Chương 19
Quyển II - Đoạn kết

Quí với Hường gây cảm tình cùng nhau từ ngày còn ngây thơ.
Theo Quí thì Quí yêu Hường cũng như người anh trai yêu người em gái, xa nhau thì nhớ, gần nhau thì vui. Yêu ấy cũng thân thiết, cũng nồng nàn, nhưng yêu thẳng ngay, trong sạch, không có gian, không vì nhục dục, như thứ yêu nhảm nhí mà hạng thanh niên nam nữ thời nay thường gọi là « ái tình » đó vậy.
Xa cách nhau đến mười hai năm, Quí mới trở về. Quí với Hường gặp nhau lại. Bây giờ hai người đã lớn rồi. Nhưng mà tình vẫn còn nồng nàn, lòng vẫn còn mừng rỡ như xưa.
Giả dạng nghèo nàng về ở Càng Long gần hai tháng nay, Quí được biết Hường quyết chờ mình chớ không chê mà đổi ý.
Thuở nay Quí đặt tất cả tâm trí vào sự tập thân thành danh; lửa ái tình chưa hề có nhen nhóm trong lòng Quí. Cách mấy bữa trước nghe Hường bày tỏ chơn tình với mình thì Quí cảm động vô cùng. Hễ nằm một mình thì Quí cứ tự hỏi thầm trong trí mấy câu này.
« Mình đã lãnh một nghĩa vụ của ông La-Co phú thác. Mình có nên cưới cô Hường làm vợ rồi tỏ thiệt mọi việc cho cô hiểu mà cậy cô giúp với mình đặng tròn nghĩa vụ ấy hay không? Cô với mình học thức bất đồng, chí hướng cũng bất đồng, hai người có thể hiệp hòa mà lo làm nghĩa vụ ấy hay không? Được lên địa vị cao sang, ở nhà tốt, có tiền nhiều cô sẽ lên mày, lên mặt, đổi tánh tình, rồi dùng ám lực của tình yêu mà hấp dẫn lôi cuốn mình qua đường xa hoa mà bỏ phế nghĩa vụ hay không? »
Đó là mấy câu Quí tự hỏi mà không trả lời được, bởi vậy mẹ con dì Ba Thới rủ đi tìm xem đền đài, Quí không sốt sắng. Xuống xem rồi, Quí đi tìm ông thầy cũ đặng tỏ tâm sự cho ông nghe, và hỏi ông có nên cưới cô Hường để chia sớt gánh nặng với mình hay không.
Thầy nhứt Vĩnh thấy cô Hường chứa chan tình nghĩa, song thiếu thốn giáo dục nên thầy cứ nói phân hai, cứ bàn cô Hường có chỗ hay và có chỗ không hay, cứ khuyên Quí phải suy nghĩ mà liệu lấy, chớ vì nghĩa vụ của mình nặng nề nên thầy không dám xúi, mà cũng vì tình nghĩa của Hường tràn trề nên thầy không nỡ cản.
Cách dè dặt của thầy nhứt Vĩnh đã không rọi vào trí của Quí được một tia sáng nào, mà lại làm cho mù mịt thêm, làm cho càng thêm bối rối. Nếu không cưới Hường thì thành ra là người bất nghĩa vô tình.
Mà chừng mình đổi dạng thay tên, mang cái danh Kỹ sư La-Co, về ở đền đài nguy nga, thâu xuất bạc triệu, thì thiên hạ họ lại chê cười mình được sang quên hèn, được giàu phụ khó!
Vì bối rối đó mà buổi chiều, Quí ở Trà Vinh về Quí đi luôn về nhà, không muốn ghé tiệm dì Ba Thới. Mà khi về tới nhà, Ba Mùi hỏi đi xem đền đài tốt lắm phải hay không, thì Quí nói lơ là, coi bộ không thỏa thích, chớ không phải như Mỹ từ hồi trưa cứ tán dương công cuộc kinh dinh đồ đạc Quí báu, ông xếp tử tế dắt đi coi cùng hết, mời uống rượu, lại còn đưa xe xuống chợ Trà Vinh.
Quí lửng lơ suy nghĩ trót 2 ngày. Buổi chiều ăn cơm rồi, chàng ra đứng ngoài cửa ngõ. Một đứa nhỏ cưỡi một con trâu lớn và dắt hai con nhỏ ở dưới mẫu băng lên dồng, nó cất tiếng mà hát:
Anh ơi, anh đừng ham đó bỏ đây,
Được lê anh quên lựu, có trăng anh phụ đèn.
Câu hát nầy từ nhỏ Quí thường nghe, nên không lạ gì. Nhưng hôm nay Quí nghe rồi xúc động trong lòng.
Quí ngước mắt ngó vào phía ngã ba Suối Cạn và cương quyết nói trong trí:
- Tôi không thể bỏ Hường! Tôi không nên phụ Hường! Nếu tôi không chịu đền đáp tình dài nghĩa nặng của Hường thì tôi là một thằng trai vong tình bội nghĩa, xấu hổ lắm! Khiếp nhược lắm! Tôi phải cưới Hường, không được bỏ.
Quí xăng xớm đi vô tiệm dì Ba Thới. Mặt trời chen lặn. Chim cò đi kiếm ăn, thấy gần tối nên bay về ổ đóng trong mấy lùm cây lớn chung quanh đình An Trường. Dì Ba Thới đứng chơi ngoài sân, thấy Quí lơn tơn vô, thì dì mừng nên nói lớn:
- Dữ hôn! Làm gì về hai bữa rày rồi biệt mất, không vô nói chuyện chơi vậy con?
Quí cười rồi đi thẳng vô tiệm, không trả lời. Dì Ba theo vô nhà và nói tiếp:
- Con Hường đi coi hổm nay nó khen tốt đã đành, nó cằn nhằn, nó nói họ có tiền bạc nhiều, họ vãi ra làm việc vô ích. Có tiền nhiều thì cất một cái nhà vừa vừa đủ ở, còn dư thì giúp kẻ nghèo nàn thiếu thốn phải có ơn hơn hay không.
Quí đi ngay lại cái võng vừa nằm vừa nói:
- Ông xếp có chỉ miếng đất lớn phía sau mà nói sẽ cất nhà mà nuôi trẻ mồ côi, lập trường dạy học chữ, học nghề, vậy thì được lắm, chớ sao lại chê người ta làm việc vô ích.
Hường ở trong bước ra hỏi:
- Có anh Quí vô hả? Đi coi rồi về sao trốn mất, không vô nói chuyện chơi vậy anh Quí?
Quí cười mà đáp:
- Về rồi mắc có chuyện nhà. Mà coi cho biết vậy thôi, chớ có chuyện chi đâu mà nói.
- Thiệt việc người ta làm quá trời quá đất, mình đâu dám khen chê. Nhưng coi rồi mình cũng nên bàn luận chơi mới được chớ.
- Chị Mỹ chỉ khen quá, phải hôn em?
- Thuở nay chỉ có thấy gì đâu mà không khen. Chỉ được biết chợ Trà Vinh chỉ khoái hết sức.
- Tội nghiệp chỉ quê mùa quá. Từ rày sắp lên anh ở nhà, anh dắt chỉ đi chỗ nầy chỗ kia chơi cho chỉ biết với người ta.
- Trời ơi! Đi chơi phải tốn tiền dữ lắm. Giàu có gì mà đi chơi.
Dì Ba Thới nói:
- Thiệt vậy, phải giàu mới đi chơi được chớ, nghèo thì có bạc tiền gì đâu mà đi.
Hường hỏi:
- Anh muốn uống nước trà hôn? Như muốn thì em cậy chị Điệu nấu nước.
Quí lật đật nói:
- Thôi, thôi, qua ăn cơm uống nước rồi, nên chưa khát.
Hường cười và nói:
- Vậy để em đốt đèn cho sáng rồi em hỏi anh ít chuyện.
Hường lại bàn thờ để bưng đèn toạ đăng đem để trên bàn, rồi ngồi quẹt hộp quẹt mà đốt. Dì Ba Thới nằm trên ván gần đó mà nói:
- Hổm nầy dì nghĩ không ra. Ông nào đó muốn sắm cuộc ở làm chi mà dữ tợn vậy. Muốn cất nhà tốt đặng ở chơi cho sung sướng, sao không cất trên Sài-Gòn, lại cất chỗ đó? Kỳ quá, hiểu không nổi.
Hường cười mà hỏi Quí:
- Anh hiểu tại sao họ cất chỗ đó hay không anh Quí?
- Làm sao qua hiểu được. Tại sao em hỏi qua như vậy?
- Thấy anh nói chuyện nhiều với ông xếp, em tưởng ổng có nói với anh.
- Ổng không có nói. Mà qua cũng không có hỏi. Chuyện của người ta mình được xem là may, tìm hiểu ý của chủ nhà làm chi.
- Cũng nên hỏi cho biết chớ, hổm nay em trông gặp anh, đặng em hỏi ít chuyện. Anh cho phép em hỏi hay không?
- Em muốn hỏi việc chi thì cứ hỏi đi.
- Trước hết em hỏi anh việc nầy -- hôm trước mỗi lần má em hoặc em cậy anh dắt đi coi đền đài, thì anh không được sốt sắng. Rồi bữa nọ, xuống chỗ đó, ai thấy việc kinh dinh, đồ đạc thứ nào cũng đẹp, thì trầm trồ khen ngợi, duy có một mình anh lơ lãng, bộ buồn hiu. Tại sao vậy?
- Em thấy qua buồn hay sao?
- Thấy chớ. Má em với chị Mỹ cũng đều thấy anh buồn, chớ có phải một mình em thấy đâu.
- Qua đã nói với em, qua có cặp mắt khác hơn người ta. Cặp mắt qua đã từng thấy đủ thứ hết, thấy tốt, thấy xấu, thấy dữ, thấy ngay, thấy gian, bởi vậy qua thấy không còn ưa hay ghét thứ gì, khen hay chê ai nữa. Huống chi phận qua nghèo, qua thấy nhà kinh dinh, đồ lộng lẫy, qua vui làm sao cho được mà em biểu qua vui.
- Mình không thể sắm nổi đồ quý. Mình thấy người ta sắm được thì mình mừng dùm cho người ta. Nếu mình thấy rồi mình buồn, té ra mình có lòng đố kỵ hay sao?
- Em nghĩ như vậy thì đúng lắm. Đố kỵ là tánh thường tình của con người. Qua buồn có lẽ cũng vì đố kỵ nhiều ít. Mà điều qua chắc chắn là tại cặp mắt qua thấy đủ thứ hết rồi, nên không còn biết chi là đáng vui hay đáng buồn nữa.
- Anh quen ông xếp ở đó?
- Không quen.
- Không quen sao ra mở cửa, ổng thấy anh ổng dỡ nón ổng chào, rồi hồi uống rượu ổng cứ theo nói chuyện với anh?
- Tại qua biết nói tiếng Pháp nên ổng ưa nói chuyện với qua chớ sao.
- Em tưởng có cái gì khác chớ không phải vậy?
- Có cái gì?
- Nói chuyện với anh mà bộ ổng kính nhường anh lắm.
- Người có lễ giáo hễ nói chuyện với khách thì phải vậy chớ sao.
- Hứ! Không phải… Mấy bà con em về rồi, anh có gặp ông xếp đó nữa hay không?
- Không, xe chạy rồi, qua đi kiếm nhà thầy Nhứt Vĩnh qua thăm, ở nói chuyện tới chuyến xe chót mới về.
- Má em chắc anh về anh ghé, nên biểu chờ anh về rồi sẽ dọn cơm đặng mời anh ăn luôn thể. Té ra xe về mà chạy luôn không ghé. Em thấy anh ngồi trên xe, nhưng chạy ra không kịp mà kêu.
- Tại qua thăm thầy qua, thầy thuật mọi việc ở nhà cho qua nghe. Qua buồn quá nên qua về luôn. Mấy bữa rồi cũng vì buồn nên qua không đi đâu hết.
Dì Ba Thới ngồi dậy mà nói:
- Thì chuyện như vậy đó, dì đã nói đủ cho con nghe hết rồi, có gì đâu mà buồn.
- Tuy vậy mà nghe thầy con nhắc lại rồi con cũng buồn nhớ.
- Thôi chuyện đã qua rồi, con nên quên phứt đi, để trí cho vui mà lo chuyện sắp tới. Việc nhà con, con đã sắp đặt lại, dì coi được lắm. Bây giờ con lo làm ruộng trồng rẫy, con gắng công chịu cực là một năm có lẽ con sẽ phục nghiệp cũ lại được, không khó gì đâu.
- Thưa dì, bữa nay có sẵn dì với em Hường đủ mặt, con muốn hỏi thăm dì một việc coi dì liệu lẽ nào.
- Hỏi thăm việc gì?
- Hôm trước đi đám giỗ về, con ghé đây, không có dì ở nhà. Con nói chuyện với em Hường. Em chịu thiệt với con rằng trong 12 năm nay em không chịu lấy chồng là vì em chờ con.
- Thì nó chờ con chớ sao.
- Con có hỏi em -- bây giờ con trở về với hai bàn tay không, con nghèo lắm, em có đành làm vợ con hay không, thì em nói nghèo giàu gì em cũng đành hết thảy.
- Nghèo nỗi gì? Con ở nhà thờ, con hưởng 12 mẫu ruộng hương hỏa sao lại gọi rằng nghèo? Vợ chồng có bao nhiêu đó cũng đủ sống với cảnh đời thong thả. Còn nếu cần kiệm gắng công mà làm, thì cũng có thể thành một nhà giàu nho nhỏ được lắm.
- Dì cũng bằng lòng gã em Hường cho con hay sao?
- Sao lại không bằng lòng? Dì đã có ý đó từ khi hai đứa còn nhỏ kìa chớ. Tại con bỏ đi mất nên câu chuyện phải dẹp mà chờ.
- Con rất cám ơn dì.
- Con muốn cưới chừng nào cũng được. Nhưng tốt hơn là cưới sớm sớm, đặng mùa mưa sắp tới đây vợ chồng hiệp nhau làm ruộng trồng rẫy cho khỏi trễ.
- Thưa, hiện giờ con chưa có tiền. Ông chủ cũ của con có hứa gởi tiền cho con, mà con chờ hai tháng rồi chưa thấy gì hết.
- Đám cưới làm sơ sài cho có lệ vậy thôi. Làm rình rang làm chi cho tốn hao.
- Thưa, cũng phải sắm áo quần, cũng phải có đôi bông với nữ trang chút đỉnh mới được chớ. Lại đám cưới phải nhóm họ, nếu không mời hết cả làng thì cũng phải mời nhóm vài người thân thiết, chớ làm âm thầm quá cũng tội nghiệp cho phận em Hường.
- Ôi! Đời nầy mà cần gì. Vợ chồng thương nhau là quý hơn hết. Dì gả dì không đòi gì hết. Nếu con có dư dả thì đi một cặp áo với một đôi bông hột trai đáng năm mười đồng vậy thôi. Còn nếu nhóm họ thì mời năm bảy người cũng được, cần gì phải mời đông.
- Dì nói như vậy, thôi để chờ ít bữa coi rồi sẽ tính. Nếu con không được thơ, có lẽ con phải lên Sài Gòn ít bữa đặng cậy người ta gởi thơ thúc ông chủ cũ con.
Cô Hường nghe Quí tính cưới thì cô chúm chím cười mà hỏi:
- Anh cưới em rồi anh vô đây ở, hay là em phải theo anh về nhà anh?
- Qua ăn hương hỏa ở nhà thờ, hễ qua cưới vợ thì vợ qua phải về ở nhà thờ đặng lo cúng quảy ông bà. Qua bỏ nhà thờ vô ở đây sao được.
- Vậy thì em phải bỏ má em, chắc má em buồn dữ.
Dì Ba nói:
- Dữ hôn! Về nhà chồng ở một bên, về đây xa xắc gì mà buồn.
Quí ngồi dậy đi lại gần đèn mà nói:
- Con gái hễ xuất giá thì phải tùng phu. Qua cưới em rồi, nếu qua muốn đi bên Tây bên Tàu, thì em cũng phải đi theo qua, em mất hết tự do mà không được cãi.
Hường cười mà nói:
- Trời ơi! Lấy chồng chớ phải bán mọi hay sao? Sắp lấy chồng mà nghe nói nghê quá.
Quí cũng cười mà đáp:”
- Ghê lắm mà. Để thủng thẳng rồi sẽ biết.
Dì Ba Thới kêu cô Điệu biểu nấu nước đặng chế trà uống chơi. Hường lấy dĩa sắp bánh đãi Quí. Quí ăn bánh ngọt uống trà Tàu, nói chuyện chơi. Hường lập thế hỏi đón hỏi ren, có ý tìm hiểu trong 12 năm biệt tích Quí đi đâu, làm việc gì. Nhưng mưu mô của Hường không nổi. Quí cứ dùng câu pha lửng, mượn cách úp mở mà nói chuyện, chung cuộc rồi Hường cũng không biết gì hết, vẫn tưởng Quí ở đợ với người nầy, giúp công với người nọ, khi ra Bắc, lúc lên Lèo, trôi nổi theo phong trần, lặn hụp trong nghèo khổ. Quí ở chơi đến hết canh một mới về ngủ.
Mấy bữa sau Quí biểu Sen với chú Tiền đi kiếm hột dưa hột cải, đặng trời sa mưa có sẵn mà gieo trồng cho kịp thời tiết. Quí lại hay vô trong nhà công sở của làng, khi cậy Xã trưởng cho mượn địa bộ mà coi sở ruộng 25 mẫu ở Mỹ Trường bán cho ai, còn sở 13 mẫu ở Mỹ Huê bị thi hành phát mãi bây giờ về ai làm chủ. Quí coi rồi lấy giấy biên hết, biên ngày lập tờ mua bán, biên số tiền đóng cầu chứng qua hộ. Bữa khác Quí đi kiếm Chánh lục bộ xin sao lục khai sanh, khi tử, lục khai sanh của Quí và khai tử của mẹ Quí, mà còn lục luôn khai sanh của Hường và khai tử của dượng Ba Thới nữa. Ban ngày thì Quí đi làm những việc đó, hễ chiều ăn cơm rồi thì thả vô tiệm Dì Ba Thới nằm nói chuyện chơi. Chuyện gì cũng nói nhưng giữ kín công việc riêng của Quí đã làm trong 12 năm rồi, mà lại cũng không nhắc tới việc cưới vợ. Quí tới lui như vậy đã mấy tuần, một bữa Quí đang ngồi nói chuyện với Hường, tình cờ dì Ba Thới vụt hỏi Quí:
- Hôm trước con nói con đợi ai đó gởi tiền cho con. Vậy mà họ đã gởi tới hay chưa?
- Thưa, chưa. Con trông quá mà chưa thấy gì hết. Không biết tại sao vậy. Con muốn lên Sài Gòn mượn người quen đánh dây thép nhắc coi. Ngặt đi Sài Gòn tốn hao quá, phần thì con không đủ tiền, nên con phải nằm ụ mà chịu.
- Nếu con cần đi Sài Gòn thì dì đưa tiền cho mà đi.
- Nếu dì có tiền dư cho con mựơn thì con mang ơn lắm. Chừng con lãnh tiền được con sẽ trả lại cho dì.
- Con cần dùng chừng bao nhiêu?
- Lên Sài Gòn chắc con ở trển mau lắm là mười bữa, còn có trễ lắm là nửa tháng …Ở lâu tốn hao quá…Vậy nếu có thể được xin dì cho con mượn chừng một trăm rưỡi mới đủ.
- Được mà. Con lấy hai trăm cũng được. Con tính chừng nào con đi?
- Hễ có tiền thì con đi liền.
- Vậy thì dì lấy tiền dì đưa cho con sẵn, đặng con sửa soạn rồi mai mốt con muốn đi bữa nào thì đi.
- Con có đồ đạc gì đâu mà sửa soạn. Nếu dì đưa tiền bây giờ thì sáng mai con đi liền.
Dì Ba đi vô buồng mở tủ lây tiền. Hường hỏi Quí:
- Sáng mai anh đi rồi chắc bữa nào anh trở về?
- Nói chắc ngày thì anh không thể nói được. Anh ráng làm cho mau có tiền đặng về lo đám cưới, càng sớm càng tốt.
- Anh ra đi em trông lắm. Em muốn anh định chắc ngày để em khỏi trông bậy.
- Có trễ lắm là mười lăm ngày.
- Ừ, phải nói như vậy cho em biết, đặng từ nay cho tới mười lăm bữa nữa em khỏi trông.
Dì Ba Thới đem ra đưa cho Quí hai tấm giấy săng. Quí lật đật trả lại một tấm và nói:
- Xin dì cất bớt một tấm. Nếu dì có bạc lẽ dì cho con mượn thêm năm chục mà thôi. Mượn nhiều con xài nhiều, rồi làm sao con trả nổi.
Dì Ba cười mà nói:
- Dữ hôn! Thêm có 50 mà nhiều nhõi gì.
Quí cương quyết không chịu lấy hai trăm. Dì Ba phải lấy lại một tấm giấy săng đem vô buồng, mở tủ lộp cộp một hồi nửa rồi đem ra đưa cho Quí 10 tấm giấy năm đồng. Quí xếp hết một trăm rưỡi bỏ vào túi áo rồi nói:
- Để con đi về rồi, con mới bắt đầu lo đám cưới được. Bây giờ con thấy con có nhiều việc bận rộn lắm -- may áo quần, sắm nữ trang, dọn nhà cửa, đăng bố cáo báo nhựt, mời họ hàng hai bên, đặt cỗ làm đám cưới. Phải lo trước các việc ấy cho xong, rồi mới dám định ngày cưới.
Dì Ba cười mà nói:
- Ừ, thì con về cho mau rồi sẽ hiệp với nhau mà lo.
- Thưa dì, con thấy đám cưới dâu rể đều phải bận áo rộng. Vậy phải mua hàng áo rộng đặng bận hay không dì?
- Áo rộng mình mượn của người ta bận đỡ được, cần gì phải may cho tốn hao. Bận có một lát rồi thôi, may rồi bỏ chớ có ít gì.
- Ở Trà Vinh chắc không có hàng tốt. Con tính hễ con lãnh tiền được thì con mua áo cưới trên Sài Gòn mà đem về. Cha chả không biết thợ may dưới này may khéo hay không.
- Trời ơi! Thợ may Càng Long may khéo thượng hạng mà. Ở Trà Vinh, Ất-Ếch, Tiểu Cần, mấy nhà may lớn đều đem đồ lên đây mướn may luôn luôn.
- Nếu có sẵn thợ khéo thì dễ chịu.
- Con có nói cho má thằng Sen hay con tính cưới con Hường hay không.
- Thưa, chưa nói.
- Ừ, chừng nào định ngày cưới rồi sẽ nói. Có phải mẹ ruột đâu mà phải trình thưa trước.
- Để con cho chị Hai con hay.
- Ừ, với cháu Mỹ, thì con cho nó hay trước được.
- Thôi, để con về nghỉ sớm đặng khuya con dậy sớm con đi.
- Quí từ giã ra về.
Hường đưa ra sân và dặn:
- Anh ráng về cho mau nghe hôn. Ở nhà em trông lắm.
Quí về tới nhà thấy trông nhà ngủ hết, duy có một mình cô Mỹ còn đương ngồi vá áo. Quí lại ngồi trước chị và nói nhỏ:
- Khuya nay em đi Sài Gòn chị Hai à.
Cô Mỹ buông cái áo, ngước mặt ngó em mà hỏi:
- Em đi Sài Gòn chi vậy?
- Đi mua đồ sửa soạn đặng cưới vợ.
- Vợ ở đâu mà cưới thình lình vậy?
- Chị không biết hay sao?
- Em cưới cô Hường phải hôn?
- Phải. Chị nhắm coi được hôn?
- Được lắm chớ. Hường thương em, ai cũng nói mười mấy năm nay cô chờ em nên không ưng ai hết. Em có nói với dì Ba rồi chưa?
- Rồi, Dì chịu gả, không đòi chi hết.
- Dì Ba với má hồi trước là chị em thân thiết thương nhau lắm. Dì thương chị em mình cũng như con của dì. Vậy em cưới Hường là phải.
- Em đi rồi, chị ở nhà chị đừng có nói chuyện nầy cho dì hay nghe hôn. Để em về rồi em sẽ nói.
- Em đi chừng nào em về?
- Công việc của em nhiều lắm. Em chưa biết chắc ngày nào về được. Hoặc mười bữa hoặc nửa tháng không chừng. Em phải kiếm đồ mua. Chị muốn bận áo màu nào? Nữ trang chị muốn đeo thứ gì? Chị nói cho em biết đặng em mua đem về cho chị.
- Thôi em. Tiền bạc không có. Em lo làm đám cưới, chớ lo cho chị làm chi.
- Chị khỏi lo chuyện tiền bạc. Nếu em muốn thì bao nhiêu cũng có. Nay em tính cưới vợ đây, là tính chấm dứt cái đời cực khổ của chị, và đem chị đặt vào một cảnh đời mới cho chị sung sướng, vui vẻ, hết buồn, hết lo. Chị muốn thứ gì em cũng có thể mua cho chị được hết. Chị đừng có ngại về tiền bạc.
Cô Mỹ nhìn Quí trân trân, tưởng Quí diễu cợt, nên cười mà nói:
- Chị muốn ở cái nhà như nhà mình coi bữa hôm đó. Em đủ sức sắm nổi hay không?
Quí cũng cười mà đáp:
- Chánh em cất cái nhà cho chị ở đó. Em nói thiệt, chớ không phải nói chơi đâu chị Hai.
Mỹ cười và lắc đầu nói:
- Chị diễu cợt, thiệt chị không muốn gì hết em à. Chị muốn em có vợ con, làm đủ ăn, chị em được gần nhau vậy thôi.
Bây giờ Quí mới nghiêm nghị nói:
- Buồn nói bậy chơi đặng giải khuây. Chị đừng có học mấy lời em nói đó với ai nghe hôn chị Hai. Để em đi ít bữa em về rồi sẽ hay. Khuya em có quên, chị làm ơn kêu em dậy, đặng em đi Sài Gòn cho kịp nghe hôn chị Hai.
Quí đi ngủ.
Mỹ ráng ngồi vá cho xong lỗ áo rách rồi cũng dẹp rổ may. Tắt đèn đi ngủ.
Đến nửa canh năm, nghe tiếng gà trong xóm gáy vang. Quí thức dậy đốt đèn, rồi đi rửa mặt thay đồ. Mỹ nghe động, cũng dậy nấu nước chế trà cho em uống ấm, bụng đặng ra chợ mà lên xe. Quí tom góp đồ đạc của chàng thồn vào cái giỏ mây đặng đem đi hết. Mỹ sợ em đi luôn nên nói:
- Em đi ít bữa rồi về, để bớt đồ lại nhà, đem theo làm chi cho nặng giỏ.
Quí nói:
- Có gì đâu tới nặng mà chị sợ.
Trời hừng đông, Quí kêu Sen biểu dậy xách giỏ đưa mình ra xe. Sen chưng hửng, hỏi anh đi đâu mà ra xe. Quí nói đi Sài Gòn có chuyện, đi ít bữa rồi sẽ trở về. Sen rửa mặt, bận áo, rồi đi với anh.
Mỹ đi theo hai em ra tới lộ. Quí đứng lại mà dặn chị:
- Sáng dì thức dậy, chị thưa dùm cho dì hay em đi Sài Gòn ít bữa, kiếm hột mua cho sẵn đặng trời mưa có mà gieo trồng liền.
Quí từ chị mà đi, dọc đường còn căn dặn Sen ở nhà cứ dọn dẹp nhà cửa, từ trước sân ra sau vườn, đâu đó đều phải giữ cho sạch sẽ, đừng đi chơi bời chi hết.
Quí đi Sài Gòn đủ 15 bữa rồi mà chưa về.
Vì Quí có nói là đi mau lắm là mười bữa, còn lâu lắm là mười lăm ngày, nên hôm mới đi được có 10 bữa thì cô Hường đã bắt đầu trông rồi. Hường biết mỗi ngày có hai chiếc xe chạy đường Trà Vinh – Sài Gòn. Mà chiếc xe Càng Long – Sài Gòn bận về cũng chạy luôn xuống Trà Vinh, rồi mới trở về bến, thành thử mỗi bữa trưa đều có ba chiếc xe Sài Gòn về ngã ba Suối Cạn.
Hễ nghe Sài Gòn về thì Hường ra cửa đứng ngó chừng. Quá mười lăm ngày rồi, mà không thấy Quí về, thì Hường nóng nảy, đứng ngồi không yên. Hồi trưa lúc xe Sài Gòn về, Hường thường nghểu nghển ngoài lộ, có ý dòm xe Sài Gòn về, có chiếc nào ghé trước nhà ông Bồi bái Tồn hay không, coi chừng đủ ba chiếc rồi cô mới chịu về vô nhà.
Dì Ba Thới cũng trông không được rồi buồn, thì dì khó chịu. Dì nhớ lại thì Quí đi bữa 20, nói đi lâu lắm là mười lăm bữa, mà nay đã mùng 9 rồi, sao chưa thấy về. Xế bữa đó dì che dù đi ra nhà Ba Mùi đặng hỏi Mỹ với Sen coi Quí có gởi thơ về hay không.
Ba Mùi vui vẻ tiếp dì Ba Thới, kêu Mỹ biểu coi trầu nước; chị ta lăng xăng, coi bộ mừng rỡ lắm.
Dì Ba Thới hỏi Ba Mùi:
- Quí đi Sài Gòn hổm nay nó có gởi thơ nói chừng nào về hay không?
- Không có thơ từ chi hết. Bữa nó đi, nó cũng không nói trước cho tôi hay, sáng tôi thức dậy, nghe con Mỹ nói lại tôi mới hay. Nói đi mua hột cho sẵn đặng trời mưa mà gieo trồng. Đi mua hột gì mà lâu quá không thấy về.
- Tối hôm đó nó có vô thăm tôi chơi. Nó nói sang bữa sau nó đi Sài Gòn đặng mượn đánh dây thép, biểu họ gởi tiền bạc gì đó không biết. Nó tính đi chừng mười bữa, lâu lắm là nửa tháng, mà bữa nay đã 19 ngày rồi, sau bặt tin.
- Thằng Sen nói nó đem áo quần theo hết. Tôi nghi nó đi luôn dì ba à.
- Không lý. Nếu nó đi luôn thì nó cho tôi biết, chớ nó gạt tôi làm chi.
- Nó có nói với dì nó đi làm chi và bữa nào nó về hay không?
- Có chẳng dấu dì nó làm chi, hôm trước Quí có xin tôi gả con Hường cho nó, đặng vợ chồng nó ở đây làm ruộng trồng rẫy chơi. Tôi thương nó từ hồi nhỏ đến giờ nên tôi chịu gả. Nó nói, nó đợi ông gì đó gởi tiền bạc cho nó. Hễ có tiền rồi nó sẽ lo làm đám cưới. Nó đợi hoài sao không được tiền bạc chi hết. Hôm nọ, nó mới mượn tôi chút đỉnh tiền đặng lên Sài Gòn cậy người ta đánh dây thép, nhắc ông chủ cũ của nó gởi tiền cho mau.
- Chuyện nó cưới em Hường nó cũng không có nói cho hay. Té ra nó có mượn tiền của dì Ba mà đi đó hay sao?
- Có.
- Dì Ba cho nó mượn bao nhiêu?
- Nó muợn một trăm rưỡi. Tôi đưa hai trăm. Nó không chịu, nó lấy một trăm rưỡi mà thôi.
- Nó muợn tới một trăm rưỡi, đi gần hai chục ngày mà không về, nó làm cho tôi nghi quá.
- Nghi giống gì?
- Tôi sợ nó đi luôn, nó không trở về.
- Không có lý. Nó biết tôi thương nó như con, lẽ nào nó gạt tôi. Ví như nó có bụng gian, thì nó kiếm chỗ giàu có mà gạt đặng lấy cho nhiều, chớ giựt làm chi một trăm rưỡi.
- Người giàu có ai dám đưa tiền cho mà giựt? Dì Ba quen, chắc dì dám đưa nên mới gạt dì chớ.
- Không lý. Nếu tính gạt tôi thì đưa hai trăm nó lấy luôn, chớ sao trả bớt năm chục?
- Làm vậy dì Ba mới tin chớ.
Dì Ba Thới suy nghĩ, rồi kêu Mỹ với Sen mà hỏi, Quí có nói đi làm việc gì, và đi chừng nào về không. Cả hai chị em đều nói Quí đi mười ba bữa hoặc nửa tháng. Sen lại nói Quí đi Sài Gòn kiếm hột mua đặng gieo trồng. Còn Mỹ dụ dự một chút rồi thỏ thẻ xì ra rằng Quí đi mua đồ đặng cưới vợ, nên có hỏi Mỹ muốn mua thứ gì đặng mua cho Mỹ luôn thể. Dì Ba Thới ngơ ngẩn, nửa tin, nửa nghi, dì nằm buồn hiu, đến chiều mới xách dù đi về.
Đến tối, dì thấy Hường buồn, dì mới đem những lời Ba Mùi nghi Quí bày chuyện giựt tiền đi luôn mà thuật lại cho Hường nghe. Hường bất bình, nên nổi giận nói lớn:
- Con mẹ đó tưởng ai cũng như nó, nên nó mới nghi bậy như vậy. Nó không biết con người. Má nghĩ coi anh Quí đi ở bồi 12 năm, ảnh trở về đây, bạc tiền không có, quần áo lang thang, mà ảnh nói một tiếng thì cả nhà đều khiếp sợ, Ba Mùi bỏ nghề bài bạc, thằng Sen hết dám ta bà, chị Mỹ được vui cười, nhà cửa đều sạch sẽ. Đi xem đền đài với mình, ông xếp là người Pháp, mà vừa ngó thấy ảnh, thì lật đật dỡ nón mà chào, đứng nói chuyện với ảnh thì nhỏ nhẹ cung kính. Con người như vậy tất nhiều phải có thần oai, hay là có cái gì đó mà khiến người ta khiếp sợ kiêng nể mới được. Con người như vậy lẽ nào âm mưu mà giựt một trăm rưỡi đồng bạc của mình? Nếu có lòng gian thì giựt năm mười muôn, chớ giựt làm chi chút đỉnh cho mang tiếng xấu. Không có đâu. Ảnh biết con thương ảnh. Nhưng cứ than nghèo, du dự không muốn cưới con. Ảnh gạt con làm chi? Con không thể nghi ảnh gạt. Ảnh hẹn mà ảnh không về, chắc có việc chi trắc trở ảnh không về được, chớ không phải ảnh trốn đâu. Con dám nói chắc nếu ảnh tính đi luôn, thì ảnh cho con biết ngay, chớ sao lại hứa với con làm chi. Còn ảnh nếu không có tiền mà đi, thì ảnh cũng nói ngay với má mà xin, cần gì phải dối gạt.
Dì Ba Thới thở ra mà nói:
- Con nói phải lắm. Má cũng nghĩ như vậy. Bởi vậy Ba Mùi có nói mà má không tin.
Hường nói:
- Nói bậy mà tin nỗi gì.
Dì Ba suy nghĩ một chút rồi nói:
- Quí chưa nói cho Ba Mùi hay sự nó tính cưới con. Nhưng nó có nói với con Mỹ. Nó đi mua đồ về cưới vợ, lại hỏi Mỹ muốn mua thứ gì đặng nó mua cho luôn thể.