Chương 10

Hoàng hôn buông xuống, cửa thang máy lại mở, một nhóm khách bước ra, áo quần lịch sự, sang trọng...
Trong số ấy có một gương mặt quen quen.
Tôi chen vào đám đông, vài người hoảng hốt dạt ra. Tôi nắm tay bà Trương.
– Bà Trương! Bà Trương, tôi đợi bà cả ngày rồi!
Lúc đầu bà ta giật mình, sau đó la toáng lên:
– Cô buông tay tôi ra, cô là ai?
– Tôi là Đoàn Uất Văn, mẹ tôi quen bà, tôi đã bảo lãnh cho con rể bà...
– Người nào lại đây mau! – Bà Trương vùng ra, hô hoán lên, mấy tên nhân viên chạy đến.
– Cô này điên rồi, gọi cảnh sát tới bắt đi!
– Bà... - Mắt tôi đầy vẻ giận dữ như ánh lửa sẵn sàng đốt cháy mọi vật.
Bà Trương Trọng Hiên chạy bộ ra phía ngoài, một chiếc xe mở cửa sẵn, bà chui vội vào và vụt biến đi mất.
– Này, bà đi khỏi mau, đừng có tới đây làm loạn cả lên.
Viên quản lý kéo tôi ra lề đường.
– Đừng tới nữa, nếu không tôi gọi cảnh sát đấy.
Tôi loạng choạng chạy đến nhà Thính Đồng.
Thính Đồng đưa tôi vào phòng khách, cô ta kinh hãi nhìn tôi.
Đã mấy lần, cô nàng cũng đã đến tôi cầu cứu trong tình trạng như vậy.
Thực là đổi thay biến chuyển trong đời này!
– Thính Đồng, cứu tôi với!
Nước mắt tôi lại như khối băng tan, chảy dài xa ngàn dặm!
Tôi sẽ nhờ vào bạn, một người thân duy nhất trên đời. Nỗi đau khổ của tôi đột nhiên vỡ òa, không sao ngăn được.
Thính Đồng mang cho tôi khăn nóng lau mặt. Cô pha cho tôi ly cacao, đoạn lấy gối để tôi nằm trên sa lông nghỉ ngơi.
Tôi nuốt nước mắt kể lại thảm kịch vừa qua.
Ngoại trừ việc tiền bạc dây dưa với ngân hàng, tôi không kể gì khác.
Tôi siết chặt tay Thính Đồng, hỏi:
– Thi Gia Ký có thể giúp được tôi không?
– Anh ấy sao?
– Anh ta là giám đốc ngân hàng, có thể giúp tôi đấy!
Thính Đồng lộ vẻ khó coi.
Tôi hỏi:
– Anh ấy còn đi lại với cô chứ?
Thính Đồng gật đầu:
– Chúng tôi có cơ hội kết hôn, anh ấy sẽ lo thủ tục ly hôn.
Tựa như cả năm qua tôi mới nghe tin tốt lành như thế!
Tôi thực lòng vui cho cô nàng:
– Hãy đi nói hộ tôi. Gia hạn cho tôi một năm rưỡi!
– Để tôi nghĩ xem! Chị cứ ở đây, để tôi đi ăn tối với Gia Ký xong sẽ về bàn với chị.
Thính Đồng mang cho tôi cái chăn mỏng, đoạn đi ra cửa.
Sau cơn mưa bảo tơi bời tôi cũng có nơi ngơi nghỉ.
Thính Đồng, một người không quan hệ máu thịt, lại hơn cả chị em!
Lòng tôi lại như dao cắt Trong nước mắt mơ hồ, tôi chìm vào giấc ngủ!
Giấc ngủ tôi lại ắp đầy mộng mị:
Giữa rừng núi hoang sơ gai góc, dẫy đầy những rắn, rít, chuột, kiến, một mình tôi đứng giữa hang sâu, kêu trời chẳng thấu, gọi đất không xong. Hốt nhiên giữa biển khơi mênh mông tôi vớ được thân cây, càng vùng vẫy tôi càng chìm sâu xuống. Khi trở lại khu vườn quen xưa, thấy Uất Chân úp mặt khóc lóc, mẹ tôi đang giận dữ, bà tát tai tôi...
Từ giấc mơ tôi giật mình thức dậy.
Cả người tôi lạnh buốt, người choáng muốn vỡ ra, tôi sờ đầu. Ôi! Tay nóng bỏng. Tôi bị ốm rồi!
Không còn ngủ được, tôi lấy nước uống, đoạn lại ngả người lên ghế nệm dài, chờ Thính Đồng về!
Thính Đồng là chỗ dựa duy nhất của tôi!
Nhà Thính Đồng trở thành nơi trú thân của tôi. Nếu Thính Đồng hỏi tôi sao không về với Cẩm Xương, tôi quyết sẽ không nói gì, chỉ bảo là Cẩm Xương hoàn toàn không hay biết việc tôi về đây giải quyết nợ nần.
Thính Đồng đẩy cửa vào, thấy tôi đã tỉnh, hỏi:
– Chị có đói không?
Tôi lắc đầu.
– Phải có sức mới tỉnh táo đối phó với khó khăn trước mắt, còn cam chịu rút lui thì đành chịu vậy.
Tôi gật đầu.
– Thính Đồng,cô gặp Thi Gia Ký có nhắc việc tôi không?
Thính Đồng thở dài vừa lắc đầu:
– Không có, không nhắc đến.
Tôi lặng thinh.
– Uất Văn, không phải là tôi không muốn giúp chị, nhưng Thi Gia Ký đang lo lắng chuyện ly hôn, lòng không ổn định. Tôi không thể vì chuyện riêng mình mà làm anh ấy thêm lo nghĩ.
Tôi nín lặng.
– Anh ấy phải chịu nhiều áp lực, chị không biết đâu. Giờ phút này lại muốn anh ta giúp bạn của mình, sợ anh hiểu lầm và càng thêm khó xử! Tôi thật không hiểu sao chị lại hồ đồ nhúng tay vào việc đó như thế!
Tôi thòng chân xuống đất, ngồi thẳng lên.
– Giày chị ở ngoài cửa kia. Chị muốn về nhà phải không?
Tôi nhìn Thính Đồng cũng chẳng nói gì.
– Hãy về nhà sớm! Nghỉ ngơi một ngày, ngày mai sẽ nghĩ cách!
– Tôi ngủ lại đêm nay được không?
– Uất Văn, chị đừng có làm trẻ con giận hờn, rốt cục cũng phải về nhà.
Chuyện chị sớm muộn gì thì mọi người cũng biết, nó sẽ ồn lên, rồi Cẩm Xương sẽ có cách giúp chị. – Thính Đồng lặng lẽ thở dài. - Trước kia tôi đã nói với chị bao lần rồi, mình làm nội trợ trong nhà phải có tiền bạc riêng mới được, gặp chuyện cần thiết thì mình tự lo lấy là tốt nhất, vậy mà chị không tin!
– Để tôi ngủ lại đêm nay, ngày mai tôi sẽ về nhà, tôi mệt mỏi lắm...
Thính Đồng ngồi bên tôi buông miệng nói, lời nói như những hòn đá buộc vào chân tôi, càng lúc càng nặng nề khiến tôi không cựa quậy được.
– Uất Văn... Thính Đồng hơi mất bình tĩnh. – Hãy phấn chấn lên, chuyện lớn tày trời nào cũng có cách giải quyết! Tối nay chị trở về nhà đi. Vả lại, Thi Gia Ký cũng sẽ đến. Tôi đi mua thức ăn tối cho anh ấy. Tôi đã nói rồi, hôm nay tinh thần anh ta không ổn định, tôi không muốn vào thời điểm quyết định này lại nảy sinh thêm vấn đề. Tôi muốn ở bên anh ấy...
Tôi chầm chậm đứng lên, mang giày và chào tạm biệt Thính Đồng.
Thính Đồng nói với theo:
– Phấn chấn lên, ngày mai gọi điện cho tôi.
Tôi chưa bao giờ lang thang trên đường phố nhìn cảnh đêm đô thị.
Từ bé, tôi là đứa con gái ngoan, sau bữa cơm là tuyệt chẳng ra khỏi nhà. Sau khi lập gia đình, tôi chỉ quanh quẩn trong nhà, chẳng thích đi xa.
Đêm nay sao trời xán lạn.
Ngoại trừ tiền nợ ngân hàng, tôi chẳng còn gì lo nghĩ.
Và chẳng biết tự lúc nào, tôi lại đi lần ra biển, ngồi trên băng ghế dài chờ đợi trời sáng.
Trong đời, có những điều lạ lùng, không hiểu không được.
Gió biển từng chặp thổi đến khiến đầu óc tôi tỉnh lại.
Mẹ tôi sợ tôi, bà trốn về quê. Cả gánh nặng ngàn cân bà trút sang tôi.
Từ trước đến giờ, cuộc sống của bà như chỉ có một đứa con gái, người đó không phải là tôi.
Còn chồng! Gần 20 năm chồng vợ, lại không ngờ đi ăn nằm với em vợ. Tôi cho rằng Cẩm Xương và Uất Chân ít nhiều gì cũng có nỗi khổ riêng tư, và tâm bệnh phải chữa trị bằng tâm dược!
Em gái tôi, khỏi phải nói, tôi có nợ ai đi nữa cũng chẳng hề nợ nó!
Ai chẳng biết sự vắng lặng, cô đơn là điều khó chịu, nhưng cùng một thời gian hơn 300 ngày xa xôi cô độc, Cẩm Xương có quyền lầm lỗi, còn tôi phải tuân thủ theo nghĩa vụ?
Ai lại chẳng bị áp lực trong cuộc sống, ai lại chẳng có điều khổ khó buông lời, ai chẳng muốn có người sớt chia buồn vui khó khăn? Nỗi đau thương, buồn tủi của mỗi con người cũng sâu thẳm như đại dương kia, nhưng cũng không nên vì thế mà đành hy sinh hạnh phúc của kẻ khác để che lấp đi khổ sở của riêng mình!
Tôi có sai lầm chăng?
Sóng dạt lên bờ, âm thanh vang vọng nhắc nhở tôi đã mắc phải sai lầm rồi.
Sai lầm vì lười. Tôi đã buông mình trôi qua trong năm tháng, chẳng liệu lo con đường dài trước mắt, chẳng thực sự mong cầu, chẳng suy nghĩ học tập. Tôi đã thoát ly xã hội, rời bỏ chồng theo mong muốn của anh.
Sai lầm từ lúc đầu, hành vi, tư tưởng tôi không đuổi kịp thời đại nên rơi lại phía sau người, trở thành trò cười cho người thân và bạn bè, làm thành khoảng cách khiến họ chẳng muốn thừa nhận mình! Cùng đường với họ mà đâm ra xa lạ!
Rốt cục lại, chẳng ai hiểu đến trách nhiệm, tâm tình và nhu cầu của tôi.
Cuộc sống tôi chẳng có ý nghĩa cứ kéo dài ngay này qua ngày khác?
Không. Đến hôm nay đây, tôi đột nhiên nhận ra là có nghĩa...
Đối với Thính Đồng...
Tôi buồn buồn nhưng không thất vọng. Từ bé, tôi đã tình nguyện kết thân với cô, và đã là người thân, tôi không thể vì lợi ích của mình mà buộc cô ta phải hết lòng lo lắng cho tôi!
Tôi nhìn vào khoảng không đen tối trước mắt, từng điểm sao lấp lánh, phía bên kia bờ đầy ánh sáng óng ánh. Cảnh đêm thật mỹ lệ. Lòng tôi thầm cảm ơn vì đã thức tỉnh đêm nay.
– A! Cô gái, đêm nay cô đơn hả?
Tôi thất kinh hồn vía. Một tên lưu manh đột nhiên tiến đến tôi:
áo quần rách rưới, mặt mày bẩn thỉu, tóc tai như cả ngàn năm chưa chải, người bốc ra mùi chua nồng hôi hám, miệng lộ hai hàm răng khập khểnh đáng khiếp. Tôi kinh hãi nhìn hắn.
Gã lưu manh thấy tôi ngồi yên, hắn cười hi hi, nói:
– Đừng sợ lạnh lẽo, đêm nay anh ở bên em, được không?
Tôi cứ trố mắt nhìn hắn, lòng bi ai. Vận rủi còn đeo đuổi tôi đến bao giờ mới dứt đây?
Gã đàn ông vạm vỡ vừa nói vừa quơ quơ tay, đột nhiên hắn chồm lấy định ôm chầm lấy tôi.
Chẳng những không sợ hãi tránh né, tôi lại cười lớn lên!
Thật là tức cười. Kẻ lưu manh kia, mỗi cử động, lời nói của hắn đều thô bỉ, hạ tiện hiển hiện như thế. Thế nhưng nó có gì đáng sợ? Muốn né tránh, chỉ cần la toáng lên là người đi đường, cảnh sát sẽ ập đến bắt hắn - thật dễ dàng. Đáng sợ không phải là đao thương trước mắt, mà chính là tên bắn lén sau lưng kia.Những âm mưu hãm hại, áp bức, khinh bỉ, điếm nhục - đều không thể phòng tránh được; chỉ e là bạn la hét đến khản cổ cũng chẳng ai đến giúp?
Còn cái kẻ lang thang, du thủ du thực kia có là bao?
Giỏi lắm hắn cũng chỉ định hãm hiếp, sát hại tôi thôi. Giờ đây, hẳn nhiên tôi không lấy đó làm khổ sở. Còn sợ? Không bao giờ!
Và tôi cười lớn lên, cười điên cuồng, cười đến không còn ngăn được.
Gã đàn ông bất ngờ rụt tay lại, lùi từng bước một, và đột nhiên hắn quay đầu chạy mất. Nhìn thấy tôi cười, mặt đầy nước mắt, chẳng khác nào quỷ hiện giữa đêm khuya, chắc gã không dám quay lại nhìn.
Và tôi lại hiểu thêm một điều:
đối diện với cái ác trước mắt, đừng bao giờ sợ hãi, có vậy mới chiến thắng được.
Chỉ trong có ba ngày mà tôi đã hiểu biết được biết bao điều mà nửa đời qua tôi không biết đến.
Còn giờ phút này đây, có điều kinh hãi gớm ghê nào mà tôi không chịu được?
– Uất Văn. Việc mua bán trang phục chúng ta xảy ra chuyện rồi! Chúng ta không có giấy phép của thương nghiệp, hàng hóa qua cửa khẩu không nộp thuế.
Cuối tuần rồi, khi tôi đến cô tiếp khách hàng thì nhà chức trách đến kiểm tra.
Nhất định là có người ganh ghét nên mật báo đấy! Tôi... Tôi không biết sao nên báo tên cô cho họ biết, nhà này là...
Tôi chỉ muốn biết vấn đề chính.
– Họ muốn phạt thế nào?
– Phải đợi cô về đi đến Cục thuế vụ! Nếu phân giải không xong thì phải nộp phạt nặng lắm đấy!
Tôi thở dài, tiền nó quan trọng như vậy đấy!
– Uất Văn, lúc ấy tôi cuống cả chân tay, không biết sao nên nói tên cô, còn tôi chỉ là người làm cho cô. Tôi biết như vậy là tư lợi quá...
Người biết mình tư lợi thì không phải là tư lợi rồi.
Vả lại, ai chẳng vì tư lợi?
– Chị Cầu, cứ để tôi lo, chị yên tâm đi.
– Uất Văn, cô đối phó được không?
Không đối phó được thì sao?
Một là sống!
Hai là chết!
Nếu không một thì hai, đã là một thì cắn răng mà chịu!
Tôi đứng trước mặt viên chức thuế vụ, mặt hắn uy phong hùng hổ.
– Đã đến nước tôi làm di dân thì phải giữ đúng theo luật lệ chứ, vậy mà không làm tròn bổn phận, quốc gia tôi đã toi công dung dưỡng bà!
– Thưa, đúng vậy. – Tôi xuống nước, đáp.
Khi không bằng kẻ mạnh thì đều chịu thiệt vậy.
Muốn sống còn phải ngậm lấy mọi đắng cay, oan ức.
Trong nhà người ta cũng nên cuối đầu cho rồi!
Cái khổ và ngu muội của mình, nhất định phải nhớ lấy.
– Bà có thừa nhận là lần đầu phạm pháp không?
Tôi gật đầu. Không xin tha thì nhận lấy tội.
– Chúng tôi không thể căn cứ vào số liệu hàng của bà mà tính toán được, chúng tôi phải tính theo giá trị hàng hóa bà đưa qua cửa khẩu, cứ đó mà tính thuế, cộng với số tiền phạt. Bà rõ chứ?
Tôi lại gật đầu.
Mọi người nói năng ban bảo, tôi đều cảm nhận, học tập. Tôi biết mình không sao chống đỡ, tay không gậy gộc, chẳng còn lối thoát. Chỉ còn cách mặc tình cho đối phương ra uy đánh đập - cứ đánh đã rồi thôi. Nếu như muốn dùng lời can ngăn chống đỡ cũng không thể chấm dứt đi cuộc chiến, đối với kẻ đương quyền đang giận dữ thì mọi ứng phó chỉ làm cho hắn thêm hùng hổ, còn kéo dài thời gian tra tấn thì làm sao chịu nổi.
– Còn bà Cầu là người thế nào với bà? Bà ta biết sao không báo?
– Không. Vì tôi về Hương Cảng thăm thân nhân nên nhờ chị ta sang coi giúp, chị ấy hoàn toàn không biết gì cả.
Họa lây chín họ, tôi lại không sao tránh khỏi được. Mặc!
Tiền phạt đúng ba mươi ngàn đồng. Vừa đúng với số tiền còn lại trong ngân hàng, quét một cái là sạch nhẵn.
Tôi nói với lòng:
– Trong cái rủi vẫn có cái may. Tất cả vật ngoại thân nó đến đi, đi đến vô chừng, chí chẳng dừng trong một giờ một khắc, nhưng cũng còn đó ngọn núi xanh là tốt rồi!
Rốt cục, tôi ngả mình trên giường ngủ và cơn bệnh kéo dài mất hai tuần.
Chị Cầu đến thăm tôi, chị mang trái cây cho tôi.
Tôi không nhắc số tiền phạt ba mươi ngàn để bảo chị trả lại tôi phân nửa, vì chị chẳng hỏi tới tiền phạt. Tôi biết và cũng chẳng kể gì!
Đã quyết lập chí lớn thì không thể trông chờ người khác cùng chịu khổ theo mình!
Kể cả người thân cốt nhục của mình.
Từ sau khi tôi trở về, Bái Bái tỏ ra rất lặng lẽ, nó không hỏi gì tôi. Hẳn nhiên, Cẩm Xương đã gọi điện cho nó, chí đến dì Uất Chân thân thiết của nó có thể cũng đã gọi điện giải thích.
Con gái biết tôi ngã bệnh, không thể nói là nó không thăm hỏi, hẳn, nó chẳng biết làm gì hơn.
Bệnh đến như núi đổ, bệnh đi như rứt sợi tơ.
Tôi mau chóng bình phục, mạnh mẽ trở lại.
Hôm ấy, tôi ra vườn hoa ngồi ngắm những màu sắc tươi thắm của cây lá.
Bái Bái đi học về, từ phía sau tôi, gọi:
– Mẹ!
– Con về rồi à!
Bái Bái đứng bên tôi, một lúc sau kéo chiếc ghế ngồi yên lặng, nó như có điều muốn nói.
– Sau này mẹ định làm gì?
– Con đề nghị gì?
– Ý của con không hợp ý của mẹ, tính cách hai mẹ con không giống nhau.
Tôi cười khổ. Đã chẳng cùng nhau thì hỏi nhiều có ích gì.
Tôi hỏi sang chuyện khác:
– Họ có gọi điện cho con không?
– Có.
Tôi làm thinh.
– Mẹ, nghỉ hè này con đến Pháp ở hai tháng.
Tôi quay sang nhìn nó.
A! Thật là thú! Bệnh vừa nửa tháng mà mắt đã có vấn đề, kẻ ngồi trước tôi sao lại cách xa tôi quá.
– Mẹ, mẹ không phản đối sao?
– Mẹ phản đối có được không?
– Mẹ đừng nghĩ con như vậy. – Bái Bái vụt đứng lên nghiêm giọng nói. - Mẹ cứ phóng đại lên nỗi ấm ức của mẹ. Con muốn yên tâm đi Pari một chuyến, mấy người gây ra chuyện cũng đừng làm liên lụy tới con chứ. Băng tuyết chất cao đâu phải lạnh một ngày là được. Trong việc này không ai là không có lỗi, chỉ có con là trong sạch thôi. Mẹ muốn con làm gì? Theo mẹ khóc hu hu sao? Hay làm ra vẻ đứng đắn, nuốt lấy nỗi oan cho được như mẹ vậy?
Tôi lặng lẽ đứng lên đi về phòng ngủ, đóng cửa lại và ngả ra giường.
Bái Bái ở bên ngoài thế nào, tôi đều nghe thấy.
Nỗi lòng của nó, tôi có thể nghĩ ra.
Trong khoảnh khắc, nó đã lựa chọn đứng về một bên, nhưng lòng lại đầy mâu thuẫn và nặng trĩu, chẳng gì dễ chịu được.
Có thể là trong ý thức nó đồng tình với tôi, nhưng nó lại không thể tỏ ra yếu ớt để đồng ý như vậy, và tôi càng không hy vọng sau này nó sẽ cưu mang tôi, hoặc phát huy bản tính thanh cao của nó.
Bái Bái hợp với cha và dì Uất Chân của nó. Đối với người sau thì nó càng thêm kính phục. Nhưng nếu như công nhiên đứng về phía họ tất lương tâm cũng ít nhiều khó chịu. Trong con mắt của người đời, trước sau cũng bị phê phán, con gái mới lớn mà nhận những đàm tiếu thật có hay ho gì?
Vả lại, vấn đề hiện thực trước mắt là, nếu theo tôi, sau này sợ nghèo khó đến không có đất cắm dùi. Đi theo họ, đừng nói là năm nay đến Pháp, sang năm đi Thụy Sĩ, điều kiện đầy đủ, sợ Cẩm Xương còn bổ sung thêm cho nó:
một là bù đắp lỗi lầm, hai là giành lấy sự đồng tình của nó. Đấy là sự khác biệt một trời một vực, khiến cho Bái Bái lấy làm khó xử.
Trong lòng buồn bã, đầu óc rối tung, chẳng biết chọn lựa thế nào khiến nó đâm ra tức giận và trút tháo. Mặc dù vậy, trong lòng nó vẫn không ngừng cân phân lợi hại, nó rất hiểu mình đang tính toán gì.
Nó quyết không như mẹ nó, sống lặng lẽ cả nửa đời qua.
Người làm mẹ, biết con gái có thể có năng lực, có trí tuệ, tự liệu lấy cho mình thì còn lo lắng gì.
Sau đó, Bái Bái nói nó sẽ tìm chỗ trọ trong đại học. Tôi hoàn toàn đồng ý.
Trong lúc bệnh, ngoài chị Cầu đến thăm tôi, còn có chị Béo ở gần bên. Thân thể chị nặng nề nên đi đứng không phải dễ; chị đi chừng vài bước nhưng khó khăn không kém leo lên một ngọn núi. Nhìn chị lê từng bước nặng nề vào phòng tôi, mang theo hoa tươi vừa hái khiến tôi như nhìn thấy ánh thái dương vào phòng, nó làm ấm cả lòng.
– Có cần điều gì bà cứ việc nói.
– Tôi nắm tay chị béo nói:
– Có. Nhờ chị giới thiệu với bạn bè, tôi cho thuê hai căn phòng ở trên lầu.Sau khi ly hôn, mọi thứ phải tiết kiệm.
Chị béo liên tục vỗ tay tôi, bảo hãy yên tâm nghỉ bệnh, chị không hỏi gì về chuyện riêng tôi.
Người nước ngoài có kẻ tốt, người xấu; có gã thuế vụ mặt mày anh hiển đáng ghét, có chị béo phục phịch dễ chịu vô cùng.
Không ngờ chị béo nói là làm ngay. Chưa đến một tuần, chị đã đưa đến giới thiệu đôi vợ chồng trẻ-họ Vi Địch-sẽ thuê hai phòng trên lầu của tôi.Họ có ba người, kể cả đứa con trai Ba Trị Văn vừa được một tuổi, mập mạp rất dễ thương-cũng vì có đứa bé nên họ khó thuê được nhà trọ. Ở Vancouver, hầu hết nhà cho thuê đều ngại có trẻ con, sợ làm phiền hàng xóm. Nước ngoài rất xem trọng nơi ở độc lập và cách ly.
Mỗi tháng Vi Địch trả tiền thuê bảy trăm đồng, họ sử dụng ba phòng, sân trước và nhà xe. Tôi thuê của luật sư Thang 1050 đồng, như vậy tôi chỉ bù thêm đồng.
Giá cho thuê như vậy là thấp nhưng trước mắt còn mờ mịt, trên tay tôi trống không cho nên tiền thuê của họ đối với tôi thật đáng kể.
Bất luận thế nào, sự khởi đầu cũng cần phải tiết kiệm.
Bệnh vừa dứt, đầu tiên là báo ân. Tôi làm vài món ăn ngon Trung Quốc và tự thân mang sang nhà chị béo.
Chị cười rung rinh cả khối thịt và đưa tôi vào phòng khách. Thật là may, chị đang có khách.
– Vào đây, vào đây, để tôi giới thiệu đây đều là hàng xóm cả!
Tôi bày thức ăn lên bàn, có mấy người phụ nữ họ thưởng thức nghệ thuật nấu ăn của tôi, phải đều khen ngợi:
– So với món ăn ở Phố Đường Nhân còn ngon hơn!
– Làm cách nào? Có thể dạy cho chúng tôi không?
– Học sao được. Cứ để chị Vương nấu nướng cho chúng ta, cuối tuần khỏi nhức cái đầu vì bếp núc, chúng ta phải gửi tiền công cho chị đấy!
Người này một câu, người kia một câu, huyên thuyên bất tận.
Chị béo nghiêm chỉnh, nói:
– Bà Vương, nói thật đấy. Tay nghề của bà khéo lắm, không nên để lãng phí, phải làm ra tiền mới được. Mọi người sẽ đặt bà nấu, có thể làm kiếm thêm tiềnđấy là lẽ công bằng thôi!
Tôi chỉ biết ừ ừ dạ dạ.
Sáng hôm sau, bất kể có kiếm tiền hay không, chỉ thấy vài bà hàng xóm rất nhiệt tình yêu cầu, tôi thấy rảnh bèn làm mấy món thật ngon, nào là chiên, xào, nấu, nướng, đem đến cho họ.
Mấy bà nước ngoài còn cao hứng gửi thù lao cho tôi, họ còn hẹn đến cuối tuần mua tiếp.
Tôi suy nghĩ, nếu cứ kẻ đưa người đẩy mãi cũng không tiện, chi bằng cứ định ra giá cả, vừa tầm vừa phải thì tiện lợi cho cả đôi bên.
Nghĩ xa hơn, sao tôi không nhân đấy mà làm kiếm thêm thu nhập? Ngồi không ăn, núi cũng lỡ, huống chi, tiền trong ngân hàng còn chưa tới 5000 đồng, sắp tới sẽ ra sao?
Sau khi vợ chồng Vi Địch dọn đến, họ không chỉ phụ tôi trả tiền thuê nhà, họ còn nhờ tôi trông nom đứa bé, mỗi tháng trả thêm 400 đồng, vậy tôi ở nhà khỏi tốn tiền, nhưng còn tiền ăn uống, các thứ linh tinh khác phải tính đến. Khi đứa bé đã ngủ, tôi vào bếp làm thức ăn, đến chiều mang đến nhà họ, kiếm được ít tiền chi dùng cũng tốt.
Sau khi đã quyết định, cửa nhà liền như chợ nhỏ. Các hàng xóm đều bảo nhau, một truyền mười, mười truyền trăm, đơn đặt hàng như mây kéo tới, làm cũng thấy nhiều an ủi.
Tại sao tất cả những người ngoại quốc đây hoàn toàn xa lạ ngay lúc tôi cùng đường túng bấn thì họ đồng tình ra tay níu kéo tôi. Không những họ giúp tôi sinh sống, họ còn giúp tôi hồi phục niềm tin, sau đêm tối thì trời lại sáng hẳn lên- tất cả đều có thể nhờ vào đôi tay mình để sinh tồn vậy.
Vợ chồng Vi Địch đi làm về, họ bế thằng bé Ba Trị Văn lên lầu, tôi xong việc.
– Chị Vương, chị có đi siêu thị không? Chúng tôi có xe, sẵn đưa chị đi cùng.
– Vậy xin làm phiền!
Tôi đi theo họ, vì sắp đến ngày nấu thức ăn theo đơn đặt, cứ hai ba hôm là phải đi mua rau cải, thịt cá.
– Thức ăn của chị ngon như thế sao chị không mở cửa hàng?-Vi Địch hỏi tôi.
– Cậu khen tôi quá. Chỉ mong kiếm chút đỉnh là được rồi.
– Tôi nói thật, chị hà tất phải phí đi năng khiếu ấy!
– Làm sao có vốn?
– Không cần. Tôi có cô vợ Trân Ni cùng trong ngành quảng cáo. Chị viết cho tôi vài hàng giới thiệu. Trân Ni sẽ trình bày hình ảnh, sau đó in ra nhiều bản gởi đến các hòm thư mời họ.
Tôi rất xúc động, một thân một mình kiếm được tiền thì thật tốt.
Trân Ni vui vẻ nói:
– Hay a! Người ta khen thức ăn của chị, nay bỏ công ra giới thiệu thêm, vậy sẽ chuyển ra khắp khu vực này! Chúng tôi chẳng tính công đâu!
– Cảm ơn! Nhưng nếu làm lớn ra phải xin phép, nếu không...
Tôi không quên cái gian hàng trang phục trước kia.
– Đúng đấy, trước tiên phải đăng ký công ty và làm đơn xin phép để đóng thuế!
Vợ chồng Vi Địch không chỉ nhiệt tình, họ còn ra sức giúp tôi làm các thủ tục đăng ký kinh doanh. Khi họ đưa tôi xem một xấp tờ bướm giới thiệu, hình đen trắng, bất giác tôi bật cười to lên.
– Trân Ni làm đẹp đấy chứ? – Vi Địch hỏi, vừa ôm cô vợ và nhìn tôi.
– Tuyệt lắm. Tôi chẳng biết nói sao nữa!
Tờ bướm in hình chị béo hàng xóm vừa ăn vừa cười, hình dạng chị linh hoạt và buồn cười, rất ấn tượng. Bên dưới là hàng chữ:
Kẻ sáng tạo ngậm lệ chế biến, người hưởng dụng tươi cười thưởng thức.
– Được rồi. Trong tuần này chúng tôi sẽ giúp chị phân phối các tờ bướm, sẽ gởi đến các bạn Tây của chúng ta.
Ngay hôm sau cô đã gởi đi tờ quảng cáo. Điịen thoại trong nhà reo liên tục đến đỗi tôi sợ Ban Trị Văn không ngủ được.
Cũng may đứa bé rất dễ, ăn no rồi chơi, đến giờ thì ngủ, chừng ngủ thì bất kể gì tiếng ồn. Chăm sóc nó hai ba tháng thì nó béo ra, trông đẹp và dễ thương vô cùng.
Đơn đặt hàng rất nhiều, chẳng còn lúc nghỉ ngơi, tôi phải làm đến tối. Bất luận thể nào thì ăn cơm Chúa cũng phải múa tối ngày; tôi được Vi Địch trả công giữ trẻ.
Đêm ấy tôi lục đục làm đến 11 giờ, có người gõ cửa và vợ chồng Vi Địch đến.
– Chúng tôi thấy dưới nhà còn đèn nên xuống thăm chị. Thật là khổ!
– Không hề gì. Tinh thần có chỗ dựa, mỗi tối tôi đều ngủ ngon!
– Chị Vương! – Trân Ni rất thành thật nói. - Phải giữ đứa bé quả là khổ.
Chúng tôi sẽ tìm người trông coi Trị Văn.
– Không, cô thấy tôi có điểm nào chưa ổn sao?
– Chị Vương. Chúng tôi cảm tạ chị còn chưa hết kia! Chị trông coi Trị Văn rất tận tâm tận sức. Vi Địch và tôi rất mang ơn, không biết giúp lại chị thế nào.
Không ngờ gửi giấy giới thiệu đi, chị lại có nhiều khách hàng như vậy, chúng tôi mừng lắm, do đó, không thể không nghĩ thay cho chị. Chị phải lo liệu việc làm ăn này, đừng lãng phí đi tinh thần. Chúng tôi tin rằng người bảo mẫu mới sẽ không được tận tâm như chị đâu, nhưng không thể vì mình mà hại đến khả năng phát triển sự nghiệp của chị!
– Sự nghiệp!
– Đối với chị, đấy là danh từ mới à? Đâu có ai nghĩ người nội trợ lại dựng nên sự nghiệp!
Tôi cúi đầu xuống. Quả tình tôi chưa hề nghĩ một kẻ như con mèo vất bỏ ở xó bếp sẽ có ngày trở mình thay đổi.
– Chị biết tại sao chúng tôi không mua nhà không? Vì chúng tôi hy vọng trước làm nên sự nghiệp, sau mới lo nhà cửa.
Tôi nhìn Trân Ni.
– Vi Địch và tôi hy vọng có thể hợp sức mở một công ty quảng cáo, cho nên cần phải tiết kiệm, ở nhà thuê để dành dụm tiền bạc xây dựng sự nghiệp. Tuổi xuân có hạn, chúng tôi quyết trước chịu khổ, sau mới hưởng.
– Nhưng tôi đâu còn trẻ!
– Cho nên càng phải sớm bắt lấy thời cơ, mình không quan tâm đến mình thì còn ai chiếu cố đến?
Lời nói đã đánh thức người trong mộng!
Không ngờ, người quan tâm, nhắc nhở tôi lại là kẻ xa xứ mới quen nhau.
Cuối cùng tôi đồng ý, sau khi giao Trị Văn cho vợ chồng Vi Địch, tôi đã hết trách nhiệm.
Đơn đặt thức ăn ngày càng nhiều, tôi làm việc đêm ngày liên tục. Một hôm chị Cầu gọi điện đến thăm hỏi, tôi kể lại công việc, chị tự nguyện mỗi tối sẽ đến giúp tôi chuẩn bị các thứ.
Chị Cầu tận tình song đại để cũng có ý bồi thường. Chị để một mình tôi đóng phạt, nhất định là chị cũng ấy náy lắm. Nhưng nếu lại buộc chị trả lại tôi phân nửa, chưa chắc chị đã đến! Cho nên chỉ có cách để cho chị bỏ công chuộc tội!
Tôi cho là vậy.
Mặt khác không nên vì một chút giận hờn mà bỏ đi tất cả, nhất là khi chị ta vẫn còn giúp ích được. Chỉ cần có chút dùng được là tôi cứ giao du qua lại với chị, cứ giấu đi nước mắt mà làm tăng thêm sản lượng, kiếm thêm nhiều tiền làm lợi cho mình.
Tôi đã học được cách tính toán, phải lấy lợi ích cho mình làm chính.
Từ cuối tuần, Ban Trị Văn đã gửi đến nhà người khác trông coi, tôi cũng thấy quyến luyến nó. Nhớ tới cuộc trò chuyện quen biết với Trân Ni, lòng chợt cảm động tấm thâm tình của họ. Ngay cả thân sinh cốt nhục cũng không hề quan tâm đến sống chết, khổ não của mình.
Nhìn gương mặt hồng hào, hai bên má phúng phính của Trị Văn, tôi lại nhớ đến Bái Bái. Lúc bé nó giống con trai, rất dễ thương, chẳng khác gì Trị Văn.
Nhưng chịu thương chịu khó, nuôi dưỡng nó lớn khôn, nó sẽ thế nào đây? Nếu giờ này tôi ngã ra chết đi, sợ cứ nằm ì ra đó mà chẳng người thân nào hay biết!
Nghĩ đến đó, cả người tôi lạnh run lên.
Buổi trưa, Trị Văn ắt đã ngủ.
Tôi đang chăm chú thái thịt thì chuông cửa reo.
Vừa lau tay tôi vừa bước ra mở cửa.
Tôi ngẩn người ra đứng lặng.
– Có thể để anh vào trong ngồi được không?
Tôi làm thinh.
– Anh đứng trước cửa rất lâu, không thấy người nên đi vòng ra sau vườn thử gõ cửa. Không ngờ em ở nhà sau này.
– Tôi ở căn này, trên lầu cho người khác thuê!
Lạ thật, tôi vẫn có thái độ bình thường.
– Uất Văn, có thể cho anh một cơ hội nói chuyện với em không?
Tôi lặng yên không đáp.
– Anh từ xa đến, chỉ muốn gặp mặt em!
Lòng tôi cùng lại.
Không ngờ Vương Cẩm Xương bản lãnh thư thế lại có bộ mặt dày cộm, e là nhất trên đời.
– Phòng bày biện loạn xị, chúng ta ngồi ngoài thềm này.
Tôi mang ra chiếc ghế để Cẩm Xương ngồi.
– Cuộc sống thế nào? – Cẩm Xương cười khổ. – Tha thứ cho anh, anh cũng lo lắng lắm. Anh biết không có anh, không có Bái Bái và gia đình, em sẽ rất khó khăn.