng ta còn một việc, muống được các ngươi đồng tâm giúp ta, chẳng hay các ngươi nghĩ thế nào?
Bấy giờ có một tên cung nữ chạy đến, lấy vải trắng buộc chỗ thương tích cho Mạnh Lệ Quân. Tố Loan và Tố Phượng sụp lạy mà rằng:
- Vương phi muốn sai bảo việc gì, chúng con cũng xin vâng mệnh.
Mạnh Lệ Quân khóc mà bảo rằng:
- Ngaỳ nay Phi Giao hoàng hậu nghiêm cấm cung môn không cho ai ra vào, việc ấy ta phải giấu kín đừng để thái hậu biết thì chữa thuốc mới có công hiệu. Vả việc nghiêm cấm này tất còn lâu ngày, kho tàng trong cung phần nhiều khánh kiệt, âu là chúng ta phải nghĩ đường sinh kế, làm sao cho đủ áo mặc cơm ăn. Trong cung còn nhiều đất bỏ không, các ngươi nên bảo nhau cày cấy trồng trọt. Trong bọn các ngươi phải bàn lấy một người đứng đầu, để quản đốc công việc, thức khuya dậy sớm, chăm chỉ làm ăn. Đợi khi thái hậu và Hùng hậu đã bình phục như thường, bấy giờ sẽ mở cửa cung mà ra vậy.
Tố Loan và Tố Phượng nghe nói mừng lòng, lại lạy dập đầu mà rằng:
- Việc ấy rất dễ! Sáng mai chúng tôi sẽ xin họp nhau, uống máu ăn thề, một lòng vì nước, rồi khai liệt danh sách, để đệ trình vương phi.
Nói xong, liền hớn hở quay đi. Sáng hôm sau, Mạnh Lệ Quân nấu được nhân cao rồi, đem dâng thái hậu. Các cung nữ đỡ thái hậu ngồi dậy, thái hậu trông thấy chén thuốc, ứa nước mắt khóc mà rằng:
- Nay uống thuốc, mai lại uống thuốc, mà bệnh vẫn không thấy giảm bớt chút nào. Mạnh Lệ Quân em ơi! Chi bằng em dùng liều thuốc gì cho ta yên giấc trăm năm, khỏi phải hàng ngày cay đắng.
Mạnh Lệ Quân nghe lời thái hậu truyền phán, nét mặt đang đỏ, bỗng tái mét đi, rồi quì cạnh giường mà tâu rằng:
- Muôn tâu thái hậu! Tấm lòng trung thành của thần thiếp đã có quỷ thần chứng giám, xin thái hậu chớ nghi ngờ.
Thái hậu uống xong chén thuốc, nằm xuống ngủ yên. Mạnh Lệ Quân lại đi thăm bệnh cho Hùng hậu và cho Hùng hậu uống thuốc. Bấy giờ Tố Loan và Tố Phượng đem quyển sách tên các cung nữ vào đệ trình. Mạnh Lệ Quân chia cắt mỗi người một việc.
Lại nói Triệu Lân và Triệu Phượng thấy thánh chỉ giao việc thuốc thang thái hậu cho Mạnh Lệ Quân, đều lấy làm lo sợ mà bảo nhau rằng:
- Chết nỗi! Kế này thật là kế của con Phi Giao định giam lỏng thân mẫu ta đó. Đãi thân mẫu ta như mộ người tội tù.
Triệu Lân cùng Triệu Phượng vừa toan vào triều diện kiến thì Phi Giao hoàng hậu đã bãi triều vào cung rồi. Hai công tử luống cuống không biết làm thế nào, mới vào yết kiến Gia Tường công chúa. Bấy giờ có bảo mẫu đứng hầu ở bên cạnh. Gia Tường công chúa khóc mà bảo hai công tử rằng:
- Hai quốc cữu ơi! Bảo mẫu vừa vào đây nói cho tôi biết là thái hậu bệnh thế nguy kịch, mấy ngày hôm nay chẳng ăn uống tý gì. May sao lại gặp có thân mẫu vào, cũng là một điều đáng mừng vậy. Hôm nay hai quốc cữu vào trong triều, đã diện tấu ra làm sao chưa?
Triệu Lân cùng Triệu Phượng đồng thanh mà rằng:
- Thánh thượng giáng chỉ giao việc thuốc thang hầu hạ thái hậu cho thân mẫu, chính là dùng kế để buộc chân thân mẫu đó. Chúng tôi định vào diện tấu, hãy tạm xin cho thân mẫu về nhà tắm gội mấy hôm, không ngờ lại gặp lúc thái hậu bệnh tình nguy kịch, khó lòng về được. Bây giờ còn các đồ cống vật của Hán quốc thái phi gởi đến, chưa kịp đem vào đệ trình thái hậu, biết làm thế này?
Triệu Phượng lại lấy một phong gia thư đệ trình Gia Tường công chúa. Gia Tường công chúa xem xong hai hàng nước mắt chảy xuống ròng ròng, liền nói:
- Bây giờ ta hãy sai bảo mẫu vào cung xem bệnh tình thái hậu và Hùng hậu thế nào, và dò la tin tức xem thân mẫu ta bây giờ đang làm gì.
Triệu Lân cùng Triệu Phượng đều nói:
- Công chúa nghĩ chí phải! Xin phiền bảo mẫu đi giúp.
Hồi lâu, bỗng thấy bảo mẫu hoảng hốt chạy vào, nét mặt tái mét, mở miệng hồng hộc rồi nói:
- Dám bẩm hai quốc cữu! Tôi phụng mệnh vào nội cung, bỗng thấy cửa cung khóa chặt, chung quanh có quân sĩ canh giữ, gươm giáo sáng quắc. Một vùng sát khí ngất trời, khiến cho già này khiếp sợ không biết dường nào, ngã lăn ra đấy. May gặp có nội giám Tăng Mậu đến, liền vực tôi vào trong hiên, kể lể sự tình cho tôi nghe, bấy giờ tôi mới biết răàng thánh chỉ nghiêm cấm cung môn. Việc này là bởi tại Mã Thuận vu tấu, nói Hùng hậu giao thông với ngoại thần, bày lời sàm báng khiến thái hậu nghĩ càng tức giận, cho nên bệnh trạng ngày càng thêm nguy. Nay có Mạnh vương phi vào vữa thuốc, cần phải nghiêm cấm cung môn. Các đồ thực dụng đều do Tăng Mậu đưa vào, dự tính số chi tiêu trong độ mười năm. Hai quốc cữu ơi! Phi Giao hoàng hậu đã phê chuẩn cho Mã Thuận đem ba nghìn cấm binh vào canh giữ cửa cung, không cho ai được qua lại cả.
Triệu Phượng nghe nói, hầm hầm nổi giận, bảo Triệu Lân rằng:
- Tam đệ ơi! Phi Giao đã vô đạo đến thế thì hai ta còn nghĩ chi nữa, âu là ngày nay ta đem gia binh tiến vào hoàng cung mà diện tấu cùng thánh thượng. Ta đành liều chết, còn hơn để cho miệng thế mỉa mai. Vả thân mẫu ta vào đấy, chưa biết năm nào được ra, chẳng lẽ ta cứ khoanh tay ngồi nhìn thì sao cho tiện!
Triệu Lân gạt tay mà bảo rằng:
- Không thế được! Con chuột đứng bên viên ngọc thì ta ném nó sao đang. Hai anh ta liều chết đã đành, nhưng còn thái hậu và hai thân thì nghĩ sao cho ổn. Vả Đồ Man An Quốc và Đồ Man Định Quốc đều vũ dũng lạ thường, lại thêm có cấm binh toàn là những quân tinh nhuệ, ta khó lòng địch nổi vậy. Huống chi trong chiếu thư vẫn nói là giao việc thuốc thang hầu hạ thái hậu cho thân mẫu ta thì ta cũng không lấy cớ chi mà sinh sự được. Chi bằng ta hãy thư thả, rồi tuỳ cơ ứng biến,trù tính lấy kế vẹn toàn.
Lại nói chuyện hai vợ chồng Hùng Hiệu giải vào trong ngục. Lương Cẩm Hà phu nhân và Phi Loan quận chúa mừng rỡ không biết nhường nào. Vệ Dũng Nga vương phi chỉ thở dài, không nói chi cả. Hùng Hiệu thì thuật chuyện đầu đuôi cho mọi người nghe và bảo rằng:
- Việc này chắc là mưu kế của Mạnh vương phi đó thôi, khiến cho vợ chồng ta đáng chết mà lại chưa chết. Nhưng cái thân sống thừa chết dở này chẳng qua chỉ thêm một trò cười cho thiên hạ đời sau vậy.
Phi Loan quận chúa nghe nói Mạnh Lệ Quân đến, động lòng thương xót mà ứa nước mắt khóc. Vệ Dũng Nga vương phi hỏi:
- Tiểu công tử thức hay ngủ?
Nàng Hạng Ngọc Thanh ẵm tiểu công tử trao cho Vệ Dũng Nga vương phi. Vương phi ẵm lấy cháu bé, trong lòng chua xót, xoa đầu đứa bé, rồi khóc mà bảo rằng:
Tôn nhi ơi! Ai ngờ ngay nay tổ mẫu lại còn được về dây mà nhìn mặt tôn nhi vậy.
Vệ Dũng Nga vương phi cúi đầu nhìn tiểu công tử, vừa nói vừa khóc. Lương Cẩm Hà phu nhân và Phi Loan quận chúa nức nở khóc hoài. Nàng Hạng Ngọc Thanh nghĩ càng bội phần chua xót, hai hàng nước mắt cũng lã chã tuôn rơi. Thành ra mọi người đều khóc, không ai khuyên giải cả. Bỗng có Phạm lão bà bước vào khuyên giải mà rằng:
- Ngày nay đã có Mạnh vương phi tới đây thì chắc thế nào toàn gia họ Hùng ta đây cũng được ân xá, vậy ta nên giữ vàng gìn ngọc, chớ khóc lóc cho hao tổn tinh thần. Tôi có nấu nồi cháo đem sang đây, xin mời người hãy gượng xơi một bát.
Nói xong, liền ẵm lấy tiểu công tử, rồi bảo nàng Hạng Ngọc Thanh bưng cháo mời vợ chồng Hùng vương. Trong khi mọi người gượng ngồi ăn cháo thì Phạm lão bà bảo nàng Hạng Ngọc Thanh rằng:
- Không phải tôi hay nói lôi thôi, nhưng cứ như nương tử thì thật tự mình cầu lấy sự khổ não. Phu nhân và quận chúa đây đã từng được hưởng những vinh hoa phú quý của vương phủ, ngày nay chịu khổ đã cam, còn như nương tử chưa cùng quốc cữu thành thân mà cũng nguyện vào nhà giam thì sự khổ não này lại càng đắng thương lắm vậy.
Nàng Hạng Ngọc Thanh chưa kịp trả lời thì Lương Cẩm Hà phu nhân ứa nước mắt khóc mà rằng:
- Phạm lão bà ơi! Nàng Hạng Ngọc Thanh đây không phải là người thường vậy. Chẳng qua trời còn có lòng thương nhà họ Hùng tôi mà sai nàng làm một vị cứu tinh đó thôi. Nếu không có nàng vào đây thì tiểu công tử này còn đâu đến ngày nay, âu là chờ khi phu quân tôi về, tôi sẽ xin nhường nàng làm chính thất.
Nàng Hạng Ngọc Thanh khóc mà thưa rằng:
- Phu nhân ơi! Xin phu nhân chớ nói như thế. Ơn quốc cữu đối với tôi thuở xưa, chưa biết thế nào mà nói cho xiết. Việc quốc cữu bỏ nghìn vàng ra chuộc tôi, còn là việc nhỏ chứ bảo toàn cho thân danh tôi được trong sạch thì ơn ấy mới thật là to. Ngày nay tôi dẫu thịt nát xương mòn cũng chưa đủ báo đáp. Phu nhân đãi tôi như thế này, nghĩ đã quá phận lắm rồi.
Lương Cẩm Hà phu nhân gật đầu khen phải mà rằng:
- Nàng Hạng Ngọc Thanh ơi! Như nàng thật là chẳng những giữ được một lòng trinh tiết mà thôi, lại còn khôn ngoan rất mực nói năng phải lời vậy.
Khi ăn cháo xong, Phạm lão bà thu nhặt bát dĩa, rồi cáo từ lui ra.Bấy giờ Vệ Dũng Nga vương phi mới thuật những lời Mạnh Lệ Quân khóc than nơi pháp trường cho mọi người nghe và bảo rằng:
- Việc này ta chắc là mưu kế của Mạnh vương phi, chưa biết triều đình xử trí ra thế nào, nhưng ta thiết tưởng hà tất phải như thế. Khi Mạnh vương phi khóc than kể lể, thật đã vay đắng muôn vàng vậy.
Lương Cẩm Hà phu nhân nói:
- Con thiết tưởng ta cũng không nên ngờ cữu mẫu.
Vệ Dũng Nga vương phi lại nói:
- Ta dẫu không ngờ, nhưng bấy giờ ta còn biết trả lời thế nào cho được.
Phi Loan quận chúa nghe nói, khác nào như dao cắt vào ruột, giọt châu lã chã khôn cầm. Vệ Dũng Nga vương phi thấy vậy ngoảnh lại bảo Phi Loan quận chúa rằng:
- Điệt nữ ơi! Điệt nữ hãy nghe ta nói. Ngày nay Mạnh vương phi tới đây, nếu có sai người đón con thì con nên về. Cứ theo luật hễ chưa làm lễ cưới, chưa có thể gọi là vợ được. Huống chi thuở trước vương phi gởi điệt nữ ở tạm nhà ta, hà tất điệt nữ khư khư mà giữ cái tiểu tiết ấy cho uổng phí một đời xuân xanh, khiến ta trong lòng luống những áy náy không yên vậy.
Phi Loan quận chúa khóc mà đáp rằng:
- Cô mẫu ơi! Con đã theo vào nơi ngục thất này, trừ phi khi nào toàn gia họ Hùng cùng được ân xá, bấy giờ con mới trở về, nếu không thì quyết không bao giờ con lại theo thân mẫu con mà về trước. Nàng Hạng Ngọc Thanh còn biết tình nguyện vào nhà giam, sao cô mẫu nỡ bảo con như thế. Giả sử thân mẫu con và các anh con có đến đón, con cũng quyết xin liều chết mà theo họ Hùng ở trong ngục này.
Phi Loan quận chúa nói xong, nức nở khóc hoài, nàng Hạng Ngọc Thanh lại tìm lời khuyên giải. Vệ Dũng Nga vương phi vẫn còn oán trách Mạnh Lệ Quân:
- Họ Mạnh vốn là một người tàn nhẫn, thuở xưa đối với hai thân và phu quân cũng hờ hững như không, cho nên ngày nay sinh được một đứa nữ nhi, lại độc ác bội phần vậy. Vì nó mà khiến cho thượng hoàng phải bỏ đi, thái hậu thì nằm bẹp một chỗ, bao nhiêu quyền chính về tay nó tất cả. Nó cũng chẳng kém chi Võ hậu, thật quả như lời Triệu Câu nói năm trước. Toàn gia họ Hùng chỉ vì họ Mạnh làm hại, đến nỗi như thế, thế mà lại còn giả nhân giả nghĩa, khéo đem mấy hàng nước mắt để khóc hão thương vờ.
Vệ Dũng Nga vương phi nghĩ quanh nghĩ quẩn, suốt đêm không ngủ. Sáng hôm sau, Vệ Dũng Nga vương phi đi ra phòng ngoài, trông thấy Hùng Hiệu chưa dậy, liền chạy đến gần, lạy gọi mà bảo rằng:
- Phu quân ơi! Sao hôm nay phu quân dậy trưa như thế, hay là trong mình mệt nhọc đó chăng?
Hùng Hiệu nghe tiếng gọi, bừng mở mắt dậy, trông thấy Vệ Dũng Nga vương phi nước mắt chạy quanh, mới kinh ngạc mà hỏi rằng:
- Phu nhân ơi! Sao hôm nay phu nhân dậy sớm thế? Chẳng hay có việc chi?
Hùng Hiệu vừa nói vừa đứng dậy mặc áo. Vệ Dũng Nga vương phi lại khóc than kể lể và có ý oán giận Mạnh Lệ Quân. Hùng Hiệu cả cười mà rằng:
- Phu nhân ơi! Phu nhân đẹp duyên cùng tôi trong bấy nhiêu năm, tôi thường kính phục phu nhân là một bậc nữ anh hùng, cớ sao ngày nay lại có kiến thức trẻ con như vậy. Hai vợ chồng ta không nên oán giận họ Mạnh, vì từ năm xưa họ Mạnh vẫn không thuận cho con Phi Giao vào cung. Sinh con ai có sinh lòng, họ Mạnh cũng chẳng muốn chi thế. Nếu phu nhân có lòng oán giận thì cái độ lượng há chẳng cũng có phần nhỏ nhen lắm ru!
Hùng Hiệu nói xong, Vệ Dũng Nga lại thở ngắn than dài mà rằng:
- Đã đành ta không dám oán ai, nhưng ta chỉ thương xót thay cho mấy kẻ vô tội kia mà cũng phải chịu trăm chiều cực khổ. Chồng nam vợ bắc, biết bao giờ cho được sum họp một nhà.
Hai vợ chồng đang chuyện trò cùng nhau thì bỗng thấy tên ngục tốt đưa một người gia tướng nhà Hoàng Phủ vào. Hùng Hiệu nhìn mặt, tức là Tôn Vượng. Tôn Vượng thò tay vào trong mình, lấy ra một phong thư và hai gói bạc đệ trình mà bẩm rằng:
- Dám bẩm vương gia và vương phi! Hai quốc cữu tôi vẫn có lòng nhớ mến, nhưng vì tị hiềm, cho nên chưa dám đến đây, đợi khi nào thánh thượng hồi tâm, bấy giờ sẽ xin vào bái kiến.
Hùng Hiệu thở dài mà rằng:
- Hai quốc cữu lại còn nhớ đến ta. Nhưng ta đã không thiết sống thì việc gì ta cũng không muốn hỏi đến. Ta chỉ xin hỏi việc Hoàng Phủ Tương vương đi tìm thượng hoàng, sự thể ra thế nào?
Tôn Vượng chắp tay thuật hết hết đầu đuôi mọi việc cho Hùng Hiệu nghe. Hùng Hiệu nghe nói cả mừng mà rằng:
- Nếu vậy hay! Hoàng Phủ Tương vương thật là một người bạn tốt của Hùng Hiệu này!
Nói xong, nghoảnh lại bảo Vệ Dũng Nga vương phi rằng:
- Phu nhân ơi! Phu nhân nghe nói mà mà coi, có phải Hoàng Phủ Tương vương là người một lòng trung thành không! Còn như vợ chồng ta thì tội ác khó lòng khoan thứ được. Đã không trừ nỗi bọn quyền gian cho nước, lại không biết liều mình đi tìm thượng hoàng, để đến nỗi bây giờ lực kiệt thế cùng, chỉ đành ngồi khoanh tay mà thở ngắn than dài vậy.
Vệ Dũng Nga vương phi bấy giờ cũng khóc mà rằng:
- Hoàng Phủ Thiếu Hoa em ơi! Hai chữ “trung hiếu” em thật không hổ thẹn. Nhưng không biết cớ chi em lại sinh ra một đứa con gái yêu quái ấy, chẳng giống tính cha chút nào!
Tôn Vượng lại thuật cho vợ chồng Hùng Hiệu biết rằng hôm trước có quan khâm sai đến bắt, phò mã Triệu Câu nói dối là Hùng Khởi Thần đi sang thăm ông cậu ở Giang Ninh, nhưng kỳ thực thì Mạnh vương phi đã bày mưu lập kế cho Hùng Khởi Thần theo Mạnh Khôi trốn sang Vân Nam từ trước. Hùng Hiệu thở dài mà rằng:
- Ta vẫn biết Mạnh vương phi là một người tài trí cao rộng, cho nên ta mới đem Hùng Khởi Thần mà phó thác nhờ trông nom cho.
Tôn Vượng lại thuật cho biết việc phò mã Triệu Câu đang ra sức luyện tập quân mã để phòng khi có việc. Bấy giờ Vệ Dũng Nga vương phi mới nguôi cơn giận mà rằng:
- Nếu vậy thì một nhà Hoàng Phủ quả nhiên giữ trọn được bốn chữ “Trung hiếu tiết nghĩa”. Ta nghĩ lại hổ thẹn với Tô Ánh Tuyết phu nhân, vì ta mà khiến cho con gái phu nhân cũng bị cực khổ ở nơi ngục thất này.
Tôn Vượng cáo từ lui ra. Bấy giờ có tiền bạc của Triệu Lân và Triệu Phượng gởi vào, cho nên các đồ thực dụng không thiếu thứ gì. Thủ ngục quan và các ngục tốt lại hết sức phụng thừa, không dám trễ nảy như trước. Cách ba hôm sau, có thánh chỉ đến, vợ chồng Hùng Hiệu mặc áo tù nhân mà ra nghênh tiếp. Nội giám Lã Xương mở thánh chỉ ra tuyên đọc như sau:
“Thừa thiên hưng vận, hoàng đế chiếu rằng:
Cứ như tội ác của Hùng Hiệu và vợ là Vệ Dũng Nga đáng lẽ phải tức khắc đem ra hành hình. Nhưng trẫm hãy rộng lượng bao dung, đợi khi thượng hoàng về đây, bấy giờ sẽ xét xử. Nay tạm tha vợ chồng Hùng Hiệu không phải mặc áo tù nhân như trước, cho được tự do trong mấy gian nhà nhỏ, để mà sửa mình đổi lỗi.
Nếu vợ chồng Hùng Hiệu còn có lòng phản nghịch, xét được chứng cứ rõ ràng thì bấy giờ quyết không khoan thứ. Khâm tai”
Vợ chồng Hùng Hiệu lạy tạ thánh chỉ. Nội giám Lã Xương lại bẩm rằng:
- Dám bẩm vương gia! Đã mấy năm nay tôi không được thừa tiếp tôn nhan, vẫn lấy làm nhớ mến. Hôm nay tôi cố xin phụng chỉ tới đây là có ý muốn nói riêng mấy việc trong cung để vương gia vùng vương phi biết.
Vợ chồng Hùng Hiệu bảo mọi người lui tránh, rồi mời Lã Xương ngồi. Lã Xương thuật chuyện Hùng hậu nhờ có thái hậu đem về nội cung chữa thuốc, nhưng long thai cũng không bảo toàn được. Ngày nay bệnh tình thái hậu hiện đang rất nguy kịch.v.v... Vợ chồng Hùng Hiệu nghe nói đều ngẩn mặt nhìn nhau mà rằng:
- Thái hậu nguy kịch như thế, mà thánh thượng vẫn say đắm chưa tỉnh. Vợ chồng Hùng Hiệu ngày chết vẫn không tiếc, chỉ sợ rằng cha con Đồ Man Hưng Phục nhân cơ hội này chiếm đoạt ngôi trời, Phi Giao hoàng hậu mắc kế quân gian mà không tự biết vậy.
Lã Xương lại thuật chuyện Mạnh Lệ Quân bị giam cấm ở trong cung. Hai quốc cữu Triệu Phượng và Triệu Lân đêm qua xin vào vấn an mà cũng không được. Phi Giao hoàng hậu lại giả nhân giả nghĩa, đặt tiệc ở trong cung mời hai quốc cữu. Hai quốc cữu cố tâu xin Phi Giao hoàng hậu phải tha cho họ Hùng thì nhà Hoàng Phủ mới khỏi bị thiên hạ thóa mạ. Phi Giao hoàng hậu chỉ sợ vương gia và vương phi có sức khỏe địch nổi muôn người, cho nên chưa dám khoan thứ. Hai quốc cữu xin đem tính mệnh mà bảo nhận rằng họ Hùng quyết không có lòng phản nghịch. Hai quốc cữu lại nói: “Chẳng lẽ anh em ruột thịt trong nhà không ủng hộ cho nhau mà lại đi ủng hộ người ngoài hay sao! Hoàng hậu ngự ngôi chí tôn là một điều vinh quý cho nhà Hoàng Phủ. Nếu họ Hùng đắc chí thì thần đẳng khi nào được vẻ vang là hàng quốc thích hoàng thân vậy.” Phi Giao hoàng hậu nghe hai quốc cữu nói như thế, bấy giờ mới vui cười mà rằng: “ Nếu anh em ta biết cùng nhâu một lòng thì còn nói chi nữa! Vì thế mới có đạo thánh chỉ này. Hai quốc cữu lại gởi lời tôi đến bẩm vương gia và vương phi hãy cứ yên lòng, đợi khi thượng hoàng về triều, bấy giờ sẽ được thị phi biện bạch.
Vợ chồng Hùng Hiệu lẩm nhẩm gật đầu mà rằng:
- Nếu vậy thì mới không hổ thẹn là con nhà Hoàng Phủ!
Lã Xương lại xin phép yết kiến Phi Loan quận chúa. Vợ chồng Hùng Hiệu truyền gọi Phi Loan quận chúa ra. Lã Xương nói:
- Dám bẩm quận chúa! Thái hậu và Mạnh vương phi nếu trông thấy quận chúa lam lũ thế này, tất lấy làm đau lòng. Nhưng thôi quận chúa cũng chớ nên oán trời, chẳng qua chỉ tại Phi Giao hoàng hậu gây ra tai vạ này. Phi Giao hoàng hậu thật là người nhẫn tâm thái quá.
Nói xong, lại thò tay vào trong mình lấy ra một phong thư trao cho Phi Loan quận chúa:
- Đây là phong thư của hai quốc cữu gởi cho quận chúa. Xin quận chúa mở ra xem rồi y kế mà thi hành.
Phi Loan quận chúa cầm lấy phong thư, không hề mở ra xem, liền xé nhỏ ra, rồi khóc mà bảo rằng:
- Ta nhờ nhà ngươi nói với quốc mẫu và hai quốc cữu, bây giờ không nên hỏi han gì đến ta cả, chỉ nên nghĩ kế làm sao mà khiến cho họ Hùng được ra khỏi chốn này. Cứ như bây giờ thì dẫu quốc cữu đến đây ta cũng không tiếp. Ta là một người vô tội, bao giờ họ Hùng được ân xá, bấy giờ ta mới ra. Nếu hai quốc cữu có nghĩ tình cốt nhục trong nhà thì xin lấy việc nước làm trọng.
Lại nói chuyện Hùng Khởi Thần theo Mạnh Khôi về Vân Nam, trong khi đi đường luống những thở than khóc lóc. Ngày giờ thấm thoát, bỗng đã cuối thu. Bấy giờ thuyền tới phủ Giang Ninh, Mạnh Khôi vào thành dự tiệc, Hùng Khởi Thần một mình ngồi ở dưới thuyền, nghĩ quanh nghĩ quẩn: “Nay cả nhà ta đều phải vào ngục thất, chỉ có một mình ta làn nạn tới dây. Nhưng tham sống mà xa cách cha, chẳng thà liều chết cho được sum vầy dưới gối. Nay nhân lúc anh Mạnh Khôi ta vào trong thành vắng, chi bằng ta ta trẩy thuyền tiến kinh, rồi tình nguyện vào nhà giam cho được gặp mặt cha mẹ. Ngặt vì nỗi còn có Chu Thống theo đó, âu là ta phải lập kế sai hắn đi chỗ khác mới xong.” Hùng Khởi Thần nghĩ vậy, mới gọi Chu Thông vào mà bảo rằng:
Bây giờ anh Mạnh Khôi ta đi vắng, nhà ngươi nên mua giúp ta mấy thứ thực phẩm gì để ta uống rượu cho đỡ buồn.
Chu Thống nói:
- Các thứ thực phẩm trong thuyền đều có sẵn cả, can chi mà phải đi mua.
Hùng Khởi Thần nói:
- Ta ăn khô khan lắm, không thể chịu được, trong lòng rất lấy làm phiền muộn. Ta chỉ muốn ăn một vài quả lê hay quả cam gì đó mà thôi.
Chu Thống nói:
- Nếu vậy để tôi xin lên bộ đi mua.
Chu Thông nói xong, vội vàng cầm tiền đi ngay. Bấy giờ các thủy thủ đều đi vắng cả, gia tướng nhà họ Mạnh cũng đều đi theo hầu Mạnh Khôi. Hùng Khởi Thần cởi thuyền buông theo dòng nước, dẫu muốn tiến kinh, nhưng không biết đi lối nào. Lại sợ người nhà họ Mạnh đuổi theo, mới thuyền vào một nơi rừng rậm ở phía chân núi. Hùng Khởi Thần cắm thuyền bỏ đó, rồi lóp ngóp trèo lên, ruột đói như cào, vừa trèo vừa thở, nghe trong lòng đã mệt nhọc, mồ hôi ướt đầm. Bấy giờ trời tối đen, gió động cành cây, có tiếng sột soạt. Hùng Khởi Thần nghĩ thầm: “Quái lạ! Hay là có giống sài lang hổ báo chi đây! Nếu vậy thì ta khó lòng mà sinh toàn được. Thôi thôi cũng liều một chết, ai ngờ ta lại về trước ở nơi chín suối mà đợi hai thân”. Hùng Khởi Thần mệt quá, không thể đi được nữa, chịu nằm lăn ra đấy. Đang trong mơ mơ màng màng thì bỗng nghe có tiếng người lao nhao: Kẻ thì bảo người này chết rồi, kẻ thì bảo con mắt hãy còn mở. Chúng soi đèn đốt đuốc, kéo đến khám trong mình Hùng Khởi Thần, thấy có tiền đều chia nhau mà lấy. Chúng lại khám thấy tập tranh “Bách mỹ” cũng lấy đem đi, Hùng Khởi Thần cố gượng ngồi dậy, trông thấy ở trên đỉnh núi ánh lửa sáng rực, lại nghe có tiếng người bàn nói, không hiểu câu gì. Hùng Khởi Thần nghĩ thầm:
- Bọn này chắc là bọn cướp, nếu chúng bắt ta, quyết không khi nào để cho cho ta được toàn. Chi bằng ta nhân lúc chúng quay đi này mà lẩn trốn một nơi, họa may mới khỏi chết. Hùng Khởi Thần nghĩ vậy, liền đứng dậy toan chạy, nhưng bước không vững lại ngã gục xuống đấy. Chúng thấy vậy kéo ồ cả đến, bảo nhau bắt lấy để đem vào nhà nộp lão gia. Bấy giờ chúng xúm lại khiêng Hùng Khởi Thần đem lên trên đỉnh núi. Khi tới nơi trông thấy một viên võ tướng quân, thân thể tráng kiện, ước độ khoảng bốn mươi tuổi. Mình mặc áo tố bào, lưng đeo cung tên, lại có mấy chục gia binh đứng sắp hàng chung quanh. Viên tướng quân ấy đang cầm tập tranh tranh “Bách mỹ” mà ngắm nghía. Chúng đặt Hùng Khởi Thần xuống đây, rồi quỳ bẩm:
- Bẩm lão gia! Chính người này lấy trộm tập tranh “Bách mỹ”, chúng tôi đã bắt đem về đây, để lão gia xử phán.
Viên tướng quân ấy nhìn mặt Hùng Khởi Thần có ý ngần ngại, ngờ là ngoại sanh của mình, nhưng vì cách biệt đã sáu năm nay, cho nên chưa nhận được chắc. Bấy giờ cũng giả cách nổi giận mà mắng rằng:
- Đứa gia tặc kia dám lấy trộm tập tranh “Bách mỹ”, trong bấy nhiêu lâu, lẩn trốn nơi nào, ngày nay bỗng lại sa vào tay ta, thế mới thật là lưới trời khó tránh vậy. Họ tên là gì? Phải mau mau thú thật.
Hùng Khởi Thần nghe nói, đã toan cãi lại, nhưng bấy giờ người mệt nhọc quá, nói không ra tiếng. Nghĩ quanh nghĩ quẩn đành nhắm mắt nín lặng, tha hồ cho chúng muốn làm gì thì làm. Viên tướng quân bảo các gia đem về phủ. Chúng lại khiêng Hùng Khởi Thần đi. Đi độ mấy dặm đường đem vào một toà nhà lớn.