Hồi thứ nhất
Cô cháu ngoại Qua Hương Liên

Nhìn bà cứ bận bịu hết ra sân lại vào nhà, cô cháu gái Qua Hương Liên thấy rờn rợn trong lòng. Bà bọc một mảnh vải to mầu xanh thành những dải dài hồ trong chậu, lấy chày đập cho mịn, cho bóng rồi vắt lên dây phơi trong sân thành hàng dài. Gió thổi những dải vải lật qua lật lại soàn soạt, có lúc xoắn với nhau như thừng, xoắn chặt rồi quay ngược lại, tở ra từng dây một. Đầu này tở ra, đầu bên kia lại xoắn.
Sau đấy bà ra phố mua về gói to gói nhỏ. Đặt gói to sang một bên, bà mở gói nhỏ ra trên giường lô. Bao nhiêu là thứ ngon! Táo ngọt này, lê chua này, kẹo mạch nha, váng sữa đậu này, lại cả kẹo bông mà Hương Liên thích ăn nhất. Kẹo bông vừa trắng vừa xốp như bông mới tinh bà may thành áo vào đầu mùa đông, bỏ vào mồm đã tan ngay, chỉ để lại chút vị ngọt. Những món ăn ngon ngày ba mươi Tết đã nhiều mà cũng không đủ như hôm nay.
- Bà ơi, sao bà thương cháu thế hả bà?
Bà không đáp, chỉ cười. Thấy bà cười, Hương Liên yên tâm ngay. Có bà là chẳng phải sợ gì cả. Bà có nhiều cách tài tình, hàng xóm phía trước phía sau đều gọi bà là bà "đại tài". Mùa đông năm ngoái khi xâu lỗ tai, Hương Liên sợ lắm. Các chị đã xâu bảo chẳng khác gì tra tấn; thịt đang nguyên lành thế kia chọc thủng một lỗ nhìn xuyên qua được, lại không đau đớn sao? Vậy mà bà không coi việc ấy ra gì. Bà lấy sẵn một cây kim, xâu chỉ vào, ngâm trong bát dầu thơm. Đợi ngày tuyết rơi, bà vốc một nắm xát mạnh vào dái tai Hương Liên, xát đến đỏ ửng, tê dại đi, kim xuyên qua chẳng đau tẹo nào. Bà rút kim ra, buộc hai đẩu chỉ vào với nhau, mỗi ngày kéo vài lần, máu không dính cứng. Chỉ thấm dầu kéo rất trơn, chỉ thấy hơi ngưa ngứa. Nửa tháng sau, bà đeo cho Hương Liên một đôi hoa tai có hai hạt lưu li màu xanh lủng lẳng, đẩu hơi ngoắt một cái, hai hạt lưu li vừa nhẵn vừa mát đã chạm vào cổ. Hương Liên hỏi bà bó chân cũng ngon lành như vậy sao? Bà ngẩn người một lát, rồi bảo:
- Bà có cách, cháu ạ!
Nhưng Hương Liên vẫn lo lo. Không biết ai mách hay Hương Liên nghe được rằng việc bó chân khó như vượt ải Quỉ Môn, nhưng Hương Liên tin bà có cách giúp em qua được cửa ải ấy.
Chiều hôm sau, Hương Liên đang chơi ngoài sân, bỗng nhìn thấy mấy món đồ chơi rất lạ màu đỏ, màu lam, màu đen bày trên cửa sổ. Thì ra đó là bốn năm đôi giầy bé tí xíu. Hoàng Liên chưa từng thấy giầy bé đến thế bao giờ, chúng chỉ rộng bằng một lát dưa, nhọn như góc bánh nếp ăn ngày tết mồng năm, giầy của bà to hơn nhiều. Em ướm thử đế giầy vào chân liền thấy rùng cả mình, gân dưới bàn chân giật co rút lại. Em cầm giầy chạy vào nhà hỏi bà:
- Giầy của ai đây hả bà?
Bà cười bảo:
- Của cháu đấy mà, con bé ngốc ạ! Có thấy đẹp không, cháu?
Hương Liên quẳng giầy đi nhoài vào lòng bà vừa khóc vừa nói:
- Cháu không bó chân đâu, không bó, không bó đâu!
Những thớ thịt do bà cười dồn trên mặt bỗng chảy xệ xuống, đuôi mắt, khoé môi bà nhếch lên, rồi từng giọt nước mắt to tí tách rơi xuống. Nhưng bà không nói gì cả. Cho đến tối, Hương Liên sụt sịt mãi rồi thiếp đi, suốt đêm em mơ màng cảm thấy bà cứ ngồi bên cạnh, bàn tay thô nhám của bà không ngừng xoa nắn chân em, lại còn cầm bàn chân em lên, đặt vào đôi môi mềm mà khô, có nhiều nếp nhăn của bà thơm mãi, thơm mãi.
Hôm sau là ngày bó chân.
Ngày bó chân, vẻ mặt bà thay đổi hẳn. Da mặt bà căng đến mức giật lên, mắt không ngó Hương Liên lần nào. Em cũng chẳng dám gọi bà một câu. Qua cửa nhìn ra ngoài sân thấy tình thế thật đáng sợ - cổng đóng chặt, cây gióng to chặn cứng. Con chó Mực lớn tướng cũng bị cột lại. Đôi gà trống hoa mơ mào đỏ chót không biết từ đâu ra, cẳng to bằng ngón tay cái bằng thừng buộc chặt, đang nằm nghiêng trên mặt đất ra sức nhảy lên. Bó chân mà bắt gà làm chi? Giữa sân bày một lô đồ vật: bàn thấp, ghế con, dao phay, kéo, hộp phèn, hộp đường, ấm nước, bông, giẻ rách. Những dải vải buộc chân cuộn thành cuộn đặt trên bàn. Vạt áo trứơc của bà gài mấy cây kim to dùng để khâu chăn, lỗ kim xâu chỉ trắng buông thõng trước ngực. Hương Liên tuy nhỏ tuổi cũng hiểu những của tội nợ bày trước mắt kia là dành cho em.
Bà ấn em ngồi xuống ghế con, tháo giày cởi tất em ra. Mắt Hương Liên đỏ mọng lên, em van xin:
- Cháu xin bà để đến mai hãy bó, mai nhất định cháu bó mà!
Bà hình như không nghe thấy, xách đôi gà trống lên, ngồi trước mặt Hương Liên, chập cổ hai con gà lại với nhau, chặn một chân lên, chân kia đè lên chân gà, tay túm lấy đám lông dưới ức gà vặt trụi rồi cầm dao phay lên, phập phập phanh bụng hai con gà ra. Máu chưa kịp trào, mỗi bên tay bà đã túm lấy một bàn chân Hương Liên nhét vào bụng gà, vừa nóng bỏng vừa dấp dính. Hai con gà chưa chết hẳn cứ giãy đành đạch dưới chân, Hương Liên sợ quá rút chân ra, bà liền quát như điên:
- Chớ động đậy!
Chưa từng nghe bà quát tháo bao giờ, Hương Liên ngớ người ra. Chỉ thấy hai tay bà ấn chân em, hai chân bà đè cứng đôi gà. Em run rẩy, gà run rẩy, chân tay bà cũng run rẩy, tất cả run rẩy cùng nhau. Vì để giữ cho chặt, bà rời ghế chổng mông lên rõ cao, Hương Liên chỉ sợ bà gượng không nổi, chúi đầu ngã vào người em.
Một lúc sau, bà buông tay bỏ chân em ra. Máu gà đỏ tươi nhỏ giọt dính nhơm nhớp. Bà vứt hai con gà to tướng ra một bên, một con đạp được hai cái là ngoẻo, con kia vẫn còn nhảy dựng lên. Bà kéo cái chậu gỗ lại, rửa sạch chân cho Hương Liên, lau khô, đặt trên đầu gối bà. Thế là sắp bó rồi. Hương Liên không còn biết nên la, nên gào, nên van xin hay nên giãy giụa, cứ ngó sững bà nắm chặt chăn em, chân phải trước, chân trái sau, tách riêng ngón cái ra, túm lấy bốn ngón chân còn lại, ra sức bẻ gập về phía gan bàn chân, xương kêu đánh "cách" làm em hoảng quá kêu "ối" một tiếng. Bà giũ dải vải bó chân ra buộc chặt lấy bốn ngón này. Hương Liên thấy chân mình biến dạng, chưa cảm thấy đau đã khóc òa lên.
Tay bà nhanh thoăn thoắt. Bà sợ Hương Liên làm dữ nên bó nhanh tay cho chóng xong. Dải vải bó chặt bốn ngón, quấn xuống lòng bàn chân, vòng lên mu bàn chân, kéo chặt ra sau gót rồi lại bó bốn ngón một vòng nữa. Đoạn bà lật ngửa bàn chân lên, lấy sức kéo về phía sau, bắt bốn ngón quặp hẳn vào lòng bàn chân. Hương Liên chỉ cảm thấy chỗ này đau, chỗ kia chặt, chỗ đó tức chỗ nọ gãy, nhưng bà không cho em kịp cảm nhận kĩ từng vị, cứ làm thật nhanh, quấn thêm hai vòng như trước. Sau đó bà kéo dải vải về phía trước, quấn kĩ ngón chân cái còn để chừa ra ngoài, rồi cứ từng lượt từng lượt từ trước ra sau, bó chặt cứng bốn ngón chân quặp vào lòng bàn chân, chặt như lấy kìm kẹp chặt, không thể động cựa một li một lai, nửa li nửa lai nào.
Hương Liên vừa sợ vừa đau, kêu thét lên như lợn ré. Đám trẻ con hàng xóm nghịch ngợm chen chúc ngoài cổng gọi nhau:
- Xem kìa, cái Hương Liên bó chân đấy!
Cửa bị đẩy rung ầm ầm, những hòn đất nhỏ từ ngoài ném vào trong. Con chó mực to vừa xông ra vừa nhảy lên, sủa về phía cửa, sủa cả về phía bà, cái cọc cột chó bị kéo nghiêng hẳn đi. Lông gà, bụi bặm trên mặt đất bay mù. Móng tay Hương Liên bấm vào cánh tay bà đến ứa máu, nhưng dù trời sập bà cũng mặc kệ, hai tay bà vẫn không ngừng bó, dải vải bó chân quấn qua quấn lại càng quấn càng ngắn dần. Đến đấu mút, bà rút kim xâu sần chỉ gài ở vạt áo trước xuống, khâu hàng trăm mũi đặc kín, rồi lấy đôi giầy nhỏ màu đỏ lắp vào chân em. Bà giơ tay vén những sợi tóc bết vào trán, thớ thịt trên mặt giãn ra, bảo Hương Liên:
- Xong rồi. Có đẹp không?
Hương Liên thấy đôi chân mình biến dạng ki quặc như thế, khóc càng thương tâm, nhưng em chỉ nức nở khan, không còn hơi để khóc thành tiếng nữa. Bà bảo em đứng dậy thử bước. nhưng hai chân vừa chạm đất đã đau đến mức em phải ngồi bệt ngay xuống, không đứng lên được nữa. Tối hôm ấy, hai chân nóng như lửa đốt, Hương Liên van nài bà nới vải bó một chút, nhưng bà vừa nghe đã sầm mặt lại. Đêm chịu không nổi, em phải gác chân lên bệ cửa sổ để gió đêm thổi cho đỡ nhức.
Ngày hôm sau chân càng nhức. Nhưng nếu không bước xuống đất mà đi, đầu bốn ngón không mòn đứt được thì chân nhỏ không thành hình. Mặt đằng đằng sát khí như quỉ dữ ở miếu thờ thành hoàng, bà cám chổi quét giường đánh em, quất em, kéo em xuống đất, em có xin tha, làm mình làm mẩy hay ra đều chẳng ăn thua. Em đành như con gà què, cả nhắc gượng đi trong sân, có ngã lăn ra bà cũng không cho nghỉ lấy một chốc. Em cảm thấy đầu ngón chân răng rắc đứt rời ra, những mảnh xương vụn cọ đi cọ lại vào nhau kêu kin kít, mới đầu buốt tận ruột, sau không còn thấy đau và cũng không còn thấy là mình nữa, vậy mà em vẫn cứ phải đi.
Hương Liên mồ côi cả cha lên mẹ từ thuở bé thơ, trên đời chỉ có bà là cưng em nhất. Nay chỉ chốc lát bà đã trở nên dữ dằn như vậy. Em thấy cô đơn như con chim non không nơi nương tựa. Một đêm, em nhẩy cửa sổ trốn ra ngoài, lần một mạch ra bờ sông Hàm. Không qua được sông mà cũng không còn sức đi được nữa, em cầm chân lên dùng răng dứt đứt vải bó, cởi ra xem. Dưới ánh trăng, hình thù bàn chân trông đến sợ. Em giúi bàn chân xuống đám bùn nhão không dám nhìn nữa, chỉ muốn cứ thế mà chết đi. Trời mờ mờ sáng, bà tìm thấy em, không mắng cũng chẳng đánh, cõng em về nhà, bó chân lại như cũ.
Không ngờ lần này bà bó càng ác, bẻ gập cả đốt chân liền với đầu ngón chân, bốn ngón quặp dưới lòng bàn chân càng ép sâu hơn nữa. Lần này bà bó càng chặt, càng nhọn và càng đau hơn. Hương Liên chỉ nghĩ là bà giận em bỏ trốn, quyết phạt em, có biết đâu đó chính là một khâu quan trọng bậc nhất trong phép bó chân. Gãy được đốt ngón chân mới thành một nửa, rụng cả xương ngón chân mới gọi là hoàn thành. Thế mà bà vẫn chưa vừa ý, ngày nào cũng cầm cái trục cán bột mì đập đánh, đau đến nỗi em kêu thét lên, vang ra cả bên ngoài. Bà lão họ ôn nhà ở đằng Đông chịu không nổi, đến mắng bà:
- Mụ làm cái gì thế? Lúc nhỏ xương mềm không bó, có đời thuở nào bảy tuổi mới bó, để cho con bé khổ sở đến như thế bao giờ! Mụ không hiểu hay sao mà cứ làm như vậy hả?
- Nếu chân con cháu tôi từ lúc sinh ra không nhỏ, không mềm, không sẵn có dáng đẹp, nếu tôi còn đợi được nữa thì hôm nay tôi cũng chưa ra tay...
- Đợi? Mụ đợi mà được à? Đợi đến lúc thịt dai xương cứng, cầm trục cán mì đánh đập nó mà thành dáng được chăng? Sao chẳng cầm dao đẽo cho rồi? Thôi đừng làm tội con bé nữa, chẳng còn cách nào nữa đâu, dáng được đến đâu hay đến đấy thôi!
Bà ngoại Hương Liên đã sẵn chủ ý nên không cãi lại nữa. Bà nhặt ít mảnh bát vỡ, đập vụn ra, đệm dưới bàn chân khi bó lại. Hễ em bước đi, mảnh bát vỡ cứa nát chân em. Mấu cán chổi của bà có vụt đen đét như thế nào, Hương Liên cũng không chịu nhúc nhắc nữa. Bị đòn còn hơn chân bị cứa đau. Bàn chân nát bó kín trong đám vải vỡ mủ ra. Mỗi tần thay vải bó, bao giờ bà cũng phải lôi tuột cả máu mủ lẫn thịt thối. Thực ra đó là cách bó chân có từ lâu đời ở nông thôn miền Bắc. Thịt có rữa, xương có gãy mới có thể thay hình đổi dáng như ý muốn.
Đến lúc này, bà không bắt ép Hương Liên bước xuống đất nữa. Bà gọi các cô, lớn có bé có, ở cạnh nhà đến chuyện trò bầu bạn với em. Một hôm, cô Ba nhà họ Hoàng ở mạn Bắc phố đến chơi. Cô này người cao to, bàn chân dài gần sáu tấc, ai cũng gọi là cô "chân voi". Vừa vào nhà nhác thấy bàn chân nhỏ của Hương Liên, cô kêu lên:
- Ái chà! Từ bé chưa thấy bàn chân nào như thế này. Vừa nhỏ, vừa nhọn, vừa thon, thanh tú đáng yêu thật đấy. Nếu cô tiên thứ bảy có thấy, nhất định cũng phải phục lăn. Bà em tài thật, nếu không, sao được gọi là "bà đại tài"?
Hoàng Liên giảu môi, nước mắt đã cạn từ lâu, chỉ mếu máo:
- Mẹ chị mới thương chị, không bó quá chặt cho chị. Em thà để chân to còn hơn.
- Chà chà, con bé chết tiệt này! Không mau mau nhố nước bọt đi, nhổ hết những câu bậy bạ đó đi! Mày thích chân to à, tao đổi ngay! Cho mày ngày ngày kéo lê đôi chân to như tao, ai nhìn thấy cũng cười, cũng mắng, gả cũng chẳng gả cho ai được. Dù mai ngày có ai lấy thì chắc chắn chẳng phải nhà tử tế gì. Có câu hát, em chưa nghe à? Chị hát cho em nghe nhé! "Bó chân nhỏ, lấy tú tài bánh bột trắng, thịt cá ăn hoài; bó chân to, lấy anh mù mắt, bánh bột cám hẩm xơi với ớt!" Nghe rõ chưa?
- Chị chưa phải chịu cái tội nợ này, nói mới dễ chứ!
- Chịu cũng chỉ chịu một lúc, cắn răng lại là qua được thôi. "Chịu khổ một lúc, đẹp cả một đời" mà lị! Đến lúc chân nhỏ bó xong, ai nhìn thấy cũng khen, lúc lớn lên nhờ đôi chân quý giá ấy mà ăn ngon mặc đẹp, hưởng cả đời không hết, thế có phải đẹp bao nhiêu, sướng bao nhiêu không?
- Nhưng mà đau lắm chị ạ.
- Nếu em cứ nhụt chí như thế, chị không đến thăm em nữa đâu! Muốn đẹp, muốn hơn người thì đừng sợ đau, đã sợ đau thì đừng mong đẹp, muốn cả hai thế nào được?
Cô "chân voi" không ngờ nói khích Hương Liên bằng câu đó đã giúp cô bé có sức mạnh. Em không kêu đau nữa, chỉ hỏi:
- Từ nay em còn chạy được không hả chị?
- Ngốc ơi là ngốc! Con gái chúng mình bó chân cốt để không chạy được. Em có thấy con gái lớn nhà ai suốt ngày xoạc cẳng chạy lung tung ngoài đường chưa? Trẻ con chưa bó chân, chưa phân biệt trai gái, bó rồi mới kể là con gái. Kể từ nay em không còn như trước nữa, bắt đầu có danh có giá rồi đấy.
Đôi mắt nhỏ của cô "'chân voi" nhíu thành hình trăng non, ánh mắt đầy vẻ thán phục.
Từ hôm ấy Hương Liên thay đổi hẳn. Hàng ngày em tự xuống giường, hai tay vịn chống vào mép giường, cạnh bàn, lưng ghế, khung cửa, mép vại, tường, thân cây, cán chổi để tập đi, nuốt nỗi đau lớn như trời đất vào bụng, miệng không bao giờ hé nửa câu mềm lòng thối chí. Lúc phải thay vải quấn chân, em cứ ngẳng đầu nhìn trời, tay phải cấu tay trái, răng cắn chặt lấy môi, mặc cho bà dứt đứt từng miếng da thịt dính máu mủ, không hề nhăn mặt nhíu mày. Thấy bộ dạng đó bà cũng ngẩn người ra, kinh ngạc không hiểu cô cháu gái do đâu mà gan lì đến vậy. Nhưng bà vẫn nghiêm nét mặt, kì cho đến khi chân em hết máu mủ, đóng sẹo và bong vẩy.
Ngày hôm ấy, bà mở rộng cổng, bà cháu mỗi người một cái chế đẩu ngồi ngay ngoài cổng. Người trên phố rất đông, quần xanh áo đỏ rực rỡ, các cô gái thoa son đánh phấn, ríu rít vào thành. Thì ra hôm nay là tết Trùng Dương, mồng chín tháng Chín âm lịch là ngày mọi người lên trên cao, qua bờ sông bên kia viếng lầu Ngọc Hoàng. Sau khi bó chân, hôm nay là ngày đầu tiên Hương Liên ra khỏi cổng. Trước kia em chẳng bao giờ để ý đến chân người khác, nay chân mình có chuyện mới ngắm nghía chân người. Bỗng em nhận ra, người không cùng nét mặt thì chân bó cũng mỗi người mỗi khác. Nét mặt có xấu, có đẹp có thô, có tinh tế, trắng, đen, sáng sủa, đôn hậu, ngờ nghệch, thông minh, thì chân bó cũng có to, có nhỏ, có bụ, có gầy, có ngay, có vẹo, phẳng, nhọn, thô kệch, khéo léo, nặng nề, nhẹ nhõm. Có một cô bé tuổi xấp xỉ em, đi đôi giầy bằng đoạn đỏ nhỏ như hai củ ấu, rất linh hoạt má giầy thêu hoa kim tuyến, mũi giầy đính hai quả cầu nhung xanh biếc, lại gắn hai cái nhạc bằng bạc, bước đi nhún nhẩy quả cầu nhung lắc qua lắc lại, nhạc loong coong vang lên. Em cầm chân mình lên so, đâu có bằng được. Em đứng ngay dậy trở vào nhà, cầm mớ vải bó chân ra đưa cho bà, nói:
- Bà cứ bó đi, bó chặt nữa cũng được, cháu muốn như bạn kia kìa!
Em chỉ cô bé đi đã xa. Không thấy vẻ mặt em, ai tin được một cô bé con lại quyết tâm đến thế. Đôi mắt già nua của bà đẫm nước mắt. Vẻ mặt hung dữ vài ba tháng nay lập tức biến mất để trở về với bộ mặt hiền từ như xưa. Khuôn mặt nhăn nheo của bà quay qua quay lại, chợt bà ôm chầm lấy Hương Liên khóc hu hu:
- Nếu bà mềm lòng thì lúc lớn con sẽ oán bà thôi!